Mạnh Kim: Nước chia hai đàng
Kiểm soát cả sinh hoạt cá nhân của nghệ sĩ và thậm chí hình ảnh buồng ngủ tư gia thì chỉ có thể là Trung Quốc và Việt Nam. Chuyện cờ vàng-cờ đỏ, một lần nữa được làm lớn chuyện, đến mức công an và Bộ Văn hóa phải vào cuộc. Tất cả cho thấy vấn đề chia rẽ dân tộc tiếp tục bị khoét sâu, khiến, thêm một lần nữa, người Việt hải ngoại có lý do rõ ràng để nói rằng “đừng tin những gì cộng sản nói” khi nhắc đến “hòa hợp-hòa giải”.
Nếu cần “làm rõ”, Bộ Văn hóa nên “làm việc” với chủ nhà nơi vợ chồng Ngọc Mai-Quốc Nghiệp đến ở tạm, rằng tại sao họ lại treo cờ vàng trong nhà! Việc quan trọng hóa vấn đề khi làm to chuyện, thậm chí rất to, với chủ ý “tạo dư luận”, bằng cách viết rằng vợ chồng Ngọc Mai-Quốc Nghiệp “vô tư nô đùa bên cờ ba sọc”, đã cho thấy sự việc bị đẩy lên một cách ngớ ngẩn lố bịch. Nó chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết và sự khước từ thực tế. Đơn giản vì cờ vàng hiện diện mọi nơi trong đời sống cộng đồng hải ngoại.
Không chỉ ở các sự kiện tưởng niệm 30/4, cờ vàng được treo khắp nơi, ở công viên, trong khu mua sắm, trong nhà riêng, ở tiệm ăn. Cờ vàng được sơn lên xe, được in làm decal, xuất hiện trên nón, cravat… Cờ vàng là biểu tượng văn hóa trong các sinh hoạt hội hè, lễ Tết. Cờ vàng là đại diện chính trị của cộng đồng trong những cuộc bầu cử địa phương khi người Việt giành lá phiếu với các cộng đồng khác màu da.
Áo dài cờ vàng và khăn choàng cờ vàng là hình ảnh thường thấy ở các buổi lễ tốt nghiệp trung học và đại học. Ở vài khu học chánh tại Nam California, cờ vàng còn hiện diện trong chương trình giáo dục và sách giáo khoa… Một cách tổng quát, sự tồn tại của cờ vàng đã là một phần của đời sống xã hội lẫn chính trị cộng đồng của người Việt hải ngoại suốt nửa thế kỷ.
Cờ vàng không chỉ có mặt ở Mỹ. Tại hầu hết cộng đồng hải ngoại nơi có đông người Việt tỵ nạn tha hương, nói chung là nạn nhân của cộng sản sau 1975, người ta đều treo cờ vàng. Trừ vài nước Đông Âu, cộng đồng người Việt ở Úc, Canada… đều treo cờ vàng.
Những gì vừa nói là sự thật. Là “fact”. Dữ liệu thực tế. Không phải là “cảm nghĩ” cá nhân. Bất cứ “cán bộ cộng sản” nào đi nước ngoài thường xuyên chắc chắn thấy điều này. Đáng lý họ phải “ráng mà hiểu” tại sao cờ vàng hiện diện sâu trong đời sống người Việt hải ngoại. Phải tìm hiểu thấu đáo.
Và nên thừa nhận thực tế rằng sau 50 năm, cờ đỏ vẫn thất thủ trước cờ vàng, trong hầu hết cộng đồng đông người Việt nhất. Đây hiển nhiên là một fact. Không nên tự dối mình và bác bỏ. Cho đến nay, cờ đỏ – lá cờ được treo trong Liên Hợp Quốc, được gắn trên xe phái đoàn ngoại giao đến Washington DC, được đặt trên bàn làm việc “đối tác nước ngoài” – vẫn không thể có mặt một cách công khai trong cộng đồng hải ngoại.
Đó là lý do mà luật sư Trần Thái Văn, một nghị sĩ thâm niên trong cộng đồng người Việt ở Nam California, nói với tôi rằng ông tin cờ vàng vẫn luôn tồn tại (trong cuộc phỏng vấn trực tiếp vào tháng 4-2023). Ông Trần Thái Văn nhấn mạnh, trong các cộng đồng người Hoa ở Mỹ, sức mạnh chính trị của Trung Cộng đã hiển hiện, với việc cờ Trung Cộng đang được treo nhiều nơi, chứ không phải cờ Đài Loan. Điều đó đã không xảy ra, không thể, trong cộng đồng người Việt.
Một cách công bằng, cộng đồng hải ngoại cũng “kiểm duyệt” cờ đỏ với cùng cách thế mà cờ vàng bị đối xử trong nước. Gần như không tờ báo hải ngoại nào dám đăng hình cờ đỏ, dù có khi chỉ “minh họa” cho một sự kiện chẳng hạn chiến thắng bóng đá. Và chắc chắn một nghệ sĩ hải ngoại sẽ gặp rắc rối to nếu “vô tư nô đùa bên cờ đỏ”. Tuy nhiên, cần phân định rạch ròi. Việc khước từ cờ đỏ của người hải ngoại xuất phát thuần túy từ sự căm ghét mang tính tâm lý cá nhân. Đó là lá cờ gợi nhắc đến những gì và những ai gây ra khổ đau và mất mát (từ vật chất đến người thân) mà họ phải gánh chịu.
Không chỉ thù ghét “cộng sản quá khứ”, cộng đồng hải ngoại cũng thù ghét “cộng sản hiện tại”. Mô hình chế độ độc tài còn sờ sờ. Hệ thống chính trị tiếp tục thối nát. Giáo dục mỗi lúc mỗi tệ. Không ai có thể tự bịt mắt để không thấy và nói đó là những đơm đặt. Nếu Việt Nam hiện thời ngang bằng Singapore hoặc Hàn Quốc, sự biện minh cho lý do căm ghét cộng sản có thể phần nào giảm sức thuyết phục.
Và do là “vấn đề cá nhân”, nên cần nhấn mạnh, không phải ai trong cộng đồng hải ngoại cũng quý cờ vàng, dù có thể họ cũng không ưa cờ đỏ. Một số nhân vật “trí thức cấp tiến” trong cộng đồng thậm chí không chọn đứng chung hàng ngũ với những người VNCH thuộc thế hệ cựu trào.
Trong khi đó, việc kiểm duyệt cờ vàng đối với chế độ cai trị là chủ trương, nhằm nhắc nhớ họ là kẻ chiến thắng. Ở đây không là chuyện thù ghét, mang tính tâm lý con người, của vài hoặc nhiều cá nhân. Mà là chính sách của một chế độ. Trong bài viết vụ Ngọc Mai-Quốc Nghiệp trên Người Lao Động ngày 29-5-2024, tác giả Thùy Trang thậm chí dùng cách nói cũ kỹ quen thuộc: “Lá cờ ba sọc đỏ – biểu tượng của ngụy quyền Sài Gòn”. Người viết câu này, hoặc được dạy để viết một cách vô ý thức như vậy, không chỉ thiếu hiểu biết. Khi tiếp xúc cộng đồng, một nghị sĩ người Mỹ – dù có thể trước đó vừa tiếp một phái đoàn ngoại giao (cộng sản) Việt Nam – không bao giờ có thể dám đưa ra một phát biểu cực kỳ ngu dốt với cộng đồng người Việt rằng họ phải treo cờ đỏ, thay vì cờ vàng, “bởi nó là biểu tượng của ngụy quyền Sài Gòn”.
Cờ vàng không chỉ là biểu tượng. Giá trị tinh thần lớn nhất của cờ vàng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, sau nửa thế kỷ, là gì? Nó là thứ gần như duy nhất, từ đó, có thể giúp giải thích với thế hệ trẻ rằng tại sao cha ông họ phải “đến đây” và tại sao họ không được sinh ra trên quê hương mình.
Làn sóng mới của di dân người Việt đến Mỹ để học và làm ăn chưa bao giờ giảm. Lớp người mới đang lấn mạnh vào lĩnh vực kinh doanh. Có những người thậm chí đi thẳng qua Mỹ từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Họ mở nhà hàng, lập cơ sở làm ăn, xây dựng đối tác thương mại với người trong nước… Hẳn nhiên chính quyền trong nước biết rõ điều đó. Nơi phổ biến mà những người đến sau chọn định cư dĩ nhiên là những địa điểm đông người Việt. Và họ đang sống chung với cờ vàng. Chưa hết. “Việt Cộng nằm vùng” ở Mỹ có không? Nếu có (thậm chí chắc chắn có), họ cũng đang sống với cờ vàng.
Đừng nói chính quyền trong nước không muốn chinh phục cộng đồng hải ngoại, theo cách tương tự Trung Cộng đang kiểm soát và gây ảnh hưởng lên cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. Luôn thèm được nhìn nhận thật sự là kẻ chiến thắng, chính quyền cai trị không cần tự hạ thấp “danh dự” bằng việc duy trì “văn hóa so đo” với cờ vàng. Hành vi này rất thấp kém đối với một thể chế đang cai trị.
Càng hành xử như vậy, chính quyền càng trao cho phe cờ vàng sự chính danh của riêng họ, để họ có thể nói rằng cờ đỏ chẳng bao giờ đủ tư cách để so với cờ vàng, ít nhất về mặt (giành được) nhân tâm, trong cộng đồng. Bằng việc áp dụng thuần thục mô hình cai trị rập khuôn Trung Quốc, từ chính sách công an trị đối với người dân nói chung đến việc thao túng-quản lý sinh hoạt của nghệ sĩ nói riêng, chính quyền đã đương nhiên trao cho phe cờ vàng lý do để họ tiếp tục nuôi sự thù ghét cờ đỏ.
Cuối cùng, nếu vẫn “nhạy cảm” và nhỏ nhen trong việc ứng xử với một “biểu tượng”, cờ đỏ và cờ vàng vĩnh viễn là câu chuyện của “nước chia hai đàng”. 50 năm trước là xung đột Bắc-Nam, 50 năm sau là lằn ranh Việt Nam-hải ngoại. Có dân tộc nào, nói với nhau cùng một thứ tiếng, vẫn “chia hai đàng” sau nửa thế kỷ kể từ lúc chấm dứt tương tàn?
PS: Câu “nước chia hai đàng” được lấy ý từ quyển “Việt Nam nước chia hai đàng”, bản dịch xuất sắc của ông Lê Tùng Châu, từ bản gốc “Making Two Vietnams” (Studies of the Weatherhead East Asian Institute, Columbia University) của tác giả Olga Dror. Khai thác đề tài chiến tranh Việt Nam bằng góc nhìn văn hóa, “Making Two Vietnams” phân tích sự khác biệt về chính sách giáo dục và văn hóa đã tạo ra “hai nước Việt Nam” khác nhau với mức độ chênh lệch như thế nào. PDF bản gốc lẫn bản dịch đều có trên mạng, có thể tải đọc miễn phí. “Việt Nam nước chia hai đàng” là quyển sách rất đáng đọc.