Ngô Nguyên Dũng: Bây Giờ, Ở Đâu?

“Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu…”

(“Bấy Giờ, Em Ơi”, thơ Duyên Anh)

Cố nhà văn Duyên Anh  (1935 – 1997). Ảnh: Phan Nguyên Psg 

Một sáng tháng năm, trời giăng mây, chúng tôi vừa tới thì mưa rơi. Lâm râm một lát, rồi ngưng.  

Văn Thánh Miếu tỉnh lỵ nằm trong một công viên cây cảnh cắt tỉa gọn gàng, cạnh con kênh ốm của dòng Cổ Chiên. Nước lớn mấp mé bờ. Dăm ba giề lục bình trôi biếng nhác. Dãy nhà bên kia sông chênh vênh cao thấp, mái ngói cũ, ngó tựa bức tranh vụng về bày bán vỉa hè. Thành phố quê Nam nầy là quê ngoại của tôi. Trở lại lần này sau chiến tranh và hơn nửa thế kỷ xa quê hương, tôi bùi ngùi nhận ra những dòng sông, những con đường, những đồng lúa lấp lánh màu nắng nhiệt đới trong ký ức đã không còn như xưa. Tất cả đã thay đổi, như có ai vung tay xóa sạch, rồi sắp xếp lại một cách vụng về.   

Chỗ họp mặt ra mắt tuyển tập thơ truyện của thi văn đoàn thành phố là một góc nhà tiếp tân của Văn Thánh Miếu. Sàn nhà  lót gạch nung, ám tối. Chỉ những cánh cửa sổ nơi chúng tôi ngồi được mở bung. Luồng ánh sáng một ngày thiếu nắng nhệch nhạt lách vào. Bàn ghế gỗ dầy, trầy sướt dọc ngang. Hiện diện hôm ấy đâu chừng mười hai, mười ba người. Chỉ thấy vài vị ở tuổi trung niên. 

Tôi ngồi chưa ấm chỗ thì hai người bước vào. Một đàn ông ngồi xe lăn và một đàn bà, dường như là vợ chồng. Ông điều khiển xe lăn tới ngồi đầu bàn, bên cạnh tôi. Người đàn bà trang điểm nhẹ, quần áo tươm tất, không như người đàn ông gầy guộc, lọt thỏm trong chiếc quần dài, áo sơ-mi màu cháo lòng. Da ông nâu đen, tóc bạc thưa sợi, hai vòm mắt sâu, đôi má hóp, miệng móm mém, lúc nói để lộ hàm răng ít chăm sóc, rụng mấy cái. 

Chúng tôi bắt tay chào hỏi nhau.

“Tui tên Tri”, ông cất giọng ngọng nghịu. “Mấy năm trước tui bị đột quỵ, ngồi xe lăn từ đó tới giờ.”  

Tôi tự giới thiệu tên và gốc gác. Đầu bàn bên kia, ban chấp hành thi văn đoàn thành phố đang bắt đầu chương trình họp mặt và ra mắt tuyển tập thi văn của hội viên. 

“Ông bắt đầu viết khi nào?”, ông Tri nhướng mắt hỏi nhỏ, mép miệng sùi chút bọt trắng.

“Đâu chừng mười ba, mười bốn tuổi gì đó”, tôi trả lời nhát chừng. 

“Ông viết chơi hay có gởi đăng báo ở đâu không vậy?”

“Có, cho trang Búp Bê của nhà văn Duyên Anh chăm nom trong nhật báo Sống.”

Bất chợt, tia mắt người đàn ông rực sáng, ngó tôi đăm đăm, rồi lắp bắp:

“Trời ơi, tui… tui… hồi đó cũng là… là… búp bê như ông…!”

*

Tòa soạn nhật báo Sống thuở ấy nằm gần góc đường Gia Long, bây giờ đổi thành Lý Tự Trọng, và Thủ Khoa Huân. Bàn làm việc của nhà văn Duyên Anh ở tầng hai. Hôm ấy, sau một khoảng thời gian đắn đo, thấp thỏm, cậu nhỏ bấm gan tới tòa soạn, trao tận tay bài viết người chăm sóc cây cảnh cho khu vườn thơ văn Búp Bê, được chia một nửa trang trong nhật báo Sống, chủ nhiệm là nhà văn Chu Tử. 

Từ bên dưới, cậu nhỏ loắn xoắn leo lên tầng hai theo bậc thang gỗ mòn nhẵn, lem luốc mực in ở phía sau, chỗ mấy cỗ máy in vang tiếng rầm rập. Vài ống đèn nê-ông soi sáng lờ nhờ. Lồng ngực cậu rối nhịp hồi hộp theo từng bước chân. 

Bàn viết của nhà văn Duyên Anh đặt gần cửa sổ. Lúc cậu đến, thấy ông đang ngồi viết, điếu thuốc cháy dở gác ngang gạc tàn. Khuôn mặt ông sáng sủa, điển trai, vóc người ốm mỏng. Ông mặc áo sơ-mi ngắn tay màu vàng cam. Theo lời đùa bỡn của đồng nghiệp phổ biến trên báo, ông là người ăn mặc “màu sắc” nhất trong tòa soạn. Cậu bước lại, lí nhí chào ông và trịnh trọng trao ông bài thơ búp bê viết tay trên trang vở học trò gấp tư.

“Cậu là búp bê gì nhỉ?”, ông ngẩng đầu hỏi. Nét mặt không chút biểu cảm.

Cậu lại lí nhí tự giới thiệu, rồi vội vã gật đầu chào ông, quay lưng. 

Vẫn những bậc thang gỗ mòn nhẵn, lem luốc, vẫn bầu không gian nồng nặc mùi mực in khi nãy. Nhưng mọi thứ dường như khang khác, sau khi hội ngộ nhà văn mà cậu hằng yêu mến. Nhiều tháng qua, cậu đã dành dụm tiền ăn quà để tìm mua vài quyển sách khởi nghiệp viết về tuổi thơ của nhà văn Duyên Anh, đem về nghiền ngẫm từng dòng, từng chữ. “Hoa Thiên Lý”, rồi “Thằng Vũ”. Và khi đọc được mẩu quảng cáo tiểu thuyết “Điệu Ru Nước Mắt” sắp phát hành, cậu lại chắt chiu tiền quà vặt mỗi ngày, chờ mua. Cậu lại nghiền ngẫm uống từng dòng, từng trang chữ như trẻ nhỏ bú mớm bầu sữa văn chương. 

Cho tới bữa nọ, cậu biết thêm, ngoài bút danh Duyên Anh, ông có thêm một cái tên khác: Thương Sinh.

Tâm tư cậu nhỏ thoáng ngỡ ngàng, như vừa  tình cờ thấy ra diện mạo của đào kép đóng tuồng, sau khi bôi sạch son phấn điểm trang. Thương Sinh, tác giả của những bài biếm luận đả phá những tệ nạn xã hội và công kích những nhân vật tăm tiếng trong giới chính trị cũng như văn nghệ, khi tháo mặt nạ, hóa thành một Duyên Anh với lời lẽ ân cần, vô cùng dịu dàng khi viết về “Đêm Dài Một Đời” của Lê Tất Điều hoặc “Chim Hót Trong Lồng” của Nhật Tiến. Với cảm tình chủ quan, Duyên Anh đeo mặt nạ Thương Sinh khen tặng không tiếc lời sắc đẹp cô ca sĩ này hay miệt thị xướng ngôn viên kia qua những chương trình ca nhạc trên truyền hình số 9, và đả kích khe khắt quyển tiểu thuyết “Vòng Tay Học Trò” của Nguyễn thị Hoàng. Thương Sinh cũng nhạo báng những nam thanh niên để tóc dài, diện áo sơ-mi bó, quần ống loe theo thời trang “híp-pi”, nghe nhạc Beatles, Rolling Stones, gọi họ là những người để “tóc lông gáy”, mà cậu là một trong số đó. 

Tuy nhiên, không vì vậy mà cậu nhỏ ngưng mến mộ nhà văn Duyên Anh. Cậu vẫn mải miết tìm đọc những tác phẩm của ông. Dần dà ý thức và sở đọc của cậu trưởng thành theo thời gian, cậu nhận ra diện tích giới hạn của văn chương ông so với những nhà văn khác cùng thời. Tâm tư cậu nhú mầm những khúc mắc khó định nghĩa, đắn đo hoài nghi giữa một Duyên-Anh-khí-khái-vị-tha và một Thương-Sinh-vặt-vãnh-ác-nghiệt.          

Cho tới lúc nọ, nhà văn chủ nhiệm Chu Tử, tác giả quyển tiểu thuyết “Yêu” dậy sóng một dạo, với bút danh Kha Trấn Ác qua những bài biếm luận trong mục “Ao Thả Vịt” đăng trang nhất nhật báo Sống, cũng là nhân vật gây thù kết oán với nhiều người trong bối cảnh chính trị rối ren lúc bấy giờ, bị kẻ lạ bắn trọng thương. Sau đó, nhật báo Sống được sang lại cho người chủ nhiệm mới. Khu vườn thơ văn Búp Bê có người bón quén mới, chị Tâm Thanh. Nhà văn Duyên Anh chuyển sang làm việc cho nhật báo Công Luận, tòa soạn tọa lạc trên đường Thủ Khoa Huân, cho ra đời trang thi văn Tuổi Ngọc, với sự trợ giúp đắc lực và hiệu quả của nhà văn Đinh Tiến Luyện. Trong nhật báo này, không hiểu vì lẽ gì, Thương Sinh viết bài nhạo báng chị Tâm Thanh không thương tiếc.   

Cậu nhỏ, dẫu bận rộn chuyện học hành thi cử, vẫn nhẫn nại sáng tác thơ truyện gởi cho cả hai tờ báo…

Cho tới ngày cậu từ giã quê nhà, lên đường du học.

*

Ngôi nhà và sân vườn lọt thỏm nằm ven đường trải nhựa đắp cao. Con sông nước ròng, ốm khảnh, bờ loe hoe vài gốc dừa nước không trái, đáy bùn trần trụi dưới nắng trưa. Chị Ba ra đón chúng tôi, nụ cười héo hắt trên gương mặt khắc khổ. 

Chị Ba là chị họ bên ngoại tôi, quê quán nơi đây. Thuở nhỏ, tạng người chị thấp, nên còn có tên chị Lùn. Chị được ba má tôi đem lên Sài Gòn giúp việc và trông chừng anh chị em tôi. Thời thơ ấu, tôi ngủ chung với chị Ba ở nhà dưới. Giường ngủ kê cạnh bàn thờ Phật, thắp ngọn đèn đỏ leo lét ngày đêm. Ngày ngày chị phải thức sớm, chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà. Có năm tiểu học, tôi phải thức cùng chị lúc trời còn tối mịt, được chị dắt ra chợ, mua một ổ bánh mì kẹp thịt cho tôi đem tới trường ăn lót bụng. Hôm nào tôi cũng dặn dò, trưa nay chị nhớ tới đón em nhe! Trước khi về nhà, chị ghé ngang chợ mua trái cây về ăn tráng miệng. Thỉnh thoảng, thấy có người bày bán đổ đống ảnh chụp tài tử, chị kéo tay tôi sà xuống. Ảnh chân dung đen trắng, rìa răng cưa. Tấm nào cũng được người chụp chỉnh sửa, tô thêm hàng mi cong, đôi chân mày vành nguyệt, lọn tóc móc câu bên thái dương. Chị mua về dán trong tập bìa cứng. Bởi chị học ít, viết chữ xấu, nên nhờ chị ruột tôi viết chữ đẹp, kẻ tên nghệ sĩ lên tập ảnh. Nhiều nhất là ảnh kỳ nữ Kim Cương, sau đó là người đẹp Bình Dương Thẩm Thúy Hằng, rồi Thanh Nga, Bích Sơn, kịch sĩ Vân Hùng, La Thoại Tân, … Có một tấm chụp kép cải lương Ngọc Thái giả gái Ấn độ, điểm trang đậm, tô chấm tròn giữa hai chân mày, sà-rong vắt chéo một bên vai, vai kia để trần, cánh tay điệu đà giơ lên sau gáy… Lần nào cũng vậy, lật tới trang dán tấm ảnh nghệ sĩ Ngọc Thái, mấy chị tôi đều bụm miệng khúc khích.

“Dị hợm vậy mà bà cũng mua.”

“Thấy ngộ, mua về để dành coi chơi”, chị Ba chống chế.

Sau 1975, để tránh chuyện đi vùng kinh tế mới, ba tôi khuyên chị trở về quê. Tại đó chị lập gia đình với một người đàn ông góa bụa, có bốn con ở tuổi trưởng thành đã có gia đình và ra riêng.  

Chúng tôi tới thăm chị lần này là lần thứ hai. Chồng chị vừa qua đời vài tháng trước. Tôi lên nhà trên, thắp nhang bàn thờ người quá cố. Ngôi nhà còn mỗi mình chị lặng lẽ, lủi thủi khép mở, thiếu dương khí, đặc quánh nỗi quạnh quẽ, giơ tay sờ được. Mảnh vườn rộng, lần viếng thăm trước còn thấy nuôi gà, vịt cả bầy thả rong, náo động oang oác, bây giờ không thấy đâu. 

Chúng tôi ra ngồi bên hiên nhà, uống trà. Cái nóng oi bức khiến tôi buồn ngủ. Tôi tháo xăng-đan, thẳng lưng nằm lên ván. Chị Ba đưa cho tôi cái gối kê đầu. Tôi khép mắt, tai nghe tiếng chị Ba và anh chị tôi chuyện vãn, văng vẳng như vọng lại từ cõi xa xăm nào. Trong gian nhà thoảng hương nhang, còn vướng vất vong linh người quá cố, tôi thoắt rùng mình hóa thành trẻ nhỏ. Tôi nhớ tới những người bạn thơ văn Búp Bê ngày xưa, biết nhau qua bút hiệu hoặc thư tín, nhưng chưa một lần gặp mặt. Ký ức tôi bật ra những cái tên: Muguet, Cartouche, Trưng Vương, Song Nguyễn, Kim Loan, Ngọc Thúy, Kiều Lệ Thu, … và nhà văn Duyên Anh.

Một khoảng thời gian sau 1975, tôi đọc được tin nhà văn Duyên Anh vượt biên và định cư tại Pháp. Nơi đó, ông cầm bút trở lại. Ngoài văn xuôi, ông còn làm thơ, viết nhạc. Văn giới ngoài nước dấy lên những tin đồn tiêu cực về ông trong những năm tù cải tạo. Và rồi, trong một lần sang Mỹ, ông bị kẻ lạ mặt hành hung trọng thương, thành phế nhân từ đó. Ông qua đời năm 1997 tại Paris.

*

Đã có lần tôi tìm đọc lại một vài truyện ngắn trong “Hoa Thiên Lý”, tập truyện đầu tay của nhà văn Duyên Anh . Ngày xưa ấy, truyện ngắn “Con Sáo Của Em Tôi” đã khiến tôi xúc động đến rơi nước mắt. Vậy mà giờ đây, chẳng hiểu sao, gấp sách lại, cảm xúc tôi không giống như xưa. Tôi nhận ra điều gì đó không thật… Và, bất chợt, trong trí tôi bật ra ý tưởng: “Chính Thương Sinh là người đã giết chết Duyên Anh, chứ không ai khác.”

Có phải đó là:

“Bây giờ em mới biết

Em đã chết từ lâu.” (*)

Ngô Nguyên Dũng 

(Đức, 08.2024) 

(*) Trích từ thi phẩm “Bấy Giờ, Em Ơi”, Duyên Anh, được cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “Có Bao Giờ Em Hỏi”.