Ngô Nhân Dụng: Tưởng nhớ Hoàng Ngọc Tuệ
Anh Hoàng Ngọc Tuệ là một người tốt. Từ khi quen biết nhau, trong 60 năm, tôi chưa nghe anh nói một lời nào xấu về những người không có mặt. Chưa bao giờ thấy anh tỏ ra nóng nẩy giận dữ – cùng lắm cũng chỉ nhướn mắt lên hỏi một câu. Cũng không thấy anh có ý kiến làm hại ai cả. Nếu những người chung quanh toan tính một điều gì bí mật, thường anh và tôi không được tham dự. Có lần Đỗ Ngọc Yến với tôi nói với nhau rằng, “Ông Tuệ là con người làm bằng thủy tinh.” Mọi người có thể nhìn qua suốt qua con người ông ấy, không có cái gì giấu kín trong đó.
Khi trò chuyện chúng tôi vẫn gọi Hoàng Ngọc Tuệ là “ông.” Vì Tuệ lớn tuổi nhất, hơn Yến 10 tuổi, hơn tôi bẩy tuổi. Trong đám bạn bè gặp gỡ và làm việc chung với nhau từ năm 1994, những người đồng lứa với Tuệ như Đoàn Thanh Liêm, Hồ Ngọc Nhuận, ít khi gặp mặt, chúng tôi cũng dùng chữ “ông” như vậy. Đỗ Anh Tài (phiên họp nào cũng đặt ra một, hai “vấn đề tiên quyết”); Nguyễn Phúc Khánh (luôn nhắc nhở, “không bàn nữa, làm việc đi”); cả hai kém Tuệ mấy tuổi nhưng cũng được gọi là “ông.” Trần Văn Ngô trẻ hơn nhưng chắc chắn phải dùng chữ “ông” vì Ngô tánh tình cẩn trọng, chững chạc từ lời nói đến y phục; chỉ phát biểu sau khi suy nghĩ rất kỹ và lúc nào cũng trọng các nguyên tắc. Hơn nữa, Ngô lúc nào cũng gọi các bạn là “ông” hay “bà” dù họ còn trẻ, còn Tuệ chỉ gọi các bạn là “anh” hay “chị.” Dù gọi nhau là “ông” hay “bà” nhưng vẫn coi là cùng một thế hệ, không có ý phân biệt, xa cách.
Đám thanh niên chúng tôi gặp nhau từ năm 1964, lúc các sinh hoạt đoàn thể của giới trẻ “bùng nổ” trong các đô thị, Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, vân vân. Cũng vì cùng thời gian đó “xã hội công dân” (civil society) có cơ hội phát triển rất mạnh ở miền Nam Việt Nam nhờ chế độ chính trị cởi mở hơn – trùm gián điệp Edward Lansdale đã viết trên báo Foreign Affairs một bài về hiện tượng này. Trong không khí 1964 đó, anh Hoàng Ngọc Tuệ đã nạp đơn thành lập một “Phong trào Học đường Phục vụ Xã hội.” Trước năm 64, số hội đoàn thanh niên, sinh viên rất hiếm. Tôi đi Hướng Đạo, một phong trào giáo dục đã ra đời từ thời 1930, đến thời Quốc trưởng Bảo Đại. Ngoài ra có Gia đình Phật tử hoạt động trong các chùa; có các đoàn Hùng Tâm Dũng Chí và thanh niên Công Giáo. Hoàng Ngọc Tuệ cũng đi Hướng Đạo ở Huế, khi vào Sài Gòn mới nghỉ để hoạt động với Sinh viên Công Giáo và Thanh Sinh Công. Môi trường Tuệ hoạt động là Câu lạc bộ Phục Hưng, do Dòng Đa Minh lập làm nơi cư ngụ cho các sinh viên xa nhà. Chắc anh và Đỗ Anh Tài, Nguyễn Phúc Khánh, Hồ Công Hưng, … đã được “Cha Crass” khuyến khích.
Linh mục Alexis Crass là một nhân vật rất đáng yêu, đáng kính trọng. Cha dậy tôi hai năm liền ở Đại học Sư Phạm Sài Gòn, ban Việt Hán. Một năm học về sách Trung Dung của Khổng Tử, năm sau học cuốn “Qu’est ce que la Métaphysique” (Siêu hình học là gì), cuốn sách mỏng về triết lý hiện sinh của Martin Heidegger. Cha Crass thông thạo chữ Hán và tiếng Việt hơn tất cả các sinh viên chúng tôi. Dù giọng nói còn “lơ lớ” nhưng cha thấu hiểu văn pháp và từ vựng, đúng là một bậc thầy. Nghe học trò nói chuyện, có khi ông lắc đầu, nhắc nhở: “Người Việt Nam không nói như vậy!” Yêu cầu ông giải thích chúng tôi mới thấy mình có lúc dùng sai tiếng Việt, do ảnh hưởng đã đọc tiếng Pháp hay tiếng Anh.
Chắc ở trong Câu lạc bộ Phục Hưng Hoàng Ngọc Tuệ đã được Cha Crass khuyến khích hoạt động sinh viên và thanh niên vì Tuệ thuộc lớp tuổi đàn anh so với các bạn khác. Năm 1964, “Phong trào Học đường Phục vụ Xã hội” mở rộng ngoài các đoàn thể Công Giáo, quy tụ các giáo chức và học sinh trung học. Dù anh không thuộc hai thành phần đó nhưng bạn bè tham dự rất nhiều, bắt đầu là các cựu sinh viên ở Phục Hưng đã sinh hoạt với Tuệ. Phong trào mượn được một căn nhà làm trụ sở, ở “Hẻm Cá Hấp” không xa chợ Bến Thành, thu hút các giáo chức và học sinh, các thành viên mới, sau khi cùng làm việc xã hội. Tuệ tốt nghiệp dược sĩ, đã hùn vốn mở tiệm thuốc, rồi bị động viên vào quân đội, nhưng không bao giờ bỏ được cái nghiệp “hoạt động thanh niên.” Tuệ cùng các bạn lập ra “Phong trào Phục vụ” nhưng không thể trực tiếp hoạt động vì vẫn là một sĩ quan quân dược, có lúc ở trên cao nguyên. Khánh, Tài, Nhuận và Trần Đại Lộc, Đỗ Ngọc Yến, Trần Viết Ngạc, Hồ Công Hưng và chúng tôi thường dẫn các học sinh đi làm công tác. Các em đi về miền thôn quê, đắp lại các con đường vỡ lở hoặc lầy lội, tu sửa hoặc xây thêm các phòng cho một trường tiểu học, trung học, vân vân. Tôi còn nhớ đã đi các trại công tác ở Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, Vũng Tàu. Trong thời gian đó, các bạn Trần Ngọc Báu, Trần Văn Ngô, Nguyễn Hy Văn, Lê Kế Tông, Phạm Thị Thân, vân vân. hoạt động trong các hội Thanh Niên Thiện Chí, Thanh niên Chí Nguyện. Các đoàn thanh niên Hòa Hảo, Cao Đài cũng công khai sinh hoạt mạnh.
Hoạt động đoàn thể của giới trẻ bắt đầu lên cao năm 1964, vì họ thi hành “quyền lập hội,” một thứ quyền đã được pháp luật cho phép từ lâu. Chỉ cần hai người trưởng thành đứng tên xin với bộ Thanh Niên là có thể lập hội, sau khi được điều tra tư pháp thấy chưa bao giờ phạm tội. Những hội đoàn không dành cho giới thanh niên thì phải nạp đơn với bộ Xã hội hoặc bộ Nội Vụ; các công đoàn phải đi qua bộ Lao Động, khó khăn hơn; từ năm 1964 luật lệ cũng được nới lỏng.
Tuy không trực tiếp “đi trại công tác” nhưng mỗi lần về Sài Gòn là Hoàng Ngọc Tuệ vẫn hoạt động rất tích cực. Một việc anh hay làm là họp với các đoàn thể thanh niên khác, bầy ra các chương trình công tác chung. Tôi còn nhớ đã đưa “Phong trào Phục vụ” vào dự một “Liên hội Công tác Nông thôn,” với Hội Thanh Niên Thiện Chí, đầu năm 1964.
Sinh hoạt chung đó tạo mầm móng cho một công tác lớn là “Cứu Lụt,” tháng 10 năm 1964 một trận bão lụt hiếm có đã tàn hại các tỉnh miền Trung. Nhiều đoàn thể thanh niên có mặt trong vụ Cứu Lụt này. Học sinh khắp nước đi lạc quyên cứu lụt. USAID của Mỹ tặng rất nhiều thực phẩm, quần áo, mền, mùng, vân vân. Chúng tôi đã gặp Bác sĩ Phan Quang Đán, bộ trưởng Xã hội, ông tiếp đón rất thân mật và chấp nhận sẽ huy động guồng máy công chức của bộ chuyển các “phẩm vật cứu trợ” cho các toán sinh viên, học sinh đem phát tận tay đồng bào nạn nhân của Cơn Bão Năm Thìn. Ông cũng vận động có máy bay chuyên chở. Trần Đại Lộc, Đỗ Ngọc Yến và tôi đưa hơn 100 sinh viên học sinh, chia làm hai toán đi khắp tỉnh Bình Định trong hai tuần. Đi qua Phù Cát, Phù Mỹ còn lo bị Việt Cộng giật mìn hay bắn sẻ. Khi chúng tôi đang công tác ở Hoài Ân và Bồng Sơn thì Việt Cộng đang tấn công quận An Lão gần đó. Phạm Doãn Huề, sinh viên dược khoa, phụ trách giúp các đồng bào tị nạn ở Quảng Ngãi. Có lúc nhà vệ sinh bị tắc nghẽn, Huề hết sức chữa không được, đã thò tay vô bồn cầu móc hết rác rưởi ra cho thông. Nhưng khi đoàn học sinh mang thức ăn và quần áo tới một làng còn đang ngập lụt, một người đàn ông đã yêu cầu dân chúng không được nhận. Anh ta đổ cả bao gạo xuống ruộng nước vì trên bao viết Mỹ Viện Trợ! Ai cũng đoán anh là một cán bộ cộng sản.
Trong công tác cứu lụt, một quy tắc chúng tôi đặt ra là các sinh viên, học sinh phải tự túc thức ăn, không được dùng các “thực phẩm cứu trợ!” Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Văn Ngô và các bạn khác ở lại Sài Gòn lo đi xin tiền mua thức ăn cho các toán công tác.
Công tác Cứu Lụt cuối năm 64 tạo cơ hội cho các đoàn thể họp lại trong Chương trình Công tác Hè 65. Hơn 40 người thuộc nhiều đoàn thể đứng ra thành lập; buổi họp đầu tiên ở trụ sở Sinh viên Phật tử, có Trần Thị Thức, Tôn Thất Chiểu, Tôn Thất Cần, …; phía Công Giáo có Trần Ngọc Báu, Đỗ Anh Tài,…; Hà Dương Thị Quyên thuộc Nữ Hướng Đạo. Đỗ Ngọc Yến được bầu làm tổng thư ký của Chương Trình Hè 65, Đỗ Thị Văn giữ ban Hành Chánh, Phan Huy Chiêm lo Tài chánh, Tài làm trưởng ban công tác, Trần Đại Lộc và Phạm Phú Minh lo huấn luyện, Quyên làm thủ quỹ, Vũ Dzũng làm ban văn nghệ, vân vân. Phải xác nhận chương trình này là do IVS, International Voluntary Service, một đoàn thể chí nguyện của các thanh niên Mỹ ở Sài Gòn gợi ý, vì họ được USAID hứa trợ cấp mấy trăm ngàn mỹ kim để làm công tác xã hội. Sau này nhóm IVS đã rút hết về Mỹ vì họ chống chiến tranh.
Với số tiền của USAID, một con số rất lớn thời đó mà tôi không nhớ là bao nhiêu, Chương trình Hè đã tổ chức các trại công tác cho học sinh khắp 40 tỉnh miền Nam, do các giáo sư thiện chí hướng dẫn. Cuối năm 1965 đã làm một trại công tác lớn, xây dựng hàng trăm ngôi nhà tranh, mái tôn cho đồng bào tị nạn, ở Thạnh Lộc Thôn, trên đường đi Bình Dương.
Chúng tôi lấy lý do không có kinh nghiệm hành chánh đã yêu cầu USAID gửi cho một chuyên viên đến giúp làm sổ sách kế toán. Cụ Khánh đã bầy cho các thủ tục chuẩn chi, phát ngân, các loại biên nhận và hóa đơn, vân vân. Các hồ sơ đều được trao cho cụ, một viên chức cần mẫn và đức độ. Đó cũng là một cách cho người Mỹ thấy thanh niên Việt Nam làm việc minh bạch.
Tại trụ sở Chương trình Hè có một anh cảnh sát chìm lúc nào cũng có mặt quan sát những buổi họp, tên anh là Năng. Nhưng ai cũng biết hai người thân Cộng là Lê Hiếu Đằng và Đỗ Thị Văn, chú Nguyễn Văn Nhanh thì là “cộng sản nằm vùng,” đích thực, đóng vai “lao công” cần mẫn làm đủ thứ việc, sau năm 1975 giữ chức lớn trong guồng máy công an. Nhưng hồi tôi ở Montréal, Canada, đã nghe Văn nhắn lời nhắc lại thời Chương trình Hè làm được nhiều việc ích lợi cho đất nước. Chú Nhanh cũng nói với Hà Tường Cát như vậy, khen “các anh” là những người đầy thiện chí. Sau khi Lê Hiếu Đằng từ bỏ đảng Cộng sản, tôi đã liên lạc email với anh, bùi ngùi nhắc lại thời Chương trình Hè 65.
Đoàn Thanh Liêm, Hoàng Ngọc Tuệ, Hồ Ngọc Nhuận không thể tham dự Chương trình Hè vì các anh còn trong quân đội. Họ được biệt phái về đời sống dân sự để phụ trách Chương trình Phát triển Quận Tám được Võ Long Triều, bộ trưởng Thanh Niên ủng hộ. Hầu hết các giám đốc trong bộ Thanh Niên của Võ Long Triều đều từng tham dự các hoạt động thanh niên năm 1964, 65. Chương trình Hè 65 là một đỉnh cao trong các hoạt động thanh niên thời đó. Từ năm 1966, chính quyền quân sự kiểm soát chặt chẽ hơn, họ lập ra một “Phong trào Thanh niên Trừ gian,” nhưng không làm được việc gì đáng kể. Các nhà giáo trong Chương trình Hè rút về làm CPS, Chương trình Phát triển Sinh hoạt Thanh niên Học đường, hoạt động tại các trường trung học khắp nước trong suốt thời gian Bác sĩ Trần Ngọc Ninh làm tổng trưởng Văn hóa Giáo dục. Phan Văn Phùng, Phạm Phú Minh, Trần Đại Lộc, Trần Viết Ngạc tham dự đầy đủ nhất. Tên tắt “CPS” do Lê Đình Điểu bầy ra và vẽ thành huy hiệu giản dị, một tài năng đặc biệt của Điểu.
Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Ngọc Tuệ không phải là nhà giáo nên không tham gia CPS nhưng hai anh vẫn giữ liên lạc với các bạn, vì tình thân thương nẩy nở sau nhiều năm chung sức giúp ích đồng bào, phục vụ quê hương một cách cụ thể. Tình thân đó thấm vào tất cả đám thanh niên chúng tôi từ năm 1964, còn tiếp tục mãi. Đám bạn bè cùng chí hướng được gọi là “Nhóm Anh em,” gồm cả lớp các học sinh trẻ hơn. Sau năm 1975, mỗi lần nghe tin một người mới vượt biển chạy thoát, những bạn đã tị nạn từ trước đều nhanh chóng báo cho nhau biết, gửi tiền tới một hòn đảo ở vùng Đông Nam Á để giúp đỡ.
Khi làm báo Người Việt, từ tháng 12 năm 1978, Đỗ Ngọc Yến luôn luôn mời các bạn mới qua vào làm việc để được “lãnh lương” (khi nào tờ báo có tiền), trong lúc chờ tìm được việc làm. Nhiều người, như Nguyễn Đức Quang, Trần Đình Quân, Hoàng Ngọc Tuệ, Nguyễn Khả Lộc, vân vân, không có kinh nghiệm nào về báo chí đã bước vào “nghề làm báo” như thế. Khi lập ra một “công ty,” Đỗ Ngọc Yến yêu cầu dành một số “cổ phần” cho những “anh em” không có mặt, như Trần Văn Ngô ở Pháp; chính tôi ở Canada; Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc ở Việt Nam; Phạm Phú Minh, Đỗ Tăng Bí thì vẫn còn đang ở trong tù.
Đỗ Ngọc Yến “chia cổ phần” như vậy để chứng tỏ “tình anh em” này có thật. Hoàng Ngọc Tuệ rất thiết tha với tình thân đó, luôn biểu hiện một cách cụ thể. Rất nhiều lần, anh đến họp là mang theo một cái máy đo huyết áp, áp suất máu, yêu cầu mọi người đưa cánh tay ra cho anh đo coi có bịnh không. Một bữa, nghe tin có đám cháy lớn trên mấy sườn đồi ở khu Irvine, nơi gia đình Phan Huy Đạt mới về ở căn nhà mới. Tuệ đã điện thoại cho Yến và tôi yêu cầu gọi anh em cùng xuống Irvine chữa cháy giúp Đạt. Anh bảo mỗi người nhớ mang theo mấy cái thùng để chứa nước, đổ lên dập tắt lửa nếu nhà Đạt bị cháy. Chúng tôi không làm theo, vì biết rằng có tới nơi thì cũng bị “lính cứu hỏa” đuổi ra ngoài. Nhưng Tuệ là người hăng hái như vậy. Hồn nhiên, trong suốt, con người làm bằng thủy tinh, như Yến nhận xét. Vì đức trung trực, thành thật của anh, cũng vì anh lớn tuổi nhất nên mỗi lần họp mọi người đều mời anh chủ tọa. Anh làm đúng vai trò điều hợp, nghe theo các đề nghị, để mọi người phát biểu, bỏ phiếu quyết định, không thiên vị hoặc bảo vệ ý kiến riêng của mình.
Sau những năm 1966, 67, chế độ quân nhân không còn cho các đoàn thể thanh niên hoạt động như cũ, Hoàng Ngọc Tuệ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phong trào Du Ca. Du Ca do các nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, Hoàng Thái Lĩnh, Trần Trọng Thảo, Hoàng Kim Châu, Đinh Gia Lập, vân vân, bắt đầu nhưng chỉ hoạt động mạnh khi Hoàng Ngọc Tuệ kéo họ về cộng tác với Bộ Thanh Niên. Chính nhờ Tuệ dùng các phương tiện của bộ nên các đoàn du ca đã lan rộng khắp các tỉnh, sau năm 1965 vẫn phát triển. Sau khi anh rời chức giám đốc, Du Ca đã tụ họp tại ngôi nhà riêng của anh, cũng gần nhà Đỗ Ngọc Yến. Hồi đó không ai ngờ rằng Phong trào Du Ca lại là một di sản sống lâu nhất trong tất cả các hoạt động thanh niên những năm 1964, 65! Nguyễn Đức Quang là người khai sáng, là linh hồn của Phong trào Du Ca; nhưng phải ghi công hai người đã thay phiên nhau duy trì sinh hoạt, làm chủ tịch phong trào, là Hoàng Ngọc Tuệ và Đỗ Ngọc Yến!
Ai cũng sẽ ra đi nhưng di sản đáng nhớ nhất vẫn là con người. Hoàng Ngọc Tuệ là một người tốt. Các con, cháu anh có lẽ sẽ không có cơ hội phục vụ xã hội như chính anh nhưng ai cũng có thể cố gắng theo gương anh sống “làm một người tốt.”
Ngô Nhân Dụng