Ngự Thuyết: 50 năm

50 năm! Một nửa thế kỷ kể từ khi miền Nam thất thủ năm 1975 cho đến bây giờ là năm 2025. Như một lực sĩ nhảy cao, nhảy dài, phải có một độ lùi cần thiết. Cũng vậy, nếu muốn nhìn lịch sử một cách tỉnh táo, rõ ràng, chính xác hơn, trước hết cần phải có một khoảng thời gian nào đó để cho những sai lầm có thể được chỉnh sửa, những ngộ nhận có thể được giải tỏa, và sự thật có thể được phơi bày. Liệu thời gian 50 năm có đủ để đáp ứng đòi hỏi đó hay không? [1]  

Hãy nhìn lại một cách sơ lược một số biến cố quan trọng cách đây gần 1 thế kỷ.  Nhìn lại để tiến càng gần đến sự thật càng tốt.

Tháng 9, 1940, Nhật xua quân vào Đông Dương. 

Tháng 3, 1945 Nhật đảo chánh Pháp, trao trả độc lập cho Việt Nam, dưới sự bảo trợ của Nhật. Vua Bảo Đại mời ông Trần Trọng Kim thành lập chính phủ thân Nhật đầu tiên của một nước Việt Nam vừa thoát khỏi ách nô lệ Pháp sau gần 100 năm. 

Vào ngày 15, tháng 8, năm 1945, Nhật đầu hàng Mỹ. Toàn bộ phe trục Đức – Ý – Nhật thua trận, chiến tranh Thế Giới thứ 2 chấm dứt. Chính phủ Trần Trọng Kim, do đó, bị giải tán.

Không phải mãi cho tới lúc kết thúc Thế Chiến II, những lực lượng Việt Nam yêu nước mới nổi lên chống thực dân, và đế quốc, trong đó phải kể đến Việt Nam Quốc Dân Đảng có lập trường quốc gia dân tộc, và Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, tức Việt Minh, một liên minh chính trị cánh tả, về sau trở thành đảng Cộng Sản Việt Nam.

Hai đế quốc hùng cường nhất, có nhiều thuộc địa nhất vào thời điểm Thế Chiến 2 kết thúc là Anh và Pháp. Anh dần dần trả lại độc lập thực sự cho hầu hết thuộc địa cũ. Trong khi đó, Pháp lấy danh nghĩa trả lại độc lập, nhưng trên thực tế Pháp cố gắng duy trì chủ quyền càng nhiều càng tốt.  Những nước ở Bắc Phi như Tunisia, Morocco, Algeria, và ở Đông Nam Á như Việt Nam, đều phải trải qua cuộc kháng chiến gay go mới giành được độc lập.

Riêng tại Việt Nam, tình hình rất phức tạp.

Vào năm 1945, khi Nhật đầu hàng Mỹ vô điều kiện như đã nêu trên, Pháp trở lại Đông Dương (gồm có 3 nước Việt, Miên, Lào) mong tái lập cuộc đô hộ. Đầu năm 1946, chính phủ lâm thời Việt Nam thành lập trong đó Việt Minh đóng vai chủ chốt. Nhận thấy vào lúc ấy không thể có đủ lực lượng để chống Pháp, Việt Minh bèn ký Hiệp Định Sơ Bộ cho phép 15 nghìn quân Pháp ra Bắc thay thế quân đội Trung Hoa Quốc Gia của Tưởng Giới Thạch đang giải giới quân Nhật. 

Cuối năm 1946, Pháp tấn công Hải Phòng, cuộc chiến Việt – Pháp bùng nổ.  Việt Minh rút vào chiến khu, ông Hồ Chí Minh thành lập chính phủ liên hiệp kháng chiến. Tuy nhiên Việt Minh cũng không quên tìm cách thanh trừng những thành phần theo Quốc Gia. Một số nhân vật quan trọng trong chính phủ đã rời bỏ Việt Minh trốn sang Tàu, hoặc hưởng ứng lời kêu gọi của ông Bảo Đại xây dựng nước Việt Nam độc lập và thống nhất Bắc, Trung, Nam trong khối Liên Hiệp Pháp.  Pháp ủng hộ giải pháp Bảo Đại, ký kết Hiệp Ước Élisée vào giữa năm 1949, thừa nhận chính phủ Việt Nam Quốc gia. 

Như đã nói trên, khác với Anh đã trao trả đôc lập hoàn toàn cho hầu hết các thuộc địa, Pháp vẫn cố bám giữ một số quyền hành thống trị trên toàn cõi Việt Nam. Trong khi đó phe Việt Minh, với viện trợ lớn lao từ Trung Quốc và Liên Xô, ngày càng đạt được những thắng lợi về quân sự, và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội. Tiếp theo đó, Hiệp Định Genève ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954, chia Việt Nam làm hai, lấy vĩ tuyến 17 làm giới hạn, Bắc vĩ tuyến nằm trong khối Cộng Sản Trung Quốc và Liên Xô, Nam Vĩ Tuyến thuộc phe Đồng Minh Âu, Mỹ. 

Việt nam Quốc Gia có tham gia đàm phán nhưng cực lực phản đối việc chia hai đất nước nên không ký vào Hiệp Định Genève 1954, và cũng không chấp nhận tổng tuyển cử vào năm sau. Có lẽ nếu có tổng tuyển cử, vì mới giành lại độc lập, chưa có đủ thì giờ để xây dựng một quốc gia vững mạnh, miền  Nam sẽ ở vị thế bất lợi chăng. [2] Một sự kiện nổi bật trong giai đoạn lịch sử gay go này đó là gần 1 triệu người miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do.

Theo Hiệp Định, Pháp hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, miền Nam hoàn toàn độc lập. Ông Bảo Đại giữ vai Quốc Trưởng, và thủ tướng là ông Bửu Lộc. Sau đó, Quốc Trưởng Bảo Đại cử ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng thay ông Bửu Lộc. Hơn một năm sau, ngày 26 – 10 – 1955, trong một cuộc trưng cầu dân ý, ông Ngô Đình Diệm được bầu làm Tổng Thống, lập nên nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Một số ít phái bộ cố vấn Mỹ hiện diện tại Việt Nam Cộng Hòa, như tên gọi của nó, có mục đích thi hành những công tác cố vấn. 

Tại miền  Bắc, ông Hồ Chí Minh giữ vai trò Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Nền Đệ Nhất Cộng Hòa kéo dài được 9 năm. Gần suốt 9 năm đó, miền Nam đã xây dựng và phát triển mạnh về nhiều mặt như chính trị, xã hội, giáo dục, kinh tế, văn hóa, văn học, nghệ thuật … khiến cho nhiều nước trên thế giới phải ngưỡng mộ. Nhưng Cộng Sản miền  Bắc không để miền Nam yên ổn. Họ chuẩn bị chiến tranh xâm lược. Họ tổ chức và chỉ huy Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. 

Ngày 20/12/1960 Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời, Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu bị xáo trộn.  Nhiều nguyên nhân gây nên trong đó có sự góp sức của phe thân Cộng, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại vào gần cuối năm 1963. Từ đó về sau, chiến tranh Quốc – Cộng nổ liên miên tại miền Nam. Mỹ và một số Đồng Minh can thiệp quân sự giúp Việt Nam Cộng Hòa; Trung Cộng, Liên Xô, và khối Đông Âu  giúp Việt Nam Cộng Sản. 

Khi Mỹ không còn trợ giúp cho miền Nam nữa kể từ đầu năm 1973, trong khi khối Cộng Sản vẫn tiếp tục gia tăng viện trợ cho Bắc Việt, Việt Nam Cộng Hòa gắng gượng chiến đấu bảo vệ đất nước thêm 2 năm thì thất thủ. Đây là một biến cố vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam. miền Nam, đã quen sống trong sung túc và tự do, tuyệt vọng trước tình thế mới. Hàng triệu người, trong đó có một số người miền Bắc bỏ nước ra đi. Hàng trăm nghìn người thiệt mạng trên đường vượt biên, vượt biển.  Cả thế giới bàng hoàng. 

Tại sao miền Bắc quyết tâm chiếm cho được miền  Nam. Họ nêu lên nhiều lý do. Dưới đây là hai lý do chính.

Một là đánh Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam. 

Đây chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền. Trước hết, miền Nam có đầy đủ chủ quyền, hoàn toàn độc lập, và phát triển hơn hẳn miền Bắc về nhiều phương diện. Cho nên miền Nam không cần ai mang quân đến giải phóng. Mặt khác Mỹ không có nhu cầu về đất đai tại một nơi xa xôi như Việt Nam.  Làm xong mục tiêu, họ kéo về nước. 

Vậy đó là mục tiêu gí? Theo thuyết Domino, nếu miền Nam rơi vào tay cộng sản, tất cả các nước ở Đông Nam Á sẽ bị làn sóng đỏ tràn ngập. Cho nên Mỹ đổ quân vào Việt Nam ngăn chặn cộng sản bành trướng.  Sau hơn 10 năm tham chiến tại Việt Nam, Mỹ đã thực hiện được mục tiêu đó, và nhân đấy các nước Đông Nam Á cũng đã được rảnh tay củng cố quốc phòng, xây dựng hạ tầng cơ sở v.v… và trở thành những nước giàu mạnh đủ sức tự vệ. Thêm vào đó, truyền thông cánh tả khiến cho dân chúng Mỹ càng chán ghét chiến tranh kéo dài, mặt khác, sau khi đã thỏa thuận với Trung Cộng để cùng tồn tại hòa bình (peaceful coexistence ), Mỹ bèn rút quân, bỏ rơi miền Nam. 

Hai là nhuộm đỏ phần còn lại của tổ quốc, tức miền Nam Việt Nam. miền Bắc cho rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ mang lại ấm no, hạnh phúc cho toàn thể đất nước. Nhưng thực tế cho thấy khác. Tại những quốc gia bị chia cắt, các nước theo cộng sản như Đông Đức, Bắc Hàn đều thua kém rất xa so với các nước theo tư bản. Sau khi chiếm được miền  Nam, toàn thể nước Việt Nam  dưới chế độ cộng sản đã đứng trên bờ vực của sụp đổ nếu không kịp đổi mới. Việc đổi mới  bắt đầu từ nửa sau của thập niên 1980, và càng về sau càng tiến gần hơn đến tư bản, nhất là về mặt kinh tế.

*

Trên đây là chuyện cũ đã xẩy ra cách đây nửa thế kỷ. Nhìn lại, cố gắng bình tâm, tỉnh trí, thấy rõ ngay một miền Nam [3] oan khiên, khổ ải, bị đồng minh bỏ rơi, bị bên thắng trận đối xử tàn tệ. Nhưng một xứ sở tươi đẹp, phồn thịnh, bao dung, đã nuôi nấng mấy mươi triệu đứa con thân yêu như thế có thể nào bị xóa nhòa trên bản đồ, trong lòng người. Một thủ đô [4] nổi tiếng, văn minh, lộng lẫy, và lâu đời như thế có thể nào bị mất tên để thay thế bằng tên của lãnh tụ phe thắng trận. [5]

50 năm đã trôi qua. Lòng người ly tán. Bên thắng trận và bên thua trận tìm những lời lẽ cay độc nhất để nguyền rủa nhau. Sự thật của lịch sử ngày càng  bị xuyên tạc. Hố chia rẽ ngày càng bị đào sâu. Ngay cả Thủ Tướng bên thắng trận, ông Võ Văn Kiệt, cuối năm 2004, khi nói đến cuộc chiến tranh tương tàn đã lùi xa gần 30 năm, đã phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn.”  Đấy là lời nói tâm huyết. Và tấn bi kịch lớn lao đó vẫn tiếp tục kéo dài. Nay, đúng 50 năm, vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.  

Vậy liệu có giải pháp thỏa đáng nào có thể mang ra áp dụng cho tình hình đất nước hiện nay? Có lẽ bên thắng trận đang nắm quyền hành trong tay nên thực hiện chính sách “hòa hợp hòa giải dân tộc” một cách sáng suốt, đúng đắn, trung thực, thành thật, và nhất là phải có đầy thiện chí.  

Hãy tưởng tượng chính quyền và bên đối lập gặp nhau tại bàn hội nghị với tâm trạng như sau: 

–Gạt hết mọi thù hận, ghét bỏ, nếu có.

–Tôn trọng nhau. 

–Không thiên kiến, định kiến.

–Không mang sẵn một giải pháp nào cả dùng để áp đảo đối phương. Giải pháp sẽ xuất hiện sau khi bàn luận.

–Mong thua. Mong đối phương có những đường lối tốt đẹp hơn. 

Ngự Thuyết 
22/4/2025   

                                                                                                                                                   

—————- 

[1] Cuộc nội chiến Nam – Bắc của nước Mỹ kéo dài từ năm 1861 đến 1865. 71 năm sau, năm 1936, cuốn tiểu thuyết Gone With The Wind (Cuốn Theo Chiều Gió) của Margaret Mitchell mới ra đời. Đó là cuốn sách đề cập nhiều đến cuộc chiến và hậu quả của nó. Chiến tranh Pháp-Nga bắt đầu vào tháng 6 năm 1812 và chấm dứt vào tháng 12 cùng năm. 57 năm sau, năm 1869, Leo Tolstoy cho xuất bản cuốn War and Peace  (Chiến Tranh và Hòa Binh). Sau trên 50 năm, cả hai tiểu thuyêt lớn đó, nhất là Chiến Tranh và Hòa Bình, mới gạt bỏ một phần nào những thiên kiến để bình tĩnh nhìn lại và đánh giá lịch sử một cách trung thực hơn.   

[2] Hiệp Định Genève 20-7-1954 không quy định tổng tuyển cử. Một số nước tuyên bố cần phải có tổng tuyển cử nhưng chỉ có tính cách đề nghị, không có tính cách cưỡng hành, và không có chữ ký. Miền Bắc đã viện dẫn lý do miền Nam vi phạm hiệp ước về sự kiện tổng tuyẻn cử, để tấn công miền Nam, mặc dù miền Nam không ký kết Hiệp Ước. Trong khi đó, Bắc Việt lén để lại 10 nghìn cán bộ trong đó có những cán bộ cao cấp như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, và chôn giấu vũ khí trước khi tập kết ra Bắc.   

[3] Nước Việt Nam Cộng Hòa được nhiều nước trên thế giới công nhận, và có quan hệ ngoại giao với gần 80 nước.

[4] Địa danh Sài Gòn được biết đến trên 300 năm. Sau đó, trong danh mục họ đạo Launay, Histoire de la Mission Cochinchine (Lich sử truyền giáo Nam Kỳ) năm 1747, có ghi danh “Rai Gon Thong” (Sài Gòn Thượng) và “Rai Gon Ha” (Sài Gòn Hạ).  Đến năm 1776, Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục có viết bằng chữ Hán phiên âm ra chữ Việt là Sài Côn. Sau này Sài Gòn phát triển mạnh mẽ đã có thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. 

[5] Ngay cả Liên Xô vẫn giữ tên thủ đô Moskva, tức Moscow, tức Mạc Tư Khoa, Trung Quốc vẫn giữ tên Bắc Kinh, khi thắng trận.