Ngự Thuyết: Ngày Xuân đọc Thơ (P.2)

Tranh Nguyễn Thị Dung.

Vào những năm cuối thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, Thế Chiến thứ Hai bước vào giai đoạn quyết liệt. Đó cũng là thời kỳ “Đại suy thoái” về nhiều mặt trong xã hội. Nhà thơ không thể ở mãi trong tháp ngà. Họ trăn trở, họ vùng vẫy, họ tìm tòi, họ sẵn sàng xông pha trên những con đường chông gai, hiểm trở.  Họ muốn giã từ những nếp sống cũ, mở rộng tầm mắt nhìn ra thế giới bao la.

Cuối cùng chiến tranh chấm dứt. Thế giới chia ra thành những nước thuộc khối Tự do, Cộng sản, và những nước không nhập vào khối nào, hay là chọn đường lối Trung lập. Nước ta, miền Bắc theo Cộng sản, miền Nam theo Tự do.

Những nhà thơ miền Bắc được chính quyền trả lương [1] làm thơ theo chỉ thị cấp trên. Tài năng, do đó, bị hạn chế. Ở nhiều người, hồn thơ hoàn toàn bị thui chột.

Trong khi đó, chỉ trong vòng trên dưới 20 năm, từ năm 1954 khi đất nước bị chia đôi đến năm 1975 khi Miền Nam thất thủ, thi ca Miền Nam được tự do phát triển. Nhiều nhà thơ tài hoa ra đời.  Sau 1975, thi ca Việt Nam ở hải ngoại khá đa dạng. Một số thi sĩ chịu ảnh hưởng của những trường phái Âu, Mỹ như Tân Hình Thức, Cấu Trúc, Hậu Hiện Đại, nhưng chưa đạt được thành tích nào lớn lao.

Trong số rất đông thi sĩ nổi tiếng mà ta không thể đề cập tới trong một bài viết ngắn, ba nhà thơ tiêu biểu nhất là Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, và Bùi Giáng.

Thanh Tâm Tuyền

Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền (1936-2006)

Thanh Tâm Tuyền, thuộc nhóm Sáng Tạo, xuất hiện như một chấn động lớn. Trong khá nhiều thơ của Thanh Tâm Tuyền, ta không tìm thấy dấu vết nào của phong trào Thơ Mới cách đây gần một thế kỷ, hay nói rộng ra, của tất cả nền thi ca Việt Nam từ xưa cho đến bây giờ. Nói cách khác, những bài thơ ấy đoạn tuyệt với truyền thống, quá khứ. Đoạn tuyệt dứt khoát, không nối tiếp, không thừa kế. Thử lấy toàn bài thơ Chim làm ví dụ.

Đêm giao thừa thế kỷ mưa rơi sao
mái sáng đường nằm chiêm bao biển giận dỗi
bàn tay mây mắt trăng môi nhiệt đới
chiến tranh còn những khoảng đất hoang
cửa sổ đập lên cao cánh chim én mùa xuân
ôm vào lòng bãi cỏ vườn hoa bầy sao rụng
ai hỏi anh ngoài hàng dậu
lãng mạn lập thể siêu thực dã thú đa đa
tôi mở những trái cây vườn nhà
cử chỉ trữ tình tinh khiết
những bước đi văn nghệ chim sẻ
mùa ngói nâu dựng vực mắt nâu


tôi ru chim ngủ trong cổ họng
mặt trời kêu xuống thái dương những màu ánh sáng thơm
tim kinh ngạc
đời tạo câu cười thiên nhiên mai
hy vọng đứng ra ngoài ô ngục ngực bâng khuâng lần gặp gỡ thứ nhất


rồi kỷ niềm kim khí thuỷ tinh hành hạ
đau xé trời đêm không sao bánh máy quay vũ khí
tôi từ chối giam cầm chim đẹp trong rừng tóc
dù tiếng hót đã chọn mấy hàm răng
người bộ hành cô đơn chờ đêm để lên đường
về quá khứ
chim bay vào trận mưa sao.

Ta thấy gì trong bài thơ rất xa lạ này? Rất nhiều hình ảnh chen nhau tình cờ, đột ngột, lạc lõng, không theo một lô-gíc nào cả. Những câu thơ (ngoại trừ đoạn thứ nhất), không có vần, dài ngằn kế tiếp nhau bất thường. Thế có nhạc hay không, như người thường bảo trong thơ phải có giai điệu, hòa điệu, nhịp điệu, âm điệu – những yếu tố cần thiết của nhạc. Có, nhưng không phải là loại nhạc êm đềm, du dương, nhịp nhàng. Nhạc trong Chim nghe như gió đập vào vách đá, gập ghềnh, gắt gỏng, đôi lúc chối tai. Lại nữa, những nhóm chữ nối đuôi nhau lắm lúc khó nhận ra đâu là chủ từ, động từ, túc từ. Liên từ, giới từ – giữ vai trò nối kết – thì lại hiếm hoi.

Người đọc ngỡ ngàng. Thì được nhà thơ giải thích lối làm thơ của mình trong đoản khúc thứ hai: “Ai hỏi anh … vực mắt nâu”. Nghĩa là, theo tác giả, thơ ông không chịu ảnh hưởng của những trào lưu xa lạ nào cả, từ  lãng mạn đến đa đa. Trái lại nó được mở ra từ “trái cây vườn nhà”, là “trữ tình tinh khiết”, là “bước đi chim sẻ”. Lời giải thích đó dường như không thuyết phục cho lắm.

Thế ý nghĩa toàn bài thơ? Càng khó trả lời, chỉ phỏng đoán.  Hay nói cho đúng hơn, chỉ nói lên ý nghĩ chủ quan của mình, mong mở một lối đi mù lòa vào đêm giao thừa “mưa rơi sao”. Mỗi người đọc hẳn có mỗi lối đi khác.

Trong một cơn biến động lớn lao của trời đất, của thời gian, không phải chỉ là giao thừa của một năm mà giao thừa cả một trăm năm, vũ trụ hỗn mang, biển giận dỗi, sao rơi rụng, chiến tranh để lại những hoang tàn, loài chim én có thể nào mang mùa xuân về hay không. Thi nhân ôm chim vào lòng, “Tôi ru chim ngủ trong cổ họng”, mặc cho bầy sao rụng trên bãi cỏ vườn hoa. Bỗng cảm thấy lòng êm ả, bâng khuâng. Chim bỗng như mang đến niềm hy vọng thoát ly ra ngoài cảnh ngục tù của thế giới loài người. Nhưng con người vẫn không quên bản năng thèm sát hại lẫn nhau, đua nhau chế tạo vũ khí giết người. Niềm hy vọng thế là tiêu tan như mây khói. Nhà thơ đành phải buông thả cho đàn chim én mùa xuân bay vào trong một vũ trụ loạn ly sao rơi như mưa.

Không nên viết lại một bài thơ bằng một đoạn văn xuôi nhạt nhẽo, cạn cợt như trên. Biết thế vẫn cứ làm, mong đó là một gợi ý đối với một bài thơ khó hiểu. Tuy khó hiểu nhưng, lạ thay, bài thơ này lại có sức lôi cuốn mãnh liệt. Đọc lên nghe băn khoăn, xôn xao, bồi hồi. Rồi nhiều hình ảnh, âm thanh, ý tưởng kỳ lạ của nó bám chặt vào ký ức.   

Nhưng không phải bài thơ nào của thơ Thanh Tâm Tuyền cũng đều tối nghĩa. Khoảng  cuối năm 1956, hàng ngàn xe tăng của Hồng Quân Liên Xô tràn vào dày xéo nước Hungary. Chỉ riêng tại thủ đô Budapest, trên 30 ngàn người bị nghiền nát, thủ tướng Hungary bị bắt và bị hành hình. Thế giới bàng hoàng. Thanh Tâm Tuyền đã làm một bài thơ đầy phẫn nộ, và đau đớn. Đây không phải là những dòng thơ chải chuốt, uốn nắn, nhằm đạt tới một chiều cao nghệ thuật nào đó. Bài thơ hiển hiện như một thực tại nhức nhối, nó là thế đấy, nó đã chạm vào cuộc sống, cuộc sống trần trụi, vô cùng dã man, tàn bạo, không còn một mảy may nhân tính. Để đối lại, là con người nhỏ nhoi, yếu đuối, nhưng sẽ sống sót. Sẽ bất diệt trước bạo lực. Bài thơ hiển hiện như một năng tính, chứ không phải là lý tính. Nó là mắt, tim, môi trộn lẫn với dây xích chiến xa, là vầng trán đau dấu đạn.

Cuộc đàn áp Cách mạng Hungary của Liên Xô năm 1956.

Vậy đây là một bài thơ hay? Có lẽ  vấn đề không phải ở đó, vì bài thơ này đã vượt ra khỏi bình diện của mỹ học.

Bài thơ đó có nhan đề khá dài: Hãy cho anh khóc bằng mắt em, những cuộc tình duyên Budapest:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác
Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào
Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai
Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi
Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng
Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp


Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest

Thanh Tâm Tuyền cũng thường làm thơ xuôi (poème en prose). Nhiều bài hay. Dưới đây là trích dẫn một bài thơ xuôi nhẹ nhàng, đơn sơ, trong sáng, và “hồn nhiên”, khác với những bài thơ chứa đầy suy tư, khắc khoải:

Mưa Ngủ

Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao nhẹ những nhát cuốc đầu xới lần áo mỏng ruộng đồng. Những chuyến đi xa theo mưa về ngủ mái rạ. Đêm hiền lành, có lẽ từ một cửa bể bến sông quán rượu. Những người bạn hứng mưa vào lòng tay, gịot mưa đẹp như mắt ngủ, rất xa không hề cách. Tôi sẽ đưa em về ngủ bên sông, tâm hồn là cánh đồng chưa khai phá. Tôi sẽ mời anh về nghe mưa trên vừng trán vô tư, giác quan mở từng ngõ lạ xuống linh hồn. Chúng ta ngủ ngoài mưa như mơ ngủ.

Thỉnh thoảng, tuy rất hiếm, ông làm thơ tám chữ, có vần, chẳng hạn như bài Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng. Bài thơ có nhiều câu bị chặt đứt làm hai bằng những dấu chấm bất ngờ. Ngôn ngữ rất mới mẻ. Vần thì có khi chỉ dùng âm trắc (Thơ lục bát, thơ Đường luật, thơ bảy chữ truyền thống đều gieo vần bằng). Hình ảnh đa dạng, dữ dội. Ý tứ cuồng nộ. Lời thơ dồn dập, khúc khuỷu, gắt gỏng. Dưới đây là trích dẫn hai đoạn của bài thơ rất dài đó:

“Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng khỏa.
Trời sương lam. Núi ngây rừng gió lạ.
Cây ngà say. Đêm heo hút lặng khơi.
Mùa trở gió. Rười rượi buồn cỏ lá.

 Mùa ngã độc. Nhà nín hơi lẩn lút
Đồi sượng sần. Cây lìa cành, lá trút.
Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu.
Đừng ngoái nhìn. Trăng khỏa thân xanh mướt.”

Nói chung, thơ Thanh Tâm Tuyền rất buồn. Nỗi buồn khởi đầu từ thời nhà thơ còn trẻ, tuổi chưa tới 20, phải xa đất Bắc (đất nước chia đôi 1954) di cư vào Nam, xa người yêu, không mong có ngày gặp lại:

Anh nhớ em cùng một lúc với thành phố
với những con đường anh đi qua một lần
để đến nhà em anh băng ngang một vườn hoa vắng
(lần trở về anh ngồi xuống ghế dài
nếu là buổi chiều quạnh hiu mây lá mùa thu)
một phố bình dân có chợ và những quán ăn
giản dị như trang nhật ký của anh
ngày bắt đầu yêu em

Sự vắng mặt của em và bãi biển mùa đông
thành phố đau từ mỗi cột đèn
mỗi bực thềm cửa đóng
em đi không nón không áo choàng
mưa tầm tã
những cửa sổ đêm muốn hé ra
nổi loạn
và mắt em mặt trời cỏ hoa với môi anh đằm thắm
và rực rỡ nhớ thương

có thể em chết trước khi anh kịp về
mùa lạnh gian phòng cũ
không ai khép cửa sổ
cúi xuống viền mi những bóng tối bên ngoài
có thể rồi anh sẽ yêu người đàn bà thứ hai
anh không chối
nhưng mãi mãi em còn là đất dĩ vãng
mà rễ tình cảm đòi bén gần
và những viên gạch những lối xưa
còn chiêm bao gót em mềm âu yếm

(Liên những bài thơ tình thời chia cách)

Vào Nam, nỗi buồn không những vẫn đeo đẳng mà còn gia tăng thêm nhiều cùng với những ưu tư khác — buồn trong giận dữ, trong hoang mang, có khi trong tuyệt vọng, nơi một quê hương hoang tàn, điêu linh, tan tác, vì cuộc chiến tranh phi lý huynh đệ tương tàn:

Sao tuổi trẻ quá buồn
như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
như bàn ghế không bày…

(Dạ khúc)

Với năm tháng, với tuổi đời chồng chất, nỗi buồn càng thê thảm:

Anh chìa hai bàn tay khô héo
Nỗi tự do buồn phiền
Hai bàn tay những con đường cỏ cháy
Mùa hè thiêu đốt cả cô đơn
Em giữ lấy
Anh còn đâu ngoài nỗi chết ôm ghì
Trong bóng đen trơ trụi nơi vàm sông
Anh tìm kiếm
Tuổi ấu thơ hòn cù lao xa khuất
Và tình yêu như đám lau buồn
Vàm sông nước xoáy như tiếng cười thầm
Ở sau lưng ở trước mặt
Anh thả người trôi nổi”…

(Sầu Khúc)

“Anh xé tóc em cùng những cành lá chết
Mùa thu
Ghi thương tích nơi cườm tay
Khóa chặt
Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
Khuôn mặt vỡ tan
Như cẩm thạch
Như nước mắt
Như muôn đời
Không hối hận
Con đường anh phải đi một mình
Trần truồng dã thú
Đón anh ở cuối đường
Hố sâu vĩnh viễn
Không có em

Những bài thơ tình không viết được
Những hồn ma hoang đầu ngọn cây
Xác chết rữa nát
Trong kẹt rừng khô
Đêm thức dậy mở mắt mắt đã mù
Hai con sâu nằm trên chân mày đang khoét lỗ
Con quạ hôi hám mở lồng ngực bay lên
Mỏ ngậm quả tim đựng hình ảnh đời người
Đời người thản nhiên như tên gọi “
...

(Đêm)

Thơ Thanh Tâm Tuyền đứng riêng một cõi trong thi ca Miền Nam, và cả nước nói chung. Riêng biệt, đặc sắc, độc đáo. Trong cách diễn tả. Trong ý thức sâu lắng về thân phận nhỏ nhoi của con người “đi trong thống khổ của lịch sử”, pha chút màu sắc của chủ nghĩa hiện sinh, trường phái phi lý (absurdism), nổi loạn. Trong  sử dụng hình ảnh, âm điệu. Trong những khám phá, sáng tạo. Trong nỗ lực “làm mới” ngôn ngữ. 

Miền Nam thất trận, người Miền Nam bị đày đọa, và nhà thơ vào tù. Trong tù Thanh Tâm Tuyền vẫn làm thơ như một nghiệp dĩ, làm thơ lén lút, “làm thơ chui”. Điều đáng chú ý là vào thời kỳ này, thơ Thanh Tâm Tuyền, về mặt thể cách, trở lại với lối thơ lục bát, thơ bảy chữ, v.v …

Khi vào tù, ông từ bỏ sở trường làm thơ tự do của mình. Tại sao? Theo tôi, làm thơ tự do theo lối Thanh Tâm Tuyền đòi hỏi nhiều công phu, cảm hứng, tài năng, những yếu tố chỉ có tuổi trẻ mới có khả năng tìm tòi, xông xáo, khám phá, phát huy. Nói cách khác, một bài thơ tự do được xem là hay rất khó làm nếu so với bài thơ viết theo thể loại cũ có sẵn.

Khi vào tù, tuổi trẻ không còn, như chiếc lá sắp rụng về cội, nhà thơ trở lại với lối thơ truyền thống, có sẵn khuôn mẫu về âm điệu, nhịp điệu, vần điệu, giúp người làm thơ đỡ tốn công phu tìm tòi.  Ông làm “thơ chui” trong tù theo thể loại này, gồm rất nhiều bài đặc sắc.

Những bài thơ đó về sau được in trong tập Thơ Ở Đâu Xa tại hải ngoại.

Những giai nhân làm ông đau khổ suốt thời trẻ hầu như không xuất hiện nữa. Hình ảnh người vợ thủy chung lặn lội đi thăm nuôi hết trại tù này đến trại tù khác trong những khu rừng sâu miền Bắc xa xôi đã in đậm nét trong bài lục bát tuyệt hay này:

Thơ tình trong tù:

Vẫn em của thuở trăng nào
Đêm hôm nở đóa chiêm bao xanh ngần
Vẫn em tình của trăm năm
Đoan trang khóe hạnh thâm trầm dáng thơ
Vẫn em mối kết thiên thu
Vẫn em xoa dịu sầu tư cõi này

Tiếp theo dưới đây là một bài thơ loại 7 chữ nhan đề Chiều cuối năm qua xóm nghèo:   

Mưa bay lất phất gió căm căm
Đường lầy trơn nhà cửa tối tăm
Trốn đâu lũ trẻ mặt lem luốc
Co ro đứng xem tù qua thôn
Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng
Về trong xây xẩm buổi tàn đông
Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa
Ảm đạm lòng ta chiều cuối năm

Xin trích dẫn một đoạn trong tập truyện Về Đâu của người viết (Ngự Thuyết), đề cập tới bài thơ nói trên:

Bài thơ  này “viết vào năm 1978 mà bất cứ một ai từng ở tù cải tạo của Cộng Sản đều tìm thấy mình trong đó. Bài thơ hắt hiu, chữ nghĩa buồn tênh từ đầu đến cuối như một bức tranh sử dụng toàn gam màu lạnh mà dưới lớp băng giá đó âm ỉ vài tia lửa ấm, vài giao thoa của đời sống tối tăm. Đây một chút nhớ, đâu lũ trẻ co ro đứng trông tù qua thôn; kia một chút thương, nhà ai lạnh lẽo khiến lòng ta ảm đạm. Vâng, lũ trẻ không theo lời xúi giục của người lớn ném đá vào đoàn tù đi qua như đã xẩy ra, mà đứng co ro nhìn; đoàn tù thì vì lũ trẻ mà nhớ lũ con của mình không biết hiện ở phương trời nào, sống chết ra sao. Và nhà ai ‘năm hết Tết tới’ tuy được ở ngoài nhà tù cũng thê lương tăm tối không đèn lửa chẳng khác gì bên trong trại tù.

Đêm cuối năm bao la, mịt mùng vây hãm cả thế gian, trong tù lẫn ngoài tù. Bên trong hàng rào là tù nhỏ, bên ngoài hàng rào là tù lớn. Đây không phải liên tưởng để tự an ủi, để thầm bảo rằng mọi người đều là tù thì ai cũng khổ như ai, mà là lòng thương cảm đối với một Xóm Nghèo của Miền Bắc đói khổ.”

Tóm lại thơ tự do hay thơ làm theo thể loại truyền thống của Thanh Tâm Tuyền đều hay hoặc xuất sắc, và chứa đầy khám phá, sáng tạo.

Tô Thùy Yên

 Nhà thơ Tô Thùy Yên ((1938 – 2019)

Cũng thuộc nhóm Sáng Tạo, Tô Thùy Yên là một nhà thơ tiếng tăm lừng lẫy. Thỉnh thoảng ông làm thơ tự do. Thông thường thơ ông viết theo thể loại truyền thống, nổi bật là thơ “bảy chữ”.  Nhưng không phải loại thơ bảy chữ ta thường gặp. Chữ nghĩa của ông chen lẫn giữa bình thường và sang cả, đơn sơ và phức tạp, nhẹ nhàng và trịnh trọng, dung dị và trầm tư, đơn sơ và uyên bác, mộc mạc và cảm khái, hiện thực và siêu thực, vật chất và siêu hình. Có khi chen lẫn ca dao, tục ngữ. Chẳng hạn trong bài thơ Ta Về, có mấy đoạn lấy điển tích không phải từ thi ca cổ điển, mà từ trong những câu hò, câu hát của thôn quê:

          Ta về một bóng trên đường lớn
          Thơ chẳng ai đề vạt áo phai [2]

Hay là:

          Ta về như tiếng kêu đồng vọng
          Rau mác lên bờ đã trổ bông [3]

Hay là:

          Ta về như nước tào khê chảy
          Tinh dẫu mười năm luống nhạt mờ

          …

          Người chết đưa ta cùng xuống mộ
          Đêm buồn ai nữa đứng bờ ao [4]

                                                (người viết tô đậm)

Tranh Đinh Trường Chinh

Ta Về, khá dài, một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Tô Thùy Yên, rất xứng đáng với sự hâm mộ hết sức nồng nhiệt của những nhà phê bình cũng như giới thưởng ngoạn.

Và trải theo chiều dài của bản trường ca ấy là những dòng thơ ngậm ngùi, bi tráng mà  một chứng nhân sống động là nhà thơ đã ghi chép lại trong một giai đoạn lịch sử đầy oan trái.  Đồng thời, nó cũng được xem như một viên ngọc quý có nhiều mặt chạm trổ, ánh sáng tỏa long lanh, đa dạng, và huyền bí. Cho nên, mỗi lần đọc lại bài thơ ấy, ta lại có thể khám phá vài ba tia sáng lạ.

Ta về? Từ đâu về? Từ địa ngục của trần gian:

Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hoá thân thành vượn cổ sơ

Về để nhìn lại cảnh cũ thê lương, tàn tạ:

Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Về đâu? Về quê nhà nhé. Ước mong trở về quê cũ đang hồi sinh sau cơn gió bụi để quên đi hết mọi đắng cay, hận thù, để rưới chút rượu giải oan cho cuộc bể dâu:

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này

Nhưng cuộc đời đang bày ra trước mắt trái hẳn với ước mong. Người xưa, cảnh cũ không còn, khiến cho “tứ thơ xiêu tán”:

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái vách
Nhện giăng khói ám mối xông rền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ thềm um cỏ
Khách cũ không còn khách mới thưa

Ngày về của người đi xa xứ lâu ngày thường gặp những cảnh huống như thế. Đông Tây Kim Cổ đều vậy. Ngày về của người đi tù mười năm lại càng bẽ bàng hơn.  Trên đường về quê cũ, nuôi nấng biết bao giấc mơ, lòng dào dạt lên biết bao kỷ niệm, nhớ nhung, và hy vọng. Về đến nơi để chứng kiến thực tế phũ phàng. Ulysses, trong truyện thơ của Homer viết cách đây gần ba nghìn năm, sau trận chiến kéo dài 10 năm mới hạ được thành Troy, và thêm 10 năm phiêu bạt nữa, mới trở về được Ithaca quê hương yêu dấu. Rồi cũng phải ra đi.

Làm thế nào mà người Hy Lạp, vốn biết rằng con người không bao giờ có thể hai lần tắm trong cùng một dòng nước, lại tin tưởng vào ngày trở về? Ulysses không trở về quê nhà để sống tại đó, mà để lại cất bước ra đi (How could the Greeks , who knew that one never enters the same river twice, believe in homecoming? Odysseus does not return home to stay, but to set off again – The Reader-Bernhard Schlink). Huống chi là nhà thơ của chúng ta phải trải qua lắm tai ương. Lại phải ra đi thôi, một chuyến đi dài để kết liễu cuộc đời nơi đất khách quê người, như đã được dự báo trong bốn câu cuối cùng của Ta Về:

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta

Một chi tiết khác đáng được chú ý là, ngay trong câu đầu tiên của bài thơ dài ấy đã nói lên thân phận của người từ nhà tù trở về — về như chiếc bóng:

          Ta về một bóng trên đường lớn

Gần cuối bài, chiếc bóng đó được lặp lại, lần này bi thiết hơn nhiều:

          Ta về như bóng ma hờn tủi

Ta Về’ được viết vào năm 1985. Tô Thuỳ Yên lưu vong sang Mỹ từ năm 1993, sống thêm 26 năm, và qua đời năm 2019.

Người làm thơ thường gắn bó với ái tình nhất là khi còn trẻ. Tô Thùy Yên không thế. Ngay từ ở tuổi hai mươi, thơ của ông đã có xu hướng thiên về những khắc khoải siêu hình trước cái bí ẩn của vũ trụ, về lẽ sinh diệt của tạo vật, về thân phận con người trong không gian và thời gian.

Và trước câu hỏi không có câu trả lời:

Mùa Đông Bắc gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han hề Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ

(Trường Sa Hành)

Rất hiếm khi ông nói về tình yêu nam nữ.  Bài “Hải Phận” là trường hợp đặc biệt. Nhưng tình yêu trong ‘Hải Phận’ không êm dịu, ngọt ngào chút nào cả. Nó ngang trái, sầu khổ, nhầy nhụa, lén lút, giấu diếm. Nó thuộc vào loại văn học “chấn thương” của Miền Nam, khởi đi từ những bài thơ đầu đời của Tô Thùy Yên, của Thanh Tâm Tuyền, rồi lan rộng ra. Càng về sau thương tích của nhiều nhà thơ Miền Nam càng trầm trọng theo vận nước lao đao chìm nổi.

Hải Phận

Như một con sò giữa chiếc vỏ
Chúng ta cuộn trốn trong tình yêu
Như đôi dã tràng không biết mỏi
Chúng ta khởi sự lại mối sầu


Từng chút vỗ về từng chút một
Em tạt vào anh rồi rút đi
Thương tích chẳng lành chan muối xót
Bào sâu thân đá nước tay ghì


Anh sống làm quen cùng cái chết
Liếm lấy mặn mà trên đau thương
Chìm mãi xuống em và mất tích
Như mặt trời rã trong nước loang


Vị thần mun hải đăng trơ trọi
Trừng mãi con mắt ngó không gian
Em trở về em chờ biến đổi
Trở về em như kim chỉ nam

Nhưng hải phận là gì? Là lãnh hải, là vùng biển nằm ven một nước và thuộc chủ quyền của nước ấy. Tàu bè nước khác có thể tự do đi lại ngoài đại dương, nhưng nếu tự tiện tiến vào hải phận của một nước là trái phép, là bị đánh đuổi ngay.

Thấp thoáng trong ‘Hải Phận’ là những khắc khoải siêu hình, những ám ảnh của hư vô, của cái chết. Biển và những gì liên quan tới biển tràn ngập bài thơ. Một điểm nổi bật khác, lối ẩn dụ trong ‘Hải Phận’ thật mới mẻ, chữ dùng sắc cạnh, mạnh bạo, cảm xúc gắt gỏng, dồn dập, bão táp. Bài thơ có sức lôi cuốn mãnh liệt đến nỗi nếu sơ ý ta tưởng đây là một bài thơ tự do không vần tuôn ra ào ạt như thác đổ. Thật ra, vần cách câu khá chặt chẽ

Con sò nằm kín bưng, trốn tránh, trong chiếc vỏ, đó là tình yêu vụng trộm. Nói khác đi, anh đã “có nơi có chốn” còn “đa mang”, và em thì lại liều lĩnh lẻn tới:

Như một con sò giữa chiếc vỏ
Chúng ta cuộn trốn trong tình yêu

Thế nhưng không dứt bỏ được. Nó tái diễn mãi chẳng khác gì dã tràng xe cát thành những viên tròn nhỏ, sóng tràn lên bãi đánh vỡ tan, thì xe những viên cát khác. Ca dao có câu, “Dã tràng xe cát biển đông/Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”. Nó tràn đến rồi rút đi để lại vết thương xót xa. Anh là đá, tay em là nước ôm ghì, bào sâu:

Thương tích chẳng lành chan muối xót
Bào sâu thân đá, nước tay ghì

Anh sống như chết. Rồi sẽ bị xóa nhòa như mặt trời rã trong nước loang:

Chìm mãi xuống em rồi mất tích
Như mặt trời rã trong nước loang

Cuối cùng em đành phải trở về lại với em mà chờ. Chờ gì? Chờ cuộc tình biến đổi? Chờ anh rời bỏ hải phận vượt ra ngoài đại dương tìm em?

Vị thần mun hải đăng trơ trọi
Trừng mỏi con mắt ngó không gian.
Em trở về em chờ biến đổi,
Trở về em như kim chỉ nam.

Thơ Tô Thùy Yên gồm đủ giọng Nam, Trung, Bắc, chứ không phải thuần giọng Bắc như có người cho là thế.  Giọng Nam mộc mạc, dung dị, mạnh mẽ, sinh động, là sở trường của nhà thơ Miền Nam đó đã đành; giọng Bắc chải chuốt, sắc sảo, tinh vi, cũng thường gặp trong thơ Tô Thùy Yên. Thế giọng Trung, đặc biệt giọng Huế, tương đối khó “bắt chước”, thì sao? Hiếm có những nhà thơ  nào thuộc miền khác có thể viết đúng giọng Huế.

Hãy đọc bài Huế Oán ông viết vào tháng 10, năm 1999 như đã ghi cuối bài thơ.

Nội câu đầu tiên, cái giọng điệu hoài cổ rất Huế đã nhắc lại một một thời quá vãng đau thương của dân tộc khi vua Duy Tân nửa đêm lìa bỏ kinh đô lao vào cuộc nổi dậy chống Pháp:

          Nửa khuya vua trẻ lìa kinh khuyết

Từ đó, xuyên suốt bài thơ cho thấy xứ Huế chứa đựng nhiều chuyện “da diết” hơn những nơi khác. Lấy mưa nắng làm ví dụ. Mùa hè thì nắng đổ lửa, “nắng bẻ sừng trâu, nẻ đất cày”; mùa đông thì lạnh thấu xương, và mưa thì dầm dề hết tuần này qua tháng khác, “mưa chi mưa mãi lòng nhớ nhung hoài nào biết nhớ thương ai”:

Nắng mưa đâu chẳng là mưa nắng
Sao nắng mưa này da diết hơn

Mà đâu chỉ có thời tiết khắc nghiệt, nhiều tai ương đã đổ ập xuống. Nào thành lở;  nào sóng thần lấp cửa phá; nào lụt năm Thìn; nào đèo cao phá rộng (đèo Hải Vân, phá Tam Giang) hiểm trở.

Hình ảnh vua trẻ lìa kinh khuyết ở câu đầu tiên được vang vọng lại ở phần sau, một cách đột ngột và đầy cảm xúc, như một nỗi nhớ không nguôi: nàng công chúa vắng bóng lâu ngày:

          Lâu rồi công chúa chưa về thăm   

Vừa rồi là những sự kiện, những giai đoạn lịch sử. 

Đồng thời với sự kiện là cách diễn tả, nhất là chữ nghĩa, và những chi tiết được lựa chọn rất Huế. Bạn về quê bạn gợi nhớ câu ca dao Huế, “Rồi mùa tót rã rơm khô/Bạn về quê bạn biết mô mà tìm.” Đường xa ngái, người  Huế thường nói đường xa dặm ngái thay cho xa lắc xa lơ. Trong nớ ngoài ni thay vì trong đó, ngoài này. Mây qua tầng tháp cổ, tháp ở đây phải chăng tháp chùa Thiên Mụ. Thơm hồn nhãn sen, mùa nhãn mùa sen cũng là một chi tiết rất thích đáng.  Sen, nhãn, là đặc sản của Huế. Sen ở nhiều nơi, ngay tại những hào sâu của dãy thành ngoài bao quanh cũng có. Rồi trong thành nội, hồ Tịnh Tâm v.v… Và nhãn rất ngon thì rất nhiều ở khắp nơi, nhất là trong những ngôi nhà vườn. Chim kêu ghềnh khóc không khỏi khiến liên tưởng tới, “Chiều chiều cõng mẹ qua đèo/Chim kêu bên nọ vượn trèo bên tê.” Đi đâu thì là, “Đi tới xứ mô”. “Một mai” thay vì khi nào đó trong tương lai. 

Bài thơ là tiếng thở dài lê lê, ủ ê, rêu mốc (chữ của Tô Thùy Yên). Người đọc vô ý sẽ hỏi tại sao nói đến Huế mà không nhắc tới sông Hương, núi Ngự , Kim Long, Vỹ Dạ  v.v… Nhưng đây không phải Huế đẹp và thơ. Đây là Huế oán. 

Huế Oán

Nửa khuya vua trẻ lìa kinh khuyết
Từ đó thâm cung lạnh lửa đèn
Trường thành nhiều chỗ đã sụt lở
Thương em còn thơm hồn nhãn sen
Mấy bận sóng thần lấp cửa phá
Đêm giông mẹ nhắc chuyện năm Thìn
Bạn về quê bạn đường xa ngái
Trong nớ ngoài ni nhớ chẳng yên
Tóc mai rụng đã bao nghiêu sợi
Mãi chẳng nguôi thầm một lỡ duyên
Sông chậm lặng trôi đời ẩn nhẹm
E tản đi hương bóng chập chờn
Nắng mưa đâu chẳng là mưa nắng
Sao nắng mưa này da diết hơn
Một buổi mây qua tầng tháp cổ
Trăm năm em khóc lẽ vô thường
Mùa nhãn mùa sen chừng đã quá
Lâu rồi công chúa chưa về thăm
Khói sương trúc đá nỗi vương vất
Nhang thắp nghe đời chạng vạng thêm
Đèo cao phá rộng sông trăm nhánh
Chuyển bước làm sao khỏi động tâm
Chim kêu ghềnh khóc sóng tan dạ
Người lỡ thời đi tới xứ mô
Một mai chắc mỗi điều duy nhất
Rêu mốc mờ thêm những đã mờ                                                

(10 -1999)

Bùi Giáng

Nhà thơ Bùi Giáng (1926 – 1998)

Người thứ ba là Bùi Giáng. Thứ ba ở đây không mang ý nghĩa thứ bậc. 

Bùi Giáng là một hiện tượng kỳ lạ. Có nhà phê bình cho rằng bóng dáng lớn lao của Nguyễn Du đã bao trùm suốt đời Bùi Giáng. Thật ra khi còn trẻ, Bùi Giáng xem Nguyễn Du là thần tượng. Càng về sau, thơ ông chuyển biến nhiều, không còn mang dấu tích của bất cứ nhà thơ nào, dù là Nguyễn Du hay là những nhà thơ tiền chiến mà ông từng ca tụng như Huy Cận, Hồ Dzếnh.  Từ đấy, ông hoàn toàn tự do vẫy vùng ngọn bút, “phá phách” mọi lề lối làm thơ từ trước đến nay, đứng riêng một cõi.

Những biến chuyển trong sáng tác của giới làm văn học nghệ thuật là điều thường xẩy ra. Một ví dụ điển hình: danh họa Picasso. Có nhiều thời kỳ trong cuộc đời làm nghệ thuật rất dài của Picasso: Thời Kỳ Xanh, Thời Kỳ Hồng, Thời Kỳ Chịu Ảnh Hưởng Phi Châu, Thời Kỳ Lập Thể … Cũng thế, Thơ Bùi Giáng thay đổi theo tuổi đời.

Lúc còn trẻ, thơ của ông chải chuốt, êm ái, chữ nghĩa chọn lọc kỹ càng, chẳng khác gì thơ tiền chiến dù tân kỳ hơn, hiện đại hơn. Hai khổ thơ dưới đây trong bài Phụng Hiến khiến ta nhớ Xuân Diệu:

          Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
          Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
          Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
          Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu

          …

          Những dòng lệ tuôn mấy lần khắc khoải
          Những nụ cười tròn mấy bận hân hoan
          Những ngoảnh mặt im lìm trong ái ngại
          Những bắt tay xao động với muôn vàn

Sầu Ca SĩMột Buổi Trưa là tiếng nói não nùng tha thiết của một trái tim yêu đương sôi nổi, và đầy thương cảm. Chữ nghĩa bóng bảy, mới mẻ, đầy sáng tạo: 

Sầu Ca sĩ

Em về bủa rộng chiêm bao
Buồn sông bóng mạ chìm sâu bên dòng
Đời xuân nức nở sầu trong
Giọt ngần sương bỏ xuống lòng thơ ngây
Tóc xanh kỳ hẹn sai ngày
Khóc ngang ngửa mộng canh dài mấy phen
Du dương từ giã hai miền
Nước truông còn chảy bên triền mây trôi
Đầu khe lá cỏ phai rồi
Đá vang tiếng ngựa bên lời ước mong
Trời đêm tinh tú chạy vòng
Ruổi rong về bích ngạn hồng vàng chiêu

          Một Buổi Trưa

          Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
          Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
          Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
          Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai


          Em có định sẽ cùng ai kể lể
          Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
          Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
          Một mùi hương hồng tụ ở phương nào


          Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
          Để bây giờ không thể lại phanh phơi
          Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
          Hờn dung nhan em có sợ bên người


          Con mắt ấy vì sao em khép lại
          Làn mi kia em thử ngước nhìn lên
          Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
          Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin


          Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
          Lùa chân mây về ở dưới chân trời
          Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
          Giẫm trang đời lá rụng úa thu phai

Trong Bờ Lúa, cái chết của người yêu dấu đã trở thành một nỗi ám ảnh không rời, một niềm ăn năn không nguôi. Bài thơ đã gây xúc động lớn trong lòng người đọc:

Bờ Lúa

Em chết bên bờ lúa
Để lại trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con


Anh qua miền cao nguyên
Nhìn mây trời bữa nọ
Đêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya trốn gió


Mười năm sau xuống ruộng
Đếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rã riêng


 Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng          
Anh vùi thân trong tội lỗi       
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang

Họa sĩ Đinh Cường vẽ Bùi Giáng

Ta lại bắt gặp trong Chào Nguyên Xuân rất nhiều từ ngữ tân kỳ, phong phú; hình ảnh đa dạng, lộng lẫy; ý tứ và cảm hứng dào dạt, hàm súc:

Chào Nguyên Xuân

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng


Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người


Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau


Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây


Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu


Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà


Hỏi rằng từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

Tiếp theo là Người Ðiên, một bài thơ lạ. Nó gieo bỡ ngỡ, hoang mang. Nhiều hình ảnh trong bài thơ thay nhau biến đổi theo dòng thời gian trôi miên man suốt cả một đời người. Người điên đi, đi mãi, không hề quay lại, không hề quan tâm đến ai cả, đi một mình. Đi đâu? Không ai biết. Thế nhưng lại có một người lẽo đẽo đi theo. Vậy là có hai nhân vật cùng đi, và một tình yêu một chiều xẩy ra. Cái tình thế thật là trớ trêu.

Người nam và người nữ lặng lẽ đi bên nhau. Lặng lẽ vì không có đối thoại bằng ngôn từ hoặc bằng tâm cảm. Nàng lặng lẽ yêu chàng, theo dõi từng bước chân của chàng mà chàng thì cứ như từ một hành tinh nào khác lạc xuống trần gian đi tìm kiếm một cái gì nàng không thể nào hiểu nổi. Chàng đi đi mãi. Nàng đi theo.

  Nàng ở ngay bên chàng mà chàng không thấy, nàng đay nghiến: Người yêu mù của tôi. Nàng ở ngay bên chàng mà chàng không chịu nói một lời: Người yêu câm của tôi. Chàng là người mù, người câm, nhưng không điếc, vì chàng có nghe. Không phải nghe nàng, mà nghe những tiếng gọi mơ hồ đâu đâu, để cứ thế đi tìm. Tìm được gì?  Không tìm được gì cả, hoạ chăng có khi chàng gặp:                           

                            “Một mùa xuân hấp tấp!”

Hấp tấp là còn tệ hơn vội vàng, gấp rút, hối hả.  Hấp tấp bao hàm ý nghĩa bất ổn, ẩu tả, luôn luôn đưa đến thất bại.  Thế mà chàng cứ như người mù lòa một mình tìm kiếm  mãi:                           

                            “Vì sao chàng nhắm mắt
                             Ði kiếm mãi một mình”             

              Ði hết bờ cỏ bụi dâu đến khô se đồng nội, hết ruộng trổ đòng đòng đến nước đục cong cong, nghĩa là đi mãi trong cuộc lữ bất tận, quên cả trời đang mưa lên mặt:  

                            “Ðể trời mưa lên mặt
                            Một lá cồn phiêu linh” 

Bài thơ mỗi câu năm chữ được viết không phải bằng thứ ngôn ngữ khá bóng bảy, phức tạp và trừu tượng như thường lệ của Bùi Giáng, mà bằng những từ ngữ rất đơn sơ, cụ thể, chắc nịch như đinh đóng cột, bằng một giọng điệu cộc lốc, lạnh lùng, gần như vô cảm. Thế mà, lạ lùng thay, đã tạo nên xúc động lớn.  Ðằng sau những dòng chữ giản dị nhất là những dư vang bi thiết nhất. 

Ðặc biệt là những câu ngắn ngủi trong đó chữ một nổi bật. Nhảy tango cần phải có hai người — It takes two to tango — thì yêu nhau cũng thế, cần có hai. Ðằng này chỉ có một. Bài thơ ngắn loại ngũ ngôn, với bốn đoản khúc, mà đã có năm chữ một chen vào năm câu: Một đời chàng không nói/Một đời chàng khô môi/Đi kiếm mãi một mình/ Một mùa xuân hấp tấp/Một lá cồn phiêu linh.

              Rốt cục ai là người điên? Chàngđiên hay nàngđiên? Chàng điên mới không chịu nắm bắt hạnh phúc ở ngay bên cạnh mình mà cứ mải miết đi tìm một cái gì không bao giờ có. Nàng điên mới mù quáng yêu một người như thế, yêu như một kiếp nạn. Khi nàng đay nghiến Người yêu mù của tôi thì chính bản thân của nàng cũng mù không kém. Thế thì cả hai người cùng điên? Cùng mù? Nàng có nói, nhưng hình như không phải nói cho chàng nghe mà nói cho một mình mình nghe, như những tiếng nói lẩm bẩm, càm ràm. Thì đối với chàng, nàng cũng là người câm nốt.

Hai câu cuối  khá “hồ đồ”. “Để trời mưa lên mặt/Một lá cồn [5] phiêu linh” là cái gì? Bùi Giáng thường dùng chữ lá cồn để ám chỉ người nữ. Vậy trời mưa lên mặt nàng? Hay mưa trên mặt chàng, nghĩa là trời giáng xuống mặt chàng chiếc lá cồn phiêu linh?

Người Điên                        

Người yêu mù của tôi
Người yêu câm của tôi
Một đời chàng không nói
Một đời chàng khô môi


Chàng nghe thấy ở đâu
Nơi nào chàng bắt gặp
Bên bờ cỏ bụi dâu
Một mùa xuân hấp tấp


Từ khô se cồn nội
Xuống ruộng trổ đòng đòng
Lúa mùa lên phơi phới
Bờ nước đục cong cong


Vì sao chàng nhắm mắt
Ði kiếm mãi một mình
Ðể trời mưa lên mặt
Một lá cồn phiêu linh. 

Có người bảo thơ Bùi Giáng chỉ có vài câu hay trong mỗi bài, nghĩa là không có bài nào hay trọn vẹn. Nhưng ta đã gặp những bài hay như nêu trên. Ngoài ra còn có nhiều bài thơ hay trọn vẹn khác đăng trong  MƯA NGUỒN và LÁ HOA CỒN  (An Tiêm–Sài Gòn-1973) chẳng hạn, như:  Cỏ Hồn Du Mục, Gió Bão Tây Nam, Áo Xanh, Mái Hiên, Buổi Hội, Sẽ Đi,  Em Về, Trở Lại, Phương Tây, Nguyễn Huệ, Chào Thu Lục Tỉnh, Ngoài Trung, Anh Về Bình Dương, Ngủ Yên, Anh Lùa Bò Vào Đồi Sim Trái Chín, Mắt Buồn, Không Nói Nữa, Nắng Sài Gòn, Ai Giết, Sóng, Kỷ Niệm, vân vân.

Càng về sau Bùi Giáng càng rời bỏ lối viết du dương, hoa mỹ, chải chuốt. Ông theo con đường khác, muốn đi sâu vào thế giới u uẩn khó nắm bắt, bằng một thứ ngôn ngữ “lai rai”[6], “chịu chơi”, “hồ đồ”, “gùn ghè”, “gay cấn” – chữ của ông – nhiều khi đi đến chỗ bỡn cợt, hoặc khó hiểu, hoặc hỗn mang, quái dị.

Bài thơ Gái Ăn Quà  thật lạ, thật hay, và cũng thật “lai rai, chịu chơi”. Đề tài cũng thật hy hữu. Xưa nay thi sĩ thường nói đến người đẹp bên song cửa, dưới gốc mai, trong nhung lụa; hay là người đẹp ôm cây đàn, nâng tiếng hát, họa câu thơ v.v… Người đẹp của Bùi Giáng, trái lại, rủ nhau xuống phố ăn quà. Và quá dễ thương, từ  mái tóc, môi, miệng, răng, đến lời ăn tiếng nói, đến nỗi bọn lưu manh đón đường để cướp bóc, trấn lột, thấy thế cũng phải đành chào thua:

Gái Ăn Quà

Chị em xuống phố ăn quà
Gặp lưu manh đón đường tra hỏi gì
Lặng nhìn mái tóc từ bi
Lắng nghe môi miệng nhu mì mở ra
(Chị em xuống phố ăn quà
Làn mi liễu mộng miệng hòa chan chan)
Làn mi thổi gió lên ngàn
Chị em xuống phố hòa chan ăn quà
Vô ngần miệng ngọc mở ra
Môi răng thể lệ ăn quà thể quang
Chị em xuống phố hòa chan
Ăn quà rất mực thênh thang thật là

Thơ Bùi Giáng nhiều vô số. Hàng nghìn hay hàng chục nghìn bài? Nhiều người (Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Thầy Thanh Tuệ) đã có ý kiến về lối làm thơ của ông. Thơ tuôn ra như suối nguồn, không phân vân, không đắn đo, không chọn chữ. Có lẽ vì thế, vào thời kỳ tuổi “trung niên” (ông từng tự gọi là trung niên thi sĩ) và về sau, rất nhiều thơ ông mỗi bài chỉ được mấy câu hay.  Chẳng hạn:

Em ngó buổi chiều buồn có phải
Buồn cũng như buồn những buổi chiều xưa
Trong con mắt đã mỏi mòn có phải
Sắc của trời hương của đất lưa thưa

(Chiều)

Nhìn em nhé bên bờ kia gió thổi
Lá xanh vườn theo cỏ mượt ngân nga
Tơ vi vút một đời thương nhớ tuổi
Của trăng rằm xuống dọ dẫm bên hoa

(Bờ Nước Cũ)

Chào Lục Tỉnh thu về xuân nức nở
Ở trong cây trong lá ở bên sông
Dòng nước chậm chần chờ cho sóng chở
Còn không em? Kỷ niệm ở bên dòng

(Chào Thu Lục Tỉnh)

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù

(Mai Sau Em Về)

Chiều hôm nhớ bước em đi
Cách nghìn thu cũ còn ghi tạc liều
Nhớ nhung chiều tạnh bên chiều
Sớm sương nhớ lá chiều chiều nhớ cây

…                 

(Chiến Trận Chiều Hôm)

Người một thuở lênh đênh nghìn kiếp
Nghìn bóng vang thiêm thiếp chạy quanh
Kẻ sầu vạn đại xuân xanh
Người bi hận một màu xanh hơn màu

(Tặng Da Vàng)

Bỏ đi em trốn Hội nào
Thần hoang vu thét Tiên gào lừng vang
Bên Mình Phố Thị hoang mang
Chợt mùa thơ giục Màu Lan lên đuòng

Bỏ đi quá bất thình lình
Mùa Trung Niên dậy ân tình đười ươi
Gieo vần ký thác mười mươi
Ngõ hầu muôn một đáp mười cho muôn

(Trời Khóc Monroe Marilyn)

Bóng sầu phố ngã nghiêng vai
Lời thư xuân đã lỗi sai bao giờ
Gót buồn non ải bơ vơ
Trời xa cố quận đâu ngờ điêu linh
Tôi làm con của hoang thành
Tôi làm em của người anh không về

(Thư Xuân)

          Cũng có những bài thơ rất dài và rất khó hiểu. Xin trích một khổ trong bài Mọi Mộng Mỵ theo thể song thất lục bát, gồm 47 khổ, mỗi khổ 4 câu, khổ cuối cùng 6 câu:

Thời Dựng Thể đầy vơi ngữ điệu
Thể Phôi Thai Thời liễu ngộ ngôn
Lộn Ngô lạc Việt lầm Tồn
Lôn tầm lẫm tạ lạ Cồn Lá Hoa

                     Mai Thảo ca ngợi: “Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển, có trời …” (VĂN số 26 tháng 8, 1984).

Lời khen có phần quá đáng chăng? Dù vậy, ta cũng có thể nói thêm rằng, ngoài lời ca ngợi đó ra, thơ Bùi Giáng thường biểu lộ những băn khoăn về kiếp nhân sinh, thế nhưng cũng lắm khi chan chứa tình yêu con người và quê hương đất nước, bằng những vần thơ lúc thì uyên bác, trí tuệ, lúc thì “gay cấn”,  bỡn cợt, chen lẫn những đoạn thơ rất khó hiểu nghe như tiếng nói trong cơn mê sảng.

Nguyễn Du

Tượng đài hư cấu về dung nhan quan đại thần, nhà thơ Nguyễn Du (1766-1820)

Bàn về thơ, không thể bỏ qua Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cuốn truyện dài bằng thơ này bao gồm nhiều mặt của cuộc sống, nhưng ở đây ta chỉ đọc những vần thơ liên quan đến Ngày Xuân của nàng Kiều mà thôi, xem như  khép lại loạt bài này.

Truyện Kiều buồn. Mùa thu và mùa đông ảm đạm bao trùm cuộc đời bi thảm của nàng Kiều. Tuy nhiên ngày xuân tươi sáng, dù ngắn ngủi, hiếm hoi cũng được nói tới, và cũng đã để lại những dấu vết khó quên.

Con én là hình ảnh linh động nhất, rộn ràng nhất, rạo rực nhất, bay lượn như đưa thoi trên không trung đón xuân về:

          Ngày xuân con én đưa thoi

Chị em Kiều du xuân. Trên lưng trời, én bay lượn. Dưới chân bước, cỏ non xanh. Dọc bên đường, hoa lê trắng. Trước con mắt, tài tử giai nhân.  Ngày xuân trong sáng hiếm hoi đó sẽ đẹp đẽ và êm đềm biết bao nếu ngôi mồ vô chủ và câu chuyện Đạm Tiên không xuất hiện như một vết đen, như một điềm xấu, báo trước cho cuộc tình duyên trắc trở về sau giữa Kiều và Kim. 

Gặp nhau lần đầu, như sét đánh, coup de foudre, chưa có với nhau một lời trao đổi, họ đã cùng nhau lặng lẽ đi vào cơn mê tuyệt vời:

          Người quốc sắc kẻ thiên tài
          Tình trong như đã mặt ngoài còn e
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê

Rồi hai người đành phải âm thầm chia tay trong buồn bã, vấn vương:

          Bóng tà như giục cơn buồn
          Khách đà lên ngựa người còn ghé theo

Tranh: Hai nàng Kiều, họa sĩ Lê Chánh vẽ năm 1974, treo tại Dinh Độc Lập. Nguồn: Tạp Chí Mỹ Thuật

Hai em Thúy Vân và Vương Quan chẳng hề hay biết gì cả. Nhưng có trời đất biết, chứng giám. Trời đất đây là dòng nước trong veo chảy, là tơ liễu bên cầu, là bóng chiều thướt tha,  tô điểm cuộc tình diễm ảo vừa mới ra đời:

          Dưới dòng nước chảy trong veo
          Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Sau cuộc gặp gỡ, trở về nhà chàng Kim tương tư. Bỏ bê học hành, không buồn cầm quản bút, không muốn nắn dây đàn, căn phòng lạnh giá buốt. Vì hình bóng giai nhân choán ngợp:

          Sầu đong càng lắc càng đầy
          Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
          Mây Tần khóa kín song the
          Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao
Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao
          Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng
          Buồng văn hơi giá như đồng
          Trúc xe ngọn thỏ tơ chùng phím loan
          Mành tương phơn phớt gió đàn
          Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình

Chàng thì thế đấy, nhưng nàng thì sao? Nguyễn Du không cho Kiều tương tư, tuy nhiên nàng có những phản ứng và xúc cảm khác.

Nàng trở về nhà thì mặt trời đã khuất sau núi, chuông chiều đã ngân nga trong không gian tịch mịch. Lần này trời đất không còn là dòng nước, tơ liễu, bóng chiều, mà là chị Hằng [7]. Hằng Nga vốn tính thóc mách, tò mò, chênh chếch dòm ngó qua song cửa xem có gì lạ hay không nơi nàng Kiều khi bắt đầu biết yêu, một tình yêu mới mẻ, mơ hồ nhưng không kém phần say đắm. Kiều không thể giấu diếm lòng mình với vừng trăng. Trước kia khi tình yêu chưa đến:

          Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai

Nay khác. Cái cảnh ái ân “Vàng gieo đáy nước cây lồng bóng sân” [8] hiện lên trước mắt như trêu ghẹo, kích thích. Nàng không còn e dè gì nữa. Phải chăng nàng như hoa hải đường, không tự chủ nổi, lả ngọn đông lân? Và ta có nên đi xa thêm một chút nữa chăng rằng, Kiều, trong say sưa, trong ảo giác, đã biến thành cành xuân uốn mình dưới giọt sương gieo nặng.

          Kiều từ trở gót trướng hoa
          Mặt trời gác núi chiêng đà thu không
          Gương Nga chênh chếch dòm song
          Vàng gieo đáy nước cây lồng bóng sân
          Hải đường lả ngọn đông lân
          Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà

Ngày xuân của nàng Kiều là phần cuối Ngày Xuân Đọc Thơ.

Ngự Thuyết

1/2025

*Ngự Thuyết: Ngày Xuân đọc Thơ (P.1)

—————-

[1] … những năm gian khổ nhất của Kháng chiến, tôi được lĩnh lương 48 ki-lô gạo; tuy ít ỏi, 48 ki-lô gạo ấy quý  báu hơn tất cả vàng bạc nào; người thi sĩ được chế độ mới coi như một người có ích, chính thức lĩnh lấy trách nhiệm nuôi anh, để anh làm thơ, phục vụ nhân dân … Mười lăm năm, Đảng đã là một người thầy tài diệu, nắm được các quy luật của tâm trí, không sốt ruột, nâng trình độ của người học trò từ thấp lên cao, theo từng bậc tiến lên của cách mạng, đồng thời Đảng như một người bạn thân ái.  (Xuân Diệu và Đời – Xuân Diệu Tự Bạch – NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC –  1998)

[2] Ca dao: Mình về em chẳng cho về

Em níu vạt áo em đề câu thơ

[3] Ca dao: Chờ anh em quá sức chờ
Chờ cho rau mác bên bờ trổ bông

[4] Ca dao: Đêm qua ra đứng bờ ao
          Trông cá cá lặn trông sao sao mờ

          …

          Đêm đêm thưởng dải Ngân Hà
          Chuôi sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn
          Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
          Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ

[5] Bùi Giáng thích nói lái.

[6] Trong Thi Ca Tư Tưởng (Ca Dao xuất bản – Giấy Phép số 5195 – Phát Hành ngày 3/12/1969), Bùi Giáng có một nhận định độc đáo liên quan đến bài thơ Tràng Giang rất nổi tiếng của Huy Cận. Ông viết:

“A thân thể! một cái bình tội lỗi
Đất sơ sinh đã hóa lại bùn lầy

Một ý tưởng chẳng có chi là mới lạ. Nhưng câu thơ của Huy Cận lại tươi mát như bầu trời.

Và cổ đứng như mình cây vững chãi
Và vai ngang như mặt nước xuôi dài

Viết câu thơ lai rai như thế mới đích là thiên tài. (Còn như cái bài Tràng Giang của ông chính ông cũng lấy làm đắc ý lắm, thật ra còn vương vướng, không có chi là huyền ảo cả.)”

[7] Trăng giữ vai trò quan trọng trong nhiều giai đoạn của cuộc đời nàng Kiều. Phần trên đây trăng dòm ngó khi Kiều bắt đầu yêu. Tiếp theo trăng làm chứng cho lời thề nguyền  giữa Kiều và Kim:

Tiên thề cùng thảo một chương
          Tóc mây một món dao vàng chia đôi
          Vừng trăng vằng vặc giữa trời
          Đinh ninh hai miệng một lời song song

Sau đó, trăng vẫn tiếp tục theo dõi.

Khi chàng Kim phải lên đường đi Liêu Dương hộ tang thúc phụ:

          Trăng thề còn đó trơ trơ
          Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng

Khi Kiều bán mình chuộc cha:

          Trăng già độc địa làm sao
          Cầm dây chẳng lựa buộc vào tự nhiên

Khi Kiều trên đường theo Mã Giám Sinh:

          Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
          Thấy trăng mà thẹn những lời non sông

Trước lầu Ngưng Bích:

          Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
          Vẻ non xa tấm trăng gần ớ chung

Khi Kiều bàn chuyện hơn thiệt với Thúc Sinh:

          Vả trong thềm quế cung trăng
          Chủ trương đành đã chị Hằng ở trong

Khi chia tay với Thúc Sinh:

          Vừng trăng ai xẻ làm đôi
          Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

Khi Vân giãi bày với Kiều:

          Còn duyên may lại còn người
          Còn vừng trăng bạc còn lời thề xưa

[8] Chinh Phụ Ngâm tả cảnh yêu đương:

          Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm
          Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông

  Truyện Kiều thì:

                 Vàng gieo đáy nước cây lồng bóng sân.