Ngự Thuyết: Qua Trung Đông
Tôi nghĩ nếu hoàn cảnh cho phép thì mỗi năm phải một lần đi. Đi xa. Đến một nơi mình chưa hề biết càng tốt. Ở yên mãi một chỗ sẽ dễ trở thành ù lì, nặng nề, thể xác lẫn tinh thần. Đi, coi như “sạc bình”. Sau một chuyến đi, bình ắc-quy được nạp điện trở lại. Cứ thế cho đến khi nào cái bình quá cũ, hết “sạc”được nữa, thì hết đi vậy.
Một hôm, con tôi gọi điện thoại:
“Có chuyến du lịch này hay lắm, bố mẹ đi nhé.”
“Đi đâu?”
“Đi Ai Cập, Jordan, Do Thái.”
“Trong bao lâu?”
“Trên nửa tháng.”
Những địa danh này quả là có sức lôi cuốn vô cùng, và tôi mong trong đời mình phải được một lần đến đó. Nhưng tôi cũng ngần ngại. Độ này không được khoẻ, đành trả lời:
“Bố già yếu rồi. Đi lâu quá, xa quá. Để bố nghĩ lại xem sao.”
“Vậy con cứ mua vé máy bay ngay bây giờ cho rẻ. Ba tháng nữa mới đi. Và con sẽ mua bảo hiểm nữa. Lỡ bố mẹ đổi ý, hay vì lý do nào khác, thì có thể trả vé lại, chỉ trả một ít tiền thôi. Nhưng con nghĩ không sao đâu. Khi nào mệt, bố mẹ ngồi nghỉ trên xe, hoặc ở lại trong khách sạn chờ.”
Tôi vẫn ngần ngại. Ở tại nhà, ngồi lâu mệt mỏi đã đành, nằm lâu cũng không yên. Ban đêm thì giấc ngủ trằn trọc. Đi xa có nổi không?
Ba tháng qua nhanh. Thôi, đừng vờ dùng dằng nữa. Đi vậy.
Chúng tôi ở Nam Cali. Con chúng tôi ở Bắc sẽ đi từ phi trường San Francisco. Thoạt tiên chúng tôi định đi xe đò Hoàng lên đấy trước vài ba ngày rồi cùng đi với chúng nó cho tiện. Nhưng lần này chuyến đi kéo dài lâu quá. Để tiết kiệm vài ngày và bớt nhọc nhằn, chúng tôi sẽ khởi hành từ phi trường Los Angeles, rồi bay qua Dubai gặp chúng nó. Dubai là một thành phố lớn thuộc các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (The United Arab Emirates – UAE), nơi có tòa nhà cao nhất thế giới The Burj Khalifa, cao đến 829.8 mét. Chúng tôi đã đến đó cách đây mấy năm trong chuyến đi trước. Tiếp đến sẽ cùng nhau bay ngược về Ai Cập theo chương trình.
Cũng không nhờ đứa con gái ở gần xin nghỉ việc nửa ngày đưa chúng tôi lên phi trường LAX như mỗi lần chúng tôi đi xa. Chúng tôi liên lạc với ban tổ chức chuyến đi có văn phòng tại Garden Grove, Nam Cali, yêu cầu cho xe đến đón chúng tôi tại nhà. Tất nhiên phải trả thêm chút tiền.
Ngồi trên xe đến phi trường, hỏi ra tôi mới biết rằng công ty du lịch này đã quy tụ được nhiều nhóm tham gia chuyến đi xuất phát từ những địa điểm Santa Ana, Los Angeles, San Jose, San Fracisco, Texas, Miến Điện, với tổng số gần 30 người.
Máy bay vừa cất cánh, tôi đem tấm bản đồ mang theo ra xem, và nhẩm tính. Los Angeles nằm bên trên vĩ tuyến 34 Bắc, Dubai bên trên vỹ tuyến 25 Bắc, nghĩa là cách nhau không xa, tính theo chiều dọc của quả đất. Như vậy, nếu từ Los Angeles bay ngang từ Tây sang Đông theo vỹ tuyến 30 Bắc chẳng hạn, thì sẽ qua khỏi lục địa nước Mỹ, rồi vượt qua Đại Tây Dương, tiếp đến bay qua khỏi các nước Bắc Phi là sẽ đến gần Dubai. Mặt khác, Dubai cách Los Angeles 11 múi giờ. Do đó thời gian bay có thể khoảng 10 tiếng đồng hồ là cùng. Thế là mình sẽ ngồi trên máy bay không lâu lắm. Khi nào mệt mỏi thì đứng dậy, đi vài vòng quanh quẩn các hàng ghế đầy nhóc người. Không có gì đáng lo nữa.
Khoảng nửa tiếng sau, tôi mở màn hình của computer gắn tại lưng ghế hành khách ngồi trước, nghĩa là ở ngay trước mặt tôi, theo dõi biểu đồ hình ảnh chiếc máy bay đang di chuyển, để lại sau đuôi một vạch dài cho ta thấy chiếc máy bay đã vượt qua những nơi nào của hành tinh này trên đường đi đến Dubai.
Thoạt tiên máy bay di chuyển ngược lên hướng Bắc, và tôi nghĩ rằng sau một đoạn đường bay rời phi đạo, nó sẽ xoay mình quay qua hướng Đông. Nhưng không, chiếc máy bay vẫn giữ hướng Bắc, và cứ thế bay mãi, chứ không bay theo chiều ngang của quả đất cho mau tới đích như tôi đã đoán. Vậy là những tính toán của tôi hoàn toàn sai lạc. Máy bay chở hành khách có đường bay riêng chứ đâu có thể bay dọc bay ngang hoặc bay xéo tuỳ tiện. Từ đấy trở đi, thỉnh thoảng tôi lại mở màn hình xem thử chiếc máy bay đã qua những nơi nào. Và chắc chắn thời gian bay sẽ kéo dài hơn nhiều.
Lấy sách ra đọc. Đèn không đủ sáng, mỏi mắt, chán. Mở máy xem những phim câm đen trắng của vua hề Charles Chaplin mà tôi đã xem nhiều lần. Rồi những phim hành động, trinh thám, hình sự, v.v… hoặc những đoạn phim tranh giải bóng tròn, quần vợt, quyền Anh, thể thao quá cũ. Ngồi xem mãi, quá mệt, đứng dậy, đi quanh cho giãn tay chân và bớt đau lưng. Rồi trở về chỗ ngồi cũ cố ngủ nhưng không tài nào chợp mắt nổi. Lại bấm máy tìm một chương trình nào khác có thể lấp kín thì giờ trống trải. Chẳng có cái gì đáng coi cả. Lại đứng dậy, đi quanh. Cứ thế nhiều lần. Khi gặp xe mang thức ăn tới thì tôi trở lui, ngồi trở lại ghế cũ, chờ ăn. Hết ăn tối đến ăn sáng, rồi ăn trưa. Điều đó chứng tỏ rằng chiếc máy bay này đã bay rất lâu rồi. Tôi cũng không quên chốc chốc bấm máy xem máy bay đã bay qua những nơi nào.
Thoạt tiên nó bay về hướng Bắc đến Canada. Rồi Đông Bắc, vượt qua khỏi Vòng Bắc Cực (Artic Circle). Tiến gần đến Bắc Băng Dương (Artic Ocean), máy bay chuyển qua hướng Đông. Rời khỏi các vùng biển Bắc của Greenland, qua vùng biển Bắc của Na Uy, Phần Lan, máy bay tiến vào lãnh thổ mênh mông của Liên Bang Nga. Rồi bay chênh chếch về hướng Đông Nam, gặp Azerbaijan, biển Caspian, và bay tiếp trên không phận của Iran. Cuối cùng máy bay đáp xuống Dubai nằm trên vịnh Ba Tư.
Trên biểu đồ đường bay cũng có hiện lên giờ máy bay lúc cất cánh từ Los Angeles, giờ lúc đang bay, và giờ sẽ đến Dubai. Tính ra tổng cộng thời gian bay là 19 giờ. Quá kéo dài ngoài hẳn dự đoán của tôi. Tôi mệt lả.
Đúng như chương trình, các toán xuất phát từ những địa điểm khác Los Angeles cũng đã đến Dubai trước chúng tôi mươi phút. Chúng tôi gặp lại vợ chồng đứa con trai, và những người quen biết từ những chuyến đi trước, trong đó có vợ chồng anh Trần Kiêm Đoàn, và con cháu – ba thế hệ cùng đi.
Anh Trần Kiêm Đoàn là em họ của Trần Kiêm Tịnh, Trần Thị Lục Hà (Hà Thanh), v.v… mà tôi có quen biết. Anh viết nhiều bài giá trị về Phật Giáo, và cũng là một nhà thơ có tài. Anh từng dạy môn Triết tại một Đại Học tại Bắc Cali.
Ngồi chờ tại phi trường Dubai độ nửa tiếng, hành khách lên máy bay bay ngược về hướng Tây Bắc để đến Cairo, thủ đô của Ai Cập. Lại phải mất khoảng 3 giờ bay trên không phận của nước Saudi Arabia. Đến Cairo lúc gần nửa đêm, xe đưa về khách sạn Cairo Triumph Luxury khá xa trung tâm thành phố. Tới nơi, nhìn vào đồng hồ, gần 2 giờ sáng. Được thông báo sẽ ăn sáng lúc 6 giờ, và rời khỏi khách sạn lúc 7 giờ để đi thăm Kim Tự Tháp. Thế là không được nghỉ ngơi chút nào sau chuyến bay dài.
Tôi xin mạn phép không thuật lại mọi chi tiết trong chuyến đi rất lôi cuốn nhưng cũng quá mệt nhọc này. Kể sao cho hết nổi. Chỉ xin kể lại một số sự kiện tôi cho là đáng nhớ, và có khi không ghi chép theo thứ tự thời gian.
Sau bữa ăn sáng vội vàng, mọi người lên xe. Bên ngoài khá lạnh. Trời sáng dần. Xe không chạy gần những khu đô thị. Cảnh vật hai bên đường hiện lờ mờ dưới cặp mắt nặng trĩu vì buồn ngủ của tôi. Nổi bật nhất là những dải đất mênh mông chạy theo xa lộ trên đó có hàng chục nghìn toà nhà xây lở dở không người ở. Tiếp đến là vùng đất hoang rộng lớn bị đào xới ngổn ngang thành từng gò đống trải rộng ra rất xa từ con đường xe chạy. Tại sao có cảnh tượng này? Phải chăng người Ai Cập ngày nay vẫn còn sục sạo tìm kiếm thêm những dấu tích của một nền văn minh cổ trên năm nghìn năm đã chìm sâu dưới bao nhiêu lớp đất, đá, cát, bụi? Như tìm về một quá khứ bị cắt lìa đứt đoạn. Quả thế, ta khó nhận ra sự liên tục giữa nền văn minh Kim Tự Tháp với sinh hoạt hiện đại của Ai Cập ngày nay.
Hai bên đường là một màu vàng nâu của cát, đá. Lâu lắm mới gặp những chấm màu xanh của cây chà là. Xa tận chân trời thấp thoáng Kim Tự Tháp.
Xế trưa, xe đến cao nguyên Giza. Quần thể Kim Tự Tháp xuất hiện. Đây là những Kim Tự Tháp được xây cất cách nay gần 5 nghìn năm. Tượng Sphinx (Tượng Nhân Sư, đầu người mình sư tử) đứng ngay kế con đường. Tháp lớn tháp nhỏ nằm rải rác gần, xa, trong đó Kim Tự Tháp Cheops vĩ đại nhất đứng sừng sững dưới bầu trời mây bàng bạc mùa xuân.
Tôi đã nhiều lần nhìn Kim Tự Tháp Cheops này qua sách vở, phim ảnh, từ thuở còn bé tí cho đến lúc đầu bạc. Nay được thấy tận mắt. Trông vừa quen, vừa lạ. Và bỗng thấy dâng lên trong lòng một tình cảm khó tả như khi tình cờ tại một nơi rất xa xôi gặp lại thằng bạn của thời thơ ấu. Và cũng từ trong lòng những khối đá chồng chất cao ngất đó dường như vang lên lời đáp lại, “Mệt lắm sao? Bước gần thêm ít bước nữa đi.” Quả tôi đã mệt nhừ, do ngồi lâu trên máy bay và mất ngủ. Thôi đứng xa xa vậy, lại được thấy tổng quát. Rồi tôi chăm chú nhìn theo một cạnh của ngôi tháp từ chân, dần dần phải ngửa mặt lên nhìn cho tới đỉnh. Nó thẳng băng như thước kẽ tuy có chỗ bị khuyết mòn, đổ nát với thời gian. Cái đỉnh nhọn đâm thẳng vào không gian lồng lộng đã gây xúc động nơi tôi khác hẳn khi nhìn những tòa nhà chọc trời tại nước Mỹ, hay tại nhiều nơi khác. Tôi mong, nhưng không còn hơi sức, đi theo nhóm trẻ lội trong cát, đá, một lần mà thôi, để tiến đến thật gần xem thử có gì khác lạ nào không, hoặc đưa tay sờ mó những tảng đá bí ẩn của mấy ngàn năm ấy. Nhưng có thông báo cấm đụng chạm vào ngôi tháp.
Sau đấy, tôi lên xe ngồi nghỉ, và giấc ngủ ập tới.
Tiếng gọi của một cháu bé, thế hệ thứ ba, “Ông, ông, dậy đi camel.” Tiếng nói trọ trẹ. Tôi mệt, lắc đầu từ chối. Nhưng tôi không ngủ được nữa. Một vài người lớn tuổi như tôi cũng không xuống xe. Có lẽ họ cũng bị thiếu ngủ và mệt nhọc.
Những xe đò khác lần lượt tới.
Trên một bãi đất rộng lớn không xa Kim Tự Tháp Cheops, mấy mươi con lạc đà to cao cỡ 2, 5 mét trở lên, yên cương, cờ quạt lộng lẫy, cùng chủ của chúng đứng chờ dưới cơn nắng bắt đầu gay gắt. Du khách đến, những con vật ngoan ngoãn quỳ hai chân trước xuống sát đất, và chủ của chúng giúp đưa du khách lên lưng chúng. Rồi những người chủ dẫn đoàn lạc đà rảo bước đi, theo sau là mấy người chụp hình chạy lúp xúp.
Trong khi đó, một vài người mang quà lưu niệm đến bán. Tôi chọn ba cái tượng nhỏ bằng đá: một tượng bán thân người đẹp nhất cổ đại của Ai Cập [1] một ngôi Kim Tự Tháp, và một tượng con vật giống như con chó rừng có hai tai dài, nhọn, và đứng. Hay là con mèo?
“Bao nhiêu?”
“100 đôla.”
“Đắt quá.”
“Thì 80 đôla.”
Ngay lúc đó xe bấm còi ra hiệu lên đường. Tôi nói đại:
“20 đôla thôi.”
Nói cho xong chuyện để có thể lên xe ngay. Không ngờ anh chàng bán hàng bằng lòng. Tôi rút ví ra, chỉ còn 15 đôla lẻ. Anh ta cũng chịu luôn.
Người bình dân Ai Cập rất thích đôla, tờ đôla mệnh giá càng lớn càng tốt. Tờ 100 đô được quý đã đành. Có người còn năn nỉ xin đổi 20 tờ đôla 1 đồng để lấy 1 tờ 20, hay ngay cả 5 tờ lẻ để lấy 1 tờ 5 đồng.
Hôm sau chúng tôi đáp máy bay đến thành phố Aswan trên bờ sông Nile.
Sông Nile là một trong những con sông dài nhất thế giới, 6,600 cây số (4,100 miles), chảy theo hướng Nam Bắc, bắt nguồn từ hồ Victoria mênh mông nằm giữa ba nước Uganda, Tanzania, và Kenya, và vượt qua thêm 7 nước khác thuộc Đông Phi, cuối cùng đến Ai Cập trước khi đổ ra biển Địa Trung Hải qua thành phố cáng Alexandria của Ai Cập.
Sông Nile vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với Ai Cập. Nó là huyết mạch, là nguồn sống. Nông nghiệp, ngư nghiệp, đường giao thông vận tải thủy lộ, thuỷ lợi, thuỷ điện (đập thuỷ điện Aswan lớn nhất nhì thế giới) đều nhờ cậy vào con sông huyền diệu này. Hai bên bờ sông, cây cối, đồng lúa, đồng cỏ … xanh tươi bát ngát. Càng xa con sông, cảnh tượng của trên 10 nước Châu Phi đó càng tiêu điều, xơ xác, cằn cỗi. Trên một bản đồ lớn, sông Nile trông như một con rắn thần khổng lồ uốn éo giữa hai viền cỏ xanh chạy dài trên một vùng đất bao la vàng úa.
Du khách được ở trên chiếc du thuyền lớn 5 sao, 4 tầng, neo tại thành phố Aswan. Qua hôm sau thuyền rời bến chạy trên sông Nile. Hai bên bờ sông chốc chốc hiện lên những ngôi nhà thấp mái ngói hay mái lá bao quanh bởi những khóm chà là xanh tươi chẳng khác gì tại vùng quê miền Trung Việt Nam xưa kia với những mái tranh nép trong những vườn cau ”xanh như ngọc”. Nhớ những hàng cau Việt Nam vươn lên trời, đứng thẳng nên song song với nhau. Có loại cây nào trên quả đất này như cây cau đứng thẳng như thế không nhỉ?
Rồi thuyền chạy qua nhiều thị trấn, nhiều hòn đảo — Agilka, Elephantine, Kitchner v.v — và ghé lại vài nơi để cho du khách lên thăm những đền đài cổ kính. Buổi chiều hành khách được ngồi trên chiếc thuyền buồm nhỏ trôi nhẹ trên mặt sông. Phải chi có thêm những con đò vung mái chèo lướt sóng. Trên dòng sông, thuyền bè ngược xuôi khá tấp nập.
Hoàng hôn xuống, trời đất bỗng trở nên ẩm ướt, và lạnh. Ráng chiều sót lại kéo thành một vệt đỏ dài như dòng máu. Thấp thoáng cạnh đấy ẩn hiện chiếc cầu vồng mờ ảo.
Du khách trở lại tàu, lên trên tầng cao lộ thiên, ăn uống, nhảy múa, khiêu vũ hóa trang.
Những ngày lưu lại Ai Cập, chúng tôi được đi xe ngựa hai lần.
Mỗi xe chở hai người ngồi ở ghế sau, và ngưới xà ích (người điều khiển xe ngựa) ngồi ghế trước. Hầu hết là ngựa già yếu, rệu rạc. Có lẽ trước kia đấy cũng là những con tuấn mã, nay hết thời, bị sử dụng vào việc kéo xe. Người xà ích nói được tiếng Anh đôi chút, tay cầm con roi cán ngắn cột vào sợi dây dài có nhìều nút thắt cách nhau khoảng một gang tay. Tôi nghĩ dây có nút thắt đánh ngựa mới đau. Tuy thế ít khi thấy anh ta quất vào ngựa, trái lại quất ngược lên mái che nghe rẹt rẹt để giục ngựa chạy mau hơn.
Con ngựa kéo xe cho tôi và vợ tôi trở chứng, không chịu chạy. Anh xà ích nhảy xuống xe cầm dây cương ở đầu ngựa vừa kéo mạnh vừa hét lớn, tay kia quất lia lịa vào mông ngựa. Cuối cùng con ngựa chịu thua, lóc cóc chạy ngã nghiêng một chốc, rồi qua mặt một con ngựa khác đã qụy hai chân trước xuống đất. Anh xà ích của xe đó không nhảy xuống xe, trái lại quất mạnh vào hông con ngựa đang nằm dài trên mặt đất. Nó cố đứng dậy đi được mấy bước, lại quỵ xuống lần thứ hai. May thay, không chờ bị đánh tiếp, nó đứng dậy được, gượng chạy. Khi đã có đà, xe đó chạy nhanh theo kịp xe chạy trước. Cái thú đi xe ngựa là thế đấy.
Đoàn xe ngựa gần 20 chiếc nối đuôi nhau chạy qua nhiều đường phố tràn ngập người đi bộ lẫn đi xe hơi bóp còi inh ỏi. Xe cộ chạy khá lộn xộn, thấy có chỗ trống là qua mặt bất kể bên phải hay bên trái. Nhiều lúc tôi tưởng mũi xe húc vào những đôi chân khẳng kheo của con ngựa. Nếu tai nạn xẩy ra, chúng tôi ngồi trên xe sẽ bị té ngã là cùng, nhưng con ngựa thì sao? Biến thành ngựa què?
Hôm kế tiếp, theo chương trình, sẽ dậy thật sớm đáp may bay đến Amman, thủ đô của Jordan.
Hai nơi đáng nhớ nhất của nước Jordan là thành phố cổ đại Petra và Biển Chết.
Petra thuộc miền Nam của Jordan ra đời cách đây hơn 2000 năm, và vừa được bầu chọn là 1 trong 7 Tân Kỳ Quan của Thế Giới. Đường vào một trong những hang núi của Petra khá dài, vượt qua những đoạn dốc lên xuống gập ghềnh, bên trên là vòm đá che kín. May thay, có nhiều xe điện, loại xe thấp bánh nhỏ dành cho người già yếu, mệt mỏi, trong đó có tôi. Tất nhiên nếu có sức mà đi bộ vẫn hơn, được thong thả dừng lại ngắm những cảnh tượng kỳ lạ, những vách đá màu đỏ hồng rực lửa chạm trổ tinh vi, ghi dấu một nền văn minh lâu đời.
Xe dừng lại tại một hang núi rộng lớn, có những khoảng lộ thiên, vách đá bao quanh là những công trình điêu khắc cổ xưa, công phu, lạ lùng, tuyệt đẹp.
Trong khi chờ đợi đoàn người đi bộ – hơn một giờ sau họ đến – chúng tôi tha hồ nghỉ ngơi, chụp ảnh, cưỡi lạc đà. Mười mấy con lạc đà nằm chờ. Chúng nằm song song bên nhau, bốn chân co lại giấu kín trọn dưới bụng, cái đầu trên cái cổ dài thỉnh thoảng ngoảnh qua ngoảnh lại, đưa miệng cạp nhẹ vào nhau đùa giỡn. Và những con mắt thật hiền từ, vui vẻ, thân thiện. Tôi liên tưởng đến vài con vật khác cũng gần gũi và giúp đỡ loài người đắc lực như lạc đà, đó là ngựa, lừa và trâu. Mắt ngựa thay đổi tuỳ hoàn cảnh, lúc lờ đờ, lúc nhanh nhẹn, lúc toé lửa; mắt lừa thì vô tư và thỉnh thoảng nổi cơn lì lợm. Nhưng mắt trâu to, đẹp, ướt át, và đầy vẻ nhẫn nhục. Dường như luôn luôn mang một nỗi buồn xa xôi, âm thầm, khôn nguôi.
Tôi ra dấu muốn cưỡi lạc đà. Anh nài giúp tôi leo lên lưng một con lạc đà to cao quá cỡ. Hai chân sau của nó từ từ nâng cái thân to lớn của nó lên, rồi hai chân trước từ từ nhổm dậy theo từng lóng của cái cẳng dài. Người tôi chúi ngã về phía trước. Hai tay tôi cố giữ chặt thanh gỗ ràng cứng vào cái bướu lạc đà. Nhưng tôi không còn mạnh khỏe như xưa, hai cánh tay coi bộ không chịu nổi thân hình mất thăng bằng, tôi chột dạ. May quá, ngay lúc đó, con lạc đà đứng thẳng bốn chân lên, tôi ngồi yên. Con lạc đà cao gần 3 mét. Ngồi trên lưng lạc đà thấy ngất nga ngất ngưởng. Nó đi một đoạn ngắn, đứng lại một chốc, rồi trở lại chỗ cũ. Xuống từ lưng của nó cũng phải đề phòng như khi lên. Nó quỳ hai chân trước, co vó lại, chờ tôi xuống, xong nó quỳ hai chân sau, chuồi vào dưới bụng, nằm yên. Không còn thấy bốn chân của nó đâu nữa. Nó tiếp tục trò chơi, ngo ngoe cái đầu đùa giỡn với con nằm bên cạnh.
Khoảng vài mươi phút sau, du khách rời nơi đây tiếp tục theo một lối đi lộ thiên đến một quán ăn khá lớn, và khá xa. Người già yếu thuê lừa mà cưỡi. Vừa cưỡi lạc đà xong, bây giờ cưỡi lừa. Lên voi xuống chó?
Hồi còn trẻ, tôi có dịp cưỡi ngựa trên Đồi Cù Đà Lạt chạy nhanh trên những vùng cỏ xanh qua những chòm thông mọc lác đác reo vi vu trong gió. Nay ngồi co ro trên lưng con lừa nhỏ bé, chậm chạp, có người dẫn đi từng bước một. Nhóm người không cưỡi lừa đi mau hơn, bỏ chúng tôi lại đằng sau cùng với tiếng chân lừa giẫm trên con đường đá, không phải đường lát đá, nghe cộp cộp, đều đều, buồn buồn. Làm tôi liên tưởng đến tiếng mõ tại những ngôi chùa của những làng xa ngày xưa. Không, liên tưởng thế thôi. Thật ra tiếng mõ nhanh hơn, đều hơn, và dồn dập hơn.
Rồi từ đó đầu óc đi lang thang. Những hình ảnh của quê hương cũ chập chờn. Nhiều lần tại ngã ba Cái Bè buổi chiều vắng teo đứng bên này đường quốc lộ đón xe đò Lục Tỉnh đưa về Sài Gòn. Sài Gòn rực rỡ. Sài Gòn buồn thảm. Ôi, mấy câu thơ khôn xiết của Thanh Nam trong Đất Khách: Ghé thân lữ thứ trăm miền/Nỗi buồn nào cũng mang tên Sài Gòn. Hay có khi bước qua bên kia đường, thay vì về Sài Gòn, đón xe chạy xuống Bắc Mỹ Thuận ghé vào quán nhỏ chờ phà qua Sông Tiền, Sông Hậu mênh mông phù sa, hun hút lục bình. Hoặc trên đường lái xe ra Trung, dừng xe tại ngã ba Dầu Giây, Xuân Lộc, quay nhìn mút mắt con đường rẽ lên Gia Kiệm, uốn quanh đến Túc Trưng, Phương Lâm, dần dần bò lên vùng cao Bảo Lộc, rồi bâng khuâng đi lẫn khuất vào Đà Lạt mơ màng trong sương mù đang ôm lấy ngàn thông trùng trùng điệp điệp.
Lại tiếng chân lừa lộp cộp kéo tôi trở về thực tại. Trước mặt tôi, một chiếc cầu nhỏ, chiếc cầu đá. Người dẫn lừa quay mặt nhìn tôi tay chỉ dòng nước dưới cầu, miệng nói bô bô. Tôi khua tay tỏ ý không hiểu gì cả. Ngồi trên lưng lừa, nhìn chiếc cầu, bỗng nhiên tôi nhớ hai câu thơ của Khổng Minh đời Tam Quốc bên Tàu:
Cưỡi lừa qua cầu nhỏ
Thương tiếc khóm mai gầy
(Kỵ lư quá tiểu kiều
Độc thán mai hoa sấu)
Xưa, Khổng Minh lúc ấy còn trẻ lắm, sống trên quê hương của ông tại vùng Long Trung, Nam Dương, địa linh nhân kiệt, ôm gối ngồi cao chờ ngày xoay chuyển vận nước. Có lẽ vị danh tướng này biết mình sắp lên đường làm chuyện nghiêng trời lệch đất, cho nên cố ghi nhớ vài ba hình ảnh thân thuộc của quê nhà yêu dấu — con lừa, chiếc cầu, khóm mai. Nay, tôi thử nhìn lại tôi. Quê hương cách xa ngàn vạn dặm. Một kẻ già yếu gàn dở sống lưu vong tại xứ người đã mấy mươi năm trời rồi, và còn lưu vong cho đến bao giờ nữa? Liệu cuối đời sẽ được thấy chuyển biến nơi quê hương cũ? Hay phải chờ qua kiếp sau nếu có tái sinh?
Hôm sau, rời khỏi Amman, chúng tôi đến Biển Chết.
Biển Chết nằm giữa Jordan và Do Thái. Tôi hỏi Trưởng Toán tại sao gọi là Biển Chết? Trả lời: “Sinh vật, tôm cá, không thể sống nơi đấy vì nước quá mặn, mặn nhất thế giới.” Quả thật độ mặn lên đến 34%, gấp gần 10 lần độ mặn của các đại dương là 3,5%. Cũng mặn hơn hồ Great Salt Lake của Salt Lake City thuộc tiển bang Utah nhiều. Tại cái hồ nước mặn Great Salt Lake, chỉ một loại tôm đỏ hồng nhỏ bằng đầu cây tăm xỉa răng, ngắn bằng một lóng tay, và vỏ dày, cứng, là có thể sinh sống. Tôi đến đó mấy lần [2]
Sau bữa ăn trưa tại khách sạn, chúng tôi đến Biển Chết gần đấy. Nhiều người đi bộ, nhưng tôi chờ chiếc xe nhỏ của khách sạn chạy trên những con đường hẹp và dốc đưa tới biển. Chỉ 5 phút xe tới bãi đậu. Biển Chết nằm ngay dưới một triền đất cao, dài. Có những lối đi tam cấp dẫn xuống biển. Xe không đi được, tôi đành phải đi lần từng bước, tay vịn lan can, theo sát cạnh là con tôi hay một cháu nào đó. Mấy người trẻ tuổi đó sợ tôi té ngã. Các cháu thuộc thế hệ thứ ba nói tiếng Việt bập bẹ pha lẫn tiếng Anh nhưng rất niềm nỡ và lễ phép với người già cả.
Tôi đánh trần, mặc quần short định xuống biển thì được anh chị Trần Kiêm Đoàn cho biết dưới biển có nhiều đá nhọn lởm chởm, và anh cho mượn đôi giày lội nước mang vào cho khỏi đau chân. Anh, chị, các cháu và nhiều người khác đã tắm xong.
Nước lạnh quá, trong xanh. Tôi lần bước đi thật chậm, chưa dám ngửa người nằm trên mặt nước như những người khác. Không được nằm sấp vì nước sẽ vào tai, vào mắt, nguy hiểm. Một cháu khoát nước vào tôi, có lẽ muốn tôi mau quen cái lạnh, nhưng có người ngăn cản ngay, sợ nước lọt vào mắt sẽ đau buốt. Khi nằm ngửa ra được, người tôi nổi lềnh bềnh như khúc củi khô. Tôi thử đưa hai tay, hai chân lên cao, người vẫn nổi. Tôi hạ hai tay xuống, vẫy vẫy, bơi ngửa ra xa. “Ông ơi, đừng bơi xa.” (Tiếng cô bé khoát nước hồi nãy). Tôi cười thầm. Dù mình không biết bơi cũng không chìm, huống là mình bơi khá giỏi. Sợ gì. Sau đó tôi mới biết Biển Chết này có nhiều luồn nước ngầm chảy siết, nguy hiểm chết người.
Mấy người cùng đi chụp nhiều tấm hình tôi nằm ngửa trên Biển Chết. Nhìn hình, tôi thấy tôi trông giống như cái xác chết trôi sau 3 ngày nổi lên mặt nước.
Trước khi rời Jordan, tôi phải kể lại câu chuyện này. Anh chị Trần Kiêm Đoàn cho hay trong chuyến đi có mấy người con của nhà thơ lớn Tô Thuỳ Yên mà tôi rất ngưỡng mộ. Nhà thơ ở tù cộng sản đến 13 năm trời, qua đời tại Texas ngày 21/5/2019 trong sự thương tiếc của mọi người. Chúng tôi liền gặp gia đình con của nhà thơ gồm cậu con trai, cô con gái và chồng. Trong câu chuyện vui vẻ và cảm động, cậu con trai, một kỹ sư, nói:
“Ba cháu làm thơ nhiều nhưng không quan tâm lắm đến những đứa con tình thần của mình, cho nên nó thất lạc hết cả. Về sau bạn bè, bạn đọc quý mến gom lại in thành sách.”
Cô con gái, bác sĩ Quỳnh Giao, trả lời câu hỏi chắc là cô thuộc hết thơ của ba cô phải không, đã đáp:
“Thơ của ba con nhiều và thất lạc như cậu em con vừa nói, cho nên con không thuộc đâu. Nhưng gặp bất cứ bài thơ nào mà là của ba con, con nhận ra ngay.” [3]
Hôm sau đoàn du khách lên xe qua chiếc cầu Allenby nối Jordan với Do Thái. Bắt đầu từ đây, cái không khí buông thả, cười đùa trở nên có phần giảm đi. Mọi người lắng tai nghe Trưởng Toán. Anh dặn kỹ rằng không được chụp hình khi qua biên giới, gặp người kiểm soát giấy tờ thì tốt hơn hết là giữ im lặng, không nên có ý kiến về chính trị hay tôn giáo này nọ, v.v… và sẽ có người hướng dẫn du lịch Do Thái lên xe thay cho người hướng dẫn cũ.
Tôi có cảm tưởng rằng sau những trái đồi hai bên đường tròn trĩnh, xanh tươi, là những ụ đại pháo, hoả tiễn hờm sẵn. Và trong lòng đồi núi, bên dưới mặt đất, chen chúc xe tăng, thiết giáp, súng, đạn, máy bay. Nước Do Thái nhỏ bé, diện tích khoảng 21640 cây số vuông, dân số khoảng 9 triệu 73 nghìn người, nằm gọn lỏn giữa khối Ả Rập mênh mông về dân số cũng như lãnh thổ, chắc chắn phải luôn luôn cảnh giác nếu không muốn bị xoá sạch khỏi bản đồ thế giới. Nếu có xung đột hoặc chiến tranh với những nước láng giềng Ả Rập, Do Thái lâm vào cái thế bắt buộc phải thắng hoặc hoà. Thua là diệt vong. Do Thái không có hậu phương, không có đường rút lui. Hay nói đúng hơn, rút lui sẽ bị Địa Trung Hải chận lại, trừ phi hải quân Do Thái làm chủ trên biển. Nhưng một nước không thể tồn tại mãi trên mặt biển.
Lại gặp chà là, nghe nói trái nơi này ngon tuyệt. Được biết trước kia đấy là những vườn cam, cũng tuyệt ngon, xuất cảng nhiều nơi trên thế giới. Nhưng cây cam tiêu thụ nhiều nước quá, nên người Do Thái chuyển qua trồng chà là hoặc hạnh nhân. Đại khái như thế với nhiều loại cây khác.
Khoảng một giờ sau, xe chạy đến Cổ Thành Jerusalem. Xe chạy êm êm — đường tốt — nhịp theo tiếng nói giọng Anh của người hướng dẫn viên Do Thái, trong khi Địa Trung Hải khi ẩn khi hiện đằng xa. Cả ba nước Ai Cập, Jordan, Do Thái đều thiếu nước ngọt để uống và dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp. Tuy thế, Do Thái trông xanh tươi hơn, có lẽ nhờ những phương thức xử lý với nước một cách hữu hiệu hơn.
Jerusalem nằm giữa Địa Trung Hải và Biển Chết. Cổ Thành Jerusalem là Thánh Địa của ba tôn giáo: Do Thái Giáo, Cơ Đốc Giáo, và Hồi Giáo, đã có mặt cách đây hơn 5000 năm.
Trong Cổ Thành Jerusalem có 4 khu vực chính: Khu vực Cơ Đốc Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, và khu dành cho người Armenia. Cổ Thành trông thật cao lớn (chiều cao từ 10 mét đến 20 mét), kiên cố, hùng vĩ, đẹp đẽ, xây bằng những phiến đá to lớn chồng chất lên nhau, chứ không phải xây bằng gạch như Thành Huế, và có các cổng thành để vào, ra.
Cổ Thành chiếm khoảng 1 cây số vuông nằm trong Jerusalem rộng trên 125 cây số vuông. Chúng tôi vào Cổ Thành qua Cổng Sư Tử (Lions Gate) để đến Khu Cơ Đốc Giáo, thăm nhiều thánh đường, đền đài, được xây dựng từ cả nghìn năm trước.
Rời Cổ Thành, chúng tôi thăm Bethlehem ở Tây Ngạn (West Bank) cách đấy khoảng 10 cây số, thuộc lãnh địa của Palestine. Hướng dẫn viên người Palestine lên xe thay thế hướng dẫn viên Do Thái. Cũng nói tiếng Anh lưu loát.
Bethlehem là nơi Đức Chúa Giê Su ra đời. Một số khá đông du khách ngồi kín hết ghế trong một vườn hoa nhỏ lâm râm cầu nguyện. Những lối đi quanh đấy được lát bằng đá tảng. Nhiều tảng đá lớn phẳng phiu, trơn láng, hoặc trũng xuống. Biết bao nhiêu bàn chân của những người mộ đạo, của du khách đã bước lên đó trong suốt hơn 2 nghìn năm lịch sử của nơi này.
Những xung đột giữa Do Thái và Palestine vẫn thường xẩy ra kể từ sau Thế Chiến II cho đến bây giờ, đó là chưa nói đến những trận chiến gay go giữa Do Thái và các nước Ả Rập bao quanh.
Chúng tôi có gặp mấy đoàn quân Do Thái, nam lẫn nữ, đi hàng một trên một con đường lớn, hai bên đường là những hàng cây xanh, song song với dãy tường cao lớn của Cổ Thành. Có tin về đụng độ, hoặc pháo kích chăng? Họ không to con như người Mỹ, Anh, hay Đức. Da trắng, da nâu, da sạm đen, kẻ để râu xồm xoàm, người mặt trắng thư sinh, không đội nón sắt, nhưng vai mang súng, lưng đeo đạn đầy đủ. Có người trông rất nho nhã, gầy gầy, cao cao, đeo kính trắng. Một ít nữ quân nhân trong đoàn quân, quân phục hoàn toàn giống bên nam, cũng súng ống “rất ngầu”, hầu hết nhỏ nhắn, xinh đẹp. Tôi nghĩ đến lịch sử đầy đau thương và vinh quang của họ. Những chiến sĩ này hẳn rất gan dạ, và thiện chiến.
Một lần chúng tôi đi từ khách sạn qua Nghĩa Trang Do Thái Cổ Đại để lên đồi Olives (Har Zazaitim), ngắm toàn cảnh Jerusalem, thì gặp một đoàn biểu tình. Có người trong đoàn lo lắng hỏi:
“Hình như ở vùng này người ta thường hay đánh nhau, pháo kích nhau. Lại còn biểu tình, phô trương lực lượng. Tự nhiên mình qua đây, có sao không?”
“Không sao đâu, mình là du khách từ nước ngoài tới mà.” Trưởng Toán đáp. “Nhưng xe phải đổi lộ trình tránh họ. Cho chắc ăn.”
Một câu hỏi khác:
“Hiện đang đánh nhau dữ dội ờ Ukraine, lỡ bị đạn lạc?”
“Đạn đâu bay xa thế. Ukraine cách đây trên ba nghìn cây số.”
Đúng thế, du lịch là nguồn thu nhập rất lớn của những nước Trung Đông này, cho nên du khách rẩt được “cưng chiều và che chở”. Nơi nào có thể gây nguy hiểm, hay có giao tranh, đụng độ, du khách được thông báo, hoặc bảo vệ ngay. Xin nêu một dẫn chứng. Tại Ai Cập, có lần xe chúng tôi được xe cảnh sát hay quân đội súng ống đầy mình đi theo hộ tống trên mấy quãng đường.
Đoàn du khách lại hướng về phía Đông Bắc thăm thung lũng Jordan. Rồi di chuyển lên hướng Bắc, xuống dưới xa đi thuyền một đoạn trên Biển Galilee. Thật ra Galilee là cái hồ lớn (Lake Tiberias) nằm trong lãnh thổ của Do Thái. Mưa nhẹ nhưng gió lớn, lạnh se se. Sau đó chúng tôi quay về hướng Tây thăm Nazareth. Nazareth nằm giữa Biển Galilee và thành phố cảng Halfa nằm trên bờ Địa Trung Hải. Tại Narareth du khách được thăm vùng Megiddo, nơi những nhà khảo cổ đã khai quật được 26 tầng lớp của nhiều nền văn minh xa xưa, trong đó có thành lũy thời vua Solomon. Mải đi theo đoàn người ngắm những cảnh tượng kỳ lạ dưới cơn mưa lất phất, bỗng một chiếc dù từ phía sau chen vào giữa che mưa cho vợ tôi và tôi. Chúng tôi quay nhìn. Quỳnh Giao. Cô mỉm cười nói: “Mưa ướt hai bác hết.”
Chúng tôi đến thành phố Halfa, rồi men theo bờ biển Địa Trung Hải, hướng về Nam xuống Tel Aviv, cựu đô của Do Thái. Dọc theo bờ biển, các thành phố lớn nối tiếp nhau san sát. Do Thái thiếu đất, cho nên bên trong nội địa, trên những miền đất bằng phẳng, cây nông nghiệp mọc xanh um. Trên nhiều ngọn đồi cao thấp nhà cửa chen nhau từ chân đồi cho đến đỉnh đồi. Nhà cửa trùm kín.
Hôm cuối cùng tại Tel Avi, chúng tôi được nhà hàng cho ăn cá, mỗi người nguyên một con cá nướng to đầy kín dĩa bàn lớn. Ngon lắm. Được biết ngày xưa Thánh Peter đã đến đây ăn cá, và chỉ cá mà thôi. Nay giữ lại truyền thống đó.
Ngày hôm sau chúng tôi giã từ Trung Đông. Đoàn người sẽ rời phi trường Tel Aviv bay qua Dubai, rồi từ đó, bay về Mỹ. Đường bay rất dài, nghĩ đến mà ngao ngán.
Tôi lên máy bay ngồi yên, chuẩn bị tinh thần chờ những cơn đau hành hạ, nhất là đau lưng. Nhưng tinh thần có hạn, cái đau toàn thắng. Hết đứng, lại ngồi, lại lê gót đi. Khi đi, hai tay vịn vào chỗ tựa tay của các dãy ghế hành khách hai bên. Nhiều vòng như thế. Có người nhìn tôi thông cảm, có người tỏ ý khó chịu. Phải chi được nằm dài xuống trong chốc lát thôi. Hay cứ liều mạng nằm xuống trên một lối đi nào đó, thế nào tiếp viên hàng không cũng sẽ đến “giải cứu”. Nhưng nói là một chuyện, làm là chuyện khác. Tôi rán chịu đựng.
Cuối cùng máy bay đáp xuống phi trường LAX. Tôi như người chết đi sống lại.
Tôi nghĩ rằng tôi sẽ lâm bệnh, hay phải mất cả tháng mới hồi phục. May thay, sau hơn một tuần, tôi khoẻ dần.
Vậy nếu có chuyến đi nào khác “hấp dẫn”, tôi có tham dự hay không? Có lẽ tôi rất phân vân, rồi lại đi. Tới đâu hay đấy. Liều mạng là đắc sách.
Vâng, phải đi. Đi cho đến khi nào bước đi không nổi. Câu nói của một triết gia thường được nhắc tới: “Tôi suy tưởng, ấy là tôi hiện hữu.” [4] Một kẻ ham chơi đi lông bông suốt đời này cũng bắt chước nói: Tôi đi, ấy là tôi hiện hữu. Nhưng nghĩ lại, nói khác đi một chút e đúng với cái suy nghĩ tầm phào của hắn hơn: Tôi còn sống, ấy là tôi còn đi.
Ngự Thuyết 7/2023
[1] Đó không phải là Nữ Hoàng Cleopatra, mà là Hoàng Hậu Nefertari, vợ của vua RamessesII, hơn 3000 năm trước, một tuyệt thế giai nhân, đẹp về nhan sắc lẫn đức hạnh.
[2] Xin trích một đoạn trong Dài Thế Kỷ của Ngự Thuyết.
“Khổ thân tôi quá! Lúc nẫy tôi không chịu nói cho rõ ràng, thưa ông. Xin lỗi ông. Tôi cũng biết rằng không có xe đi Green River, nhưng người nhà có dặn cứ đến Salt Lake City rồi xe nhà sẽ đến đón về. Vậy phiền ông một lần nữa nhé. Nhờ ông hỏi xem còn chuyến đi Salt Lake City vào buổi chiều hay không. Làm phiền ông nhiều quá, tôi vô cùng áy náy, thưa ông.”
A, cái cô này ăn nói lễ phép một cách quá đáng, nhưng bù lại, giọng nói nghe hay quá, khiến tôi cũng muốn bắt chuyện để được nghe thêm. Tôi vốn thích nghe giọng nói của phái nữ.
Salt Lake City tôi có đến một lần. Ðó là thành phố thủ phủ của tiểu bang Utah, nằm gần cái hồ rộng mênh mông, hơn 500 ngàn mẫu tây, cao hơn một cây số so với mực nước biển, nước hồ mặn chát, mặn gấp ba, gấp bốn lần nước biển, mặn đến nổi cá không sinh sống nổi. Chỉ có một loại tôm vỏ cứng nhỏ tí tẹo, màu đỏ hồng, nhỏ bằng đầu cây tăm xỉa răng và dài cũng chỉ bằng một lóng tay thôi, là có thể tồn tại nơi đó. Nhờ có loại tôm ấy mà bầu trời của vùng hồ nước mặn và những thành phố lân cận sinh động hẳn lên vào mùa xuân và mùa thu.
Tôi nói lên cái chi tiết đó. Người đàn bà trố mắt nhìn có lẽ nghĩ tôi có tính ưa đùa cợt, khẽ đáp:
“Tôm sống dưới nước mà làm vui cho bầu trời! Sao có chuyện lạ thế, thưa ông.”
“Nhưng tôi chưa nói hết mà. Vâng, những loài chim di điểu ở miền bắc nước Mỹ, ở Canada, ở gần Bắc cực, từ mùa thu đã lo bay về nam tránh cái rét của mùa đông trên đó. Bay xa lắm, hàng ngàn dặm, hàng chục ngàn con, thường ghé lại vùng hồ ấy cho đôi cánh được nghỉ ngơi năm bảy tiếng đồng hồ. Rồi bay tiếp. Trước khi dừng cánh, chúng sà xuống mặt hồ săn đuổi những con tôm bé nhỏ đó đang lặn lội nhởn nhơ, gọi là kiếm chút thức ăn độ đường. Ðến mùa xuân ấm áp năm sau lại bay về tổ cũ — vâng có nhiều con chim bay về đúng tổ cũ của nó – lại ghé xuống mặt hồ. Cả một vùng sinh động hẳn lên. Năm nào cũng thế, từ xa xưa cho đến bây giờ”.
Nói xong, tôi cười thầm. Thế ra mình đã bị lây cái lối nói kiểu cách của thiếu phụ. Con gái Bắc kiểu cách một cách thật duyên dáng, mình đâu bắt chước nổi!
[3] Tôi liên tưởng đến truyện ngắn nổi tiếng The Jade Goddess của Lin Yutang (Lâm Ngữ Đường). Chàng, một người sống ngoài vòng pháp luật, một nghệ sĩ tạc tượng thiên tài, dù cố tình tạc xấu bớt đi để hành tung khỏi bại lộ, nhưng vô ích. Bất cứ người sành điệu nào, nhất là nàng — người vợ về sau bị tách rời khỏi đời chàng — hễ gặp tượng ngọc do chàng tạc, là nhận ra ngay. Do đó quân triều đình cũng có thể truy lùng ra tung tích của chàng.
[4] Je pense, donc je suis. René Descartes.