Ngu Yên: Nhạc Cảm và Nhạc Nghĩ

Ý tôi muốn nói đến nhạc bản, tức là lời và nhạc trong ca khúc. Đã nói đến ca khúc, ca từ đóng vai chính, nhạc đóng vai phụ. Nói cho ngọn ngành, có thể xem ca từ và nhạc là một đôi uyên ương hoặc họ là đôi bạn đồng hành không hoà thuận với nhau.

Cảm và Nghĩ.

Không có cảm nào mà không có nghĩ. Cũng không có nghĩ nào mà không có cảm. Chẳng qua ngụ ý là cảm nhiều hơn hoặc ý nhiều hơn.

Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài gắn bó đôi lời. Ta quen nhau một ngày, thương nhau trọn đời, giữ cho lâu dài. Ca khúc Ngăn Cách của Y Vân, cảm nhiều hơn ý.

Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố. Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá. Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa. Người xa vắng người, người xa vắng người… Ca khúc Bên Ni Bên Nớ, thơ: Cung Trầm Tưởng; nhạc: Phạm Duy, lời thơ khiến cho ý nhiều hơn cảm.

Có những ca khúc khi mới nghe hoặc nghe vài lần đầu, nhạc và lời đi thẳng vào lòng người, nhanh chóng thông cảm hoặc đồng cảm, không một chút khó khăn. Nhạc cảm.

Có những ca khúc nghe nhiều lần, vẫn thích thú chú tâm lời nhạc, chia sẻ ý nghĩa hoặc gật gù tán thưởng ý tưởng của ca từ. Nhạc nghĩ.

Hoặc mới nghe không hiểu thấu ca từ, phải nghe nhiều lần hoặc mang lời về suy xét. Nhạc nghĩ. Ở mức độ này, nhạc nghĩ nhắm đến khả năng cảm nhận và hiểu ý ca từ.

Như: Nằm nghe cây đổ lá từng cánh. Ngậm ngùi, ôi tiếng chim cười đầu cành! Hồn anh nghiêng lả xuống làn môi ôi rực rỡ! Ân tình ngất ngư không ngỡ ngàng.

Đâu ngờ phút giây huy hoàng phút giây khổ đau! Chợt nghe chim thảng thốt ngoài hiên, tưởng chừng nhói vào tim … nắm được nhưng không chắc dễ bắt. Ca khúc Mắt Biếc của Cung Tiến cho nghe nhạc khó, lời cao. Ít quen tai, chưa quen tâm. Do đó, thuộc loại nhạc nghĩ. Hãy nghe lại câu nhạc và lời: Chợt nghe chim thảng thốt ngoài hiên, tưởng chừng nhói vào tim…Nhói thật dù nhẹ nhàng nhưng rung lên.

Cao hơn nữa, ca từ trong ca khúc Đêm của Cung Tiến, vì đó là thơ của Thanh Tâm Tuyền, một thi sĩ mang dáng dấp quyến rũ của siêu thực:

Và những đêm nào chiến tranh đã quên
Con mắt đen niềm im lặng
Anh xé tóc em cùng những cành lá chết
Mùa thu ghi thương tích nơi cườm tay
Khóa chặt
Anh xô ngã em từ chóp đỉnh hạnh phúc
Khuôn mặt vỡ tan như cẩm thạch
Như nước mắt
Như muôn đời
Không hối hận
Mùa thu ghi thương tích nơi cườm tay
ghi thương tích nơi cườm tay …

Loại ca từ này cần nghe nhiều lần, không chừng mỗi lần nghe lại khám phá thêm ít nhiều ý nghĩa.

Rồi có những ca khúc cưu mang cả cảm và nghĩ, quyện vào nhau, nghe phê tình lẫn trí. Như: Ôm lòng đêm. Nhìn vầng trăng mới về. Nhớ chân giang hồ. Ôi phù du. Từng tuổi xuân đã già. Một ngày kia đến bờ. Đời người như gió qua. Ca khúc Phôi Pha của Trịnh Công Sơn.

Điểm nhấn ở đây: 1- nhạc dễ đi với lời dễ, 2- nhạc dễ đi với lời khó, 3- nhạc khó đi với lời dễ, 4- nhạc khó đi với lời khó. Mỗi chọn một trong bốn lựa của nhạc sĩ sáng tác sẽ là sinh mệnh của ca khúc.

Để thưởng ngoạn, không có loại nào hay hơn loại nào, chỉ có bài này thích hơn bài kia. Nói đúng đắn, bài nào hợp với sở thích và tâm sự, bài đó nghe đả, nhứt nhối trong giai đoạn đó. Nó sẽ thay đổi.

Để nghiên cứu và phê bình, tất nhiên, phải dựa trên những thang điểm nghệ thuật của ngôn ngữ, của âm nhạc quốc tế và địa phương để đánh giá. Đã đánh giá thì sẽ có bài nhất, bài mười; bài có giá trị, bài không có giá trị. Bài dở là bài mà hai người bạn đồng hành bất hòa tranh cãi. Mạnh ai nấy diễn, không hòa hợp. Đố các bạn là những bài nào?

Ví dụ

Tôi mượn ca từ trong ca khúc trữ tình “Đừng Xa Em Đêm Nay” của Đức Huy: “Đừng xa em đêm nay, khi bóng trăng qua hàng cây.” Sửa đổi một chút theo nốt nhạc để phù hợp với giai điệu của câu đầu tiên trong bài Xuất Quân của Phạm Duy. Bây giờ, thay vì hát: “Này bao hùng bình tiến lên. Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến.” Bạn hát: “Đừng xa rời em tối nay. Vầng trăng trên cành soi ánh sáng.” Bạn có nghe ca từ và nhạc cãi nhau? Đây là một câu nhạc dở từ hai ca khúc rất hay. Ví dụ này dẫn chúng ta trở về bốn chọn lựa sáng tác ca từ và nhạc, họ phải là tình nhân.

Có người thích nghe nhạc cảm hơn, có người thích nghe nhạc diễn hơn. Nghe nhạc nào nói lên bạn thuộc loại người đó. Lựa vợ hiền, chọn nàng nghe nhạc cảm. Lựa vợ giúp mình làm nên sự nghiệp, chọn nàng nghe nhạc nghĩ. Tuy nhiên, nếu nàng nghe loại suy tư nhiều quá, phải đề phòng.

Nhạc cảm không cần phải hay lắm, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nhớ, dễ hát lại, có câu truyện, có tâm sự, thường dễ được đón nhận. Có ca sĩ hát đi hát lại nhiều lần nhiều năm, tự nhiên ca khúc đó được đám đông ưu ái. Chìa khóa là sự lập đi lập lại. Nhiều người làm tiền trước rồi làm nhạc sau. Có khả năng trả thù lao cao mời sa sĩ thứ dữ trình bày nhạc của mình. Mỗi ca khúc mỗi ca sĩ hoặc một ca sĩ hát nhiều ca khúc của họ. Kế hoạch nổi tiếng này thường thất bại. Cứ nhìn chung quanh sẽ thấy bằng chứng.

Đúng ra, đã chịu chi tiền, nên mời hết ca sĩ nổi tiếng chỉ hát một bài nào mà mình tự cho là hay nhất. Sự lập lại của nhiều ca sĩ là chìa khóa đưa nhạc kha khá thành nhạc nghe hay. Khi đã có nhãn hiệu, những ca khúc về sau dễ có cơ hội đi vào tai đại chúng. Bàn như vậy, có lẽ một số bạn nghĩ tôi đang ngụ ý điều gì? Không, tôi thành thật vì tôi rất muốn thi hành kế sách này, nhưng không có tiền. Tiền của tôi dành mua rượu ngon. Rượu ngon không cần bạn hiền, bạn cỡ nào, kể cả bạn dữ đều kéo đến vì ngon. Cho họ uống hơi ngà ngà, ngơ ngơ ngác ngác, lúc đó, tôi mang đàn ra hát cho họ nghe. Đã sần sần, sừng sừng biết gì hay dở. Vỗ tay.

Nhạc nghĩ phải được tuyển chọn và may mắn, nhất là được sáng tác bởi những nhạc sĩ thành danh. Nếu không, nhạc nghĩ dù hay, dù có giá trị, vẫn khó lọt tai số đông người nghe. Nếu lọt được tai khó mười, lọt được óc khó một trăm. Không cần lý do, sự thực là đa số người nghe nhạc muốn giải trí, không muốn động não.

Buồn Vào Hồn Không Tên.

Dù nghe nhạc cảm hay nghĩ hoặc cả hai, ai cũng sẽ có một số bài thích thú và vài bài thích nhất nhì. Đã nhiều năm, mỗi khi tôi nghe ca khúc Nửa Đêm Ngoài Phố của Trúc Phương, lòng cảm thấy bức xúc, một chút tê tái, một chút chạnh lòng, một chút nhớ nhung, trộn lẫn vào nhau, vừa sến, vừa đã, vừa thấy được tim mình méo. Nhất là đoạn:

Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn đời
Để rồi làm sao quên

Tôi chưa quen ai ngoài phố cả. Nhưng quen ở đâu cũng yêu thương trót trao nhau trọn đời. Sau đó, chia tay, để rồi làm sao quên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời.

Tôi nhớ Thanh Thúy chỉ đôi mắt và mái tóc. Lấy hết mọi thứ khác ra, Thúy còn lại như một bóng ma cất giọng khàn khàn ám ảnh tôi nhiều tưởng tượng. Chắc các bạn cũng như tôi, ai mà không có ngày buồn dài lê thê…Mỗi khi nghe đến đoạn này, thì lãng mạn trào ra, hư cấu nổi lên, buồn thấm thía dù chẳng có đối tượng nào để buồn. À, thì ra đồng cảm với tác giả, với những chàng trai si tình, làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi? Ý là sao? Lúc nào thì ướt? Mặc kệ, lần nào tôi cũng lẩm bẩm hát theo:

Ngày buồn dài lê thê
Có hôm chợt nghe gió lạnh đâu tìm về
Làm rét mướt qua song len vào hồn
Làm khô môi biết bao nhiêu lần rồi
Đời còn nhiều bâng khuâng…

Đúng. Không lúc nào hết bâng khuâng. Không lúc nào hết buồn. Đôi khi không biết buồn thứ gì nhưng vẫn nao nao khi nghe Buồn vào hồn không tên …

Mời.

Ca khúc cảm: Nửa Đêm Ngoài Phố qua tiếng hát Thanh Thúy, thâu băng trước năm 1975. Ai đó đã nói với tôi, “Dĩ vãng khi già như chó rụng răng sủa thều thào, Ăn trộm nghe phải bật khóc.”

https://www.youtube.com/watch?v=iZORISDmDIg

Ngu Yên