Người Việt và bóng đá

Tuyển Việt Nam thua Indonesia 0-3 trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Sáng nay, tức đêm thứ Ba theo giờ Việt Nam, vào đọc tin tức, tình cờ thấy bản tin về trận vòng loại World Cup giữa Việt Nam và Indonesia trên sân Mỹ Đình tại Hà Nội, không có ý định nhưng tôi cũng thử tìm xem. Trận đấu khai mạc, máy thu hình quay có cả thủ tướng Việt Nam tham dự và ủng hộ đội nhà trên khán đài, như vậy phải là trận đấu ít nhiều được người dân Việt Nam hồi hộp mong đợi và quan tâm lắm.

Trước khi trận đấu bắt đầu, tôi có xem các bình luận viên (BLV) trên FPT Play đang bình luận, dự đoán kết quả. Các bình luận viên đều khá lạc quan, với hai người dự đoán Việt Nam sẽ thắng Indonesia 1-0 ở hiệp một và hai người dự đoán sẽ hòa, không ai dự đoán ngược lại. Và kết quả chung cuộc như những ai theo dõi đã biết: Indonesia chiến thắng Việt Nam 3-0, mà ngay hiệp một đã là 2-0.

Chuyện thắng thua trong thể thao hay bóng đá nói riêng là thường tình, chẳng có gì đáng bàn. Các cầu thủ Việt Nam chơi không tệ, đã cố gắng hết sức và cũng có những đường banh nguy hiểm, tựa như phía Indonesia. Chỉ là các cầu thủ Indo chơi hiệu quả hơn, “có chút may mắn” theo lời ban huấn luyện viên của họ rất khiêm cung trong cuộc họp báo sau trận đấu, nên họ đã chiến thắng. Một chiến thắng xứng đáng. Không có gì nghi ngờ khả năng của Indo hay để Việt Nam cay đắng trước thất bại. Nếu có chăng, là sự cay đắng, đổ lỗi cho huấn luyện viên người Pháp đang dẫn dắt đội tuyển Việt Nam từ giới mê banh bên Việt Nam. 

Tôi xem vì tò mò, vì có Việt Nam đấu nhưng tuyệt nhiên trong tinh thần thể thao nên đội nào có chiến thắng, và chiến thắng xứng đáng, tôi cũng sẽ chúc mừng. Dù thành thật, Việt Nam thắng có thể tôi sẽ vui hơn đôi chút. Rồi sẽ bắt đầu một ngày làm việc mới của tôi, không bận tâm về nó nữa.

Nhưng điều làm tôi suy nghĩ là sự mặc định kết quả, được lặp lại khá nhiều rằng, “20 năm qua, Indonesia chưa từng chiến thắng Việt Nam trên sân Mỹ Đình”. Tôi đọc trong các tường thuật thể thao trên báo chí trong nước, từ người hâm mộ Việt Nam sau trận thua đầu tiên trên sân khách hồi tuần trước và từ các bình luận viên trên FPT Play sáng nay, lặp lại đôi lần trước và ngay khi trận đấu này bắt đầu. Họ nói để củng cố niềm tin rằng, Việt Nam sẽ chiến thắng.

Indonesia chưa từng chiến thắng Việt Nam trên sân Mỹ Đình trong 20 năm qua. Thống kê là vậy.

Rồi sao? 

Cái gọi là “kỷ lục” hay con số thống kê đó chỉ là số liệu tham khảo, chẳng hứa hẹn hay để xác quyết được điều gì. Quá khứ là một lẽ, quan trọng là chúng ta đang ở đâu và sẽ thế nào trong tương lai. 

Điều này không chỉ trong thể thao mà cả trong nhiều vấn đề hệ trọng khác của quốc gia. Cứ mặc định khả năng, thiếu chuẩn bị và ngạo nghễ trước dăm điều bề nổi hay thuộc về quá khứ, các quốc gia có từng thua sút cũng sẽ qua mặt mình. Để rồi Việt Nam sẽ còn bị loại khỏi sân chơi dài dài. Không chỉ trong thể thao. 

Đó mới là điều đáng buồn hơn là thua vài trận banh.

Nhã Duy

***

Lâm Bình Duy Nhiên: Troussier và bóng đá Việt Nam

Ghê thật! Chỉ có trái bóng thôi mà lên đồng cả hội! Cúng gà, vái lạy và cầu khẩn chiến thắng.

Cùng nhau lôi kéo tên huấn luyện viên ra gào chửi và mạt sát. Sửa tên để nhạo báng ông ta rồi đòi đuổi cổ “Trâu Dê” về… “Phú Lang Sa”.

Phận làm huấn luyện viên chuyên nghiệp, chắn chắn ông Troussier thừa hiểu và cũng đã tiên liệu trước mọi việc. Thắng thì được việc. Thua thì bị…trảm! Đôi khi phũ phàng nhưng bóng đá ngày nay là vậy.

Các xứ khác cũng thế. Sa thải huấn luyện viên là chuyện bình thường. Cổ động viên là ó, đòi trảm huấn luyện viên cũng chẳng có gì lạ!

Cái khác thường là ở Việt Nam, tất cả chỉ dường như có quả bóng là điều quan trọng nhất trong cuộc sống tại đây.

Điều ông Troussier không lường trước khi ký hợp đồng huấn luyện Việt Nam là ông đã quá tự tin về khả năng của ông và nhất là khả năng của nền bóng đá Việt Nam!

Ông muốn đưa Việt Nam vươn đến tầm châu lục, dự Cúp Thế giới như những gì ông từng thành công với Nhật Bản, Bờ Biển Ngà và Nigeria. Ông quá vội với một nền bóng đá chỉ biết chạy theo thành tích, “xây nhà từ nóc”, hả hê với các giải hữu nghị tự chế hay các giải ao làng không nằm trong hệ thống quốc tế!

Ông muốn xây dựng một lộ trình lâu dài, muốn thử nghiệm nhưng thực tế, dân làm bóng và chơi bóng Việt Nam chỉ muốn hả hê thắng trận, dẫu đó chỉ là những trận vớ vẩn. Họ muốn được xuống đường, hò hét, ca vang, đua xe sau mỗi chiến thắng!

Họ không muốn thua trận. Họ chỉ muốn thắng. Họ chỉ muốn “Việt Nam vô địch”.

Ông Troussier là huấn luyện viên có tên tuổi và không phải thất bại với Việt Nam sẽ khiến ông bị chê bai, nhạo báng hay rời vào quên lãng như cộng đồng mạng Việt Nam đang hồ hởi chửi rủa ông ta.

Có lẽ đến thánh cũng không đưa Việt Nam chơi Cúp Thế giới được. Chỉ chơi Cúp ao làng cũng đủ làm hạnh phúc cả dân tộc này rồi.

Ai muốn làm bóng đá nghiêm túc tại Việt Nam đều chịu thất bại. Chơi chút, chốc lát cho vui thì ổn. Giới nhà báo trong nước vẫn kể lại chuyện ông cố huấn luyện viên người Đức, Weigang, từng chỉ trích và nghi ngờ các cầu thủ Việt Nam thi đấu sa sút khi gặp Lào tại một giải Đông Nam Á. Đó là một cách làm chuyên nghiệp nhưng lại làm phật lòng giới trợ lý Việt Nam. Nên mới có chuyện ông bị một tay trợ lý quát vào mặt: “Ông cũng chỉ là người làm thuê”.

Tối nay xem Geogia lần đầu dự EURO 2024 sau khi hạ Hy Lạp tại Tbilissi mới thấy bóng đá nghiêm túc đòi hỏi đầu tư dài hạn, khoa học và nghiêm túc. Hàng triệu người dân Georgia ngây ngất hạnh phúc với chiến thắng lịch sử dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Willy Sagnol… người Pháp.

Đó mới chính là thời khắc khó quên và tự hào của nền bóng đá Georgia.

Hình ảnh Ukraina giành vé vớt dự EURO 2026 trong bối cảnh chiến tranh tàn phá quê hương hay Ba Lan vui mừng hạnh phúc sau bao năm vắng bóng tại giải lớn nhất châu lục! Đó mới chính là thứ bóng đá mang lại cảm xúc cho người xem. Nó khác hẳn thứ bóng đá “mì ăn liền” mà Việt Nam đang hì hục theo đuổi từ năm 1995 đến giờ!

Chửi rủa thậm tệ một ông huấn luyện viên người nước ngoài vì ông ấy chỉ toàn mang lại những thất bại và một lối chơi “bạc nhược” nhưng lại im re, “mặc kệ nó” khi bị một thể chế chính trị bệnh hoạn đè đầu, cỡi cổ với những nhà lãnh đạo độc tài, tham nhũng và tàn bạo! Đó là tính cách rất Việt Nam.

Tất cả đều bị rơi vào cái bẫy của nhà cầm quyền. Cứ căm thù, chửi bới hay xuống đường vui chơi vì trái bóng đi. 

Những chuyện còn lại đã có đảng và nhà nước lo!

Lâm Bình Duy Nhiên