Nguyễn Cung Thông: Tiếng Việt từ TK 17: các thanh hỏi ngã trong chữ quốc ngữ và giọng Sài Gòn (phần 47A)

Bài này (phần 47A) bàn về giọng Sài Gòn và những đặc tính của giọng này cũng như các nguyên nhân có thể dẫn đến 5 thanh điệu (vì không phân biệt rõ thanh hỏi và thanh ngã) như trong tiếng Việt hiện đại. Nội dung tóm tắt các trao đổi trên diễn đàn du học sinh Colombo Plan ở Úc về cùng chủ đề vào tháng 8 và tháng 9 năm 2024. Nếu cách phát âm của từng chữ là yếu tố quan trọng để phát hiện phương ngữ của tiếng Anh, Pháp thì thanh điệu lại là một tiêu chuẩn ban đầu cho ta phân biệt phương ngữ tiếng Việt một cách đơn giản. Bài này chú trọng vào khuynh hướng thay đổi thanh hỏi và ngã của giọng Bắc so sánh với giọng Nam Bộ (Sài Gòn) hiện nay, đặc biệt qua sự ghi nhận bằng chữ quốc ngữ. Khi trao đổi về đề tài này, lời ca của Phạm Duy [1] vẫn còn văng vẳng đâu đó ” …Tiếng nước tôi … Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…”. Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét như trên sau khi lãng du qua các miền đất nước: ngôn ngữ còn mang dấu ấn của những thăng trầm lịch sử của dân tộc. Bài này bàn về dấu vết của những cuộc di dân còn để lại trong thanh hỏi ngã của ba miền Bắc, Trung, Nam cũng như khả năng tiếp xúc ngôn ngữ (language contact/A) theo quá trình Nam Tiến của dân tộc ta. Chúng ta sẽ gặp lại các nốt nhạc trong phần sau vì tương quan dễ nhận ra giữa chúng và thanh điệu tiếng Việt, nhất là khi chưa có dụng cụ thu thanh chính xác. 

Các chữ viết tắt trong bài này là PQT (Phạm Quang Tuấn), NCT (Nguyễn Cung Thông), VN (Việt Nam), MLT (tài liệu Manuductio ad Linguam Tunkinensem), HV (Hán Việt), A (tiếng Anh), P (tiếng Pháp), L (tiếng La Tinh), VN (Việt Nam), VBL (từ điển Việt Bồ La, năm 1651), BBC (Bản Báo Cáo, phần đầu của VBL), ĐBSCL (Đồng bằng sông Cửu Long), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Huỳnh Tịnh Của), sđd (sách đã dẫn), td (thí dụ).

1. Các âm hỏi và ngã trong chữ Nôm

Trước khi chữ quốc ngữ ra đời, người Việt đã dùng chữ Hán và chữ Nôm để ghi lại các bài văn, thi ca, thư từ … Tuy nhiên, chữ Nôm (ghi lại tiếng Việt bản địa) không phân biệt âm hỏi và ngã rõ rệt như các thí dụ sau đây

mở mỡ: chữ Nôm dùng chữ mã Hán Việt 馬

mả mã: chữ Nôm dùng mã 馬

ngỏ ngõ: chữ Nôm dùng chữ ngọ Hán Việt 午

lả lã: chữ Nôm dùng lã (lữ) 呂

ngả ngã: chữ Nôm dùng chữ ngã HV 我

vẻ vẽ: chữ Nôm thường dùng chữ vĩ 尾

lẻ: chữ Nôm thường dựa vào chữ lễ 禮, còn lẽ thì dựa vào chữ lễ hay lý 理 

…v.v…

Thành ra chữ Nôm không giải quyết thoả đáng thanh điệu tiếng Việt vì khả năng lẫn lộn như trên, nhất là khi vốn từ vựng tiếng Việt phát triển theo đà văn minh của phương Tây. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của chữ quốc ngữ, dựa trên các con chữ La Tinh và Bồ Đào Nha.

2. Các âm hỏi ngã trong giai đoạn phôi thai của chữ quốc ngữ

Các giáo sĩ Tây phương tiên phong [2] đều nhận thấy tiếng Việt rất giàu thanh điệu, như theo LM de Rhodes “Riêng tôi xin thú nhận rằng khi vừa tới Đàng Trong nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót và tôi đâm thất vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được tiếng Việt”. LM Marini nhận xét rằng “dường như dân Việt bẩm sinh đã có một cơ thể rất chính xác, được điều chỉnh thật đúng và hoà hợp hoàn toàn với trí óc cùng buồng phổi; phải nói là, theo tự nhiên, người Việt là nhạc sư, vì họ có tài phát âm một cách nhẹ nhàng và chỉ hơi biến thanh là đã khác nghĩa” LM Borri [3]  cũng ghi nhận “Tiếng An Nam … càng phong phú hơn trong dấu và giọng, và do đó du dương hơn. Theo ý kiến của tôi, để nắm bắt sự khác nhau của các giọng và dấu thì những người có lỗ tai âm nhạc một cách tự nhiên sẽ dễ học tiếng An Nam hơn tất cả người khác”. Nếu chỉ giải thích một cách định tính (qualitative/A) như các tài liệu trên thì rất khỏ hiểu thanh điệu tiếng Việt là gì. Ta hãy xem lại các tài liệu dùng nốt nhạc [4] để kí âm thanh điệu tiếng Việt. Đầu tiên là từ BBC của de Rhodes in năm 1651. Sáu chữ dùng làm thí dụ về thanh điệu (LM de Rhodes, MLT – tiền bán thế kỷ 17?) là ba bá bà bã bạ bả:

2.1.1 Ba – thanh ngang (LM de Rhodes, MLT đều ghi nghĩa là số ba và không có dấu – VBL ghi ba). Chữ Nôm cổ thường dùng Hán tự ba 巴 (nghĩa là bò, đào …) hay sau đó thêm số ba (Hán tự là tam 三) vào chữ ba 巴 cho rõ nghĩa qua dạng 𠀧 (đọc là ba, nghĩa là số ba).

2.1.2 Bá – thanh sắc (de Rhodes, MLT đều ghi nghĩa là bà thiếp của vua chúa hay thủ lãnh, bây giờ không còn dùng nữa. Ngoài Bắc bá là đàn bà lớn tuổi như mẹ hay người giữ đền … VBL ghi bá). Một dạng chữ Nôm dùng Hán tự bá 播 (âm giống nhưng nghĩa khác ~ ban bố, bố cáo, tuyên bố …).

2.1.3 Bà – thanh huyền (de Rhodes, MLT đều ghi nghĩa là bà già/nội/ngoại hay bà Chúa … – VBL ghi bà). Một dạng chữ Nôm dùng Hán tự ba 巴 (đọc là ba, biểu âm) và thêm bộ nữ 女 vào cho rõ nghĩa, cho ra dạng 妑 (chữ Nôm tự tạo).

2.1.4 ꞗã (de Rhodes, để ý [5] dạng ꞗ không phải là b), Bã (MLT) đều ghi nghĩa là cái tát/tạt – VBL ghi ꞗã, Béhaine (1772/1773)/Taberd (1838) ghi vả (dấu hỏi, để ý dạng v), chữ Nôm dùng Hán tự bả 把 cho hai dạng bả và bã – chữ bả HV 把 (nghĩa là cầm, nắm …) cũng hiện diện trong VBL trong thủ bả (người canh gác), bả lịnh (người cầm canh) …

2.1.5 Bạ (de Rhodes, MLT đều ghi dạng bạ với dấu nặng – nghĩa là đồ bỏ ra/cái xác – tuy nhiên VBL trang 17 lại ghi dạng bã dấu ngã, bã thuốc) – Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) ghi là bã (dấu ngã), dạng này tồn tại cho đến nay như bã chè, bã mía … Như vậy bã đã từng là bạ (dấu nặng) vào thế kỷ 17, cũng như de Rhodes ghi rễ (rễ cây, dấu ngã) là rẹ (dấu nặng) – như trong Bản Báo Cáo “Dò Rẹ Mĩ pha sổ lá” – nhưng VBL lại không ghi rẹ mà ghi là rễ – xem hình chụp bên dưới. Một dạng chữ Nôm dùng Hán tự bá 播 hay bả 把 (dạng này cũng dùng cho bả, bã như ở trên).

2.1.6 Bả (de Rhodes, TG đều ghi bả dấu hỏi với nét nghĩa một loại lụa Đông Kinh màu vàng nghệ). Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) ghi trái bả, bả tơ (cuộn tơ) – Việt Nam Tự Điển ghi đánh bả (~ đánh sợi, tiếng Đàng Trong). Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa ghi chữ Nôm bả là 紦 (Hán tự ba biểu âm hợp với bộ mịch chỉ nghĩa – loại chữ Nôm tự tạo).

Trích từ Bản Báo Cáo (BBC) – trang 9 (VBL, năm 1651).

Tạm dịch/NCT “Nhưng mà chúng tôi có thể dùng sáu thanh điệu này vào những nốt nhạc của chúng ta, là vì xem ra có sự tương quan với âm nhạc chúng ta qua các tiếng sau đây: dò (cái bẫy, cái dò – VBL trang 174, làm dò chim); rẹ (rễ cây – VBL không ghi chữ này nhưng ghi rễ, cội rễ VBL trang 646) theo cách phát âm của một vài tỉnh [6]; mĩ (tên một dòng họ – VBL trang 466 ghi mỉ, tốt – để ý thanh hỏi); fa hay pha (pha trộn – VBL trang 589 ghi pha, pha rượu); sổ (VBL trang 690 ghi sổ, viết sổ); lá (VBL trang 390 ghi lá, lá cây mía …); do đó các tiếng này đều có nghĩa trong tiếng Đông Kinh, dựa theo sáu thanh điệu của tiếng Đông Kinh dò, rẹ, mĩ, pha, sổ, lá, chúng ta có thể liên hệ phần nào với sáu cung giọng âm nhạc của chúng ta, cách so sánh tuy không chính xác đến nỗi không có sự khác biệt lớn …”.

Sáu nốt nhạc truyền thống Tây phương (thấp đến cao C D E F G A B), ti (tiếng Anh) ~ si.

Nếu MLT [7] ghi rõ 6 nốt nhạc cho sáu âm trên, với thanh hỏi cao hơn thanh ngã – thì de Rhodes không ghi các nốt nhạc tương ứng với ba bá bà bã bạ bả, nhưng lại dùng tên các nốt nhạc với thanh điệu tiếng Việt tương ứng để ghi các từ khác nhau dò rẹ mĩ pha sổ lá. Để ý hai dạng rẹ và mĩ không có trong VBL so với rễ (~ rẹ) và mỉ (dấu hỏi ~ mĩ). Ngoài ra nốt nhạc son (sol) còn có thể ghi là so hay soh, có lẽ như vậy mà de Rhodes đã ghi [8] sổ để chỉ thanh hỏi dựa vào nốt nhạc son (sol). Các nốt nhạc chỉ thanh điệu còn thấy trong hình sau, chụp lại từ bài viết “First codification of Vietnamese by 17th-century missionaries: the description of tones and the influence of Portuguese on Vietnamese orthography” của hai học giả Gonçalo Fernandes và Carlos Assunção (2017): 

Âm bá bên trên thiếu dấu sắc do lỗi in ấn hay tài liệu MLT cũ quá với nét ghi mờ.

2.1.7 Dựa vào cách kí âm của de Rhodes dò rẹ mĩ pha sổ lá và các nốt nhạc của MLT, ta có thể phân biệt hai âm vực (dựa vào độ cao) của tiếng Việt vào TK 17 ở Đông Kinh:

a) Âm vực cao: thanh ngang, hỏi, sắc (cao nhất)

b) Âm vực thấp: thanh ngã, nặng, huyền (thấp nhất)

Kết quả này còn phù hợp với nhận xét của các tác giả trước đây như Nguyễn Tài Cẩn (“Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt” 1997, sđd), Hoàng Thị Châu (“Tiếng Việt trên các miền đất nước” 1989, sđd), Đoàn Thiện Thuật (“Ngữ âm tiếng Việt” 2007, sđd), Mai Thị Kiều Phượng (“Tiếng Việt đại cương – ngữ âm” 2008, sđd) …v.v…

So sánh với giọng Hà Nội hiện nay (TK 21), hai âm vực có phần khác nhau vì thanh ngã lên cao so với thanh hỏi

c) Âm vực cao: thanh ngang, sắc, ngã (cao nhất)

d) Âm vực thấp: thanh hỏi, nặng, huyền (thấp nhất)

Khuynh hướng nâng lên cao của thanh ngã gọi là khuynh hướng dời đổi thanh điệu (Tone shift/A – NCT) hay sự đảo ngược thanh điệu (Tone inversion/A – PQT).

Giọng Bắc (Đông Kinh/Hà Nội) tới năm 1897 cho thấy thanh ngã đã cao hơn thanh hỏi tối đa là 2 nốt nhạc, theo tác giả Paul Gouzien trong cuốn Manuel Franco-Tonkinois de Conversation spécialement à l’usage du médecin – NXB A. Challamel (Paris, 1897):

Sau đó vài năm, tác giả Édouard Diguet trong cuốn Grammaire Annamite (NXB Imprimerie Nationale, Paris 1904 – ấn bản lần thứ 3) cũng ghi 6 thanh điệu của giọng Hà Nội, tuy thanh ngã không thấy cao hơn thanh hỏi ở khúc cuối:

Phân tích thanh điệu theo máy thu thanh và phân tích tần số của TK 21 – giọng Bắc:

Trích từ bài viết “The ups and downs of Vietnamese tones” (University of Maryland, 2009) với các tác giả Jessica Bauman, Allison Blodgett, C. Anton Rytting, Jessica Shamoo.

Dựa vào cách phát âm (đường nét vận động) của 6 thanh trên – hay giọng uốn cong hay phát ra từ lòng ngực (de Rhodes, BBC) – thì ta có ba thanh hỏi, ngã và nặng (bảng tóm tắt bên dưới là tiếng Việt TK 21 tương ứng với các âm vực c và d mới hơn như đã ghi bên trên):

Trích từ bài viết “Tìm hiểu về thanh điệu trong tiếng Việt” của tác giả Thao LePhuong trên trang này 

2.2 Tương quan giữa âm Hán Việt và Việt cũng cho thấy các thanh ngang, hỏi, sắc và nặng, huyền, ngã đều liên hệ với nhau [9]- phản ánh các âm cùng âm vực:

2.2.1 Hỏi, sắc, ngang

bản (bổn) 本 vốn – có tác giả gọi dạng này là Hán Việt Việt hoá

kỉ 几 ghế

ảm 黯 ám (u ám)

giảm 減 kém so với giam 監 khám

cẩm 錦 gấm

khẩn 懇 khấn

xảo/khảo 巧 khéo

khổ 苦 khó

khẳng 肯 khứng (chẳng khứng/VBL ~ không muốn)

phủ 斧 (cái) búa – để ý phù 符 là bùa, phụ 婦 trong cách dùng quả phụ 寡婦 ~ goá (hoá) bụa

chủ 主 chúa

phế 肺 phổi

thố 兔 thỏ

tán 散 tản (tan)

tứ 四 tư

khố 庫 kho

thán 嘆 thanh (than thở)

hoang 荒 vắng (hoang phế)

…v.v…

2.2.2 Ngã, nặng, huyền

VBL trang 225: đỗ ~ đậu

lợi 利 lời, lãi

vãn 晚 muộn

vạn 萬 vàn, man (VBL), muôn (VBL)

tự 字 chữ

tự 寺 chùa

nhị 二 nhì

hạ 夏 hè

cận 近 gần

vụ 霧 mù (sương mù)

vụ 務 mùa

sự 事 thờ (VBL sự thượng đế ~thờ ꞗua tlên)

…v.v…

2.3 Cách phân bố thanh điệu trong từ láy tiếng Việt (để cho hài hoà thanh điệu – tone harmonisation) cũng cho thấy thanh hỏi ở vị trí cao. Quy tắc bổng (âm vực cao) chi phối từ láy có một âm tiết đầu mang thanh ngang, sắc, hỏi thì âm tiết đi cùng cũng mang thanh hỏi.

2.3.1 Từ láy có một âm tiết đầu mang thanh ngang hay thanh hỏi: lơ lửng (VBL), đo đỏ, nho nhỏ, da dẻ, dai dẳng, dư dả, đon đả, nham nhở, thong thả, thon thỏ, thơ thẩn, sa sả, vui vẻ, xây xẩm, leo lẻo, châu chấu, đom đóm, bươm bướm, sung sướng, tim tím, trăng trắng, ra rả, răng rắc, răm rắp … So với hả hê, hở hang, lẻ loi, mỏng manh, mở mang, rủ rê, nể nang… So với xang xác (VBL), xa xác (VBL) có cấu trúc [thanh ngang + thanh sắc]; 

2.3.2 Từ láy có một âm tiết mang thanh sắc: bướng bỉnh, cứng cỏi, gắng gỏi, gắt gỏng, khấp khởi, kháu khỉnh, hắt hủi, hóm hỉnh, hiểm hóc, hớn hở, lắt lẻo, lấp lửng, láu lỉnh, mát mẻ, nhảm nhí, phấp phỏng (so với phập phồng âm vực thấp), rẻ rúng, rác rưởi, tấp tểnh, trắng trẻo, vất vưởng, vớ vẩn, vắng vẻ (VBL), xấp xỉ, xó xỉnh, xối xả … So với tỉnh táo, thẳng thắn, gởi gắm … nỏn na/nón na (VBL) …v.v…

2.3.3 Từ láy có một âm tiết mang thanh huyền (âm vực thấp) thì âm tiết đi cùng là huyền, ngã, nặng như sồ sỗ (coi sồ sỗ/VBL), rình rịch (đi rình rịch/VBL), buồn bã, gần gũi, liều lĩnh, lầm lỗi, lầm lũi, gìn giữ, tầm tã, suồng sã, rầu rĩ, thờ thẫn, hờ hững, xoàng xĩnh, phè phỡn, bừa bãi, thừa thãi, nghề ngỗng, lừng lẫy, ruồng rẫy, lờ lững, đằng đẵng, mò mẫm, nhàn nhã, nhọc nhằn, cộc cằn … So với lãng mạn, lũ lụt, hãm hại, nhẫn nhịn, lễ lộc, lỗi lạc, rũ rượi …

Các từ láy ba hay bốn cũng có khuynh hướng cùng âm vực như sạch sành sanh, lủng ca (cà) lủng củng …v.v… Một số ‘ngoại lệ’ có thể giải thích phần nào do thời gian xuất hiện sau này, khi có sự thay đổi của âm vực (thanh ngã trở nên cao hơn thanh hỏi) để cho ra cấu trúc [thanh ngang + thanh ngã] thay vì theo cấu trúc truyền thống [thanh ngang + thanh hỏi]: khe khẽ, lam lũ, ngoan ngoãn, nông nỗi, trơ trẽn, ve vãn …v.v…

So sánh với các trường hợp từ láy vào thời VBL với cấu trúc [thanh nặng + thanh hỏi] như

lặng lẻ (VBL) trở thành lặng lẽ (tiếng Việt hiện đại) 

tục tỉu (VBL)  > tục tĩu     

lạnh lẻo (VBL) > lạnh lẽo     

đẹp đẻ (VBL) > đẹp đẽ      

mạnh mẻ (VBL) > mạnh mẽ    

ràu rỉ (VBL) – rầu rĩ với cấu trúc [thanh huyền + thanh hỏi] cho thấy huyền/hỏi âm vực thấp. 

Nhưng để ý sạch sẽ đã hiện diện vào thời VBL (mục sạch, VBL trang 669). Cấu trúc từ láy thời VBL là một chủ đề không đơn giản và rất thú vị cần được khai triển sâu xa hơn, nhưng không nằm trong phạm vi bài này.

2.4 Khảo sát một nhóm gồm 395 từ dùng dấu hỏi và ngã trong VBL thì ta thấy rằng  

a) 70 từ phân biệt hỏi/ngã như ngỏ – ngõ, lẻ – lẽ (nhẻ, nhẽ), mở – mỡ, nhủ – nhũ, nhản – nhãn, nổi – nỗi, chử – chữ, sải – sãi, vẻ – vẽ, bảo – bão, cổ – cỗ, sẻ – sẽ, bể – bễ, mủ – mũ, hỉ – hĩ ….Sự phân biệt hỏi ngã của các từ này vẫn còn hiện diện trong tiếng Việt hiện đại. b) 291 trong 395 từ khảo sát chỉ dùng dấu hỏi chứ không dùng dấu ngã: td. chỉnh, lỉnh, vả, kẻ, đỉ, nghỉ, dưởng, dả, đẻ, bải, bổn, ảnh, đải, đỏ, kẻm, hổn, hủ, giả, ghẻ, gả, mỉn, mảy, phẩu, quỉ, rẩy, vỉ, vửa, trủng … Số từ dùng thanh hỏi trong nhóm từ khảo sát là 361/395 = 91.4%. 

c) 34 trong 395 từ khảo sát chỉ dùng dấu ngã chứ không dùng dấu hỏi: td. những, lễ, hữu (hỡu), giữ, dỗ, vỗ, quãng, rưỡi, thĩ, xã, thễ … Như vậy số từ dùng dấu ngã trong 395 từ khảo sát bên trên (VBL) là 104 hay 104/395 = 26.5%. Theo GS Hoàng Phê (“Dấu hỏi hay dấu ngã” Trung tâm tự điển học, tháng 1 năm 1996) thì trong 1270 âm tiết tiếng Việt với dấu hỏi hoặc với dấu ngã, trong đó có 793 âm tiết (chiếm 62%) viết dấu hỏi, 477 âm tiết (38%) viết dấu ngã. Thành ra, sau gần 400 năm, phần trăm dùng dấu ngã đã tăng từ 26.5 đến 38 hay +11.5 (%). Điều này cho thấy thanh ngã đã phát triển để tiếng Việt thêm phong phú [10] cho đến nay. Một kết quả của khuynh hướng nâng cao của thanh ngã (từng là âm vực thấp) là trường hợp ngả ngã: ngả ba, ngả tư từng dùng dấu hỏi, nhưng bây giờ còn có các dạng ngã ba, ngã tư …

2.5 Một trường hợp đáng chú ý là âm đà: chữ Nôm là 它. Theo cụ Huỳnh Tịnh Của (ĐNQATV, sđd) thì đà là đã ‘nói theo vận’: td. đà rồi ~ đã rồi, đà có ~ đã có, đà phải ~ phải rồi. Tuy VBL không có ghi [11] đà mà chỉ ghi dạng đã (đã qua, xong) nhưng âm đà từng hiện diện trong các tài liệu Nôm rất cổ như 

身它歇累身𢧚珥

Thân đà hết lụy thân nên nhẹ (Quốc Âm Thi Tập – Ức Trai Di Tập 13a)

后羿𧡊𩈘姮娥 張弓闷𢏑 離它拯當

Hậu Nghệ thấy mặt Hằng Nga. Giương cung muốn bắn, le đà chẳng đang (Thiên Nam Ngữ Lục 92a) – đã phải đọc là đà cho hợp vần – xem thêm các thí dụ bên dưới của Truyện Kiều.

Ngay cả đến thời cụ Nguyễn Du, Truyện Kiều với 3524 câu đã dùng chữ đã (chỉ quá khứ) 265 lần và đà xuất hiện 35 lần:

𪰛它簪技𤭸淶包𣇞

Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ (câu 70) – đã phải đọc là đà cho hợp vần bằng

韶光𠃩𨔿㐌外𦒹𨑮

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi (câu 40) – đã chữ Nôm là 㐌

…v.v…

Tuy đà (một dạng của đã) không còn thấy dùng nữa trong tiếng Việt, nhưng các cách dùng trên cho thấy thanh ngã đã từng liên hệ với thanh huyền đà hay cùng một âm vực thấp. Để cho dễ nhớ quy tắc hài thanh trầm bổng (huyền-ngã-nặng/ngang-hỏi-sắc – theo âm vực cũ a và b trong mục 2.1.7 bên trên), ta thường ghi nhớ hai câu lục bát sau:

Em huyền mang nặng ngã đau

Anh ngang sắc thuốc hỏi đầu bớt chưa (hay ~ Anh ngang sắc thuốc hỏi đau chỗ/thế nào)

3. Tiếng Việt đến đồng bằng sông Cửu Long 

3.1 Thời VBL ra đời thì ranh giới phía Nam của VN nằm trong khu vực Quy Nhơn – xem bản đồ An Nam của LM de Rhodes bên dưới (năm 1651/1653). Đặc biệt là địa danh Quy Nhơn (de Rhodes ghi là Quinhin – nhơn đọc là nhin theo VBL trang 552 như nhin sâm, nhin đức, nhin danh cha …), ở ngay cực Nam cùng với các tên Ran Ran, dinh pho an, mà Quy Nhơn vẫn còn là địa danh cho tới ngày nay. Điều này có phải ngẫu nhiên hay không? Ảnh hưởng của Quy Nhơn như thế nào mà còn để lại dấu ấn cho đến hiện tại? Đây là những điểm cần phải tìm hiểu sâu xa hơn từ các góc độ khác nhau như ngôn ngữ, dân tộc học cùng lịch sử hình thành Đàng Trong và Nam Bộ … Chủ đề này không nằm trong phạm vi bài viết 47A.

Rất hiếm tài liệu về thanh điệu ‘giọng Nam Bộ’ vào thời trước, tuy nhiên có một vài tài liệu đáng chú ý – td. tập sách chép tay ghi từ vựng tiếng Đàng Trong – La Tinh “Lexicon Cochin-sinense Latinum” của LM Josepho Maria Morrone – được giao cho trung úy hải quân Mỹ John White (1782-1840) ở Sài Gòn trước khi ông này rời Việt Nam trở về Mỹ năm 1820. Tài liệu này sau đó được xuất bản vào vào năm 1838 bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1760-1844), trong bài viết “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing”, xuất bản bởi The American Philosophical Society (M’Carty and Davis). Cùng xuất hiện với tài liệu này là bảng từ vựng tiếng Đàng Trong – tiếng Pháp (Vocabulaire domestique Cochichinois Francais) chép tay, trong đó LM Morrone có ghi thanh điệu tiếng Việt (Đàng Trong) trang 2 – xem hình chụp bên dưới – để ý tác giả ở cuối trang ghi nơi viết là ở Sài Gòn, ngày 12 tháng 12 năm 1819. Trong tài liệu này thì thanh ngang được ghi bằng nốt la và thanh hỏi cao hơn thanh ngã một nốt nhạc [12], tác giả cũng ghi rõ trong trang 1 là giọng Đàng Trong có 6 thanh a, á, à, ả, ạ, ã.

Trích từ Cochin-Chinese & French vocabulary = Vocabulaire Cochin-Chinois et Français : Catholic Missionary at Saigon in Cochin-China, 1819, by Morrone, Joseph Maria, Rev.

Vào năm 1838, LM Taberd (1794-1840) cũng cho ta thấy các thanh điệu qua nốt nhạc trong phần đầu của tài liệu DICTIONARIUM ANAMITICO-LATINUM in năm 1838. Tài liệu (tự điển Việt – La Tinh, thường gọi là tự điển Taberd) này thật ra là bản cập nhật từ tự điển Việt – La Tinh của LM Pierre Pigneau de Behaine (1741-1799) soạn vào khoảng 1772/1773. Điều đáng chú ý là các tài liệu này phản ánh tiếng Đàng Trong (so với Đàng Ngoài) vì các vị này hoạt động ở miền Nam chứ không phải ở Đông Kinh. Tuy ghi là tiếng An Nam, nhưng thật ra đa phần là tiếng Đàng Trong như một đoạn trích từ tự điển Taberd cho thấy LM ý thức rất rõ phương ngữ các vùng qua cách dùng blả – trả và lời – mlời:

Trích từ trang nomfoundation.org/nom-tools/Taberd-Dictionary?p=fulltext&item=2&view=12&uiLang=en 

Thanh điệu tiếng Việt (Đàng Trong) – trích từ đây 

LM Taberd dùng nốt nhạc son cho thanh ngang, so với LM Morrone dùng nốt la cao hơn một bậc. Tuy nhiên, thanh hỏi vẫn cao hơn thanh ngã một bậc dù bắt đầu giống nhau ở cùng nốt son. Có thể xem các thanh điệu Taberd là thanh điệu Morrone giảm một nốt nhạc.

Tóm lại, dựa vào các nốt nhạc của Taberd và Morrone, ta có thể đề kết luận là giọng Nam (Đàng Trong) từng có 6 thanh điệu và có khả năng phân biệt được thanh hỏi và ngã.

3.2 Giọng Nam (Sài Gòn) hiện đại

Một điều rất dễ nhận ra là giọng Nam (Sài Gòn) hiện đại không phân biệt thanh hỏi và thanh ngã [13], như ghi nhận của nhiều tác giả – td. nhận xét [14] của tác giả Mai Thị Kiều Phượng “Trong phương ngữ Nam chỉ có 5 thanh: ngang, huyền, sắc, nặng, hỏi (thanh ngã bị nhập vào thanh hỏi)” trích từ trang 288 trong ‘Tiếng Việt – đại cương – ngữ âm’ (sđd). Biểu đồ dưới (trang 14) cho thấy hai thanh hỏi và ngã nhập thành một cho một giọng Nam Bộ (Speaker 10), rất khác với biểu đồ giọng Bắc (Hà Nội, Speaker 1) ở trang 7, khi so sánh hai thanh hỏi và ngã.

Trích từ bài viết “The ups and downs of Vietnamese tones” (University of Maryland, 2009) với các tác giả Jessica Bauman, Allison Blodgett, C. Anton Rytting, Jessica Shamoo.

Đầu TK 20, Édouard Diguet đã ghi nhận giọng Nam Bộ trong thực tế không phân biệt ngã và hỏi (trang 4, Grammaire Annamite sđd) – xem hình chụp bên dưới:

Một cách giải thích tại sao lại có giọng Sài Gòn hiện đại là do kết quả của các đợt di dân từ Đàng Trong, mà gần nhất (không gian) là từ khu vực Quảng Nam (“kẻ Quảng” vào TK 17) và tiếp xúc ngôn ngữ (language contact/A) từ các nhóm người cùng sống chung ở ĐBSCL. Các tài liệu xưa như Gia Định Thành Thông Chí (Trịnh Hoài Đức) ghi lại rằng trước khi người Việt đến Đồng Nai – Gia Định thì đã có người Khme, sau đó là người Hoa (từ miền Nam TQ như Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến … Xem Phụ Trương 1) và một số dân tộc láng giềng như người Mã Lai, Indonêsia (Java) … Sự cộng cư trong vùng đất mới này dẫn đến giao thoa về mặt kinh tế, văn hoá và dĩ nhiên là ngôn ngữ. Cư dân từ khu vực gần nhất như Quảng Nam/Quy Nhơn ở Đàng Trong đã mang tiếng nói của mình vào phương Nam, và vào thời đầu thì vẫn còn phân biệt được hỏi ngã: td. giọng Bình Định (xem Phụ Trương 2). Tuy nhiên – sau một thời gian hoà đồng cùng với các nhóm dân tộc khác, có nguồn gốc là ngôn ngữ không thanh điệu như tiếng Khme, Chăm, Mã Lai – giọng Sài Gòn thay đổi và mang những tính chất đặc trưng như hai thanh hỏi ngã nhập lại thành một. Không chỉ có sự thay đổi thanh điệu, vốn từ vựng Nam Bộ cũng thay đổi phản ánh quá trình tiếp xúc ngôn ngữ: như các cách dùng tía (cha), lì xì, thèo lèo, xí mụi (của người Hoa, td. Triều Châu chẳng hạn), hay xà quầng, mình ên, Sóc Trăng, vàm (của người Khme), mã tà (cảnh sát, từ người Mã Lai) …v.v… Không có dụng cụ máy móc để thu thanh và phân tích tần số với mức độ âm thanh, các nốt nhạc trở thành phương tiện ghi nhận thanh điệu tiếng Việt quan trọng hơn lúc nào hết vào thời trước. Phần 47A tóm tắt dữ kiện về thanh hỏi ngã theo dòng thời gian cùng lịch sử, sau đó đưa ra một cách giải thích về giọng Sài Gòn hiện nay. Các bài viết sau sẽ đi vào chi tiết hơn nữa, hi vọng sẽ là một động lực, cũng như gợi ý cho người đọc cùng tra cứu và tìm ra nhiều kết quả thú vị về tiếng mẹ đẻ của chúng ta.

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Jessica Bauman, Allison Blodgett, C. Anton Rytting, Jessica Shamoo (2009) “The ups and downs of Vietnamese tones – A description of native speaker and adult learner tone systems for Northern and Southern Vietnamese” UNIVERSITY OF MARYLAND CENTER FOR ADVANCED STUDY OF LANGUAGE – tham khảo trên mạng như

2) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999). 

3) Nguyễn Tài Cẩn (1997) “Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt – sơ thảo” NXB Giáo Dục (1997, Hà Nội).

4) Hoàng Thị Châu (1989) “Tiếng Việt trên các miền đất nước – Phương ngữ học” NXB Khoa Học Xã Hội (1989, Hà Nội).

5) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

6) Gonçalo Fernandes/Carlos Assunção (2017) “First codification of Vietnamese by 17th-century missionaries: the description of tones and the influence of Portuguese on Vietnamese orthography” – có thể tham khảo bài này trên trang …v.v…

7) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

8) Nguyễn Văn Lợi (2018) “Sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc Ngữ” đăng trên mạng Văn Việt

9) Mai Thị Kiều Phượng (2007) “Tiếng Việt – đại cương – ngữ âm” NXB Khoa Học Xã Hội (2008, Hà Nội).

10) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) “Lexicon Cochin-sinense Latinum” đăng trong cuốn “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing” viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. 

11) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

Alexandre de Rhodes (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

12) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (1838).

13) Nguyễn Cung Thông (2023) Loạt bài viết “Tiếng Việt từ thế kỉ 17”, về thanh điệu tiếng Việt, tham khảo “Tiếng Việt Thế kỷ 17:  cách dùng vợ lẻ, lặng lẻ … vào thế kỷ 17 và những hệ luỵ” (phần 38).

14) Đoàn Thiện Thuật “Ngữ âm tiếng Việt” (2007) NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phụ Trương

1. Vài đoạn trích từ Gia Định Thành Thông Chí [15] của học giả, gốc Phúc Kiến, Trịnh Hoài Đức (1765-1825, cũng là một nhân chứng lịch sử). Tài liệu này cho thấy sinh hoạt cộng đồng địa phương sôi động và quá trình tiếp xúc ngôn ngữ giữa các nhóm dân có nguồn gốc khác nhau – trích từ bản dịch của tác giả Lý Việt Hùng và Huỳnh Văn Tới hiệu đính/chú giải (Biên Hoà, 2004) – có thể tham khảo từ trang này chẳng hạn  

A close up of text

Description automatically generated

2. Giọng Bình Định: theo cách phát âm [16] của anh Hoàng Ngọc Tuấn (Sydney, Úc – thu thanh vào tháng 9 năm 2024) cho thấy thanh hỏi cao hơn thanh ngã – phù hợp với các nốt nhạc ghi nhận bởi Morrone (đầu TK 19, Sài Gòn) và Taberd (1838):

Giọng Bình Định của anh Hoàng Ngọc Tuấn (theo ghi âm PQT – 9/2024):

3. Ngay cả đến thập niên 2010, vẫn có người dùng nốt nhạc để học thanh điệu tiếng Việt, như trường hợp một bạn tên Ben người Mỹ – trích từ trang này [17] 

Nguyễn Cung Thông

Nghiên cứu độc lập (Melbourne, Úc) nguyencungthong@gmail.com; nhân đây xin cảm ơn các anh Hoàng Ngọc Tuấn, Phạm Quang Tuấn, Lê Bá Hồng, Trần Văn Mai, Lưu Tiến Hiệp và chị Nguyễn Thị Kim Thu đã đóng góp trong các trao đổi để trở thành một phần nội dung của bài này.

————–

Chú thích :

[1] Trích từ bài “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy, sáng tác vào khoảng 1952 sau khi gia đình di cư vào Nam.

[2] Trích từ cuốn “Lịch sử chữ Quốc Ngữ 1620-1659” tác giả Đỗ Quang Chính, Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi (1972)

[3] Trích từ bài dịch “Tường thuật về sứ mạng mới của các LM Dòng Jésus tại vương quốc An Nam” của Cristoforo Borri (1631) – bản tiếng Pháp của tác giả Bonifacy, bản tiếng Việt của Phạm Văn Bân (4/2011).

[4] Các nốt nhạc dùng cho đến nay là do LM người Ý Guido of Arezzo sáng tạo từ đầu TK 11. Đây là những âm đầu của bài thánh ca Saint John The Baptist bằng tiếng La Tinh: Ut queant laxis, resonare fibris, Mira gestorum, famuli tuorum, Solve polluti, labii reatum, Sancte Iohannes (Ut sau đổi thành Do vào TK 17 theo dạng nguyên âm mở/không có phụ âm cuối cũng như trường hợp sol ~ soh ~ so). Thành ra không phải ngẫu nhiên mà các giáo sĩ tiên phong sử dụng phương tiện này để ghi thanh điệu tiếng Việt.

[5] Thời VBL ghi nhận ba dạng b, ꞗ và v: ꞗ là dạng cổ trước khi tách ra thành v (giọng Bắc hiện đại), đôi khi thành b- và d- (j- giọng Nam hiện đại) như: phân ꞗua – phân vua – phân bua; ꞗã – *vã – vả. Chữ Nôm vả dùng bả HV 把 với ba là thành phần hài thanh, điều này cho thấy ꞗ gần với âm môi b hơn là môi răng v, như ꞗui thì chữ Nôm dùng bôi HV 盃, ꞗua chữ Nôm dùng 𢃊 𤤰 với thanh phù bố 布 …v.v…

[6] Một vài tỉnh ở đây hàm ý các tỉnh ở ngoài Kẻ Chợ (Đông Kinh/Hà Nội). Không những de Rhodes nhắc đến sự khác biệt thanh điệu (rễ đọc như rẹ, td. giọng Nghệ Tĩnh nhập thanh ngã vào thanh nặng), ông còn ghi các cách đọc khác nhau như dện, nhện, rện; dọn, nhọn, rọn … Cùng các cách dùng tương đương như mũ/nón, heo/lợn/sinh, hồ/keo, hoa (huê)/bông, mè/vừng, ốm/đau, chăn/mền, trái/quả, đỗ/đậu, mận/roi … Đây là phương ngữ tiếng Việt trong thời phôi thai chữ quốc ngữ. Sau này, các rối loạn như chiến tranh Nam Bắc/phân chia lãnh thổ càng làm sự khác biệt giữa các phương ngữ rõ nét hơn. 

[7] Bài này không bàn về tác giả các nốt nhạc kí âm tiếng Việt này có phải là de Pina hay không, điều này không ảnh hưởng đến kết luận thanh hỏi cao hơn thanh ngã như nhận xét của de Rhodes hay MLT. Tham khảo các bài viết của Gonçalo Fernandes và Carlos Assunção (2017) trang này chẳng hạn; và Phạm Thị Kiều Ly trang này chẳng hạn v.v…

[8] Nếu quả thật LM de Rhodes cố ý dùng dạng tương đương so cho nốt nhạc sol, hay dùng dạng không có phụ âm sau cùng – và thêm dấu hỏi vào để cho ra dạng sổ tiếng Viêt – thì thật thâm thuý vì từ sổ rất phổ thông so với sổn, sỏn … Ngoài ra, thí dụ của de Rhodes là những âm tiết đơn giản và không có phụ âm sau cùng.

[9] Các phụ âm đầu kêu (hữu thanh/voiced/A) có tần số thấp (td. từ 250 Hz đến 4000 Hz) nên thường đi cùng với thanh huyền, nặng, ngã (âm vực thấp) như mã, ma, mạ, vũ, vụ, vu, nga, ngã, ngạ, la, lã, lạ … Còn các phụ âm đầu vô thanh (voiceless/A) như h, ch, th, ph, kh, k/c có tần số cao (td. từ 2000 Hz đến 8000 Hz) nên thường đi cùng với thanh ngang, hỏi, sắc (âm vực cao) như như hô, hổ, thô, thổ, thố, phô, phổ, phố …v.v… Lớp từ Hán Việt lâu đời hơn/Tiền HV có thể không theo khuynh hướng trên, td. nghiên nghiễn nghiền nghiến, nghi ngờ ngợ ngỡ..

[10] Tuy nhiên vẫn chưa tận dụng hoàn toàn tiềm năng của thanh hỏi ngã, như vẫn chưa dùng các dạng cã (so với cả), khã (so với khả), thã, thạ (so với thả) …v.v… Ngoài ra, tiếng Việt vẫn còn phát triển thanh điệu (td. thanh ngã) liên tục cho đến nay chứ không phải đã hoàn tất vào TK 12 như the học giả Haudricourt trong bài viết “De l’origine de la ton de Vietnamien” Journal Asiatique 242:69-82.

[11] Tự điển Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) có ghi đà (~ jam/L hàm ý đã rồi).

[12] Có thể LM Morrone đã ghi lại thanh điệu từ một ‘ốc đảo thổ ngữ’ ở Nam Bộ, td. một làng Công Giáo di cư đến? Không thấy ông ghi chi tiết, nhưng từ tựa đề của tài liệu là Vocabulaire domestique Cochichinois Francois, cũng như nơi soạn tài liệu này là ở Sài Gòn – ta có cơ sở để kết luận các thanh điệu (qua nốt nhạc) là giọng Nam Bộ – dù có thể là từ một ‘ốc đảo’, nhưng phạm vi ảnh hưởng của ‘ốc đảo’ này rất lớn, đủ để cho Morrone ghi lại như đại diện cho toàn thể Cochichinois.

[13] Tham khảo bài viết “PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ TRONG CA KHÚC VÀ DÂN CA NAM BỘ” tác giả Phạm Hoài Phương, đăng trong Tạp Chí Khoa Học – Đại Học Văn Lang TCKH22-09-2020, hay bài viết “Tiếng Việt Nam Bộ” tác giả Lý Tùng Hiếu trên trang này chẳng hạn v.v…

[14] Tham khảo thêm hay ở đây …v.v…

[15] Tham khảo thêm “Gia Định Thành Thông Chi” Trịnh Hoài Đức – dịch giả Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Đào Duy Anh (hiệu đính và chú thích). NXB Giáo Dục (Hà Nội, 1998).

[16] Cảm ơn PGS TS Nguyễn Văn Huệ (University of Social Sciences and Humanities, VNU HCM) đã dùng phần mềm Praat để vẽ biểu đồ thanh điệu này.

[17] Hình như bạn này viết sai chữ phường (thanh huyền) thành ra phương (thanh ngang) “sống ở phương hai, quận ba”! Thanh ngang ghi bằng nốt si hay ti (~ B).