Nguyễn Cung Thông: “Tiếng Việt từ TK 17: tóm tắt một số phong tục và các cách dùng như lêu trâu (tlâu) húc nhau, khêu đèn, trêu (tlêu), ghẹo” (phần 49)
Phần này bàn về các cách dùng lêu trâu (tlâu) húc nhau, khêu đèn, trêu (tlêu), treo, trèo, leo, ghẹo và các từ liên hệ như nêu, xeo bè (~ chèo bè) – từ thời Linh mục de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời, cũng như thông tin về một số sinh hoạt xã hội từ những nhân chứng lịch sử (mắt thấy tai nghe). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của Linh mục Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của Linh mục de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN in năm 1651), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC in năm 1651), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL in năm 1651) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang này :
Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị) …v.v… Kí viết là ký (tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ hay Hán cổ). Ghẹo trâu cho húc nhau phản ánh một trò chơi dân gian vào TK 17 đã được ghi trong từ điển Việt Bồ La – bây giờ trở thành một lễ hội đình đám – cũng như một số phong tục tập quán khác sẽ được tóm tắt trong bài này. VBL có nhiều thông tin về phong tục tập quán của người Việt vào TK 17 cũng như ngôn ngữ, tuy nhiên cần phải đọc kỹ và gạn lọc ra để cho thấy rõ vấn đề hơn dựa vào các tài liệu chữ quốc ngữ, Hán/Nôm vào cùng thời kì. Một số phong tục hay hoạt động/ngôn ngữ thời đó không còn còn thường gặp, hay chỉ để lại vài vết tích mờ nhạt, cũng như đã mất hẳn: điều này cho thấy VBL/PGTN là những tài liệu ‘điền dã’ quý hiếm để xem lại văn hoá truyền thống dân tộc.
1. Một số hoạt động văn hoá lịch sử ghi trong VBL
– Tiền (VBL trang 792-795, 610, 237 …): LM de Rhodes ghi lại khá chi tiết hệ thống tiền bạc VN vào TK 17, cấu trúc đặc biệt của ‘đồng tiền’ với hình tròn và lỗ vuông ở giữa của thời trước đã tạo ra một nhóm từ liên hệ như lõi tiền, quan, vỉa, xỏ tiền … Tham khảo thêm chi tiết trong loạt bài viết “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa” các phần 21 A, B, C cùng tác giả (NCT).
– Đơm ma tế quỉ (VBL trang 231, 729): cúng đồ ăn cho thần thánh hay vong linh người quá cố; đơm ông bà ông vãi (VBL trang 231) là cúng đồ ăn cho tổ tiên – văn tế (VBL trang 729, 857) là bản văn đọc khi tế lễ …
– Phạm tên cha mẹ (VBL trang 592, BBC trang 17 còn ghi đọc trại tên bà vợ quan trấn thủ tiền hay tuyền/NCT thành toàn …) cho thấy tục kỵ huý hay kiêng huý rất thường gặp.
– Liên hệ gia đình gần phản ánh qua tên gọi ba người cha ghi trong VBL trang 92, gồm có cha ruột/cha đẻ, cha ghẻ (VBL trang 267), cha mày/cha nuôi (để ý mày nghĩa là nuôi). Tám người mẹ (VBL trang 461) là từ mẫu/mẹ sinh đẻ (để ý có chữ sinh), kế mẫu/mẹ ghẻ (VBL trang 267), đích mẫu, dưỡng mẫu (dưỡng ghi dấu hỏi ~ dưởng) hay mẹ nuôi/mẹ mày, thứ mẫu/vợ mọn cha, giã mẫu (hay là giá mẫu/NCT), xuất mẫu, nhũ mẫu/vú (xuất [2] VBL ghi là xuết, vú VBL ghi là ꞗú). VBL không ghi các cách dùng HV như tam phụ (ba người cha) hay bát mẫu (tám người mẹ). Tham khảo thêm chi tiết trong bài viết “Tiếng Việt từ TK 17 – cách dùng mẫu/mẹ và An Nam Mít (phần 10)”.
– Xung (VBL trang 897): niềm tin dân gian cho rằng tuổi xung khắc nên hai vợ chồng gặp nhiều vấn đề như không có con, không làm nên hay không yêu thương nhau …v.v…
– Bánh chưng (VBL trang 122): bánh làm bằng thịt heo và gạo chỉ vào dịp tết (đầu năm mới)
– Mả phát, mả mạt (VBL trang 459, 596-597): tục chôn theo phong thuỷ (địa lí) vì con cháu sau này có thể phát hay mạt …
– Hung thần (VBL trang 344) ảnh hưởng không tốt cho gia đình và dòng họ nên để ‘chữa trị’ thì người ta bốc mộ (cải táng) và ném hài cốt đi để không thể gây điều xấu nữa.
– Đàng Ngoài, Đàng Trong, Đàng Trên (tlên – VBL trang 201, 531, 806) cách gọi dân gian của các tỉnh thành, phân chia hành chánh vào thời ban đầu Trịnh Nguyễn phân tranh … Tham khảo thêm chi tiết trong loạt bài viết “Cách nói “xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài …” thời LM A. de Rhodes (phần 1) và “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes -Những mảnh vụn ngôn ngữ và lịch sử : về niên hiệu Long Thái và chúa Khánh ở Cao Bằng …(phần 29)” (NCT). Ngoài ra, kẻ chỉ người (td. kẻ chợ là người ở thành thị – VBL trang 354) còn dùng để chỉ địa danh (danh từ riêng chỉ kinh đô Đông Kinh – VBL trang 111). Để biết quê nhà của ai, tiếng Việt vào TK 17 đã dùng câu hỏi “Mầy ở kẻ nào?” (VBL trang 354). Kẻ còn chỉ một địa phương (làng) nhưng cũng có thể chỉ một khu vực rộng lớn (Kẻ Bắc, Kẻ Nam, Kẻ Đông, Kẻ Tây – bản đồ An Nam của de Rhodes/1562); Kẻ chợ là kinh/thủ đô (danh từ chung): “thành Giê-Ru-Sa-Lem là kẻ chợ nước Giudêa”, “thành Ca-Pha-Na-Ung là kẻ chợ xứ Ga-Li-Lê”/Thiên Chúa Thánh Mẫu – Mayorica) …v.v…
– Cách nói xuống thuyền (Tây phương thường nói lên thuyền/tàu/xe) và lên đất (VBL trang 899) rất lạ, đến nỗi VBL phải giải thích thêm là trong trường hợp “xuống thuyền”, thì mặt nước thường thấp hơn mặt đất (tính chất của chất lỏng thường tụ lại ở nơi thấp), cho nên từ đất liền qua đến thuyền bè thì là xuống – khắc hẳn với cách nói “lên đất”. Tương tự như cách nói ở trên trời (Tây phương thường nói ở ‘trong’ trời), các cách dùng này thể hiện phần nào một tư duy tổng hợp hay nhìn rộng ra hơn, xa hơn (thiên về phẩm) chứ không đi vào chi tiết như tư duy phân tích (thiên về lượng) – tham khảo thêm chi tiết trong các bài viết như “Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài … thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)”, ” Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách dùng đỗ trạng nguyên, trên/dưới… (phần 4)”, “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – vài nhận xét về cách dùng tên bộ phận cơ thể ở phía dưới như lòng, bụng, dạ, ruột cho đến vật âm mình! (phần 13)”, “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – vài nhận xét về cách dùng thì hiện tại/tương lai/quá khứ (phần 16)”, “Tiếng Việt Thế kỷ 17 – mùi, mồi, vị và bùi có cùng gốc – hiện tượng cảm giác kèm/synesthesia (phần 17)”, ” Tiếng Việt Thế kỷ 17 – Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng đã, đã đã, nên tật, đã tật” (phần 34)…v.v…
– VBL trang 833 và 470 ghi bốn cách gọi tên nước là chiem thành (~ Chiêm Thành, không có dấu mũ ^ và không viết hoa), trì trì (VBL trang 833) và nước mlồi, mlồ. Vào thời này, tiếng Việt chưa có quy ước viết hoa cho địa danh như các ngôn ngữ Ấn Âu như Bồ Đào Nha, La Tinh, Pháp … Để ý Chiêm Thành tiếng Bồ là Champa, nhưng tiếng La Tinh là Ciampa (có lúc ghi là Ciampà) phản ánh phần nào các âm tiếng Việt chăm/chàm và Hán Việt Chiêm 占; so với tên nước Chiêm Thành viết là 占城 trong đa số tài liệu lịch sử VN và TQ. Nếu kể luôn dạng cham (Chăm) như cù lao cham (VBL trang 399-400) thì có 5 cách gọi Champa tất cả. Nhiều cách gọi Champa trong dân gian như vậy rất đáng chú ý – tham khảo thêm chi tiết trong bài viết “Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng Trì Trì, mlồi/mlồ, Chiêm Thành – Cham và *Lâm (Ấp)” (phần 41).
– Mực tàu (VBL trang 728) là dụng cụ/dây/tàu vạch đường thẳng, so với cách hiểu thông thường bây giờ là mực (chất lỏng dùng để viết/vẽ) của người Tàu [3]. Tham khảo thêm chi tiết trong loạt bài viết “Tản mạn về nghĩa của mực tàu” các phần 1 và 2 (NCT).
– Bánh ngói (VBL trang 534): tục nung miếng đất để ăn (tục ăn đất), hiện nay vẫn còn tồn tại như ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc [4]…
– Nhật (nhịt, nhệt) thực, nguyệt (ngŏệt) thực (VBL trang 532, 553, 782): tục giống trống/chiêng/mỏ và lập bàn thờ vào các dịp này để đuổi tà ma …
– Sinh thì/giờ lên (VBL trang 688) hàm ý qua đời đặc biệt cho bổn đạo CG. Có ít nhất 11 cách dùng để chỉ sự chết trong VBL và PGTN như qua đời, chết, tử, Đức Chúa Blời rước, mất, xong chên xong tay, tlút linh hồn ra, về quê (VBL giải thích rõ thêm là không ai muốn nhắc đến chết nên họ tránh dùng từ này, mà dùng nhiều cách diễn đạt khác – VBL trang 624), toi/chết toi, tắt nghỉ/tắt hơi, hết hơi (PGTN trang 237). Sự qua đời của một người theo đạo Thiên Chúa rất đặc biệt: cũng như được Đức Chúa Trời rước đi/lên hay sinh thì (VBL trang 661), so sánh với sự qua đời của một Phật tử là về Tây Phương cực lạc – tham khảo thêm các bài viết “Sinh thì là chết?” cùng tác giả/NCT.
– Để tang để tóc: tục để tóc của đàn ông khi cha hay mẹ chết, VBL trang 721-722), giải thích được nguồn gốc cụm từ tang tóc trong tiếng Việt.
– Chữa trùng tang liên táng: tục lấy hài cốt người chết lên và để trong nhà – trong thời kỳ ba năm khi có người thân (trong gia đình) qua đời (trùng tang) – VBL ghi câu này hai lần trong mục tang và trùng cho thấy tầm ảnh hưởng của tục lệ này trong dân gian (VBL trang 721-722). Hiện tượng trùng tang có nhiều cách hoá giải theo quan niệm dân gian hay tín ngưỡng [5].
– Bẻ tiền bẻ đũa (VBL trang 32, 794-795): tục chỉ người chồng thuộc hạng “thứ dân” khi li/ly dị sẽ bẻ đồng tiền đồng ra hai phần, người vợ giữ một nửa và người chồng giữ một nửa. Ngoài ra, người chồng cũng bẻ những chiếc đũa để người vợ giữ một nửa và sau đó người vợ tự do lấy chồng khác [6]. Tham khảo thêm chi tiết trong loạt bài viết “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa” các phần 21 A, B, C (NCT).
– Của mã (VBL trang 443), nhà táng (VBL trang 544): tục đốt các đồ bằng giấy cúng người chết. Tiếng Việt cận đại dùng đồ mã (so với của mã), đồ ăn (so với của ăn)…
– Đưa khao (VBL trang 362) là làm nhưng thuyền/ngựa bằng giấy thả cho trôi sông, hàm ý trừ khử hồn người chết hay quỷ thần không trở về làm hại người dân, sau đó còn bắn súng để tiêu diệt chúng đi… Đây có lẽ là lần đầu tiên tục lệ thả thuyền giấy được mô tả một cách vắn tắt. Giai đoạn bắn súng sau cùng cho thấy hoạt động này có vẻ quy mô và liên hệ đến nhiều người (td. nhà nước tổ chức).
– Đeo bùa (VBL trang 56): đeo bùa vào cổ (để cho may mắn).
– Xin keo (VBL trang 356, 891), xin âm dương (VBL trang 891, 4): gieo tiền cho biết vận may hay không. Keo chỉ đồng tiền [7] chứ không phải là hai mảnh gỗ hình bán nguyệt.
– Xin âm dương (VBL trang 4): gieo đồng tiền để biết vận mạng – còn gọi là xin thiên địa.
– Nêu (VBL trang 516): cây sào dựng trước cửa nhà vào dịp tết để đuổi tà ma …
– Xem giò (VBL trang 284-285): tục xem bói bằng chân gà.
– Làm đồng làm cốt, thầy đồng, quỷ (quỉ) phụ đồng (VBL trang 236), quỷ đồng, quỷ ám, quỷ phụ (VBL trang 606-607), mời đồng (VBL trang 236), cốt, làm cốt, bóng cốt, đi cốt (VBL trang 133), tam phủ – thiên phủ, địa phủ, thuỷ phủ (VBL trang 606): các chi tiết liên hệ đến tín ngưỡng dân gian còn đến ngày nay, thường gọi là đồng bóng hay hầu bóng. Đồng còn có nghĩa là cái kính, cái gương vào thời VBL, soi gương cũng là soi đồng, tuy nhiên soi đồng có một nghĩa mở rộng là (thầy đồng) nhìn vào gương để làm phù chú. Kim loại đồng có nhiều công dụng như làm tiền, đánh bóng có thể làm gương soi … Cho nên danh từ đồng có nghĩa tương đương với tiền, gương …v.v… Tham khảo thêm chi tiết trong bài viết “Tiếng Việt từ TK 17: các cách dùng cái đồng, kính, gương … chiếu kính, soi gương, soi đồng, ống dòm” (phần 45).
– Mụ bà (VBL trang 485) ghi lại bàn thờ 12 bà mụ với 12 mâm cỗ, 12 đôi đũa: tương ứng với Thập Nhị Tiên Nương (Tứ Mẫu Thánh Chầu) trong hệ thống thần linh tứ phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu).
– Nằm bếp là tục giữ hơi nóng bằng lò (bếp) sau khi sinh đẻ. Tục lệ này có từ các xứ lạnh (như ở Bắc/Trung bộ). Một nguyên nhân chính là do không hoạt động nhiều ngay sau khi sinh nên cần giữ thân nhiệt của bà mẹ và đứa con cho ấm …v.v… Tuy nhiên, nhà cửa người VN xưa kia rất thoáng nên ít có chuyện ngộ độc do khí than đốt phát ra (carbon monoxide poisoning – từng xẩy ra bên Úc, Mỹ …) hay bị phỏng (ở VN).
– Bảo thai (VBL trang 28) chỉ bùa mà sản phụ thường dùng để tránh sẩy thai. NCT: còn gọi là bảo thai phù 保胎符 hay an thai phù 安胎符. Các mục liên hệ đến thời kì sinh đẻ cho thấy LM de Rhodes đặc biệt chú ý đến phong tục/ngôn ngữ của giai đoạn sinh ra và qua đời của dân bản địa (so với giáo lý và niềm tin trong Thiên Chúa Giáo).
– Đi cốt (VBL trang 133), đi bói (VBL trang 52), mời thầy bói (VBL trang 479): cho thấy một số các hoạt động tín ngưỡng dân gian như đi hỏi bà/ông đồng hay thầy bói về vận mạng. Cấu trúc ngữ pháp [đi + danh từ] rất đặc biệt so với tiếng Việt hiện đại như đi bác sĩ, đi nha sĩ, đi lính, đi bộ đội …
– Đi cầu, đi bến (VBL trang 91) hàm ý đi ỉa (VBL trang 349 ghi yả) hay đi sông, đi đàng, đi đồng, đi ngoài (VBL trang 349). VBL trang 796 cũng ghi các cách dùng đại tiện (~ đi sông, đi đàng, ỉa) và tiểu tiện (~ đái) và giải thích thêm đây là các cách nói nhã nhặn so với các cách nói thô tục ở trong ngoặc. Như vậy có 8 cách nói ‘lịch sự’ với nét nghĩa đi làm vệ sinh trong VBL. VBL ghi đái (trang 193) và tiểu (trang 797) nhưng không ghi đi đái, đi tiểu hay đi ỉa. Đại tiện 大便 và tiểu tiện 小便 là các từ HV (tiếng Việt còn dùng trung tiện 中便 hàm ý đánh rắm, địt – có lẽ là một cách tạo từ mới/innovation cũng như giám mục, linh mục – NCT).
– Bắt thăm, bỏ thăm, bẻ thăm (VBL trang 737), bẻ gam, bắt gam (VBL trang 257): rút số bằng những que găm hay cọng rơm rạ để cho biết vận mạng của mình …
– Trái thị, cây thị (VBL trang 760-761) loại cây và quả ăn được và vỏ (cây, quả) có thể dùng làm thuốc (để ý cách gọi trái chứ không dùng quả vào thời VBL) … VBL ghi trái thị hình tròn và màu vàng không khác gì loài thị sau 400 năm (có thêm loại quả hình dẹp đáy tròn [8]).
– Nhin sâm (VBL trang 552) tiếng Bồ Đào Nha là gimsăo (đọc như ginsong – gần với âm Mân Nam/Triều Châu – đây là cách đọc ghi trong phần tiếng Bồ cũng như từ Cao Ly); phần tiếng La Tinh lại không nhắc đến tên tiếng Bồ gimsăo, mà chỉ giải thích thêm [9] là thứ dược thảo này rất mắc tiền: người Trung Hoa phải dùng vàng để mua.
– Vua (VBL trang 72-73, trang 841 mục tứ vệ, trang 117 mục Chúa): cơ cấu nhà nước vào TK 17, vua chỉ có tước hiệu và quyền hành thực sự (cai trị toàn dân) nằm trong tay Chúa … Để ý chữ vua có hai dạng trong VBL ꞗua và bua: tâu ꞗua, đền ꞗua, phân ꞗua (VBL trang 73, nguồn gốc của cách dùng phân bua hiện đại), bua trang 841 (phần tiếng Bồ giải thích tứ vệ), VBL trang 279 (ꞗua ra giao: hai dạng ꞗua và bua đều xuất hiện trong phần tiếng Bồ và La Tinh), VBL trang 400-401 ghi bua phần tiếng Bồ nhưng lại ghi ꞗua trong phần tiếng La Tinh.
– Tứ vệ (VBL trang 841) chỉ lính của vua, nhưng VBL ghi thêm là vua không có quyền cai trị, thực quyền nằm trong tay chúa (xem thêm mục vua và chúa bên trên). Tứ vệ có thể hàm ý trước, sau, bên trái và bên phải: td. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi vua Lê Thái Tổ (1428-1433) đặt Thông hầu Lê Nhân Chú làm Hành quân đốc quản nhập nội đại tư mã, lĩnh Tiền, Hậu, Tả, Hữu tứ vệ, kiêm tri Tân vệ quân sự.
– Long Thái (VBL trang 734, làm vua nhà Mạc khi rút lên Cao Bằng – đây là niên hiệu của Mạc Kính Khoan). Đức Long (VBL trang 400-401) là niên hiệu thứ nhì của vua Lê Thần Tông sau kì hạn hán và mất mùa năm 1629, niên hiệu thứ nhất là Vĩnh Tộ (1619-1628). VBL ghi sự đổi niên hiệu như vậy là do lòng tin dị đoan. Như vậy là có 3 niên hiệu được ghi lại trong VBL và LM de Rhodes là một nhân chứng lịch sử trong thời kì này. Xem thêm bài viết “Những mảnh vụn ngôn ngữ và lịch sử: tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – niên hiệu Long Thái và chúa Khánh ở Cao Bằng, chúa Bằng ở kinh đô” (phần 29).
– Tả (VBL trang 712) ghi viên quan bên tả (tả phủ) của chúa Đàng Ngoài thì cao hơn viên quan đứng bên tay trái (hữu phủ), theo tục của triều đình Trung Hoa từ thời Hán [10]
– Chưởng (hay chưẩng – VBL trang 123) phần tiếng La Tinh giải thích rằng chưởng [11] chỉ một chức quan cao cấp ở Đàng Trong, nhưng lại là một chức quan thấp nhất ở Đàng Ngoài (Đông Kinh). Phần tiếng Bồ giải thích ít hơn: chưởng chỉ một chức quan bình thường. Mục này cho thấy hai điều quan trọng: 1) phần tiếng La Tinh khác phần tiếng Bồ phản ánh sự bổ túc sau này của de Rhodes vào các tự điển của Amaral và Barbosa (tiếng Việt và Bồ) 2) de Rhodes phân biệt ngôn ngữ địa phương và cách dùng: sự khác biệt đã bắt đầu tuy Đàng Trong và Đàng Ngoài chỉ chia cách từ đầu TK 17. Thí dụ như Nguyễn Hoàng (1625-1613) được phong Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái uý Đoan quốc công (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). ĐNQATV (1895) còn ghi cách nói ‘làm như ông chưởng’ hàm ý ta đây, làm như ông lớn …
– Vô thường (VBL trang 787) là tên của loài ma quỷ (nomen diaboli/L) người già sợ vì đại diện cho sự chết (lấy hồn đi), vì vậy mà họ thường ở trong chùa vào ba ngày đầu năm để tránh. Không phải lúc nào loài ma quỷ này cùng làm như vậy (hàm ý sự việc bất định – NCT) nên người ta thường nói “vô thường” – để ý cách giải thích có phần ‘thuần thần học CG’ của LM de Rhodes tuy lại có những thông tin thú vị về phong tục VN vào TK 17. Cách dùng ăn tết ba ngày (mục tết, VBL trang 731) phản ánh một phong tục lâu đời cũng như nhiều tục lệ gắn liền với các ngày đầu năm này đã được ghi lại khá rõ nét trong ‘từ điển’ này (td. vào chùa 3 ngày, ăn bánh chưng, dựng cây nêu trước nhà …).
– Cẩu vương (VBL trang 92) là ‘vua chó’ – tại sao người Việt lại dùng từ HV như vậy rất đáng chú ý (các tài liệu sau này lại không thấy dùng?), nhất là khi VBL ghi rõ là tục này [12] (thờ thần chó – idolum/L) ở Đông Kinh.
– Sinh kí tử qui – sống thì gưởi, chết thì về (VBL ghi 3 lần: trang 687 mục sinh, trang 300 mục gưởi, trang 626 mục qui). Đây là câu nói phản ánh niềm tin của lương dân về cuộc sống con người chỉ là con đường đi qua tạm thời, và sư chết là trở về nhà mình (về quê/VBL) hay trở về cội nguồn. PGTN trang 8 cũng nhắc lại câu trên [13] cho thấy mức độ phổ thông của niềm tin này trong xã hội VN vào TK 17.
– Nhương sao (VBL trang ) là tục cúng sao (td. xin xăm) và cầu xin sự may mắn khi xuất hành hay việc làm … Nhương HV có thể viết là 攘 bộ thủ hay 禳 bộ thị.
– Mẩn (VBL trang 451) là loại gạo Nhật Bản mà người ta gọi là suxi (VBL ghi là fuxi, mẫu tự La Tinh f còn đọc là s/NCT). Đây có lẽ là lần đầu tiên món ăn Nhật sushi được ghi nhận ở VN. Liên hệ giữa Nhật Bản và An Nam đã từng được ghi nhận qua các bản tường trình của một số giáo sĩ, để hiểu rõ vấn đề hơn, ngược dòng thời gian vào giữa thế kỷ XVI, LM Francis Xavier (dòng Tên) đã qua giảng đạo ở Nhật rất thành công với hơn 100,000 người theo đạo. Nhưng vào năm 1587, Công giáo lại trở thành một hiểm hoạ lớn cho quá trình thống nhất Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi đã ra lệnh hành quyết (bằng đinh đóng trên cột/cruxifixion) 26 tôn đồ (có 6 giáo sĩ Tây phương) ở Nagasaki. Một số người theo đạo từ lúc đó phải làm lễ một cách thầm kín (lén lút), một số phải rời khỏi Nhật Bản; các giáo sĩ thường trở về tổng hành dinh ở Ma Cao hay Manila. Làn sóng người Nhật tị nạn đã đến miền Trung VN (Hội An) cùng với những thương nhân Nhật đã đến đây từ trước đó, đánh dấu giai đoạn giao thương rất tích cực giữa VN và các nước chung quanh – như vào năm 1619 chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái cho một thương gia Nhật. Vào năm 1618, LM Chistoforo Borri (người Bồ-Đào-Nha) đã từng miêu tả Hội An là ” … “Thành phố rộng rãi, có thể nhận ra hai khu vực, một khu vực do người Trung Hoa ở, khu vực kia thì người Nhật Bản ở …”. Với số thương gia và gia đình Nhật Bản ở Hội An, đương nhiên là họ sẽ đem một số thức ăn từ bản quốc đến VN như món sushi chẳng hạn.
…
…
– Thiêu ma (VBL trang 765) là đốt xác chết (hay hoả táng, td. hoả táng của Đức Phật Tổ, các tôn giáo ở Ấn Độ như Ấn Độ Giáo và Kỳ Na Giáo …) – một tập tục khác hẳn với tín ngưỡng CG truyền thống [14] – nhất là niềm tin vào phục sinh (sự sống lại, td. sự sống lại của Đức Chúa GiêSu). So sánh cách dùng thiêu sống (đốt cho chết) và thiêu ma (đốt xác chết). Thời VBL còn có các cách dùng cất ma (cất ~ chôn, ma ~ xác chết hay thây ma/VBL trang 735, bây giờ thường nói là đám ma), làm ma là tang ma và giỗ trong ba năm thọ tang. Cách đọc thiêu bộ hoả 燒 đã có từ TK 17, tuy nhiên tại sao thiêu bộ túc 跳 và thiêu bộ thủ 挑 lại đọc là khiêu – phần này (bài số 49) sẽ bàn chi tiết hơn về chủ đề này.
– Chọi gà (VBL trang 113): tục đá gà (theo cách gọi Đàng Trong/BehaineTaberd – sđd). VBL trang 113 còn ghi hai cách dùng gà chọi (gà đá, gà nòi) và chọi gà (tục đá gà), phản ánh phần nào sự phổ biến của chơi đá gà trong xã hội VN vào TK 17 ; ngoài ra thứ tự chữ (gà chọi ≠ chọi gà, VBL) cũng quan trọng để sử dụng tiếng Việt thêm chính xác.
– Lêu trâu húc nhau (VBL trang 411), lên húc (VBL trang 342): kích thích trâu để chúng lấy sừng húc nhau) – phản ánh tục chọi trâu/đấu ngưu vẫn còn hiện diện trong vài vùng ở Bắc Bộ (nổi tiếng nhất là ở Đồ Sơn). Phần này (bài đánh số 49) sẽ bàn chi tiết hơn về chủ đề này.
2. Lêu – liêu – trêu
2. 1 Lêu trâu (tlâu) húc nhau
Lêu trâu húc nhau là chọc các con trâu cho chúng dùng sừng húc nhau, có thể cách dùng này đã được ghi nhận khi LM de Rhodes ở Đàng Ngoài, tuy nhiên rất khó hiểu nếu loài trâu giúp việc cho nhà nông mà người ta lại trêu chọc chúng để húc nhau một cách tiêu cực như vậy! Nói cách khác, ghi nhận như trên trong VBL có thể là một trò chơi dân gian khá phổ biến cũng như các cách dùng chọi gà, gà chọi. Ngày nay, phong tục chọi trâu [15] (còn gọi là đấu ngưu) vẫn còn trong vài địa phương ở Bắc Bộ (td. Đồ Sơn thuộc Hải Phòng, Hải Lựu thuộc Vĩnh Phúc …). Câu ca dao truyền tụng từ xa xưa sau đây phản ánh phần nào tập quán này
Dù ai buôn đâu bán đâu
Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng chín tháng tám nhớ về chọi trâu.
Hay trong các tài liệu Hán Nôm
鬭鷄打隊𬷤. 鬭牛隊𬌥
“Đấu kê”: Đá chọi gà. “Đấu ngưu”: chọi trâu (Đại Nam Quốc Ngữ) …v.v…
Động từ lêu hàm ý khiêu khích, chọc cho tức lên: td. học dốt, phải phạt bị anh em lêu (VNTĐ, 1931). Tuy nhiên, lêu không thấy dùng nữa trong tiếng Việt ngoại trừ trong các từ láy và cảm từ như cao lêu nghêu, lêu đêu, lêu – có đứa ăn tham – lêu lêu (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê 1999), khi chọc ghẹo mấy cô gái thì nói lêu lêu mắt cỡ, lấy thúng mà che (Bonet, 1899). Trong tự điển Bồ Việt chép tay (khoảng cuối TK 18, đầu TK 19) động từ lêu được dùng tương đương với khêu (khêu đèn) – động từ tiếng Bồ Đào Nha atiçar nghĩa là khiêu khích, gây ra … Ít người biết liêu chiến 撩戰 cùng nghĩa như khiêu chiến 挑戰 (khiêu chiến đọc là tiǎo zhàn theo pinyin bây giờ rất khác với cách đọc khiêu chiến tiếng Việt hiện đại).
Điều này dẫn đến động từ khêu và các dạng liên hệ, phần sau (mục 3) sẽ bàn thêm về một dạng âm cổ phục nguyên của khiêu, khêu, trêu và *lêu so với dạng HV thiêu/khiêu 挑. Tuy nhiên, VBL cũng ghi động từ tlêu (~ trêu) cùng nét nghĩa với lêu, nhưng cũng cho thấy cách dùng rộng hơn như trêu tôi, trêu đàn bà, đi trêu đứa ấy – so với cách dùng hẹp hơn của lêu trong lêu trâu húc nhau. Một điều đáng chú ý là trong vốn từ Hán có chữ liêu 撩 cùng nét nghĩa (nâng lên, khiêu chọc) và cận âm lêu, và cũng dùng làm chữ Nôm để viết lêu: các tác giả ghi dạng này là Béhaine 1772/1773, Taberd 1838, Huỳnh Tịnh Của/1895 – so với chữ Nôm dùng khâu HV 丘 (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa, Quốc Âm Thi Tập) … VBL trang 268 còn ghi động từ ghẹo (hàm ý đùa giỡn với đàn bà): các dạng lêu, trêu và ghẹo có liên hệ nào hay không? Phần sau sẽ bàn thêm chi tiết.
Nên nhắc ở đây là liêu còn ghi là trêu 𠰉 (bộ khẩu + triệu 召) trong Tam Thiên Tự, Truyền Kỳ Mạn Lục; hay 嘹 (Thiên Nam Ngữ Lục, Cung Oán Ngâm Khúc) – hãy thử xem lại các cách đọc của chữ liêu HV để có thể tìm ra các tương quan ngữ âm liên hệ.
2.2 Chữ liêu/liệu/liễu/lão 撩 (thanh mẫu lai 來, vận mẫu tiêu hào 蕭豪, thượng/bình thanh, khai khẩu tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
以蕭切 dĩ tiêu thiết (TVGT – Đại từ bổn 大徐本) dẫn đến dạng *diêu
洛蕭切 lạc tiêu thiết (TVGT/ĐNT, ĐV)
落蕭切 lạc tiêu thiết (QV)
憐蕭切 liên tiêu thiết (TV, VH, LT)
力條切 lực điều thiết (NT, TTTH)
力弔切,音料 lực điếu thiết, âm liệu (TV)
吊弔反 lực điếu phản (LKTG)
連條切,音聊 liên điều thiết, âm liêu (CV, TVi)
盧鳥切 lô điểu thiết (ĐV, CV)
朗鳥切,音了 lãng điểu thiết, âm liễu (TV, VH, LT)
力鳥反 lực điểu phản (LKTG)
郞到切,勞去聲 lang đáo thiết, lao khứ thanh (TV)
魯晧切,音老 lỗ hạo thiết, âm lão (LT, KH)
CV ghi cùng vần/bình thanh 聊 膋 嘹 翏 飂 僚 寮 寥 廖 嵺 戮 熮 豂 遼 憀 料 敹 鐐 璙 簝 撩 漻 鷯 獠 嶛 繚 轑 燎 瞭 (liêu liệu liêu/lão liêu/liệu/lão)
盧皎切 lô kiểu/hiệu thiết (CV, TVi)
連橋切,音聊 liên kiều thiết, âm liêu (CTT)
…v.v…
Giọng BK bây giờ là liáo, liāo hay liào (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông liu4, liu1, liu6 và các giọng Mân Nam 客家话 [台湾四县腔] liau2 liau1 [梅县腔] liau2 [宝安腔] liau2 | liau1 [客英字典] liau2 [陆丰腔] liau3 [客语拼音字汇] liau1 liau2 [海陆腔] liau2 liau1 [东莞腔] liau2, 潮州话 liou5/liao5 liou2/liao2, tiếng Nhật reu và tiếng Hàn yo (ryo > yo).
Liêu HV, so với dạng lêu tiếng Việt, có các nét nghĩa là nâng lên, khêu lên, trêu chọc (td. tlêu đàn bà/VBL) có những cách dùng tương ứng trong tiếng Việt như lêu đèn ~ khêu đèn, lêu trâu húc nhau …v.v… Từ thời Tập Vận (TK11), liêu đã có khả năng đọc là lão: do đó ta thử so sánh các tương quan sau cho thấy khuynh hướng mở rộng nguyên âm -iêu trong tiếng Việt :
liêu 撩 lêu
liêu 撩 tlêu (trêu)
liệu 嘹 lẻo, trẻo – chỉ còn lại vết tích trong các cách dùng trong trẻo, trắng trẻo, nước trong lẻo, trong leo lẻo …
liễu 瞭 cũng như 憭 hay 瞭 nghĩa là (hiểu) rõ (VBL ghi là rỏ < *lɔj) ; lõi (ăn chơi đã lõi, lõi đời/Việt Nam Tự Điển), sõi (lõi > sõi biến âm l – s)
liêu 寮 lều
liêu 遼 hay còn viết là 辽 so với tiếng Việt lâu (không mau)
liễu 憭 rõ (hiểu rõ)
liễu 繚 rối (rối loạn) < *lɔj
liễu 了 rồi (xong) < *lɔj
liễu 柳 (bệnh) lậu – từ cách dùng hoa liễu 花柳 (VBL ghi là tim la)
phiêu bêu, lêu bêu, lều bều, bèo
thiêu thêu
nghiêu nghệu
điều đều (đều gì/ đí gì/VBL)
nhiều nhèu (dèu/VBL), bao nhiêu ~ bao nhêu (VBL)
chiếu chếu (VBL)
siệc sệt (VBL): sợ siệc ~ sợ sệt
tiếu tếu
điêu đểu
điện đền
…v.v…
Trong 40 chữ với một thành phần là chữ liệu 尞 (chữ hiếm dùng làm tên họ TQ) thì có chữ hiếm [16] dùng bộ trĩ 豸 viết là 䝤 đọc là liêu, lão nhưng còn có thể đọc là trảo (張狡切 trương giảo thiết/QV hay 竹狡切 trúc giảo thiết/TV). Dạng trảo cho thấy tổ hợp phụ âm tr- (tl-), vết tích âm đọc cổ hơn của phụ âm đầu l- của liêu có thể là *tr-, giải thích được phần nào tương quan liêu – lêu và trêu. Ngoài ra, một nét nghĩa của liêu HV là vén, nâng lên cao – so với tiếng Việt thời VBL ghi là tleo (treo), tleo lên (treo lên) cho thấy dạng liêu liên hệ đến các dạng lêu – tlêu – trêu – tleo – treo – leo – trèo, hay từ láy cheo leo (hàm ý trên cao/treo/leo nguy hiểm). Nét nghĩa đưa lên cao của liêu còn liên hệ đến dạng leo và treo/trèo, VBL chỉ ghi leo là loại cây bà thảo, cây nho (phải bám víu vào một vật gì để leo lên) – so sánh các tương quan
yêu 腰 eo (lưng)
yêu 喲 eo (eo ơi!)
tiêu 消 teo (mất đi)
phiêu 薸 bèo
phiêu 膘 béo
thiệp (thập) 拾 thép (ăn thép/VBL)
điêu 挑 đeo (mang theo)
liêm 簾 rèm (mành mành) – xem thêm chi tiết trong mục 4
kiêm 兼 kèm – xem thêm chi tiết trong mục 4
chiêu 招 cheo (nộp cheo, tiền cheo)
khiêu 挑 xeo (nâng lên/cạy ra so với khiêu 撬)
liêu 撩 leo, trèo
liêu 撩 treo
…v.v…
Ngoài ra, tổ hợp phụ âm tr- (hay tl- trong VBL) còn tương ứng [17] với tổ hợp phụ âm kl- (không thấy ghi trong VBL) dựa vào cấu trúc chữ Nôm cổ như tlống (VBL) ~ trống (tiếng Việt hiện đại): một dạng chữ Nôm là 𫪹 gồm có chữ lộng 弄 và chữ cổ 古 – *klống ~ tlống > trống – một dạng chữ Nôm hậu kì là 𤿰 (lộng + bì hàm ý da bọc cái trống)
tlẻ (VBL) ~ trẻ (tiếng Việt hiện đại): một dạng chữ Nôm là lễ 禮 → 礼 và cá 亇 – *klẻ ~ tlẻ > trẻ – một dạng chữ Nôm hậu kì là 𥘷 (lễ + thiếu hàm ý ít tuổi).
tlăm (VBL) ~ trăm (tiếng Viêt hiện đại): một dạng chữ Nôm là lâm 林 và cá 亇 – *klăm ~ tlăm > trăm – một dạng chữ Nôm hậu kì là 𤾓 (lâm + bách hàm ý 100)
tlước (VBL) ~ trước (tiếng Việt hiện đại) một dạng chữ Nôm là lược 畧 và cư [18]車 – *klước ~ tlước > trước – một dạng chữ Nôm hậu kì là 畧 hợp với chữ tiền 前
tlưa (VBL) ~ trưa (tiếng Việt hiện đại): một dạng chữ Nôm là lư 盧 hợp với cá 亇 – klưa ~ tlưa > trưa – một dạng chữ Nôm hậu kì là 暏 (bộ nhật + chữ trư)
tlút (VBL, tlút linh hồn ra ~ chết) ~ trút (tiếng Việt hiện đại): một dạng chữ Nôm là luật 律 hợp với cá 亇 – *klút ~ tlút > trút – một dạng chữ Nôm hậu kì là 律 (luật HV)
tlâu (VBL) ~ trâu (tiếng Việt hiện đại): An Nam Dịch Ngữ [19], qua ‘lỗ tai’ người Trung Hoa, ghi là cổ 苦 và lâu 蔞 – *klâu ~ tlâu > trâu – một dạng chữ Nôm 𤛠 (bộ ngưu + chữ lâu)
…v.v…
Tương quan tr/tl – kl dẫn đến khả năng lêu có thể đọc là *klêu, và phụ âm xát/đầu lưỡi/hữu thanh l yếu đi – từ trường hợp lưỡi mất độ cọng (để tr/tl- trở thành ch-) – cho đến mất hẳn [20] phụ âm l đi để cho ra dạng *kêu > khêu tiếng Việt. Điều này không ngạc nhiên vì phương ngữ (Bắc Trung Bộ, một thổ ngữ Huế …) vẫn còn đọc trâu là tâu, trắng là tắng, tre là te … Gần đây hơn và qua giao lưu ngôn ngữ Pháp, ta thấy những dạng kem (crème > cà lem – kem), kích (cric), phô mát/phô mai (fromage) và tiếng Anh cho ra dạng kíp (clip – ngòi nổ, khác với dạng thường gặp hiện nay là cờ líp hay líp chỉ một đoạn phim/video quay). Ngoài ra tiếng Việt vào thời VBL có các cách dùng nói lăm (nói nhiều), nói lắp (cà lăm) – vào thời Béhaine (1772/1773) ghi cà lăm, sau này lại có cà lắp cho thấy âm cà được thêm vào như một tiền tố nhấn mạnh nét nghĩa của ngữ căn (lăm, lắp). Cấu trúc này còn thấy trong các cách dùng cà um/uôm, cà rỡn (ngữ căn mang nét nghĩa chính là um/om sòm, rỡn/giỡn đùa).
Do đó lêu hay tlêu (trêu) có thể tái lập thành *klêu để cho ra các dạng *keu (> ghẹo VBL – chữ Nôm 嘺 憍 dùng kiệu/kiều/khiêu HV) hay khêu (VBL). Hãy xem lại các cách dùng chữ khêu/khiêu so với phạm trù nghĩa của liêu HV.
3. Khêu đèn
Khêu đèn là một hoạt động hầu như không ai biết đến nữa vào thời đại này: một nguyên nhân chính là đèn dầu (ta) không còn thông dụng nữa, cũng như đã đi vào quên lãng từ ngày đèn điện (treo ngược hay xuôi sao cũng được) ra đời. Xem lại các tài liệu liên hệ đến đèn dầu:
燈[簽]丐改丘畑
“Đăng thiêm” cái gảy khêu đèn (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa 50b)
𪩮掑𲈾矯畑拞
Trăng kề cửa kẻo [khỏi cần] đèn khêu (Ức Trai Di Tập/Quốc Âm Thi Tập 24b)
…v.v…
Ca dao cũng thường nhắc đến khêu đèn như “Chuông chẳng đánh chẳng kêu, đèn chẳng khêu chẳng sáng [21]”, “Có của thì vạn người hầu, Có bấc, có dầu thì vạn người khêu. Xin chàng đọc sách ngâm thơ, Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu” hay “Đôi ta như lửa mới nhen. Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu”…v.v… Đèn dầu đã mang theo một loạt các từ liên hệ trong tiếng Việt: VBL ghi các cách dùng như khêu đèn, cạp đèn, bấc, tim, lấy dầu đổ đèn, lấy đèn soi cho sáng, gạt đèn đi cho tắt, cây đèn (chân đèn, một bộ phận quan trọng của cái đèn thuở trước, đèn soi nhà, đốt đèn, tắt đèn … Các hoạt động này hoàn toàn xa lạ với chúng ta vào thời buổi này! Thí dụ như cho từ gạt, VBL trang 261-262 ghi hai mục a) gạt đèn đi cho tắt: hàm ý kéo bấc ra để lửa không cháy nữa – so với hành động ‘tắt đèn’ hiện nay b) gạt đi cho bằng: hàm ý san cho bằng như gạo, làm giảm đi – VBL ghi từ tương đương là bớt.
Một động từ tương đương với khêu đèn là cạp đèn (VBL trang 88), cho thấy sự kẹp tim đèn và kéo cao lên (cạp) để lửa cháy nhiều hơn và do đó sáng hơn. Các hoạt động này ít người biết nếu không hiểu cấu trúc của đèn dầu (ta).
Hình đèn dầu ta trích từ trang https://cadn.com.vn/lan-man-chuyen-chiec-den-dau-ta-post108443.html. Để ý cái tim đèn (tâm đăng HV) còn gọi là bớc, bức (VBL trang 58). Tới khoảng cuối TK 18/đầu TK 19 thì dạng bấc đã xuất hiện – xem hình chụp trang liên hệ tự điển chép tay Bồ Việt (từ thư viện Toà Thánh La Mã borg.tonch.23).
Bấc chữ Nôm dùng chữ bắc HV 北 (Béhaine, Taberd) nhưng về sau thường thêm bộ thảo hay trúc để cho rõ nghĩa hơn, chỉ loại (cây) cỏ dùng làm tim đèn; loài này rất nhẹ nên thường dùng trong thành ngữ nhẹ như bấc:
弭如苝𥘀如鈘
Nhẹ như bấc, nặng như chì (Truyện Kiều, câu 1879)
Điểm đặc biệt đáng chú ý là một dạng chữ Nôm khêu (hay khiêu HV, cũng có thể đọc là ghẹo) viết bằng chữ thiêu HV 挑 khiêu cùng một nét nghĩa với liêu (nâng lên cao như khêu đèn) – xem chi tiết trong mục 2.2 bên trên. Ta hãy xem lại các cách đọc liên hệ đến chữ 挑:
4. Các dạng đọc thiêu – thao – khiêu – điệu …
4.1 Chữ khiêu/thiêu/thao/điệu 挑 (thanh mẫu thấu 透 định 定, vận mẫu tiêu 蕭 hào 豪, khứ/thượng thanh, khai khẩu tứ/nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
吐彫切 thổ điêu thiết (ĐV, QV)
土凋切 thổ điêu thiết (TVGT, TTTH)
他堯切 tha nghiêu thiết (NT, TTTH)
他彫切,音祧 tha điêu thiết, âm thiêu (TV, LT, VH, CV, TVi, CTT) – TV ghi bình thanh
他遥翻 tha diêu/dao phiên (BH 佩觿)
土凋反 thổ điêu phản (LKTG)
湯堯反 thang nghiêu phản, 他羔反 tha cao phản (ThVn 釋文)
徒了切,音窕 đồ liễu thiết, âm điệu (ĐV, QV, TV, LT, VH, NT, TTTH)
徒了反 đồ liễu phản (NKVT 五經文字, LKTG)
徒弔切 đồ điếu thiết (TV, VH, LT) – TV ghi khứ thanh
土刀切 thổ đao thiết (ĐV, QV)
他刀切,音叨 tha đao thiết, âm thao (TV. LT, VH, CV, TVi)
田聊切,音條 điền liêu thiết, âm điều (TV, LT)
他凋徒了二乀 tha điêu đồ liễu nhị phật (TNTTĐTA 精嚴新集大藏音)
土了切 thổ liễu thiết (TVi)
TNAV ghi vận bộ 蕭豪 tiêu hào với hai thanh điệu dương bình và thượng thanh
CV ghi cùng vần/bình thanh 祧 庣 𣂁 銚 恌 佻 窕 覜 挑 朓 條 (thiêu điêu diêu khiêu)
CV cũng ghi cùng vần/thượng thanh 朓 挑 窱 趒 眺 窕 䠷 (thiểu thiếu)
Giọng BK bây giờ là tiāo tiǎo (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông tiu1 tiu5 tou1 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] tiau1 [沙头角腔] tiau1 [客英字典] tiau1 [陆丰腔] tiau1 [东莞腔] tiau1 [宝安腔] tiau1 [客语拼音字汇] tiau1 [海陆丰腔] tiau1 [台湾四县腔] tiau1 潮州话:tiou1/tiao1 tiê1/tio1, tiếng Nhật jō chō và tiếng Hàn do.
Cách cách đọc phiên thiết không thấy dạng khiêu như âm HV ở VN. Như đã viết bên trên, cách dùng khiêu đèn đã hiện diện vào thời VBL và tương ứng với khiêu đăng HV 挑燈. Dạng thiêu đã có mặt trong VBL với nghĩa khác hơn khiêu, mục thiêu có ghi thiêu ma – thiêu 燒 là đốt/cháy, thiêu ma là đốt xác chết, hoả táng – nhưng thiêu không hàm ý khêu hay khều (khiêu). Rõ ràng khiêu không phù hợp với các cách đọc phiên thiết và các dạng âm cổ phục nguyên như âm trung cổ /tʰeu/ (gần với âm thiêu) hay âm thượng cổ /*l̥ʰeːw/ (gần với âm lêu hơn): có thể đây là một hiện tượng ngữ âm khá đặc biệt của tiếng Việt. Tự Điển Hán Việt của cụ Thiều Chửu (sđd) chỉ có một âm khiêu là 跳, VBL chỉ có một chữ thiêu là 燒 bộ hoả – có lẽ phản ánh ảnh hưởng lâu đời của PG và quán tính của truyền thống lâu đời (td. thiêu ma). Khả năng đọc phụ âm đầu lưỡi/bật/vô thanh th- thành phụ âm cuối lưỡi/thanh hầu kh- có thể do sự lấn áp của âm hơi (h) như tham > ham, thối > hôi, thôi – hối, thái > hái (gặt hái), thoi thóp ~ hoi hóp, thét – hét – xem thêm Phụ Trương 1 về khuynh hướng bật hơi ‘vượt trội hơn’, khiến các phụ âm ghép chung khác tha hoá trong ngôn ngữ Á Đông. Sau đó phụ âm đầu h- cũng hoán chuyển với phụ âm cuối lưỡi kh-: td. VBL còn ghi các cách đọc thuở là khuở, khách thứa > khách khứa, cái thứa ~ cái khứa. Hai (số hai) có một dạng chữ Nôm cổ dùng thanh phù thai 台 (hay đai), phản ánh khuynh hướng đọc thai thành hai (th- > h-). Có thể không phải ngẫu nhiên mà âm tiều (trong tiều phu) qua tai LM de Rhodes hay người cộng tác lại thể hiện qua ba dạng tiều – thiều – kiều (xem hình chụp bên dưới).
Tiếng Mường Bi cũng cho thấy vết tích của tương quan th – kh như khảng [23] là thảng, khi là thi, kham là tham …v.v… Ngoài ra, tiếng Mường Bi có dạng ha là ta (tha > ha), hơm là thơm, hĩu là địu (cái túi < đìu – đèo ~ điều 挑) phản ánh phụ âm đầu là âm xát/thanh hầu.
Một số tương quan t – k(h) so với âm HV đã hiện diện thời VBL đáng chú ý như
toả 鎖 > khoá (cái khoá) (*s > kh td. không – sôn, khơn – sơn … Mường Bi – Việt)
toan/toàn/toản 鑽 > khoan (cái khoan) (*s > kh) so với thiêu – khiêu 挑
…v.v…
Do đó, ta có cơ sở để giải thích tương quan đặc biệt thiêu – khiêu, tuy không thường gặp và không dễ nhận ra. Có lẽ nên nhìn rộng ra, để xem tình hình âm thiêu vào thời VBL ra sao, bằng cách xem lại các cách đọc chữ thiêu bộ hoả.
4.2 Chữ thiêu 燒 (thanh mẫu thư 書 vận mẫu tiêu 宵 bình/thượng thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
式昭切 thức chiêu thiết (TVGT, ĐV)
式招切 thức chiêu thiết (QV)
尸招切 thi chiêu thiết (TV, VH, CV)
失照切,音少 thất chiếu thiết, âm thiếu/thiểu (QV, TV, VH, LT, CV, TVi)
失照反, 音少 thất chiếu phản, âm thiếu/thiểu (LKTG)
尸昭切 thi chiêu thiết (TV, LT, TVKC 集韻考正, TV, CV, CTT)
TNAV ghi vận bộ 蕭豪 (khứ thanh), thanh mẫu 審 thẩm
CV ghi cùng vần/bình thanh
CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 少 燒 (thiếu/thiểu thiếu)
Giọng BK bây giờ là shāo (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông siu1 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] shau1 [宝安腔] sau1 [台湾四县腔] seu1 sau1 [梅县腔] shau1 [沙头角腔] sau1 [客语拼音字汇] sau1 seu1 [客英字典] shau1 seu1, tiếng Nhật shō và tiếng Hàn so.
Cách dùng thiêu ma (đốt xác chết) trong VBL tương ứng với các cách dùng HV khác nhưng không còn hiện diện trong tiếng Việt nữa như thiêu [24] hương (đốt nhanh), thiêu phạn (nấu cơm), thiêu thuỷ (đun nước), thiêu chuyên (nun gạch) …
5. Bàn thêm về tổ hợp phụ âm kl- (kr-/gr-)
Các phụ âm đầu lưỡi như r và l là những âm khá khó đọc trong ngôn ngữ loài người (vì cấu trúc phát âm của môi/miệng/răng), thí dụ như khi con trẻ bặp bẹ học nói (đắc thụ ngôn ngữ ~ language acquisition) thì các phụ âm này xuất hiện rất trễ (thường thì sau 3 năm …) khác hẳn với các phụ âm môi như m, b, p …. Cũng vì lý do trên (td. phát âm r) mà tiếng Anh có các loại (phương ngữ/dialects) như tiếng Mỹ (Hoa Kỳ – American English), tiếng Anh (Anh quốc – British English), tiếng Anh (Úc – Australian English); tiếng Pháp (giọng Paris)/tiếng Đức cũng có âm r rất đặc biệt (âm họng)…v.v… Tiếng Việt cũng không là ngoại lệ: phát âm lẫn lộn l và n, và các âm r cũng như tr tuỳ vào địa phương nào (gọi là đồng đại/synchronic) hay tuỳ vào thời gian nào (thay đổi theo thời gian – gọi là lịch đại/diachronic). Hiện nay, phụ âm r tiếng Việt có thể đọc là r (âm rung, giọng Nam), z (giọng Bắc) hay d (giọng Nam). Một hệ luận là tổ hợp phụ âm tr- có thể đọc như ch (giọng Bắc), z (cũng như r giọng Bắc ~ gi-) và tr (td. giọng Nam) – đi ngược dòng thời gian, tổ hợp phụ âm tr- từng là
a) bl- như blời (~ trời) trong từ điển Việt Bồ La (năm 1651)/VBL, blót (~ trót)/VBL, blở ~ trở (VBL), blóc ~ tróc, blang ~ trăng, blang ~ trang, blai ~ trai, blả ~ trả, blái ~ trái, blám ~ (ống) trắm, giắm, blàn ~ tràn …v.v.. Một số chữ Nôm cổ cũng cho thấy tổ hợp phụ âm bl- như trăng viết là 𪩮 gồm chữ ba 巴 hợp với chữ lăng 夌: ba lăng > blăng > trăng; trăng chữ Nôm còn viết là 𦝄 gồm có chữ nguyệt 月 (biểu ý) hợp với chữ lăng 夌 (biểu âm); trời chữ Nôm cổ là 𫶸 gồm có chữ ba 巴 hợp với chữ lệ 例: ba + lệ > *blệ > blơi – lời – giời – trời … Xem thêm các cách đọc chữ trời (le ciel/P) tự điển Vallot (sđd)…v.v…
b) tl- như VBL từng ghi tlưa ~ trưa, tlước ~ trước, tlợn ~ trợn, tlên ~ trên, tlâu ~ trầu, tlo ~ trò, tlăm ~ trăm, tlái ~ trái (phía trái), tla ~ tra …v.v…
c) kl- như trong cấu trúc của một số chữ Nôm cổ: trống 𫪹 gồm hai chữ lộng 弄 và cổ 古 cho thấy tổ hợp phụ âm kl- (cổ lộng > klộng > trống); trăm 林亇 gồm hai chữ lâm 林 và cá 亇: cá lâm > klăm > trăm …v.v… Xem chi tiết trong mục 2.2 bên trên.
Bây giờ thì các tổ hợp phụ âm như bl, tl, kl không còn nữa trong tiếng Việt. Hán ngữ cũng từng cho thấy có tổ hợp phụ âm kl- (hay *kr-, *gr-) như trong cách đọc của 34 chữ có thành phần [25] (hài thanh) là kiêm 兼, thường là chữ hiếm như
廉 liêm: 力兼切 lực kiêm thiết (TVGT, ĐV), 離鹽切 li diêm thiết (TV, VH) – tuy rằng thành phần hài thanh là kiêm – do đó, một dạng âm cổ phục nguyên có thể là *krem/klem
鬑 liêm (nt)
亷 liêm (nt)
㡘 liêm (nt)
鎌 hay 鐮 liêm (nt, TV) > liềm (cắt cỏ)
稴 liêm nt (như trên), 勒兼切,音濂 lặc kiêm thiết, âm liêm/TV; nhưng còn có thể đọc là 堅嫌切,音兼 kiên hiềm thiết, âm kiêm (TV), 戸兼切,音嫌 hồ kiêm thiết, âm hiềm (k- > h-)
搛 liêm (nt), nhưng còn đọc là kiêm 堅嫌切 kiên hiêm thiết (TV/LT)
熑 liêm (nt) nhưng còn đọc là khiêm: 苦兼切,音謙 khổ kiêm thiết, âm khiêm (TV)
慊 liêm: 離鹽切,音廉 li diêm thiết, âm liêm (TV), 古簟切,音歉 cổ điệm thiết, âm khiểm (TV), còn đọc là *kiếp/khiếp 詰叶切 cật hiệp thiết (TV, LT, CV) 乞協切 khất nghiệp thiết (VH), hay khiêm 苦兼切,音謙 khổ kiêm thiết, âm khiêm (TV, LT), hay đọc là hiềm (k- > h-) 賢兼切,音嫌 hiền kiêm thiết, âm hiềm (TV, LT) 戶兼切 hồ kiêm thiết (TVGT)
溓 liêm (nt) nhưng cũng có thể đọc là niêm 泥占切,音粘。與黏同 nê chiêm thiết, âm niêm. Dữ niêm đồng [26] (TV/LT, l- > n-); 乎監切,音銜 hồ giam thiết, âm hàm/TV, kh- > h-.
槏 liêm (xem các phiên thiết bên trên), nhưng cũng có thể đọc là khiểm (苦減切 khổ giảm thiết (ĐV/TVGT), 口減切,音歉 khẩu gam thiết, âm khiểm (TV, LT); 賢兼切, 音嫌 hiền kiêm thiết, âm hiềm (TV kh- > h-).
慊 liêm/khiểm/khiêm/khiếp (nt)
嵰 khiếm/khiêm: 丘檢切 khẩu kiếm thiết (QV, TV), 丘廉切 khẩu liêm thiết (TV)
縑 kiêm: 古甜切 cổ điềm thiết (QV), 堅嫌切 kiền hiềm thiết (TV), 古嫌切,音兼 cổ hiềm thiết, âm kiêm (CV)
蒹 kiêm (nt)
鶼 kiêm (nt) 音兼 âm kiêm (LKTG, NT, TTTH, TVi)
豏 hám/hãm: 下斬切,咸上聲 hạ trảm thiết,hàm thượng thanh (QV, TV, VH, CV), 乎韽切,咸去聲 hồ am thiết, hàm khứ thanh (TV) (k > h)
馦 hiêm (nt) 火占切 hoả chiêm thiết (TV, LT) 或作㽐 hoặc tác hiêm (TV)
㽐 hiêm: 許兼切 hứa kiêm thiết (QV), 馨兼切,音薟 hinh kiêm thiết, âm hiêm (TV)
嫌 hiềm (nt)
鰜 kiêm/khiếm/hàm kiêm (nt) 公嫌切 công hiềm thiết (NT, TTTH), 胡讒切,音咸 hồ sàm thiết, âm hàm (TV, LT), 吉念切 cát niệm thiết (TV, LT), 詰念切,音傔 cật niệm thiết, âm khiếm (TV, LT)
尲 kiêm/*kam/giam/liệp: 古咸切 cổ hàm thiết (TVGT, QV) 居咸切,音緘 cư hàm thiết, âm giam (TV), 紀炎切,音蒹 kỉ viêm thiết, âm kiêm (TV, LT), 音兼 âm kiêm (LKTG), 力協切 lực hiệp thiết (TV, LT), 姑南切 cô nam thiết (TV, LT), 堅嫌切 kiên hiềm thiết (TV)
魐 kiêm/*cam/giam/liệp (nt)
凲 giam 古咸切 cổ hàm thiết (TVGT) cũng như 尲 hay 尷 (giam) – LKTG ghi 音兼 âm kiêm
膁 khiêm: 苦簟切,音嗛 khổ điệm thiết, âm khiêm (TV), 乎韽切,音陷 hồ am thiết, âm hãm (TV), 牛廉切 ngưu liêm thiết (TV, LT) – 魚兼切 ngư kiêm thiết (NT, TTTH) âm *nghiêm (NCT), 胡忝切 hồ thiềm thiết (NATV 五音集韻) âm *hiềm (NCT).
傔 khiểm/khiếm (nt): 詰念切,音歉 cật niệm thiết, âm khiểm (TVGT, QV, TV, VH, LT, CV) 去念切 khứ niệm thiết (NT, TTTH) – TVi ghi 音欠 âm khiếm
嗛 khiểm/khiêm/khiếp/hàm (nt)
歉 khiêm/khiểm/hàm (nt)
謙 khiêm/khiểm/khiếp/hàm/hiềm (nt)
隒 liễm 力冉切,音斂 lực diễm thiết, âm liễm (TV, LT), 魚檢切 ngư kiểm thiết (TVGT, ĐV, QV, TV, CV, NKVT, TVi/CTT) – 疑檢切,音噞 nghi kiểm thiết, âm *nghiễm/nghiệm (NCT), 丘檢切,音嵰 khâu kiểm thiết, âm khiếm (TV, LT), 居奄切 cư yểm thiết (LT, cư cũng dùng trong phiên thiết của NT)
尲 kiêm/giam/liệp 古咸切 cổ hàm thiết (TVGT, QV, TVi) 居咸切,音緘 cư hàm thiết, âm giam (TV, TV) 姑南切 cô nam thiết (TV, LT), 紀炎切,音蒹 kí viêm thiết, âm kiêm (TV, LT) 堅嫌切 kiên hiềm thiết (TV, LT), 力協切 lực hiệp thiết (TV, LT)
魐 kiêm/giam 音緘 âm giam (TTTH) 音兼 âm kiêm (LKTG) cũng như chữ giam 尷
甉 trám/hàm/hám/sam 莊陷切,音蘸 trang hãm thiết (TV, LT); 戶監切 hộ giam thiết (QV), 乎監切,音銜 hồ giam thiết, âm hàm (TV, LT); 下斬切 ha trảm thiết (QV, TV, LT) – 叉鑑切,音懺 xoa giám thiết, âm sám (LT, TVi, KH)
賺 liêm (TV, nt), 直陷切 – nhưng còn đọc là trám 直陷切 trực hãm thiết (TV), 直陷反 trực hãm phản (LKTG), 佇陷切 trữ hãm thiết (TVGT, QV, TVi).
Tóm lại, VBL đã cung cấp nhiều thông tin thú vị về xã hội, văn hoá và nhất là ngôn ngữ VN vào TK 17. Cách nói lêu trâu (tlâu) húc nhau cho ta thấy một trò chơi dân gian mà bây giờ được công nhận như một di sản quốc gia – gọi là chọi trâu. Lêu bây giờ ít dùng hơn và thường cho trường hợp trêu chọc trẻ nhỏ. Một dạng chữ Nôm viết lêu bằng chữ liêu HV 撩 (nghĩa và âm gần như lêu) dẫn đến khả năng liên hệ ngữ âm giữa lêu và liêu; hay ta có cơ sở để thiết lập tương quan rộng hơn giữa vần -iêu HV và -êu/eo tiếng Việt. Liêu HV còn dùng làm chữ Nôm cho treo, trêu gợi ý cho một tương quan l- và kl-/tl-, dẫn đến dạng âm cổ *klêu/tlêu hay *lêu/leo, *kêu (> khêu, ghẹo). Để ý là liêu chiến dùng tương đương với khiêu chiến nhưng ít gặp hơn. Khêu lại có một dạng chữ Nôm dùng chữ HV thiêu/khiêu 挑, cho thấy tương quan kh- và th-. Tương quan th-kh còn thấy trong VBL khi ghi lại một dạng khác của thuở là khuở (chữ Nôm khoá 課), khách thứa (~ khách khứa), cái thứa (~ cái khứa): gợi ý cho ta là có sự liên hệ giữa phụ âm đầu lưỡi/vô thanh th- và phụ âm gốc lưỡi/vô thanh kh-. Tương quan th- và kh- còn thấy trong chữ Nôm cổ của thoáng là 爌 với thành phần hài thanh là quảng 廣… Bài này cũng bàn về cách dùng khêu đèn – một hoạt động cần thiết cho đèn dầu để đèn tiếp tục cháy sáng – cũng như hàng loạt các tiếng liên hệ như cạp đèn, tắt đèn, lấy dầu đổ đèn, gạt đèn đi cho tắt, tim đèn, bấc (bức, bớc) đèn, chân đèn [27]… Các cách dùng này hầu như đã đi vào quên lãng so với các cách dùng hiện đại và đơn giản hơn như bật đèn, tắt đèn (điện). Hi vọng bài viết này là một gợi ý cùng động lực cho người đọc cùng tìm hiểu sâu xa hơn về sự phong phú của tiếng Việt, đặc biệt là một số từ cũng như những liên hệ ngữ âm mà thời đại ngày nay ít người biết hay để ý đến.
6. Tài liệu tham khảo chính
1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).
2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.
(1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị” … Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.
3) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).
4) Lê Quý Đôn (1776) “Phủ biên tạp lục” dịch giả Ngô Lập Chí (Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội – Khoa Xã Hội -1959). “Vân Đài Loại Ngữ” Trần Văn Giáp biên dịch và khảo thích, Trần Văn Khang làm sách dẫn, Cao Xuân Huy hiệu đính và giới thiệu – NXB Văn Hoá Thông Tin (in năm 2006).
5) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
6) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).
7) Giêrônimô Maiorica (thế kỉ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập” (ĐCGS), “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (TCTGKM), “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện” (CTTr) từ tháng giêng đến tháng mười hai … Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).
8) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
9) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (Dictionarium Latino-Annamiticum – completum et novo ordine dispositum – 1838).
10) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).
11) Nguyễn Cung Thông (2021) Loạt bài viết như “Tiếng Việt từ thế kỉ 17 – từ Luận Phép Học đến Khoa Học (phần 27)”, “Tiếng Việt từ TK 17: thợ dào, thợ rèn, thợ máy … dộng chúa (phần 30)” (NCT: đặc biệt về tương quan đ – d như đao dao, đã dã …) có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn; “Tản mạn về từ Hán Việt thời – thì” (2013) trên trang này…v.v…
12) Lê Ngọc Trụ (1993) “Tầm nguyên tự điển Việt Nam” NXB Tổng Hợp – Thành phố HCM
13) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).
(1905) “Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.
Phụ Trương
1. Phỉ báng ~ Huỷ báng [28]: khi tính chất phát hơi ra (aspiration/A – tống hơi, bật hơi) lấn áp các phụ âm đầu âm tiết khác: bh, ph, th > h: hiện tượng này rất rõ nét tuy khó nhận diện khi so sánh các âm Hán trung cổ và tiếng Nhật; Kango – Hán ngữ 漢語 và Kanon – Hán âm 漢音
波 ba HV ha (Nhật – Kanon)
布 bố HV (> vải) ho (Nhật)
膚 phu HV hu – để ý âm Mân Nam là hu (hay hu1)
佛 phật HV hot- (hotoke) – để ý âm Mân Nam là hút và hug8
北海道 Bắc Hải Đạo HV – Hokkaido (bắc > hak, hải > kai, đạo > do)
日本 Nhật Bản HV Nippon ~ Nihon (Nhật > Ni, Bản/Bổn > pon > hon)
…v.v…
VBL trang 342 VBL trang 600
2. Tục đá gà (chọi gà/VBL) trở nên tiêu cực cho xã hội vào TK 17 khiến vua Lê Huyền Tông phải ra lệnh cấm – trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư trang này
申 禁 鬪 鷄 圍 棊 賭 博 及 巫 覡 僧 妮 等 事 〇. [12b*1*1]
thân cấm đấu kê, vi kì, đổ bác, cập vu hích, tăng ni đẳng sự.
Thời vua Lê Huyền Tông (1654-1671): nhắc lại lệnh cấm chọi gà, đánh cờ, đánh bạc và các việc đồng cốt, sư sãi.
3. Khuynh hướng xát hoá còn cho ra nhiều dạng tương đương như
(gà) trống – (gà) sống
chung quanh – xung quanh
chàm (lam) – xám
treo (nâng lên cao) – xeo (xem hình chụp từ trang ĐNQATV ở dưới)
treo (ở trên cao) – xéo (dẫm lên trên) – xeo, xéo cùng âm vực cao
tréo – chéo – xéo…v.v… ĐNQATV
Nguyễn Cung Thông [1]
——————-
Chú thích:
[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com
[2] xuất ghi là xuết cho thấy độ mở nguyên âm nhỏ (ê thay vì a), gần với âm xuýt hơn, so cới xuất trong VBL còn ghi là xuốt (ra, đi ra). VBL ghi lại âm trung cổ của xuất HV *tsyhwit. Các thí dụ khác là dạng mựa là âm trung cổ của vô 毋, bua (chữ Nôm 𢃊 *buo) là âm trung cổ của vua …v.v…
[3] Nhờ vào VBL mà ta biết tàu không có nghĩa là người Trung Hoa cho đến thời Béhaine (1772/1773) khi mực tàu mang hai nghĩa (1) dụng cụ vẽ đường thẳng (2) mực của người Tàu – khác với ý kiến của cụ An Chi cho rằng tàu chỉ người TQ đã hiện diện từ thời Bắc thuộc! Xem thêm chi tiết trong bài viết này chẳng hạn http://www.nongnghiephaingoai.com/2017/04/09/2375/ …v.v…
[4] Thí dụ như bài báo viết về làng ăn đất hay làng ăn đặc sản (9/4/2016) https://congan.com.vn/doi-song/lang-an-dat-nhu-an-keo-doc-nhat-vo-nhi-o-viet-nam_17505.html hay https://vtv.vn/video/tuc-an-dat-474300.htm …v.v… Người viết (NCT) từng biết một người thân (từ Bắc di cư vào Sài Gòn) trong thập niên 1960 từng ăn gạch (nhất là khi có thai). Cần phân biệt tục ăn đất/ngói/gạch với hội chứng PICA, một chứng bệnh ăn những món (không phải là thức ăn) như phấn đặc, gạch, ngói, xà phòng …
[5] Tham khảo bài viết này chẳng hạn https://modadepninhbinh.com/trung-tang-la-gi-cach-tinh-trung-tang-va-cach-hoa-giai.html …v.v…
[6] Nhờ vào VBL mà ta biết tục bẻ tiền bẻ đũa đã có ở Đàng Ngoài từ TK 17 – trước khi địa phương Huế định hình – hay là phong tục này được đem vào Đàng Trong, không phải là có gốc Huế như theo tác giả Bùi Minh Đức trong cuốn Từ Điển tiếng Huế (2001) và cụ Nguyễn Đắc Xuân có nhắc lại!
[7] Khác với trải nghiệm của người viết (NCT), keo là hai mảnh gỗ hình bán nguyệt chứ không phải là đồng tiền như VBL ghi nhận! Xác suất của hai mặt đồng tiền lật lên khác mặt là 2/4 = 1/2 (điều này đáng được suy ngẫm) so với xác suất khi dùng hai mảnh gỗ có mặt trên và dưới khác nhau nên không còn là 1/2 nữa; xác suất mặt phẳng nằm sấp thường cao hơn vì trọng tâm của keo nằm gần mặt phẳng hơn so với mặt cong.
[8] Génibrel (sđd) còn ghi thêm loại thị đen và Theurel (sđd) ghi quả thị thay vì trái thị – phản ánh cách dùng Đàng Ngoài vào TK 19 – sau này là cách dùng phương ngữ Bắc Kì so với Nam Kì.
[9] So sánh nội dung phần tiếng Bồ và tiếng La Tinh cho thấy khả năng VBL chép lại từ các tài liêu khác nhau (không cùng một tác giả) vì không cùng một ý (một nghĩa). Ngoài ra, tiếng Bồ gimsăo (nhin sâm/VBL ~ 人參) cũng cho ta biết ảnh hưởng của giọng Mân Nam trong vùng Đông Nam Á vào TK 17 (td. tên gọi chincheo VBL trang 380, 602).
[10] Td. một chức vụ thường có hai vị quan (tả và hữu), tuy nhiên thời nhà Tần thì bên hữu lại trọng hơn bên tả.
[11] Chưởng HV 掌: danh từ là lòng bàn tay, bàn chân; động từ là nắm giữ, quản lý – chưởng lễ 掌禮 là coi về lễ nghi, chưởng táo 掌灶 là coi về bép núc, chưởng gia 掌家 (quản gia, quản lí việc nhà) …v.v… Có thể de Rhodes đã lầm phẩm hàm/chức vụ so với chức năng của quan lại thời này, tuy nhiên cũng cho thấy cách dùng dân dã như ông trùm, ông chưởng, ông chủ ….
[12] Tục thờ chó đá hiện diện lâu đời trong các sắc tộc như Tày, Nùng cũng như người Việt ở quanh khu vực Hà Nội (giống như ghi nhận của de Rhodes). Chó đá của đình làng Phù Trung (Thượng Mỗ, Đan Phượng) được người dân gọi là thần cẩu hay hoàng thạch cẩu (để ý cách dùng từ HV). Ngay cả một cửa ô ở Hà Nội gọi là Ô Chó Đá (trấn giữ phía nam ngã tư Trung Hiền) nhưng bây giờ không còn nữa và ít người biết đến.
[13] PGTN trang 8 ghi “phải nhớ lời đất An Nam này nói liên ‘sống thì gưởi, chết thì về’ (nói chữ sinh là kí dã, tử là qui dã” (tử ghi là tữ thanh ngã, dã ghi là dả thanh hỏi trong PGTN – ghi chú thêm của người viết/NCT). Chú thích trong phần tiếng Việt của PGTN cho thấy người Việt đã dùng tài liệu Hán (cổ), td. 《淮南子.精神》:生,寄也;死,歸也 <Hoài Nam Tử . Tinh Thần> : sinh, kí dã; tử, qui dã. Phần này không có trong mục bằng tiếng La Tinh, cho thấy khả năng một nhà Nho Việt Nam nào đó đã giúp de Rhodes soạn PGTN phần tiếng Việt.
[14] Từ năm 1963, Toà Thánh La Mã không còn cấm giáo dân hoả táng vì các nguyên nhân vệ sinh, tài chánh, đất chôn cất càng ngày càng giới hạn …v.v…
[15] Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013. Điều này cũng cho thấy VBL soạn từ Đàng Ngoài có khả năng rất cao vì Đàng Trong không có tục lệ này (cũng như các cách dùng lợn tốt hơn là heo/VBL, vừng và mè, các địa danh như Ông Mác ở Đông Kinh …).
[16] Chữ 䝤 hay 獠 (TV) đọc là 盧皓切 lô hạo thiết (QV), 魯皓切,音老 lỗ hạo thiết, âm lão (TV, VH, LT), 憐蕭切,音聊 liên tiêu thiết, âm liêu (TV, LT), 張狡切 trương giảo thiết (QV), 竹狡切 trúc giảo thiết (TV, LT) chỉ dân tộc Liêu/Trảo ở phía Nam chuyên nghề săn bắn ban đêm. Trong lịch sử Phật giáo ở Á Châu, thiền sư Huệ Năng (638-713) là người tộc Liêu nổi tiếng trong lịch sử Thiền tông TQ. Do đó một dạng âm cổ phục nguyên của liêu có thể là *ʔr’eːw hay *?le:w (so với trêu, *klêu).
[17] Để ý có những trường hợp tl- (VBL) tương ứng với bl- qua các dạng chữ Nôm như tlai (VBL) còn có thể đọc là blai (VBL), tlắm còn có thể đọc là blắm. Td. một dạng chữ Nôm cổ của trai là lai 來 hợp với chữ ba 巴 (blai ~ tlai > trai) …v.v… VBL ghi blang (~ trăng), blót (~ trót), blời (~ trời), bluông (~ truông) …v.v…
[18] Có hai cách đọc chữ 車: a)【廣韻】九魚切【集韻】【韻會】【正韻】斤於切, 音居 【 Quảng vận】 cửu ngư thiết【 Tập Vận】【 Vận Hội】【 Chánh Vận】 cân ư thiết, âm cư b) 【廣韻】【集韻】【韻會】【正韻】昌遮切,音硨 【 Quảng Vận】【 Tập Vận】【Vận Hội】【 Chánh Vận】 xương già thiết, âm xa.
[19] Vương Lộc – An Nam dịch ngữ – giới thiệu và chú giải – Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 1995, 201 tr. Tái bản có sửa chữa 1997. Trâu đọc là cổ lâu ba lần trong trang 248, 294 và 299.
[20] Tuy nhiên, cũng có khuynh hường đọc kl- hay bl- thành l- (phụ âm xát/đầu lưỡi/hữu thanh trở thành chính âm) như trong cách đọc trời, trăng, trở, trai thành lời, lăng, lở, lai … và xát hoá hoàn toàn để cho ra các dạng giời, giăng, giở, giai (phương ngữ Bắc Bộ)…v.v… Tuy nhiên các dạng này không phổ thông so với tr- (ch-) với tr- là ‘chuẩn chính tả’ ở VN hiện nay.
[21] Một dạng khác là “Chuông có đấm mới kêu, Đèn có khêu mới tỏ” (VNTĐ), hay 鍾打買嗃畑挑買𤎜
chuông đánh mới kêu, đèn khêu mới rạng – tuy nhiên vẫn duy trì vầu kêu và khêu trong các dị bản này
[22] Cũng có khả năng t- in nhầm thành k-, tuy nhiên để ý VBL ghi ba dạng tiều, thiều và kiều.
[23] Khảng (Mường Bi) còn có nghĩa là sáng (tương quan kh – s). Tháng có một dạng chữ Nôm là tháng HV 倘 với phụ âm đầu th- > *h > kh (td. tháng đọc là khảng trong tiếng Mường Bi), một dạng chữ Nôm hậu kì dùng bộ (chữ) nguyệt (mặt trăng) hợp với chữ thượng 𣎃 cho rõ nghĩa hơn.
[24] thiêu còn đọc là xíu trong một cách dùng nhập vào tiếng Việt cận đại: xá xíu (thịt nướng 叉燒 char siu – xoa thiêu HV) tương ứng với xoa thiêu HV 叉燒: phụ âm xát vẫn còn hiện diện so với phụ âm tắc xát th. trong các từ nhập vào tiếng Việt hiện đại, cũng như cách nói “xập xám” (thập tam HV) chẳng hạn.
[25] Tương tự như các chữ có thành phần (hài thanh) thiêm HV 僉, các cách đọc là kiệm, kiểm, kiềm, kiếm, liễm, liêm, thiêm, nghiệm … phần nào phản ánh các âm cổ hơn và dẫn đến một dạng âm cổ phục nguyên là *kram chẳng hạn (với tổ hợp phụ âm kr- hay kl-). Đây là một đề tài thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài này.
[26] Quan hệ l – n có thể giải thích dạng nêu (đưa lên cao) từ lêu/leo – tham khảo các bài ‘Lẫn lộn n và l’ (NCT).
[27] Khác với đèn điện có thể gắn ở bất cứ nơi nào, đèn dầu phải có chân thật vững vì thường dựng đứng với bình chứa nhiên liệu – nếu không vững thì rất dễ gây hoả hoạn.
[28] Để ý hai cách viết khác nhau phỉ báng 誹謗 và huỷ báng 毀謗 – đều có nghĩa là chê bai, bêu xấu …