Nguyễn Đình Bổn: Tháng 4, (đi) coi tranh “ý niệm trừu tượng” Mù Mù Mờ Mờ của Lê Hào!
Vài dòng về họa sĩ, nghệ sĩ Lê Hào: Sinh năm 1980 tại tỉnh Bến Tre. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2007.
Từ năm 2006 cho tới nay Lê Hào đã trình bày các tác phẩm hội họa (paintings), nghệ thuật trình diễn (performance art), nghệ thuật sắp đặt (installation art) với nhiều hình thức khác nhau ở Việt Nam và các nước châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…; với chủ đề tập trung vào mối quan hệ giữa lịch sử, môi trường, điều kiện xã hội, gia đình và cá nhân ở Việt Nam. Chẳng hạn như triển lãm cá nhân có tên “Dim” (Mờ) được tổ chức tại Kyoto vào năm 2023, nghệ sĩ tập trung vào chữ nổi Braille, vốn được sử dụng bởi người khiếm thị, qua đó xem xét một cách nghiêm túc mối quan hệ giữa phong cảnh và lịch sử – cụ thể là chiến tranh Việt Nam; triển lãm nhóm, nghệ thuật sắp đặt có tên “Phản chiếu – từ đê chắn sóng, một góc nhìn xa xăm” (“reflection – from the seawall, a distant view” lấy cảm hứng từ thực trạng các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản và Việt Nam tại Iwaki, Fukushima vào năm 2020…
Tiếp theo sau cuộc triển lãm “Mù mù mờ mờ” diễn ra tại không gian nghệ thuật mới BP Modern Art (Bảo Phan Modern Art) Số 3 đường 18, khu B, Phường An Phú, Q 2, từ 26.3 đến 18.4.2024 này tại Sài Gòn, Lê Hào sẽ có cuộc triển lãm cá nhân tại Kyoto, Nhật Bản từ ngày 18-25.5 với cùng chủ đề, tên gọi “AMBIGUOUS” (Mơ hồ).
***
- Ngẫu hứng:
Tháng tư luôn làm lòng người miền Nam dậy lên nhiều phức cảm. Đủ lâu để quên chưa? Chưa từng!
“Anh xuống bờ sông nhìn nước chảy
Từng bao nhiêu nước đã qua cầu
Từng bao nhung nhớ cùng non nước
Đợi đến tương phùng thế kỷ sau!”
(các trích đoạn thơ là của Nguyễn Đình Bổn)
Như một sự đồng cảm, tôi đọc thấy trong tranh của Lê Hào nhiều ký ức và rất nhiều nỗi nhớ. Nhiều tranh của anh là “ý niệm” được phô diễn bằng hình thái “trừu tượng”.
Tôi nhìn thấy các quán bar mọc lên trên đường viễn chinh của lính Mỹ, các cô gái khỏa thân nhảy nhót biến hình trong suốt bốn mùa, tôi nhìn thấy ở thời hiện tại, nắng Sài Gòn đổ lửa và “những con ve khóc mùa hè/ trong dinh chứng tích bao lòe loẹt phơi”.
Ẩn sâu trong những tầng lớp sắc màu, các chấm tròn lấp lánh ánh kim, là sự thôi thúc, sự kêu gào của lương tâm nghệ sĩ phải phản ánh ký ức chân thật theo quan điểm của mình. Là nón cối, nón tai bèo, là cờ, là hình ảnh xô bồ, loạn lạc của quân trang, của súng, của giày bốt đờ sô Mỹ trong chiến tranh Việt Nam…
Là những xác người nham nhở thịt da, là chiếc nón lá che mờ đi khuôn mặt đớn đau của người mẹ trẻ bên nấm mồ hay trên đường chạy giặc?
Là hiện thực đang diễn ra:
“Nơi đây giờ đã chợ chiều
Dù bao cờ dựng thắm nhiều máu rơi”…
2. Vài câu đối thoại:
Nguyễn Đình Bổn: Theo tôi nhận xét, các bức tranh của anh chứa đựng nhiều tầng lớp ký ức mà không phải ai cũng hiểu, dù đó cũng là ký ức tập thể, phải chăng vì vậy triển lãm vừa qua có tên Mù mù mờ mờ?
Nghệ sĩ Lê Hào: Dạ đúng rồi anh. Những tiến trình đến – đi – đến bộ tranh Mù mù mờ mờ này như một cách thực hành quay quanh về quá khứ mơ hồ, bắt đầu với xuất phát điểm từ gia đình, đến nơi mình sinh ra, rồi đến xã hội mà mình đang góp mạng sống… Thực ra tiến trình này có từ những bộ tranh trước, phản ánh cái điều mà họ muốn nó xoá đi, những chi tiết lịch sử bị che đậy và những gì thế hệ sinh sau 1975 biết thực ra quá mù mờ. Và cũng đi tìm một cái mới, lý do tại sao mình không vẽ trừu tượng nhưng muốn trừu tượng phải có cái cớ, cái ý nghĩa tận cùng trong người thực hành trừu là gì. Thế từ đó hứng chí với chữ mù, nó vừa ẩn vừa hiện thấy nhưng không hiểu, hiểu cũng không thấy gì. Nhưng có lúc những ai lưu tâm xem nhiều về tư liệu hình ảnh lịch sử qua sách (nhất là mạng), sẽ liên tưởng được những tạo hình nhóm hình trong tranh Mù mù mờ mờ này có gì đó liên can từ ký ức..có thể là cá nhân tò mò hay tập thể từng chứng thực những ký ức đó.
Nguyễn Đình Bổn: Anh có thể nói thêm về cuộc triển lãm này? Ngoài chất liệu lịch sử và những va chạm văn hóa sau 1975, còn vấn đề gì nữa?
Nghệ sĩ Lê Hào: Tôi mê hoặc bởi những con chữ biểu hình braille- chữ dành cho người khiếm thị- tôi muốn tái hiện cái thấy cá nhân về điều này bằng những tác phẩm thị giác để người sáng mắt thưởng lãm và chiêm nghiệm.
Men theo sự thôi thúc lặng lẽ từ bên trong, những tượng hình vui tươi cứ thế được sắp xếp sinh động, vừa ngẫu nhiên vừa như chủ ý vào không gian hội họa. Những hình tròn to nhỏ được đan xen ngộ nghĩnh dát vàng, bạc, thiếc. Sự lấp lánh phản chiếu ánh sáng từ kim loại dường như “mù mờ hóa” những đường nét và hình ảnh đằng sau. Các lớp lang ẩn- hiện này vừa phản ảnh thông điệp cốt lõi như tên gọi triển lãm, vừa thể hiện cuộc khám phá nghiêm túc vào phần nông- sâu trong tâm trí.
Bộ tranh là thử nghiệm trừu tượng có ý niệm, dù một phần trong đó như nghiêng hẳn về tính trừu tượng. Với tâm thế một người sáng mắt, tôi luôn tự phản tỉnh về những điều mình thấy và những vết tích ghi chú có thực sự chính xác? Nói cách khác trong nghiên cứu luôn có sẵn hoài nghi về những điều mình vẽ, về mốc thời gian hay không gian…Sự hoài nghi này cũng góp phần vào cái nhìn trung dung, thay vì nghiêng theo một cực đoan nào đó.
Dù vậy, tôi cũng nhiều lần bị từ chối triển lãm vì các nhà bảo trợ ngại xin giấy phép.
Nguyễn Đình Bổn: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện ngắn này.
——————