Nguyễn Đức Tùng: Cây Sài Gòn, cây Hà Nội
Chắc chỉ có những người viết văn, làm thơ và yêu chữ như chúng ta mới đau lòng khi nhìn cây bị đốn.
(nhà thơ Trần Mộng Tú, trích thư)
Tất cả những hàng cây đẹp mê hồn ở Sài Gòn, trước Nhà hát lớn, trên các đại lộ Cường Để (Tôn Đức Thắng), Hàm Nghi, Tự Do, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, bến Bạch Đằng, công viên Gia Định, tất cả hàng cây Hà Nội đẹp mượt mà như những câu thơ mà tôi đã đi qua ở đường Kim Mã, Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Láng, Nguyễn Chí Thanh, cùng nhiều dãy phố khác ở Hà Nội, một khi bị đốn hạ, đều biến thành ve sầu.
Chúng than khóc cho ai?
Không phải cho chúng. Cho người dân Sài Gòn, Hà Nội, ngơ ngác sáng thức dậy mở mắt nhìn. Họ không biết phải làm gì. Tội ác của kẻ ra lệnh chặt cây quá lớn, lớn hơn tham nhũng, nên thiên nhiên phải tìm cách ghi lại, không phải bằng văn chương hay hội họa mà bằng ký ức của âm nhạc. Những tấm màng mỏng rung động mãnh liệt, âm thanh khuếch đại trong bụng ve rỗng, cường độ mạnh, âm vực lớn, tạo nên những khúc ca thay đổi. Nhưng thiếu bóng mát, ve sầu chỉ có thể sống lẩn lút giữa các bức tường xây ngổn ngang, trong gạch đá vôi vữa của kiến trúc đô thị bị phá hủy, rút ngắn đời sống của chúng. Giữa mùa nắng hạn, mặt đất nóng ran nứt nẻ, bạn bàng hoàng nghe tin bốn trăm năm mươi cây xanh dọc tuyến đường metro sẽ bị đốn hạ. Đó là tháng tư. Đó không phải là lần đầu tiên, vì người Hà Nội đã từng đau cắt ruột mấy năm trước đó. Nhiều năm trước đó nữa, những cây cổ thụ huyền thoại đã bị chặt bỏ thay vào bằng những cây non èo uột, lá phổi xanh của thành phố sụp đổ, chúng bất chấp tất cả, đưa ra những lời hứa rỗng tuyếch, giờ đây mặt đất nứt nẻ, biến thành sa mạc. Ngày xưa trên những con đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi, Cường Để và Duy Tân, tài tử giai nhân dập dìu, như bóng mát rèm che cho tâm hồn dân tộc. Cơn điên dại của mùa hè thổi tới. Mất tự do thì mất tất cả. Bạn cảm nhận trong thứ tiếng khàn khàn: một chuyện gì khủng khiếp sắp xảy ra. Đó là một mùa hè nóng như thiêu đốt. Nhiều ngày không mưa, không khí đặc lại, trời mờ mờ, lá khô rơi xuống không chạm đất. Máy móc gầm rú khắp ngã đường, trong các ngày lễ hội ăn mừng chiến thắng. Khi những cây cổ thụ trăm năm, đã từng sống sót qua bão táp, qua bọ rầy, sâu, nấm, độc tố, ngày ngày cho bóng mát, bị các lưỡi cưa máy điềm nhiên cắt ngang như một người tù bị cưa ngang đầu gối, trên sa mạc Trung Đông, bị bịt miệng bằng tấm vải đen, chúng từ từ khuỵu chân xuống, ngã ngửa ra sau, phía không có lưỡi cưa, không có quá khứ, không có kỷ niệm, không có hoài niệm, đổ ào vào các bức tường trắng bên đường.
Linh hồn của chúng bay lên trời, đêm đêm hót rền thành phố, không ai ngủ được, giọng rồ như người ngạt thở, kêu lạc giọng vượt ra ngoài âm vực bình thường, khiến chúng tôi với dụng cụ đặc biệt tinh vi cũng không thể nghe được. Nhưng chó và mèo đang ngủ, thức giấc vểnh tai, chạy loạn trong đêm, kêu gào. Mọi người trở nên nóng nảy bồn chồn, hay cãi cọ nơi làm việc, vợ chồng mới cưới gây sự đánh nhau ngay trong đêm tân hôn, xé rách mền gối. Buổi chiều tan sở những người đàn ông về nhà muộn, ngày càng muộn, và khi họ lê chân về tới cửa, không còn thấy bóng các bà vợ, hồn của cây ở đâu? Ở trong cấu trúc phức tạp của chúng. Cấu trúc không phải là phép cộng các thành tố, chúng lớn hơn tập hợp ấy, và phần khác biệt nọ, phần trội lên kia của số đo vật chất, chính là linh hồn. Cây có mặt trên trái đất rất lâu trước các loài động vật có vú và trước con người. Chúng là một cộng đồng, nhìn bề ngoài các cây đứng riêng rẽ nhưng thực ra chúng nương tựa vào nhau, về miễn dịch, về giới tính, về dinh dưỡng, thu hoạch thức ăn từ cây khác, cây bị giết không chỉ vì các lưỡi cưa máy, chúng còn bị giết từ từ bằng các lễ hội rỗng tuếch ồn ào, bằng quá trình hủy hoại bên trong. Hủy hoại có hai cách: mục nát, bùn lầy, hoặc khô đi, cằn cỗi, rỗng ruột, hư vô. Như trong một cộng đồng người, khi một cây ngã xuống, nhiều cây khác tổn thương, chúng già sớm, chết non. Mùa xuân không đến, hay đến không ai nhận ra, không có lá non và lộc biếc, chim chóc bay về lẻ tẻ không có bầy, gió thổi hun hút các bờ tường và ống khói, không ngừng, mặt đường nhựa nóng rộp bàn chân, các kiến trúc biệt thự từ thời Pháp, lãng mạn, hài hòa, vừa chắc chắn vừa thanh nhã ở Hà Nội, bỗng rùng mình rã hết vôi vữa, thoắt một cái trở thành đống xương lăng tẩm, một vùng sông nước rì rào kinh rạch vướng rác rưởi, ruồi nhặng bay vù vù từ mùa khô tới mùa mưa, những mái ngói đỏ của Sài Gòn nhìn từ con kinh Tàu Hũ mịt mù vì bụi, các ngõ giao thoa văn hóa Việt – Pháp, Việt – Hoa, Việt – Ấn, Việt – Khmer bị lột trần như vũ nữ Apsara vừa bước khỏi sàn nhảy là gặp phải tướng cướp, lột váy. Sau khi linh hồn của cây chịu không được sức ép của không khí nóng, bay đi hết, thân xác chúng như trẻ con không cha mẹ liền bị đốn ngã, bị hạ độc, trái tim của những người đàn bà gập xuống như bẹ chuối khô, nhưng tâm trí những người đàn ông chúng tôi lại nhẹ nhõm hẳn ra, ngày càng nhẹ, bắt đầu bay lên được. Chúng tôi không cần nói nhiều, để mặc mọi người tranh luận, than thở, đọc ai điếu, viết trường ca, làm thơ châm biếm, chúng tôi đã bí mật quyết định xong, lầm lũi làm công việc của mình, đo ngắm các lòng đường, các diện tích có thể bán được, buổi sáng ngắm nghía các nóc chuông nhà thờ nơi chúng tôi có thể gởi trực thăng đến tháo gỡ chúng ra, ngắm nghía những đám cỏ xanh còn lại giữa hai lề đường, tìm cách phủ một lượt xi măng lên chúng.
Ôi xi măng: giai cấp mới yêu quý bạn biết chừng nào. Ha, ha, ha! Chúng tôi thuộc về nền văn hoá mới: văn hoá kỹ trị. Chúng tôi phục vụ cho ý thức mới: tuân phục. Quan chức chúng tôi chỉ có hai niềm vui duy nhất: cái máng và sợi lông. Sinh ra trong chiến tranh: chúng tôi chỉ có thể là con đẻ của bạo lực. Chúng tôi căm ghét ký ức tư sản phản động và tiểu tư sản lãng mạn của Huế, Sài Gòn, Hà Nội, chúng tôi muốn đổi tên sông Hương thành sông Chiến thắng, sông Hậu rằng thành sông Thành công, hồ Gươm thành hồ Độc lập, vân vân, hoặc đánh số các dòng sông, vì tên kiểu mới hay hơn, có nghĩa rõ ràng. Ký ức không thuộc về chúng tôi. Ký ức cá nhân chỉ là quá khứ, đáng thương, nhưng lãng mạn tập thể là chống lại văn minh công nghiệp, chống lại phát triển, đáng căm ghét, cây là nữ tính: chúng tôi căm ghét nữ tính. Thế rồi mọi chuyện có vẻ không ổn. Sau một thời gian dài, khi chúng tôi bắt đầu trồng lại những cây mới bứng từ trên rừng về chở bằng xe tải lớn, những cây ấy không sống được, hay lớn lên nhỏ nhoi còm cõi, vì không có linh hồn, lá me đầu xuân không xanh biếc như môi hôn, lá bàng cuối thu không đỏ như môi ăn trầu, chỉ một cơn gió nhẹ cũng làm những cành cong mềm mại gãy đôi. Người ta bứng chúng đi. Những con đường không có người đi dạo lúc nào cũng mới. Ngay những du khách nước ngoài táo bạo nhất hay ngu ngốc nhất hay dễ tính nhất, cựu chiến binh già yêu thích các vết thương và hố bom, bọn nhà văn Mỹ về quàng khăn rằn đi guốc mộc như nhà cách mạng vô sản nhưng chúng chỉ uống được Macallan 18 hay Chivas 25 trở lên, bọn hippies choai choai không xu dính túi cũng từ từ rời bỏ chúng tôi, một lần tới, không bao giờ trở lại, once you see a black hole you never come back, vì họ chẳng thấy gì khác nhau giữa một thành phố láng lẫy như gò venus bị cạo sạch hay một tảng thịt cừu hay thịt lợn trên mặt thớt trơn bóng. Mỗi năm mùa hạ về, linh hồn cây cối lại kêu vang chừng trời, nhưng không ai nhìn thấy. Khi không còn cây lá, mái ngói rêu phong, ve sầu không nơi trú ngụ, như phần tâm linh dân tộc không thân xác, chúng bám vào các cửa sổ xanh đỏ kêu suốt đêm, mơ ước cuộc đời đủ dài cho các sai lầm và các sửa chữa, nhưng cuộc đời không đủ dài, sáng mai rụng xuống rào rào như vỏ trái khô. Chó và mèo cắn nhau đến chết, khi không cắn nhau, chúng đi lại khẽ khàng trên các bậc cửa nhìn mọi người gườm gườm, làm cho cả dân tộc hoảng loạn, đâm ra khinh bỉ nhau. Trong những con hẻm nhỏ ở Hà nội, ở Sài Gòn, đầy các biểu ngữ ngày lễ hội, đến đêm là tối om vì đèn đường bị đập vỡ bóng, bốc mùi tương Vị yểu, quanh những đống rác vứt đầy bao cao su, những con chó không ăn không uống, không thích gặm xương, chúng chỉ thích đuổi nhau, lừa nhau, cắn nhau, chỉ thích sủa gâu gâu gâu vào người lạ mặt.
Đồng bào trở thành kẻ lạ mặt. Họ bắt đầu cắn nhau như trúng bệnh chó dại cắn. Một mùa hè, một đám mây bay qua, đám mây đỏ, nhưng không phải là máu, không phải mưa. Đó là trái tim của một linh hồn hiếm hoi còn sót lại của cây cổ thụ già nhất cả nước, một cây dầu ba trăm sáu mươi tuổi. Đám mây bay sát những ngôi nhà cao ngất chọc trời vừa được xây lên, bay thật chậm, nhỏ những giọt nước đỏ như ứa ra từ mí mắt. Khi chúng tôi ngước nhìn, những giọt nước ấy rơi trúng mặt, mới đầu bỏng rát, nóng, đau đớn như cường toan, chúng tôi nhắm mắt chịu đựng, chúng từ từ mát lạnh trở lại, thấm vào da thịt, thấm vào tim, làm thay đổi chúng tôi, biến chúng tôi thành hàng cây đứng im trên đường. Thành những cây gòn xanh tươi, cây xà cừ vững chãi, cây me óng ả, khuynh diệp vàng, cây dầu cao lớn mơ mộng, cây sao mượt mà. Chúng khóc cho linh hồn phố thị, Huế, Sài Gòn, Hà Nội và nhiều thành phố khác. Chúng tôi bắt đầu biết im lặng, biết sợ hãi, biết nhục nhã, biết ngưỡng mộ, biết căm giận, biết lên tiếng vì đã lâu chúng tôi không còn biết im lặng, biết sợ hãi, biết nhục nhã, biết ngưỡng mộ, biết căm giận, biết lên tiếng về bất cứ điều gì, chỉ có những kẻ thất bại mới biết thế, chúng tôi biết kêu rì rào khi mùa xuân tới, biết đến nỗi hoan lạc của sự sống tự do chưa hề có từ lúc chúng tôi mới sinh ra. Và bắt đầu biết thương tiếc, thương tiếc, và để chống lại trạng thái buồn rũ rượi chết người mà cảm giác ấy gây nên, chúng tôi chỉ còn biết làm việc, làm việc, cho một ngày mới, của mọi người, tốt đẹp hơn.
Nguyễn Đức Tùng