Nguyễn Đức Tùng: Chuông
Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy chuông được phát minh nhiều ngàn năm trước công nguyên, có thể bắt đầu từ một số vùng ở Trung Hoa, các di chỉ khảo cổ khắp nơi trên thế giới đều cho thấy dấu vết của các loại chuông được dùng bởi các bộ lạc khác nhau, chuông làm bằng các loại khác nhau vật liệu đất sét, sành sứ, về sau dần thay bằng chuông kim loại, như chuông đồng, chuông có nhiều loại tùy theo hình dạng uốn cong, khiến cho khi có một vật đánh vào tạo ra thứ tiếng động dội đi dội lại, chuông được đánh bằng vật rung lắc từ bên trong hay dùi từ bên ngoài, có loại chuông nhỏ cầm trên tay để lắc như trong các buổi lễ của nhà thờ, đến loại chuông lớn treo trên tháp cao trong nhà thờ, chuông nhà thờ âm thanh khác chuông chùa, chông nhà thờ lảnh lót kêu gọi, báo tin mừng các thiên sứ đến, chuông chùa trầm hùng tĩnh tại, mời người ngồi xuống, chuông có thể có hình dạng đặc biệt như chuông xe đạp bấm bằng tay, chuông đặt trên bàn chứ không treo trên tường như trường hợp chuông mõ ở các bàn thờ Phật, chuông có thể dùng để trang trí treo ở cửa, có thể dùng làm thứ lục lạc đeo ở cổ súc vật, có thể được đánh vang lên một mình, có thể được sắp xếp thành một dãy, ngày trước trong nhà tôi có một cái đồng hồ con gà rất lớn, có con lắc, chuông gõ mười lăm phút một lần, đó là loại đồng hồ lên dây ba tôi phải bắc ghế cao lên dây cót mỗi ngày, chuông gắn liền với các lễ nghi, các nghi thức cộng đồng, trong các tang lễ, có một ngành học chuyên về chuông gọi là cambanalogy, do tiếng La tinh cambana là chuông, đó là môn học về việc sản xuất chuông, lịch sử của chuông, truyền thống nghi lễ, một cha xứ bạn tôi đã từng theo học ngành này, chuông là khí cụ âm nhạc, tiếng chuông dùng để báo hiệu vị khách quý đến nơi, tạo ra không gian trong sáng, tươi mát, huy hoàng, xua đuổi ma quỷ, các ý tưởng bệnh hoạn, vì sự cầu nguyện giúp con người bình tĩnh lại, trí tuệ tập trung, ngăn ngừa sự đi lang thang của ý tưởng, đối với nhiều dân tộc chuông tượng trưng cho hòa bình và tự do, tượng trưng cho sự thống trị của các đấng thần linh, là tiếng gọi của các thiên thần trên bầu trời, chuông xua đuổi những hồn ma ám ảnh tứ xứ, xua đuổi bóng tối, một người nghe chuông lễ sáng lễ chiều lễ rửa tội, nghe âm thanh ấy từ nhỏ, cho đến khi khôn lớn, làm sao mà không trở về nguồn cội, các lý thuyết vô thần làm sao diệt được niềm tin ấy, tiếng chuông nhà thờ được kéo bởi ông từ già nghèo khó trong làng tôi, tiếng chuông chùa được đánh bởi sư thầy hay bởi chú tiểu mới vào chùa, nghe đều khác nhau, một ngân nga thánh thót một thong thả trầm hùng, chuông chùa tần số thấp hơn, khoảng 500 hz, âm hưởng rê mi, chuông nhà thờ tần số cao hơn, khoảng 700 hz, âm hưởng sol la, chuông nhà thờ đúc bằng đồng đỏ đồng vàng, miệng loe ra, có con lắc đập từ bên trong chuông, khác với chuông chùa dài hơn, miệng không loe, đúc bằng đồng pha thiếc nên nung chảy nhanh hơn, đánh bằng dùi từ ngoài vào, chuông nhà thờ treo rất cao, kéo bằng dây, chuông chùa treo thấp hơn, nên âm thanh khác nhau, chuông nhà thờ vang rất xa nhưng vọng ít, chuông chùa vang ngắn hơn nhưng vọng đi vọng lại rất lâu, nếu tháp chuông nằm kề mặt nước, tiếng vọng rung cả mặt hồ xanh biếc, chuông nhà thờ kêu gọi hãy xin ta sẽ cho, hãy gõ cửa sẽ mở, hãy ngợi ca Thiên chúa hãy tin hãy tin, hãy nối kết cộng đồng, chuông chùa đĩnh đạc uy nghi lắng lòng lại nhắm mắt ngồi xuống, ngồi xuống, vì chày là mộc, gặp chuông là kim, chuông nặng lại đứng im, thể tĩnh, không rung lắc, nên âm thanh đi xuống, thổ, nên kết thúc lâu, vang ít vọng nhiều, định tâm, khai tâm, khai trí, phòng tâm thật kỹ, giữ mình thanh sạch, xô đổ thành kiến, muôn vật là một, buông bỏ, tự cứu, hãy trở về, từ bi hỉ xả vô ngã vị tha, chuông nào treo ở chùa thiêng cũng có linh hồn, vì vậy đúc xong chuông có lễ hô thần nhập tượng, vì chuông là âm thanh của bậc đại giác vọng về từ ngàn năm, trên chuông chùa có bài minh văn đúc thanh thoát, người biết chữ Hán có thể đọc cho bạn nghe, lại có quai rồng cánh sen uốn lượn thể hiện tài trí của nghệ nhân đúc đồng, trong ca dao gió đưa cành trúc la đà tiếng chuông Trấn vũ canh gà Thọ xương, tiếng chuông còn là hưng thịnh của một triều đình một thời đại, nhiều thiếu nữ treo chuông gió phong linh trước cửa phòng, reo vui tai xua đuổi tà ma yếm khí nhưng không xua đuổi các chàng trai lãng tử đến bên rào, tôi sống nhiều năm ở Huế nghe tiếng chuông hồi sáng sớm, thức tỉnh mà êm dịu không như tiếng reo của đồng hồ báo thức làm bạn giật nẩy mình, tiếng chuông nhà thờ Notre Dame trong tiểu thuyết của Victor Hugo, thằng gù có tâm hồn thánh thiện trái tim yêu nồng cháy, tiếng chuông báo hôn lễ, báo tin buồn một linh hồn rời khỏi thế gian, xin tha thứ mọi lỗi lầm trên đời của bạn, tiếng chuông vang động trong không gian trên các tầng mây, trong gió, trong hoa, báo động chiến tranh, loan tin hoà bình, chuông bay xuống mặt sông, vọng vào chiếc thuyền lúc đêm khuya như tiếng chuông chùa Hàn San trong bài thơ nổi tiếng của Trương Kế, trong những thành phố hiện đại, các nhà thờ chùa chiền ngày càng nhỏ lại, nơi tôi ở có đến bốn hoặc năm nhà thờ đi vài phút là tới, vậy mà hàng ngày tôi ít nhìn thấy chúng vì các ngôi nhà cao tầng liên tiếp mọc lên choán hết tầm mắt, tôn giáo mất dần ảnh hưởng ở xã hội phương Tây, các truyền thống và khuynh hướng bảo thủ liên tiếp lùi bước, người bỏ đạo ngày càng nhiều, người trẻ lạc hướng, dùng vapes, weeds, mushrooms, fentanyl, tạo ra các ảo tưởng, tâm trí đầy hoang tưởng bị ám hại và hoang tưởng tự cao, kẻ cho mình là trung tâm vũ trụ nắm chân lý trong tay khinh thế ngạo vật, kẻ lo âu và nghi ngờ, trầm cảm và tuyệt vọng, đi lang thang như những bóng ma trong cuộc đời, nhà thờ ngày càng nhỏ lại, con chiên thưa thớt, tín đồ lạc lõng, trong một xã hội quá nhiều tiếng động, tiếng xe hơi, tiếng máy bay, tiếng người huyên náo, các đám đông chen nhau chộn rộn, các cuộc tranh cãi bất tận trên truyền hình, các phe phái chửi bới nhau tàn tệ, các cuộc tranh cãi đập chén liệng bát bên dưới các mái ấm gia đình, tiếng ồn ào của nhạc rap, của các thứ văn học tuyên truyền cho lãnh tụ, đã nuốt chửng hoàn toàn tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông chùa, trong khi ngược lại, một số nơi khác trên thế gian, ma quỷ xây chùa thật lớn, đắp chuông đánh thật kêu, quyến rũ mê hoặc con người, bắt tay với các thế quyền lung lạc tận gốc rễ các giá trị dân tộc, mỗi người chúng ta có một căn phòng riêng, một cái đồng hồ riêng, một cái điện thoại riêng, một màn hình riêng, một chiếc xe riêng, một phòng để quần áo riêng, những cuốn sách riêng, phòng vệ sinh riêng, các passcodes riêng ba tuần bắt buộc phải thay một lần, khi thay code phải lấy tay che màn hình sợ đứa khác nhìn được qua vai vào coi trộm, không ai dám chia sẻ với ai, chúng ta cũng không chia sẻ với ai niềm vui hôm nay của chúng ta, nỗi lo âu sầu muộn ngày mai của chúng ta, chúng ta không chia sẻ được với ai cuộc thất tình trong buổi sáng, tiếng chim hót dưới mưa chiều, cơn mất ngủ nửa đêm, ác mộng ban trưa, hoa trà mi buổi tối, chúng ta không chia sẻ với ai những lỗi lầm quá khứ, một ngày khó khăn, chồng con khóc lóc, cái vấp ngã đầu đời, chúng ta không thể nói cho ai biết ai là người mà chúng ta căm ghét, chúng ta cũng không thể nói cho ai biết ai là người mà chúng ta thương yêu, mỗi người có một cuộc đời riêng, một thời gian riêng, một hơi thở riêng, trong một làng quê hẻo lánh ở Nam Mỹ, tôi nhìn thấy một cảnh tượng kỳ lạ, những người dân làng đứng trên một quảng trường lát đá xanh nhỏ vuông vức, chăm chú lắng nghe tiếng chuông nhà thờ báo giờ, chuông nhà thờ báo từng giờ nhắc nhở người dân về thời gian, mọi người ở đó không ai có đồng hồ riêng, họ dùng chung một thời gian, một thứ nhắc nhở, tôi nhìn những người đứng trên quảng trường ngẩng đầu nghe tiếng chuông, hạnh phúc giữa những khuôn mặt chất phác, nhìn họ tôi biết rằng tiếng chuông không những báo giờ mà còn là mối liên lạc của những cá nhân trong cộng đồng, ngày trước tiếng chuông còn báo dịch bệnh, tai nạn, chiến tranh, các cuộc xâm chiếm ở biên giới, sự sụp đổ của các ngai vàng, của các thể chế ngàn năm trường trị, chuông không những chỉ là tiếng động, nó còn là hình dạng trong không gian và còn là sự di động, rung chuyển, lắc lư, những người phụ nữ Ấn Độ xưa nhiều ngàn năm trước công nguyên đã từng mang cái chuông nhỏ xíu ở cổ chân, bạn thử hình dung khi họ đi lại tiếng chuông nhỏ bé vang lên vui vẻ, lảnh lót, tôi tin rằng đó là một xã hội hòa bình cực thịnh, chuông là sự rung chuyển, rung động, vang dội trong chính cơ thể của bạn, khi tôi còn bé mỗi làng quê đều có một hai cái chùa, thời ấy đồng hồ rất ít, học sinh đi học đều lắng nghe tiếng chuông vọng lại trong thinh không, tôi đứng chờ đò sáng sớm lắng nghe chuông chùa Long an bên sông Thạch hãn của thầy Đôn Hậu, một cái chuông lớn có thể gây ra nhiều lần sự rung động mỗi lần, một dãy chuông kế nhau tạo ra sự rung động âm thanh dội đi dội lại không ngớt rất lâu thậm chí nhiều giờ, thời kháng chiến chống Pháp, người ta lột đường tàu để mài dao kiếm, làng tôi cái chuông lớn nhất trong chùa được đem đi đun chảy để làm vật liệu đúc dao và vũ khí, những cái chuông lớn như vậy một thời gian dài không còn nữa, tiếng động của hòa bình đã biến thành âm thanh của sát thương, lời cầu nguyện biến thành tiếng thét xung trận, uống máu quân thù, một lần về quê sau khi hòa bình lập lại, tình cờ đi qua nghĩa địa làng tôi bên sông bên kia thị xã Quảng Trị lúc ấy chỉ còn là đống gạch vụn, buổi chiều, tôi bỗng nghe tiếng chuông chùa vọng lại, dọc theo bờ sông, một tiếng chuông kỳ lạ, lảnh lót vang động trên mặt nước, hòa quyện trong những hàng dương liễu lơ thơ mới mọc lên từ những gốc cây còn sót lại, giữa những ngôi mộ dày đặc, qua những tấm bia xám rêu, lừng lẫy, khoan thai, như lời kinh, như bản nhạc, như ký ức, lời ru, an ủi vỗ về, tôi đứng đó, nhắm mắt lại, hình dung ra tiếng chuông như những con bướm trắng, như hàng ngàn con, hàng vạn con bướm trắng bay ra từ tháp chuông cao, bay qua những tầng lá thấp, rung động giữa những bông hoa cúc mùa thu mỏng sương, miên man dìu dặt, như lời chúc phúc của những người đã chết gởi lại cho người còn sống, thăng hoa của thân xác, như lời cầu nguyện qua mặt nước đến từ tương lai.
Nguyễn Đức Tùng