Nguyễn Đức Tùng: Lửa tháng Bảy

Cuộc di cư tháng Bảy năm 1954.

Tháng bảy, Caesar ra đời. Để nhớ ông, năm 44 trước Công nguyên, người ta quyết định đặt tên cho tháng bảy là July, hay Juillet, hay Juli, vì tên riêng của Caesar là Julius. Julius Caesar.

Đúng bốn năm sau, ông sẽ gặp Cleopatra.

Tháng bảy, ngày 21, năm 1954, bắt đầu cuộc bỏ chạy của người dân miền Bắc. Mười năm sau, 1964, trong một tấm hình chụp bởi Life, tôi nhìn thấy một người đàn bà ôm hai đứa con nhỏ, chạy bằng chân không lên tàu. Sau lưng họ là cuộc cải cách ruộng đất long trời.

Hai ngày trước đó, 19 tháng bảy, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam qua đời, để lại lò lửa chống tham nhũng giờ đây không ai coi sóc. Nhiều người thương tiếc ông, là vì thế.

Nhưng lò lửa sẽ tắt. 

Sự suy tàn, từ thời trẻ, tôi đọc thấy trong bài thơ của Lý Thương Ẩn:

Hướng vấn ý bất thích

Khu xa đăng cổ nguyên

Tịch dương vô hạn hảo

Chỉ thị cận hoàng hôn

Nghĩa là:

Gần tối ý không thích

Ruổi xe lên ngọn đồi

Bóng chiều vô hạn đẹp

Chỉ tiếc sắp hoàng hôn

Lý Thương Ẩn, sinh vào đầu thế kỷ thứ 9, thời Vãn Đường. Vãn là cuối cùng. Cùng với Đỗ Mục gọi là Tiểu Lý Đỗ, sánh với Lý Bạch Đỗ Phủ là Lý Đỗ. Năm (837), Lý Thương Ẩn thi đậu tiến sĩ. Thời trước các nhà thơ thường đỗ đạt cao, học rộng.

Matsuo Basho, kẻ sinh sau tám thế kỷ, 1644, ở Ueno, cách năm mươi cây số về phía Đông Nam của Kyoto.

On the blue ocean

Waves smell of rice wine

Tonight’s moon

(Makoto Ueda dịch)

Trên biển xanh

Sóng thơm mùi rượu gạo

Trăng đêm nay

Rượu nấu bằng gạo có lẽ giống như sake hay rượu đế hay rượu cẩm ở Việt Nam. Tôi có ngửi thứ mùi ấy trên biển, nhưng vào lúc ấy, tôi không nhận ra thế. 

Hai câu sau của Lý thật đẹp, miên man bát ngát, tuổi càng già càng thấm. Gần đây tôi đọc lại mới nhận ra cái lạ của câu đầu tiên, mà ngày trước bỏ qua.

Cái gì làm mình không thích ý?

Người xưa không vừa ý với đời, thì ruổi xe lên đồi, cũng thích thật.

*

Hình minh họa: Deep Rajwar

Đám cháy dừng lại bên hồ nước.

Nhưng cuộc chiến tranh không dừng lại.

Thằng bé đứng bên này bờ, hơi nóng táp vào mặt. Mặt nước bốc hơi ngùn ngụt. Mọi vật chết, khô héo, biến mất. Có một điều gì vô lý đang xảy ra, tựa sự hủy diệt vô mục đích, đến từ ý chí. Chiến tranh là ý chí của con người, các thiên tai là ý chí của thiên nhiên. Tựa như bạn rơi vào một cơn bệnh khi đang ngủ, cơ thể kháng cự một mình mà bạn không biết, cho đến khi các cơ chế hoạt động của nó sụp đổ, và bạn thức dậy nửa đêm, ảo giác, trong cơn sốt. Bạn hoảng sợ. Chúng tôi sắp vượt qua sông, đoạn mở ra thành hồ, qua phía bên kia bờ, phía cánh rừng đang cháy lan tới, vì đó là con đường duy nhất để thoát xuống quốc lộ một. Sau lưng chúng tôi là đồi núi, vùng oanh kích tự do, mọc đầy lau lách dày và khô, không có đường tiến, một khi bắt lửa sẽ cháy nhanh. Chúng tôi quyết định bơi qua sông Thư rơi. 

Đó cũng là hình ảnh cuộc cháy rừng khủng khiếp ở Jasper, bây giờ, tháng 7, 2024, một công viên quốc gia tuyệt đẹp giữa Calgary và Edmonton, hai thành phố lớn nhất của tỉnh Alberta. Chúng là sự lặp lại cuộc cháy rừng mùa hè năm 1972 trên xứ sở tôi. Giờ đây tôi nhớ lại, tôi đứng bên bờ. Khi ấy nước vẫn còn mát lạnh, trong suốt. Bom đạn, rừng cháy, những ngôi nhà, đồng lúa vào mùa sắp gặt cháy bừng bừng như lửa tận thế. Những con đường chính, đường cái quan, đường số chín, đường số một, bị pháo kích suốt ngày đêm, và ban đêm ánh hỏa châu chiếu sáng rực có thể nhìn rõ đường vân tay, những người chạy loạn vừa chạy vừa bò. Những người dân miền núi, Ê đê, Gia rai, băng qua cánh rừng một ngày nào từng là quê hương của họ giờ đây gầm thét trong phẫn nộ xua đuổi. Chúng tôi mất hướng, tôi, một thằng bạn cùng xóm, hai người đàn ông khác, một người phụ nữ, chúng tôi gặp nhau trên đường, dạt vào nhau, chạy tìm sự sống. Chúng tôi đứng trên ngọn đồi, nơi dòng sông mở rộng, hẹp lại, uốn lượn nhiều vòng. Xa hút mắt, nóc nhà thờ La Vang còn nguyên vẹn, vài tháng sau nó sẽ sụp đổ. Mặt trời chiều xuống. Chúng tôi không thể nhìn thấy nó. Bầu trời đục như mây, khói và tro tàn bay rợp, mặt trời đỏ ối như máu sáng lên một lúc vào ban trưa, giờ đây biến mất sau bụi. Bầu trời đổ vàng, gió thổi mạnh, tạt hơi nóng, dưới sức mạnh của gió, trời sáng lên chiếu sáng sự buồn bã nhân gian. Có một lúc tôi nhìn thấy một khoảng trời xanh, giờ đây rất lạ, sự bình thường trở nên bất thường, hòa bình trở nên kỳ lạ, khoảng trời nhỏ bé kia tựa ngày thanh bình rớt xuống. Mọi người kêu rú lên. Tôi nhìn thấy từ xa, sau cánh rừng, một đốm lửa man dại trôi vùn vụt, không phải đốm lửa, một con vật điên cuồng chạy băng qua đồng cỏ, người nó lấm tấm vệt lửa, mùi lông cháy khét. Một con bò tót, hay bò rừng, chạy băng qua lửa, liều chết, tới được bên sông. Nó lao xuống. Tôi nhìn thấy đúng như vậy. Tôi biết tôi không bao giờ quên nó, con vật linh thiêng ấy.

*

Paul Valery cho rằng văn xuôi giống như đi bộ, thơ giống như nhảy múa.

Đi bộ là đi tới mục đích. Nhảy múa thì không.

Đây là nhảy múa: 

Một hôm đứa bạn thình lình hỏi: mày có một lý tưởng nào để bám víu mà sống? Tôi cười ngất, cười đổ nước mắt nước mũi và ngạc nhiên vì vô số âm thanh giống kim nhọn châm lùng bùng hai tai.

Trong một quán ăn tồi tàn về đêm ở chợ Mouffetard, một người đứng tuổi bảo tuổi trẻ bây giờ sa đọa quên mọi bổn phận làm người; tôi làm thinh ăn hết tô phở, tô phở nhiều tiêu ớt cay bừng trong khi hắn hăng say chỉ dạy thương hại phương cách thành công cuộc đời – không có gì khó cả; tôi đứng dậy bắt tay và cám ơn, hắn nói mến tôi, tôi hao hao giống đứa con hắn – thằng ngu đần đó đã tự tử vô cớ. Ra đường tôi sặc khói thuốc tới lợm giọng, tôi cáu giận thốt chửi hết sức tục tĩu. Con lộ tường vách xiêu vẹo tối đen; tôi vấp phải một tên say nằm lăn vệ hè, hắn nhè nhè mời tôi uống hết chai rượu và hút hết gói Gitanes.

(NH Tay Ngàn)

Đời sống của tôi là một thành phố.

Tâm hồn tôi là một khu vườn.

Tôi thích nhìn đôi giày trẻ con treo lủng lẳng trên dây điện chạy ngang đường. Đối với nhiều người, đó là dấu hiệu của mùa hè. Đối với người khác, những kỷ niệm tuổi thơ. Khi tôi đi với một người thân đang tìm mua nhà ở Texas, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy chúng. Mọi người đều tránh đi khi tới khu vực có những đôi giày treo như vậy. Đó là dấu hiệu khoanh vùng của các băng đảng ma túy hoặc tội phạm. 

Ngày 21 tháng bảy, tổng thống Joseph Robinette Jr. tuyên bố rời khỏi cuộc chạy đua vào Nhà trắng, sau ba tuần chịu áp lực từ nội bộ đảng Dân chủ. Nhìn ông, thấy sức khỏe xuống. Thế mà vài tháng trước ông còn mạnh mẽ bay tới Trung Đông sau khi khủng bố Hamas tấn công Do thái. Lúc ông vừa bắt đầu nhiệm kỳ, nhiều người kinh hoảng thấy Biden vội vã rút quân khỏi Afghanistan. Đừng quên rằng máu của binh sĩ Canada chúng ta đã đổ xuống nhiều ở đó, vì tự do của người Afghanistan. Nó cũng vô vọng như chiến tranh Việt Nam. Nhưng cuộc rút quân của Biden hỗn loạn, nhục nhã. Ông gượng lại được, học nhanh bài học này, và phản ứng quyết liệt ở mặt trận bảo vệ Ukraine chống Nga xâm lược. Những cố gắng của chính quyền Biden và đảng Dân chủ, và của Canada, châu Âu, ở đó, là đáng khen ngợi, có thể nói là anh hùng.

*

Văn chương có hai thứ: thứ là của đời sống, thứ không phải.

Của đời sống: Albert Camus, W. Faulkner, Bùi Ngọc Tấn, Phan Nhật Nam, Nam Cao. 

Thứ khác, phi luân, phi đạo đức: Lolita của Nabokov, truyện của Annie Ernaux.

Một bài thơ chỉ là bài thơ khi bạn không thể gọi nó bằng cái tên nào khác. 

Một bài thơ xác định chỗ đứng của nó bằng cuộc đối thoại với những điều mà nó chống lại. Cuộc đối thoại giữa cái cũ và cái mới, cái này và cái kia, sự tốt đẹp và sự xấu xa, và ngược lại, làm nên căn cốt của một bài thơ. 

Thơ hôm nay ở trong hai tình trạng: tình trạng giao tiếp và tình trạng biểu hiện.

Giao tiếp:

Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào

(Thanh tâm Tuyền)

Biểu hiện:

Lâu quá mới có một đêm mưa không rơi vào đầu vào cổ
Nhớ những đêm lang thang chợ Bắc Qua ga Hàng Cỏ
Một trăm bạc rượu tới Thiên đường
Lần đầu lén lút bán tem gạo mua cái sầu giữa phố
Tuổi ba mươi như con trẻ
Mất tân vì cô điếm ế

(Hoàng Hưng)

Tuy nhiên các giao tiếp lãng mạn bao giờ cũng phối hợp với biểu hiện:

Mai đành xa sông Thương thật thương

Mắt nhớ một người nước in một bóng

(Hoàng Nhuận Cầm)

Thơ cho phép tôi được ở đây và ở kia, bên này sông và bên kia sông, vừa là hạt vừa là trái, vừa là chúng ta vừa là chúng nó. Đời sống như một âm bản, nó gần nhất với hiện hữu nhưng bạn không đọc được nó, vì chưa thành. Nó chỉ trở thành qua nghệ thuật và văn học. Một diễn viên chỉ thực sự là cô ta khi đứng trên sân khấu, trước ống kính, được trang điểm, không phải là cô ta trong phòng ngủ hay trong phòng vệ sinh. Con người muốn xuất hiện trên thế gian như một diễn viên cho vở kịch của riêng mình. Trong một dạ hội trong tiếng dương cầm, giữa các tầng lá thấp chi chít đèn màu, vào lúc ấy bạn là cái đẹp nhất của bạn. Chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam cũng thế. Trong khi bạn hoàn toàn đúng về khía cạnh độc lập, lại hoàn toàn sai lầm về tự do. Tự do sinh ra từ văn minh, độc lập thì không. Điện và đèn dầu Hoa Kỳ có thể không mang lại độc lập, nhưng giúp bạn đọc sách và làm cho bạn trở nên tốt đẹp hơn. Hãy nhìn châu Phi: những người da đen xinh đẹp biết bao khi họ được trở lại chính là họ, nhờ văn minh. Người đàn bà miền Bắc miệng nhai trầu bỏm bẻm, chân đất, khăn mỏ quạ, đã góp phần làm nên Sài gòn hòn ngọc Viễn đông, làm nên nền âm nhạc và văn học rạng rỡ của dân tộc, không có gì vượt qua.

*

Bầu trời đầy khói cháy rừng trong tháng bảy trong những tiểu bang mà tôi đi qua, Alberta, BC, Oregon, Washington. Mây đen kéo qua rồi trôi vụt đi, nhiều ngày không mưa, môi tôi rát bỏng như những ngày thèm nước. Phim ảnh và kịch là quan trọng. Chúng là sự hiện diện rõ ràng nhất của người khác. Các đối thoại là quan trọng. Trong một giây phút khi tôi đứng lại, hạnh phúc một cách ngắn ngủi, nhìn trời, từ cuối khu vườn của mình, tôi ao ước được viết bao nhiêu. Viết cho người khác. Tôi ước gì có thể tặng cho người khác nhiều hơn thế. Tôi ước gì người khác có thể tặng tôi nhiều hơn thế. Hơn chính cuộc đời này. 

Nếu bạn yêu một người nào, và người ấy chết đi, bạn làm họ sống lại trong một bài thơ.

Nếu bạn yêu một quê hương, và quê hương ấy không còn nữa, bạn làm nó sống lại trong một cuốn tiểu thuyết.

Nguyễn Đức Tùng