Nguyễn Đức Tùng: Mùi hương tháng Tám

(photo by Tung Nguyen)

Ngày 1 tháng 8 năm 1944, Anne Frank viết dòng chữ cuối cùng trong nhật ký của cô: tôi sẽ cố gắng tìm cách để trở thành điều mà tôi muốn, người mà tôi muốn, nếu như không còn ai sống sót trên đời. Ba ngày sau, Anne bị bắt và bị chuyển tới trại tập trung. Bảy tháng sau, cô bé chết trong trại tập trung, ước đoán vào tháng 2 hay tháng 3 năm 1945, khi mới mười lăm tuổi.

Tháng Tám lăn đi như một giọt lệ. Ngày 2 tháng 8 năm 1939, Albert Einstein viết một bức thư cho tổng thống Mỹ Franklin Delano Rooselvelt, người sẽ chứng kiến trận Trân Châu Cảng hai năm sau, sẽ cầm đầu phe đồng minh, sẽ đặt nền móng đầu tiên cho Liên Hiệp Quốc và trong thực tế là người đặt tên cho tổ chức này, cảnh báo rằng: “một quả bom nguyên tử vào loại này được một chiếc thuyền mang đi và cho nổ ngoài khơi một hải cảng lớn có khả năng tiêu diệt toàn bộ hải cảng ấy”. Sáu năm sau, cũng vào tháng tám, ngày 6, năm 1945, quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống hải cảng Hiroshima.

Tháng tám, thế giới sôi động trở lại, sau những cái chết.

Thơ hiện nay chưa đạt đến tình trạng giản dị và lão thực.

Tế Hanh:

Mùa thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng trong cây
Một ít buồn trong gió trong mây
Một ít vui trên môi người thiếu nữ

Bài thơ tình viết ở Hàng Châu. A, Hàng hâu, tôi đã cãi nhau với một người đàn bà ở đó.

Khi muốn lòng dịu lại, tôi đọc thơ vài ba người. Đinh Hùng tài hoa, nhiều câu son phấn, nhưng câu đã hay thì hay kỳ lạ. Tế Hanh chất phác hơn mà cảm xúc lại tinh tế, bây giờ không ai có được. Ông sử dụng một thứ ngôn ngữ không mới, không cũ, không phai.

Đinh Hùng:

Đời đổi mới từ ngày ta dấy loạn
Sớm như chiều hư thục bóng hoa hương

Đọc Đinh Hùng thì thích, đọc Tế Hanh thì mến.

Mến và thích khác nhau.

Anh mến em lắm, nhưng anh thích cô kia.

Anh nói sao ạ?

Mùi hương tháng Tám. Tôi cởi giày ra, bước xuống nước, ngâm chân thật lâu trong nước. Bỗng nhiên tôi ngửi thấy mùi thơm trên mặt nước. Không phải của những bông cúc trắng và vàng quanh đây, chúng vốn không thơm, không phải mùi gỗ mục trong rừng sau lưng tôi, hay mùi tro tàn âm ỉ đêm qua của lửa trại, ngun ngún cháy quá khuya. Mùi của da thịt tôi, của sự sống mà tôi vừa lấy lại.

Ngày 28 tháng tám, 1963, Martin Luther King Jr đọc bài diễn văn nổi tiếng trong cuộc tuần hành ở Washington, I Have a Dream, Tôi có một giấc mơ. Ông nói: chức năng của giáo dục là dạy cho con người suy nghĩ mãnh liệt và suy nghĩ một cách đầy phê phán.

Năm năm sau, người nói câu này bị một phát đạn bắn vào đầu, bởi một người da trắng, và ngã xuống ngay lập tức. 

Sự toàn vẹn bắt đầu. Chúng ta không cần hoài niệm, như một cố gắng để nhớ lại, vì quá khứ quanh đây, dưới chân như lá rơi trong bão. Đôi khi buổi chiều bạn trở về nhà, không nhìn thấy người đàn bà đứng đó, chờ trước cửa. Đôi khi bạn nhớ lại: không phải hiện tại. Những người sống đến cạn kiệt cuộc đời không thể lãng mạn được nữa. Các cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn, và không phải là các cuộc đấu tranh giai cấp. Đêm đầy sao, nếu bạn có thể nằm xuống trên cỏ, ngước nhìn bầu trời, bạn là người may mắn. Ngày 21 tháng 7 vừa qua, tổng thống Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc tranh cử, chuyển giao cho Harris, trong sự vui mừng của phe Dân chủ. Một phụ nữ gốc di dân ứng cử tổng thống không phải sinh ra từ chân không, mà từ phong trào nữ quyền và phong trào da đen da màu. Đừng quên, ngày 1 tháng 8 năm 1834, chế độ nô lệ được bãi bỏ ở Jamaica. Đúng 300 năm trước đó, chính quyền Tây Ban Nha đã đề nghị bãi bỏ chế độ này vào năm 1509. Mất hơn 300 năm, ý tưởng ấy mới được thực hiện. Trong một bài thơ của Elizabeth Stoddard:

I should be happy with my lot
A wife and mother – is it not
Enough for me to be content?

Hãy hạnh phúc với những gì mình đang có đi nào
Một người vợ, một người mẹ – chẳng lẽ
Như vậy không đủ làm tôi hài lòng sao?

Nhưng Elizabeth có vẻ không hài lòng (content). Mẹ của Walt Whitman thì mù chữ. Mẹ của nhà thơ Pháp lừng danh François Villon cũng vậy. Ballad của những thiếu nữ thời xưa của Villon:

Dites-moi où, n’en quel pays,
Est Flora la belle Romaine, 

Tháng tám 1876, Mata Hari ra đời ở Hòa Lan, bị Pháp bắt năm 1917, vì tội làm gián điệp cho Đức, bị xử bắn. Mata Hari từ chối bịt mắt, nhìn thẳng vào họng súng, nàng còn kịp gởi một nụ hôn dài đến tiểu đội hành hình trước khi chết. Trà hoa nữ, La Dame aux Caméllias. Lenin đến gặp Sarah Bernhardt, nói với người nữ nghệ sĩ gốc Do Thái rằng ông ta đã khóc sướt mướt khi ngồi xem vở diễn ấy của bà. Đó là tháng tám năm 1920. Năm ngày trước đó, Lenin từ chối đơn xin ân xá tử hình của các trí thức Nga bị buộc tội chống cách mạng tháng Mười.

Đã qua tháng tám, mà vẫn nóng, rừng còn cháy ngún.

Thoắt một cái trời đổ mưa.

Chúng tôi đang đi hiking bên bờ hồ. Một bên là hồ nước một bên là rừng. Hiking là đi bộ, nhưng đi bộ đường dài, leo trèo, bạn đi thong thả, vừa đi vừa chơi, nhưng cần dai sức, mang theo nước uống. Mặc áo quần nhẹ, đi giày thể thao, mang ba lô nhỏ, thường đi hai người hoặc nhiều hơn, tránh đi một người, có thể gặp thú dữ hay tai nạn bất ngờ. Cảnh trí thay đổi, dọc đường bạn gặp những thứ cây lạ. Tôi đi sát mặt nước, bỗng nhìn thấy nhiều hoa cúc trắng nở rộ, thêm một đoạn nữa, hoa cúc trắng lẫn hoa cúc vàng. Hoa diên vĩ tím, hoa tử đằng lác đác. Trời tối lại, dù là ban trưa, mây đục bay qua, bạn hít thở, trong không khí có hơi mát lạnh. Nhìn ra xa, mặt hồ lấm tấm những vòng tròn nhỏ li ti. Trời sắp mưa.

Thế rồi tất cả trở nên im lặng, im bặt tiếng chim hót, tiếng ve râm ran buổi sáng, những con dế trong cỏ cũng im lặng. Tất cả đều im lặng trước cơn mưa. Mọi thứ đều chờ đợi, không phải sự chờ đợi trong sợ hãi, trong hoảng loạn, mà sự chờ đợi dịu dàng, có phần trang nghiêm như trước một điển lễ, sự chờ đợi phập phồng của cô dâu mới về nhà chồng. Bạn nghe mùi khói trong không gian. Mùi của một người khách lạ đang đi bộ trên đường làng tới nhà.

Tôi nhìn mặt nước, nhìn chăm chú, thấy bóng núi đổ xuống như bóng của dãy Trường Sơn ở làng tôi. Tôi nhớ lại bến đò ngày còn đi học, sông khá rộng, đò thưa người, một chuyến đò ngang chờ mất nửa tiếng đồng hồ. Ngày nay người ta than thở về điều ấy: không ai chịu được sự chờ đợi. Nhưng chờ đợi là một nghệ thuật sống. Trong khi bạn đứng trên bến đò, năm mười ba tuổi, cuộc đời bày ra trước mắt, rộng rãi, hứa hẹn. Bạn đứng đó nhìn trời nhìn đất, nghĩ đến bữa ăn sáng, nghĩ đến người bạn gái mới quen, không phải là tình yêu đâu, có một thứ gì ngập ngừng hơn tình bạn, nghĩ đến cuốn tiểu thuyết, đến cuộc chiến tranh tàn bạo, vô nghĩa, bạn đứng đó nhìn xuống mặt nước.

Tháng Tám, ra đời những: Jean Piaget, Tennyson, Leo Tolstoy, Shelly, Goethe, Borges, Charles Bukowski. Và William Saroyan, tôi đọc Chàng tuổi trẻ trên chiếc đu bay, tập truyện dịch, không nhớ tên dịch giả, The Daring Young Man on the Flying Trapeze, thời bé. Sao thời ấy cái gì cũng đọc? Hai mươi năm sau, tôi đọc Bukowski: The Difference Between a Bad Poet and a Good One is Luck, sự khác nhau giữa một nhà thơ kém tài và một nhà thơ tài danh là sự may mắn, và còn đây nữa:

you sit at a table.
the waitress smiles at you.
she’s dumpy. her ass is too big.
she radiates kindness and sympathy.

bạn ngồi xuống bàn
cô tiếp viên nhìn bạn mỉm cười
cô rất lùn. mông thì quá bự
nhưng toát ra lòng tử tế thương người

Có một sợi tóc giữa Bukowski và những kẻ dung tục trong thơ. Nhưng Jean Piaget mới làm tôi khốn khổ vì thời sinh viên, suốt một năm vật lộn với giáo trình tâm lý nhi khoa của ông. Thời bé Jean bị bắt cóc nhưng người giúp việc nanny dũng cảm chống trả và giành bé trai lại được. Năm chàng 15 tuổi, người giúp việc viết thư cho cha mẹ ông, thú nhận rằng chuyện bắt cóc kia là hoàn toàn bịa đặt. Tuy vậy, Jean vẫn nhớ chuyện ấy như một sự kiện có thật. Lịch sử hầu hết đều thế.

Tháng tám, chúng tôi lái xe hai ngày đến New Orleans, Louisiana. Ngày 4 tháng 8 năm 1901, nghệ sĩ da đen chơi nhạc jazz nổi tiếng Louis Amstrong ra đời ở đây. Ngày 5 tháng 8 năm 1962, Nelson Mandela bị chính quyền phân biệt chủng tộc Nam Phi bắt giữ.

Ở New Orleans, chúng tôi bước vào một hiệu crawfish ồn ào. Cần phải ồn ào, vì im lặng quá tôi không ăn món này được. Tôi nhớ lại cuốn phim vừa coi trên máy bay, Where the Crawdads Sing, rất cảm động, do Daisy Edgar-Jones thủ vai chính. Crawdad tức là crawfish.

Tôi nhìn ra xa. Bên kia hồ nước một người ngồi trên chiếc thuyền độc mộc, bơi đi. Thời bây giờ người ta chỉ bơi thuyền để vui chơi hoặc câu cá giải trí. Ngày xưa không ai giải trí cả, cuộc sống đói kém người ta chỉ biết làm việc và làm việc. Thiên nhiên chẳng quan tâm đến chuyện con người bơi thuyền để giải trí hay để kiếm ăn, nó mải miết làm việc, nâng thuyền lên, đẩy mái chèo đi, con người được cân bằng trong một thế giới náo động.

Vậy thì việc sống giữa thiên nhiên như thế nào, hành xử với nhau ra sao, tìm kiếm ở đó các nguồn thức ăn và năng lượng hay khi dư dật thì vui chơi với nó, đó là việc của con người. Một nhà khoa học đã chứng minh rằng trái đất có đủ chỗ cho mỗi người được sống trong ấm no hạnh phúc, có khả năng cung cấp cho mỗi gia đình một mái nhà, một khu vườn rộng rãi, có khả năng cung cấp cho mỗi người một việc làm. Nếu họ biết sống hòa bình, không chuộng chiến tranh hay chuộng đấu tranh giai cấp.

Tôi nhìn thấy bông hoa đẹp nhất trong đám cúc trắng và vàng. Một bông hoa có màu lạ, nhìn xa giống cúc nhưng tới gần thì không phải, hình dáng như vậy, nhưng lớn hơn, tựa như vẻ đẹp của lòng can đảm hay của sự sáng suốt. Bông hoa đứng đó, nhưng không đứng một mình, như được những bông khác bảo vệ, trôi lạc loài ở đâu tới đây, như một hạt gieo xuống từ trời.

Trong một cuốn tiểu thuyết tôi đọc đã lâu, kể câu chuyện một nữ tác giả da đen, hồi bé đi học trong một trường học toàn da đen. Thế rồi có một đứa con gái da trắng bỗng đâu lạc đến lớp, như thiên thần. Nó liền bị bắt nạt. Thoạt đầu những học trò da đen trong lớp nhạo báng cô bé da trắng. Thế rồi có một cô bé da đen đứng lên bảo vệ nó. Thế rồi nhiều cô bé khác cũng vây quanh bảo vệ cô bé da trắng. Đám đông bao giờ cũng vậy, khi lương tâm họ được thức tỉnh, bao giờ họ cũng thuộc về sự tử tế.

Tháng tám ngày 4 năm 1961, Barack Obama ra đời ở Hạ Uy Di.

Đối với tôi, Obama là sự tử tế.

Nixon là giấc mộng không thành.

Reagan là tất cả những gì một tổng thống cần làm.

Cũng tháng tám, ngày 7 năm 1990, đúng năm ngày sau khi Iraq tấn công Kuwait, tổng thống Bush bắt đầu cuộc chiến thần tốc Lá chắn sa mạc. Phản ứng mau lẹ. Tôi thích những người đàn ông mau lẹ và những người đàn bà thong thả. Nói gì thì nói, nhu cầu của con người là chống lại cô độc, ngay cả ở những người thích cô độc. Con người có thể là địa ngục của nhau nhưng họ vẫn lao vào nhau như thiêu thân lao vào ánh sáng. Bởi vì sự sống đầy các bí tích. Đời sống là huyền thoại. John O’Donohue: It is strange to be here, thật kỳ lạ là chúng ta ở đây. Con người đọc thơ và làm thơ trong những hoàn cảnh khác nhau, với những lý do khác nhau. Tôi làm thơ là vì tôi, đôi khi đúng thế. Hầu hết không phải thế, mà tôi làm thơ vì người khác.

Before I was born
I absorbed struggle
Just looking
At history hurts

Thomas Ellis. Việc làm thơ thay đổi mỗi ngày, qua các thời đại, làm cho thơ ca ngày càng khác đi và giàu có lên, nếu các nhà thơ làm đúng công việc của mình.

Tháng Tám, Olympics ở Paris, sau một trăm năm: một đại hội thể thao diễm lệ. Tôi mê các môn thể dục dụng cụ và điền kinh. Chúng ta mở rộng cánh cửa của nỗi buồn thì chúng ta cũng mở rộng cánh cửa cho hạnh phúc, và ngược lại. Không có một ngày đẹp trời nào mà không được đi trước bởi một ngày ảm đạm. Bạn nhận ra sự sống và sự chết, tình yêu và lãng quên cũng chỉ là hai mặt của một tờ giấy. Bạn có thể chọn lựa cách khác: quên đi, hay căm hận, hay trả thù, hay vượt lên tìm kiếm một cuộc đời khác. Tất cả đều có thể được biện hộ, theo những cách khác nhau, nhưng bạn đã chọn con đường riêng của mình, giữ gìn, yêu thương, phê phán, sống một cuộc đời khiêm tốn và đẹp, đầy phép bí tích của lãng quên.

Tương lai của dân tộc bất trắc.

Chẳng có tương lai nào là không bất trắc. Những khoảnh khắc vào năm 1945, 1954, 1975, đều là những khoảnh khắc bất trắc. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thay đổi. Không phải con người thay đổi mà lịch sử thay đổi, vì người Việt chúng ta không còn khả năng để làm điều ấy. Đời sống hạnh phúc và những tiện nghi mới đã làm cho con người trở nên yếu đuối và cô độc, không còn tin vào bất cứ điều gì. Đời sống của bạn hôm nay thực ra không phải là đời sống, đó là một đời sống lén lút. Nhiều người sẽ không đồng ý như vậy. Một bệnh nhân của tôi chết hôm qua, còn trẻ, tôi đã vuốt mắt cho người ấy. Khi tôi về nhà, có một lời nhắc nhở trên iPhone rằng bảy mươi năm trước, vào ngày hôm nay, hiệp định Geneva đã được ký và bắt đầu thực hiện. Đó là cố gắng cuối cùng của thế giới, để cứu vãn hòa bình cho chúng ta, nhưng chúng ta không nhìn thấy. Không ai nhìn thấy. Mùa thu 1954, bắt đầu cuộc di dân từ miền Bắc. Một nửa nước hân hưởng tự do. Một nửa kia đi tiếp con đường gian khổ, lý tưởng của cuộc kháng chiến chín năm, hy sinh tất cả để đi đến cuối con đường. Khi đi đến cuối đường, họ sẽ gặp lại giấc mộng miền Nam.

Ta đợi em từ hai mươi năm
Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm
Vũ Hoàng Chương viết cho nhiều người.

Nhưng xã hội những năm ấy ở miền Bắc hoặc là:

Những ngày ta sống đây là những ngày đẹp nhất
Chế Lan Viên.

Hoặc là:

Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào thơ?
Trần Dần.

Đẹp xấu tùy người đối diện. Ngày 19 tháng 8 năm 1991, sau cuộc đảo chính bất thành của các lãnh tụ đảng Cộng sản Xô viết, đảng này bị chính thức cấm hoạt động ở Liên xô sau 75 năm cầm quyền. Ngày 31 tháng 8 năm 1997, công nương Diana chết vì tai nạn xe hơi, trên đường hầm dọc theo sông Seine. Ngày 31 tháng 8 năm 1980, Công đoàn Đoàn kết được thành lập ở Gdansk, Ba Lan, do Lech Walesa cầm đầu. Công đoàn này sẽ lật đổ chế độ cộng sản một năm sau. Trên đài phát thanh BBC, phát thanh viên gửi ba lời cám ơn vào đêm Giáng sinh 1980: cám ơn tổng thống Reagan, cám ơn thủ tướng Thatcher, cám ơn Công đoàn Đoàn kết Ba Lan.

Ngày 19 tháng 8, 1945, tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, chống đế quốc Nhật, buộc Quốc gia Việt Nam là một chính phủ hợp pháp được Nhật công nhận, phải bàn giao lại chính quyền cho Việt Minh. Việc cướp chính quyền được thực hiện trong bạo lực, nhưng sau đó việc chuyển giao quyền lực được hai chính phủ thực hiện trong hòa bình. Vua Bảo Đại thoái vị trong tháng tám. Hai tuần sau, ngày 2 tháng 9, khai sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định Geneve tháng 7 năm 1954, chia đôi đất nước, miền Bắc thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, miền Nam thuộc chính phủ Quốc gia Việt Nam, hậu thân của Đế quốc Việt Nam, lúc ấy trên danh nghĩa người đứng đầu là quốc vương Bảo Đại. Hãy đọc kỹ Trần Trọng Kim về giai đoạn này, nếu bạn thực sự muốn biết sự thật.

Trần Trọng Kim là một học giả uyên thâm, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học và sử học, bút hiệu Lệ Thần. Năm mười sáu tuổi tôi đọc Việt Nam sử lược của ông. Trong trại tị nạn, tôi đọc Đường thi của ông, đọc mòn những trang giấy cũ, quý như vàng. Ông quê ở huyện Nghi Xuân, cùng quê với Nguyễn Du. Trần Trọng Kim từng dạy ở trường Bưởi, nhà sư phạm mẫu mực, trưởng ban soạn thảo sách giáo khoa. Năm 1943 Nhật vào Đông Dương, đưa ông và Dương Bá Trạc sang an trí ở đảo Chiêu Nam (Singapore). Hai năm sau, ông được cho về nước. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ hòa ước Patenôtre ký năm 1884, nhận sự bảo hộ của Pháp, để thành lập Đế quốc Việt Nam. Chính quyền của Đế quốc Việt Nam được người Nhật tán đồng và bị họ chi phối, nhưng cũng có những quyền độc lập riêng. Trong thực tế, người Nhật công nhận sự độc lập ở Trung kỳ nhưng không tôn trọng sự độc lập ở Nam kỳ. Ngày 17 tháng 4 năm 1945, Trần Trọng Kim được vua Bảo Đại giao thành lập chính phủ đầu tiên và ông trở thành thủ tướng. Tham gia chính phủ của Đế quốc Việt nam, gồm những người có uy tín: Trịnh Đình Thảo, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Chương, Phan Anh. Nhiều người trong danh sách này về sau trở thành các bộ trưởng của chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa hay chính phủ Việt nam Cộng hòa.

Gia đoạn ở Chiêu nam, Trần Trọng Kim dịch nhiều thơ Đường. Sau này tôi hiểu vì sao. Khi người ta ở nơi đất khách, thơ càng cổ điển càng gần. Cuốn Đường thi đã đi cùng tôi qua nhiều năm tháng. Có mấy câu của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu tôi thích, tò mò muốn xem người ta dịch thế nào, thấy bản của Tàn Đà, Trần Trọng Kim, Vũ Hoàng Chương là thú vị nhất.

Tản Đà:

Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

Trần Trọng Kim:

Hạc vàng đi mất đã lâu,
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông

Ngô Tất Tố:

Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay

Khương Hữu Dụng:

Hạc vàng một đi đã đi biệt,
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi

Trần Trọng San:

Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay

Vũ Hoàng Chương:

Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời

Tại sao dịch thơ?

Không một nhà thơ nào không cần phải dịch.

Tại sao đọc thơ?

Một người bình thường có thể xem nhiều tin nóng hổi trên mạng xã hội, trên TV về thi hoa hậu, về Bachelorette, tham nhũng, thuốc cường dương, về các nghị quyết trung ương, lời khuyên ăn uống bổ dưỡng sống lâu, dù chẳng biết sống lâu để làm gì. Thế tại sao bạn đọc thơ?

Đối với một số người, thơ mang lại niềm vui không sánh được.

Hôm nay có phải là thu?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về

Thơ là biểu hiện của đời sống bên trong. Câu thơ lục bát cũ mà mới, bát ngát. Bạn cũng thưởng thức nhịp điệu của nó, tính nhạc, tempo, sự hấp dẫn của chữ và của hình ảnh. Bài thơ nói về bạn: này, hãy nhìn. Và bạn sung sướng, như gặp được một người tử tế và duyên dáng. Khi Trần Dần trở lại, 1987, sau ba mươi năm đày đọa, thơ ông làm người đọc ngơ ngác, cứ tưởng nghe lời hịch, lại nghe những câu khó hiểu:

Gió thổi quá tay
Lạnh cây Bàng bé
Chiều thu cổ lỗ sĩ
Công viên đồng chí
Sương sa cà khịa
Cho tôi một ngày chức năng vô lý

Tuyệt hay.

Trên nền nhà cũ của tôi, sau chiến tranh, ngày về, tôi ngửi thấy mùi lạ trong đám cỏ cao. Tôi cúi xuống trong đêm mờ trăng khuyết, không nhìn thấy gì cả. Thế rồi mùi thơm phảng phất bay lại. Tôi nhìn kỹ hơn nữa, đó là bụi rau húng quế đã chết đi nhiều năm nay mọc trở lại. Bên bụi rau, bộ xương nhỏ xíu của một con ếch. Con ếch vừa mới chết, nên hình dáng vẫn còn in trên nền đất đá. Đất đã nhận nó vào. Một con ếch kêu vang suốt những ngày mùa hạ, kêu trước cơn mưa, như báo hiệu, như cầu nguyện, tin mừng. Bây giờ, nó đã chết, nằm đó, đã được đất nhận vào trong mùi hương của rau húng quế.

Laura Creste kể rằng lúc bé bà được mang đến phòng mạch của bác sĩ Eric Williams để chích ngừa thủy đậu. Mẹ của bà bảo ông rằng bà có thể đọc thuộc lòng bài thơ của cụ thân sinh của ông. Bác sĩ Eric Williams nói: vậy ta hãy cùng nghe lại xem nào.

I have eaten the plums
that were in the icebox
and which you were probably
saving for breakfast
Forgive me they were delicious
so sweet and so cold

Anh đã ăn mấy trái mận
Trong tủ lạnh
Ý chừng em để dành
Cho bữa sáng
Xin lỗi chúng ngon quá
Rất ngọt
Và lạnh nữa

Bác sĩ Eric Willams nhận xét: ôi dào, cái đó là mẩu giấy ghi chép của cha tôi cho mẹ tôi thôi mà.

Cha ông là bác sĩ William Carlos Williams.

Trời sắp bão ở Texas, những mái nhà đổ xung quanh căn nhà nơi chúng tôi lần đầu tiên gặp nhau. Căn nhà ấy đứng đó, một mình, buồn phiền, rét buốt, và bây giờ đang nóng dần lên, nóng bỏng, đầy cát trôi vào từ bãi biển. Những sự vật nhỏ bé mang cho tôi cái nhìn xuyên suốt. Tới gần nó, tôi ngạc nhiên, tập sống lẫn lộn, như người từ sáng vào khoảng tối. Hãy nhìn một cái bát trên bàn. Nó bắt đầu lắc lư trong cơn bão. Nó ngã xuống, trôi đi, biến mất. Con muỗi. Hạt bụi. Một chữ. Chúng ta giữ nó trong tay. Bàn tay trở thành một với nó, không còn là một phần của cơ thể. Con người đứng ngoài các sự vật nhỏ bé, không thâm nhập được vào chúng, cho đến khi chúng ta học cách làm như vậy. Con người đứng giữa các sự vật nhỏ bé và các hoàn cảnh rộng lớn và phải biết cách di chuyển về hai phía cùng một lúc. Để làm được điều ấy, tôi tập nhìn vào các nghệ thuật điêu khắc hậu tối giản (post-minimalist). 

Tôi vượt qua một hàng rào gãy đổ, đi qua một chiếc cầu ván mỏng mảnh, có lẽ ngày trước bắc qua đầm lầy, giờ đây chắc đã cạn, cỏ lau mọc trắng xóa, tôi nhìn thấy một dây phơi quần áo phấp phới bay. Trên dây phơi có quần dài của đàn ông, quần lót của phụ nữ, một chiếc áo đầm cưới màu trắng trinh bạch. Tôi dừng lại một lúc, ngẫm nghĩ, tôi đoán là một cặp vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mặt ở nơi hoang dã. Tôi đứng lại bên hàng rào. Không phải, hóa ra một cặp vợ chồng già, kỷ niệm bốn mươi năm ngày cưới.

We would sometimes sit
on benches outside the dining room.
The smell of leaves burning.
Old people and fire, she said.
Not a good thing. They burn their houses down.

Đôi khi bọn ta nên ngồi
Xuống băng ghế ngoài phòng ăn
Mùi thơm của lá cây cháy
Người già và ngọn lửa, này này, chị tôi nói
Không tốt đâu đấy. Cả hai có thể đốt nhà mi cháy rụi.

Louise Glück

Tháng tám, nhiều hoa đã tàn: thủy tiên, mẫu đơn, hồng, đợt đầu tiên. Bây giờ là mùa của thược dược, oải hương, tường vi đỏ bên rào, và cúc, cúc vàng và trắng mọc hoang đàng khắp mọi nơi.

Một đám cháy sẽ đi qua đây vào buổi chiều, khi em không còn nữa.

Nguyễn Đức Tùng