Nguyễn Đức Tùng: Ngày khai trường

Hình minh họa: Max Fischer

Trong ngày khai giảng năm học mới, Tony bảo: con không muốn đi học. 

Cách đây nhiều năm, bằng tuổi Tony bây giờ, lên sáu, ta đã nói đúng câu ấy. 

Ngồi trong lớp, nhớ mẹ, chỉ mong về nhà. 

Ta nhớ cái bếp của mẹ, tưởng tượng giờ này đỏ lửa, mẹ ta đứng trong vườn khom người hái rau, trên sân bầy gà con nhảy loi choi khỏi chuồng kêu chiêm chiếp, tiếng gàu nước ai thả rơi bên giếng. Nhớ cả cánh đồng sau mùa gặt khói đốt cỏ bay lên, hang dế mèn đêm trăng, nhớ mấy thằng bạn may mắn khỏi phải đi học. Ngày đầu tiên thật khốn khổ. Trong lớp khi thầy giáo trò chuyện với cha ta, thì ta đứng im ở đó, nửa sợ hãi, nửa tức giận. Ta nhìn ra cửa sổ thấy vài đứa trẻ chơi trong vườn ổi, hồ nước trên sân trường hoa súng hồng phấp phới, người bán kẹo kéo đẩy xe qua rặng liễu. Tất cả có một vẻ trang nghiêm, hùng vĩ, tươi mới, làm ta vừa tò mò vừa lo ngại. 

Nhưng cảm giác nhớ nhà, nhớ mẹ vẫn mạnh mẽ hơn. Trong khi mẹ ta dịu dàng bao nhiêu thì thầy cô giáo coi bộ nghiêm khắc bấy nhiêu. Bắt chước một đứa khác, ta xin phép ra ngoài đi vệ sinh nhiều lần, khiến thầy giáo nghi ngờ cậu học trò bị bệnh thận bẩm sinh. Nhưng ta chẳng có bệnh gì cả, chỉ không thích ngồi im một chỗ, bắp chân đau mỏi, thì ra chạy nhảy làm cho chúng bớt đau, lại ngồi giữa hai đứa con trai mặt mũi tèm nhem, một đứa có ba hàm răng, một đứa cứ hở ra là khóc, coi bộ cũng đau khổ như ta. Nhưng nhớ nhất là cây súng cao su mới lắp hai sợi dây màu hồng, cứng mà đàn hồi, đeo lủng lẳng trước ngực sướng mê. 

Vậy ta tới đó, trong buổi sáng khai trường, ngơ ngác, như có ai kéo phắt mình ra khỏi tuổi thơ, khỏi tháng ngày êm ả. Khỏi trò chơi trốn tìm, cái miếu hoang đêm tối om, ta ngồi im như thóc, trong khi mấy đứa đi tìm kia bắc tay làm loa kêu gọi, ta thấy mi rồi ra đi, nhưng mặc kệ, vì biết chúng giả vờ. Thế là ta ngồi đó, nín thở nhìn mọi người đi qua, đắc chí vì giữ lâu một bí mật. 

Đời ta từ đây về sau, thế là gắn liền với bổn phận, công việc, từ đây rời bỏ những đứa trẻ chăn trâu cắt cỏ vi vu, rời bỏ căn bếp. Ta chưa biết rằng đó là ngã rẽ vào niềm vui khác, với tập vở Cyclo, bình mực Parker, ngòi viết lá tre lập lòe, phượng vĩ đơm hoa. Nhiều năm sau, khi trở về trường tiểu học cũ, đứng trong sân, nhìn những dãy lớp nay đã biến thành gạch vụn trong chiến tranh, lòng thương thầy nhớ bạn dâng lên, ta muốn khóc như ngày đầu xa nhà. 

Thì ra trường học cũng là ngôi nhà của chúng ta, ngôi nhà thứ hai, nhưng rộng lớn hơn, trong đó thầy cô giáo là cha mẹ thứ hai của ta, bạn học là anh chị em thứ hai. Thậm chí con sẽ còn gặp họ nhiều hơn gặp người thân trong gia đình, sẽ còn học ở họ nhiều hơn thế nữa. Nhưng buổi sáng đầu tiên ta không biết điều ấy. Thấy mặt ta rầu rĩ, thầy giáo an ủi, dẫn lên ngồi ngay hàng ghế đầu, rót cho một ly nước lọc. 

Nhiều năm sau ta còn gặp lại thầy giáo đầu tiên của mình lần nữa, lần cuối cùng, trước khi ông qua đời, thấy ông đạp xe trên đường làng, yếu lắm, lưng còng xuống. Thầy phải về làng làm ruộng, vì không được đi dạy, già đi nhiều. Thầy ôm lấy ta, rưng nước mắt. Đó là lần cuối cùng, khi chiến tranh đã kết thúc, sau này không gặp nữa. Mỗi khi nhớ lại buổi tựu trường, ta đều nhớ bàn tay hiền từ của ông dắt ta tới chỗ ngồi mới, dãy bàn đầu của lớp học, nhìn lên nét chữ thầy viết nắn nót trên bảng đen bằng phấn trắng, phấn vàng, những chữ đầu tiên: Uống nước nhớ nguồn, Sĩ số, Hiện diện, Lữ Gia: tổ quốc trên hết. Nhớ lại cái vòng tay ôm hôn cuối cùng của người thầy học cũ trên đường làng mùa thu năm nào, ly nước lọc trên bàn loang vết mực xanh tím. Tình thầy trò và tình bạn cùng lớp cùng trường cũng cao quý như tất cả những tình cảm gia đình, tình cha mẹ, anh chị em, con hãy ghi nhớ. 

Nguyễn Đức Tùng 

(Thư Gởi Con Trai)