Nguyễn Đức Tùng: Người nữ trong truyện Nguyễn Thị Minh Ngọc

Nhà văn, nhà biên kịch sân khấu-điện ảnh Nguyễn Thị Minh Ngọc

Điều kỳ lạ trong truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch là chúng ta gặp ở đó những nhân vật mà chúng ta gặp ngoài đời, đâu đó. Hoặc chúng ta tin như vậy. Người bạn học thời nhỏ tuổi, ông già trước cửa, người tình cũ, viên cai ngục. Nhân vật của Nguyễn Thị Minh Ngọc có đủ loại, già và trẻ, người buồn rầu, người vui vẻ, người có duyên phận không may, nhưng phụ nữ là nhiều nhất. Giữa các nhà văn phái nữ trong thế hệ của Minh Ngọc, không ai viết như chị. Mà hình như trước và sau đó cũng không, chúng ta thử coi: Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Túy Hồng, đều viết khác. Các nhà văn trẻ hơn, trong nước, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư, viết cũng khác. Điểm đặc biệt của Minh Ngọc là gì? Là ở nghệ thuật xây dựng nhân vật và lối văn tự nhiên, giản dị mà lôi cuốn, rất miền Nam, dễ hiểu, hơi bình dân. Chị là người kể chuyện hơn là một stylist. Hầu hết tác phẩm của Minh Ngọc là truyện ngắn. Tôi có đọc một truyện dài của chị, Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ, nhưng tôi chú ý nhiều hơn đến truyện ngắn, số lượng lớn, viết dồn dập, từ Trăng huyết đến Người đàn bà bốc mộ, từ Quán trọ đến Những giấc mơ riêng, từ Cạn duyên đến Mai sau dù có bao giờ, ngòi bút của chị thao thao bất tuyệt, khi ngậm ngùi man mác khi nóng bỏng da diết, đầy dục vọng, như tình đầu, tình cuối.

Có đêm tôi mơ thấy mình bơi ra cù lao. Ðó là những hòn đá sắc cạnh màu huyết lởm chởm hào hến. Huyên đứng trên đỉnh tự bao giờ. Anh gỡ tay tôi nhoi lên bám đá. Ðá sắc cào xướt một bên ngực, vẫn mạnh bạo như một con kình ngư, tôi thong dong bơi vào bờ. Có tiếng ông Hạo gọi sau lưng. Ông ta vừa bơi vừa giơ cao một nhánh rong mơ định trao cho tôi. Nhưng sóng dạt, chẳng bao giờ chúng tôi chụp bắt được nhau. Rồi tôi thấy mình đứng trước một tấm kiếng lớn. Áo toạc ra, tay cầm bông băng định băng vết thương, nhưng vết sướt đẹp quá khiến tôi cứ đứng ngắm hoài hủy. Máu tươm một đường đỏ, chấm dứt ở đầu vú trông như một nhánh hồng đầy gai máu. Rồi tôi hôn tôi.

Trăng Huyết, một trong những truyện viết sớm của Minh Ngọc. Trước đó nữa, truyện thiếu nhi. Khác với đoạn văn trên, lối viết của chị nghiêng về kể chuyện (tell) hơn là mô tả (show). Một số nhà phê bình đương đại có thể muốn nhìn thấy ở chị sự cân bằng hơn nữa giữa hai bút pháp. Tuy nhiên, đừng quên truyện Minh Ngọc có nhiều đối thoại, và có lẽ vì kinh nghiệm sân khấu như một đạo diễn và diễn viên, các đối thoại ấy của chị linh động, gần như tả trực tiếp. Tôi muốn nói là chị giải quyết các xung đột, các cảm xúc bằng lối gợi ý, đề nghị, gián tiếp. Đó không phải là một nghệ thuật dễ dàng; không phải khi nào cũng thành công, nhưng khi chị thành công, văn Minh Ngọc sáng ngời như biểu tượng của nghệ thuật hôm nay. Hãy nghe chị nói về nghệ thuật và ngôn ngữ:

“Mỗi quốc gia đều có một số vấn đề nhậy cảm của nó. Ðặc biệt đất nước của tôi, nơi có câu chuyện mở đầu cho một dân tộc là cặp vợ chồng Việt đầu tiên, sau khi có với nhau trăm đứa con đã phải chia tay nhau, chồng đem năm mươi con xuống biển, vợ đem năm mươi con lên núi.

Cùng một Ngôn Ngữ Việt, nhưng không hiểu nhau là chuyện bình thường. Chúng tôi thường nói đùa với nhau khi có ai đặt vấn đề về Việt, phải hỏi kỹ xem Việt nào? Việt Bắc, Việt Nam, hay Việt Trung, Việt Kiều hay Việt Cộng, Việt gian?

Tôi muốn kể ở đây, một trải nghiệm nữa về một mẫu diễn có thể hiểu theo nhiều cách. Những khi đi một mình, tôi thường diễn lại những vai mình đã viết, dựng hay diễn để một kiểu nào đó, bằng một cách gián tiếp, giúp người xem có thể hiểu hơn một Việt Nam nói chung và một sân khấu miền Nam đầy phức tạp và nhậy cảm. Một trong những cảnh tôi xử dụng là một người mẹ phải bỏ con trong chiến tranh để cứu sinh mạng của cả nghìn người. Ðã có ít nhất năm cách nhìn khác nhau với trích đoạn này.

– Ở những vùng quê, khán giả phải chèo ghe, đốt đuốc đến coi, những phụ nữ khóc vì thấy cuộc đời đầy hy sinh của chính họ trong đó.
– Một nam khán giả trẻ ở Mỹ xem trích đoạn đó với chín trích đoạn khác do một mình tôi diễn thì đề nghị đàn ông Việt Nam đừng xem Minh Ngọc diễn, vì anh nhìn thấy trong đó lời tố cáo sự vô trách nhiệm của đàn ông Việt Nam.
– Khi diễn ở một hội nghị phụ nữ trong sân khấu ở Manila, những tiết mục của Việt Nam được cho là mélodrame.
– Một người Việt ở Mỹ thì đề nghị tôi đừng diễn cho sinh viên Mỹ xem vì văn hoá Mỹ không chấp nhận mẹ bỏ con vì bất cứ lý do gì.
– Một phụ nữ Việt ở Mỹ chưa được xem nhưng đã kết luận rằng tôi đã tôn vinh một người phụ nữ về sau làm chủ tịch hội phụ nữ ở Việt Nam với mục đích tuyên truyền cho chế độ hiện hành.

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu còn khoảng vài chục cách nhìn khác với trích đoạn đó. Ngay chính tôi, khi nhìn lại những điều mình làm, tôi còn có những cái nhìn khác nhau thì không trách chi những người khác.
(Nguyễn thị Minh Ngọc, Da Màu, Ta tìm tiếng ta: nói cùng tiếng qua mẫu tính)

Các nhà tiểu thuyết được xem là xây dựng nhân vật dựa vào người có thật trên đời. Nhưng cũng như trong hội họa, các bức tranh ấy không phải là ảnh truyền thần mà thông qua tưởng tượng. Sự tưởng tượng ấy vừa làm cho nhân vật trở nên khác lạ, vừa là tấm gương của đời sống, tạo ra một hiện thực khác. Minh Ngọc gần với chủ nghĩa hiện đại. Chị tin vào các giá trị căn bản của loài người và của dân tộc. Dù có nhiều nhân vật nữ đi lạc ra ngoài đám đông, có một đời sống hỗn loạn, có bi kịch, Minh Ngọc vẫn là người bảo vệ các giá trị truyền thống. Đúng hơn, chị gần với Margaret Atwood, nữ quyền mà vẫn truyền thống, căn bản. Tôi thích cách trò chuyện của nhân vật, giọng nói của họ, những cá tính miền Nam, nghệ thuật diễn đạt trên sân khấu. Nhờ thế, văn chị linh động, dễ đọc, đôi khi gần như bình dân. Tất nhiên, về mặt sáng tạo văn chương, đó vừa là ưu điểm, vừa là khuyết điểm.

Giữa trưa, người ta vẫn đi đông đúc điên cuồng qua các nẻo. Trên khoảng đường từ ngã ba chú Ía tới nhà chiêm tinh gia Hồng Diện nượp nượp người đi, con bé đệ tử của Hồng Diện lách qua các chỗ kẹt xe khá giỏi bằng cách chui vào các hẻm nhỏ luồn xuyên đường lớn. Bội Châu khâm phục.
“Sao cưng rành mấy ngõ tắt nầy hay quá vậy?”.
“Dạ, hồi đó cháu có thằng bồ chuyên giựt dồng hồ, dây chuyền, nó có huấn luyện cháu”.

Đối thoại là một điểm mạnh của chị. Các đối thoại trong văn Minh Ngọc là những đối thoại xúc cảm (emotional dialogue). Đối thoại xúc cảm không dễ viết, nhưng bạn chỉ cần vài câu là bộc lộ tính cách nhân vật, you are what you say. Bây giờ, truyện ngắn và tiểu thuyết phát triển thành nhiều thể loại, nhiều giọng nói, một truyện có thể được kể lại bởi ngôi thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba, có thể gồm tất cả chỉ là đối thoại, hoặc không có đối thoại nào cả. Một truyện ngắn có thể là một câu văn một mạch mà thôi, mà Jon Fosse không phải người đầu tiên, cũng có thể gồm nhiều câu ngắn, nhiều dấu chấm, như Anthony Doerr, có thể hoàn toàn trên trời, nhưng cũng có thể gồm nhiều sự kiện lịch sử. Minh Ngọc là một người của đời sống hôm nay, chị đứng trên mặt đất, dù là người mơ mộng, chị viết như là kẻ chứng kiến sự việc, như một người quan sát trong thế giới trực tiếp. Đôi khi chị cũng nhận xét về các câu chuyện, tự tách mình ra khỏi các nhân vật mà khen ngợi, mà mỉa mai, mà châm biếm họ, hay tự châm biếm mình. Bình dân có thể thành dễ dãi. Đọc đoạn sau đây có người thích, người không, riêng tôi thì thấy thú vị.

“Sao bà ấy khám phá ra được? Ông đòi đi Việt Nam nữa à?”.
“Một bữa ông chui vào hốc cửa nói chuyện điện thoại bà mới sanh nghi nghe lén. Lọt vô tai bà là “Làm như người ta không nhớ vậy, cũng muốn chết đây nè!”.
“Ðàn ông đã sanh lòng như vậy lại xấu, không việc làm, thì thôi cho đi luôn, tiếc làm gì!”.
“Ai ở ngoài nói cũng ngon lành hết. Trong cuộc rồi mới biết.”

Truyện hôm nay mở rộng cho mọi đề tài, mọi thử nghiệm, tuy vậy, các yếu tố sau đây vẫn tồn tại: nhân vật, sự ao ước và khổ đau của họ, các xung đột. Truyện ngắn của Minh Ngọc chứng tỏ chị giữ vững quan điểm ấy. Khả năng hài hước và tự trào của một diễn viên kịch nói và cải lương, khả năng đối thoại, đã được chị dùng tới trên trang viết của mình.

– Năm này em học lớp mấy? – Lớp nhứt.
– Vô Sàigòn chi vậy? – Thăm ba.
– Ba em làm cái gì ở trỏng? – Ði làm.
– Làm gì? – Làm việc.
– Việc gì? – Việc gì ai biết?
Ngó bộ tôi sắp nổi quạo, người đàn ông không thèm hỏi nữa, bước ra cửa xe, huýt sáo nhỏ một bài hát không nghe hay chút nào hết. Hai hàng ghế trước mặt tôi hình như là của một gia đình di chuyển với tất cả đồ đạc lỉnh kỉnh lảng cảng.

Nhân vật của Minh Ngọc là người nữ đương đại. Gái mới lớn, người tình, người mẹ, người phiêu lưu, kẻ cao sang, người cùng khốn, người nô lệ, kẻ hy sinh. Là sự huyền bí, là người đàn bà hiện thực. Khó có thể tách biệt các yếu tố khác nhau, đặc biệt là giữa các xung đột và các nhân vật của chị. Truyện của Minh Ngọc không chỉ là câu chuyện được kể lại, câu chuyện ấy đã xảy ra cho Một Người. Nhiều người viết truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch dựa vào cốt truyện, mà cốt truyện dựa vào các xung đột. Trong văn Minh Ngọc, các nhân vật quyết định các xung đột. Không phải là những gì đang xảy ra cho một nhân vật hay nhiều nhân vật mà là phản ứng của họ đối với các tình huống ấy. Đọc Minh Ngọc vì vậy dễ mà khó. Câu chuyện của chị được kể khi thong thả khi dồn dập, khi là những đối thoại có tính tâm tình, khi là những diễn tiến có tính kịch. Người đọc nghiêng về cốt truyện sẽ tìm thấy văn chị dễ hiểu, trong sáng, cổ điển. Người đọc nghiêng về phân tích nhân vật sẽ thấy chị khó đọc hơn là họ tưởng. Người đọc thụ động, đọc vì sự tò mò tìm hiểu diễn tiến của chuyện, đọc như một thụ hưởng, như khi bạn vào một hiệu ăn, ngồi chờ người ta mang bữa ăn ra, sẽ dễ nhìn thấy trong nhiều truyện ngắn của Minh Ngọc các diễn biến quen thuộc, các quan hệ quen thuộc, người nữ của duyên phận, một khái niệm được Minh Ngọc dùng nhiều. Người đọc chủ động sẽ tìm thấy sự tương tác giữa họ và tác giả. Người viết chỉ kể lại diễn tiến, nhưng người đọc phải diễn dịch ngôn ngữ và hành động của nhân vật, thành những quan điểm, lối nhìn, tâm lý.

“Ngày tiếp ngày, đêm tiếp đêm, chị Năm vẫn hì hụi đi làm, chị Sáu vẫn lặng lẽ may, út Mười duyên dáng trong những vai chọc ghẹo người ta cười. Tôi vẫn đi dạy và thỉnh thoảng viết những câu chuyện mong sẽ có người vui khi đọc. Chúng tôi sống an phận mình trong một đời riêng đã cùng kiệt duyên phần.”

Người nữ trong văn học Việt Nam, từ những năm ba mươi thế kỷ trước, đến nay, có ít nhất sáu mẫu nhân vật (feminine archetypes) sau đây:

– Người phụ nữ an phận, thời phong kiến, nhưng thực ra thời nào cũng có. Bây giờ càng nhiều.
– Người phụ nữ tân thời, như Mai trong Nửa chừng xuân của Khái Hưng, Loan trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Tự lực văn đoàn.
– Người phụ nữ cùng khổ, như trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao.
– Người phụ nữ anh hùng như trong văn học chiến tranh miền Bắc.
– Người phụ nữ hiện đại, nổi loạn nhưng vẫn giữ gìn các các giá trị căn bản về đạo đức, như trong văn học miền Nam.
– Người nữ đương đại, phức tạp, thông minh, nữ quyền, mạnh mẽ, lạc lối, cầu an, lo âu.

Nhân vật của Minh Ngọc là sự phối hợp giữa các mẫu hiện đại và đương đại. Tính hợp lý trong cốt truyện và trong việc mô tả các nhân vật là đề tài thú vị trong phê bình tiểu thuyết hiện nay, một đề tài gần như bất tận. Những đoạn độc thoại của Minh Ngọc bổ sung cho các đối thoại, là những đoạn thú vị nhất đối với tôi, vì tôi tìm thấy ở đó ba giọng điệu: giọng của người phụ nữ, giọng của người miền Nam, giọng của một kịch sĩ. Nhiều người dựng cốt truyện trước khi mô tả nhân vật, nhưng tôi tin rằng Minh Ngọc nuôi nấng các nhân vật của mình khá lâu trước khi chị tìm thấy họ một lần nữa, trong các câu chuyện kể, tức là trong những hành động bên ngoài. Các nhân vật trong tiểu thuyết và trong truyện ngắn của chị đều khá thống nhất trong tính cách từ đầu đến cuối. Trong thực tế cuộc đời, chúng ta có thể thấy con người hành động bất thường, khi mưa khi nắng, khi yêu khi ghét, khi vị kỷ khi vị tha. Tuy vậy, nhìn sâu vào bên trong, trong từng truyện thành công của Minh Ngọc, các nhân vật ấy là con người thống nhất, lề lối cư xử của họ phần nhiều có thể đoán trước được (consistent).

Chủ nghĩa hiện thực nói đến tính điển hình của nhân vật văn học. Tính điển hình là một quan niệm được diễn dịch và áp dụng rộng rãi và gần như bừa bãi trong nhiều năm, nay gần như bị bỏ rơi. Tuy vậy, quan điểm ban đầu của tính điển hình là cần thiết khi xem xét nhân vật. Cũng như vậy, tính cách nhân vật của Minh Ngọc là điều mà con người thường làm, không phải là điều mà họ đôi khi vẫn làm, hay rất hiếm khi họ làm. Tôi vừa nói đến chủ nghĩa hiện thực, nhưng Minh Ngọc là một người viết sớm, trên Tuổi Ngọc của Duyên Anh trước năm 1975, trải dài nhiều năm, và về mặt số lượng là lớn bậc nhất trong các nhà văn nữ, nếu tôi không lầm, vì vậy ở chị, phải có sự biến đổi. Có những yếu tố lãng mạn, hiện thực, đôi khi siêu thực, trong văn của chị. Tôi nghĩ, giá trị căn bản của bút pháp Minh Ngọc nằm ở sự kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực và các quan điểm mới nhất trong văn chương: chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa hậu thuộc địa, đặc trưng của sân khấu, các quy luật riêng của giọng nói người miền Nam. Các nhân vật phụ của Minh Ngọc, trong những truyện thành công, cũng khá sống động, có thể đứng riêng rẽ một mình, không phải cái bóng của nhân vật chính. Các nhân vật khác nhau của chị có ít nhiều rây mơ rễ má với đời sống riêng và đời sống kịch nghệ của tác giả. Nói cách khác, chúng gần với tự truyện hoặc các diễn ngôn tiểu sử. Không dễ dàng tránh được giản dị hóa các nhân vật phụ, biến họ thành phát ngôn viên cho ý tưởng của nhà văn, nhưng so với nhiều người viết hiện nay, chị tránh được trong nhiều truyện. Hầu hết câu chuyện của chị là chuyện tình hoặc là về mối quan hệ giữa một người nữ và một người nam. Vậy điều gì làm cho các truyện ấy khác nhau? Đọc các nhà văn Việt Nam, tôi lo lắng về sự lặp lại. Có ba sự lặp lại đối với người viết nhiều: cốt truyện, nhân vật, chủ đề. Con người có khuynh hướng khái quát hóa những trường hợp riêng lẻ. Từ một xung đột cụ thể, bạn muốn nhìn thấy các động cơ bên trong, các bối cảnh xã hội đằng sau, các động lực phân tâm học bên dưới, các động cơ vô thức.

Như cỏ đứt rễ,
Nước cuốn xuôi dòng.
Thân tôi trôi nổi
Ai có rủ rê,
Sẽ sống phiêu bồng

Đó là câu trả lời của Komachi khi được một thi sĩ khác rủ đến một vùng đất mới. Đã có người cho là Komachi gần với Hồ Xuân Hương của người Việt: đẹp, tài, đào ba, hư ảo dù hai người cách nhau hơn chục thế kỷ. Người phụ nữ ngồi rất gần tôi kia không thể là Komachi dù Nữ rất đẹp, một nét đẹp bí ẩn bất chấp thời gian như lời thoại trong vở kịch mang tên nàng: “Một mỹ nhân, dù có tăng thêm bao nhiêu năm tháng, vĩnh viễn vẫn là mỹ nhân”. Chính nét đẹp bí ẩn như một cơn mộng ấy khiến tôi không dám gợi chuyện với Nữ vì cứ ngại cơn mộng kia bị tan ra như sương mù khi nắng lên.

Đời sống là một mớ hỗn độn gồm các sự kiện, các tiếng động ồn ào, các nhân vật nhí nhố, như khi bạn bước vào một ngõ hẻm đông đúc dân nghèo hay dân lao động. Nếu bạn đi qua một lần, như một du khách, bạn không muốn quay lại nữa. Nhưng nếu bạn có dịp ngồi đó suốt một ngày, hay ở lại nhiều ngày, thì khác. Tôi đã có một lần như vậy, ở lại một tuần lễ trong một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn, trời mưa nước chảy ngập đầu gối, trời nắng bụi tung mù, suốt ngày ngửi mùi heo quay, mùi vịt quay của người Hoa, mùi hành tỏi, nước mắm của người Việt, mùi mồ hôi và nước tiểu, tiếng trẻ con, tiếng người phụ nữ ngồi khóc sau tấm màn cửa. Năm ấy tôi hai mươi tuổi, trước khi bỏ đất nước ra đi, và tôi nhận ra rằng mỗi người có một số phận kỳ lạ, nếu bạn biết lắng nghe câu chuyện của họ, bạn hiểu vì sao. Nhà tiểu thuyết là một người như vậy. Người ấy sắp xếp các câu chuyện lại, giải thích các sự kiện, đặt các hành động của nhân vật vào những bối cảnh tự chúng có thể giải thích được, không cần lời giải thích của nhà văn. Cái vô hình dạng biến thành có hình dạng, cái hỗn độn không hiểu được trở thành có thể hiểu được. Ở giữa những số phận lạ lùng, những cư xử bất ngờ, Minh Ngọc nhìn thấy mối quan hệ giữa hành động và tính cách, và do đó, chị tìm thấy ý nghĩa của chúng.

Mẹ nói:
“Sao anh không nhìn thấy những cái đẹp đẽ, cao quý của nó”.
Ba nói:
“Cao quý gì nổi với cái kiểu quản lý sân khấu như vậy! Cả anh, cả em, cả chúng ta đều đang bị bóc lột bởi một số người vô công, rỗi nghề và ngu dốt”.

Tìm thấy ý nghĩa là công việc quan trọng nhất của nhà văn, tôi nghĩ. Chủ đề của Minh Ngọc trải rộng, những truyện thành công lập tức dẫn đến câu hỏi về cái tốt và cái xấu, cái lành mạnh và không lành mạnh, cái đúng và cái sai, cái chết và tình yêu, sự cao cả và sự tầm thường. Chị là người rộng rãi, hào phóng, dễ tính, đa tình, nhưng nghiêm mật, và chị thể hiện chúng trong các nhân vật nữ của mình, đôi khi tựa như phiên bản của tác giả. Sự phân biệt giữa cái riêng lẻ và cái phổ biến là quan trọng ở các nhà văn. Không phải khi nào những vấn nạn của đời sống cũng có những giải pháp của chúng. Sự xung đột giữa tự do và độc tài, giữa nghĩa vụ và tình yêu, cái ta và cái khác, không dễ dàng tìm được lời giải đáp trong truyện và tiểu thuyết của Minh Ngọc. Tác giả không cầu nguyện cho các nhân vật, không dạy họ các hành xử trong đời, tác giả chỉ tiết lộ những bí mật về họ và tìm cách diễn dịch hành động của các nhân vật ấy dưới cái nhìn độc đáo của mình.

“Cháu là Châu, đang thất nghiệp, chẳng có gì để nói về mình”

Vậy theo bạn, Châu là người thế nào?
Khiêm tốn hay tự kiêu? Kín đáo hay thách thức?

Không phải bao giờ cái tốt cũng chiến thắng. Không phải bao giờ tự do cũng chiến thắng. Không phải bao giờ cuộc sống lầm than của dân tộc chúng ta cũng tìm thấy hy vọng. Cách người đọc hôm nay thưởng thức truyện của Minh Ngọc, tìm thấy sự thú vị của chúng, sẽ khác với tiên lượng của tác giả, vượt ra ngoài ý định ban đầu. Nếu họ trở lại với truyện của chị là vì họ tìm thấy ở đó những ý nghĩa cho riêng mình. Tuy vậy, tôi vừa nói đến ý nghĩa: sự diễn dịch văn bản không phải là vô tận, vì chúng chứa một ngôn ngữ phi văn cảnh, như trong quan điểm của Chomsky. Truyện của Minh Ngọc đôi khi có những tình tiết éo le, kiểu các vở cải lương hay kịch cổ điển, đôi khi chỉ là chuyện giản dị, lời tâm sự, độc thoại, một tình yêu dai dẳng như nỗi ám ảnh. Lối viết đương đại cho phép nhà văn phóng túng hơn ngày trước, ở đó các nhân vật có thể bị làm cho mờ nhòa, kể chuyện mà không có chuyện gì cả, cái kết không rõ ràng, ví dụ trong trường phái Tiểu thuyết mới hoặc các tiểu thuyết hậu hiện đại. Tuy vậy nhiều nhà văn thời danh vẫn trung thành với cách dựng cốt truyện, có đầu có đuôi, có cao điểm và giải pháp, có xung đột tiêu biểu. Nguyễn Thị Minh Ngọc là một người như vậy, trong nhiều truyện. Một cách cổ điển, các nhân vật chính diện tìm cách đạt được điều mong muốn và họ sẽ chiến thắng hay sẽ thất bại. Minh Ngọc có một lối dựng truyện hơi khác, ở đó các nhân vật chính của chị được đưa vào tình huống mà người ấy phải chọn lựa, ví dụ hai số phận khác nhau, ở lại hay bỏ đi, từ chối hay can dự. Càng ngày lối viết của chị càng phóng khoáng hơn và trong những truyện mới viết những năm gần đây, mô thức xung đột ấy cũng thay đổi đi, biến hóa. Có một hiểu lầm ở nhiều người mà tôi nghĩ cần làm rõ ở đây. Khuynh hướng tiểu thuyết đương đại ngày càng coi nhẹ cốt truyện và thậm chí việc xây dựng nhân vật, tìm cách đồng hóa truyện và tiểu thuyết với các thể loại creative non- fiction, bút ký, tùy bút, tạp bút, tản văn. Đúng là truyện và tiểu thuyết có thể bỏ qua nhiều thứ, nhưng không thể bỏ qua xung đột. Đó là sự xung đột giữa hai nhân vật hoặc giữa hai lối sống hoặc giữa hai tư tưởng. Minh Ngọc ý thức về điều ấy. Việc giải quyết các xung đột của một nhà văn bộc lộ tài năng và tính cách của người ấy. Cảm xúc không phải là hành động, không phải là tình tiết câu chuyện, không cụ thể, có thể chạm tay vào được, nhưng chúng ở giữa tất cả những thứ ấy, làm nên không khí của truyện. Không khí của truyện Minh Ngọc là cảm xúc (emotion). Nghệ thuật của người viết là bằng cách không mô tả trực tiếp cảm xúc, vẫn làm cho chúng hiển hiện ra. Cảm xúc ấy là cảm xúc của các nhân vật trong truyện, không phải là cảm xúc của người đọc. Tuy nhiên một nhà văn giỏi sẽ làm cho bạn tin rằng: giả thiết bạn là nam, trong khi ngoài đời bạn là nữ, bạn sẽ cảm xúc ra sao; giả thiết bạn là nữ, trong khi ngoài đời bạn là nam, bạn sẽ đau khổ và vượt qua thế nào. Nghệ thuật dựng nhân vật của Minh Ngọc là đóng góp lớn của chị vào gia tài văn học.

Tôi tin một số truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Ngọc sẽ ở lại lâu dài với chúng ta. Chúng kể lại một cách sống động các tính cách, các số phận do tính cách ấy quyết định và các số phận do trời xui khiến mà chị gọi là duyên phận, các xung đột và hy vọng của con người hôm nay.

Tôi hẹn Ph. cuối tuần tới sẽ trả lời câu hỏi khó khăn kia. Nếu là tôi bạn sẽ làm gì? Một cuộc đời gần như chưa biết thế nào là yêu và sống, ngoài những giây phút tưởng là sống và yêu trong tưởng tượng của mình. Bỗng dưng như một giấc mơ đẹp, hoàng tử của mình hiện ra, trễ gần cả nửa thế kỷ. Thật ra chuyện cổ tích thì có cả thế kỷ vẫn là con số quá nhỏ, không là quan trọng. Vấn đề là như tôi đã quyết định từ đầu, tôi phải chạy thôi. Tôi không có thói quen sống với sự thật. Hơn nửa đời người tôi đã quen sống với một tôi khác. Tôi không còn một cái tôi thực như tôi là để sống một đời giản dị chân thật với người tôi yêu.

Tôi phải rời New York. điều đó khiến tôi cảm giác mất mát hơn cả chuyện phải rời xa Ph., người mà tìm mãi mới gặp, dù rằng trong tư thế khá trái ngang, tôi chuẩn bị tặng người mộng của mình cho bạn hữu.

Bạn phải biết tôi đã đau đớn như thế nào trước quyết định đó. Như là mình dứt một phần hồn, một phần đời của mình để lại nhân gian. Tôi đổi nghề, đổi nơi sống. Quê nhà không thể về. Quê người cũng không nương náu được. Tôi trôi về một nước thứ ba.

Nhân vật của chị hiện lên trên trang giấy, người buồn, người vui, kẻ khóc, người cười, người bị chồng bỏ, kẻ lại bỏ chồng, nhưng đó là một thế giới có thật, hay chúng ta hy vọng là có thật, và bên trong đời sống ấy có những trái tim thuần khiết, can đảm, kiên cường, thèm khát yêu đương, bệnh tật lỡ làng, điều ấy cũng gợi ý về những tâm tính của dân tộc Việt chúng ta. Khi tôi viết những dòng này, Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn đang viết và chị sẽ còn thay đổi, hướng tới một nghệ thuật tiểu thuyết ngày càng xuất sắc. Khi chúng ta nói thế, đó là một lời chúc tốt đẹp.

Nguyễn Đức Tùng