Nguyễn Đức Tùng: Nguyễn Viện, nghệ thuật tiểu thuyết

Một số tiểu thuyết đã xuất bản của nhà văn Nguyễn Viện.

Nhà văn viết để phát hiện. Nguyễn Viện viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, để phát hiện các vấn đề xã hội, văn hóa, con người. Tiểu thuyết của anh là các văn bản quan trọng của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam trong nhiều năm qua, khoảng từ năm hai ngàn. Sinh ở Hải Dương, vào Sài Gòn từ nhỏ, theo đạo Thiên Chúa, anh có nhiều kiến thức về văn học nghệ thuật thời Việt Nam Cộng hòa và thời kỳ sau năm 1975 trong nước. Những tác phẩm đầu tay của anh xuất bản công khai trước năm 2000, sau đó chúng chỉ được xuất bản hoặc ở hải ngoại hoặc bằng các nhà xuất bản ngoài hệ thống nhà nước. Hiển nhiên anh là một nhà văn ngoài lề, bên dưới, underground. Nguyễn Viện có sức viết mạnh mẽ: anh in tập truyện đầu vào năm 1985, Trinh nữ, sau đó Bố mẹ và con và…năm 1997, Hạt cát mang bóng đêm năm 1998, Rồng và rắn, 2002, Chữ dưới chân tường, 2004, Nhảy múa để chết 2013, Đĩ thúi 2015. Anh cũng tự xuất bản bằng nhà xuất bản Cửa do anh sáng lập: Cơn bấn loạn bằng phẳng, năm 2008, Em có gì bí mật, hãy mail cho anh, 2008, Ngồi bên lề rất trái, 2011. Theo tôi, các cuốn Thời của những tiên tri giả, Rồng và Rắn, Nhảy múa để chết, Thảo mai trên dốc gió, Nu na nu nống – xứ mêman là những tác phẩm xuất sắc bậc nhất của Nguyễn Viện và của văn chương Việt Nam đương đại. Anh cũng là tác giả của một tập thơ đẫm hương tình dục: Ba mươi sáu bài thơ tụng ca nhục cảm, tôi có viết về tập này. Chính trị và sex, sự thật và công bằng xã hội, sự xóa mờ ranh giới của các thể loại, và xa hơn nữa sự xóa mờ ranh giới giữa sự thật và phép tuyên truyền, tạo ra đề kháng đối với các truyền thống chính thống, trong một nghệ thuật mới mẻ, táo bạo, gây tranh cãi, sự hoàn hảo của bút pháp trong một số tác phẩm, cái nhìn sâu xa vào chính mình, người kể chuyện và cũng là nhân vật, sự hài hước và phê phán, làm nên cốt lõi của tác phẩm Nguyễn Viện. 

Từ sau những cuốn thành công nhất, anh vẫn tiếp tục con đường của mình, đi sâu, xa, về mặt tư tưởng tiểu thuyết, nhưng hướng đi của anh không thay đổi. Tôi không thấy anh viết nhiều tiểu luận, nhưng nếu anh viết, tôi tin chúng hấp dẫn. Những đoạn văn hay nhất của Nguyễn Viện đi giữa văn xuôi, thơ, và kịch. Tôi quan tâm đến những vấn đề sau đây ở anh: tính tiêu biểu của chủ nghĩa hậu hiện đại, nội dung tư tưởng của tiểu thuyết, bút pháp. Năm 2022, Nguyễn Viện có hai tác phẩm mới, Nu na nu nống – xứ mêman và Cõi người ở lại. Cuốn sau là một tập truyện gồm bốn truyện ngắn hay truyện vừa. Cuốn trước, tôi có đọc trên Da Màu, một kiểu viết khác, dành cho trẻ em, nhưng cũng cho cả người lớn. Mỗi cuốn sách của anh có một trung tâm hấp dẫn: trung tâm của tiểu thuyết của anh là tư tưởng. Tư tưởng ấy là tư tưởng nghệ thuật, không phải do tác giả tìm cách truyền đạt cho người đọc, bằng cách thông báo hay giải thích, mà là tư tưởng nghệ thuật của chính tác phẩm. Làm thế nào mà một cuốn tiểu thuyết có thể có tư tưởng của mình? Đó là vì thông qua các nhân vật, lời kể chuyện, các tình tiết, bút pháp của tác giả, mà người đọc tự tìm tới, tự hình dung ra nó. Như thế đối với người đọc khác nhau, tư tưởng của một tác phẩm có thể khác nhau, nhưng chúng vẫn xoay quanh những điểm chung nào đó. Điều này vừa tạo ra sự mơ hồ, đôi khi lẫn lộn, trong sự diễn dịch, vừa làm cho tiểu thuyết phong phú về nội dung, ý nghĩa. Nguyễn Viện biết áp dụng các tính chất của tiểu thuyết đương thời, như tôi vừa nói trên, vào tác phẩm của anh, một cách thành công.

Từ chữ này qua một chữ khác, từ câu này qua một câu khác, rời rạc và đứt khúc. Hắn nghĩ đó là cách viết dành cho những người có khả năng trực giác mạnh mẽ và sự liên tưởng không giới hạn. Đó cũng là cách có thể đẩy người đọc nhảy vượt qua các các cảm xúc và không gian, thời gian khác nhau. Cách của thần linh đi xuyên qua các thế giới. Nhưng khi bắt đầu viết cho một tiểu thuyết như thế, hắn lại không thể quăng ra từ linh hồn mình các từ hay câu trên các nếp gấp của suy tưởng và hư cấu mà không mang tính văn phạm. Không thể bước trên các ngọn núi mà không leo qua các đường đèo. Dù sao, hắn cũng không thể cưỡng được phải viết theo cách hắn đã nghĩ.

(Nhảy múa để chết)

Tiểu thuyết của Nguyễn Viện thuộc về nền văn học của cái có thể xảy ra, cái khả thể, không phải của cái đã xảy ra. Đó là sự phân biệt giữa anh và nhiều nhà văn tài năng khác. Ngoài ra, tác giả là nhân vật trung tâm, với cái nhìn thấu suốt và có tính bi kịch. Một tiểu thuyết thành công như “Nhảy múa để chết” mời gọi người đọc khám phá đời sống của chính họ, tư duy về xã hội, hấp dẫn việc đọc bằng lối hành văn nhà nghề. Đọc một cuốn sách là nhìn thế giới từ góc nhìn của các nhân vật, thấy được những bi kịch và hài kịch qua góc nhìn của họ. Trước khi có tiểu thuyết, vốn đã có các tự sự, cổ tích, huyền thoại, ở đó người đọc đứng bên ngoài tác phẩm, và thế giới của nhân vật là thế giới riêng rẽ. Chúng ta đứng bên ngoài nhìn vào. Tiểu thuyết hiện nay như của Nguyễn Viện chọn tiếp cận khác, người đọc được mời vào thế giới của nhân vật, tham gia vào đời sống ấy, suy nghĩ như các nhân vật, đau khổ và sung sướng như họ. Cái nhìn nội tâm của tác giả giúp cho người đọc đến gần, xóa đi khoảng cách. Đặc điểm của một tiểu thuyết là sự phối hợp giữa hình thức nghệ thuật và chức năng của nó. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Viện có nhiều chi tiết hư cấu, chi tiết báo chí, chi tiết sáng tác- phi hư cấu. Cả ba xen lẫn vào nhau, chuyển hóa nhau, vận động. Vì vậy sự thành công của tiểu thuyết của anh khó khăn hơn, như một cân bằng động. Khi anh đạt được sự cân bằng ấy, thành công của tác phẩm là đặc biệt. Nguyễn Viện không tránh khỏi sự mô tả dài dòng khi dừng lại ở một vài cốt truyện, chi tiết, nhân vật. Những đoạn mô tả này không thúc đẩy diễn tiến của câu chuyện, có thể tiên đoán, và vì vậy lời văn trở nên có tính giải thích hoặc rao giảng (didactic). Mặc dù nhiều người cho rằng tiểu thuyết hiện nay không cần có cốt truyện, nhưng tôi không tin một cuốn tiểu thuyết có thể vận động một cách mạnh mẽ nếu không dựa vào các động lực bên trong của nhân vật. Việc vay mượn lịch sử hoặc các tiểu thuyết trong quá khứ không phải là điều mới mẻ. Nhà văn phương Tây thường mượn các truyện cổ tích Hy Lạp La Mã, Shakespeare. Việc Nguyễn Viện đi theo mạch của truyện Kiều và các câu chuyện khác, tuy không mới, ví dụ trước đây đã từng có Nguyễn Huy Thiệp ở những mạch khác, nhưng so với Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Viện đứng ở tâm thế mới, vạch một đường ranh giới, tái hiện các câu chuyện cũ trong những nhân vật đương thời, như các nạn nhân.

Khi Anna Karenina ngồi trên chuyến tàu hỏa St Petersburg, Leo Tolstoy không mô tả tâm trạng hay cảm xúc của nàng. Ông chỉ tập trung mô tả cảnh mùa đông nước Nga, tuyết rơi tơi bời ngoài cửa sổ, sinh hoạt trong toa tàu, cử động của người phụ nữ khi lấy cuốn sách ra, đặt lên đùi. Toàn bộ sự mô tả khách quan ấy đều dẫn người đọc đến tâm trạng của Anna: buồn bã, lo âu, phấn khích, tuyệt vọng, ham muốn sống, thèm khát tình yêu, thèm khát tự do. Đó là một nghệ thuật tiểu thuyết mà tôi ưa chuộng, nhưng tôi biết đó không phải là nghệ thuật duy nhất. Nguyễn Viện phối hợp khá hài hòa nghệ thuật kể và nghệ thuật mô tả. Tôi là người chú ý đến phương pháp thứ hai, vì vậy hay bỏ qua các đoạn anh kể chuyện và tập trung nhiều hơn đến những đoạn mô tả trực tiếp. Những lúc anh tạm quên đi cốt truyện, ý định của nhân vật, cách dàn dựng chắc chắn là có trước đó, và tập trung vào các đối thoại, các tính cách nhân vật, Nguyễn Viện có những đoạn văn đặc sắc mà tôi muốn được đọc ở các nhà văn Việt hiện nay, không nhiều: Linda Lê, Thuận, Ocean Vuong, Tạ Duy Anh. Tiểu thuyết như một căn nhà có nhiều phòng, nhưng bao giờ cũng có một phòng quan trọng nhất, một đạo quân di chuyển đông người bao giờ cũng có một bộ chỉ huy. Tâm điểm ấy là tư tưởng chính yếu của tác giả, là cái nhìn, là triết học, và tác giả hy vọng người đọc chia sẻ với mình điều ấy. Tiểu thuyết hiện ngày càng có khuynh hướng đi dạt ra khỏi tâm điểm, nhưng tôi tin rằng không một nhà văn tài năng nào không nhìn thấy bí mật ấy, trung tâm ấy, trong tác phẩm của mình. Người đọc có thể thực sự say mê các tình tiết, các đối thoại hấp dẫn, các chi tiết mô tả nhưng một người tỉnh táo bao giờ cũng tự hỏi, cuối cùng tác giả dẫn họ về đâu?

Nguyễn Viện tham gia vào đời sống, anh có vốn sống, có nhiều tư liệu, có cách tiếp cận với hiện thực riêng biệt. Sự giàu có của các chi tiết đời sống rõ ràng đã giúp anh nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng anh viết trước hết như một hành động tham gia vào hiện thực, thăm dò chúng, thấu hiểu chính mình, và tìm cách thay đổi. Chi tiết của tiểu thuyết bắt nguồn từ hai phía: đời sống và tưởng tượng. Một tâm điểm tiểu thuyết không nhất thiết phải hiển lộ, có thể bí ẩn, vì sự mập mờ, sự lẫn lộn vốn là tính chất của đời sống, cũng là dụng ý của Nguyễn Viện và các tác giả hậu hiện đại. Một chủ đề quá rõ ràng, sự rao giảng về chủ đề ấy, làm tác phẩm trở nên buồn chán. Chúng ta, người đọc, đi tìm trong tiểu thuyết sự an ủi đối với một đời sống đau khổ, sự khích lệ đối với số phận thất bại, sự an toàn như khi ta ở nhà trong thế giới bão táp. Tiểu thuyết chỉ ra ý nghĩa của sự sống, sự tồn tại của con người. Chúng ta đọc vì vui thú. Nhưng sự vui thú đến từ hai nguồn khác nhau: sự giải trí tạm thời và sự vui thú khi tìm được ý nghĩa của tác phẩm, bài học, những trải nghiệm, sự nhìn lại.

Bà ấy lại bảo:

“Làm cho em sướng đi.”

Tôi ngồi trên mông bà và xoa bóp lưng cho bà ấy. Vai và cánh tay bà vẫn thon thả gợi cảm.

Bà ấy nói:

“Em thích cái kiểu cuộn cuộn.”

Tôi dùng mấy ngón tay cuộn từng miếng da thịt chỗ giữa sống lưng và hai bên theo chiều từ dưới lên, nhiều lần. Sự chuyển động của da thịt giống như khai hoang, vỡ đất.

Bà ấy nói:

“Đê mê. Bóp mông em nữa.”

Và tôi đã massage cho bà đến từng ngón chân.

Bà bảo:

“Lao động cho nên người.”

Việc ấy trở thành nhiệm vụ của tôi mỗi khi chúng tôi ngủ với nhau. Và cả hai chúng tôi đều vui sướng. Phục vụ và được phục vụ.

Theo một cách nào đó, quả thật tôi nên người.

Tôi nói:

“Em cần phải được gọi là mẹ.”

Bà cười:

“Anh muốn gọi em là gì cũng được.”

Từ đó, tôi gọi bà là “bà mẹ dân tộc”. Tôi được sinh thành trong tình yêu và sự đĩ thõa của bà.

(Thảo mai trên dốc gió)

Tiểu thuyết Nguyễn Viện buộc tôi phải nhìn con người một cách khác đi, hiểu ra một số khía cạnh mà tôi không biết. Các nhà lý luận thường chia nhân vật tiểu thuyết ra làm nhiều loại, dựa trên những tiếp cận khác nhau, có khi đến mấy chục loại, nhưng tựu trung vẫn là hai nhóm chính: các nhân vật tĩnh (flat), phiến diện, tiên đoán được, đại diện cho một tư tưởng hay một giá trị, như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, và các nhân vật động (round), đa diện, biến đổi, có tính cách, hành động bất ngờ, cá nhân, như Kiều của Nguyễn Du. Một số nhân vật của Nguyễn Viện thuộc loại thứ hai, sống động, một số thuộc loại thứ nhất, là người phát ngôn cho các khuynh hướng xã hội, mặc dù không đến nỗi quá máy móc, nhưng vẫn không hấp dẫn. Không có sự thích thú của người đọc, tác phẩm văn học không tồn tại. Không ai muốn đọc một cuốn sách nói về sự cao đẹp bằng lối văn chán ngắt. Nhưng sự thích thú văn học là một tình trạng phức tạp. Đó không phải là sự thú vị tạm thời như một cốt truyện gay cấn, cái kết bất ngờ, sự quá nhấn mạnh đến một vài chi tiết hồi hộp. Sự hấp dẫn văn học nằm ở chỗ khác. Ngoài ra, truyện của Nguyễn Viện cũng có nhiều thông điệp. Đó là những thông điệp bày tỏ một cách rõ ràng, nhưng có khi chúng nằm sâu trong các ý nghĩa mà người đọc tìm thấy trong phép diễn dịch riêng của mỗi người. Thông điệp trong tiểu thuyết là con dao hai lưỡi: sức mạnh của tác giả nằm ở đó; điểm yếu cũng nằm ở đó. Quá trình diễn tiến của một truyện ngắn hay tiểu thuyết chính là cách suy nghĩ của nhà văn, một quá trình có tính biểu tượng. Một nhà văn không nghĩ về cái chết trừu tượng như một nhà triết học, anh ta nghĩ về cái chết của một người cụ thể, một con vật, một cái cây. Sự mô tả thành công bao giờ cũng là sự mô tả cụ thể.

Cô đứng dưới chân núi. Con chồn có hang nhưng con người không chỗ nương náu. Cô nghĩ, ánh sáng mặt trời chiếu rọi cho cả người ngay và kẻ gian. Chỉ có sự thật mới làm cho người ta trở nên mạnh mẽ.

Ngả người nằm xuống đất, cô thấy ngọn núi chênh vênh, cao vút. Mùi đất thấm vào người cô. Và cô ước ao mình cũng như đất, vững chắc và bình an. Nhưng cô lại cảm thấy mình bị đào xới. Những câu hỏi như những nhát cuốc bổ xuống người cô. Thế giới này làm bằng gì?

Cô không tìm thấy một vùng đất hứa cho sự an toàn, sữa và mật ong.

Đám dân quân du kích xuất hiện trước mặt cô. Họ chĩa súng vào cô, một người lạ.

Không chỉ bị kiểm soát bởi lực lượng an ninh, người lạ luôn được phát hiện bởi cái gọi là quần chúng nhân dân và trong một số trường hợp bởi chính những người quen biết. Vì thế, có thể định nghĩa một người lạ là người đã thoát ra khỏi bày đàn và sống như một cá thể với những bản sắc và suy nghĩ riêng.

Trong một bối cảnh nhất định như ở dưới chân núi, cô bị tra vấn: Cô là ai? Ở đâu tới? Với mục đích gì?

Cô rất muốn trả lời: “Tôi muốn leo lên đỉnh núi và nhảy xuống. Có bác nào biết đường chỉ giùm, xin cám ơn.” Thay vì thế, cô nói: “Tôi đến xem ngọn núi. Và muốn mua nó. Các ông có biết ai bán không?”

Cô có thể bị bắt như một kẻ bị tình nghi do hoạt động không rõ ràng hoặc không thể biện giải cho một tình huống nhạy cảm. Sự “nhạy cảm” bao giờ cũng hàm nghĩa một trạng thái an ninh về chính trị, không giới hạn.

Không ai dám bắt nạt người có thể mua cả một ngọn núi. Cô an toàn trở về.

(Sinh ra từ trứng)

Chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học có thể xét từ Kafka đến Beckett, rồi Coetzee, đến Magaret Atwood. Trong văn học Việt có thể xem được bắt đầu vào khoảng đầu thế kỷ mới, với Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh., Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Viện, Bùi Chát, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Đặng Thân, Lý Đợi, Đỗ Quyên, Lê Vĩnh Tài, Inra Sara, vài người khác, trong đó, trừ Nguyễn Viện, Đặng Thân, hầu hết là nhà thơ. Đặc trưng của Nguyễn Viện là tình trạng phi lý, sự phân tích có tính phân tâm học đối với các nhân vật, cái nhìn sâu thẳm đối với ego của chính mình, các khía cạnh xã hội của tình dục. Đó là tiếng nói bắt đầu từ bóng tối, phía sau, phía ngoài, ly kỳ, bí hiểm. Văn của Nguyễn Viện lạnh lẽo, táo tợn, đôi khi dung tục một cách cố ý. Trong tiểu thuyết của anh ít có những xúc cảm thiêng liêng và những hoàn cảnh ấm áp tình người, nhưng một khi chúng xuất hiện, ngòi bút của anh tỏ ra chất phác dung dị lạ thường.cuộc đời cô tưởng như sẽ chẳng có gì thay đổi khi cô vẫn cứ ngày ngày từ sáng đến tối đi đào bới rễ cây để nuôi sống gia đình mình
nhưng chưa đầy một mùa trăng
chàng trai được cô cứu sống đã quay trở lại và đem theo rất nhiều người
anh xin cô cho phép anh được xây một lâu đài ngay trong khu đất của nhà cô
đồng thời anh thuê tất cả những ai còn sức lao động trong vùng khai hoang và gieo trồng cái cây có bộ rễ đã cứu sống mình mà anh đã trìu mến đặt cho nó một tên mới
cây quý nương
công việc có thể được xem như cuối cùng của anh ở đây là xin được cưới cô làm vợ
nhưng cô ra điều kiện chỉ đồng ý nếu bằng lòng cho cô tiếp tục sống ở vùng quê đang dần trở nên xanh tươi này
cô nói em yêu đất và yêu quê khốn khổ đã cưu mang em
anh ôm lấy cô và nói anh ở lại với em và sẽ biến nơi đây thành một kinh đô xinh đẹp trù phú
cả đến khi ấy
cô cũng không hề biết anh chàng lãng tử đáng yêu này là một vị vua chuẩn bị đăng quang.

(Nu Na Nu Nống – Xứ Mêman)

Trong tiểu thuyết Nguyễn Viện, ký ức, hiện thực, hoài bão, trộn lẫn vào nhau trong một thực thể hỗn độn, được nhào nặn lâu đến nỗi các yếu tố không còn phân biệt được, trở thành một hiện hữu, vừa dị thường vừa chính là khuôn mặt của tác giả. Mọi thứ anh viết về người khác thực ra là viết về chính mình, mọi sự quan sát hoàn cảnh là quan sát bên trong. Nhờ vậy, Nguyễn Viện có mặt khắp nơi trong tác phẩm của mình, không những như một người kể chuyện, tất nhiên, mà như một nhân vật, hơn thế nữa, một hiện diện toàn tâm, toàn năng. Trang viết thấm mồ hôi của thực hữu. Mục đích cao nhất của các nhà văn nói cho cùng là dựng nên một tự sự riêng của mình về các sự thật, cái nhìn thấu suốt đối với thực hữu. Không phải là chủ đề, đề tài, cốt truyện mà chính là cách mà tác giả kể lại câu chuyện sẽ bộc lộ sự thật ấy. Tôi nghĩ, sở dĩ lối viết của tác giả là quan trọng nhất trong việc bộc lộ sự thật vì nó mang tới cho người đọc lòng tin vào sự chân thật của tác giả. Dù là chủ nghĩa hiện thực, siêu thực, hiện thực huyền ảo, dù các nhân vật không có thật ngoài đời như trong các tiểu thuyết khoa học giả tưởng, người đọc vẫn xem sự chân thật của tác giả là quan trọng nhất. Lịch sử đầy rẫy bất công và thỏa hiệp, văn học, nhất là văn học Việt Nam, đầy rẫy dối trá. Viết là trò chơi nguy hiểm, vừa đòi hỏi cái đẹp của văn chương vừa đòi hỏi sự thật, qua cái đẹp mà đi tìm sự thật, qua sự thật tìm ra cái đẹp. Giữa một thế giới bất an như hôm nay, tiểu thuyết của Nguyễn Viện là tấm gương của nó, nhưng cũng là ước vọng vươn tới tự do. Anh sử dụng nhiều ẩn dụ, các giai thoại, huyền thoại, cố tình tách con người ra khỏi dòng chảy thời gian, làm cho các nhân vật trở thành đứa con bị bỏ rơi của lịch sử. Họ không có quá khứ, không có gì tự hào về quá khứ, về di sản mà cha ông để lại. Những câu chuyện kể của anh là những câu chuyện vượt ra ngoài ý thức lịch sử, ra ngoài sự ràng buộc có tính trấn áp. Các nhân vật tham gia vào một trò chơi lớn. Trong trò chơi ấy, mọi thứ đều có thể có thật, và mọi sự thật đều chỉ là giả thuyết. Sự bình thường và sự bất bình thường đan chéo: đó là cái subtext, có lẽ dịch là dưới văn bản. Một điều làm tôi phân vân là các nhân vật của anh say mê tình dục như một thú vui thể xác, điều ấy không có gì lạ, không có gì sai, vấn đề là tình dục trong tiểu thuyết của anh không nâng người ta lên, nếu không phải là dìm họ xuống. Mà tôi tin rằng cả trong Trăm năm cô đơn, và nhiều cuốn khác, của Gabriel García Márquez cũng thế, các nhân vật trong ấy bị dìm xuống. Nguyễn Viện sử dụng thủ pháp giễu nhại và châm biếm, tấn công vào các huyền thoại thiêng liêng mà người ta gọi là giải thiêng. Về khía cạnh này, Nguyễn Huy Thiệp là người đi trước, nhưng Nguyễn Viện viết trực tiếp hơn, thách thức hơn, do cách tiếp cận hậu hiện đại. Giễu nhại rõ ràng là một thách thức đối với giai cấp thống trị. Vẫn biết rằng những tác phẩm hiện nay đôi khi bỏ qua tính xung đột, là một đặc điểm của họ, và hình như thay thế vào đó là tính chất trinh thám, như trong Paul Auster, và phần nào Umbeto Eco, nhưng tác phẩm của anh đôi khi cùng lúc cũng có cả hai tính chất ấy.

Chúng ta có tự do không?

Chúng ta có tự do, nhưng trong các giới hạn.

Chúng ta có tự do, vì vậy chúng ta chịu trách nhiệm.

Chúng ta không có tự do, vì vậy chúng ta không chịu trách nhiệm.

Không chịu trách nhiệm, con người có thể đập vỡ tất cả. Chúng ta là một phần của hiện thực: hiện thực ấy sinh ra chúng ta, và chúng ta, bằng sự tưởng tượng và hành động của mình, sinh ra hiện thực ấy. Mối quan hệ vừa có tính ý thức vừa vô thức. Trong khi các dòng văn học khác nhau có những tài sản kế thừa, thì văn chương hậu hiện đại Việt Nam không có một cái gì như vậy cả. Khuynh hướng viết kiểu dòng ý thức cũng có thể thấy ở Nguyễn Viện. Trong khi tiểu thuyết của anh mang tính chính trị thì chúng bao hàm khuynh hướng tâm lý. Các nhân vật hành động và nói năng với những xúc cảm, những lo âu và thèm muốn, sự mơ mộng, đôi khi của chính họ, đôi khi là ngụ ngôn. Một số nhân vật là người phát ngôn của tác giả. Đặc điểm ấy làm cho tiểu thuyết của anh tựa như một tập hợp hư cấu- luận văn, fiction- essays. Tính chất nhân quả vốn là một chuẩn tắc của tiểu thuyết truyền thống, nhân nào thì quả ấy, kẻ ác sẽ đền tội, người tốt sẽ được cứu chuộc: tính nhân quả và sự thật trong tiểu thuyết Nguyễn Viện không phải là một thực thể tinh khiết, giản dị, tuyệt đối, ngược lại chúng có tính ngẫu nhiên, không thể tiên đoán, khi có khi không. Tính ngẫu nhiên ấy hàm chứa sự tách biệt, phân mảnh của dòng chảy lịch sử. Có vẻ như Nguyễn Viện là một người tin vào Chúa. Nhưng Chúa chính là sự tuyệt đối, chính là trật tự thế giới. Tôi không biết làm thế nào để anh có thể dung hòa tính ngẫu nhiên trong tiểu thuyết và tính tất yếu của các niềm tin tôn giáo, sự hỗn mang (chaos) và tính trật tự.

Trên thực tế, Mã Giám Sinh chỉ làm cò cho Thúc Sinh trong vụ việc buôn người này. Hắn về các vùng nông thôn tuyển người và lấy tiền cò cả hai đầu…

Mã Giám Sinh nói với các anh giai và chị gái: “Chỉ cần 2000 đô thế chân, các bạn sẽ đến thiên đường.”

Nghèo không đủ ăn, nhưng bằng cách nào đó, họ cũng xoay sở được 2000 đô nộp mạng cho Mã Giám Sinh.

Đối với các cô gái muốn tìm chồng ngọai, Mã Giám Sinh tuyệt đối trung thành với cam kết “gìn giữ nguyên trạng” của các cô với khách hàng. Nhưng hắn tận dụng ưu thế của mình để kiểm tra “hàng” một cách thích đáng. Các ứng viên được yêu cầu phải tự lột truồng và trình diễn khả năng làm vợ.

Mã Giám Sinh cười: “Hãy nhớ điều này: Đểu cáng thì không ai bằng Mã Giám Sinh.”

(Đĩ thúi & phần còn lại ở cõi chết)

Anh là người phê phán lịch sử, không những lịch sử cận đại, vốn thuộc về kẻ cầm quyền, mà lịch sử hàng trăm năm hoặc hàng ngàn năm của người Việt. Nguyễn Viện chống lại các huyền thoại, thách thức chúng, và về mặt này chống lại những kẻ bảo thủ văn hóa. Hãy đọc “Sinh ra từ trứng”, một cuốn tiểu thuyết theo tôi là đặc sắc. Trong tác phẩm này, Nguyễn Viện là người có đức tin. Là một người có đức tin, hình như anh không phải hoàn toàn thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại. Một cách lý giải khác: đức tin của anh không thuần khiết. Những người phản kháng hiện nay, nếu có những người phản kháng như vậy, thường có khuynh hướng suy nghĩ và sử dụng một ngôn ngữ bất thường, ra khỏi chuẩn tắc. Thay vì bạo động, một thứ không được phép, tất nhiên, họ chọn những chữ ngoài quy ước, chỉ trích, châm biếm.

“Hãy để tôi ngủ. Tôi cần ngủ. Ðừng đánh thức tôi bằng tiếng súng. Cũng đừng đánh thức tôi bằng tiếng kẻng. Hãy để tôi nằm một mình. Giữa mùa hè, những xác chết trương phình lên nhanh chóng. Bọn địch lấy xe ủi đất gom các xác chết vào chung một cái hố lớn, đổ vôi xuống rồi lấp đất lại. Cái hố chật chội đầy những mầu máu và mồ hôi. Thành phố thì chật những cánh quạ. Ðám xác chết bắt đầu cãi nhau. Xác nào cũng muốn chen lên cho đỡ ngạt. Một thằng quát lớn: Hãy trật tự. Theo thứ tự quân hàm mà nằm, tính từ dưới lên.”

(Rồng và Rắn)

Hài hước đen. Bạn có thể hình dung đây là kiểu viết về chiến tranh và hậu chiến hoàn toàn khác với lối viết của các nhà văn chính thống, ngay cả những người mới nhất, xa chính thống nhất trong số họ, như Bảo Ninh. Đặc trưng của chính thống là tính nghiêm nghị. Nguyễn Bình Phương, Đặng Thân, Nguyễn Viện thoát ra khỏi điều này. Nguyễn Viện biến cái bình thường thành cái bất thường, biến lịch sử đã viết xong thành lịch sử đang hình thành, phương pháp của anh là sự khinh mạn và chế nhạo đối với các giá trị đã được sắp đặt, sao cho những kẻ quyền lực không thể mãi mãi nắm quyền lực. Nguyễn Viện thách thức:

“Bí thư Tỉnh ủy là một trong các chức vụ không phải cao nhất của Kim Trọng nhưng lại mang đến cho chàng sự viên mãn nhất. Với chức vụ này, chàng đủ điều kiện để hủ hóa mang tính chất mặt trận tổ quốc, đồng thời thu vén được cả một gia tài cho con cháu hưởng lộc đến muôn đời sau.”

(Đĩ thúi & phần còn lại ở cõi chết)

Lý thuyết liên văn bản, bao gồm nhại (pastiche), giễu nhại (parody), ám chỉ (allusion), châm biếm (irony), sự tương tác giữa một văn bản này và một văn bản khác, chứ không phải văn bản và môi trường của nó, tìm thấy các thí dụ của chúng trong tiểu thuyết của Nguyễn Viện. Trước một nền văn học khuynh loát và rất thành công trong việc dựng nên một hệ thống giá trị phi dân tộc, những người bên lề, yếu thế, bất tuân phục, cần có tiếng nói riêng của họ. Trong khi phương pháp sáng tác hậu hiện đại đã đạt được đỉnh cao ở phương Tây, và có thể bị vượt qua bởi những thứ khác, ví dụ siêu hiện đại (post-postmodernism), thì ở Việt Nam nó vẫn còn sức sống, ở tuổi trưởng thành. Thức điệu (mode) của Nguyễn Viện là chế nhạo, trầm tư, đi gần tới sự dung tục, toát lên nội dung xã hội. Tác phẩm của anh là sự tưởng tượng chạm tay vào hiện thực, chuyển ống kính vào các nhân vật lịch sử, cố gắng sắp xếp thời gian sao cho chúng thể hiện được các ý tưởng. Không có nhà tiểu thuyết nào không có các chủ đề khi bắt đầu một cuốn sách, nhưng sự tuân thủ nghiêm ngặt dàn bài sẽ biến một tác phẩm văn học thành bài nghị luận hoặc giai thoại. Các nhân vật của Nguyễn Viện, tính cách và đời sống của họ, là biểu hiện của sự ngẫu nhiên kỳ quái, đầy may rủi, như trò chơi.

“Ngự ở lại ngủ với tôi nhưng không sẵn sàng làm tình. Không làm gì hết. Sáng mai, em phải họp công ty sớm.

Tôi cũng phải đi làm, tuy nhiên công việc không buộc tôi phải có mặt ngày tám tiếng. Tôi dành thời gian để bù khú cà phê với bạn bè vài tiếng vào buổi sáng. Tôi thích một view thoáng đãng và một nơi có thể nói chuyện thoải mái mà không ngại làm phiền người khác. Ngoài chuyện thời sự được trao đổi như những chính khách thượng thặng vỉa hè, chúng tôi dành phần còn lại để nói xấu người vắng mặt một cách tất yếu. Làm thịt người khác là một món khoái khẩu mang tính truyền thống. Nó trau dồi sự sắc sảo trong giao tiếp và làm phong phú truyền thông của cộng đồng. Huyền thoại và lịch sử truyền khẩu, vì thế, là một dòng chảy ngầm nhưng mạnh mẽ làm nên bản sắc cuộc sống. Niềm vui và sự oan trái của con người. Nó không dành cho những kẻ yếu bóng vía.

Thật ra, không phải buổi cà phê nào cũng vô bổ nhảm nhí. Đôi khi, tôi tìm thấy sự khích lệ trong nỗi thù hằn ganh tị với những câu chuyện được nói giữa bạn bè. Làm thế nào để hơn người khác đã trở thành một mục đích sống.

Ngự gọi điện thoại báo, giữa tuần em sẽ phải đi công tác xa, tối mai ăn cơm với em nhé. Tôi hỏi, sao không ăn luôn tối nay? Ngự bảo, hôm nay em phải đi với sếp. Hắn ỡm ờ muốn nói với em điều gì đó. Tôi đùa, chỉ có chuyện quan trọng không thể nói ở cơ quan là muốn hỏi cưới em thôi. Ngự bảo, sếp có vợ rồi. Rồi cúp máy.”

(Đợi thêm chút nữa, trong tập Cõi người ở lại)

Truyền thống của tiểu thuyết Việt Nam ngắn, không đầy trăm năm cho đến nay, bị gián đoạn về thời gian do các phân chia giới tuyến, để lại một gia sản nghèo nàn. Trong bối cảnh ấy thật khó đặt Nguyễn Viện vào một vị trí xác định, nhưng tôi chắc chắn rằng anh ở trong danh sách những nhà tiểu thuyết tiền phong và tài năng nhất của những thập niên đầu thế kỷ XXI. Khuynh hướng xem tiểu thuyết như những tác phẩm có tính giáo giục hay làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp, hay khuynh hướng đem tiểu thuyết làm các phương tiện giải trí, vẫn song song tồn tại cho đến bây giờ. Mỗi thời kỳ có những tiểu thuyết gia riêng của chúng. Đâu là sự đóng góp quan trọng nhất của họ? Là kỹ thuật viết, tầm nhìn xã hội, tầm cảm xúc cá nhân, sự phân tích và thấu hiểu mục đích hay bản chất của tồn tại. Tiểu thuyết cần tạo nên cái mới, về lối viết, câu văn, cách xây dựng các nhân vật, ý nghĩa xã hội, người đọc cần tìm thấy bóng dáng của họ như người đương thời. Trong ý nghĩa đó, Nguyễn Viện là một tác giả đương thời, người làm mới, trong cách xây dựng nhân vật, đưa chủ đề chính trị vào tác phẩm. Mặc dù sử dụng lối nói táo bạo, không ngại dùng các chữ đường phố, dung tục, về căn bản cấu trúc câu văn của anh không thay đổi. Như một người yêu thích phong cách (style), tôi muốn tìm thấy nhiều hơn nữa các câu văn mới, lạ, bất ngờ của anh.

“Tôi lại co giật. Tôi thấy ở không xa lắm, một người lính đang lả xuống vì kiệt sức. Anh ta chạy một mình. Bỗng nhiên bên cạnh anh ta xuất hiện hai cái bóng mờ. Có lẽ đó là mẹ và em gái anh ta. Hai cái bóng mờ ấy cố nâng đỡ và dìu anh đi tới. Nhưng anh ta vẫn đổ xuống vì anh ta đã kiệt quệ. Cho đến khi hai bóng mờ tan đi cùng với hư ảo của tình yêu thì thân xác anh ta cũng thối rữa và thấm dần vào lòng đất.”

(Thời của nhũng tiên tri giả)

“Cõi người ở lại” là tuyển tập gồm nhiều truyện. Các truyện ngắn này có thể xem là truyện vừa, hay tân truyện, dựa theo một cách dịch ở miền Nam trước đây. Truyện ngắn là một nghệ thuật khác, ngày càng ít được biết tới so với tiểu thuyết, nhưng trong tay một số nhà văn, đó là nghệ thuật lớn. Một truyện ngắn đơn lẻ khó gây tác động, cũng như thơ Haiku, chúng phải được dồn lại. Có những nhà viết truyện ngắn nổi tiếng như Franz Kafka, Thomas Mann, Jorge Luis Borges, Ernest Hemingway, Raymond Carver, Alice Munro, Lisa Moore. Có nhà viết truyện nhẹ nhàng, hành văn mau lẹ, chuyển động theo ý tưởng, các diễn tiến, thì cũng có nhà trầm tư trên trang giấy, suy nghĩ nội tâm. Tôi nghĩ Nguyễn Viện thiên về khuynh hướng thứ nhất hơn. Khi nào anh nghiêng về khuynh hướng thứ hai, lời kể trở nên dông dài, bớt linh hoạt, bớt quyến rũ. Các đối thoại của anh cũng vậy. Khi chúng diễn tiến tự nhiên, lời văn linh hoạt, sống động, thật, khi chúng dùng để mô tả các ý tưởng bên trong, các ý định, câu văn của anh lặp lại, mất hứng thú, có thể đoán trước. Ở Nguyễn Viện, có một khuynh hướng thách thức các giá trị về văn hóa và chính trị, không những bên cạnh các quan tâm văn học thuần túy, mà anh còn xem chúng là các quan tâm căn bản. Các nhà văn hậu hiện đại phương Tây không nhiều thì ít đều có những quan tâm này, về mặt chính trị, nhưng trong một tình cảnh như hiện nay, sự quan tâm ấy ở Nguyễn Viện là rõ ràng, dũng cảm. Đó là sự đề kháng văn hóa. Sự đề kháng ấy vừa làm anh trở thành một nhà văn hậu hiện đại vừa không tách rời anh ra khỏi các khuynh hướng hiện đại mà anh ít nhiều đã kế thừa. Sự thách thức ấy có tính triệt để đến mức dẫn tới sự hoài nghi về chính mình: nhân vật, tác giả, bớt đi uy quyền của mình trước đây. Nguyễn Viện diễu cợt chính mình, nghi ngờ chính các giá trị của cái tôi. Có một câu nói nổi tiếng nhiều người biết: con người thì khóc nhưng thượng đế thì cười. Nguyễn Viện xem lịch sử là trò chơi và kêu gọi chúng ta bỏ bớt sự trịnh trọng, khi anh cười cợt phê phán:

“Hãy đứng sau lưng tôi, hỡi đồng bào, tôi cam kết không bỏ chạy. Tôi sẽ bắn tới viên đạn cuối cùng”

(TCNTTG)

Trách nhiệm của nhà cầm quyền miền Nam ở đâu trong sự kết thúc chiến tranh? Đã có ai nói chưa? Bề ngoài cái từng trải, ai cũng thấy, cái sâu sắc, nhiều người thấy, Nguyễn Viện còn có cái chân chất giản dị, ít người thấy hơn. Tôi muốn nói sự ngây thơ của người viết văn: anh dường như không chuẩn bị gì cả. Sự không chắc chắn, cái không biết, hoặc là dẫn đến sự mất tự tin, hoặc là dẫn đến sáng tạo. Tôi nghĩ Nguyễn Viện còn có khả năng xây dựng nhân vật riêng tư độc đáo hơn nữa, chứ không phải các nhân vật mang tính xã hội. Các nhân vật của anh đại diện cho một lớp người. Anh nghiêng về việc kể chuyện hơn là đặc tả chi tiết.

Từ Hải cười lớn: “Công lý ở chỗ nào?”

Đạm Tiên: “Ăn bánh phải trả tiền. Có phải là công lý không?”

Từ Hải đáp: “Phải.”

Đạm Tiên: “Bọn anh vơ vét của nhân dân, có đền bù gì xứng đáng?”

Từ Hải: “Em không thấy đất nước tiến bộ à?”

Đạm Tiên: “Anh so sánh với cái gì?”

Từ Hải: “Hôm qua.”

Đạm Tiên: “Thối. Các anh chỉ so sánh theo chiều dọc mà không so sánh theo chiều ngang.”

Từ Hải: “Dù sao vẫn là tiến bộ.”

Đạm Tiên: “Có rất nhiều cái thụt lùi đấy. Cần em chứng minh không?”

Từ Hải im lặng.

(Đĩ thúi & phần còn lại ở cõi chết)

Có một mối quan hệ phức tạp giữa hành động nhân vật, lời nói, nơi chốn, hoàn cảnh. Trong bất cứ sự mô tả cụ thể nào, lời văn của anh cũng hướng tới công lý, công bằng xã hội. Đặc điểm tôi vừa nói là quan trọng, để phân biệt Nguyễn Viện với các nhà văn khác. Ở trên tôi có nói anh viết nhiều, điều đó không có nghĩa là anh viết dễ, mặc dù lối viết của anh phóng túng. Cấu trúc câu văn không mới lắm, cái mới nằm ở chỗ khác, ở các ý tưởng, các hình ảnh, sự thách thức của hình ảnh, các hoàn cảnh anh tạo ra trong câu chuyện của mình.

Tôi lẳng lặng cởi quần áo. Ông ấy im lặng nhìn. Để thoát ra khỏi cơn nghẹt thở, tôi nói: “Phụng đã bán mình, ông muốn làm gì thì làm đi”.

(TCNTTG)

Câu văn hay nghẹt thở. Tôi lo lắng, không biết Nguyễn Viện sẽ viết tiếp thế nào.

Anh viết tiếp:

Ông ta hút thuốc, có lẽ ông ta muốn chờ tôi giải thích. Tôi cần tiền, có gì phải nói thêm. Tại sao ông không giải thích hành động của mình? Tôi đã cho, ông không lấy. Bây giờ ông đi mua, thì tôi bán tôi đây. Ông vẫn im lặng. Tôi hét lên: “Phá trinh tôi đi”. Rồi nằm vật xuống giường. Ông để yên cho tôi khóc.”

(TCNTTG)

Bạn thấy sao? Câu chuyện mà anh kể lại thường bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ, tuy chúng được sắp xếp khá hợp lý, vẫn là sự sắp xếp các mạch rời. Tôi không biết đây là lối viết tự nhiên của anh hay là cách cố tình của một người có quan điểm riêng. Các hiểu biết về xã hội, về chính trị, về tôn giáo, cỏ cây muông thú, đều bắt buộc có mặt ở một nhà tiểu thuyết. Tôi biết đó là những đòi hỏi cao của người đọc, nhưng những đòi hỏi ấy có thật. Chúng là kỳ vọng của xã hội đối với người viết. Đọc anh, tôi ít chú ý đến những con người cá nhân riêng tư, mà chú ý nhiều hơn đến hoàn cảnh của họ, tính tiêu biểu của họ. Có những nhà tiểu thuyết chuyên xây dựng nhân vật nhưng cũng có những người tạo ra ấn tượng mạnh bằng cách mô tả các hoàn cảnh xã hội của nhân vật. Trong trường hợp thứ hai này, nhân vật trở thành biểu tượng, người phát ngôn cho những tình cảnh có thật của lịch sử và cho chính tác giả. Nguyễn Viện nghĩ rất sâu về bản ngã, ego, và cái siêu ngã, superego. Có những tác giả đồng nhất hóa bản thân mình với nhân vật, sống cuộc đời họ, viết từ cuộc đời của họ. Có những tác giả quan sát các nhân vật, mô tả họ từ xa. Phương pháp tiểu thuyết của các nhà văn hậu hiện đại đối với tôi không thật rõ ràng, có khi thuộc trường hợp thứ nhất, có khi thuộc trường hợp thứ hai. Trường hợp thứ hai là xu hướng khách quan hóa, tách tác giả và người đọc ra khỏi nhân vật, quan sát họ một cách lạnh lùng, đôi khi châm biếm. Mặt khác không thể nói rằng Nguyễn Viện không đồng cảm với nhân vật. Đọc Thảo mai trên dốc gió, Nu na nu nống, Cõi người ở lại, tôi thấy anh rất gần với nhân vật của mình, thường xuyên đánh giá, nhưng lúc nào cũng yêu mến họ.

một hôm con người đứng bên dòng sông và nhìn thấy bóng mình dưới nước
từ đáy sâu trong lòng
con người thốt lên
ước gì có một người bạn như ta
thượng đế là đấng thấu biết mọi sự
ngài nói
ta sẽ cho ngươi được hài lòng
ngay tức khắc
từ dưới nước
chiếc bóng của con người từ từ nổi lên và e lệ bước lên bờ
nhìn người lạ vừa xuất hiện
con người đầu tiên sững sờ và không thể không say đắm vì sự khác biệt mà hắn vừa nhận ra
ngực có cặp vú to như ẩn chứa cả một kho lương thực thơm tho làm hắn thảng thốt
ở phía dưới
giữa hai chân là một khoảng trống nhưng hấp dẫn một cách ngột ngạt
hắn đồng thời nhận ra mình
là một người đàn ông
và cái bóng của hắn trước đây
là một người đàn bà
thượng đế phán
các ngươi là của nhau

(Nu Na Nu Nống – Xứ Mêman)

Đây là tự sự của một người đàn ông, dịu dàng, ấm áp, nhưng chưa chắc các nhà nữ quyền luận đã đồng ý: đàn bà là cái bóng của đàn ông hay đàn ông là cái bóng của đàn bà? Không nghi ngờ gì nữa, anh là một nhà văn ngoại vi, hay như anh nói, đứng bên lề rất trái. Thế nhưng, tôi cũng chú ý đến hiện tượng những người có quan điểm dân chủ cũng không chấp nhận các tác phẩm hậu hiện đại. Như vậy, khái niệm trung tâm và ngoại vi vừa mang tính xã hội vừa mang tính văn học.

Quỉ không bao giờ chết. Từ linh hồn này đến linh hồn khác. Từ giấc mơ này đến giấc mơ khác. Con rắn mang theo lời nguyền của Chúa và nó chui qua những cánh cửa khép hờ. Ở đó, nó sinh nở ra mặt trời mặt trăng và những ngôi sao. Nó cũng sinh nở ra cây cỏ và dòng suối. Nó sinh ra mọi niềm vui và nỗi buồn. Khi tự cắn vào đuôi, nó sinh ra hoa trái và mật ong và sữa. Nó sinh ra những tiếng hót của loài chim và sinh ra tiếng gầm gừ của những con chó nhỏ. Nó sinh ra gió và bão. Nó sinh ra tình yêu và thù hận. Nó phun nọc độc vào mắt và nhỏ rãi của nó vào miệng con người. Nó phun nọc độc vào không khí và nhỏ rãi của nó vào cơn mưa. Nó múa vũ điệu của tàn phá và hủy diệt. Nó ca hát với thời gian và xưng tụng quyền năng của quỉ…”

Buổi trưa, họ mang cho hắn một ổ bánh mì thịt và chai nước. Họ hỏi, “Viết xong chưa”? Hắn bảo chưa, thật ra hắn chỉ muốn mượn đỡ cái băng ghế dài ở trụ sở công an để ngủ một giấc. Khi phiên tòa kết thúc, họ thả hắn ra mà không cần biết hắn đã khai những gì.

(Nhảy múa để chết)

Những nhà văn như Nguyễn Viện đứng từ ngoại vi mà mô tả đời sống làm cho người đọc bất an. Anh là người thách thức, thay đổi diễn ngôn, phá bỏ các diễn dịch, vốn phục vụ cho trật tự đương thời. Tiểu thuyết của anh có những yếu tố của phương pháp hiện thực huyền ảo, và điều ấy làm cho tác phẩm khó đọc với độc giả đại chúng, và dễ đọc với những người đã quen. Anh có chất hài hước Đông phương, khác cái u mặc phương Tây. Anh là người thích nói rõ và nói thẳng. Dụng ý làm mờ của anh, sự xáo trộn có tính nghệ thuật đối với cách kể chuyện vẫn không thể giấu được vẻ chiếu sáng lấp lánh của tài nhận xét, sự phê phán trí tuệ đối với các vấn đề của đời sống. Sự hoang đàng, lòng tốt, sự ham muốn tình dục, niềm say mê đối với tự do, sự bi quan mệt mỏi, tất cả trộn lẫn trong tiểu thuyết của anh. Ở đó có một tình yêu hoang dại đối với đời sống, đối với người nữ như một đối tượng và như một biểu tượng.

Đặc tính quan trọng nhất của một nhà văn là phong cách của họ. Nguyễn Viện có lối kể trực tiếp, báo chí, gần với các tác phẩm phi hư cấu. Kỹ thuật này không mới ở phương Tây. Jane Eyre đã từng quay mặt lại chúng ta, và kêu:

– Reader, I married him. (Người đọc, ta lấy anh ấy làm chồng).

Tuy nhiên Nguyễn Viện còn đi xa hơn thế, khi người kể chuyện cũng không được xác định, không có tên tuổi. Anh ta, nhân vật xưng tôi đang kể chuyện. Nhưng anh ta là ai? Khác với thái độ nổi loạn đối với các quy ước về luân lý, các bảng giá trị, tôi ngạc nhiên thấy các câu văn của Nguyễn Viện khá mực thước và đều đặn. Anh không có nhiều câu quá dài đọc mỏi cả mắt và nhiều câu quá ngắn, cộc lốc. Lối kể chuyện khá mượt mà nhưng thích hợp. Ngay cả ở những chỗ mà tôi chờ đợi sự thô ráp hơn nữa, anh đã giữ sự chừng mực nghiêm ngặt. Anh hiểu biết về âm nhạc và câu văn của anh có tính âm nhạc. Nhiều đoạn có một lối kể chuyện dí dỏm, sự thách thức không phải khi nào cũng vô lý, ý thức làm mới tràn lên trang giấy, chúng làm tôi chăm chú, lo âu, thích thú. Cũng có những đoạn không được như vậy, sự lặp lại không cần thiết, sự rầu rĩ và buồn nản không đáng có. Các tác phẩm của Nguyễn Viện đều khá ngắn. Tôi mong anh dừng lại, tỉ mỉ hơn nữa trong các mô tả của mình, mặc dù độ ngắn hay dài không làm nên giá trị tác phẩm. Anh loại trừ sự hoang mang lẫn lộn, ambiguity, trong câu chuyện kể, và theo tôi như vậy là đúng. Các đoạn bất ngờ, những khúc quanh, các quan sát đầy ngạc nhiên, xuất hiện chưa nhiều trong tác phẩm. Cũng có thể đó là sở thích cá nhân của tôi, người thèm muốn các khoảnh khắc. Các nhà văn hiện nay thường viết tràn ra trang giấy, không thanh lọc các ý tưởng và hình ảnh của mình. Điều ấy làm cho người đọc và tác giả, người đọc và nhân vật, gần nhau. Nguyễn Viện cố gắng làm ngược lại. Anh có những chọn lựa chi tiết và đối thoại, điều này tạo ra khoảng cách giữa người đọc và các nhân vật của anh. Cần lưu ý rằng lối viết dòng ý thức có thể làm cho câu văn dài lê thê, gồm nhiều chữ thừa, câu văn yếu đi. Nguyễn Viện nghiêng về lối viết sáng rõ của các nhà văn Mỹ, hơn là lối viết tối tăm của một số nhà văn châu Âu.

Có rất nhiều điều để nói về nghệ thuật của các nhà tiểu thuyết Việt Nam hôm nay. Những điều ấy không hề được nói ra, chưa bao giờ, vì chúng ta thiếu những người đọc nghiêm khắc, thiếu tương kính, thiếu vô tư, thiếu lòng tin. Tôi nghĩ, một câu chuyện sẽ chỉ cho tác giả của nó cách kể lại sao cho thích hợp nhất, tài hoa nhất. Không một người nào làm thay công việc ấy, kể cả các nhà phê bình. Nếu một câu chuyện không bao giờ được kể lại là vì tác giả của nó chưa bao giờ lắng nghe lời kể của câu chuyện ấy. Khi anh ta lắng nghe, không phải chỉ là các chủ đề và nội dung, cốt truyện và xung đột, trở nên rõ ràng, mà lời kể, lối viết, cách chọn chữ, giọng điệu, khoảng cách giữa nhân vật và độc giả, đều sẽ trở nên rõ ràng đối với người viết. Tôi đọc Nguyễn Viện khá dễ dàng, với nhiều thích thú, nhưng lúc nào cũng muốn tranh cãi với nhân vật, với tác giả, với lịch sử, một cách hào hứng, đôi khi nóng nảy, và tất nhiên bao giờ cũng vậy, sau khi bạn trở nên nóng nảy, bạn hối hận. Tôi nghĩ đó là sự thành công của Nguyễn Viện. Chúc mừng cái viết của anh.

Nhiều người nghĩ về anh như một nhà văn phản kháng hoặc như một nhà văn của tình dục, nhục cảm, hoặc cả hai. Nhận xét như thế không sai nhưng hạn chế những cái nhìn có thể rộng rãi hơn, sâu hơn và nhất là nghệ thuật hơn. Bất kỳ một nhà văn nào cũng muốn người đọc nhìn thấy bút pháp của mình, trước tất cả những thứ khác. Họa sĩ nào cũng muốn người khác nhìn thấy nét cọ của mình, thay vì các chủ đề trong đó: mùa xuân, thiếu nữ, chiến tranh, tội ác, khỏa thân, đồ vật. Nếu một ngày Nguyễn Viện được tự do xuất bản trong nước, công khai, thì tôi vẫn e rằng số lượng người đọc của anh không tăng lên mấy. Mặc dù văn chương hậu hiện đại không phải là một thứ văn chương tháp ngà, bao giờ cũng tự cho mình là tiếng nói của những người cơ cực và ngoài rìa, thực ra đó là một thứ văn chương khá là khó đọc và chưa bao giờ ở đâu trên thế giới, trừ một vài ngoại lệ, chúng trở thành một phong trào quần chúng. Đối với nhà văn độc đáo, hoàn toàn tin vào phương pháp sáng tác của mình, độc lập với sự ủng hộ của người đọc, câu hỏi của anh là lấy gì để đánh giá, về nghệ thuật, các tác phẩm của mình? Tôi nghĩ không có một câu trả lời nào cả. May ra, một vài người bạn. Trên một số trang mạng, Nguyễn Viện được nhiều người tìm đọc. Bao nhiêu người trong số họ đọc các nhà văn của chúng ta chỉ vì tò mò, bao nhiêu người đọc vì đồng cảm chính trị? Bao nhiêu người là những độc giả văn học thực sự? Tôi không thể biết.

Nu Na Nu Nống:

một hôm ông lão đi hái măng
thấy một cô gái đang mắc kẹt giữa đám mây tre chằng chịt
không thể nào thoát ra được
ông đến bên bảo để tôi giúp cô
vừa tìm cách bẻ cong mấy cây tre ông vừa trấn an cô
cứ yên tâm
sẽ không bị trầy xước gì đâu
ông kéo được cô ra ngoài một cách dễ dàng
cô gái nói tôi phải tạ ơn ông sao đây
ông dịu dàng bảo cô hãy mau chóng trở về với gia đình và đem theo số măng này tôi mới hái được
cô nói không cần như thế đâu
bởi tôi là măng
từ măng mà ra
ông là người cứu sống tôi thì hãy mang tôi về nhà
ông lão vui vẻ mang cô về hang
từ đó
mỗi sớm mai một bụi trúc mọc lên trước cửa hang
đến đêm bụi trúc biến thân thành một cô gái ôm lấy ông và tan thấm vào ông
giống như cô gái nấm
ông cảm thấy mình hàm ơn với cuộc sống
và tóc ông đỏ thêm một bên thái dương

Ngoài Nu Na Nu Nống – Xứ Mêman, ở đó Nguyễn Viện có cái nhìn trong suốt, minh triết, gần như thơ ngây, đầy tình thương yêu đối với thế giới trẻ thơ, hầu hết những tác phẩm khác của anh khắc nghiệt, buồn rầu, hài hước, phá phách. Anh có cái nhìn mới đối với lịch sử, những câu hỏi đối với các huyền thoại. Trong một xã hội như Việt Nam hôm nay, dường như Nguyễn Viện không còn một chọn lựa nào khác, trở thành người phát ngôn cho những giấc mơ của anh, những giấc mơ hoảng loạn, tiếng nói từ đáy cuộc sống, kẻ bị bắt, kẻ bị cầm giữ, người vượt thoát, người tự do. Nguyễn Viện nói nhiều về quá khứ, nhưng anh không phải là nhà văn hoài niệm. Đối với anh, quá khứ không phải là cái để tiếc nuối, mặc dù anh có thừa một quá khứ tiếc nuối đâu đó, trong văn chương, ngoài đời, những năm tháng cũ chỉ là những dấu mốc thời gian, phép đối chiếu. Thời gian của tiểu thuyết Nguyễn Viện chính là hiện tại, cái đang xảy ra, các động lực đang chi phối nhân vật và xã hội quanh họ. Anh là người mơ mộng, nhưng niềm ao ước của anh được giấu rất kỹ giữa các câu văn. Vả lại tôi chưa thấy một nhà văn đương thời nào tỏ ra lạc quan cả. Văn chương Nguyễn Viện là thứ văn chương dystonia, như của Margaret Atwood. Văn chương ấy là sự pha lẫn của lối viết hiện thực, siêu thực, hiện thực huyền ảo. Tác phẩm của anh là sự xem xét các nhân vật ở bên dưới, ở bên ngoài, những số phận trôi dạt, biến mất trong đám đông, một đám đông ngày càng vô nghĩa, biến mất trong một đời sống trống rỗng, vô mục đích. Nhiều đoạn đối thoại của anh rất hay, hấp dẫn, có tính kịch, và giữ vai trò quan trọng trong văn xuôi. Nhiều nhà văn Việt Nam không cố gắng tránh khỏi chủ nghĩa thương cảm. Chủ nghĩa thương cảm được định nghĩa là một cố gắng của tác giả làm cho người đọc xúc động mà không cần đưa ra các lý do thích hợp. Nguyễn Viện chống lại điều ấy, ý thức và cả không ý thức. Khuynh hướng nội tâm, kiểu viết dòng ý thức, rất nhiều ảnh hưởng khác, đã làm cho nhiều nhà tiểu thuyết hiện nay tin rằng họ không cần đến một cốt truyện (plot) và việc xây dựng một cốt truyện (plotting). Cũng có những người quan tâm nhiều hơn đến các nhân vật, nhưng trong cả trường hợp ấy, cốt truyện vẫn là yếu tố quan trọng. Nguyễn Viện là một người cởi mở, giao thiệp rộng. Sự tương tác của anh và độc giả, các dư luận về anh cần những diễn đàn rộng lớn, và tôi nghĩ điều ấy có ích cho văn học. Thực ra văn Nguyễn Viện dễ hiểu, cấu trúc văn phạm chính xác, anh không cố tình tạo ra phong cách riêng, không “làm văn”, cái khó nằm ở chỗ khác: cách tiếp cận đối với hiện thực, các quan điểm xã hội, tính phê phán không khoan nhượng. Anh dành rất nhiều thì giờ để học lịch sử, để lắng nghe những câu chuyện kể, các truyện cổ tích, các thần thoại. Sự tham dự của anh vào quá khứ không kém gì đối với hiện tại. Bất chấp những khó khăn, bị cấm xuất bản, anh vẫn viết đều đặn và làm giật mình những người có khả năng sáng tạo dồi dào khác. Khi gặp gỡ, trừ những trường hợp đặc biệt, Nguyễn Viện là một người lặng lẽ, khá khép kín, tự bôi xóa mình. Anh có một giọng nói khác, trên trang viết, giọng nói của các nhân vật của anh, từ những người già, người bệnh hoạn, đến trẻ con, từ đàn ông tật nguyền đến anh hùng, đến thiếu nữ, từ những bậc chân tu đến những kẻ cuồng dâm, giọng nói thương yêu và phê phán, buồn rầu và le lói hy vọng.

Người kể chuyện trở thành câu chuyện kể, và câu chuyện chính là anh ta. Những nhân vật ở đó là những con người lương thiện bị cuộc đời bẻ gãy, hơn là những kẻ sinh ra để làm điều ác; và dù phương pháp sáng tác của Nguyễn Viện gồm những mô tả hài hước và u ám về cuộc đời, ngòi bút ấy vẫn nhẫn nại dẫn người đọc về phía khác, phía hy vọng. Tiểu thuyết là một đời sống khác, một đời sống thứ hai. Trong đời sống thứ hai ấy chúng ta nhận ra gương mặt của chúng ta, hay gương mặt của một người bạn trong đám đông. Cùng lúc ấy, lòng ta dấy lên cảm giác muốn đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi, hậu quả của một hành động, số phận của một tình yêu, lịch sử. Chúng ta giả định rằng tiểu thuyết là sự thật. Chúng ta nhìn thấy trong tiểu thuyết của Nguyễn Viện những nhân vật đi lại, thì thầm, la hét, làm tình, giết người, cười khóc, nhưng chúng ta cũng nhìn thấy tác giả, vừa như một người quan sát các nhân vật ấy, vừa như một người tự quan sát mình, một người trong ý nghĩ trong những suy nghiệm về hiện hữu và một người trong cảm xúc trong những va chạm của đời sống. Không ai có thể làm được điều ấy, nhưng tiểu thuyết làm được, làm cho chúng tin rằng, cả hai, và tất cả, là một.

Nguyễn Đức Tùng

2023
Tài liệu tham khảo:

1. Các tác phẩm của Nguyễn Viện trên các trang mạng: Da Màu, Văn Việt, Talawas.

2. Các tài liệu riêng của nhà văn, bao gồm một số bài viết về Nguyễn Viện, gởi tác giả.

3. Christopher Castellani, The art of perspective, Graywolf, 2016.

4. Kelly J. Mays, The Norton Introduction to literature, Norton, 2016

5. Pelagia Goulimari, Literary criticism and theory, Routledge, London, 2015

6. Simon Malpas, The postmodern, NXB Routledge, London, 2010

7. John Gardner, the art of fiction, Random House, New York, 1985