Nguyễn Đức Tường: Cỗi rễ bậc hai

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua…

Mỗi lần Tết đến, tôi thường có dịp đọc lại bài thơ Ông Đồ Già của Vũ Đình Liên in trong một tạp chí nào đó. Mùa xuân và hoa đào. Tác giả đã mượn hình ảnh hoa đào trong một bài thơ nổi tiếng của Thôi Hộ, nhưng, oái oăm thay, đáng lẽ thiếu nữ, ông lại cho hoa cặp kè với một ông đồ già. Người thiếu nữ trong mấy câu thơ đài các của Thôi Hộ đến rồi đi, như con thoi; ta không biết cô đẹp xấu bao nhiêu nhưng qua nét chấm phá của nhà thơ đời Đường, ta tưởng tượng là cô phải đẹp… ghê lắm. Còn Ông Đồ Già của Vũ Đình Liên? Qua năm khổ thơ bình dị, mộc mạc, ta hình dung một nhà nho cũ kỹ, khăn đóng, áo the, thoáng thấy lại một thời thanh bình với mẫu người mẫu mực, một đời sống vật chất eo sèo, đạm bạc nhưng an nhàn, lương thiện. Đem so sánh với thiếu nữ của Thôi Hộ, tất nhiên ông đồ bị lỗ vốn quá rồi tuy không đến nỗi là một “kẻ thân tàn ma dại” đang “đi về cõi chết” như Hoài Thanh đã viết. Riêng đối với tôi, Ông Đồ Già bao giờ cũng mới, luôn luôn cho tôi một cảm giác bùi ngùi, man mác khó tả. Ông cũng khiến tôi nghĩ đến thầy giáo Công.

Thầy giáo Công là bạn sơ giao của ông nội tôi. Khi tôi biết ông vào mùa hè năm 1943, ông đã về hưu dù tuổi chưa lớn lắm. Khác với ông đồ già của Vũ Đình Liên, một hình thái trừu tượng, tượng trưng một cái gì đã qua, thầy giáo Công là một người rất thực, có đầy đủ phong cách chắt lọc của một nhà Nho, bao gồm chữ nghĩa, nhân cách cùng nếp sống. Sung túc hơn, ông không phải viết chữ kiếm ăn. Ông là một trong những người cuối cùng còn sót lại từ trường thi Nam Định; ở trường thi này, tôi nghe nói, ngoài thi phú, thí sinh còn phải thi cả toán pháp. Có lẽ vì vậy, trong trí hiểu biết bé nhỏ của tôi, ông là một người rất giỏi toán, đã chỉ bảo tôi nhiều điều mới lạ. Tất nhiên ông là một ông đồ vì ông cũng dạy chữ Nho, nhưng là một ông đồ “tân thời” vì ngoài chữ Nho, thượng vàng hạ cám, ông còn dạy nhiều thứ khác, kể cả tiếng Anh, cho vài đứa nhỏ nữa.

Thị xã Hải Dương, khoảng đầu thập niên 1940, những ai sống ở quanh khu phố Hàng Lọng có lẽ đều biết hay đã theo học thầy giáo Công. Mở trường dạy học, đúng hơn, một thứ nhà giữ trẻ không công (hay rất ít công), lớp học của ông không tiêu điều, “nhà trống ba gian… học trò dăm đứa…” như lớp học của ông Tú Vị Xuyên. Ông có chừng năm chục học trò vào mùa hè, ít hơn trong năm học. Hàng năm, vào dịp Tết, học trò mâm lớn, mâm nhỏ, lũ lượt đến biếu thầy vài ba gói trà, hoa quả, bánh mứt. Theo tôi biết, đó là tất cả học phí phải trả thầy. Thế thôi!

Nhà trông ra mặt phố ở thị xã thường là nhà hai tầng, gian lớn nhất, ngoài cùng là phòng khách bên trong là phòng ngủ. Một lối đi nhỏ riêng biệt cạnh buồng ngủ dẫn đến cái sân bên trong, tiếp đó là nhà ngang rồi bếp. Thầy giáo Công sở hữu một trong những căn nhà này. Lớp học của ông là căn nhà ngang, kê được mươi bộ bàn ghế học trò dài, ngoài hàng hiên là cái bàn vuông lớn bằng gỗ gụ, thầy ngồi giữa, học trò ngồi xung quanh. Những ngày không mưa, học trò còn ngồi kín cả bậc thang, cạnh sân, bên cạnh núi non bộ và bể cá vàng.

Mỗi buổi sáng mùa hè, khi còi tầm của nhà máy rượu réo lên, là học trò đã đến đầy lớp học. Ông đi từ trên gác xuống, tay cầm chiếc roi mây. Ông thong thả ngồi xuống ghế, dáng vẻ phong lưu; búi tóc nhỏ sau gáy, kính trễ trên sống mũi, điếu thuốc lá sâu kèn lơ đãng bên mép, cánh tay áo lụa rung rung khẽ đập roi xuống mặt bàn, ông đếm “một, hai, ba” cho học trò cùng hát trước khi bắt đầu học,

Bóng trăng trắng ngà,

Có cây đa to,

Có thằng cuội già,

Ôm một mối mơ…

Chiếc roi mây của ông, một đầu nát bươm, vì đập xuống mặt bàn để ra oai chứ không phải vì nó thường tìm đúng đích. Trừ hai lần. Lần thứ nhất, “thằng” Thiện, cũng con nhà lành thôi nhưng nghịch ngợm hơn những đứa trẻ khác, thay vì “một ông trăng béo thật to,” Thiện hát tiếng hơi vang quá “một ông trăng béo, c.. to.” Học trò bấm bụng nhịn cười, nhưng ông đã nghe thấy, ông nghiêm nghị, điềm đạm đưa mắt nhìn quanh lớp. Sau khi hát xong, ông gọi Thiện lên, bảo xòe tay ra. Rất nhanh, ông đét cho nó một roi. “Ối, con lạy thầy,” nó kêu.

Lần thứ nhì cũng vẫn là Thiện. Ở chân cầu thang là bể cá vàng và núi non bộ. Học trò thường ngồi khom dưới đất, chép bài trên thành bể, ném bỏng cho cá ăn, xem cá bơi lòng vòng quanh mấy cây si, dưới mấy chân cầu hay trước mặt ông Lã Vọng ngồi câu nhưng không bao giờ được cá. Một hôm, Thiện dụ cá đến cho ăn, rồi cầm bút đâm đâm khi cá đớp. Trong khi nó mải mê săn mồi thì ông trông thấy. Cầm roi, rón rén đi như con cò ruồi, ông đến sau lưng nó, học trò nín thở, “Vút!” – “Ối, con lạy thầy,” Thiện giật mình kêu; đồng thời khi lưng áo và chiếc roi mây gặp nhau, cột nắng nhỏ trên lưng nó biến thành cột bụi.

Tôi không biết lý do nào đã khiến ông dạy tiếng Anh cho “cái” Loan. Ngày ấy, tiếng Anh là một ngoại ngữ đến từ hành tinh khác, nhất là ở một tỉnh lỵ như Hải Dương, kiếm thầy dạy tiếng Anh không khác gì đi kiếm gà sống có răng. Chính Loan đã bảo cho tôi biết “oẳn tù tì” là tiếng Anh. Mặc dù được bắt đầu học sớm như vậy, tôi không biết cô giữ được bao nhiêu và không dám bảo đảm về sự chính xác cùng khả năng Anh ngữ của cô. Tôi mon men đến ngồi cạnh Loan (việc Loan là con bé xinh đẹp dễ thương nhất lớp là chuyện khác,) hy vọng xin được ông cho học tiếng Anh. Fat chance! Ông nội tôi đã gửi gấm, xin ông cho tôi ít chữ nghĩa thánh hiền.

Trước hết, thay vì vẽ, ông dạy tôi viết chữ Nho (“Viết trái cựa người ta cười cho!”). Một hôm, tôi phải chép câu chữ Nho mà tôi không còn nhớ câu dịch âm cùng xuất xứ của nó tự sách nào, câu này được dịch nghĩa là “Người ta sinh ra tính vốn lành như nước chảy xuống chỗ trũng…” Nước chảy xuống chỗ trũng thì đúng rồi, nhưng sự việc đó cũng như, thí dụ, “chim hay hót buổi sáng,” không ám chỉ người ta sinh ra tính vốn lành hay dữ. Tôi không nhớ đã đặt câu như thế nào để hỏi ông, nhưng như tôi hiểu ngày nay, ý chính của câu hỏi đó là “nước chảy xuống chỗ trũng” không chứng minh được gì cả, chắc chắn là không chứng minh được “người ta sinh ra tính vốn lành.” Ông nhìn tôi hồi lâu, chưa kịp trả lời thì đã phải bỏ ngang, cắt nghĩa bài cho học trò khác.

Thầy giáo Công không có dịp trả lời câu hỏi của tôi, nhưng tôi nhận thấy, từ đó, ngoài chữ Nho, ông thường giảng cho tôi khoa học thường thức, dạy tôi toán pháp. Chính ông là người đã tập cho tôi cái thú (hay thói quen) đọc sách, nhất là sách thuộc loại không hư cấu, đời sống các danh nhân, những con người khác thường nhưng rất thực; đó là một cái thú còn tồn tại mãi mãi trong tôi. Một trong những cuốn sách đầu tiên ông bảo tôi đọc là tiểu sử của Marie Curie, ở bà tôi nhìn thấy bột phát sáng chói của thiên tài thường là kết quả của một tình yêu tha thiết trong việc đi tìm cái mới, là những ngày dài bất tận, làm việc lương thiện, cần cù, tỉ mỉ, không bỏ qua một chi tiết dù nhỏ.

*

Trông một lớp chừng năm chục học trò, đủ hạng, đủ kiểu, tất nhiên ông không có thì giờ nhiều cho riêng học trò nào. Ông dạy tôi toán như một trò chơi, giầu về thí dụ cụ thể, không bao giờ nặng về hình thức. Chẳng hạn như ông dạy tôi cách chia phân số,

“Một nửa cái bánh đem chia làm hai thì được bao nhiêu?”

“Dạ, thưa thầy, một phần tư cái bánh.”

“Vậy ta suy ra một phần hai chia cho hai được một phần tư.”

Đại khái như vậy, cứ “làm như thế, như thế…”, một lúc thuận tiện nào đó, cái bánh hay vật dụng đi liền với phân số đột nhiên biến đi, còn lại là phân số. Ông dạy cách viết cho phải phép, rồi cho mấy bài tập để làm một mình. Trong trường hợp tôi, khi thấy đã thực hiểu, ông thường bảo tôi đi giúp những học trò khác.

Ông không dạy theo một chương trình hay thứ tự nào nhất định, nhiều khi có lẽ hoàn toàn tùy hứng. Một dịp nào đó, ông dạy tôi tính căn số của một con số mà ông gọi là cỗi rễ bậc hai (2 nhân 2 là 4; ta nói bình phương của 2 là 4 và căn số của 4 là 2). Theo tôi biết, tính căn số không chính thức thuộc chương trình nào, tiểu học hay trung học. Sau này dạy học, hết khóa học, sau khi sửa soạn sinh viên về chuyện thi cử, đôi khi còn chút thì giờ tôi hỏi họ có biết tính cỗi rễ bậc hai bằng tay hay không? Thỉnh thoảng có người hỏi lại, học để làm gì khi chỉ cần ấn một cái nút ở máy tính là đủ. Tôi trả lời: “Rất đúng, với máy tính cầm tay có khi biếu không, ta dễ dàng có được kết quả với 12 số thập phân, trong khi có lẽ chỉ cần 6 số thập phân là đã đủ tốt để gửi người lên mặt trăng. Nhìn cách này, đó là một việc làm hoàn toàn vô ích; có điều, ta biết ta có thể tính được số thập phân thứ 13. Vì vậy, cũng nên biết, rồi đem dấu nó vào một khe kẽ của hành trang tinh thần ta phải mang theo trong đời sống.”  Nhiều sinh viên tỏ vẻ hài lòng, ngồi học thêm cách tính cỗi rễ bậc hai.

Một dịp khác, ông dạy một món gọi là lấy đấu đong quân, cũng có tên khác là Hàn Tín điểm binh nhưng tôi thích cái tên lấy đấu đong quân vì nghe vui tai, thi vị hơn – tạp chí Khoa Học của GS Hoàng Xuân Hãn xuất bản khoảng đầu thập niên 1940 cũng có một bài nói về Hàn Tín điểm binh. Đây là một bài toán rất xưa mà theo các sách toán Tây phương, người đầu tiên khảo cứu là Tôn Tử. Bài toán như sau: Có một số quân không biết bao nhiêu mà ta muốn đếm. Có nhiều cách đếm, một trong những cách đếm là lấy… đấu để đong. Ta đong số quân đó theo ba cách khác nhau, như thế này: lấy cái đấu đong 3 anh quân một lần, không cần biết được bao nhiêu đấu nhưng biết là, cuối cùng, thừa ra 2 anh; lấy cái đấu đong 5 anh quân một lần, thấy thừa ra 3 anh và, sau cùng, lấy cái đấu đong 7 anh quân một lần, cũng thấy thừa ra 2 anh. Nếu thấy dùng đấu để đong cồng kềnh quá, ta có thể cho quân xếp hàng 3, hàng 5, hàng 7, mỗi lần ghi nhớ số quân lẻ cuối cùng. Hai cách này tuyệt đối tương đương với nhau. Giả dụ được cho bài toán trên, tôi sẽ ngồi “làm như thế, như thế…” chừng vài phút, “có 128 quân.” Đúng boong! Thật ra, bài toán này có nhiều đáp số khác, đáp số nhỏ nhất là 23; nhưng thôi, đó là chuyện khác.

Thêm một bài toán dân gian rất quen thuộc: “Vừa gà vừa chó 36 con, trói lại cho tròn, đếm đủ 100 chân. Hỏi có bao nhiêu gà, bao nhiêu chó?” Ông rất cẩn thận dạy giải bài toán bằng số học, dùng phép mà ông gọi là phép giả thử. Phép này bắt đầu lý luận bằng cách giả thử tất cả 36 con đều là gà (hoặc chó), nhưng lý luận này không thật dễ hiểu. Sau đó ông dạy cách giải bằng algèbre (ông không dịch là đại số), tôi nghe phát âm là ăn-giép. Muốn dùng ăn-giép hay đại số, ta chỉ việc thay số chưa biết bằng một chữ, thí dụ x, rồi làm tính như thể chữ đó là một con số đã biết rồi. Để bớt dài dòng lôi thôi, trong bài toán này, thí dụ ta có x con gà thì ta sẽ có 36 trừ x con chó hay (36 – x) và tổng cộng số chân gà là 2 nhân với x hay 2x. Cứ theo cách đó mà tiếp tục, “tất nhiên,” trong khi làm tính, ta có những phép tính, thí dụ, 4x mà trừ đi 2x thì còn lại 2x hay đem 4x chia cho 4, ta được x vân vân, đến một lúc ta sẽ được x = 22 con gà và, do đó, 36 – 22 = 14 con chó. Ông dạy phép giả thử trước vì ăn-giép dễ dùng quá, một khi đã biết dùng ăn-giép thì sẽ không bao giờ trở lại làm số học nữa.

Niên học 1945, sau 80 năm làm sứ mệnh khai hóa và chỉ sau khi nước Pháp, trong thực tế, đã chấm dứt nhiệm vụ này vì bị Nhật đảo chính ngày 09-03-1945, thị xã Hải Dương, lần đầu tiên, có được một trường trung học, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, công trình cụ thể của Bộ Giáo Dục của GS Hoàng Xuân Hãn. Nhà tôi có hai anh họ xa đến ở nhờ, trọ học. Một hôm, tôi nghe hai anh tranh luận rất hăng say về toán. Tôi lắng tai nghe, các anh đang cãi nhau về một bài tính ăn-giép.

“Tưởng gì, tính ăn-giép thì em làm được!”

Hai anh là học trò cô-le, không phải chuyện đùa, tròn mắt nhìn thằng ranh con ăn nói xấc xược, bậy bạ nhưng bằng lòng cho thử. Thằng ranh con ngồi liếm mép, “làm như thế, như thế…” trong vài phút, giải được bài tính ăn-giép!

Đó là một số thành tích tôi thu lượm được từ thầy giáo Công. Trong hai vụ hè, kiểm điểm lại, ông dạy tôi có lẽ đủ toán để có thể qua được trung học phổ thông một cách khá thoải mái. Toán học phương Đông có lẽ không có một hệ thống giống như phương Tây, nhưng cũng khá phát triển, Hàn Tín điểm binh là bài toán cổ đã 2000 năm; tôi chưa được đọc về cách các cụ ta học toán ngày xưa. Riêng thầy giáo Công, tiếng Anh ông học ở đâu đó, tiếng Pháp ông phải biết đôi chút vì đi thi có bài dịch. Một vài khái niệm khác, như ăn-giép, có thể ông đọc trong sách của anh Ngọc, con trai trưởng của ông. Hè năm 1944, anh Ngọc thi đỗ đíp-lôm về, mặt ông rạng rỡ, kiêu hãnh như chỉ một ông bố có con thi đỗ đíp-lôm ngày ấy mới có thể rạng rỡ, kiêu hãnh đến thế. Ông cho cả lớp ăn bánh kẹo. Chính trong dịp này ông dạy tôi ăn-giép.

Nhưng còn một số vấn đề tôi nghĩ không thể đến từ sách vở của anh Ngọc. Với vài thí dụ giản dị, ông chỉ cho tôi biết không có con số nguyên tố lớn nhất (số nguyên tố là số không thể chia cho bất cứ số nào ngoài số 1 và chính nó, thí dụ: 2, 3, 5, 7,…) Mãi mãi về sau, tôi mới biết phát biểu trên là một định lý của Euclid, nhà bác học Hy Lạp đã đặt nền móng cho toán học từ hơn 2000 năm nay và chứng minh định lý về số nguyên tố của ông, theo người sành điệu, thuộc loại đẹp và thanh lịch nhất trong toán học. Anh Ngọc mới đỗ đíp-lôm, trong chương trình trung học của Pháp, chỉ đến Tú Tài II, định lý Euclid mới xuất hiện. Các cụ ta không thiếu gì người bác học, không rõ sức hiểu biết về toán của các cụ sâu đến đâu? Đó là một đề tài khảo cứu hấp dẫn.

*

Rồi chiến tranh chống Pháp. Mỗi người một nơi, tôi không gặp lại thầy giáo Công, nhưng tôi không bao giờ quên ông, luôn luôn hy vọng có được dịp bù lại mấy món quà Tết eo sèo đã biếu ông. Tôi phải đợi nhiều năm.

Ở gần nhà tôi có một gia đình dân nhập cư Hy Lạp. Một hôm, người bạn nha sĩ hàng xóm nói ông người Hy Lạp dạm hỏi tôi có thể dạy kèm đứa con gái nhỏ của ông được không, ông ta sẽ xin trả tiền thù lao sòng phẳng? Tôi trả lời tôi không dạy tư, rồi đùa hỏi liệu ông ta có sẵn lòng trả công bằng công thợ sửa ống nước không, thế nào chăng nữa, cứ cho con gái ông ta sang xem sao? Nói chuyện với đứa nhỏ, chẳng mấy chốc tôi nhận thấy nếu nhất định trả tiền thù lao, ông ta sẽ tốn nhiều hệ thống dẫn nước trong nhà. Tôi nói tôi sẵn sàng kèm đứa nhỏ hai giờ một tuần và ông không cần phải bận tâm về vấn đề thù lao. Không rõ vì ông quá kiêu hãnh hay vì không cảm thấy thoái mái về chuyện không phải trả tiền thù lao, con ông đến học với tôi vài lần rồi xin thôi.

Chính biến ở Việt Nam cho tôi mấy dịp khác. Gia đình bạn tôi dọn đến ở cùng thành phố. Ông bà hỏi bác có sẵn lòng kèm cháu học không? Tất nhiên là bác sẵn lòng kèm cháu học. Tôi dạy cháu như thầy giáo Công đã dạy tôi: cẩn thận nhưng tùy hứng. Thí dụ, có bao nhiêu cách xếp bàn ăn có 6 chỗ ngồi với 6 người khách? Hai bác cháu rất hợp ý nhau, nhưng không hiểu sao ít lâu sau bạn tôi xin cho cháu nghỉ học. Cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ vì tôi không thành công hay đã quá thành công. Cháu đã ra trường từ lâu, hành nghề bác sĩ hơn mười năm nay.

Dịp may cuối cùng. Ty, em của một bà bạn, tâm sự với tôi các cô chỉ để ý đến bác sĩ, kỹ sư thôi, còn phó thường dân như Ty thì các cô hếch mũi nhìn qua suốt. Vì vậy, Ty quyết chí học cho thành tài và muốn xin tôi giúp. Ý định tốt, lý do xấu. Nhưng ta là ai mà luôn luôn muốn mọi điều kiện phải thập phần hoàn hảo? Ta phải biết bằng lòng với những gì ta có. Tôi nghiến răng dạy, Ty nghiến răng học. Tôi sửa soạn cho Ty học hết toán cơ bản. Sau này, Ty kể, “có lần anh mắng em, anh bảo óc mày không chịu làm việc, ngộ nó teo lại bằng cái hạt đậu rồi biến mất thì sao?” Tôi cười hỏi lại, “thật hả?” nhưng trong thâm tâm hơi ngượng, thầy giáo Công không bao giờ mắng tôi thô tục như thế. Quyết chí học như Ty thì thi bằng gì cũng đậu và ai dạy cũng được. Ty ra trường, ông kỹ sư nọ kia. Hàng năm, Tết đến, biết tôi hay uống cà-phê, Ty mang cho tôi máy pha cà-phê. Đến Tết thứ ba, tôi có tới ba máy pha cà-phê, tất cả đều tốt. Tôi bảo Ty đến chơi với anh là quý lắm rồi, đừng quà cáp làm gì; vả lại, nếu muốn cảm ơn thì Ty nên cảm ơn thầy giáo Công. Ba máy pha cà-phê tôi dùng được khá lâu; tôi nghĩ đến những chùm nhãn, những quả xoài thầy giáo Công chất đống trong nhà trong mấy ngày Tết, chắc thầy có vấn đề. 

*

Năm 1945 là năm có nhiều biến động lớn trong lịch sử Việt Nam. Tết Ất Dậu năm ấy, tôi đem quà Tết đến biếu thầy giáo Công như thường lệ. Khi ấy tôi đang học lớp Nhì. Ông xoa đầu tôi, nói hè tôi sẽ phải học nhiều chữ Nho hơn, cho ông nội tôi vui lòng. Nhưng tôi không có dịp trở lại học với ông nữa vì chiến tranh sau đó. Ngay trong dịp Tết này đã có nhiều điềm xấu báo hiệu những tai ương sắp đến. Anh Nhan, người làm cũ cho gia đình tôi, đã xin thôi từ mấy năm trước để về quê làm ăn, đột nhiên xuất hiện, đi ăn xin. Rồi nạn đói khủng khiếp hoành hành, chừng hai triệu người chết đói. Nhà tôi hàng ngày để dành cho anh một bát cơm, đôi khi chính tay tôi đưa cho anh, nhưng cũng không cứu nổi vì hình như anh còn phải chia cho vợ con. Rồi không thấy anh đến nữa, có người nói anh đã chết đói.

Trên đường đi học đến trường tỉnh, chừng hơn hai cây số, người chết nằm ngổn ngang, bụng ỏng, rốn lồi, từ hai lỗ mũi chảy ra hai dòng mũi, một thứ chất lỏng xanh lơ sền sệt, ruồi nhặng bâu đầy, xác xông lên mùi hăng hăng, lợm giọng. Hàng ngày những chiếc xe bò lọc cọc đi lượm xác chết. Phải chứng kiến những cảnh ấy, ngày này qua ngày khác, tuy đã cả tháng trời mà cũng không sao quen mắt được. Không cần phải đọc những áp-phích, truyền đơn tuyên truyền đã bắt đầu xuất hiện, người ta cũng thừa biết nguyên do: đáng lẽ trồng lúa, mùa màng phải phá đi để trồng đay, trồng bông, còn lúa gạo dự trữ dùng để nấu rượu làm nhiên liệu. Những đứa trẻ nhạy cảm đi học mỗi buổi sáng, trước khi được học chữ nghĩa ở nhà trường, đã phải tự học một bài học đời sống nằm lòng, không bao giờ phai nhạt. Bé dại, thơ ngây quá để có thể đọc bài học nên lời, chúng cảm nhận bài học trong xương tủy. Đói quá, mất cả nhân phẩm lẫn mạng sống; phải đánh đuổi cho kỳ hết tất cả những bọn ngoại lai thối tha này, cao hay lùn, mặt nhợt hay mặt vàng. Đó là việc làm độc nhất và tất cả, không thể thỏa hiệp. Những chuyện khác, tính sau!

Đài truyền hình quốc gia Canada CBC, trước bản tin, có một dạo hay cho chiếu cảnh một đứa bé Palestine ngồi cô độc trên một bực thang, giữa đống gạch vụn; nhà nó vừa bị xe ủi đất của Israel san bằng, có lẽ vì anh hay chị hay một người họ hàng nhà nó là kẻ đánh bom. Người ta có thể đưa ra một nghìn lý luận hay lý thuyết, bác học hay vụ lợi, để giải thích một hành động, nhưng riêng đứa nhỏ, nó chỉ có một chân lý: lòng căm thù – một gánh nặng vô nhân đạo, không thể chịu đựng nổi đã được đem chụp trên hai vai đứa trẻ 7, 8 tuổi. Nếu nó có được một thầy giáo Công, không chút vị kỷ, dạy nó tính cỗi rễ bậc hai, có khi nó nhìn thấy được le lói một lối thoát, dù khó khăn. Nhưng nó không có cái cơ duyên ấy. Những ông đồ già, những thầy giáo Công, những con người xưa cũ của những thời xưa cũ, có đời sống lương thiện, thanh tao đã qua đi từ lâu. Nhìn đôi mắt vô định, tôi nhìn thấy được cái định mệnh của nó; thêm vài năm nữa, có thể sớm hơn, nó sẽ trở thành một kẻ đánh bom nguy hiểm.

**

Thêm: Sau hơn 50 năm xa cách, tôi về thăm miền Bắc, Việt Nam vào mùa Xuân năm 2006; tất nhiên tôi về Hải Dương thăm phố Hàng Lọng, căn nhà cũ của thầy giáo Công và để tìm anh Ngọc. Anh Ngọc đã dọn lên ở Hà Nội. Gặp lại anh, sau vài phút ngỡ ngàng, anh em nói chuyện vui vẻ. Anh năm nay đã 84 tuổi, vẫn còn khỏe, cũng làm việc trong ngành giáo dục; có một thời chính phủ đã gửi anh đi công tác ở Mali. Chúng tôi ngồi ôn lại chuyện cũ về thầy giáo Công, nghe anh tả lại thân phụ anh, gần như dùng từng chữ tôi đã dùng trong truyện: áo lụa phong lưu, thuốc lá sâu kèn vắt vẻo bên mép… Và vì vậy, tôi có được một kỷ niệm khó quên khi tôi đưa biếu anh Cỗi rễ bậc hai rồi ngắm nhìn anh đọc. 

Nguyễn Đức Tường