Nguyễn Gia Kiểng: Cuba, vài suy nghĩ trên một đất nước hôn mê

Tôi quyết định sang thăm Cuba sau những thông tin quá mâu thuẫn về đất nước này. Thí dụ như theo Ngân Hàng Thế Giới (WB) thì vào năm 2020 Cuba thuộc hạng các nước có thu nhập trung bình 10.000 USD/người mỗi năm trong khi nhiều tài liệu gần đây lại cho biết lương trung bình tại Cuba chỉ vào khoảng 30 USD mỗi tháng. Mặt khác hầu hết mọi nhân chứng đều quả quyết Cuba đang ở trong một tình trạng đói khổ nguy ngập.

Một đất nước hôn mê

Điều đầu tiên khiến tôi chú ý trên đường từ phi trường về thủ đô La Habana là xa lộ này rất xuống cấp và từ lâu không được bảo trì. Sau đó trong hơn một tuần di chuyển trên 200 km mỗi ngày tôi nhận ra đây là tình trạng chung của đường xá Cuba. Tuyệt đối không thấy một công trình sửa chữa nào, bảo trì kết cấu hạ tầng không còn là một quan tâm của chính quyền Cuba nữa.

Một khu phố gần trung tâm La Habana

Một quan sát quan trọng hơn nhiều là trên đường đi tôi thấy không biết bao nhiêu nhà máy đủ loại bị bỏ hoang từ lâu, không còn cửa sổ, rêu bám đầy tường, cây cỏ dại mọc đầy chung quanh. Đó chỉ còn là những xác nhà không thể phục hồi được nữa. Ngược lại tôi không hề thấy, dù chỉ là một lần, một nhà máy còn đang hoạt động. Tất cả làm chứng cho một giai đoạn hoạt động công nghiệp mạnh đã thuộc hẳn vào quá khứ. Tôi hỏi anh hướng dẫn viên và được xác nhận là tất cả các nhà máy, dù là cơ khí, đường, cà phê, dược phẩm đều đã ngưng hoạt động từ nhiều năm. Chỉ còn lại những công ty sản xuất xì gà (cigar) và rượu Rum. Anh ta dẫn chúng tôi đi thăm hai xưởng sản xuất xì gà, một công ty quốc doanh với hơn 100 nhân viên và một công ty tư doanh với khoảng 20 người. 

Cũng nên biết là tại Cuba hiện nay, dù sinh hoạt kinh tế tư doanh đã được cho phép, 80% lực lượng lao động là trong quốc doanh, 20% còn lại làm việc trong những công ty tư doanh nhỏ hay các nhà trọ tư nhân (các casa particulares). Hoạt động kinh tế tư nhân chỉ được cho phép gần đây sau khi Raul Castro lên thay thế ông anh Fidel Castro (Raul Castro thay thế Fidel Castro năm 2011 rồi nhường chức cho Miguel Diaz Canel từ năm 2021). Tất cả các khách sạn và nhà hàng đều là của nhà nước, nhân viên trong các khách sạn tôi đã đến đều là công chức. Lương trung bình của một công nhân là một trong những câu hỏi đầu tiên của tôi với các hướng dẫn viên. Một anh -người Pháp đại diện cho một công ty du lịch Pháp- trả lời là 60 USD/tháng, theo anh kia –người Cuba- là 50 USD. Lương tối thiểu thì cả hai đều nói là vào khoảng 20 USD/tháng. Câu hỏi đặt ra là vật giá như thế nào để họ có thể sống với đồng lương thấp như thế? Trong các chợ mà tôi đã thăm chỉ có rau quả với giá sấp sỉ bằng 1/3 giá tại Pháp. Thịt, cá, gạo và các mặt hàng khác chỉ có, rất ít, trong những cửa hàng sang trọng với giá cao hơn cả tại Châu Âu. Anh hướng dẫn viên người Cuba là một trường hợp điển hình cho thực trạng xã hội Cuba. Anh là một giáo sư đại học nhưng đã phải bỏ nghề đi làm hướng dẫn viên du lịch vì lương giáo sư của anh không tới 100 USD trong khi làm hướng dẫn viên du lịch, nhờ tiền tặng của du khách, anh có thể kiếm được 400 USD mỗi tháng.

Trước đây, cho tới năm 2021, Cuba có hai đồng tiền Peso, một đồng Peso chính thức và một đồng Peso cho du khách trị giá bằng 1 USD hay 1 Euro nhưng bây giờ chỉ còn đồng Peso chính thức. Đồng đô la Mỹ (USD) trên nguyên tắc không được lưu hành nhưng trên thực tế được chấp nhận ở mọi nơi, đồng Euro thì rất được hoan nghênh với cùng một giá như đồng đô la. Trị giá chính thức là 1 Euro bằng 120 Peso nhưng trị giá trong các nhà hàng và cửa hàng là 1 Euro bằng 320 peso. Hối xuất này không phải là giá chợ đen mà là hối xuất thực sự và công khai. Hối xuất chính thức (1 Euro hay 1 USD bằng 120 Peso) chỉ có trên giấy tờ.

Hình ảnh rất quen thuộc tại thủ đô La Habana và các thành phố Cuba là những đuôi xe xếp hàng dài tại các trạm xăng, các quầy hàng phân phối và các ngân hàng. Tất cả các đơn vị này đều của nhà nước, tư nhân chỉ được phép mở các nhà trọ cho du khách và một vài hoạt động sản xuất nhỏ. Xăng ngày càng thiếu vì nguồn cung cấp Venezuela, đồng minh duy nhất trong vùng của Cuba, cũng đang khủng hoảng nặng. Xe ngựa ngày càng là phương tiện chuyên chở công cộng thông dụng trong các thành phố cũng như ngay trên các xa lộ. Người ta xếp hàng tại các ngân hàng để rút tiền vì lương công chức và công nhân nhà nước, 80% lực lượng lao động, không được trả bằng tiền mặt mà được chuyển vào tài khoản ngân hàng của họ, sau đó mỗi người chỉ được rút ra một số tiền nhất định mỗi tuần. Anh hướng dẫn viên cho biết số tiền này vào khoảng 1/3 tiền lương tháng. Thê thảm nhất là cảnh tượng tại các cửa hàng phân phối. Tại đây trên nguyên tắc mỗi gia đình có một sổ phân phối và được mua mỗi tháng một số lượng nào đó mỗi nhu yếu phẩm với giá rẻ do nhà nước quy định, thí dụ như 2 kg gạo mỗi tháng cho mỗi người như lúc tôi vừa đến La Habana. Trên thực tế nhiều khi sau nửa ngày xếp hàng khi đến lượt mình thì hàng hóa đã hết. Tôi đã vào thăm một cửa hàng phân phối. Cửa hàng trống trơn không còn gì, trừ một vài chén đĩa. Các cửa hàng khác, cũng của nhà nước nhưng không cần sổ phân phối vì bán với giá thị trường, cũng không khác bao nhiêu. Các kệ hàng cũng phần lớn trống trơn, thỉnh thoảng còn lại một vài miếng thịt với giá cao gấp đôi tại Pháp. Làm sao một người công nhân với lương 50 USD mỗi tháng có thể mua? Tôi không biết người Cuba sống thế nào nhưng chắc chắn họ rất khổ. Ngay tại vài nước Châu Phi da đen rất nghèo mà tôi đã đi qua cuộc sống cũng không đến nỗi cơ cực như vậy. Một nghiên cứu cho thấy trung bình mỗi người Cuba đã sút 5 kg so với bốn năm trước đây. Khủng hoảng là một từ quá yếu để chỉ tình trạng của Cuba.

Bên trong một siêu thị, nơi có thể mua không cần sổ phân phối

Vì đâu nên nông nỗi này?

Muốn hiểu thảm kịch Cuba chúng ta cần nhìn lại những nét chính của lịch sử rất xáo trộn của đất nước này. 

Lịch sử Cuba thực ra chỉ bắt đầu từ thế kỷ 16, vài năm sau khi Christopher Columbus tới đây năm 1492 và tưởng mình tới Ấn Độ. Ngay sau đó các đoàn thám hiểm và các tay giang hồ anh chị đã lập ra các thị trấn bây giờ là các thành phố chính của Cuba. Trong vòng 50 năm họ đã tàn sát gần hết những người thổ dân đã sinh sống trên đảo này từ 7.000 năm trước. Thổ dân bây giờ hầu như không còn ai. Lịch sử Cuba cũ đã bị xóa bỏ và lịch sử của nước Cuba hiện nay bắt đầu bằng một tội diệt chủng kinh hoàng.

Sau đó để khai thác những đồn điền sản xuất cà phê và đường mía họ nhập khẩu những người nô lệ da đen từ Châu Phi. Trước sau khoảng một triệu người da đen đã tới đây, cùng với khoảng 120.000 người Hoa đến từ Quảng Đông. Người da trắng -chủ yếu là người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp- chỉ là một thiểu số trong số gần 2 triệu dân vào cuối thế kỷ 19. Trong bốn thế kỷ đầu, từ 1492 đến 1898, Cuba là một thuộc địa của Tây Ban Nha đồng thời cũng là sào huyệt của các băng đảng cướp biển, buôn lậu và rửa tiền. Biến cố lớn nhất trong giai đoạn này là cuộc chiến giành độc lập và giải phóng nô lệ kéo dài mười năm (1868 – 1878) do Manuel de Cespedes, một chủ nhân người Tây Ban Nha, chủ xướng. Cuộc nổi dậy này tuy thất bại nhưng đã thay đổi hẳn lịch sử Cuba, buộc chính quyền Tây Ban Nha phải liên tục làm những nhượng bộ quan trọng về mức độ tự trị của Cuba và về quyền của người da đen. Những nhượng bộ này đã tạo điều kiện cho cuộc nổi dậy giải phóng Cuba của Jose Marti, nhà tư tưởng chính trị đầu tiên của Cuba, năm 1896. Chính quyền Tây Ban Nha đã gửi sang 280.000 quân để tăng cường cho 22.000 quân đang chiếm đóng trong quyết tâm tiêu diệt hẳn mọi ý đồ chống đối. Trong hai năm 200.000 người Cuba đã bị tàn sát và 400.000 người bị dồn vào các trại tập trung. Cuộc đàn áp man rợ này đã làm chấn động lương tâm thế giới và khiến Mỹ, cũng vừa tự giải phóng khỏi ách đô hộ của Anh để trở thành một nước độc lập, quyết định can thiệp nhân danh lý do nhân đạo. Quân đội Tây Ban Nha đầu hàng vì thiếu tiếp vận. Sau bốn năm chuẩn bị Mỹ đã trả độc lập cho Cuba và nước Cộng Hòa Cuba được chính thức thành lập năm 1902. Từ đó, trong 57 năm Cuba liên tục có những chính quyền non trẻ và chao đảo chịu sự chi phối của giới tài phiệt Mỹ và trở thành một vùng ăn chơi với những sòng bài và những hộp đêm. Nhân vật Fulgencio Bastista tượng trưng cho trình độ chính trị của Cuba trong giai đoạn lập quốc này. Ông ta là một trung sĩ không có một kiến thức chính trị nào đã lợi dụng sự yếu kém của các chính quyền để kết hợp một lực lượng quân đội, tự phong làm đại tá và cầm quyền trong hậu trường. Năm 1952 ông ta đảo chính để lên làm tổng thống. Ngay sau đó các tổ chức chống đối vũ trang dồn dập ra đời. Ngày 01/01/1959 đoàn quân nổi dậy của Fidel Castro -với danh xưng “Phong Trào 26/7” và được sự ủng hộ của các tổ chức chống đối khác-tiến vào thủ đô La Habana. Bastista bỏ chạy và một giai đoạn lịch sử khác của Cuba bắt đầu.

Fidel Castro là một luật sư trẻ nhưng đã chọn cuộc sống ngoài vòng pháp luật, chủ trương cách mạng và chống lại chính quyền Bastista bằng bạo lực ngay từ đầu. Ngày 26/07/1953, ở tuổi 27, ông đã thành lập được một lực lượng để đảo chính nhưng thất bại và bị cầm tù. Castro được trả tự do sau hai năm nhờ sự can thiệp của các tổ chức quốc tế, sau đó sống lưu vong tại Mexico và thành lập tổ chức mang tên “Phong Trào 26/7”. Năm 1956 Fidel Castro cùng với em là Raul Castro và đồng chí Ernest Guevara (một nhân vật sau này có lúc trở thành một huyền thoại của tuổi trẻ cánh tả với tên Che Guevara) đổ bộ vào Cuba với một toán quân tổng cộng 82 người để lật đổ chính quyền Bastista. Họ đã thành công sau gần ba năm chiến đấu kiên cường. Chiến thắng của Fidel Castro được cả thế giới chào mừng như một kỳ tích và chỉ ba tháng sau ông được tổng thống Mỹ Eisenhower tiếp đón long trọng tại tòa Nhà Trắng như một anh hùng và một vĩ nhân. Tuy vậy ngay sau đó Fidel Castro đã gây kinh ngạc một cách khác. Ông đã tiêu diệt tất cả những tổ chức chính trị, kể cả những tổ chức đã giúp ông chiến thắng; riêng Che Guevara đã cho hành quyết khoảng 600 người bị nghi ngờ là chống Fidel Castro. Quan hệ với Mỹ xuống cấp nhanh chóng. Mỹ phong tỏa Cuba và ngay sau đó Cuba công khai trở thành tiền đồn của Liên Xô tại Châu Mỹ trong chiến tranh lạnh. 

Trước chiến thắng của Fidel Castro 90% ngoại thương của Cuba, xuất cảng cũng như nhập cảng, là với Mỹ. Mỹ cũng ưu đãi Cuba bằng cách nhập khẩu đường của Cuba với giá gấp đôi giá chính thức. Tất cả những ưu đãi này được nhanh chóng thay thế bằng những ưu đãi khác của Liên Xô. Cuba trở thành một mẫu mực thành công của chủ nghĩa cộng sản cho tới năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ và Cuba lâm vào cảnh khốn cùng vì mất nguồn tiếp liệu. Tình hình ngày càng bi đát hơn vì những gì được Liên Xô cung cấp, các nhà máy cũng như các thiết bị, dần dần hư hỏng và không được thay thế, các công nghiệp chủ chốt như dược phẩm, đường mía và cà phê cũng không còn xuất khẩu được nữa vì không còn thị trường, cuối cùng ngừng sản xuất. Có lúc dưới thời tổng thống Obama Mỹ đã tái lập quan hệ ngoại giao và nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhưng rồi thất vọng và lại phong tỏa như trước. Có thể nói là sau hơn 30 năm mất bầu dưỡng khí Liên Xô Cuba giờ đây đang ngạt thở.

Bây giờ chúng ta có thể trả lời câu hỏi vì đâu nên nông nỗi này. Đó là sự mê cuồng chủ nghĩa Mác – Lênin cùng với sự thiển cận về kiến thức địa lý chính trị. Fidel Castro căm thù Mỹ vì đã biến Cuba thành một vùng ăn chơi và cờ bạc. Điều này đúng nhưng đó là hậu quả chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) và sự yếu kém của nước Cộng Hòa Cuba non trẻ chứ không phải là do chính sách của nước Mỹ. Bằng cớ là cuộc chiến tranh chống Bastista giành chính quyền của Fidel Castro đã được Mỹ hoan nghênh và ngay sau thắng lợi Fidel Castro đã được tiếp đón tưng bừng như một anh hùng. Quan hệ Mỹ- Cuba đã chỉ trở thành thù địch do chọn lựa của chính Castro. Sự thiển cận đã khiến Castro không hiểu được rằng Cuba cần Mỹ hơn là Mỹ cần Cuba. Dù sao giai đoạn quan hệ mật thiết với Mỹ, từ 1902 đến 1959, trong đó Cuba được coi là vùng ăn chơi của Mỹ, cũng đã khiến Cuba trở thành nước Châu Mỹ Latin giầu có nhất với thu nhập bình quân trên mỗi đầu người ngang hàng với Châu Âu. Castro không hiểu được rằng một thực tại dù đáng ghét và phải chấm dứt cũng vẫn có lý do của nó và phải được xử lý với tất cả thận trọng chứ không thể xóa bỏ tất cả ngay tức khắc. Các sòng bài và hộp đêm cần được xét lại nhưng không phải là lý do căm thù vì dù sao đó cũng là một nguồn tài chính mà nhiều nước mong muốn. Monaco vẫn giầu mạnh, Cannes và Deauville không khiến nước Pháp trở thành sa đọa, Hollywood và Las Vegas không làm xuống cấp nước Mỹ. Chiến thắng và sự tung hô của cả thế giới đã khiến Castro mất trí và tưởng rằng mình đã tìm được giải pháp mầu nhiệm cho đất nước Cuba với chủ nghĩa Mác – Lênin. Lúc đó một phần đáng kể của thế giới, nhất là tuổi trẻ, còn đang mê cuồng chủ nghĩa cộng sản. Trong cơn điên của thế giới đó (1) Fidel Castro và Che Guevara còn điên hơn. Trên Quảng Trường Cách Mạng La Habana sau khi giành được thắng lợi Castro đã nói say sưa trong vòng suốt 7 giờ liền về cách mạng vô sản.

Quảng trường La Habana, nơi Castro nói diễn văn 7 giờ sau chiến thắng

Sự mê cuồng của Castro đã được Liên Xô cổ võ và khai thác triệt để. Khrushchev rồi Brejenev đã đổ của vào Cuba để biến Cuba thành mẫu mực thành công, một bằng chứng về sự cao đẹp của chủ nghĩa cộng sản và một mũi nhọn tiến công của Liên Xô tại Châu Mỹ. Đặc biệt là Liên Xô đã giúp Cuba đào tạo ra một số lượng bác sĩ vượt rất xa nhu cầu của Cuba trong chiến lược tranh thủ cảm tình của các nước Châu Mỹ Latin bằng cách gửi các bác sĩ này sang giúp họ. Có lúc Liên Xô đã lập cả một dàn phóng tên lửa hạt nhân tại Cuba khiến Mỹ phản ứng dữ dội làm thế chiến suýt nữa bùng nổ. Thế rồi Liên Xô sụp đổ vì kiệt sức năm 1991 khiến sự phồn vinh giả tạo của Cuba cũng đột ngột chấm dứt và sự nghèo khổ ngày càng gia tăng.

Một đất nước tuyệt vọng?

Ngày nay Cuba đang ở trong một tình trạng đói khổ cùng cực không có lối thoát. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã sụp đổ và bị nhận diện như một sai lầm độc hại, không còn nước nào sợ Cuba và Cuba cũng không còn khả năng hay ý định đe dọa ai nữa. Nhưng cũng không ai cần Cuba, tranh thủ được Cuba chỉ là rước lấy một gánh nặng. Những đồng minh của Cuba cũng không giúp gì được cho Cuba. Nga đã bỏ rơi Cuba từ lâu rồi và cũng chắc chắn sẽ bại liệt sau cuộc chiến Ukraine dù nó kết thúc thế nào. Trung Quốc không thấy có lý do nào để gắn bó với Cuba trong khi chính mình cũng đang đứng trước những thử thách sống còn. Triều Tiên là một chế độ côn đồ nghèo đói chỉ có thể gây tai họa chứ không thể giúp được ai. Venezuela đã lụn bại và bỏ rơi Cuba. Chỉ còn lại Việt Nam nơi chế độ cộng sản đang ở trong giai đoạn chót của tiến trình cáo chung. Con đường duy nhất của Cuba để có một tương lai là chuyển hóa về dân chủ nhưng điều này Đảng Cộng Sản Cuba không dám làm bởi vì họ thừa biết sẽ bị đào thải ngay sau cuộc bầu cử tự do đầu tiên và sau đó sẽ phải trả lời về vô số tội ác. Đảng Cộng Sản Cuba không có tương lai nhưng trước mặt họ lại không có một tập hợp dân tộc nào. Bế tắc. Đã thế Cuba lại thiếu yếu tố cần thiết nhất để ra khỏi bế tắc là tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Sự thiếu vắng tinh thần dân tộc có thể nhìn thấy rõ qua thái độ của cộng đồng người Cuba tại Mỹ; họ chỉ giúp gia đình họ, ngoài ra họ chỉ muốn Cuba bị cô lập và nghèo khổ hơn nữa. Đó là vì lịch sử Cuba như đã nói ở phần trên chỉ bắt đầu từ thế kỷ 16 với đầy rẫy bóc lột, đàn áp và nội chiến chứ không hề có cố gắng xây dựng tình cảm quốc gia, với những con người từ những nguồn gốc khác nhau đến đây với những ước mong khác nhau.  Sau cùng là chủ nghĩa cộng sản mà mục đích là xóa bỏ các quốc gia.

Hy vọng mong manh của Cuba gồm hai yếu tố địa lý và tôn giáo. Cuba là một đảo và những con người sống trên một đảo sớm muộn cũng nhận ra là họ bắt buộc phải chia sẻ một tương lai chung. Tôn giáo chính của Cuba là Công Giáo ngày nay đã suy yếu vì bị đàn áp và vì thế giới đã thay đổi theo hướng ngày càng bất lợi cho mọi tôn giáo nhưng vẫn còn là một hy vọng nhờ sự sáng suốt và khôn ngoan của các linh mục. Sau nhiều năm bị đàn áp cùng với đa số dân chúng họ đã trở thành gắn bó với quần chúng. Tôi đã thấy các linh mục sau mỗi buổi lễ ra cửa nhà thờ ân cần bắt tay hỏi thăm và trò chuyện với từng giáo dân. Một tinh thần liên đới đang hình thành.

Một lời sau cùng. Lý do chính khiến tôi đến thăm Cuba là vì Cuba và Việt Nam gần như cùng chung một số phận, dù Việt Nam nhiều triển vọng tương lai hơn. Sau Thế Chiến II Cuba và Việt Nam là hai nước nhiều hứa hẹn nhất trong vùng của mình. Giờ đây Cuba là một địa ngục trong Châu Mỹ Latin còn Việt Nam là một trong những nước tụt hậu nhất Đông Á. Lý do là vì, do sự thiếu vắng văn hóa chính trị và những trí thức đúng nghĩa, hai dân tộc đã bị những con người nông cạn về cả kiến thức và lẫn đạo đức nhưng đầy tham vọng cá nhân như Fidel Castro và Hồ Chí Minh lôi kéo vào đêm đen cộng sản. Cuộc thăm viếng Cuba đã cho tôi niềm an ủi rằng dù sao chúng ta vẫn còn may mắn hơn Cuba bởi vì đa số người Việt đã hiểu rằng dân chủ là bắt buộc cho tương lai và hòa giải dân tộc, chứ không phải căm thù, phải được coi là tinh thần nền tảng của cuộc chuyển hóa này.

Nguyễn Gia Kiểng

(08/02/2025)

Nguồn: Thông Luận