Nguyễn Gia Kiểng : Hiện tượng Tô Lâm và những gì cần biết

Sự kiện Tô Lâm được bầu một cách quá dễ dàng và nhanh chóng tiết lộ nhiều điều. Trước hết nó cho thấy là Tô Lâm đã loại bỏ được hết những cấp lãnh đạo Đảng Cộng Sản có thể chống lại ông và gây khiếp sợ cho những người còn lại. Nó đồng thời cũng giải thích nhiều sự kiện không bình thường gần đây.

Ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khi ông Tô Lâm lên làm chủ tịch nước, sau khi ông Võ Văn Thương rồi bà Trương Thị Mai bị hạ bệ, mọi người đều tin chắc ông ấy sẽ giành luôn được chức tổng bí thư Đảng Cộng Sản và thu tóm quyền lực trong tay. Tôi thuộc một thiểu số rất nhỏ không tin chắc như thế dù cũng thấy rõ là Tô Lâm đang có thế lực áp đảo. Lý do khiến tôi vẫn còn một chút ngờ vực là vì, một mặt, tôi không ngờ là Đảng Cộng Sản có thể tan nát đến như thế và, mặt khác, tôi nghĩ rằng Tô Lâm có thể vẫn còn một chút sáng suốt.

Từ Nguyễn Phú Trọng tới Tô Lâm

Một sự kiện đáng lưu ý là sự dửng dưng của quần chúng và dư luận Việt Nam trong đám tang ông Nguyễn Phú Trọng dù Đảng Cộng Sản đã vận dụng mọi cố gắng để tổ chức tang lễ thật linh đình, đồng thời đề cao ông như một vĩ nhân đầy công đức cần được biết ơn. Quần chúng Việt Nam đã chỉ coi đám tang ông Trọng như là chuyện riêng của Đảng Cộng Sản, hay đúng hơn chuyện riêng của phe Tô Lâm đang có thế lực áp đảo trong đảng bởi vì nếu quan sát kỹ thì người ta cũng phải thấy là ngay cả đa số đảng viên cộng sản cũng không bày tỏ một sự súc động nào.

Sự lãnh đạm của người Việt Nam với ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là tự nhiên. Trong suốt thời gian cầm quyền ông đã hành xử như một người cộng sản chứ không phải như một người Việt Nam. Điều kinh khủng là một cách liên tục và quả quyết ông đã dành độc quyền tuyệt đối cho Đảng Cộng Sản. Trong các cơ quan nhà nước và các công ty quốc doanh tất cả mọi chức vụ từ cấp phó phòng trở lên đều chỉ dành cho đảng viên cộng sản; trong quân đội và công an, mọi cấp bậc từ hạ sĩ quan trở lên đều phải là đảng viên cộng sản. Ngay cả các ách thống trị ngoại bang, dù là Bắc thuộc hay Pháp thuộc, cũng không tàn nhẫn đến thế, vẫn có những người Việt được làm tướng hay làm quan ở cấp bậc khá cao. Cần nhấn mạnh rằng đây là một đặc điểm của giai đoạn Nguyễn Phú Trọng. Trước đây chế độ cộng sản không đến nỗi tàn tệ như vậy. Ông Lê Khả Phiêu, lúc làm tổng bí thư và trước khi bị nhóm Lê Đức Anh – Đỗ Mười hạ bệ, đã chủ trương là nên có những chức vụ phó thủ tướng, bộ trưởng và thứ trưởng không phải là đảng viên cộng sản. Nhân dân Việt Nam có lý do gì để thương tiếc một người đã gạt họ ra ngoài lề xã hội ngay trên đất nước của họ? Sự lãnh đạm thay vì thù ghét và nguyền rủa của người Việt Nam trước đám tang Nguyễn Phú Trọng phải được coi là một thái độ khoan dung đối với một người vừa quá cố. Thành tích quan trọng, và nghiêm trọng, nhất của Nguyễn Phú Trọng là đã biến Đảng Cộng Sản thành một lực lượng chiếm đóng xấc xược. Có thể Nguyễn Phú Trọng không ý thức được nhưng ông không phải là một người Việt Nam đúng nghĩa, chưa nói một người Việt Nam yêu nước.

Người Việt Nam cũng không có lý do gì để thán phục sự thông thái và tài năng của Nguyễn Phú Trọng. Ông tốt nghiệp đại học về ngữ văn nhưng lại luôn luôn gán ghép một các hỗn độn các từ kép không cùng nghĩa dù có một từ chung như nhân đạo, nhân văn, nhân ái, nhân tình v.v. Ông có bằng “tiến sĩ xây dựng đảng” nhưng không có môn học “xây dựng đảng” nào cả. Đây cùng lắm chỉ có giá trị như một bằng khen của Đảng Cộng Sản. Những cuốn sách của ông hoàn toàn không có luận đề mà chỉ tập hợp những bài viết và bài nói không chứa đựng một ý kiến có giá trị nào, với cách hành văn và những tựa đề dài dòng luộm thuộm. Ông hãnh diện khoe khoang về “chính sách ngoại giao cây tre” mà không ý thức được rằng đó chỉ là một chính sách ngoại giao không nguyên tắc, không đạo lý, gió chiều nào ngả theo chiều đó, nhỏ mọn, vụ lợi và đáng xấu hổ. Đặc tính khiến một số người nể trọng ông là ông tỏ ra không tham lam tiền của. Nhưng ông tham quyền, cho ông và cho đảng của ông. Thực ra tham quyền lực còn độc hại hơn hẳn tham tiền của vì tiền của chỉ là một yếu tố của quyền lực để trấn áp. Đã có quyền thì không còn cần tiền.

Còn các đảng viên cộng sản?

Có lẽ điều đáng chú ý nhất là đã hầu như không có một sự súc động nào nơi đa số các đảng viên cộng sản dù đảng của họ cố tổ chức một quốc táng thật long trọng.

Có thể có một số ít đảng viên kính trọng một lãnh tụ không tham tiền của nhưng tuyệt đại đa số cũng không có lý do gì để mang ơn Nguyễn Phú Trọng. Chính sách đốt lò chống tham nhũng của ông đã thất bại, tham nhũng đã chỉ tăng lên chứ không hề giảm đi; các vụ tham nhũng lớn nhất đều đã xảy ra trong giai đoạn đốt lò. Nguyễn Phú Trọng không hiểu được rằng lý tưởng cộng sản đã chết hẳn từ lâu rồi và không những thế còn bị nhớ đến như một tai họa và một tội ác đối với nhân loại. Ông là người Việt Nam cuối cùng còn đề cao chủ nghĩa Mác – Lênin mà không biết ngượng. Ông cũng không hiểu rằng khi một đảng cầm quyền, nhất là một đảng độc tài hung bạo, đã mất lý tưởng thì lý do duy nhất để các đảng viên gia nhập hoặc ở lại đảng chỉ là lợi ích cá nhân. Tham nhũng vì vậy là bản chất và lý do tồn tại của đảng và chế độ cộng sản, đốt lò đồng nghĩa với đốt đảng và chế độ. Khi dành mọi chức vụ có chút thẩm quyền cho các đảng viên cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã tách họ ra khỏi dân tộc và đặt họ trong tình thế hiểm nghèo vì dầu sao dân tộc vẫn phải là đất sống của họ. Bằng chính sách đốt lò chống tham nhũng ngây ngô ông cũng đã khiến đảng chia rẽ trầm trọng và tạo ra quá nhiều nạn nhân. Rồi đưa Tô Lâm lên tột đỉnh quyền lực.

Hiện tượng Tô Lâm

Ngày 03/08/2024 hội nghị trung ương bất thường của Đảng Cộng Sản đã nhanh chóng biểu quyết với đồng thuận 100% bầu ông Tô Lâm làm tổng bí thư đảng, thực hiện lại chủ trương “nhất thể hóa” (nghĩa là chủ trương thống nhất đảng và nhà nước đã phải tạm ngừng vì lý do sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng) với Tô Lâm làm tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước. Nếu có những sự kiện đã dự đoán trước mà khi xảy ra vẫn gây sửng sốt thì đây là một.

Trong một số bài trước đây tôi đã trình bày logic cáo chung của các chế độ cộng sản để giải thích tại sao chế độ cộng sản tại nước ta đã đến lúc phải cáo chung và tại sao Tô Lâm đã trở thành con người quyền lực nhất dù hoàn toàn không phù hơp với cả hai chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư đảng.

Sự kiện ông được bầu một cách quá dễ dàng và nhanh chóng tiết lộ nhiều điều. Trước hết nó cho thấy là Tô Lâm đã loại bỏ được hết những cấp lãnh đạo Đảng Cộng Sản có thể chống lại ông và gây khiếp sợ cho những người còn lại. Nó đồng thời cũng giải thích nhiều sự kiện không bình thường gần đây.

Thí dụ:

Tại sao Tô Lâm không bị thay thế sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức khiến ông bị nhìn như một tội phạm theo luật pháp quốc tế?

Tại sao Tô Lâm không hề bị khiển trách sau vụ sang London ăn nhậu hoang phí, ăn thịt bò dát vàng hơn 2.000 USD một miếng, uống rượu Petrus hơn 13.000 USD một chai?

Tại sao khi thủ tướng Phạm Minh Chính đi công du nơi đâu thì Tô Lâm cũng đòi đi theo và ông Phạm Minh Chính phải chấp nhận dù là những chuyến công du không liên quan gì tới công việc của một bộ trưởng công an, như hội nghị về khí hậu tại London, hội nghị hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Indonesia, hay hội nghị hợp tác Mỹ – ASEAN tại Mỹ?

Tại sao chỉ một tuần sau Đại Hội 20 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (tháng 10-2022) ông Nguyễn Phú Trong dù trong tình trạng sức khỏe nguy ngập đã phải vội vã sang Trung Quốc cùng với một phái đoàn hùng hậu để chúc mừng Tập Cận Bình?

Tại sao trong thời gian vài năm nay Tô Lâm liên tục đi thăm nhiều nước?

Quan trọng hơn hết tại sao Đại Hội 13 của Đảng Cộng Sản Việt Nam (tháng 01-2021) mới ngày hôm trước biểu quyết không thay đổi bản điều lệ đảng theo đó tổng bí thư đảng chỉ tại chức hai nhiệm kỳ để rồi ngày hôm sau bầu ông Trọng làm tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3 dù ông đã rất kiệt quệ về sức khỏe?

Bây giờ người ta hiểu rằng Tô Lâm đã hoàn toàn sở hữu được Nguyễn Phú Trọng từ trước Đại Hội 13 và đã sử dụng Nguyễn Phú Trọng để loại trừ nhiều đối thủ tiềm năng. Đại hội 13 đã là một cuộc đảo chính của Tô Lâm trong nội bộ đảng để giữ nguyên quyền lực của mình. Từ đó Nguyễn Phú Trọng chỉ còn là một hình nộm để Tô Lâm giật dây mặc sức loại trừ bất cứ ai có thể chống lại mình. Nguyễn Phú Trọng đã bị ép buộc phải ở lại chức tổng bí thư chứ thực sự không muốn, ông chỉ muốn nghỉ ngơi thôi nhưng đã quá yếu để có thể cưỡng lại sự ép buộc. Tô Lâm không bị khiển trách sau vụ Trịnh Xuân Thanh và bữa ăn nhậu tại London vì không ai có thể hạch tội Tô Lâm. Tô Lâm bắt đầu viếng thăm nước ngoài thường xuyên vì tin chắc mình sẽ giành được cả hai chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư đảng và cần biết bối cảnh thế giới. Phạm Minh Chính phải chấp nhận để Tô Lâm đi cùng với mình trong các chuyến công du vì sợ Tô Lâm hạ bệ mình. Người ta cũng hiểu tại sao tất cả các cấp lãnh đạo bị thanh trừng đều hoàn toàn im lặng, nỗi sợ Tô Lâm đã bao trùm Đảng Cộng Sản.

Điều cần được đặc biệt lưu ý vì sẽ có hậu quả nghiêm trọng là Tô Lâm rất nể phục Trung Quốc và tin rằng cần dựa vào Trung Quốc để giữ vững chế độ và quyền lực của mình. Ông đã gửi rất nhiều công an Việt Nam sang Trung Quốc để được huấn luyện. Gần đây trong lần tiếp một thứ trưởng công Trung Quốc Tô Lâm đã thỉnh cầu Trung Quốc giúp Việt Nam học tập thêm về lý luận. Nếu ý thức rằng ít nhất từ sau Đại Hội 13 người cầm quyền thực sự là Tô Lâm chứ không phải Nguyễn Phú Trọng người ta sẽ hiểu tại sao tháng 12/2023 Tập Cận Bình đã được tiếp đón long trọng hơn hẳn Joe Biden ba tháng trước đó. Người ta cũng sẽ hiểu tại sao cuối tháng 10/2022 -chỉ một tuần lễ sau Đại Hôi 20 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc- Nguyễn Phú Trọng đã vội vã đem một phái đoàn hùng hậu, trong đó dĩ nhiên có Tô Lâm, sang chúc mừng Tập Cận Bình. Tô Lâm quyết định tất cả. Người ta cũng sẽ hiều tại sao từ mấy năm nay hai tiếng “thoát Trung” không còn được nghe thấy nữa, thay vào đó là cảm tưởng “thuộc Trung”.

Nhưng tại sao Tô Lâm đã tranh thủ được lòng tin và trở thành cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng để rồi làm chủ Nguyễn Phú Trọng? Để trả lời câu hỏi này cần nhìn lại những tranh chấp quyền lực đã diễn ra trong nội bộ Đảng Cộng Sản.

Cho tới năm 2016 còn có sự phân biệt giữa Đảng và Nhà Nước. Đảng do Nguyễn Phú Trọng đứng đầu trong cương vị tổng bí thư, Nhà Nước do Nguyễn Tấn Dũng nắm trong vai trò thủ tướng chính phủ. Trên nguyên tắc thì đảng lãnh đạo và nhà nước chỉ quản lý nhưng trên thực tế thì phe chính phủ mạnh hơn vì nhiều phương tiện và nhân lực hơn, Nguyễn Tấn Dũng gần như bất chấp tổng bí thư vì chính ông cũng khá mạnh trong đảng. Cuộc đấu đá giữa hai phe Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã khá gay go. Cũng nên biết là Nguyễn Phú Trọng đã chỉ trở thành tổng bí thư như là giải pháp thỏa hiệp trong đại hội 11, tháng 01-2011, sau cuộc tranh chấp giữa Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, và Trương Tấn Sang, thường trực bộ chính trị. Nguyễn Tấn Dũng mạnh hơn nhưng không đủ mạnh để thắng dứt khoát. Cuối cùng thì chức tổng bí thư được giao cho Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch quốc hội. Nguyễn Tấn Dũng giữ nguyên chức thủ tướng đầy quyền lực, Trương Tấn Sang giữ được thể diện trong chức vụ chủ tịch nước chủ yếu có tính nghi lễ. Cuộc tranh chấp quyền lực tiếp tục giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng.

Một thắng lợi lớn của phe Nguyễn Phú Trọng đã đến ngày 01-02- 2013 khi Bộ Chính Trị quyết định chuyển giao Ban Chỉ Đạo Trung Ương Phòng, Chống Tham Nhũng  cho Nguyễn Phú Trọng. Ban này từ trước vẫn do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban. Từ đó thắng lợi ngả hẳ, về phe Nguyễn Phú Trọng bởi vì chống tham nhũng được coi là cuộc chiến đấu sống còn của đảng và chế độ trong khi Nguyễn Tấn Dũng bị tai tiếng là tham nhũng và dung túng tham nhũng. Sau Đại Hội 12, tháng 01-2016, Nguyễn Tấn Dũng bị loại và về hưu để trở thành người tử tế. Không rõ Tô Lâm đã đóng vai trò cụ thể nào trong cuộc đấu đá nội bộ này nhưng chắc chắn là ông đã ủng hộ rất đắc lực phe Nguyễn Phú Trọng bởi vì ngay sau Đại Hội 12 ông được đưa lên làm bộ trưởng Bộ Công An và nhất là phó trưởng ban Ban Chỉ Đạo Trung Ương Phòng Chống Tham Nhũng, nghĩa là cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng. Nắm được ban này là nắm được quyền sinh sát tùy tiện bởi vì tất cả các quan chức cộng sản đều có tội nếu bị điều tra, vấn đề chỉ là điều tra những ai mà thôi.

Thế rồi bất ngờ Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ vào tháng 04-2019 và mất dần cả sức khỏe lẫn sự sáng suốt. Càng ngày cánh tay càng suy nghĩ giùm cho bộ óc rồi sau cùng Tô Lâm quyết định tất cả nhân danh Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là quyết định điều tra, để loại trừ, những ai về tội tham nhũng. Một sự kiện rất quan trọng đáng lẽ phải được đặc biệt chú ý là ngày 16-09-2021, nghĩa là 8 tháng sau Đại Hội 13 với cuộc đảo chính của Tô Lâm như đã nói ở trên, Ban Chỉ Đạo Trung Ương Phòng Chống Tham Nhũng được đổi tên thành Ban Chỉ Đạo Trung Ương Phòng Chống Tham Nhũng, Tiêu Cực theo một quyết định của Nguyễn Phú Trọng. Từ nay ủy ban này không chỉ truy nã vì lý do tham nhũng mà còn truy nã cả vì lý do chính trị vì hai tiếng “tiêu cực” vẫn thường được dùng để chỉ những hành vi chính trị như suy thoái về tư tưởng, mất lòng tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin, có dấu hiệu tự diễn biến tự chuyển hóa v.v. Nguyễn Phú Trọng lúc này đã yếu quá rồi không còn quyết định được gì nữa. Đây là một quyết định của Tô Lâm để có thể loại trừ bất cứ ai. Trong không đầy một năm qua Tô Lâm đã hạ bệ hai chủ tịch nước, ba phó thủ tướng, 7 ủy viên Bộ Chính Trị và nhiều chục ủy viên trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng, tướng tá, bí thư tỉnh ủy vv. Tô Lâm đã hoàn toàn làm chủ tình thế. Quyết định ngày 03-08-2024 vừa qua của hội nghị trung ương đảng bất thường chỉ chính thức hóa một tình trạng có sẵn.

Một giai đoạn mới đã bắt đầu. Từ nay trước dư luận Việt Nam và các đảng viên cộng sản Tô Lâm sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm về những gì mình làm chứ không còn núp bóng Nguyễn Phú Trọng để hành động giấu tay được nữa. Người ta có thể chịu đựng và bỏ qua cho Nguyễn Phú Trọng nhiều điều vì thương hại một người quá yếu bệnh và sắp chết nhưng đó không phải là trường hợp Tô Lâm. Người ta cũng sẽ khám phá ra rằng nhiều quyết định tùy tiện trước đây không phải do Nguyễn Phú Trọng mà là của Tô Lâm. Ông sẽ gặp những khó khăn lớn.

Ông đã gây quá nhiều thù oán. Đối với nhân dân Việt Nam ông là người mà tất cả sự nghiệp là đàn áp nhân quyền và khát vọng dân chủ ngày càng nóng bỏng hơn. Dân chủ là dòng thác mãnh liệt của cả thế giới, tiến trình dân chủ hóa không thể đảo ngược được. Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ có hai chọn lựa: hoặc tham gia vào tiến trình dân chủ hóa để làm tác nhân hoặc ngoan cố chống lại để làm nạn nhân. Có mọi triển vọng Tô Lâm sẽ chọn chống lại tới cùng. Ông là một đe dọa cho cả dân tộc Việt Nam lẫn các đảng viên cộng sản.

Một khó khăn rất lớn khác cũng đang chờ đợi Tô Lâm mà ông không ý thức được dù chính mình là nguyên nhân. Đó là tình trạng kinh tế suy thoái mà chính quyền cộng sản vẫn cố sức che giấu nhưng sắp đến lúc không còn che giấu được nữa. Một trong những nguyên nhân chính là vì chế độ cộng sản Việt Nam ngày càng tỏ ra thần phục Trung Quốc. Vào năm 2019 tất cả các viện nghiên cứu đều đánh giá Việt Nam là nước có cơ hội kinh tế thuận lợi nhất vì là điểm đến tự nhiên của các công ty đa quốc đang hàng loạt rời Trung Quốc. Nhưng rồi vì Việt Nam ngày càng tỏ ra ngả về Trung Quốc nên cơ hội này đã mất. Các công ty đa quốc rời Trung Quốc đã chọn Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Mexico thay vì Việt Nam. Lý do dễ hiểu là người ta không rời Trung Quốc để đến một nước chư hầu của Trung Quốc. Điều này bây giờ chúng ta có thể quả quyết là do chủ trương thuộc Trung mà Tô Lâm đã thúc đẩy sau lưng Nguyễn Phú Trọng. Mặt khác các nước dân chủ phát triển cũng dần dần nhận ra rằng mở cửa thị trường cho Việt Nam không giúp Việt Nam mạnh lên để thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc và góp phần bảo vệ luật pháp quốc tế trên Biển Đông bởi vì Việt Nam không cố gắng, hay không biết, phát triển công nghiệp sản xuất mà chủ yếu chỉ gia công và lắp ráp các bán thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rồi dán nhãn Made in Vietnam để xuất khẩu. Việt Nam trên thực tế đã trở thành trung gian xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc; càng xuất khẩu nhiều sang Mỹ và Châu Âu Việt Nam lại càng lệ thuộc Trung Quốc hơn. Kết quả là đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu đã sút giảm một cách nghiêm trọng và hy vọng phục hồi rất mong manh.

Thảm kịch Hồ Quý Ly

Lý lịch của Tô Lâm không có dấu hiệu của một tham vọng chính trị nào. Ông gia nhập công an ngay sau khi học xong lớp 10 và liên tục phục vụ trong ngành công an bảo vệ chính trị, nghĩa là đàn áp những người không cùng chính kiến với chế độ cộng sản, cho đến khi lên đến chức thứ trưởng rồi bộ trưởng công an. Thân phụ ông trước đây cũng là một tướng công an, cục trưởng cục quản lý trại giam. Đàn áp, bắt bớ và giam cầm như vậy là nghề gia truyền của Tô Lâm. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cũng chứng tỏ Tô Lâm có máu khủng bố. Chân dung của ông là chân dung kiểu mẫu của loại người chuyên nghiệp, thường chọn nghề gia truyền nhất là nếu nghề đó lại đang được hậu đãi. Những người này không thắc mắc về bản chất của nghề và những giá trị văn hóa đạo đức. Họ cũng không nuôi một hoài bão to lớn nào và mặc nhiên chấp nhận vai trò công cụ và thừa hành. Tô Lâm đã chọn nghề công an và đàn áp vì đó là nghề gia truyền và cũng là nghề phát đạt trong một chế độ toàn trị. Ông bảo vệ chế độ cộng sản vì nó đã giúp gia đình ông và chính ông thành đạt. Được lên tới chức đại tướng, bộ trưởng đối với Tô Lâm lẽ ra đã là một thành công ngoài mọi mong đợi, ông không thể ao ước gì hơn.

Tô Lâm đã chỉ trở thành Tô Lâm hiện nay, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, vì một chuỗi những bất ngờ trong một chế độ chuyên chính đã phân hóa vì không còn lý tưởng. Do cuộc tranh giành quyền lực giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng ông đã trở thành đàn em rồi cách tay mặt của Nguyễn Phú Trọng. Rồi bất ngờ Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ khiến sức khỏe và trí khôn sa sút nhanh chóng, ông dần dần quyết định thay cho Nguyễn Phú Trọng và sau cùng trở thành nhân vật quyền lực nhất chế độ. Từ đó ông mới nẩy ra tham vọng làm lãnh tụ tối cao. Giai đoạn hấp hối của Nguyễn Phú Trọng cũng đã kéo dài quá lâu, hơn 5 năm, khiến Tô Lâm có đủ thời gian để triệt hạ hết những người có thể chống lại mình. Tô Lâm đã là sản phẩm của một chuỗi bất ngờ trong một bối cảnh lịch sử bệnh hoạn. Một đặc tính của những người hạn hẹp nhờ may mắn mà thành công lớn là họ thường mê cuồng trong sự may mắn và không biết dừng lại, để rồi gục ngã trong thất bại ê chề, gây thảm kịch cho xã hội và cho chính mình.

Lịch sử nước ta đã có một trường hợp tương tự. Vào cuối thế kỷ 14 Hồ Quý Ly, một cận thần của vua Trần Nghệ Tông, đã được vua tin dùng và dần dần lên đến chức tể tướng. Hồ Quý Ly là một người bất tài, mỗi lần quân Chiêm của Chế Bông Nga tấn công chỉ biết dẫn vua bỏ chạy. Bình thường tham vọng của Hồ Quy Ly chắc chắn chỉ giản dị là được làm một cận thần, nhưng Trần Nghệ Tông cuối đời quá già yếu mất hết trí khôn chỉ còn biết nhờ cậy Hồ Quý Ly rồi trở thành bình phong để Hồ Quý Ly lộng hành. Trần Nghệ Tông đã để Hồ Quý Ly nhân danh mình giết hết các trung thần và cả con cháu mình. Hồ Quý Ly trở nên mê cuồng trong quyền lực và sau cùng cướp ngôi nhà Trần để lên làm vua. Trái với nhận xét phiến diện của một số sử gia nông cạn Hồ Quý Ly chỉ biết làm những chuyện thô vụng khiến cả nước oán hận. Nhà Hồ chỉ kéo dài được bảy năm, từ năm 1400 đến năm 1407, rồi sụp đổ và nước ta bị Trung Quốc đô hộ.

Trường hợp Trần Nghệ Tông – Hồ Quý Ly xét cho cùng cũng không khác trường hợp Nguyễn Phú Trọng – Tô Lâm bao nhiêu. Nước ta vừa bắt đầu một giai đoạn lịch sử đầy rủi ro.

Hơn lúc nào hết chúng ta phải rất cảnh giác, đừng để lặp lại một thảm kịch lịch sử.

Nguyễn Gia Kiểng

(17/08/2024)