Nguyễn Gia Kiểng : Tô Lâm và những gì thực sự quan trọng

Các chế độ cộng sản có một tiến trình cáo chung đặc biệt. Chúng không thể thay đổi tư tưởng và lập trường chính trị. Chúng giống như một tôn giáo lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kinh thánh, khi kinh thánh bị đã vất bỏ thì tôn giáo cũng phải bốc hơi theo.

Ông Tô Lâm tuyên thệ Chủ tịch nước, ngày 22 tháng 5 năm 2024

Việc ông Tô Lâm được chế độ cộng sản chọn làm Chủ tịch nước đã gây bàn luận khá sôi nổi. Câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là quyết định này nhằm chuẩn bị cho ông lên làm Tổng Bí thư đảng hay chỉ có mục đích đẩy ông ra khỏi Bộ Công an trước khi về hưu? Thắc mắc này có cơ sở vì tình trạng hiện nay của chế độ cộng sản cũng như về con người Tô Lâm nhưng nó không quan trọng như nhiều người có thể nghĩ.

Trước hết Tô Lâm là người như thế nào?

Lần đầu tiên tôi nghe thấy tên Tô Lâm là vào mùa hè 2002 nhân đám tang tướng Trần Độ, một thân hữu mà tôi rất quý mến. Qua điện thoại anh Phạm Quế Dương (cựu Đại tá, Chủ nhiêm Chính trị mặt trận chống Trung Quốc mùa xuân 1979 và cựu Tổng Biên tập tạp chí Lịch Sử Quân Đội, đối với tôi vừa là một chí hữu vừa là một người anh) thuật lại rằng đám công an của Cục Bảo vệ Chính Trị của Tô Lâm đã can thiệp một cách lộ liễu và khiếm nhã. Nhưng rồi tôi không nghe nói nhiều về Tô Lâm, ngay cả sau khi ông lên làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Công an, vào Ban Chấp hành Trung ương rồi Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản. Ông có vẻ kín đáo. 

Điều đặc biệt đáng lưu ý là ông là một công an dòng dõi, cho tới khi làm Bộ trưởng tất cả sự nghiệp là trong ngành “bảo vệ chính trị” nghĩa là đàn áp những người bất đồng chính kiến. Cha ông trước đây là cục trưởng Cục Quản Lý Trại Giam, nghĩa là coi các nhà tù. Con bắt người, cha giam giữ và hành hạ. Có thể nói nghề gia truyền của Tô Lâm là đàn áp, thi hành mệnh lệnh đàn áp mà không thắc mắc mệnh lệnh đúng hay sai, không khác một đội hành quyết giết người vì nghề nghiệp.

Tô Lâm được dư luận Việt Nam và thế giới, nhất là Châu Âu, đặc biệt chú ý từ năm 2017 khi ông đích thân sang Châu Âu tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn gượng gạo tuyên bố là chính Trịnh Xuân Thanh đã về nước và ra đầu thú nhưng không hề phản bác cáo buộc của cảnh sát Đức). Vụ này đã khiến nước Đức phẫn nộ đình chỉ quan hệ “đối tác chiến lược” với Việt Nam. Tại sao một Dại tướng Bộ trưởng lại đích thân chỉ huy một vụ bắt cóc? Hành động vô ý thức tai hại này chỉ có thể giải thích là vì do phản xạ nghề nghiệp Tô Lâm ưa thích những thủ đoạn lén lút.

Hai năm sau, 2019, tôi được xem một video của truyền hình Việt Nam trong đó Tô Lâm trò chuyện với một nhóm ký giả về vụ 39 thanh niên Việt Nam chết lạnh trong một xe thùng khi nhập cảnh bất hợp pháp vào nước Anh. Tôi phải ngạc nhiên về thái độ bình thản dửng dưng, gần như cười cợt, của ông trước một thảm kịch mà chính thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải đến tận nơi để bày tỏ sự xúc động.

Rồi vụ Đồng Tâm năm sau gây chấn động trong dư luận Việt Nam. Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, một cựu công an và Chủ tịch xã Đồng Tâm bị giết dã man trong một cuộc tấn công giữa đêm của một lực lượng công an hùng hậu chỉ để tịch thu bản đồ chứng mình quyền sử dụng đất của xã Đồng Tâm tại cánh đồng Sênh. Sau đó truyền hình nhà nước đưa hình ảnh của mấy chục thanh niên Đồng Tâm bị bắt với mặt mũi sưng vù vì bị đánh. Điều đáng lưu ý là sự dối trá trơ trẽn của bộ công an theo đó chính người dân Đồng Tâm đã tấn công trước một toán công an đang xây hàng rào. Sự bịa đặt dựng đứng này quá lỗ mãng nên chính quyền cộng sản không hề nhắc lại nữa.

Năm sau Tô Lâm lại nổi tiếng vì cùng với vài tướng tá công an đi ăn tại một nhà hàng cực kỳ đắt tại London trong đó mỗi người ăn một miếng thịt bò dát vàng trên 2.000 USD và họ uống hai chai rượu Petrus trị giá 28.000 USD trong khi lương của Bộ trưởng Công an chưa tới 1.000 USD. Tiền đâu mà tiêu xài hoang phí như vậy, giữa lúc hàng triệu đồng bào đang đói khổ, nếu không tham nhũng?

Mấy năm gần đây Tô Lâm liên tục tích lũy những vụ tai tiếng nhưng ông không hề bị kỷ luật hay khiển trách. Phải hiểu ông là người rất thân tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và được ông Trọng che chở tận tình. Nguyễn Phú Trọng coi hai sứ mạng chính của ông là đốt lò chống tham nhũng và kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin chống tự diễn biến tự chuyển hóa. Cả hai sứ mạng đó ông Trọng đều ủy nhiệm cho Tô Lâm thi hành. Tô Lâm là phó trưởng ban chống tham nhũng mà chính Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban, còn đàn áp chính trị vốn thuộc bộ công an và cũng là nghề gia truyền của Tô Lâm.

Theo tiểu sử chính thức của ông, Tô Lâm vào học trường sĩ quan công an ngay sau khi học hết lớp 10 và phục vụ liên tục trong ngành “bảo vệ chính trị” cho tới khi lên làm Thứ trưởng Công an năm 2010, rồi Bộ trưởng Công an từ năm 2016. Nói chung ông là một công an nòi, thuộc dòng dõi công an, chuyên về đàn áp chính trị. Cũng theo tiểu sử chính thức thì ông có bằng Tiến sĩ Luật và có trình độ lý luận cao nhưng không biết ông đã học luật ở đâu, có lẽ trong trường đảng và bằng Tiến sĩ Luật của ông cũng giống như bằng “Tiến sĩ Xây dựng Đảng” của Nguyễn Phú Trọng. Trình độ “lý luận cao” của Tô Lâm cũng đáng ngờ vực bởi vì gần đây khi tiếp một Thứ trưởng Công an Trung Quốc ông đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ để học tập về lý luận.

Tóm lại Tô Lâm là mẫu người thừa hành tận tụy, không thắc mắc về nguyên tắc và đạo lý mà chỉ cặm cụi để làm tròn công việc được giao phó. Chính vì thế mà ông đã tranh thủ được lòng tin của sếp Nguyễn Phú Trọng. Nhưng cũng chính vì thế mà ông không tránh khỏi sự hoại loạn –hay đảo ngược- khái niệm. Ông đồng hóa “bảo vệ chính trị” với đàn áp chính trị, ông dùng luật để chà đạp thay vì bảo vệ quyền công dân và quyền con người. 

Trong hai năm vừa qua ông đã điều tra và phanh phui sai phạm của rất nhiều lãnh đạo cao cấp của chế độ cộng sản. Hai Chủ tịch nước, hai phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng Ban Tổ chức Đảng đã bị bãi chức; hàng chục Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cục trưởng, Tỉnh ủy viên đã bị khai trừ thậm chí bị kết án tù. Chế độ bị chao đảo mạnh. Rất có thể vì Tô Lâm đã chỉ thi hành triệt để lệnh “chống tham nhũng không có vùng cấm không có ngoại lệ” của Nguyễn Phú Trọng trong khi ông Trọng đã quá yếu bệnh để có thể vạch ra những thận trọng cần thiết. Có lẽ Tô Lâm không ý thức được rằng trong chế độ này bất cứ ai, kể cả chính ông, nếu bị điều tra cũng có tội tham nhũng và ông đã điều tra trước hết những người mà ông không ưa.

Điều duy nhất khó hiểu nơi Tô Lâm là gần đây ông đi thăm khá nhiều nước. Để làm gì? Có lẽ là vì ông thấy mình quá mạnh trong vai trò cánh tay mặt của một Nguyễn Phú Trọng có toàn quyền nhưng lại không còn sức khỏe rồi nẩy ra tham vọng thay thế Nguyễn Phú Trọng và thấy cần phải học hỏi thêm về thế giới? Có lẽ đó cũng là lý do khiến ông luôn luôn đòi đi cùng với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các chuyến công du chẳng liên quan gì tới an ninh và ông Phạm Minh Chính đã chấp nhận đổi lại với đặc ân không bị điều tra. Nếu quả thực như thế thì đây sẽ là sai lầm tai hại nhất của Tô Lâm cho chính ông.

Tương lai Tô Lâm

Trở lại với hai giả thuyết sau khi Tô Lâm được đưa lên làm chủ tịch nước.

Giả thuyết thứ nhất, để chuẩn bị cho ông lên làm Tổng Bí thư Đảng trong Đại Hội 14 sắp tới của Đảng Cộng Sản được dự trù vào tháng 01/2026- lẽ ra phải là tự nhiên và bình thường theo chủ trương “nhất thể hóa” mà Đảng Cộng Sản đã khẳng định.  Chủ trương này, rập khuôn theo Trung Quốc, có nghĩa là đồng nhất đảng và nhà nước, trước hết là tập trung hai chức vụ Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước trong một người, chấm dứt mâu thuẫn lố bịch là theo Hiến Pháp 2013 Chủ tịch nước có rất nhiều quyền nhưng trên thực tế mọi quyền hành lại nằm trong tay Tổng Bí thư. Chủ trương này đã được áp dụng từ năm 2018 sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, ông Nguyễn Phú Trong đã kiêm nhiệm cả hai chức vụ. Nó đã phải tạm đình chỉ vì một lý do bất ngờ là ông Trọng quá yếu mệt sau khi bị đột quỵ và không thể đảm nhiệm công việc của một Chủ tịch nước, như tiếp các đại sứ và quan khách nước ngoài, chủ tọa những buổi lễ lớn v.v. Tuy vậy trong Đại Hội 13 Đảng Cộng Sản lại không thể có đồng thuận trên một Tổng Bí thư mới, kết quả là ông Trọng vẫn phải làm Tổng Bí thư nhưng chức vụ Chủ tịch nước được giao cho ông Nguyễn Xuân Phúc. Đây chỉ là một ngoại lệ chẳng đặng đừng. Trên nguyên tắc sau Đại Hội 14 sắp tới Tổng Bí thư và Chủ tịch nước phải là cùng một người. Ông Tô Lâm sẽ phải hoặc kiêm nhiệm cả hai chức vụ hoặc phải về hưu. Việc ông được đưa lên làm Chủ tịch nước bình thường phải có nghĩa là ông được chuẩn bị để đảm nhiệm luôn chức Tổng Bí thư Đảng. Tuy nhiên tình trạng của Đảng Cộng Sản lại không bình thường chút nào nên giả thuyết tự nhiên và hiển nhiên này chỉ có ít, thậm chí rất ít, triển vọng thành sự thực. Lý do rất giản dị là Tô Lâm hoàn toàn không phù hợp với cả hai chức vụ.

Đối với nhân dân Chủ tịch nước phải là người tượng trưng cho một tình cảm, một uy tín và một niềm tư hào, với sứ mạng đoàn kết dân tộc, trong khi tuyệt đại đa số, nếu không muốn nói là tất cả, người Việt Nam không dành một thiện cảm nào cho Tô Lâm; ông là biểu tượng của sự đàn áp. Đối với thế giới Tô Lâm là một hung thủ không xứng đáng được một sự kính trọng nào sau vụ Trịnh Xuân Thanh, riêng đối với Liên Âu ông còn là một can phạm. Bằng chứng là trong chuyến đi cùng với Phạm Minh Chính sang London dự hội nghị khí hậu -rồi ăn bò dát vàng- Tô Lâm đã không thể theo Phạm Minh Chính sang Pháp vì Pháp thuộc Liên Âu. Một bằng chứng khác là khi Tô Lâm cùng với Phạm Minh Chính sang Mỹ dự hội nghị hợp tác Mỹ – ASEAN năm 2022 phái đoàn do thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã đến Bộ Ngoại giao Mỹ để hội kiến với Ngoại trưởng Anthony Blinken. Một Thủ tướng đến gặp một Bộ trưởng Ngoại giao mà lại chỉ được tiếp đón một cách rẻ rúng. Cả phái đoàn được đưa vào một phòng không đủ ghế ngồi và cũng không có một nghi thức nào, không được một quan chức nào tiếp đón, phải đứng đợi rồi ông Blinken mới tới chào hỏi qua loa. Lý do chỉ có thể là vì trong phái đoàn có ông Tô Lâm. Nếu không có ông Tô Lâm chắc chắn Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ được tiếp đón long trọng hơn nhiều. Việc Tô Lâm được đưa lên làm Chủ tịch nước chứng tỏ Đảng Cộng Sản đã xuống cấp bi đát về phẩm giá.

Trong đảng Tổng bí thư phải là người đoàn kết đảng nhưng Tô Lâm ngay trước đây, qua một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm 44 lãnh đạo cao nhất, đã chỉ có một mức độ tín nhiệm rất thấp. Từ hai năm nay ông còn thêm quá nhiều kẻ thù sau khi điều tra và triệt hạ nhiều người. Tất cả những người thất sủng đều không oan, họ đều tham nhũng nhưng họ cũng không tham nhũng hơn những quan chức khác. Họ mắc nạn chỉ vì Tô Lâm đã chọn điều tra họ, trước hết là những người thuộc phe kình địch với ông. Tô Lâm đã tạo ra cả một liên minh chống lại ông. Trong bốn người vừa được chọn để bổ túc thành phần bộ chính trị đảng có ba người thuộc phe tuyên giáo kình địch với phe công an.

Giả thuyết thứ hai, đưa Tô Lâm lên chức Chủ tịch nước để kéo ông ra khỏi Bộ Công an và chuẩn bị cho ông về hưu sau Đại Hội 14 có vẻ hợp lý hơn nhiều đồng thời chứng tỏ uy tín của Nguyễn Phú Trọng đã suy giảm. Có vẻ thôi bởi vì trong tình trạng đấu đá điên loạn hiện nay tất cả những gì có thể xảy ra trong nội bộ Đảng Cộng Sản đều không chắc chắn.

Điều gì thực sự quan trọng?

Không chắc chắn và cũng không quan trọng. Điều thực sự quan trọng nhất trong lúc này là mọi người, kể cả các đảng viên cộng sản, phải ý thức rằng đảng và chế độ cộng sản đã tới đoạn cuối của giai đoạn cuối của tiến trình cáo chung bắt buộc và không thể đảo ngược.

Như tôi đã trình bày trong vài bài viết gần đây, các chế độ cộng sản có một tiến trình cáo chung đặc biệt. Không như các chế độ chính trị khác, các chế độ cộng sản không thể thay đổi tư tưởng và lập trường chính trị. Chúng giống như một tôn giáo lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kinh thánh, khi kinh thánh bị đã vất bỏ thì tôn giáo cũng phải bốc hơi theo. Chủ nghĩa Mác – Lênin là tất cả lẽ sống, sức sống và sự sống của mọi đảng và chế độ cộng sản, vì thế khi chủ nghĩa này đã bị vất bỏ thì chúng cũng bắt buộc phải cáo chung. Những nhượng bộ gượng gạo kiểu “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ có thể kéo dài thêm sự hấp hối của một chế độ cộng sản chứ không thể cứu nó.

Một cách tóm lược, tiến trình cáo chung của một chế độ cộng sản diễn ra theo bốn giai đoạn:

  1. Vì mất lý tưởng chung đảng cộng sản chỉ còn quy tụ được những người nhắm lợi ích cá nhân. Tham nhũng và chia rẽ hủy hoại chế độ là điều đương nhiên và bắt buộc.
  1. Khi chia rẽ nội bộ đã nghiêm trọng thì đảng không còn lấy được những quyết định chung nữa và chế độ bắt buộc phải chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân do nhu cầu điều hành để lấy những quyết định cần thiết. Nhà độc tài này không cần là một người xuất chúng mà chỉ là một nhà độc tài miễn cưỡng.
  1. Dần dần xuất hiện hai lực lượng kình địch tuyên giáo và công an. Tuyên giáo để cố giữ độc quyền ngôn luận và để cố thuyết phục rằng chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn còn giá trị, công an để đàn áp những phần tử cứng đầu không thể thuyết phục và cũng để ngăn chận bớt nạn tham nhũng.
  1. Cuối cùng chế độ cáo chung khi phải thay thế nhà độc tài miễn cưỡng nhưng lại không thế thay thế được bởi vì không phe phái nào có thể nhượng bộ. Đấu đá nội bộ dữ dội khiến mọi phe phái đều nhận ra rằng chuyển hóa về dân chủ còn đảm bảo an ninh cho họ hơn là để chế độ tiếp tục.

Đó, nói chung, là tiến trình sụp đổ đã diễn ra tại Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu trước đây và cũng đang hoàn tất tại Việt Nam. Ngay Đại Hội 13 của Đảng Cộng Sản, tháng 01/2021, cũng đã chứng tỏ rằng chế độ cộng sản Việt Nam đã đi vào giai đoạn cuối của tiến trình cáo chung. Họ không thay thế được ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dù ông này đã rất yếu bệnh. Ngày hôm trước họ biểu quyết giữ nguyên bản điều lệ đảng theo đó Tổng Bí thư chỉ giữ chức hai nhiệm kỳ để rồi ngày hôm sau phải dẵm đạp lên bản điều lệ đó và giữ ông Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ thứ ba. Không ngạc nhiên là từ đó Đảng Cộng Sản lâm vào khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng. Xâu xé nội bộ sẽ chỉ tăng lên chứ không giảm đi vì là một logic bắt buộc.

Như vậy ưu tư của những người quan tâm tới tương lai đất nước không phải là ông Tô Lâm hay ai khác sẽ là Chủ tịch nước hay Tổng Bí thư trong bao lâu mà là chuẩn bị cho sự cáo chung của chế độ cộng sản trong một tương lai rất gần.

Điều quan trọng đầu tiên là một cái nhìn lịch sử sáng suốt. Đảng Cộng Sản quả thực đã là một tai họa cho dân tộc. Nước ta đã tụt hậu bi đát và Đảng Cộng Sản cũng đã phạm rất nhiều tội ác nhân danh chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng trách nhiệm chính chưa chắc đã thuộc về họ. Vào thời điểm 1945, khi họ cướp được chính quyền, tuyệt đại đa số đảng viên cộng sản chỉ có trình độ tiểu học; các lãnh tụ cộng sản sau này như Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Anh, Lê Đức Thọ, Đỗ Mười v.v. cũng không khá hơn bao nhiêu. Sai lầm và mê muội là chắc chắn. Nguyên nhân chính của thảm kịch cộng sản là thành phần trí thức Việt Nam đã không chuẩn bị để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của mình. Hãy để lịch sử làm công việc phán xét của nó. Chúng ta chỉ nên rút ra từ quá khứ những bài học cho tương lai. Cuộc chuyển hóa về dân chủ đa nguyên phải diễn ra trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc chân chính và trọn vẹn để mọi người Việt Nam nhìn lại nhau là anh em và cùng bắt tay nhau xây dựng một tương lai Việt Nam chung. Bạo lực phải bị gạt bỏ dứt khoát. Cuộc cách mạng dân chủ sẽ phục hồi danh dự và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân mà không tạo ra những nạn nhân mới.

Điều quan trọng không kém là không được đợi nước đến chân mới nhảy, không được đợi đến lúc chế độ cộng sản sụp đổ vì trọng lượng của chính nó mới cãi nhau xem đất nước nên có chế độ nào và những chính sách nào. Phải có sẵn một dự án chính trị phù hơp với hiện tình đất nước trong bối cảnh thế giới và một đội ngũ nòng cốt của những con người gắn bó với nhau chung quanh dự án đó vì cùng chia sẻ một lý tưởng chung là một nước Việt Nam xứng đáng để những con người Việt Nam hôm nay cố gắng xây dựng và các thế hệ mai sau có thể tự hào.

Nguyễn Gia Kiểng

(29/05/2024)