Trần Mộng Tú: Vĩnh biệt Trần Hoài Thư

Nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Thư. Tranh: Đinh Cường

Nhà văn Trần Hoài Thư, chủ nhân của Thư Ấn Quán, người phục hồi di sản văn học miền Nam 1954-1975 đã qua đời ngày 27-5-2024, đúng 1 tháng sau khi hiền thê của ông, bà Nguyễn Ngọc Yến mất ngày 27-4-2024.

Kệ sách trong buồng ngủ của tôi có: 

  • Thơ miền Nam trong thời chiến:

Gồm 263 nhà thơ miền Nam sáng tác cho chiến tranh

Tập I:  856 trang

Tập II: 741 trang

Tổng cộng 1600 trang giấy

  • Thơ tự do miền Nam, 660 trang
  • Tuyển tập Thơ- Ô Cửa

Toàn tập của Trần Hoài Thư, 380 trang.

Tất cả, với chữ ký đề tặng của tác giả.

Khi nhận được Thơ miền Nam trong thời chiến tôi thật sự bàng hoàng về số thơ viết ra trong chiến tranh của miền Nam sao có thể nhiều đến như thế. Mỗi người lính, mỗi thân nhân của lính hình như đều là thi sĩ cả. 

Nhờ có cuốn Thơ miền Nam trong thời chiến mà tôi biết được bài thơ Ở rừng U Minh ta không thấy em của tác giả Nguyễn Tiến Cung (Phạm Duy phổ nhạc). Một bài thơ về cuộc chiến, nhưng không có máu chảy, không có bom đạn, chỉ có hình ảnh mấy cây tràm gày như dáng người con gái, và người lính với cây súng ướt nòng. Bài thơ mà bất cứ lúc nào đọc lại hay nghe ai đó hát cũng làm tôi chảy nước mắt. 

Trần Hoài Thư và hiền thê đã để lại một công trình to tát: bảo tồn di sản văn học (với đúng ý nghĩa nhất) cho thế hệ Việt Nam lưu vong sau này hiểu được thế nào là chiến tranh mà người Việt của cả hai miền cùng gánh chịu.

Đây là một công trình quý báu, một đóng góp giá trị cho những thế hệ con cháu Việt Nam Cộng Hòa sau này khi muốn tìm hiểu về văn học của các bậc cha ông trong thời chiến.

Trần Mộng Tú                                                               

5-27-2024

**

Dưới đây là bài thơ Trần Mộng Tú viết tặng Trần Hoài Thư khi nhận được những tập sách tác giả gửi tặng.

“THƠ MIỀN NAM TRONG THỜI CHIẾN” (*)

Gửi Trần Hoài Thư 

Em úp mặt vào trang giấy trắng

đọc những bài thơ viết giữa chiến tranh

em thương những tình yêu khép mắt

thương những nỗi buồn vàng ngón tay anh

Mỗi trận đánh mang một tên riêng 

nhưng nỗi buồn không tên gọi

anh giơ mãi tay ra 

không với được hòa bình

vuốt mặt thấy đời mình như rừng đang cháy 

những tàn tro 

thương tích bật thành thơ

Bây giờ tìm anh biết tìm ở đâu

trên đỉnh Trường Sơn

hay vũng lầy Đồng Tháp

mặt trận đã yên thời gian mục nát 

có ai vừa cúi nhặt 

được câu thơ 

Giải khăn tang mấy mươi năm vàng ố 

mấy mươi năm mà vết sẹo còn mưng

mở những trang thơ 

rào rào tiếng đạn 

bay vào thành phố 

như tiếng vỗ cánh của bầy chim ưng

Thơ cắm súng trên mộ phần 

người lính trẻ

giầy saut, nón sắt xếp thẳng hàng

thơ vẽ thêm người con gái 

hai tay úp mặt 

vạt áo nhầu tóc rối dưới khăn tang

Mấy mươi năm bao nhiêu hồn rất mới

đã nhăn nheo theo cuộc chiến hoang tàn

bao đôi mắt sáng ngời vùi dưới đất 

trái tim nguyên còn rất đỗi nồng nàn

Mấy mươi năm anh có đời lưu lạc

ở nơi nào cũng cúi xuống nỗi đau

mấy mươi năm em sống đời ngơ ngác

thơ nhặt từng câu 

vẫn thấy xót thương nhau

Ôi cuộc chiến đã đi qua 

chúng ta mất hết

tình yêu 

tuổi trẻ 

và những ước mơ

thơ giúp em giữ mãi một điều gì thiêng liêng 

không mất được

nhưng cũng không tìm lại được bao giờ.

Tháng 1/2008

Khi nhận được: Thơ miền Nam trong thời chiến, Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản, chủ biên: nhà văn Trần Hoài Thư và bằng hữu.