Nguyễn Hải Việt: Thanh Tâm Tuyền – “hồn thơ (không bao giờ) bị vây khốn.”
Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền vào đầu những năm của tuổi hai mươi là một kinh nghiệm văn chương của sửng sốt thẫn thờ. Một ánh chớp trên mặt biển giữa trưa quáng loá.
Người thi sĩ đã làm mới thơ như làm mới tình yêu:
Phải làm mới tình yêu
Coi chúng ta là những người thứ nhứt
Trên trái đất này biết yêu nhau
Để những cặp tình nhân khác bắt chước
Để con cái sau này không khổ đau.
(Bài thơ của tháng Giêng)
Và cũng chính người thi sĩ lớn đó đã phân định cho chúng ta: “làm thơ” và “viết văn”. Không có gì khinh bỉ hơn khi nói một nhà văn “làm văn”: và “viết thơ” thì cũng thế. “Làm” trong cái ý nghĩa nguyên sơ nhất dành cho mọi hoạt động trọng yếu nơi sinh tồn của con người. Như những từ biểu đạt mọi thứ căn bản của đời sống, những từ cấm kị hoặc thô tục sẽ luôn được ngôn ngữ mang theo tới tận sự chết. “Làm thơ” nghĩa là khẳng quyết thi tính nơi con người. Viết văn nằm ở phía bên kia: nơi của khổ sai và kỷ luật, niềm vui sáng tạo với quá nhiều bất động bứt rứt.
Ông đã bỏ làm thơ hơn mười năm (“thời gian quay tròn quanh nó rồi tan vỡ. Khởi đầu bằng thời khắc của chúng ta”) để rồi làm lại những bài thơ mới trong một thời mới, một nơi chốn mới: trại cải tạo nơi rừng sâu lam chướng. Là bằng chứng, là thí dụ, là kẻ minh hoạ cho nhận định trên nhiều năm về trước: làm thơ không giấy bút, trí nhớ là trang giấy trắng mênh mông đầy phản trắc được hiệp lực đầy nồng nhiệt bởi xác thân tàn tạ. Không còn cách nào, ông phải làm thơ vần, cái mà ông đã đoạn tuyệt ngay từ hư không trước khi là thi sĩ. Để sau bảy năm đoạ đày, ngày trở về, một trong những việc đầu tiên ông làm là ngồi xuống bàn và chép lại những bài thơ trong trí nhớ trước khi sự nhẹ nhõm và thoải mái (trong một chừng mực nào đó) của đời sống ghé vai đẩy chúng chầm chậm vào lãng quên.
Ly nước trong
Là người mình yêu
Bên những miền xứ chết
Là đường con tim
Trên bàn tay lãng quên
Là trí nhớ không
Trong thời gian bất tỉnh.
(Ly nước trong)
Con đường sáng tạo của Thanh Tâm Tuyền là “con đường duỗi dài cánh tay người chết đuối” nơi cuối đường những ngón tay cầm một mảnh giấy như chúc thư: “Tới lúc tôi phải viết như không có gì đã xảy ra, như không có gì biến đổi.”
Lúc đó là lúc nào? Hơn mười năm cuối đời trong êm tĩnh của hư vô sáng tạo, không còn gì được viết ra từ nhà thơ/văn lớn đó nữa. “Mỗi nhà văn là một kẻ sống sót.” Nửa sau cuộc đời ông đã sống không hi vọng, không tuyệt vọng, sống như mọi người không may mắn khác.
“Trên lối u mê mờ hoặc
Mọi nỗi niềm đều giấu mặt
Mọi sự thực đều lang thang
Hắn đi như thế, không thể khác.”
(Prélude Cho Những Chuyến Đi, Về)
Ngày này mười tám năm về trước, Thanh Tâm Tuyền – một trong những nhà thơ lớn nhất của Việt Nam (với tôi là lớn nhất) đã “bay vào miền đất lạ”.
“Người thi sĩ bay vào miền đất lạ
Không nhớ mảy may biển gió cát muôn trùng
Ở đấy tôi còn mở mắt
Dìu linh hồn lang thang.”
(Về Quách Thoại)
Nguyễn Hải Việt