Nguyễn Hoàng Văn: Học và bắt, Himmler và Goebbels, bạn và thù: “Cai trị đại đồng”
Hình minh họa: Những bức tranh nằm trong album Black Painting (Trand Đen) của Họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn (1965–2023). Nguồn: Tiền Vệ
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn tới mức tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. [1] Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”. [2]
Nói “giỡn mặt Lenin” thì nghe cũng hay hay và cũng… cách mạng thật thế nhưng, thật sự, cái trò này cũng chẳng khá khẩm gì mà chẳng qua là sự bó buộc của tình thế đường cùng bởi, đến cả một tay đâm chém chuyên nghiệp của Mario Puzo trong The Godfather, cũng tâm niệm được rằng chỉ khi lâm vào thế kẹt, không thể dùng được văn thì mới xài tới võ. Mà chuyện văn – võ trên quê hương ta, xem ra, cũng chẳng khác gì quê hương của Karl Marx chỉ vài năm trước ngày Adolf Hitler chấm dứt đời mình, lúc phe an ninh chứng tỏ với lãnh tụ tối cao này rằng, trong tình hình tuột dốc lúc đó, họ cần thiết và được việc hơn phe tuyên truyền.
Cũng như bao thế lực độc tài khác, lịch sử Đức Quốc Xã cũng bao hàm cái lịch sử cỏn con của những cuộc đấu đá giữa các công thần khi ai cũng cố chứng tỏ với lãnh tụ rằng chỉ có họ mới xứng đáng đứng sau như là nhân vật số hai. Đầu tiên là Tư lệnh không quân kiêm Quốc vụ khanh Hermann Göring, một phi công đầy huyền thoại trong Đệ nhất thế chiến mà, trong thời kỳ “xây dựng đảng”, đã kiến tạo nên hệ thống mật vụ Gestapo khét tiếng như là xương sống an ninh cho chế độ. Tuy nhiên, sau thất bại của The Battle of Britain, cái cuộc chiến giành quyền kiểm soát bầu trời đầu tiên của nhân loại, kéo dài từ năm 1940 đến 1941, khi không lực tưởng là vô địch của Đức bất lực, không thể buộc nước Anh phải đầu hàng, cũng không thể mở đường để lực lượng thủy bộ Đức đổ bộ đất Anh, cựu người hùng đã bị thất sủng, để lại một khoảng trống quyền lực cho cuộc so găng giữa trùm mật vụ Heinrich Himmler và trùm tuyên truyền Joseph Goebbels.
Và cũng như bao nhiêu thể chế độc tài khác, sự vững bền của chế độ Quốc Xã gắn liền với sự mê muội của công chúng và thành tích này thuộc về Goebbels, một thiên tài tuyên truyền và sách động. Với tài ăn nói, với kỹ thuật thêu dệt và bóp méo thông tin có lớp lang, bài bản; Goebbels – một tiến sĩ triết học – đã khiến hầu như cả nước Đức lên đồng với những huyền thoại về Hitler, về “tông tộc vĩ nghiệp Aryan”, về tương lai huy hoàng mà Đảng Quốc Xã sẽ mang lại nên tự tin rằng y hoàn toàn có đủ tư cách đứng sau quốc trưởng như là người kế nhiệm. Thế nhưng thời trăng mật ấy đã qua. Thế thắng chẻ tre ban đầu đã khựng lại, thậm chí đảo chiều. Người Đức đã nhận ra bản chất dối trá của guồng máy tuyên truyền và, ít ra, đến lúc này, năm 1942, tổ chức đối lập White Rose của giới trí thức cũng đã ra đời với những nội dung phản tuyên truyền mà chúng ta có thể diễn dịch theo ý của nguyên Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu ngày nào: “Đừng nghe những gì bọn Quốc Xã nói mà hãy nhìn thật kỹ những gì chúng nó làm”.
Người Đức đã mở to hai con mắt ra nhìn thay vì chỉ vểnh tai lên. Khi guồng máy tuyên truyền bất lực, không thể xóa được cảnh tàn phá sau những trận oanh tạc của Đồng Minh, không thể tô hồng tin tức mỗi ngày một xấu từ tiền tuyến dồn dập đưa, càng không thể làm đầy cái dạ dày teo tóp của người dân bởi khẩu phần bị hạn chế thì, trong cuộc đấu đá quyền lực, Goebbels không thể nào nắm dao ở đằng chuôi. Tình thế đã quá tuyệt vọng, không thể dùng được “văn” thì cách duy nhất là dụng “võ”, là “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Vị trí số hai đã về tay trùm an ninh tay Himmler, quá đúng với tay nghề của một chuyên viên diệt chủng, rình mò và đàn áp nhưng, như đã nói, đó chỉ là biện pháp của tình thế cùng đường. Dẫu được tăng thêm quyền lực, phụ trách cả quân đội nhưng tiền tuyến mỗi ngày mỗi gần với hậu phương hơn, Himmler đã thấy trước số phận của mình nên đào ngũ, liên lạc với Đồng Minh để thương lượng việc đầu hàng và bị Hitler mạt sát như một tên phản bội. Nhưng một tên đồ tể giết người hàng loạt đang bị dồn vào nước đường cùng, không còn quân bài nào trong tay, thì có tư cách nào để thương lượng? Himmler đã kết liễu đời mình khi bị quân Anh cầm giữ như một tù binh và, tương tự, khi tiền tuyến đã lùi về tận thủ đô, cựu đối thủ Goebbels cũng tự kết liễu đời mình, cả vợ cả con, ngay sau cái chết của lãnh tụ tối cao.
Và cái cơn địa chấn chính trị lay chuyển tới tận Amsterdam. Bây giờ mà nói đến một hồi kết khốc liệt như thế thì quá sớm nhưng, nhìn cho kỹ, đó chẳng phải là tình trạng từng dẫn đến kết cuộc đó, ít ra là trên khía cạnh khoảng cách giữa “tiền tuyến” và “hậu phương”. Chưa bao giờ chúng gần nhau như lúc này, thậm chí còn đan xen, như một nếp gấp. Một Hà Nội hồi hộp vào thượng tuần tháng 12 năm 1946 khi lực lượng viễn chinh Pháp từ Hải Phòng tiến lên, vẫn chưa là gì. Cả một Sài Gòn nhấp nhổm bất an vào ngày 28/4/1975 khi những đầu đạn 130 ly nổ tung trên đường băng Tân Sơn Nhất, vẫn chưa là gì.
Vẫn chưa là gì bởi – dẫu sát sạt, ngay ở cửa ngõ – ranh giới giữa mặt trận và hậu phương của Hà Nội hay Sài Gòn ngày ấy vẫn minh bạch, rõ ràng, đâu ra đó. Bây giờ thì khác bởi, xuyên suốt lịch sử, đất nước chưa bao giờ trải qua một thời kỳ quái đản như ngày hôm nay khi guồng máy cai trị sòng sọc mắt soi mói nhân dân nhằm truy lùng kẻ thù nhưng lại hoàn toàn buông xuôi trước dã tâm rất thực của tên xâm lăng truyền kiếp. Trong khi tên ấy – tên láng giềng đã và đang nhe nanh chầu chực nuốt chửng đất- biển từng thấm máu cha anh – cứ là lửng lơ giữa “bạn” và “thù” thì guồng máy cai trị lại mạnh chân chà đạp những khát vọng hoàn toàn chính đáng của nhân dân. Bất cứ ai – từ những sinh viên khát khao mở rộng tầm mắt với những giá trị “dân chủ” hay “nhân quyền” đến những nhà hoạt động xã hội dân sự hay môi sinh, thậm chí cả những bậc tu hành chỉ đòi hỏi được hành đạo theo đức tin của mình – cũng có thể là hiện thân của những “thế lực thù địch phản động”.
Nếu “thế lực thù địch” đã thẩm thấu vào lòng nhân dân như thế thì có nghĩa là “tiền tuyến” đang hòa vào “hậu phương”. Nhưng điều đáng lo là cái sự lửng lơ “bạn – thù” kia đang dần dà trở thành một điều “bình thường” và, do đó, sẽ góp phần biến con người trở nên chai sạn, dửng dưng, hoàn toàn vô cảm trước những mối nguy của đất nước.
Đáng lo là bởi xã hội có phát triển, nói theo Michel Foucalt, thì cũng phát triển trong nhận thức về những cặp giá trị “bình thường – bất bình thường”. Chỉ nhìn vào chúng ta thôi, từ cái thời của mô thức kinh tế Stalinist đến cái gọi là “định hướng thị trường” hôm nay. Một thời những “doanh nhân” – là người buôn bán tự do – bị kỳ thị, bị xem là bất bình thường, là lạc lối một bên lề xã hội với những cách gọi đầy miệt thị, sỉ nhục, như “con phe” hay “cai đầu dài” v.v.. nhưng bây giờ thì khác. Ý niệm đó không chỉ được bình thường hóa mà, hơn thế nữa, còn lên ngôi như một thứ tân quý tộc khi vươn đến sự thành công, như là “doanh nhân thành đạt”. Rồi những vấn đề hôn nhân đồng giới, chuyển giới v.v.., tất cả đã từ “bất bình thường” trở thành “bình thường” để làm nên một xã hội rộng mở, bao dung. Nhưng cái trò “thù hóa nhân dân” và “bạn hóa kẻ thù” thì hoàn toàn khác. Khi nó đang có nguy cơ trở thành… bình thường thì, hẳn nhiên, là dân tộc đang phí cơm cho một bộ máy cai trị… bất bình thường.
Có lẽ phải soạn một bộ từ điển cực lớn mới diễn tả hết sự bất bình thường của một guồng máy cai trị như thế và, ở đây, tính chất khác thường của nó đã bộc lộ ngay trong việc phân thân với khẩu hiệu Lenin, cập nhật hay không cập nhật. Với nhân dân thì nó nghiến răng cập nhật “Bắt, bắt nữa, bắt mãi” trong khi, với kẻ thù, nó lại ngoan ngoãn làm trò: “Học, học nữa, học mãi”. [3]
Thì học nhưng lại là học cách cai trị, đàn áp hay, đơn giản hơn, trong khẩu hiệu trên, là học “bắt” từ cái ông thầy dang dở bạn – thù. “Bắt”, với nó, có thể là việc đơn giản qua bề dày kinh nghiệm ba phần tư thế kỷ, từ lúc chỉ có thanh mã tấu trên tay cho đến những khẩu súng bắn xung điện của ngày hôm nay nhưng mỗi thời có những tâm thế học hỏi khác nhau. Ba phần tư thế kỷ trước thì học như là những con ếch ngồi dưới đáy giếng, chẳng biết sợ ai trừ thầy, trừ đàn anh, trong giếng. Bây giờ thì học như là loài ếch đã bò lên miệng giếng, đã biết thế nào là thế giới và, do đó, phải hành động như thế nào trước những áp lực to lớn của quốc tế trong khi vẫn cần đến quốc tế.
Như vậy thì không chỉ là Lenin mà cả Marx. Marx cũng cần được cập nhật ở cái khẩu hiệu trên 170 tuổi đời để, thay vì “Vô sản thế giới, liên hiệp lại”, diễn tả đúng cái hiện trạng “Độc tài thế giới liên hiệp lại” của những kẻ còn thờ Marx, dẫu chỉ là thờ một cách tượng trưng, như một thứ hàng mã cho có, đặt trên cái bàn thờ, cũng cho có.
Nhưng đó là sự “liên hiệp” khiến Marx, riêng với chúng ta, vẫn đúng qua tính lửng lơ của ý niệm “quyền lợi quốc gia”. Trên lý thuyết, chủ nghĩa cộng sản hướng tới thế giới đại đồng và Marx đã xem nhẹ ranh giới và quyền lợi quốc gia để, thay vào đó, nhấn mạnh đến ranh giới và quyền lợi giai cấp. Nếu công cuộc đấu tranh giai cấp thành công thì giai cấp vô sản sẽ làm chủ vận mệnh của mình và, đến lúc đó, ý niệm quốc gia sẽ không còn cần thiết nữa. Nhưng Marx chỉ là người cộng sản lý thuyết trong khi, trên “thực tiễn cách mạng”, những người cộng sản thực tiễn bậc thầy – từ Lenin đến Joseph Stalin, Josip Broz Tito hay Mao Trạch Đông – ai cũng nằng nặc đòi hỏi đến quyền lợi quốc gia; chỉ trừ những người cộng sản ngây thơ, nhẹ dạ và cả tin. Ngây thơ như Hồ Chí Minh: “Quan Sơn muôn dặm một nhà / Bốn phương vô sản đều là anh em”. Nhẹ dạ như Tố Hữu: “Bên kia biên giới là nhà/ Bên ni biên giới cũng là quê hương”. Hay cả tin như Phạm Văn Đồng, với cái công hàm Hoàng Sa năm 1958.
Bây giờ, khi Marx chỉ còn hiện diện như một ông thánh hàng mã, họ không còn ngây thơ theo Marx nhưng lại cực kỳ thực tiễn khi vẫn là.. Marx trên ý niệm lợi quốc gia. Guồng máy cai trị, xem ra, đã chọn một giữa hai mẫu số chung. Một mẫu số chung lớn là cơ đồ của cha ông với một lịch sử nối tiếp mấy ngàn năm với qua những triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê v.v.. Một mẫu số chung nhỏ hơn, như trên ngọn, là đặc quyền cai trị, là mối ám ảnh bị loại bỏ mang tên “dân chủ”, “nhân quyền” và “tự do”. Và khi xem kẻ thù truyền kiếp của tổ quốc là ông thầy để được truyền nghề và được bảo chứng cho quyền cai trị, khi ra mặt ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraine của Nga dù tình cảnh Ukraine chẳng khác gì mình, họ chẳng hướng về cái mẫu số trên ngọn và giương cao khẩu hiệu “Độc tài thế giới liên hiệp lại” hay “Cai trị đại đồng” là gì?
Đó, dĩ nhiên, là một chọn lựa thất nhân tâm. Chọn lựa đã thất nhân tâm, những bài bản tuyên truyền đã hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế thì có thể nào dụng “văn”? Phái “văn” – cũng giống như cuộc đối đầu giữa Goebbels với Himler trong những ngày tàn của Quốc Xã – phải lép vế trước phái “võ” nên, do đó, những xáo trộn trong cân bằng quyền lực đâu đó gần Văn Miếu mới lay chuyển đến tận Amsterdam. Mà khi phái “võ” đã lên ngôi rồi thì chẳng có gì lạ khi guồng máy cai trị cứ lên cơn như một con bệnh bách hại cuồng, sòng sọc mắt nhắm vào nhân dân để sục sạo kẻ thù và vung cái còng số 8 cùng cái dùi cui điện lên giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Nguyễn Hoàng Văn
—————-
Tham khảo: