Nguyễn Hoàng Văn: Kiểm toán tuổi già: cái tảng đá không hề nhúc nhích

Hình: beytlik

Chính… cụ Bill Clinton, Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ, đã khiến tôi thay đổi cách thức kiểm toán tuổi già. Từ lúc chứng kiến vị tổng thống sôi nổi, lanh trí và hoạt khẩu ngày nào chậm chạp, lừ đừ như thể từ trong viện dưỡng lão bước ra thì tôi, thay vì nhìn vào mấy phụ nữ từng quen biết từ ngày còn rất trẻ như một dấu mốc để tính toán sổ đời còn lại, chú ý nhiều hơn đến những cựu chính khách đã qua thuở vàng son.

Cựu Tổng thống Bill Clinton, hình chụp năm 2023

Chuyện bắt đầu rất lâu, một lần giữa đường gặp người bạn học mấy năm cấp II. Lâu không gặp, đang hỏi han nhau những chuyện cũ mới xa gần thì một cô gái đạp xe chạy ngang, bạn tôi gật đầu chào rồi thở dài, bảo mới ngày nào con bé hàng xóm này còn le te nhảy dây trước ngõ vậy mà nay đã thướt tha ra dáng nàng Xuân. Rồi anh ta lơ đãng hai con mắt như nhìn vào một cõi xa xăm nào đó, chép miệng: “Nhìn mấy đứa nhỏ này mới biết mình già”.

Thì già nhưng, ôi chao, lúc đó chúng tôi mới có 24, 25 tuổi! 

Ngày đó tôi, đang hoang mang với một tương lai mù mịt phía trước, chẳng biết sẽ giạt về đâu, đã nhìn cái dấu mốc 30 chưa tới như là cái gì đó kinh khủng quá thế mà nay tuổi đó đã là kỷ niệm, như cái dấu chân mờ bao nhiêu lớp bụi sau lưng. Mà cuộc sống hiện tại, với sản phẩm văn minh mang tên “mạng xã hội”, còn tràn ngập những hình ảnh minh họa cho cái ấn tượng về độ mỏng của cuốn sổ đời của những ai đã bước qua dấu mốc ấy rất xa. Có giai đoạn, đều đều, tôi được mấy phụ nữ chưng diện ra dáng phu nhân xin kết bạn để rồi, qua mấy tin nhắn tự giới thiệu, mới nhận ra là em út, là con, là cháu của người quen bằng vai bằng lứa, những “mệnh phụ” mà lần cuối thấy mặt hãy còn cởi truồng tắm mưa hay đỏ hỏn trên tay. Rồi những khuôn mặt phong sương của bạn bè ngày cũ và, nhất là, những “cành thiên hương” một thuở từng khiến bao chàng trai giằng xé cái nỗi đau “Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê”. [1] Hoa xưa đã bơ phờ, xơ xác, màu phấn son nhạt nhòa không lấp hết dấu chân chim, những nàng Kiều ngày xưa mà đã vậy thì nói chi đến những Vương Quan, Kim Trọng, Từ Hải, Mã Giám Sinh?

Tôi đều đều kiểm toán sổ đời của mình như thế cho đến một ngày nào đó, không nhớ rõ, từ một bản tin trên truyền hình, cụ Clinton lụ khụ, chậm rãi ló mặt. Ấn tượng về tuổi già của nhà chính trị từng rất sôi nổi này mạnh quá khiến tôi nghiêng hẳn về những cựu chính trị gia như một thứ dấu mốc, thước đo.

Tôi nhớ “anh Clinton” sôi nổi vận động tranh cử năm 1992. Tôi nhớ “anh” trong cuộc tranh luận tay ba với nguyên Tổng thống George H. W. Bush và tỷ phú Ross Perot, ứng cử viên độc lập. Và tôi nhớ cảnh “anh” làm ông Bush lớn hơn mình 22 tuổi ú ớ với trí nhớ sắc bén và sự hoạt khẩu.

Nước Mỹ, dưới quyền ông Bush, đang suy thoái kinh tế và cuộc tranh luận nhắm và đề tài kinh tế. Cẩn trọng, máy móc, ông Bush hứa hẹn sẽ giao vấn đề kinh tế cho đương kim Ngoại trưởng James Baker — người từng là Thứ trưởng Thương Mại dưới thời Tổng thống Gerald Ford và Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống Ronald Reagan – thì “anh” lại quả quyết, tự tin: “Chính Clinton này” sẽ đảm đương việc khôi phục kinh tế!

Ông Bush chất vấn “anh” việc trốn lính trong chiến tranh Việt Nam, việc “anh” du lịch đến Moscow năm 1969, và “anh” đã phản pháo bằng cách lôi cha của đối thủ vào để sử dụng như một thứ giá súng, bao gươm: “Ngài chất vấn lòng ái quốc của tôi. Khi Joe McCarthy đi khắp nước đả kích lòng ái quốc của mọi người, ông ta đã sai. Ông ta đã sai. Và một Thượng nghị sĩ của tiểu bang Connecticut đã đứng lên phản đối hắn ta, ông ta là Prescott Bush. Cha của ngài đã đúng khi đứng lên thách thức Joe McCarthy, ngài đã sai khi tấn công vào lòng ái quốc của tôi. Tôi phản đối chiến tranh nhưng tôi yêu đất nước này.” [2]

Tôi không bàn đến chuyện đúng sai của việc trốn lính. Vấn đề ở đây là sự trẻ trung, hoạt khẩu và quả quyết của một chính khách non nớt, mới có 46 tuổi, đã thuyết phục được cử tri, đánh bại một đối thủ mà, lúc đó, được xem là “bất khả chiến bại”, từng được 80% cử tri ủng hộ. Chỉ là thống đốc một tiểu bang hạng trung, hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trị liên bang và quốc tế, lại vướng vào tai tiếng trốn lính cũng như “bập cần sa”, vậy mà “anh” có thể đánh bại vị tổng thống đương nhiệm dạn dày kinh nghiệm và dày đặc thành tích, trong đó có chiến thắng ngoạn mục đẩy lùi cuộc xâm lược của Saddam Hussein tại Kuwait. [3]

Bây giờ thì ông Bush đã là “người muôn năm cũ” còn “anh” thì đã già. Sau nhiều năm không thấy xuất hiện, tôi sững sờ nhận ra một cụ Clinton lụ khụ, khuôn mặt đầy nếp nhăn và nếu “anh” đã già như thế thì sổ đời của tôi đã bị ngắn lại bao nhiêu trang nữa rồi? Cứ như vậy, mỗi lần một cựu chính trị gia lụm khụm với khuôn mặt nhăn nhúm, hai má hóp vào hay xệ ra, xuất hiện trên một bản tin truyền hình, là mỗi lần tôi ý thức thêm rằng tuổi già đang xồng xộc kéo đến.

Tôi đến Úc, trở thành công dân Úc khi ông Paul Keating đang làm Thủ tướng. Tôi ghi danh vào đại học thì ông gây sự với cả một thế hệ sinh viên Úc bằng tuyên bố phũ phàng khi bị họ biểu tình, chặn đường phản đối việc cắt giảm trợ cấp. Không mất bình tĩnh, không nổi cáu, ông cười cợt với các phụ tá “Go and get a job!” ngay trước ống kính truyền hình, ngay giữa vòng vây của các sinh viên mặt mày hầm hầm. Tuyên bố thất nhân tâm này bị đối thủ chính trị John Howard chộp lấy như một báu vật “phản tuyên truyền”, chiếu đi chiếu lại trên truyền hình như một quảng cáo chính trị và, nhờ đó phần nào, đã giành lấy chiến thắng. [4] 

Rồi thì đến lúc ông Howard hết thời nhưng không nhận ra thời thế. Ông tham quyền cố vị, ông không chịu rút lui giữa đỉnh vinh quang sau ba nhiệm kỳ liên tiếp để rồi thất bại ê chề, nếu không nói là nhục nhã. Bây giờ thì nỗi đau này hẳn đã nguôi ngoai bởi đã nằm rất xa sau lưng và cái ông Howard của cái thời đầy mưu mô với sóng gió chính trường đã là một “cụ Howard” da mồi tóc bạc, cả lông mày cũng phơ phất bạc theo. Và cụ, cũng như bao chính trị gia lão làng khác, lại nhắc nhở tôi rằng cái sổ đời của mình đã bị rút ngắn thêm rồi. 

Thì đó cũng là sự thường bởi có ai mà không già nhưng vẫn có những cái già không  bình thường, chẳng ai mong muốn khi chúng ta đánh mất đi sự sáng suốt và, thậm chí, bị sa đọa về mặt đạo nghĩa.  Như ông Keating. Bị lão hóa về thể chất, má đã xệ, mắt đã mất sự tinh anh, giọng nói đã ồ ồ, chậm chạp đã đành, ông còn xuống dốc cả về lý trí lẫn đạo đức khi theo đuôi Huge White, nhà “chiến lược học” với quan niệm cho rằng “Trung Quốc muốn là Trời muốn”.

Cựu Thủ tướng Úc Paul Keating phát biểu tại Viện Lowy vào tháng 4 năm 2017

Quan niệm này được White trình bày trong cuốn sách mỏng The China Choice: Why America Should Share Power (Chọn lựa Trung Hoa: Tại sao Mỹ nên chia sẻ quyền lực) mà Keating đã đích thân giới thiệu trong buổi ra mắt sách năm 2012. [5] Chính từ đây Keating đã làm người Úc bàng hoàng khi cổ xúy cho cái thế giới quan về thế kỷ 21 trong đó Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ và Mỹ cần phải “biết điều” để chia sẻ bớt sự bá quyền. Tệ hơn, Keating còn cổ xúy cho quan điểm phó mặc ba nước Việt, Lào và Cambodia cho Trung Quốc tùy nghi xâu xé, xâm lược: nếu muốn bảo vệ cũng chẳng có ai bảo vệ nổi và, quan trọng hơn, có bảo vệ cũng chẳng lợi ích gì, chạy theo Trung Quốc mới là lợi lớn. 

Từ đó đến nay, có dịp, là Keating lải nhải đả kích Đảng Lao Động Úc mà mình từng lãnh đạo bởi không chịu chạy theo “lợi lớn”. Keating dai và dài đến độ, mới đây, Thủ tướng Anthony Albanese, một cựu đàn em, phải phát bực đốp chát một cách gián tiếp rằng đất nước đang đối phó với những vấn đề của hiện tại chứ không phải của 30 năm trước và, cho dù Keating có một thành tích chính trị đáng nể, ông ta thuộc về một thời đại khác: tốt nhất là không nên cãi cọ với một người như thế. [6] 

Tạo dựng được một sự nghiệp lẫy lừng ở lứa tuổi vàng son vậy mà, lúc về già, lại khiến những đàn em cũ cho là thứ đã hết thời, không đáng để phí thì giờ tranh cãi, viên Thủ tướng thứ 24 của nước Úc này bắt chúng ta nghĩ đến Trang Tử với lời nhắc nhở rằng cái già có khi đi đôi với cái nhục: “Đa nam tử tắc đa cụ, phú tắc đã sự, thọ tắc đa nhục”. [7]

Keating bi quan cho tương lai của tổ quốc mình, cho thế giới dân chủ mà chỉ lạc quan cho Trung Quốc, khác hẳn cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Những năm tháng cuối đời, bị lẫn, ông Reagan vẫn tỏ ra sáng suốt trong lá thư viết ngày 4/11/1994, khi đã 84 tuổi, thông báo cho cả nước Mỹ việc mình bị bệnh Alzheimer: “[…] Bất cứ lúc nào, khi Chúa gọi về, tôi sẽ ra đi với tình yêu lớn nhất cho đất nước của chúng ta và sự lạc quan vô tận về tương lai của nó. Bây giờ thì tôi bắt đầu cho chuyến hành trình đưa tôi đến buổi hoàng hôn của cuộc đời. Tôi biết rằng luôn luôn có một bình minh tươi sáng trước mặt nước Mỹ.” [8]

Nhưng bây giờ thì, xem ra, sự “lạc quan vô tận” đang bị ô nhiễm bởi sự bi quan không đáng có khi niềm hy vọng cho cái “bình minh tươi sáng” trước mặt  lại dồn hết trên vai cụ già Joe Biden. Nếu những Clinton, Howard, Keating thỉnh thoảng mới xuất hiện để tôi kiểm toán sổ đời của mình thì cụ Biden hoàn toàn khác. Cụ vẫn đều đặn xuất hiện như là ứng cử viên tổng thống cho nhiệm kỳ sắp tới và cái cần kiểm toán hơn chính là tuổi già của cụ. Tôi, cũng như bất cứ ai trông dựa vào nền dân chủ Mỹ, ắt phải băn khoăn việc cụ đã bị lão hóa đến mức độ nào, nhất là sau cuộc tranh luận tay đôi mới đây với đối thủ Donald Trump, rồi việc cụ lẫn lộn này nọ trong Hội nghị NATO, việc cụ đang sử dụng một thứ tiếng Anh bồi [9].

Tổng thống Joe Biden phát biểu trước toàn quốc từ Phòng Bầu dục, hình chụp năm 2024

Những người Mỹ duy lý đang lo lắng. Âu châu lo lắng. Thế giới dân chủ lo lắng. Cả những người dân của những nền độc tài, đang trông mong vào khả năng đối trọng của nền dân chủ Mỹ, cũng lo lắng. Họ lo cho tình thế mong manh của cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ. Họ lo cho cái “sáng hôm sau” ảm đạm” khi cái kẻ đang rắp tâm xoay chuyển racism thành nationalism — mà tôi mạo muội ghép lại như là rac(national)ism — có thể trở thành con người quyền lực nhất trái đất.

Ai cũng lo bởi, đến lúc này, cụ vẫn chưa chịu nhận ra rằng cụ đã già. Cụ là một tổng thống tốt với những thành tích rực rỡ. Việc cụ bảo vệ nền dân chủ Mỹ vào năm 2020 là một kiệt tác chính trị. Việc cụ tập hợp Âu châu để chặn đứng cuộc xâm lăng cá lớn nuốt cá bé của Nga năm 2021 là một kiệt tác về ngoại giao. Nếu cụ biết điều — ý thức rõ đâu là chặng hành trình bước vào buổi hoàng hôn của cuộc đời và đâu là bình minh tươi sáng trước mặt của đất nước – để thanh thản rút lui từ đầu, giữa đỉnh cao sự nghiệp, để tạo nên sự chuyển tiếp thế hệ, cụ sẽ vĩ đại biết bao.

Nhưng cụ không nghĩ thế và cụ làm tôi nghĩ đến câu chuyện vui về một cụ già 100 tuổi mà vẫn tin là mình còn… phong độ như ngày trẻ. Trao đổi với một nhà nghiên cứu lão khoa, cụ ông khẳng định rằng sức lực của mình ở tuổi 100 vẫn y nguyên sức lực thời 19, 20, rồi chỉ một tảng đá lớn ngoài vườn chứng minh: “Hồi trẻ tôi dùng hết sức mình đẩy, nó không hề lay chuyển. Bây giờ tôi cũng dùng hết sức mà đẩy, nó cũng không nhúc nhích.”

Cụ có nghĩ như thế hay không, tôi không chắc. Nhưng tôi có thể đoan chắc một điều là, nếu cuộc bầu cử sắp tới vẫn tiếp tục là cuộc chiến đấu giữa cụ và gã rac(national)ist kia thì cụ, chính cụ, là cái tảng đá không nhúc nhích ấy!

Nguyễn Hoàng Văn

——————–

Tham khảo:

  1. “Em đã xé lòng non cùng giấy mới / Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê”, Xuân Diệu, “Tình thứ nhất”.
  2. https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1992-10-12-mn-179-story.html
  3. https://time.com/4711887/bill-clinton-didnt-inhale-marijuana-anniversary/

Bị tố cáo là từng hút cần sa khi học tại Đại học Oxford bằng học bổng Rhodes, Clinton tuyên bố mình chỉ “thử chơi cho biết chừng 1, 2 lần” và chỉ “bập chứ không hít”: “I didn’t inhale it, and never tried it again.” 

  1. https://www.youtube.com/watch?v=ghaU7KMJAks
  2. https://theconversation.com/the-china-choice-why-america-needs-to-share-power-9196
  3. https://www.abc.net.au/news/2023-03-16/albanese-rebukes-keating-on-aukus-marles-wong-remarks/102105808
  4. Có nhiều con trai, sẽ có chuyện rắc rối; nhiều của cải thì cũng nhiều lo lắng, sống quá thọ tất có lúc bị nhục.
  5. https://people.com/politics/ronald-reagan-found-out-alzheimers-letter/

“When the Lord calls me home, whenever that may be, I will leave with the greatest love for this country of ours and eternal optimism for its future. I now begin the journey that will lead me into the sunset of my life. I know that for America there will always be a bright dawn ahead.”

  1. https://www.nytimes.com/2024/07/11/opinion/biden-speaking-linguist.html