Nguyễn Hoàng Văn: Một triết học về chủ tịch
Trái với những lời đàm tiếu hay tiếng cười khẩy trước hình ảnh thất thểu của ông thạc sĩ triết học khi từ chủ tịch… chuyển sang cựu chủ tịch, tôi lại hình dung ở ông cả một tương lai học thuật huy hoàng.
Được làm vua, thua làm nhà nghiên cứu, nếu mất một Chủ tịch Võ Văn Thưởng chán phèo mà được một triết gia họ Võ với tầm cỡ thế giới thì, xét ra, nước nhà cũng có phần khá hơn, không có miếng thì cũng có tiếng.
Nhìn lại lịch sử theo hướng này thì có ông Trần Văn Giàu nhưng so ra thì thạc sĩ cựu chủ tịch phải hơn. Một thời là Bí thư Xứ ủy, toàn quyền sinh sát ở cõi Nam kỳ, oai phong, hiển hách; đùng một cái ông Giàu bị điều ra Bắc làm con cá nằm trên thớt, lẻ loi, bất lực, chỉ biết lao đầu vào việc nghiên cứu để cuối cùng trở thành… sử gia. Thế nhưng trong địa hạt này số phận ông ta xem ra cũng rất hẩm hiu bởi, ngày nay, có nhắc tới cái tên Trần Văn Giàu, chẳng mấy ai đề cập như một “sử gia”: với giới sử học trong nước thì ông ta là cái bóng mờ, còn với giới nghiên cứu quốc tế thì, có nhắc đến ông ta, bất quá cũng chỉ nhắc như là thủ lĩnh Stalinist của cái thời mà những đối thủ Trotskist ở Nam kỳ thi nhau biến mất, không dấu không vết, không một nấm mồ. Nhưng thạc sĩ cựu chủ tịch thì có cơ hội để bay xa hơn, với tầm cỡ thế giới, chủ quan và khách quan.
Chủ quan thì, mới bốn năm trước, trong diễn văn đọc tại lễ ra mắt Hội Triết học Việt Nam ngày 20/9/2020, ông thạc sĩ triết học – trong vai trò Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – đã trịnh trọng tuyên bố Việt Nam sẽ “phấn đấu” để sản sinh những “triết gia tầm cỡ thế giới”. Bây giờ không còn bận tâm với chính trị mà chẳng phải lo chuyện cơm gạo, ông thạc sĩ triết học có thừa điều kiện để tự mình “phấn đấu”! [1]
Khách quan thì, so với ông Giàu, thạc sĩ cựu chủ tịch còn nắm trong tay bao nhiêu là điều kiện cần, điều kiện đủ, cực kỳ thuận lợi.
Trước hết là đề tài. Trong học thuật thì, bên cạnh vấn đề tư liệu và phương pháp luận, yếu tố quyết định còn nằm ở tính độc đáo của đề tài nghiên cứu. Nó phải mới mẻ, khác biệt, hay nói cách khác, là phải bí ẩn, mập mờ, chưa ai từng khai phá; nó mà rõ ràng đâu ra đó, ai cũng biết cả, làm sao có thể xem là độc đáo?
Mà với thạc sĩ cựu chủ tịch thì sự mập mờ làm nên nét độc đáo không ở đâu xa, ngay trong “lý lịch khoa học”. [2] Bằng thạc sĩ triết học của ông được Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cấp năm 1999 với luận án “Định hướng giá trị đạo đức trong sinh viên – Thực trạng và giải pháp”. Tôi đã thử tra cứu nhưng chịu, bó tay, không thể nào lần ra cái luận án chừng như đã bị giấu kín nên, cho đến bây giờ, vẫn tiếp tục là một luận án mập mờ, bí ẩn.
Quan trọng hơn, nó lại mập mờ ngay ở đề tài. Khi nêu ra “thực trạng” về đạo đức của sinh viên, rồi đề ra “giải pháp” để uốn nắn, gọi là “định hướng”, đề tài đã nghiêng về phía xã hội học chứ không phải là triết học. Như thế, bây giờ, trong cái nhìn hậu nghiệm, thạc sĩ cựu chủ tịch có thể soi rọi lại vấn đề bằng ánh sáng triết học, chẳng hạn như “Tính mập mờ của một nền học thuật khi xã hội học cũng có thể là triết học”.
Mặt khác, qua một luận án với “định hướng” như thế, ông thạc sĩ cựu chủ tịch đã không hề che giấu tham vọng “bình thiên hạ” theo cách nhìn của Đạo Nho. Nhưng muốn làm vậy thì, trước hết, phải “cách vật, trí tri, tu thân, tề gia, trị quốc” vậy mà, cả năm bước, ông hỏng hết cả năm. Không phân biệt được xã hội học với triết học là chưa qua cửa ải “cách vật, trí tri”. Ông “tu thân, tề gia” với ai khi vụ hối lộ xuyên quốc gia, Vĩnh Phúc – Quảng Ngãi – Vĩnh Long sờ sờ ra đó, lôi kéo cả con cháu nhà? Rồi việc “trị quốc” lại càng kém, thậm chí không cứu nổi tử tù oan Hồ Duy Hải mà hầu như cả nước kêu gào, dù ông thạc sĩ có thẩm quyền.
Chưa biết bò mà sao có thể chạy, nhảy và, cả việc ông… chuyển sang cựu chủ tịch, cũng mập mờ nốt. Đọc đi đọc lại thông báo chính thức của bộ máy cai trị, chẳng ai biết là thạc sĩ cựu chủ tịch đã phạm sai lầm gì và tại sao guồng máy cai trị lại làm cái điều mà họ không hề mong muốn? Nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật, và chính cái lối thông tin mập mờ, không rõ ràng với một phần ba hay một phần mười sự thật, guồng máy cai trị đã vô tình khuyến khích người dân tìm đến các nguồn tin mà nó dán nhãn là “phản động”.
Bây giờ, nhìn lại chính mình, ông thạc sĩ cũng có thể kiến giải những điều mập mờ này qua góc nhìn triết học!
Hơn thế nữa, một câu chuyện, một vấn đề chỉ có giá trị học thuật khi nó vươn đến tầm cỡ khái quát hóa và sự mập mờ quanh thạc sĩ cựu chủ tịch lại là một ví dụ nhỏ trong cái mẫu số chung mập mờ, của bao cựu hay cố chủ tịch khác.
Như chủ tịch tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc. Ông này thì mập mờ từ thế giới quan cho đến việc … chuyển sang cựu chủ tịch, bởi, theo thông báo chính thức thì ông “chuyển sang” là do trách nhiệm của người đứng đầu”, cực kỳ mơ hồ. Cựu chủ tịch này lại thể hiện một thế giới quan mập mờ, đến đâu ông cũng phong cho đó là cái đầu tàu và, hình dung theo ông, đất nước sẽ trở thành một đoàn tàu chỉ có đầu tàu, không một toa tàu; ông thậm chí còn mập mờ gọi ba nước Việt Lào Campuchia là… Cờ Lờ Vờ, y như trẻ con tập đọc.
Trước ông này là Trần Đại Quang, gốc đại tướng công an. Năm 1996 khi đang là Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, ông được cấp bằng “Phó tiến sĩ Luật” với luận án “Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh quốc gia ở nước ta hiện nay”. Đây cũng là một thứ luận án mập mờ, không thể nào tra cứu. Mười ba năm sau, năm 2009, không cần nghiên cứu hay giảng dạy gì cả thì, đùng một cái, ông ta — một Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an — trở thành “Giáo sư khoa học an ninh”.
Cái “khoa học” đã mập mờ. Việc ông giáo sư an ninh “chuyển sang từ trần” cũng cực kỳ mập mờ bởi người dân chỉ biết một cách mơ hồ là do “virus hiếm và độc hại” mà “trên thế giới chưa có thuốc để điều trị”. Chưa hết, sự mập mờ còn biểu lộ ở chỗ ngay cả một “Giáo sư khoa học an ninh” mà không thể áp dụng nổi thứ “khoa học” này cho cái mạng sống của mình!
Trước nữa là Trương Tấn Sang, nổi tiếng với “Đồng chí X” mập mờ. Ai cũng biết rằng lời giải là Nguyễn Tấn Dũng nhưng ông thì mập mờ hóa vấn đề, cả khi gặp cử tri trong tư cách đại biểu quốc hội: “Trung ương đã không kỷ luật đồng chí X!”
Vân vân, càng động đến giới chủ tịch, chúng ta như sa vào một hang động mù mịt sương khói của sự… mập mờ. Một Nguyễn MinhTriết như là đại biểu xuất sắc của giai cấp tiền phong thì lại mập mờ lập trường giai cấp khi gặp nguyên Tổng thống Mỹ Brrack Obama. Khi khoe khoang “Tôi nói ông Obama nghe cũng chăm chú lắm” thì chủ tịch này, phải chăng, đã bộc lộ tâm trạng của con chiên ngoan đạo Hàn Mặc Tử khi nghĩ về Thánh Nữ Đồng Trinh Maria: “Run như run thần tử thấy long nhan / Run như run hơi thở chạm tơ vàng”?
Rồi một Lê Đức Anh mập mờ giữa “cai” và “phu” cao su hay giữa bắn hay không bắn, trên đảo đá Gạc Ma v.v. Kể sao cho xiết nên, thôi, trở lại từ đầu, với chủ tịch đầu tiên mà họ bảo là “sống mãi”, là “vĩ đại”: phải chăng là do chủ tịch này… vĩ đại quá nên sự mập mờ của ông ta cũng phì đại theo, nói cách khác là… đại mập mờ?
Phải gọi là đại mập mờ bởi, diễn đạt theo ngôn ngữ “chính trị học Mác- Lê Nin”, sự bất nhất, không rõ ràng chính là một “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” những trang đời của chủ tịch. Ông ta mập mờ trong ngày sinh và ngày chết. Ông mập mờ với di chúc để lại. Ông mập mờ những tháng ngày sống vật vờ ở Moscow. Ông mập mờ giữa họ Hồ tưởng giả mà thật, họ Nguyễn tưởng thật mà giả để dẫn đến sự mập mờ tình cảm giữa hai bên nội ngoại. [3]
Chỉ tính riêng ngày tháng năm sinh của ông thôi, đã thấy cái sự đại mập mờ: trong vòng 25 năm ông có tới ba ngày sinh: 15/1, 15/2 và 19/5, còn năm sinh thì cũng không kém phần rôm rả, lúc thì 1890, lúc lại 1982, lúc là 1895. [4]
Chính từ cái cuộc đời cực kỳ không rõ ràng này mà có người dám bảo rằng ông chẳng qua chỉ là một người Tàu giả dạng, theo kế “kim thiền thoát xác”.
Năm 2008 ông Hồ Tuấn Hùng, một “sử gia” kiêm “chiêm tinh gia” Đài Loan, tung ra cuốn Hồ Chí Minh sinh bình khảo, khẳng định rằng Nguyễn Ái Quốc thật đã chết vào năm 1932, còn Hồ Chí Minh “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” thực ra là Hồ Tập Chương, một người Khách Gia (Hakka) cùng dòng tộc với mình. Không ít người chống Cộng phổi bò mau mắn vớ lấy chuyện này để làm toáng lên, ồn ào suốt một dạo, xem như người ta thích nghe những gì thuận tai mình. Nhưng chẳng cần động não nhiều thì thấy giải thuyết này hỏng ngay từ trứng nước: thời đó, năm 1932, Nguyễn Ái Quốc vẫn chưa sáng giá gì, bị Quốc tế cộng sản nghi kỵ, không được giao chức tổng bí thư đảng, còn bị Trần Phú và Hà Huy Tập phê phán và tố cáo tơi bời, làm sao mà người Tàu kia biết trước là Nguyễn Ái Quốc sẽ thành vua cộng sản để cấp tốc học tiếng Việt như một thiên tài rồi nhập vai, đóng giả? Vân vân, có rất nhiều điều vô lý như thế nhưng vấn đề ở đây là cuộc đời cố chủ tịch rất mập mờ, có thế thì “sử gia” Đài Loan kia mới có thể cơ hội bám vào khai thác.
Mà sự mập mờ đó cũng là đề tài nghiên cứu của sử gia Mỹ Sophie Quinn-Judge, với công trình Ho Chi Minh: The Missing Years 1919 – 1941, chủ yếu dựa trên tài liệu giải mật Quốc tế Cộng sản, sau khi chế độ cộng sản ở Nga sụp đổ.
Kế vị cố chủ tịch là Tôn Đức Thắng và đây cũng là một nhân vật mập mờ. Xuất thân nông dân mà lại biến thành công nhân, không hề có mặt mà có thể tham gia và đóng vai trò dẫn đầu binh biến Hắc Hải và sự mập mờ này đã trở thành một luận án tiến sĩ tại Đại học Conell, của Christoph Giebel. [5]
Chỉ mới lướt qua hai chủ tịch đầu tiên mà đã thấy hai công trình nghiên cứu đáng kể về mặt sử học, bây giờ thạc sĩ cựu chủ tịch cựu chủ tịch của chúng ta sẽ có cơ hội vượt lên trên nếu, bằng cái nhìn triết học, tổng kết và giải mã sự mập mờ như là đặc điểm chung trong con đường chính trị của 11 chủ tịch, kể cả chính mình, bằng một “đại luận án”.
Nghĩ đến ngày thạc sĩ cựu chủ tịch công bố nghiên cứu của mình để vươn vai như một “triết gia tầm cỡ thế giới”, tôi bất chợt nghĩ đến “Nghịch lý Ellsberg” của Daniel Ellsberg, từ luận án tiến sĩ “Risk, Ambiguity, and Decision” trình tại Đại học Havard năm 1962, phân tích những cách thức mà chúng ta buộc phải quyết định khi trong tay chỉ có những thông tin mập mờ.
Làm người thì ai cũng muốn nắm chắc đằng chuôi để tránh xa những rủi ro, bất trắc. Thế nhưng đời sống bao giờ cũng khác ước mơ nên, khi phải đối mặt với rất nhiều tình huống mập mờ, chúng ta có khuynh hướng chọn lựa những giải pháp với thông tin ít mập mờ nhất. Trong khi đó thì, để chế ngự nỗi sợ và để thuyết phục chúng ta, đối phương sẽ tới tấp cung cấp thông tin nhằm thuyết phục rằng giải pháp của họ là giải pháp tốt nhất!
Nếu công trình trên thuộc lĩnh vực Behavioural economics, Kinh tế học hành vi, phân tích từ góc nhìn của cả kinh tế học và tâm lý học về quyết định kinh tế của từng cá nhân và tác động của chúng đến nền kinh tế thì, liệu, chúng ta có nên bàn đến một thứ “chính trị học hành vi” để phân giải tại sao nền chính trị của chúng ta lại sản sinh những ông chủ tịch quá sức mập mờ, lên cũng mập mờ mà xuống cũng mập mờ, ăn nói mập mờ, thế giới quan cũng mập mờ và, riêng ông chủ tịch đầu tiên, cả ngày sinh ngày chết đều mập mờ?
Có lẽ cũng chẳng đáng gì bởi “Rau nào sâu đó”. Hệ thống chính trị đã mập mờ, không rõ ràng, ngay từ đầu đã mưu toan chơi lận với cả dân tộc được thì có sản phẩm nào của nó mà minh bạnh, mà đâu ra đó, mà sòng phẳng?
Nguyễn Hoàng Văn
—————–
Chú thích, tài liệu tham khảo:
[1] Ông Võ Văn Thưởng mong muốn Việt Nam có những triết gia tầm cỡ
https://vietnamnet.vn/…/ong-vo-van-thuong-mong-muon…
[2] CV về học thuật của giới nghiên cứu, giảng viên đại học tại Việt Nam từ các ngành tự nhiên đến nhân văn được gọi là “lý lịch khoa học”.
[3] Theo sử gia Trần Quốc Vượng trong cuốn Trong Cõi, thì lần nào về quê Hồ Chí Minh cũng về quê ngoại trước, nấn ná thật lâu, còn quê nội thì chỉ tạt qua lấy thảo. Theo tác giả thì sự kỳ thị này có gốc tích từ việc Hồ Chí Minh bị bên nội kỳ thị từ nhỏ bởi ông không phải là giọt máu họ Nguyễn mà là họ Hồ: ông nội ông nghèo và góa vợ, nhận “nôm” cô nhân tình của ông Hồ Sỹ Tạo là Hà Thị Hy, ông này đã vợ con đàng hoàng mà cô nhân tình lỡ mang bầu nên đưa ra giải pháp này để thoát khỏi vụ scandal, anh tự nhiên có vợ, có con…. Thành thử Hồ Chí Minh khi sinh ra là họ Nguyễn, khi làm chủ tịch nước thì mang họ Hồ, âu cũng là về với cội nguồn!
[4] Trong đơn xin vào học trường Thuộc địa của Pháp ký ngày 15/9/1911 ghi “Sinh năm 1892, tại thành phố Vinh, Việt Nam”. Trong bản khai ở sở cảnh sát Paris, ngày 2/9/1920 thì khai ngày 15/1/1894″. Ba năm sau tại Tòa Đại sứ Liên Sô, ở Berlin (tháng 6 -1923) khai ngày 15/2/1895. Còn ngày chính thức 19/5/1890 thì trùng ngày Cao ủy Pháp ở Đông Dương, D”Argenlieu mò đến Hà Nội. Theo giải thích thì do phải tiếp đón trong thế hạ phong, Hà Nội buộc phải làm cổng chào, treo cờ, kết hoa để làm vui lòng khách nhưng để giữ thể diện với dân thì bảo là “sinh nhật chủ tịch”.. Giới sử học trong nước lại cho rằng ngày ấy là ngày thành lập mặt trận Việt Minh (19/5/1941).
Hồ Chí Minh qua đời ngày 2/9/1969 nhưng Bộ chính trị “chỉnh” thành ngày 3/9 vì bị trùng ngày Quốc khánh, di chúc thì bị kiểm duyệt. Đến năm 1989 việc này mới được giải mật cũng như công bố toàn văn di chúc.
[5] Tôi đã trình bày đề tài này trong bài: https://vanviet.info/van-de-hom-nay/ta-than-v-ta-thuc-chng-tao-chng-my-v-chng-ta/