Nguyễn Hoàng Văn: “Năng lượng tích cực”, nhìn từ vành mũ cối

LTG: Tác giả trân trọng cám ơn nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng cùng nhà thơ & nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi về những ý kiến đóng góp quý giá cho bài viết này.

Được sử dụng tràn lan và là điểm nhấn trong diễn ngôn của nhà cầm quyền, tính thời thượng của “năng lượng tích cực” hiện tại cũng hao hao tính thời trang của cái mũ cối ngày đất nước quằn quại dưới ách thực dân. [1] Được cha ông Việt hóa bằng hình ảnh cái cối nhưng, khởi thủy, từ thế kỷ 18, thời của chủ nghĩa thực dân hiện đại, nó đã chính danh là colonial hat thế nhưng, như một sự mỉa mai của lịch sử, tính thời trang của “mũ thực dân” lại thể hiện ngay vào cái thời đất nước sục sôi đánh đuổi thực dân.

Và, đến tận thời này, nó vẫn bị xem là biểu tượng của sự xâm lược, cướp bóc. Có vậy thì mới có chuyện ồn ào liên quan đến bà Melania Trump, nguyên Đệ nhất phu nhân Mỹ, vào năm 2018 khi sử dụng cái đội đầu này trong chuyến ngoạn rừng ngắn ngủi ở Kenya để rồi gây nên phản ứng dữ dội của người địa phương, cho rằng bà đã khơi lại vết thương đau đớn một thời. [2] Thế mà, giữa lúc phải đổ máu để chống lại thực dân, biểu tượng rớm máu này lại được chính những đầu lĩnh của cuộc cách mạng bài thực biến thành biểu tượng của mình. Mũ cối đã trở thành vật bất ly thân của bao lãnh tụ. Mũ cối ngay ngắn hay nghiêng lệch trên đầu Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, trễ nhất là từ tháng Tám năm 1945 rồi, từ đó, trở thành đồng phục của công an, quân đội.

Nếu mũ cối là biểu tượng của thực dân Tây phương vào thế kỷ 18 thì, bây giờ, “năng lượng tích cực”, như là diễn ngôn của thực dân Đại Hán với những dấu ấn đậm nét của tân hoàng đế Tập Cận Bình, đã trở nên gắn bó với người Việt, từ diễn ngôn của thể chế cho đến giọng điệu ngôn tình của những đôi lứa bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa hôn nhân. 

Thoạt đầu cụm từ này chỉ gây cho tôi cảm giác khó chịu như bao nhiêu biến thái hỗn loạn, thừa thãi và vô nghĩa lý khác của tiếng Việt, từ “tham gia giao thông” đến “hiện thực hóa”, “công cụ hỗ trợ”, “vi phạm nồng độ cồn” v.v. Với ý nghĩa như là “sinh lực”, “sức sống”, “tinh thần /thái độ sống lạc quan” hay, nói theo nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê là “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, “năng lượng tích cực” lại tạo nên cái ấn tượng xấu rằng chúng ta, chẳng khác gì những Hồng vệ binh sắt máu, đã săm soi xét nét bằng giới tuyến tốt-xấu, hay-dở, địch–ta, tiến bộ – chậm tiến: ấn tượng phải xấu thế bởi, nếu đã có “năng lượng tích cực”, tất phải có “năng lực tiêu cực”.

Nhưng con người không phải là cỗ máy để nhất thiết phải rạch ròi bẩn – sạch với nguồn năng lượng vận hành như vẫn thường nghe trong thời đại biến đổi khí hậu này. Mà chúng ta đang sống trong thế giới quy ước của không gian ba chiều. Chúng ta không phải là những hạt cơ bản di chuyển trong trường lượng tử với vận tốc ánh sáng để bàn đến những khái niệm của vật lý hiện đại, từ spacetime – không-thời gian đến năng lượng tối – dark energy rồi phản vật chất – antimatter để có thêm negative energy – phản năng lượng hay năng lượng âm và positive energy mà, bất quá, người Trung Quốc chỉ gọi là “chánh năng lượng” hay “năng lượng dương”.

Cái gọi là “năng lượng tích cực”, thực sự, đã hình thành trong ý đồ lèo lái tâm trí công chúng bằng tay nghề của những chuyên viên tạo dư luận của Bắc Kinh. Thoạt đầu là ý niệm “dẫn dắt công luận” (guidance of public opinion) ngay sau vụ đàn áp Thiên An Môn, chuyển mình thành “thông tin tích cực” (emphasizing positive news) phổ biến dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào để rồi, cuối cùng, trở thành “năng lượng tích cực” mà, thoạt đầu, chỉ để mô tả những bộ phim hay xu hướng sống lành mạnh và nó, có lẽ, sẽ không có… ngày hôm nay nếu không có Tập Cận Bình. [3] 

Tập nắm quyền lãnh đạo tối cao vào năm 2012, cũng là năm “năng lượng tích cực” được bình chọn là “thành ngữ của năm” rồi, một năm sau, được công nhận là thuật ngữ chính thức của ngôn ngữ quốc gia để, một năm sau nữa, với sự can thiệp của Tập, trở thành trọng tâm của diễn ngôn chính trị. Theo Stefan Aust và Adrian Geiges, trong Xi Jinping – The Most powerful man in the world, “năng lượng tích cực” chỉ xuất hiện dày đặc và dồn dập trên truyền thông Trung Quốc sau khi Tập tán dương Chu Tiểu Bình (Zhou Xiaoping), một thứ “dư luận viên công huân”, trong hội nghị truyền thông vào tháng Năm năm 2014, khuyến khích anh ta là “hãy tiếp tục phổ biến năng lượng tích cực trên internet”. [4]

Tập, trong giai đoạn đầu cầm quyền, là một nhà chính trị cực kỳ nôn nao mà, diễn đạt theo tiếng Việt, là rất.. mót. Tập mót cái ngày Trung Quốc qua mặt Mỹ, trở thành bá chủ toàn cầu. Tập mót sự tập quyền để cai trị đời đời, và cai trị tuyệt đối, như một hoàng đế. Và Tập mót những dự án vĩ đại để, trên phương diện lịch sử, có thể qua mặt Đặng Tiểu Bình và, so với Mao Trạch Đông, nếu không qua mặt nổi, ít ra cũng phải ngang tầm. [5] Mót tới về một tương lai xa, lại mót lùi về một quá khứ rất xa, Tập đang bắt thời gian co giãn như là lý thuyết vật lý hiện đại? 

Vật lý cổ điển chỉ bó buộc trong phạm vi của không gian ba chiều ngang-rộng-cao nhưng vật lý hiện đại, như Thuyết Tương Đối Rộng của Albert Einstein, còn chú ý đến thời gian như là chiều thứ tư, có thể co giãn theo những chuyển động có tốc độ ngang ngửa ánh sáng. Thì Tập, ở tầm nhìn chính trị nôn nao đó, cũng vậy. Một mặt, với chủ nghĩa Đại Hán, Tập bắt thời gian co lại đến mấy ngàn năm để làm một Tần Thủy Hoàng vừa thống trị tuyệt đối, vừa tóm thâu thiên hạ về một mối. Một mặt, Tập gây hấn và vẽ vời, cũng với chủ nghĩa dân tộc cực đoan kia, để thần dân phởn lên mà theo đuôi ủng hộ y, kẻ có thể lèo lái Trung Quốc vươn đến địa vị bá quyền số một. Dự phóng chính trị đã.. vật lý hiện đại đến thế thì, phải chăng, ngôn ngữ diễn đạt cũng theo lao, cũng “vật lý hiện đại” theo?

Đó là thắc mắc với Tập nhưng, quan trọng hơn, với chúng ta, là sự xâm lăng của thứ diễn ngôn độc tài và bá quyền. Năm 2014, khi Tập xức dầu thánh để “năng lượng tích cực” trở thành trọng tâm của diễn ngôn chính trị của Trung Quốc thì, ở Việt Nam, cụm từ này cũng được sử dụng tràn lan rồi trở thành trọng tâm của diễn ngôn cầm quyền. Như thế, nhìn từ vành mũ cối, phải chăng là sự mỉa mai của lịch sử đang lập lại? [6]

Cái mũ cối có gắn liền với chủ nghĩa thực dân là do tính công năng của nó, tiện lợi cho hoạt động khai phá tại những thuộc địa nhiệt đới nóng ẩm. Như thế, có thể phần nào hiểu tại sao những lãnh tụ kháng chiến chấp nhận “biểu tượng của sự xâm lăng” làm đồng phục cho quan đội, công an nhưng, vấn đề là, khi làm như thế, họ đã thay đổi quá nhiều so với tổ tiên trong cách nhận diện kẻ thù.

Từ giặc Minh đến giặc Thanh rồi giặc Pháp, tổ tiên chúng ta luôn luôn nhận diện kẻ thù qua những đặc điểm bên ngoài. Nguyễn Trãi, trong “Bình Ngô Đại Cáo”, nhận diện qua “phong tục Bắc – Nam cũng khác”. Vua Quang Trung, trong “Hịch Đánh Thanh”, nhận diện qua làn tóc, màu răng: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen”. Rồi một Nguyễn Đình Chiểu uất hận “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan, ngày xem ống khói chạy đen sì toan ra cắn cổ” trong “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc”. Nhưng đến cái mũ cối thực dân thì không là như vậy và, cho đến tận bây giờ, biểu tượng của chủ nghĩa thực dân vẫn tiếp tục là biểu tượng của giới vẫn đều đặn kể lể công lao đánh đuổi thực dân.

Nếu mũ cối chỉ là phần xác thì “năng lượng tích cực” lại thuộc về phần hồn của một thứ thực dân khác và chúng ta, một lần nữa, lại máy móc cái kiểu học kéo dài mấy ngàn năm, từng khiến chúng ta không ngóc đầu lên nổi. Cái học chỉ để bảo vệ cân bằng quyền lực hiện hữu, không học để đổi mới, sáng tạo, và, thậm chí, không để là mình.

Để là mình, trên tầm vóc lớn, có nghĩa là độc lập, là làm chủ vận mệnh mình. Cũng học từ ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa nhưng Triều Tiên và Nhật đã không máy móc sao nhái, họ thực sự là họ và, ngày nay họ mạnh hơn, ngửng đầu cao hơn chúng ta. Chúng ta máy móc học theo Tống Nho, đã đành. Chúng ta còn máy móc học theo “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, chúng ta sao nhái cách mạng thổ cải, rập khuôn chỉnh huấn, sao y các cuộc đấu tố và cách chia rẽ xã hội để dẫn đến tình trạng tan hoang về đạo nghĩa, tinh thần. Rồi bây giờ, chúng ta lại sao nhái “năng lượng tích cực”, là một trong những thứ vũ khí mềm của Thực dân Đại Hán.

Kể ra thì đến đầu thế kỷ 20, các thức giả ngày ấy đã vận động cho một cuộc cách mạng trong cách học. Sau những thất bại trong nỗ lực bài thực bằng vũ lực, những thế hệ Duy Tân mà dẫn đầu là Phan Châu Trinh đã ý thức được rằng, trước sức mạnh của phương Tây thì, bằng lòng yêu nước suông và xương máu suông, chúng ta không thể nào giành lại độc lập và vấn đề là phải học để tự cường, để mạnh lên như là phương Tây. Chúng ta từng xem Tứ Thư, Ngũ Kinh là khuôn vàng thước ngọc thì, lúc này, chủ nhân của chúng, gã láng giềng phương Bắc, cũng khốn đốn như là nạn nhân của thực dân Tây phương. Nghĩa là phải từ giã ông thầy phương Bắc và phải học theo thầy Tây để nắm những bí kíp trong sức mạnh phương Tây. Mà để học như thế thì, đầu tiên, phải dứt khoát ở biểu tượng bên ngoài. Phải cắt bỏ búi tóc dài. Phải đoạn tuyệt với khăn đóng áo dài để thay vào người bộ Âu phục trên người và cái mũ phớt trên đầu.

Những kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại luôn mở đầu bằng một vụ đập phá mang tính dứt khoát đối với những biểu tượng cụ thể nào đó. Kỷ nguyên kỳ hiện đại, gắn liền với chủ nghĩa duy lý, đã mở ra sau vụ đập phá nhà tù Bastille trong Cách Mạng Pháp vào năm 1789 rồi, chẵn hai trăm năm sau, là vụ đập phá bức tường Berlin mà, theo nhiều học giả, đã mở ra kỹ nguyên hậu hiện đại. [7] Như thế, việc chặn đường cắt tóc của thế hệ Duy Tân thời đó không hề là một hành động nông nổi mà là biểu hiện của một thái độ dứt khoát, quyết liệt. Sự dứt khoát này đã hứa hẹn sự thay đổi quyết liệt trong cách học để hấp thụ những giá trị tinh thần mới mẻ, khai phóng. Tương lai dân tộc, cơ hồ, sẽ mở ra một chương mới với cuộc cách mạng bất bạo động nhằm nâng cao dân trí và nâng tầm văn hóa.

Để chống lại một đối thủ thì phải hiểu đối thủ đó nên, do đó, phải học hỏi những giá trị tinh hoa của đối thủ, từ ý niệm nhân quyền, dân quyền đến tư tưởng pháp trị, những đường lối giáo dục cởi mở, khai phóng v.v. Thế nhưng, sau gần một thế kỷ đánh đuổi thực dân, chúng ta thậm chí còn tiếc nuối thực dân. Nếu giới cầm bút mơ ước một bộ máy kiểm duyệt y như thời… Pháp thuộc [8] thì những người dân khốn đốn với pháp luật lại mơ ước một nền công lý thực dân, như vụ án đồng Nọc Nạn mà nhiều người đã khơi lại trong vụ án Đoàn Văn Vươn năm 2012. [9] Và cả những mơ ước về một hệ thống hạ tầng vững bền y như thời thực dân bởi, dẫu mệnh danh là chủ nhân của đất nước, chúng ta vẫn dối trá và gian lận với chính chúng ta, gian dối từ những cây xanh ven đường đến những công trình trọng điểm quốc gia, thậm chí cả những công trình quốc phòng. Nghĩa là gian lận với vận mệnh của dân tộc mình.

Gian lận với vận mệnh đất nước thì có nghĩa là… Việt gian, tức kẻ thù của đất nước. Như thế, nếu phải nhận diện kẻ thù qua biểu tượng bên ngoài như cha ông đời trước, chúng ta sẽ phải nhìn vào đâu?Thoạt đầu là những nhà cách mạng bất bạo động với cái mũ phớt fedora trên đầu và bộ Âu phục trên người, như Phan Châu Trinh, chủ trương học hỏi những tinh hoa, học để tự cường. Nhưng sau đó lại là cái học chắp vá lem nhem, học những rác rưởi và cặn bã từ đối thủ và, lúc này, là thời của những nhà cách mạng bạo động với cái mũ cối trên đầu và bộ Mao phục – kiểu áo từng mang tên Tôn Trung Sơn rồi sang tên Mao, như là Maosuit — trên da. Và, đến bây giờ, cũng vẫn là cái học ấy, cái học chỉ để giữ đất nước đứng yên trong cân bằng quyền lực hiện hữu chứ không để đổi mới và, do đó, nghĩa là không để tự cường. “Diễn biến hòa bình”, “phát minh” của Trung Cộng nhằm nhằm ngăn cản những nỗ lực cải cách, đã được sao chép nguyên xi và vẫn là diễn ngôn chính thức. Diễn ngôn này còn khởi sắc thêm với “năng lượng tích cực”, như một thứ thuốc phiện chỉ để tô hồng thực trạng bi quan của đất nước, con người.

Các chương trình, phong trào “năng lượng tích cực” khác nhau nở rộ ở Việt Nam.

Ý niệm này chỉ trở thành diễn ngôn chính thức với huayuqua của Tập Cận Bình. Huayuquan, “thoại ngữ quyền”, “quyền luận thuật” hay, sát với cách diễn đạt của các học giả Tây phương hơn, là “quyền lực diễn ngôn” (discourse authority), quyền ấn định giọng điệu của ngôn ngữ chính trị cho chế độ. [10] Mỉa mai thay, quyền lực diễn ngôn của nhà độc tài ở Bắc Kinh lại tác động vào tận đời sống hôn nhân của giới trẻ Việt. 

Những tra cứu về “năng lượng tích cực” đã dẫn tôi đến chương trình mai mối “Kết bạn hẹn hò” trên truyền hình, ở đó những hoạt náo viên (MC) liến thoắng chúc khách dự một buổi tối “tràn đầy năng lượng tích cực”, rồi những tham dự viên, nam hay nữ, diễn tả ưu điểm mình như là người có khả năng “làm lan tỏa năng lượng tích cực”. [11]

Cũng chính từ chương trình này mà tôi sững sờ phát hiện cuộc đảo chính kỳ quặc với “đối phương”. “Đối phương”, theo Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam, trong Từ Điển Tiếng Việt (2004), là “Phía đối địch với mình trong chiến tranh” và “Bên tranh được thua với mình trong một trò chơi, thi đấu” thì, từ bao giờ, những kẻ đang háo hức cái sự “nắm tay nhau đi suốt quãng đời còn lại” lại xem nhau như là “đối phương”? Bà mối khuyên cô dâu tương lai là nên “nhìn kỹ đối phương” rồi “lắng nghe cảm xúc từ trái tim” trước khi bấm nút. Ông mai thì cũng thao thao ngôn từ tương tự trong khi chàng rể tương lai, lại hãnh diện với với khả năng “lan truyền năng lượng tích cực cho đối phương”. 

Từ lúc nào, những đôi lứa khao khát cái sự chia sẻ đời nhau lại xem nhau là.. đối địch? Và từ lúc nào, những ngôn từ tuyên giáo với dấu ấn của một nhà độc tài thích mặc Mao phục ở Bắc Kinh đã xâm lăng vào những lời lẽ ngôn tình của giới trẻ chúng ta? 

Đó có phải là hệ quả từ mối quan hệ vừa là đối phương — thứ đối phương thực sự là đối địch – trên Biển Đông, vừa là một “đối phương” đã bị đảo chính về nghĩa lý, loại “đối phương” mà có thể “chia sẻ hoài bão và vận mệnh” trên ngôn ngữ ngoại giao, hay “san sẻ đời nhau, cùng nhau nhìn về một hướng”, theo những lời lẽ ngôn tình? [12]

Tất cả, có lẽ, đều là những hệ lụy trực tiếp hay gián tiếp từ cách học máy móc nói trên và chúng ta, suy cho cùng, là những tù nhân hay nô lệ của cách học ấy, học không để đổi mới và để làm chủ vận mệnh mình. Thực trạng tồi tệ này đòi hỏi một sự bứt phá dứt khoát, quyết liệt và do đó, phải có một biểu tượng cụ thể nào đó để đập phá đến tan tành. Chúng ta phải đập nát nó ra, như người Pháp đã làm với ngục Bastille, người Đức đã làm với Berlin Wall, hay vứt bỏ một cách gọn gàng như cha anh đã làm với búi tóc dài sau ót. 

Nhưng đó là biểu tượng nào, câu trả lời, có lẽ, không nhất thiết phải nói thẳng ra.

Nguyễn Hoàng Văn

——————–

Tài liệu tham khảo:

1. “Phát huy các năng lượng tích cực của con người Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản 

2.  Melania Trump criticised for wearing colonial-style hat during Kenyan safari, The Guardian

3. Positive Energy, China Media Project 

4. Stefan Aust & Adrian Geiges (2022), Xin Jinping – The Most powerful man in the world, Polity Press, Cambridge, trang 100.

Nguyên tác tiếng Đức, bản Anh ngữ của Daniel Steuer.

5. Kevin Rudd (2022) The Avoidable War – The Danger of a Catastrophic Conflict between the US and Xi Jinping’s China, Public Affairs, New York, trang 85.

6. Cụm từ “năng lượng tích cực” được sử dụng tràn lan, Google.com

7. Postmodernism and the fall of the Berlin Wall: the role of postmodernism in Berlin’s aesthetic before and after 1989, University of Birmingham

8. Bùi Minh Quốc, “Thư ngỏ gửi các bạn trẻ Việt Nam và hai bạn Mỹ Fred, Rob”, Diễn đàn talawas, 19.8.2005.

“Trong dịp đại hội lần thứ 7 vừa rồi của Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 4.2005), mấy đồng nghiệp của tôi – nhà thơ Xuân Sách, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải – phát biểu tại diễn đàn chỉ tha thiết xin nhà nước thành lập cơ quan kiểm duyệt chính thức, công khai, để nhà văn cứ viết hết cỡ theo lương tâm mình, còn nhà nước không vừa ý chỗ nào thì cứ cắt nhưng phải in rõ chấm chấm chấm kiểm duyệt bỏ chấm chấm chấm như thời chế độ thực dân.

Ôi, đau đớn làm sao, nhục nhã làm sao! Hỡi hồn thiêng các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Văn Giá, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nam Cao, Trần Mai Ninh… và tất cả các liệt sĩ của tất cả các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập tự do, hãy về đây mà chứng kiến cho nỗi nhục của chúng tôi! Chẳng lẽ chiến đấu như thế, hy sinh như thế để chuốc lấy nỗi nhục này? Sau bao nhiêu năm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, nay chỉ xin cái mức tự do ngôn luận như thời thực dân mà cũng không được. Xưa là nô lệ cho ngoại bang, nay lại làm nô lệ cho một nhúm cầm quyền nhân danh Đảng.”

9.. Ông Đoàn Văn Vươn là nạn nhân trong vụ án cưỡng chế đất đai tại Tiên Lãng, Hải Phòng vào năm 2012. Nhân vụ án đầy oan khuất này, công luận VN thi nhau nhắc lại vụ án “đồng Nọc Nạn”.

Vụ án xảy năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu khiến năm người thiệt mạng, trong đó có một viên cò Tây và bốn người thuộc gia đình nông dân Biện Toại.

Cùng đường khi bị một nhóm lợi ích bao gồm một Hoa kiều giàu có và viên tri phủ thông đồng để cướp trắng trên 70 mẫu ruộng mà cha ông đã khai phá từ năm 1900, họ đã liều chết chống trả. Vụ án đẫm máu này làm rúng động dư luận và báo chí Sài Gòn đua nhau khai thác, Trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, nhà văn Sơn Nam đã từ nguồn báo chí này tóm tắt riêng một chương trong phần phụ lục ở cuối sách.

Trước toà, Công tố viên Moreau, người lẽ ra phải hạch tội của các bị đơn, đã “buộc tội” đối thủ của họ và đề nghị tha bổng các bị đơn, dù đã sát hại một cảnh sát Pháp,

Luật sư Tricon nhận định gia đình bị đơn vừa phải đấu tranh với thiên nhiên, vừa phải chống chọi với bọn cường hào và các thủ tục pháp lý: “Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của tình cảm cao đẹp.”

Cuối cùng Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên bố tha bổng bốn bị can. Bị can chính bị phạt sáu tháng tù và được trả tự do ngay tại toà vì đã bị tạm giam đủ sáu tháng. 

10. Clive Hamilton & Mareike Ohlberg, (2020), Hidden Hand – Exposing How the Chinese Communist Party is reshaping the world, Harldie Grant Books, London, trang 274 -275.

11. Chương trình này do hai diễn viên Quyền Linh và Ngọc Lan điều khiển

12. ‘Cộng đồng chung vận mệnh’ CCD là gì và vì sao TQ muốn VN đi theo?, BBC