Nguyễn Hoàng Văn: Netanyahu theo chân ông Nguyễn Văn Thiệu?

Tổng thống Donald J. Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu với các phóng viên ngày 27 tháng 1 năm 2020, tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. (Ảnh chính thức của Nhà Trắng do Shealah Craighead chụp)

Nhìn ở bề ngoài thì ông Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Do Thái, đang làm cái việc của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu từng làm với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 1968. 

Năm đó ông Thiệu bị cáo buộc là hành động để đảng Dân Chủ thua đảng Cộng Hòa còn bây giờ thì, xem ra, ông Netanyahu lại đang tháu cáy với nước cờ tương tự tuy nhiên bản chất hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Đầu tiên là chuyện ông Thiệu mà các sử gia Mỹ gọi là “Chennault Affair”, mang tên bà Anna Chennault, tức Trần Hương Muội (Chen Xiangmei), là thủ lĩnh của nhóm “Nữ giới Cộng Hòa ủng hộ Richard Nixon” và là nhà vận động gây quỹ của Nixon, chuyên nhắm vào cộng đồng người Hoa. Bà là vợ góa của tướng không quân Mỹ Claire Chennaul, người sáng lập và lãnh đạo của lực lượng không quân chí nguyện Phi Hổ (Flying Tigers) của Mỹ ở Trung Quốc trong cuộc chiến Trung – Nhật, có quan hệ thân thiện với Tưởng Giới Thạch. Chennaul cũng là người mà, khi làm việc ở Côn Minh, đã vô tình củng cố thanh thế của Hồ Chí Minh vào đầu năm 1945, giúp ông ta bằng chứng để ba hoa rằng mình được Đồng Minh hậu thuẫn. [1]

Năm 1968, sau biến cố Tết Mậu Thân, không khí phản chiến trở nên sục sôi khiến nguyên Tổng thống Lyndon Johnson — người đã đưa vào Việt Nam hơn nửa triệu quân – quyết định rút lui, không ra tranh cử nữa và lúc này cờ vào tay Phó Tổng thống Hubert Humphrey. Ông Humphrey hứa hẹn sẽ kết thúc chiến tranh bằng đàm phán thì đối thủ Cộng Hòa Richard Nixon phá bĩnh, xúi giục VNCH bất hợp tác: nếu thắng cử thì ông sẽ mạnh mẽ ủng hộ.

Dĩ nhiên ông Nixon không ra mặt, việc liên lạc được giao phó cho bà Trần Hương Muội thông qua H. R Haldeman, Giám đốc Ban vận động tranh cử. Vì thường xuyên nghe lén Tòa Đại sứ VNCH, Chính quyền Johnson nắm hết được những trao đổi giữa bà Muội và Đại sứ Bùi Diễm nhưng không làm to chuyện. Thứ nhất, họ không nắm được bằng chứng cho thấy ông Nixon trực tiếp dính líu. Thứ hai, họ cũng không muốn thừa nhận việc nghe lén này.

Ngày 2/11/1960, ba ngày trước bầu cử Tổng Thống Mỹ, ông Thiệu bất thình lình tuyên bố tẩy chay Hòa đàm Ba Lê và sau đó thì ông chiến thắng.

Sự việc được trình bày trong nhiều tài liệu khác nhau, tiếng Anh và tiếng Việt. Trong hồi ký Trong gọng kềm lịch sử, ông Bùi Diễm đã giành nguyên một chương để phủ nhận việc này, dẫu có thừa nhận rằng bà Muội đã đưa ông đến gặp Nixon tại nhà riêng. [2] Trong khi đó ông Nguyễn Tiến Hưng, nguyên là cố vấn kinh tế của ông Thiệu, cũng giành nguyên một chương trong hồi ký Hồ sơ mật dinh Độc Lập để khẳng định việc này. [3] Ông Hưng còn cho biết thêm rằng vì quá đa nghi, ông Thiệu ngần ngại việc ông Bùi Diễm là người của Nguyễn Cao Kỳ nên còn cử anh ruột mình là Nguyễn Văn Kiểu, lúc đó là Đại sứ tại Đài Loan, bay đến Mỹ để tiếp xúc với người Mỹ. 

Cần nói thêm là năm 2007, khi Nixon Presidential Library giải mật các tài liệu của Haldema, người ta đã phát hiện bốn trang sổ tay vào một buổi tối tháng 10, liên quan sự việc này, trong đó có ghi rõ lệnh của Nixon: “Keep Anna Chennault working on SVN”. [4]

Tuy nhiên sau đó bà Muội lại bị ông Nixon bỏ rơi, nếu không nói là phản bội. Về cá nhân, bà bị ông Nixon gạt ra rìa và giấc mơ trở thành cố vấn đặc tránh Á châu tại Tòa Bạch Ốc tan theo mây khói. Về chính trị thì, như là người ủng hộ Đài Loan và là bạn của Tưởng Giới Thạch, bà tin vào chủ trương chống Cộng quyết liệt của Cộng Hòa và ông Nixon nhưng sau đó ông ta đã bán đứng Đài Loan, đuổi ra khỏi Liên Hiệp Quốc và quay sang công nhận Trung Cộng. [5]

Đó là chuyện xưa và bây giờ thì, theo nhà bình luận Thomas L. Friedman, là trò chơi của Netanyahu. Trong bài “How Netanyahu Is Trying to Save Himself, Elect Trump and Defeat Harris” đăng trên tờ The New York Times (3/9/2024) Friedman nhận xét rằng Netanyahu cố tình dây dưa, không chịu giải quyết xung đột bằng đàm phán là để giúp Donal Trump thắng cử. [6]

Sự việc bắt nguồn từ chiến lược toàn cầu của chính quyền Joe Biden với mục tiêu kiến tạo nên các liên minh an ninh – kinh tế nhằm kềm chế Trung Quốc, cô lập Iran và ngăn chặn Nga. Liên minh này nối liền một dãi, từ Châu Á – Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương, Trung Đông rồi Âu châu thế nhưng đang vấp vào một chướng ngại tại Trung Đông: muốn Quốc Hội Mỹ phê chuẩn mối quan hệ quốc phòng với Saudi Arabia thì nước này phải bình thường hóa quan hệ với Do Thái, mà để Saudi Arabia chấp thuận việc này thì Do Thái phải chấp nhận giải pháp hai nhà nước với Palestine.

Mà việc này lại là bản án tử hình về chính trị với Netanyahu. Để đạt đến giải pháp trên thì Do Thái phải nhượng lại vùng Tây Ngạn đã chiếm từ nhiều năm trước, là chuyện mà giới cực hữu Do Thái cương quyết bác bỏ. Khi sinh mệnh chính trị của Netanyahu phụ thuộc vào giới này thì học thuyết an ninh của ông ta cũng phụ thuộc vào “tầm nhìn” của họ: nhất định không trả lại những vùng đất người Do Thái đã “an cư lạc nghiệp” sau khi chiếm từ Palestine.

Trong hơn một thập niên cầm quyền Netanyahu đã tiến hành trò chia để trị, dung dưỡng tổ chức khủng bố Hamas để làm suy yếu Chính quyền lâm thời Palestine và Tổng thống Mahmoud Abbas. Ông Abbas là người chính thức công nhận Do Thái, đã chấp nhận tiến trình hòa bình Oslo, và hợp tác với các cơ quan an ninh của Do Thái để duy trì hòa bình ở vùng Tây Ngạn gần ba thập niên qua. Tuy nhiên Netanyahu không muốn kiểu hòa bình này và, từ năm 2012 đến 2018, đã dàn xếp để Qatar rót cho Hamas hơn 1 tỷ USD viện trợ, đồng thời đã làm tất cả những gì có thể làm để để làm mất uy tín Chính quyền Palestine và hạ nhục ông Abbas. Như thế, chính Netanyahu đã dung dưỡng để Hamas đủ lông đủ cánh để rồi bây giờ thề thốt sẽ tận diệt nên, có thể nói, bàn tay ông ta vấy cả máu của người Do Thái bị Hamas tiêu diệt và vấy cả máu thường dân Palestine. 

Netanyahu càng có lý do để bám vào giới cực hữu hơn sau khi ông ta bị truy tố với các cáo buộc gian lận, hối lộ vào năm 2019. Cũng giống như Trump, việc làm thủ tướng của ông ta còn có nghĩa là khỏi ngồi tù.

Như thế, ở bên trong, Netanyahu phải nuôi chiến tranh, bất chấp nguy cơ sống còn của các con tin và của quốc gia, bất chấp sự phản đối của giới quân sự. Bên ngoài, đặc biệt là với Mỹ, nhiều thành viên đảng Dân Chủ, nhất là giới trẻ, – đang tỏ thái độ phản đồi và thậm chí thù địch với cuộc chiến mình đang theo đuổi, Netanyahu phải làm những gì có thể làm để đảng Cộng Hòa thắng.

Như thế, khi phớt lờ mọi cảnh cáo của cộng đồng quốc tế để tiếp tục cuộc chiến tàn bạo, Netanyahu đang dồn bà Kamala Harris vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu ra mặt chỉ trích Do Thái thì mất phiếu của người Do Thái. Nhưng im lặng thì sẽ mất phiếu của người Mỹ gốc Ả Rập và gốc Hồi giáo, nhất là tại Michigan, một tiểu bang sinh tử. Còn nếu Trump thắng thì Netanyahu sẽ được Trump biết ơn và được đảng Cộng Hòa bảo vệ. 

 Nhưng nếu thế thì, trong tầm nhìn xa, Do Thái sẽ bị thiệt và nước Mỹ cũng sẽ bị thiệt. Cũng như Việt Nam Cộng Hòa đã từng bị thiệt, sau khi Do Thái “thắng”, tại Mỹ.

Đế tiến đánh miền Nam, Bắc Việt dựa vào hai nguồn viện trợ chính từ Liên Xô và Trung Cộng. Trong khi Trung Cộng chỉ viện trợ đủ cho một cuộc chiến “trường kỳ mai phục”, nuôi xung đột để Việt Nam suy yếu nhằm tiện bề thao túng thì Liên Xô có thái độ nước đôi. Thoạt tiên Liên Xô chủ trương hòa hoãn với Mỹ nên không mặn mà với chiến tranh, chỉ sau khi giận dữ trước những yêu sách “chơi cha thiên hạ” của Quốc Hội Mỹ do nhóm Nghị sĩ Do Thái giật dây, thì mới chấm dứt chính sách hoà hoãn này. [7]

Số là, từ năm 1972, do những khó khăn kinh tế, Liên Xô đồng ý với Henry Kissinger là sẽ cắt giảm quân viện cũng như thuyết phục Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán với VNCH mà không đòi hỏi ông Thiệu phải từ chức. Đáp lại, Kissinger sẽ vận động Quốc Hội Mỹ ban cấp cho Liên Xô quy chế tối huệ quốc (MFN) cũng như bán lúa mì với giá ưu đãi. Dĩ nhiên đây là những mật ước, do đó phải giữ kín.

Nhưng do vận động của giới tài phiệt gốc Do Thái, nhiều nghị sĩ Mỹ khăng khăng đòi chính phủ Mỹ phải trừng phạt Liên Xô vì những chính sách vi phạm nhân quyền, cụ thể là việc kỳ thị đối với người Nga gốc Do Thái, cũng như đòi Liên Xô phải cho phép họ xuất cảnh. Khi Kissinger đưa kế hoạch trên ra, các nghị sĩ này bèn vồ lấy, làm ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông, khẳng định rằng trong tình trạng khủng hoảng kinh tế đó thì Liên Xô phải nhượng bộ, Mỹ càng phải ra giá cao hơn.

Sự hống hách ngu xuẩn của mấy ông nghị được vỗ béo bằng tiền Do Thái này đã gây hậu quả ngược. Khi mật ước trên bị đem ra bàn tán và phân tích ầm ĩ như vậy, giới lãnh đạo Liên Xô cảm thấy bị mất mặt trước những đàn em XHCN, và để cứu vãn tình thế, họ đã đưa ra những chính sách mang tính khiêu khích Mỹ. Chính bước ngoặt này đã giúp Bắc Việt trưởng thành thấy rõ về quân sự, với khả năng thành lập các “quả đấm thép” ở cấp sư đoàn, quân đoàn, các đại pháo 130 ly và xe tăng T-54.

Ngoài ra giới tài phiệt Do Thái còn tiếp máu cho phong trào phản chiến. Sợ rằng nếu Mỹ sa lầy ở Việt Nam thì không đủ tài nguyên mà bảo vệ Do Thái nên, song song với việc vận động bên trong, họ còn tài trợ cho các tổ chức phản chiến để gây áp lực lên chính phủ Mỹ. Mà chính phong trào này đã gây áp lực, khiến ông Johnson phải rút lui, không ra tranh cử tổng thống vào năm 1968.

Như đã nói, tuy hành vi của hai ông Nguyễn Văn Thiệu và Netanyahu giống nhưng bản chất thì khác nhau rất nhiều.

Năm 1968 ông Thiệu hành động theo sự thuyết phục của ông Nixon, và hành động vì sự sinh tồn của VNCH nhiều hơn. Bây giờ thì Netanyahu hành động với sự tháu cáy chính trị, hành động để được làm thủ tướng, và để tránh cảnh ngồi tù, giống như ông Trump đang cố làm tổng thống để khỏi đi tù.

Và để làm tổng thống thì Trump phải phá hoại đảng Dân Chủ, là điều mà bà Harris đã chỉ trích trong cuộc tranh luận tay đôi là nuôi bệnh thay vì trị bệnh: Để giải quyết vấn đề di dân lậu thì phải tấn công vào các băng đảng buôn người, nhưng dự luật này đã bị Trump vận động các dân biểu Cộng Hòa phủ quyết.

Cũng như Nixon cố phá hoại tiến trình đàm phán để giải quyết chiến tranh Việt Nam vào năm 1968 rồi, đến năm 1972, lại dọa ông Thiệu, buộc phải chấp nhận các điều khoản phi lý như cho phép lực lượng chính quy Bắc Việt tiếp tục hiện diện tại miền Nam. 

Sinh thời, nữ Thủ tướng Benazir Bhutto của Pakistan từng phát biểu một câu để đời rằng “làm kẻ thù của Mỹ có khi còn dễ chịu hơn là làm đồng minh” và nhận định này rất đúng với VNCH trong Hòa đàm Paris, dưới tay chính phủ Cộng Hòa. 

Lúc đó, thật rõ ràng, Chính quyền Cộng Hòa của Nixon ưu ái Bắc Việt hơn là VNCH. Họ thừa biết Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam chỉ là một thứ con rối của Bắc Việt, nhưng vẫn chiều ý Bắc Việt, thừa nhận con rối này như là một thực thể độc lập trong hòa đàm. 

Vân vân, nhiều chuyện như thế và hậu quả là kết thúc tức tưởi của VNCH vào năm 1975. Còn bây giờ thì, theo những gì mà ông Trump và phó tướng của mình đang rêu rao, đó cũng sẽ là số phận của Ukraine, nếu như họ đắc cử. [8]

Nhưng số phận của Ukraine trước Nga thì có khác nào số phận của Việt Nam hiện tại trước Trung Quốc? Và cần nhớ lại rằng Trung Quốc đã phải đợi khi Nixon đến Trung Quốc và bình thường hóa quan hệ rồi thì mới xua quân tấn công Hoàng Sa, và khi cuộc xâm lược diễn ra thì chính phủ Cộng Hòa của Nixon dửng dưng tuyên bố là không can thiệp.

Nguyễn Hoàng Văn 

—————-

Tham khảo:

  1. Archimedes Patti (1980), Why Viet Nam? Prelude to America’s Albatross University of California Press, trang 56 – 58.

Việt Minh, tức “Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội”, có hàm ý đứng về phe Đồng Minh, có Đồng Minh hậu thuẫn, nhưng làm sao để chứng minh?

Đầu năm 1945, khi nghe Phạm Văn Đồng báo tin một toán du kích của Võ Nguyên Giáp giải cứu được một phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi, Hồ Chí Minh đã đích thân đưa phi công gặp nạn này đến Côn Minh gặp phái bộ Mỹ và nằng nặc đòi gặp tướng Chennault (ngày 29/3/1945). Trong cuộc gặp gỡ, Hồ Chí Minh nằng nặc xin ông Chennault một ân huệ là một tấm hình, có chữ ký đề tặng, và với tấm hình này, ông ta trưng ra, hàm ý là Mỹ ủng hộ mình.

Tác giả thuật lại điều này từ Charles Fenn, một trung úy thủy quân lục chiến được biệt phái làm việc trong nhóm AGAS (Air Ground Aid Sectiong) trong Bộ chỉ huy của tướng Chennault.

  1. Bùi Diễm, (2000) Trong gọng kềm lịch sử, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, California. Chương 28: “Vụ Anna Chennault” để (Đầu tiên là bản Anh ngữ In Jaw of History, 1987, cùng viết với David Chanoff)
  2. Nguyễn Tiến Hưng & Jerrold L. Schecter (1986), Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, Nguyễn Tiến Hưng, Chương II: “Nixon và Thiệu: một món nợ chính trị”.

Nguyên tác Anh ngữ “The Palace File” bản tiếng Việt của Cung Thúc Tiến và Nguyễn Cao Đàm.

  1. https://www.politico.com/magazine/story/2017/08/06/nixon-vietnam-candidate-conspired-with-foreign-power-win-election-215461/
  2. https://www.politico.com/magazine/story/2018/12/30/anna-chennault-obituary-vietnam-back-channel-nixon-1968-223299/
  3. https://www.nytimes.com/2024/09/03/opinion/netanyahu-trump-harris.html
  4. http://content.time.com/time/subscriber/article/0,33009,903582,00.html
  5. https://www.washingtonpost.com/politics/2024/09/12/vance-trump-ukraine-russia-war-plan/