Nguyễn Hoàng Văn: Ngón đà đao
Nếu chiến pháp Trung Hoa có “Tẩu vi thượng sách”, kế cuối trong “Tam thập lục kế”, tức bỏ chạy khi kẻ thù quá mạnh thì kiếm pháp của họ cũng tính đến đường chạy nhưng không hề bỏ cuộc gọi là “đà đao”. Bất phân thắng bại hay núng thế, kéo dài trận đấu có thể lâm nguy, thì hãy vờ thua bỏ chạy, chờ khi đối thủ truy đuổi sát sạt sau lưng thì bất thình lình quay lại, xỉa thẳng mũi gươm vào chỗ hiểm và, thế là, chỉ trong một sát na, tình thế sẽ xoay chuyển hoàn toàn.
Từ kiếm pháp chuyển sang thi pháp, có chăng một đòn thế tương tự? Hãy nghe Chế Lan Viên, với bài “Đà Đao”:
Đánh giáp lá cà trong trận chữ
Đừng lùi vào thế thủ
Bước đường cùng thì cũng phải đà đao
Cái nhát thiên tài lóe ở cuối câu
Nhưng thế nào là “nhát thiên tài lóe ở cuối câu”?
Bỏ qua những bài thơ yết hậu kết thúc bằng một từ đơn độc, “lóe” lên một cách tài tình như:
Sống ở dương gian đánh chén nhè
Thác về âm phủ cắp kè nè
Diêm vương phán hỏi rằng chi thế?
– Be
của Phạm Thái hay bài trêu chọc “Sư ghẹo vãi”, của một tác giả vô danh nào đó:
Chùa vắng có ai là!
Yêu nhau chút gọi là
Rủ nhau ra hậu uyển
Ta…
tôi nghĩ đến chữ “cứt” kết lại cả một đời vinh nhục của viên cựu Đại tá 75 tuổi trên một xứ sở đầy bạo lực mà nhẹ nhàng như hơi thở của một thiền sư khi Gabriel García Márquez – nhà văn Colombia, Nobel Văn chương 1982 – kết thúc No One Writes to the Colonel (Chẳng ai viết cho Đại tá).
Đó là một truyện vừa không quá 80 trang mà người đọc chẳng biết nhân vật tên gì, chỉ trần xì cấp hàm “Đại tá” như là niềm kiêu hãnh từ một quá khứ xa xăm của kẻ đã hết thời. Ngoắc ngoải trong một thiết chế xã hội tham nhũng và bất lực, Đại tá vạ vật qua ngày trong tột cùng của sự bần hàn: vợ bệnh tật không thuốc thang, nhà hết thức ăn, cà phê chỉ còn thìa cuối phải nhường cho vợ, đã vậy mà còn phải nhịn ăn để bồi bổ con gà chọi như là niềm hy vọng cuối cùng cho độ gà sắp tới.
Suốt mười lăm năm nhẫn nhục chờ đợi hồi đáp của chính quyền về trợ cấp cựu chiến binh, ngày ngày Đại tá ra bến chờ thuyền chở thư, rồi Đại tá lảng vảng quanh trạm bưu điện. Nhưng Đại tá rất kiêu hãnh, không hạ mình hỏi thư mà kiên gan chờ đến khi nhân viên bưu điện tuyên bố “hết thư” mới lủi thủi ra về, sau lời nói bâng quơ: “Không ai gởi gì cho tôi à!”
Cảnh cuối, khi nhà không còn gì để bán trừ con gà chọi, Đại tá cũng không chịu bán. Đại tá đã giữ nó suốt những năm qua vì lòng kiêu hãnh và bây giờ Đại tá còn níu giữ như là niềm hy vọng cuối cùng cho độ gà trong 44 ngày tới. Khi người vợ khò khè vì bệnh hen suyễn nắm cổ áo Đạt tá gào lên rằng sẽ ăn cái gì trong mấy chục ngày tới mà chưa chắc độ gà sẽ thắng, Đại tá đã đạt tới trình độ của một thiền sư khi nói đến nguồn sống ấy, qua ngòi bút của Márquez:
“Đại tá đã phải trải qua bảy mươi lăm năm – những bảy lăm năm của cuộc đời mình để từng phút, từng phút – đi tới cái khoảnh khắc này. Đại tá cảm thấy thanh khiết, dứt khoát và ngời ngời khí thế chiến thắng ngay vào khoảnh khắc trả lời: ‘Cứt’.” [1]
Cái chữ “cứt” này, có thể nói, đã lóe lên như một nhát thiên tài!
Từ văn chương bước sang chính trị chúng ta cũng có thể tìm thấy đâu đó những ngón đà đao tương tự. Như ngón đòn mà nhà văn Phan Nhật Nam xỉa vào họng hai ông Bùi Tín và Phạm Văn Đồng vào năm 1973, ở Hà Nội.
Đó là lúc Phan Nhật Nam – một Đại úy Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, thành viên của “Ủy ban liên hiệp bốn bên” thành lập theo Hiệp định Paris 1973 – đến Hà Nội để phối hợp việc trao đổi tù binh. Trong Bên Thắng Cuộc I, nhà báo Huy Đức dẫn lời nhà văn:
“Hàng tuần, vào ngày thứ Sáu, tôi lại bay ra Hà Nội để nhận tù binh. Thứ Sáu, ngày 4-3-1973, khi tôi ra Hà Nội, Thiếu tá Bùi Tín, lúc ấy là sỹ quan báo chí của Tướng Lê Quang Hòa, gặp và vận động tôi ở lại miền Bắc. Tôi nhận lời. Ông Phạm Văn Đồng viết tư văn gửi xuống Hải Phòng mời ba tôi lên. Bùi Tín cho tổ chức một cuộc họp báo tại sân bay Gia Lâm. Khi mọi người đã an tọa, ước có khoảng hơn hai mươi nhà báo trong đó có các nhà báo Đông Âu và có cả một nhà báo Pháp. Tôi mở cặp, lấy cuốn Mùa Hè Đỏ Lửa và một tập nhạc, rồi nói: Tôi sinh ra ở Huế, nơi năm Mậu Thân, các ông cộng sản đã thảm sát hơn 3.000 người. Còn đây là cuốn Mùa Hè Đỏ Lửa, viết về Quảng Trị, nơi, vào ngày 29-4-1972, tôi đã chụp những hình ảnh chết chóc trên Đại lộ Kinh hoàng. Đây là mười hai nhạc sỹ du ca, không có ai trong họ ca ngợi chiến tranh. Chúng tôi không gây chiến tranh… Tới đó, ông Bùi Tín bảo tôi: Thôi Nam, về.” [2]
Như có thể hiểu được, hai ông Bùi Tín và Phạm Văn Đồng đã sử dụng người cha tập kết của nhà văn Phan Nhật Nam như một con tin để, nửa chiêu dụ, nửa gây sức ép, thực hiện một vụ đánh bom chính trị. Và rõ ràng, nhà văn này đã vờ vịt quy hàng để, đến phút cuối cùng, bật ngược với thế đà đao, đẩy đối phương vào cảnh cứng họng, như thể bị nhét vào mồm thứ thức ăn của ngài Đại tá.
Nếu đó là chuyện đã cũ, cách đây hơn nửa thế kỷ thì, mới đây, cả nước lại chưng hửng với ngón đà đao hụt mà, thoạt đầu, cứ tưởng là to tát như một nghị sự quốc gia. Đó là trận đấu giữa một cựu trung tướng công an đang đảm vai Thủ tướng, với một Đại tướng công an mà, bây giờ, đã là chủ tịch, kiêm cả quyền tổng bí thư.
Đầu tiên là cuộc “khủng hoảng chủ tịch”, do Đại tướng dàn trò. Đại tướng vung tay lên, những chủ tịch nước và ứng viên thế vì nối gót nhau “xin” nghỉ hưu non. Đại tướng vung tay xuống, cả Chủ tịch quốc hội cũng phải ngậm đắng về vườn, sau khi bay tới tận Bắc Kinh cầu phong. Trừ những thành phần ký sinh vào mối quan hệ “còn đảng còn công an” ra thì có người Việt tỉnh trí nào mà không nhợn, không rùng mình e sợ trước bóng dáng bao trùm của viên thủ lĩnh hậu trường với quyền lực vô đối này?
Nhưng nhợn hơn nữa là những kép diễn trên sâu khấu bởi đó không chỉ là sinh mệnh chính trị mà còn là mạng sống của họ và, trong số này, có cả thủ tướng. Nghĩa là phải gấp gáp ra tay và ngón đà đao tưởng là “nhát thiên tài” đã lóe lên vào buổi họp cuối cùng trên cái sân khấu mang tên “Quốc Hội”. Thủ tướng lôi Đại tướng ra mặt tiền như một con mồi để tước hết quyền lực hậu trường và, khi viên công an số một chỉ còn là một chủ tịch chỉ có tiếng không có miếng, có thể hất đổ bất cứ lúc nào, những người Việt từng lo lắng nói trên lại có thể thở phào nhẹ nhõm? Ít ra thì, từ đây, cái không khí nghẹt thở “Tất cả chúng ta đều bị theo dõi / Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi” cũng sẽ thoáng đi, phần nào. [3]
Đại tướng đã giật dây cho bao nhiêu vụ hạ bệ đối thủ chính trị trên sân khấu rồi? Bây giờ, khi Đại tướng bị hạ thì ai cũng nghĩ đến luật nghiệp báo và, xem ra, có vẻ như Đại tướng rất cay cú, như thể đang bị nhét vào mồm thứ thức ăn của ngài Đại tá.
Trận so găng đầy kịch tích này đã ít nhiều mang lại thống khoái cho người xem, nhất là khi đó là cuộc so găng giữa giới trong nghề, công an với công an. Mà nói về “nghề công an” thì tất cả, Trung tướng hay Đại tướng, khó mà sánh nổi với một thiên tài như Joseph Fouché, kẻ từng bị ví von là đã làm mật thám từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Thế nhưng trên đầu Fouché, ông trùm mật vụ và tình báo của nước Pháp trong giai đoạn sôi bỏng bậc nhất của lịch sử, còn có Napoleon Bonaparte; cũng như trên đầu hung thần Lavrentiy Beria, Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô, còn có bóng dáng lồng lộng của nhà độc tài Joseph Stalin và, trên đầu trùm mật vụ Trung Quốc Khang Sinh, lại là cái bụng phệ của Mao Trạch Đông.
Nhưng đó chỉ là một ngón đà đao hụt và, bây giờ, Đại tướng đã là niềm mơ ước của những Fouché, Beria hay Khang Sinh khét tiếng tàn bạo và thâm hiểm. Khác với họ, bây giờ Đại tướng hoàn toàn không phải đội bất cứ người sống nào ở trên đầu mà là một thứ quyền lực “vô thượng”. Đầu tiên Đại tướng dẫm lên những nguyên tắc chính trị để khôi phục quyền lực hậu trường bằng cách bổ nhiệm đàn em chưa đủ “tiêu chuẩn” vào cái ghế cũ của mình. Rồi Đại tướng lại dẫm tiếp lên nguyên tắc chính trị để lấp vào khoảng trống quyền lực mà cố Tổng bí thư để lại.
Như thế thì Đại tướng, chính Đại tướng đã đẩy mối quan hệ “Còn đảng, còn công an” lên một “tầm cao mới” như là “Còn công an, còn đảng”. Và cũng chính Đại tướng đã vạch trần cái nguyên lý “Dân làm chủ, chính quyền quản lý, đảng lãnh đạo” chỉ lừa được trẻ con khi trần trụi hóa nó bằng cái mô thức khiến mấy chục triệu dân phải nhợn: “Công an làm chủ, công an quản lý, công an lãnh đạo”.
Chế độ quân chủ của triều Nguyễn vẫn thường bị các sử quan Marxist của chế độ phê phán là thối nát và bất lực thế nhưng, trên phương diện này, vẫn minh bạch, công bằng và hữu hiệu hơn, rất nhiều. Thí dụ những quan võ muốn làm quan văn. Sự thể không phải đơn giản như một viên tướng công an trở thành nhà quản lý kinh tế, một chuyên gia mật vụ trở thành nhà lãnh đạo quốc gia mà phải trải qua những thể thức tuyển chọn nghiêm nhặt: họ phải nộp đơn cho chính quyền địa phương, rồi họ về kinh khảo hạch, và phải đạt điểm ưu thì mới được sắp xếp cho hai năm thực tập việc hành chính, đạt đủ yêu cầu của thực tiễn thì mới chính thức trở thành quan văn nhưng phải hạ một trật. [4]
Bây giờ thì, không cần một thể thức nào cả, những chuyên viên đàn áp và rình mò đang trở thành bộ xương sống của hệ thống chính trị. Cái gọi là “chính quyền” không hề được bầu chọn theo những thể thức dân chủ bình thường đã đành mà, thậm chí, cũng không được sắp xếp theo những nguyên tắc “dân chủ trong đảng”. Nó, thực chất, chỉ hình thành trên nền tảng những hồ sơ đen và, do đó, đất nước đang nằm trong bàn tay của những kẻ chỉ được huấn luyện để… lập hồ sơ đen.
Hồ sơ đen, đầu tiên, là những hành trạng sâu kín và thối tha mà người trong cuộc, như là đối tượng của hồ sơ, không dám đối mặt. Và hồ sơ đen, do đó, đã bị sử dụng như một thứ công cụ để khống chế người trong cuộc như một thứ con tin trong mưu toan loại trừ và thanh tẩy lẫn nhau. Nếu một chính quyền xây dựng từ nền tảng những âm mưu loại thải nhau, và xây dựng từ nền tảng những hành trạng sâu kín và thối tha, chính quyền đó có khác nào một sản phẩm bài tiết?
Nếu chúng ta gọi sản phẩm bài tiết sinh học là cứt thì thứ chính quyền này, vì thế, cũng chính là một thứ cứt chính trị.
Nói cách khác thì cái hệ thống công an trị hiện tại chính là một thứ cứt mà cái ý thức hệ lỗi thời kia đã ép buộc dân tộc ta phải tiêu hóa. Nhưng, tệ hơn, dân tộc chúng ta còn phải tiêu hóa một thứ cứt hạng hai bởi nó, cái thể chế kia, thực chất, cũng là một thể chế ăn cứt, từ lâu. Thập niên 1950, khi mang một ân nhân của cách mạng là bà Nguyễn Thị Năm ra xử bắn theo sự ép buộc của cố vấn Trung Quốc, nó chẳng phải đã ăn cứt của phương Bắc là gì? Rồi thập niên 1980, khi ra lệnh binh sĩ của mình trên đảo Gạc Ma không được nổ súng, nó đã nuốt thứ gì ngoài cứt của quân xâm lược? Rồi mới đây, khi trao bằng Tổ quốc ghi công tới các chiến sĩ hy sinh tại Trường Sa mà không dám thông báo cho nhân dân biết họ đã hy sinh như thế nào, nó đã tọng vào mồm mình thứ gì ngoài sản phẩm bài tiết của cái đám đã giết hại ba liệt sĩ ấy? [5]
Ăn cứt, theo nghĩa đen thì tởm, mà theo nghĩa bóng thì nhục. Đằng này còn bị tống vào mồm một thứ cứt hạng hai, càng nhục, nên không thể không nhắc lại Tản Đà:
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên chúng nó lại làm quan
(“Xem tiểu thuyết ‘Tờ chúc thư’ cảm đề”)
và:
Dân hai lăm triệu ai người lớn
Đất bốn ngàn năm vẫn trẻ con
(“Mậu Thìn Xuân Cảm”)
Tản Đà (1889 – 1939) qua đời cách đây 85 năm và dân tộc Việt Nam, từ con số 25 triệu dân, đã lên đến hơn 98 triệu mà chừng như vẫn vậy, nhưng tội đồ không hẳn từ một phía. Khi chúng ta bị nhét thứ ấy vào mồm thì tội lỗi không hẳn chỉ do bọn nhét mà còn là do chúng ta để yên cho chúng nhét hay, thậm chí, nói theo Martin Luther King, Jr – nhà tranh đấu dân quyền Mỹ, Nobel Hòa Bình 1964 – còn do chúng ta mời chúng nhét. [6]
Nói theo Hoàng Nhuận Cầm trong bài thơ đã dẫn ở trên thì “Tất cả chúng ta đều không vô tội” và, sự “không vô tội” này, đầu tiên, chính là căn bệnh vô cảm của xã hội chúng ta, cái bệnh hờ hững và thản nhiên trước cái ác và cái xấu, xem là việc của ai đó, không phải của mình…
Nguyễn Hoàng Văn
—————–
Tham khảo & chú thích:
- Dịch từ bản tiếng Anh: “It had taken the colonel seventy-five years – the seventy-five years of his life, minute by minute – to reach this moment. He felt pure, explicit, invincible at the moment when he replied: ‘Shit’.”
- Huy Đức (2012) Bên thắng cuộc I, Osinbook, Saigon-Boston-LosAngles – New York, trang 44
- Trích bài thơ “Vô Cùng” của Hoàng Nhuận Cầm:https://vanviet.info/tren-facebook/bi-tho-v-cng-cua-hong-nhuan-cam-qua-gc-nhn-cua-bi-mai-hanh/
- Emmanuel Poisson (2018) Quan và Lại ở miền Bắc Việt Nam – Một bộ máy hành chính trước thử thách (1820 – 1918), Nhã Nam & Nhà xuất bản Tri thức, trang 49.
Bản dịch của Đào Hùng và Nguyễn Văn Sự
- “Trao bằng Tổ quốc ghi công 3 liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa”
- “Injustice anywhere is a threat to justice everywhere.… We know through painful experience that freedom is never voluntarily given by the oppressor; it must be demanded by the oppressed.”
https://naacp.org/find-resources/history-explained/civil-rights-leaders/martin-luther-king-jr