Nguyễn Hoàng Văn: Phòng 6 và một hiện thực thần kỳ?

Tất cả chúng ta đều bị theo dõi
Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi
(“Vô cùng”, Hoàng Nhuận Cầm)

Khi hai câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm sốt lên như một hiện tượng, khi những đám đông cuồng nhiệt hay nhốn nháo bám sát gót chân một hành giả khất thực bình thường thì, phải chăng, ngay trên quê hương của chúng ta, một Anton Chekhov của miền đất phủ dày băng tuyết đã gặp gỡ một Gabriel García Márquez từ cái nơi mà một cục nước đá cũng từng được chiêm ngưỡng như một thánh vật huyền nhiệm, thần kỳ? [1]

Khi “đều bị theo dõi” và “sắp bị bắt” đang là nỗi niềm, là “thời thế” thì có nghĩa là những đứa con với một mẹ Việt Nam nặng trĩu trong tim và chút trí tuệ trong đầu ai cũng hồi hộp cái tâm cảm “bách hại cuồng” như là nhân vật chính trong Phòng 6 của Chekhov, tên của tiểu thuyết v cũng là tên của phòng giam người điên, hay bị cho là điên, tại một bệnh viện tỉnh lẻ của Nga vào thế kỷ 19. [2]

Đó là một câu chuyện bi thảm mà – qua số phận của hai nhân vật Ivan Dmitritch Gromov và Andrey Yefimitch Ragin – phác thảo nên diện mạo chung của trí thức Nga thời đó. Gromov là một sinh viên xuất chúng nhưng vì hoàn cảnh nên phải bỏ học để rồi trở thành một gã gác cửa tòa án tầm thường. Đam mê tri thức và khao khát cống hiến, Gromov khinh miệt cuộc sống đần độn và ngột ngạt tỉnh lẻ, nơi mà bọn vô lại phè phỡn sống trong khi người lương thiện thì vất vả chạy ăn. Càng ngày càng mất thăng bằng, Gromov lại bị ám ảnh với tâm cảm “sắp bị bắt” sau một lần chứng kiến cảnh áp giải tội phạm để rồi, chỉ một tiếng động nhẹ hay một tiếng nói bâng quơ ngoài sân, cũng giật bắn mình, để thấy bất cứ ai cũng lấp ló khuôn mặt của mật thám và, cuối cùng, bị đưa vào Phòng 6

Còn Ragin, giám đốc bệnh viện, lại là một bác sĩ bất đắc chí. Mang sở nguyện làm linh mục nhưng phải học y để chiều cha, Ragin dần dà trở thành một bác sĩ lười biếng và, để yên ổn lương tâm, lại vận dụng đến những suy niệm triết học siêu hình. Ragin nghi vấn tính khả dụng của nghề y bởi, cuối cùng, ai cũng chết cả. Ragin chất vấn việc cắt giảm cơn đau cho người bệnh bởi, có đau đớn thì con người mới hoàn thiện hơn chứ? Rắc rối bắt đầu khi Ragin phát hiện Gromov là một bộ óc trí thức và, thay vì dành thời gian cho công việc của mình, ngày ngày bỏ ra hàng giờ để đàm luận và, cuối cùng, bị bộ máy công quyền tỉnh lẻ xếp hạng điên. Ragin bị tống vào Phòng 6 và câu chuyện kết thúc một cách không thể bi thảm hơn, với một cái chết thảm khốc và một đám tang buồn.

Câu chuyện đặt trong khung cảnh một tỉnh lẻ cách xa đường xe lửa mà, vào thời đó, được xem là biểu tượng của văn minh. Ra mắt năm 1892, Phòng 6 được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt vì đã, qua việc nhấn mạnh đến mâu thuẫn giữa suy niệm triết học với thực tại, có thể thu tóm một cách tài tình số phận, ám ảnh và ẩn ức của giới trí thức Nga của cả hai thế kỷ, 18 và 19. Theo giới phê bình thì – từ Nikolai Vasilyevich Gogol (1809-1852) đến Leon Tolstoy (1858 – 1910) và Chekhov (1860 – 1904), xuyên qua hai thế kỷ – trí thức Nga luôn hiện ra như những hình nhân rúm ró, dày vò vì sợ, sợ chết và sợ nhà cầm quyền. 

Và đó, từ góc nhìn trí thức, cũng là hoàn cảnh của quê hương chúng ta hiện tại bởi quá… xa cách trước những bước đi mới mẻ của nhân loại. Mà đó cũng là nơi mà giới trí thức hằng tự dày vò với tâm trạng tương tự, ít nhất là từ ba phần tư thế kỷ qua. Như Nguyễn Tuân, người đã thú nhận rằng sống được nhờ biết sợ, cái sợ mà, trễ nhất, cũng bắt đầu từ giữa thập niên 1950. Cùng thời là Nguyễn Huy Tưởng, người mà, như Tô Hoài đã kể đâu đó, đã cố ý “bần nông hóa” giọng nói khi phát âm các địa danh hay tên tuổi ngoại quốc, nghĩa là cố ý ghìm mình xuống như một “đơn vị người” bình thường chứ không ngửng lên như một thành phần tinh hoa lẽ ra phải đảm nhận vai trò dẫn dắt. [3] Mà, trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài còn phác thảo một Nguyễn Huy Tưởng “lầm lỳ, đăm chiêu, ít nói và nói cũng khác mọi khi” sau khi từ chiến khu về thành vào năm 1954. [4] Nếu Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân còn sống để về thành thì Ngô Tất Tố – người từng “quệt nước mũi vào gốc cây” rồi “sụt sùi” với Kim Lân rằng “Làm người khó lắm, bác ạ” sau một buổi kiểm điểm gay gắt trong đó ông ta bị một kẻ mình từng xem không ra gì “sát phạt lên lớp” – không được như thế. [5] Nhà văn này đã vĩnh viễn nằm lại ở núi đồi Yên Thế nên không đau thêm cái nỗi đau “làm người xã hội chủ nghĩa”. [6]

Quá khứ, như thế, đang hiện diện trong từng khoảnh khắc hiện tại còn tương lai lại là những gì đã xảy ra rồi. Và đó cũng là thứ thời gian lẩn quẩn trong cách diễn đạt của magical realism – chủ nghĩa hiện thực thần kỳ / huyền ảo – mà Márquez đã thể hiện trong Trăm năm cô đơn.

Pho tiểu thuyết khởi sự với cảnh một đại tá chờ bị hành quyết nhớ lại cái quá khứ xa xăm ở đó ông ta được cha dẫn “đi khám phá nước đá”. Hành quyết là một sự kết thúc nhưng lại mở đầu cho một hành trình khứ hồi rất dài nên thời gian không chảy về phía trước mà chỉ xoay vòng, tái điệp. Và, qua con mắt của cụ bà Úrsula Iguarán thọ hơn trăm tuổi, bậc tiền hiền đã chứng kiến bao cảnh bể dâu từ khi Maconda chỉ là một làng quê với hai chục căn nhà vách đất trở thành một thị trấn thì mọi sự luôn luôn “quay trở lại từ đầu” ở đó những thế hệ sau lại giống hệt thế hệ trước. [7] Thì đó là một thủ pháp văn học còn, với đất nước chúng ta, lại là một thực tại nhiển nhiên, như cái bài thơ viết vào thập niên 1990 của Hoàng Nhuận Cầm. Nó chẳng vừa phù hợp cho mấy chục năm trước mình mà còn phù hợp cho mấy chục năm sau mình là gì? 

Châu Mỹ La Tinh là vùng đất với những con người hừng hực dục vọng và, một thời, khét danh với những vụ đảo chính như cơm bữa. Khi Márquez viết Trăm năm cô đơn vào thập niên 1960 hay, trước đó, khi Jorge Amado viết Vùng đất hung bạo (The Violent Land) vào thập niên 1950, đó là đất của những viên đại tá đầy tham vọng, khiêm tốn về trí tuệ nhưng cao thâm trong thủ đoạn và sự tàn bạo chính trị. Chúng ta thì, để tạo nên cái thực tại này, lại có những “ủy viên” với phẩm tính tương tự và, phải chăng, họ, những đại tá và những “ủy viên”, đã gặp nhau ở cái khả năng bắt thời gian lẩn quẩn, xoay vòng? 

Trong cái nhìn của hiện thực thần kỳ thì cái tầm thường có thể trở nên phi thường và, ngược lại, cái huyền diệu có thể trở nên tầm thường. Nước đá là thứ rất bình thường nhưng với cư dân làng Macondo trong Trăm năm cô đơn, những kẻ ơi ới gọi nhau “đi xem nước đá” khi người Gypsy mang đến, lại là cái gì đó huyền nhiệm. Lập đi lập lại trong Trăm năm cô đơn là hình tượng những đàn bướm vàng lẽ ra phải luôn luôn lung linh huyền nhiệm thế nhưng, trong những góc nhìn khác, khi thì chúng rắc phấn bụi để đầu độc cả nồi súp hay chết khô giữa những trang sách cũ, chỉ chạm nhẹ là tan thành bột và, như thế, cái huyền nhiệm hay phi thường đã trở nên bình thường và, thậm chí, tầm thường. [8]

Thực tại mà chúng ta đang đối mặt cũng ê hề những hình tượng nước đôi như thế. Những tượng đài hoành tráng, tiêu tốn hết ngàn tỷ này đến ngàn tỷ kia từ xương máu của nhân dân, lẽ ra, phải là biểu trưng cho cái gì đó thiêng liêng nhưng lại bị công chúng rẻ rúng và, từ góc nhìn gần, bao giờ cũng rệu rã, nhếch nhác, do trò chơi rút ruột. Ngược lại, một hành giả khất thực với mớ giẻ rách chắp vá che thân đã trở nên huyền diệu, phi thường trong con mắt chúng sanh, như một tượng đài tỷ tỷ. Hành giả chỉ thừa nhận mình là một học trò thực hành lời Phật dạy, cũng là điều bình thường nhưng đám đông lại tâm niệm là thiêng liêng và dốc lòng kính bái, ngưỡng vọng. Những hình ảnh chụp xa, từ phía sau, ghi lại cảnh hành giả đơn độc trên con đường dài với áo cà sa chắp vá như là một bức tranh lập thể cũng phảng phất cái gì đó huyền ảo và thần kỳ nhưng lại khiến những con người, với những kinh nghiệm khác nhau hay những cứu cánh khác nhau, nhận ra những hiện thực khác nhau, đến độ mâu thuẫn, xung đột. Nhà cai trị hay xem đó như là mầm mống của sự bất ổn trong khi người bình dân lại xem như là cánh cửa cho sự cứu rỗi. Người tử tế kêu gào hãy để yên trong khi đám buôn chuyến truyền thông chen lấn như thể giành hàng. Chúng ta cảm nhận thực tại đó một cách khác nhau, mâu thuẫn nhau. Và chúng ta có thể soi rọi mình từ hai phía khác hẳn nhau, con mắt của một nhà văn cận Bắc cực vào cuối thế kỷ 19 đến cái nhìn một nhà văn xích đạo của nửa sau thế kỷ 20. 

Nếu đất nước, từ góc nhìn Chekhov, đang trở thành một thứ Phòng 6 vĩ đại thì, cơ sự, là do đám “ủy viên” đang cố thủ trong một thứ Phòng 6 bên trong Phòng 6 – hay nói bằng ngôn ngữ toán học là Phòng 6 bậc II – như những con bệnh siêu bách hại cuồng và hành xử như thể đám “đại tá” ở Châu Mỹ La Tinh ngày trước.

Đám đại tá ấy nơm nớp rình rập nhau với những toan tính đảo chính và phản đảo chính thì những “ủy viên” của chúng ta cũng chỉ có thế. Ngày hôm nay, nếu sống trọn vẹn với lương tâm của mình, ai ai cũng ngay ngáy cái cảm giác “đang bị theo dõi” và “sắp bị bắt rồi” thì ấy là do đám “ủy viên” nơm nớp với nỗi lo “đang bị chỉ trích” và “sắp bị vạch mặt rồi”. Từ Phòng 6 bậc II – họ phát triển những chiến thuật “phản chỉ trích” và “phản vạch mặt” để những người như Nguyễn Tuân phải sợ, như Nguyễn Huy Tưởng phải “lầm lỳ, đăm chiêu, ít nói”, để Ngô Tất Tố phải sụt sùi “Làm người khó lắm, bác ạ” và để, giữa những ngày này, câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm sốt lên như một hiện tượng.

Như cái tên Trăm năm cô đơn, bi kịch xuất phát từ sự cô đơn, từ tình trạng biệt lập của những con người đang sống chung với nhau. Gia tộc Buendía, dưới ngòi bút của Márquez, xuyên suốt 7 thế hệ vẫn chỉ là một nhúm rời rạc những con người cô đơn cùng sống với nhau như những người lạ trong cùng một căn nhà. Đó là nơi mà một bà mẹ thề trước Thượng Đế là sẽ giết gã con trai mang lon đại tá bằng chính đôi tay mình, và, thậm chí, còn nguyền rủa con mình như một thứ quái thai đuôi lợn. [9] Mà những “ủy viên” kia cũng chẳng khá hơn gì. Dẫu cùng thề thốt dưới một “mái nhà” lý tưởng hay ý thức hệ, họ vẫn là những thực thể biệt lập, không chỉ xem nhau như những người dưng mà, thậm chí, như thực tế đã cho thấy, luôn chờ chực cơ hội để dìm nhau như những kẻ thù. Và nếu, trong Trăm năm cô đơn, dòng họ Buendía bị trì trệ mãi là bởi thế hệ sau không thể thoát khỏi lề lối hành xử của thế hệ trước thì cái “gia tộc” của những “ủy viên” kia cũng vậy. Cũng bị kẹt cứng trong cái bẫy ý thức hệ, kẹt cứng trong chính lịch sử hình thành nên nó: thoái khỏi cái bẫy thì có nghĩa là phủ định chính mình.

Nhưng đó, liệu, có thực là magical realism hay không? Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ hướng đến việc tái tạo hiện thực từ cái nhìn của những người cũng sống trong thế giới này nhưng trải nghiệm một thực tại rất khác. Nếu nhà văn hiện thực thần kỳ tạo nên một vị thần hay một con ma thì đó không phải là điều huyễn tưởng hay phi thực mà là một thực chứng của đời sống bởi ở đó có bao nhiêu người tin là có thần, có ma, và, hơn thế nữa, đã trải qua những “kinh nghiệm” nào đó về sự chứng độ của thần linh hay sự quấy nhiễu của ma. Như thế thì, rõ ràng, sự khác biệt thể hiện ở chỗ là, một bên những cây bút hiện thực thần kỳ có thể tái tạo nên những hiện thực có ma; còn cái thực tại chúng ta đang đối mặt thì được tạo nên bởi những nhà chính trị như… ma. 

Đó là cái thực tại khiến câu thơ cũ của Hoàng Nhuận Cầm sốt lên, say những vụ mất tích giữa ban ngày. Nếu ma kỵ ánh sáng, chỉ hành động trong bóng tối thì, có mâu thuẫn hay chăng, khi những người Việt yêu nước và tôn trọng lẽ phải đều đều bị quấy nhiễu hay bị “ma giấu” ngay giữa ban ngày, ở đầu đường hay ở xó chợ?

Có lẽ chẳng có gì mâu thuẫn cả bởi, nếu chỉ đạo, chỉ huy là những con bệnh bách hại cuồng hạng nặng, những “ủy viên” nấp trong bóng tối của Phòng 6 bậc II thì, thực hiện mệnh lệnh chúng, chỉ là một đám đầu đường, xó chợ, thứ hạng tốt thí, lăng xăng như một đám âm binh không cảm xúc. 

Bọn này luôn làm tôi nghĩ đến cái cuộc đời khốn nạn của Đại tá Aureliano Buendía, nhân vật thuộc thế hệ thứ hai của gia đình Buendía, kẻ đã phát động 32 cuộc chiến và thất bại cả 32 lần, đã sống sót qua 14 mưu toan ám sát, 73 trận phục kích và một lần bị trói vào cọc bắn ở pháp trường. Cả một đời sôi nổi là thế nhưng, với đại tá, giây phút hạnh phúc nhất đời mình bao giờ cũng nằm ở thì quá khứ, khi còn là một cậu bé được cha dắt đi xem nước đá hay dắt ra tiệm để chơi với lũ cá vàng nuôi trong bể.

Tôi nghĩ thế vì chúng, chính chúng, đã không cho bất cứ người Việt Nam với một tổ quốc trong tim và một chút trí tuệ trong đầu được thảnh thơi và an lòng như những con người hạnh phúc. Sống giữa cái thực tại mà chúng tạo ra này mà muốn tìm thấy một phút giây như thế thì chỉ có thể lui về với thời hãy còn là trẻ con, hoàn toàn vô tư lự.

Nguyễn Hoàng Văn 

———————–

Chú thích và tài liệu tham khảo:

  1. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác, tác giả bài “Ngày về” nổi tiếng. Khi ca khúc này được Đài truyền hình Sài Gòn thời VNCH sử dụng làm nhạc chủ để cho chương trình “chiêu hồi” thì ở Hà Nội Hoàng Giác gặp khó, bị công an Hà Nội gọi lên tra khảo cả chục lần, thậm chí công an còn cho ông là CIA nằm vùng, gia đình luôn sống trong tâm trạng “sắp bị bắt”.

https://www.trieuxuan.vn/%E2%80%9Cvo-cung%E2%80%9D-cua-hoang-nhuan-cam-va-loi-binh-cua-tran-manh-hao

  1.  Có thể xem bản tiếng Việt của Cao Xuân Hạo tại địa chỉ:

https://vietmessenger.com/books/?title=truyen%20ngan%20chekhov&page=30

Hoặc bản tiếng Anh tại:

https://nmi.org/wp-content/uploads/2015/01/1332.pdf

3. Tôi thuật lại chi tiết này theo trí nhớ. 

4. Tô Hoài (1992 ) Cát bụi chân ai, NXB Hội nhà văn , trang 41

5. Tô Hoài, sđd, trang 69.

6. Ngô Tất Tố mất năm 1954 tại, theo họa sĩ Nguyễn Thị Hiền – con gái nhà văn Kim Lân – thì ông đã tuyệt thực đến chết (12 ngày) để phản đối Cải cách ruộng đất. Tuy nhiên con gái ông, bà Ngô Thị Thanh Lịch, bác bỏ việc này.

7. “It’s as if time had turned around and we were back at the beginning.” 

Gabriel García Márquez (2014) One Hunderd years of solitude, Penguin Book, trang 199.

Bản Anh ngữ của Gregory Barassa.

8. Márquez, sđd, trang 333, 68

9. Márquez, sđd, trang 173 – 174

 “I swear to you before God that I will drag you out from wherever you’re hiding and kill you with my own two hands….. It’s the same as if you’d been born with the tail of a pig.”