Nguyễn Hoàng Văn: Quân đội Trung Quốc sẽ man rợ hơn Quân Nhật?
Biển Đông hiện như một thùng thuốc súng và, liệu nếu xung đột bùng ra, chúng ta có phải đối phó với một quân đội Trung Quốc man rợ mà, so với quân đội Thiên hoàng Nhật trong Thế chiến thứ hai, chỉ có thể hơn chứ khó mà bằng, đừng nói chuyện thua?
Như có thể thấy từ tin tức thời sự, cảnh lính Trung Quốc vác mã tấu xông lên tàu tiếp tế của Philippines chém phá trông man rợ có khác nào quân cướp biển từ tận hai, ba thế kỷ trước? [1] Rồi cảnh chúng – từ chính quy đến dân quân biển, thậm chí cả ngư dân – trấn lột, cướp phá, hành hung và bắt cóc các ngư phủ Việt Nam từ hơn ba thập niên qua cũng thế, cũng chính hiệu là nòi cướp biển.
Suy tưởng này có thể chủ quan và cảm tính nhưng, qua những sử liệu xác thực mà nhà nhân chủng học Robert B. Edgerton nêu ra trong Warriors of the Rising Sun – A History of the Japanese Military, chúng ta sẽ nhận ra rằng đó cũng chính là cảm quan của logic, khoa học. [2]
Thì quân Nhật đã vô cùng man rợ trong Thế chiến thứ hai nhưng vấn đề là trước đó họ chưa từng như thế. Mà nếu sự băng hoại này là sản phẩm của hơn hai thập niên tuyên truyền và gò ép của chính quyền quân phiệt Nhật thì sự man rợ của lính Tàu – như Nguyễn Trãi từng viết trong Bình Ngô đại cáo vào thế kỷ 15, “Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán” – lại có một truyền thống lâu đời.
Từ mấy ngàn năm trước Trung Quốc chẳng đã phi nhân hóa những dân tộc sống bên ngoài cương thổ của mình khi luôn xem là “man di” hay sao? Mà, với chính đồng bào mình, thậm chí cả những đồng chí từng vào sinh ra tử với mình, ngay trong kỷ nguyên hiện đại, họ đã vô cùng man rợ như có thể thấy qua các cảnh đấu tố và đày đọa trong Cách mạng Văn hóa. Sinh trưởng trong một khí quyển văn hóa – chính trị như thế, lại bị nhồi sọ và tuyên truyền từ khi còn học mẫu giáo, chúng ta hoàn toàn có lý do để lo sợ, dè chừng đội quân ấy trong cuộc chiến nay mai..
Nhưng đầu tiên là sự tàn bạo của lính Nhật, trong Thế chiến thứ hai. Nếu tù binh trong các trại tù của Phát xít Đức hay Ý thiệt mạng chừng 4% thì, với quân Nhật, con số lên đến 28% và, nếu may mắn sống sót thì – như có thể thấy qua hình ảnh những tù binh Anh, Úc, Mỹ – đều tàn tạ như những bộ xương cách trí. Thậm chí, ở Singapore, tù binh gốc Sikh trong quân đội Anh đã bị mang ra làm những tấm bia sống trong các buổi huấn luyện tác xạ trong khi tù nhân Trung Hoa thì bị sử dụng để rèn giũa ngón nghề đâm lê. [3]
Thế nhưng vấn đề là không phải lúc nào người Nhật cũng man rợ mà, trái lại, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã được tiếng là hào hiệp, nhân đạo. Thời đó, khi vươn lên như một cường quốc thì giới ngoại giao và quân sự Nhật đã được tiếng là mã thượng và văn minh qua sự biến Nghĩa Hòa Đoàn (1899–1901) và cuộc chiến Nga – Nhật (1904–1905). [3]
Kể ra thì trước đó, trong cuộc chiến Thanh – Nhật (1894 –1895) quân Nhật đã bị tố cáo là man rợ với sự biến “Lữ Thuận đại đồ sát” tại cảng Lữ Thuận (Port Arthur) vào hạ tuần tháng 11 năm 1894, theo đó chỉ trong vòng ba ngày, lính Nhật đã tàn sát từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn quân dân Trung Quốc. Tin này, do phóng viên James Creelman người Canada tường thuật đầu tiên trên tờ New York World, đã làm hoen ố hình ảnh Nhật, khiến Mỹ ra lệnh điều tra và trở thành đề tài tranh cãi trong nhiều năm liền, liên quan đến con số nạn nhân thực sự.
Cố thủ trong những pháo đài xây dựng theo kiểu Đức, quân Thanh lại phòng thủ như thể những thế lực cát cứ man rợ của mấy ngàn năm trước. Họ treo tiền thưởng cho những ai nộp xác lính Nhật. Họ treo ngược những tử thi ấy trên những hàng cây long não mọc đầy phố cảng. Và họ “trang trí” lối vào thành phố bằng những hàng cọc nhọn bêu thủ cấp lính Nhật bê bết máu mà, từ xa, bên kia chiến tuyến, có thể quan sát bằng ống nhòm. Bởi vậy, sau khi đè bẹp lực lượng phòng thủ ngày 21/11/1984, quân Nhật đã nổi điên lên mà dùng sự man rợ đáp trả sự man rợ. Những báo cáo về mức độ thương vong thì đầy mâu thuẫn và, theo Edgerton, thì đó là lần duy nhất lính Nhật thể hiện sự tàn bạo nhưng, sau đó, những tù binh sống sót vẫn thừa nhận là được quân Nhật đối xử tử tế, theo đúng Công ước Geneva về tù binh. [4]
Bốn năm sau đó, trong biến cố Nghĩa Hòa Đoàn, người Nhật lại đứng ra bảo vệ tín đồ Thiên Chúa Giáo gốc Hoa. Những nạn nhân này bị các thành phần bài ngoại của triều đình nấp danh Nghĩa Hòa Đoàn để tàn sát và, khi chạy đến tô giới của các nước Âu châu, cũng cùng niềm tin Thiên Chúa giáo, họ đã bị quay lưng một cách phũ phàng, trừ Nhật. Chỉ có người Nhật đứng ra bảo vệ họ, dù không cùng chia sẻ một niềm tin. [5]
Trong khi các nhà ngoại giao bảo vệ các giáo dân thì, trong “bát quốc liên quân”, lính Nhật lại chứng tỏ sự quả cảm và kỷ luật, chiến đấu gan dạ nhất mà cũng tự chế nhất, không bắn giết, cướp phá bừa bãi. Khi trả đũa Triều đình Mãn Thanh vì tội dung dưỡng, lạm dụng Nghĩa Hòa Đoàn để chống lại mình, nhiều đơn vị của liên quân đã, nhân đó, cướp bóc và hãm hiếp và, trong số này, kỷ luật nhất, nghiêm minh nhất, là quân đội Nhật, cùng với quân đội Anh, Mỹ. [6]
Đến Chiến tranh Nga – Nhật (2/1904–9/1905) nhằm giành quyền kiểm soát Mãn Châu và Triều Tiên, Nhật đã làm thế giới sửng sốt khi, lần đầu tiên, một nước Á châu đánh bại một cường quốc Tây phương nhưng họ còn làm Tây phương sửng sốt qua cách ứng xử văn minh với đối thủ. Đó là khi quân Nhật tiến vào cảng Lữ Thuận, Tư lệnh Nogi Maresuke đã không cho phép kéo cờ chiến thắng mà đợi khi quân Nga rút hết khỏi thành phố cảng này, bằng xe lửa. [7]
Giữa chiến trường, trong điều kiện sống tồi tệ và trong sự căng thẳng tâm lý tột cùng, lại chứng kiến cảnh đồng đội thi nhau gục xuống, bên nào cũng dễ bị kích động và say máu trả thù. Nếu đó là phản ứng nóng của chiến trận thì, ở đây, trò trả thù nguội khi chiến trận đã kết thúc chỉ diễn ra từ phía Nga và, nếu có những câu chuyện đó đây về sự tàn bạo của quân Nhật, kết quả điều tra của các nhà báo Tây phương đều dẫn đến kết luận là vô căn cứ. Hơn thế nữa, lúc đó báo chí Tây phương đã ghi nhận là lính Nhật đã đối xử tử tế với thương binh Nga, với tử thi của lính Nga và có thể xem là hình mẫu mà Tây phương có thể học theo. [8]
Nhưng ba thập niên sau đó thì toàn bộ những điều này đã thay đổi mà, để hiểu rõ, cần nhìn vào bối cảnh ngày đó.
Nhật trở thành cường quốc vào đầu thế kỷ 20, hoàn toàn không đúng lúc, quá muộn mà cũng quá sớm. Muộn bởi, như một nước chật hẹp, ít ỏi tài nguyên, không đủ sức tự nuôi mình, Nhật không thể lùi lại hai thế kỷ để “mở rộng không gian sinh tồn” bằng chủ nghĩa thực dân như các quốc gia Âu châu vào thế kỷ 18. Nhưng lại quá sớm bởi kỹ nghệ điện tử vẫn chưa hình thành để giúp Nhật sinh tồn phát triển bằng trí tuệ và kỹ năng như đã thấy vào thập niên 1970. Lúc đó, sự túng bấn tài nguyên cộng với và sự đắc thắng về quân sự qua chiến thắng vang dội trước hai cường quốc đã nuôi dưỡng nên chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc quân phiệt.
Nhật từng thán phục và học theo Trung Hoa. Khi đế quốc này bị thực dân xâu xé thì Nhật xem thường rồi, đến lúc tự tay đánh bại, càng khinh hơn. Sau cuộc chiến với nhà Thanh, Nhật gạt bỏ toàn bộ những bài học về văn minh Trung Hoa ra khỏi chương trình giáo dục và, thay vào đó, là tinh thần dân tộc và ưu thế quân sự của Nhật so với Trung Hoa. Rồi chiến thắng trước Nga khiến Nhật xem thường Tây phương để, trong khi ráo riết học hỏi kỹ thuật từ Tây phương, lại tỏ thái độ rẻ rúng, xem Tây phương là thối nát, yếu mềm, dễ mua chuộc. [9]
Nhưng Mỹ không chấp nhận hành vi thực dân, buộc Nhật phải trả vùng Mãn Châu cho Trung Quốc khiến giới cực hữu Nhật sôi lên với khuynh hướng bài Tây phương. Theo họ, Nhật đã bị kỳ thị. Theo họ, Tây phương không bao giờ công nhận vị thế cường quốc của một nước da màu. Và, theo họ, con đường duy nhất là phải tự cường về quân sự để có thể “mở rộng không gian sinh tồn” và, thế là, từ đầu thập niên 1930, nước Nhật đã biến thành một trại lính khổng lồ. Lúc này thì toàn bộ trẻ em Nhật, trong chương trình cưỡng bức giáo dục kéo dài 6 năm cho bậc tiểu học, đều bị huấn nhục để trở thành những chiến binh với 400 giờ quân sự nghiêm nhặt, ở đó những học sinh yếu đuối, không đủ phẩm chất của người lính tương lai, sẽ bị hành hạ và sỉ nhục không nương tay. [10]
Trường học đã vậy thì các trại lính còn cứng rắn và khắc nghiệt như thế nào? Chưa kể tác động của hệ thống truyền thông một chiều, bị kiểm duyệt gắt gao nên, hệ quả, đến đầu thập niên 1940, thế giới lại chứng kiến một đội quân Thiên hoàng tàn bạo và man rợ, chỉ biết có lệnh trên, phải chiến thắng, thất bại là chết.
Chỉ có đầu tư đâu một thập niên để tuyên truyền và huấn nhục mà Chủ nghĩa quân phiệt Nhật đã xây dựng nên một đạo quân man rợ đến như vậy thì đội quân bành trướng kia, với một lịch sử lâu dài như thế, với chính sách kiểm soát và nhồi nhét tư tưởng lớp lang như thế, sẽ còn man rợ đến nhường nào khi nhân danh sự sống còn của mình với những “lợi ích cốt lõi”?
Chính vì “lợi ích” đó mà, tháng Bảy năm 2010, Dương Khiết Trì, nguyên Ngoại trưởng Trung Quốc, huỵch toẹt tuyên bố trong hội nghị của ASEAN tại Hà Nội rằng “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế” và, sự trịch thượng này, xét cho cùng, cũng chỉ là bước đi tiếp tục của truyền thống “phi nhân hóa” láng giềng, xem là man di, mọi rợ. [11] Mà đó cũng không phải là chuyện cá nhân, đơn lẻ bởi, chưa đầy ba năm sau, tháng 12 năm 2013, nguyên Ngoại trưởng Vương Nghị lại hành xử thô bạo khi gặp nguyên Ngoại trưởng Úc Julie Bishop mà, theo một nhà ngoại giao Úc, là hành vi “thô lỗ” ông ta được chứng kiến lần đầu sau 30 năm hành nghề. [12]
Sự hách dịch của Trì, Nghị này có khác gì cái cảnh hách dịch của “sứ ngụy” mà Trần Hưng Đạo từng ghi lại trong Hịch tướng sĩ vào thế kỷ 13: “đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình”? Nếu những kẻ được đào tạo và trả lương để làm những nhà ngoại giao lịch lãm và mềm mỏng mà có thể thô bạo đến thế thì, với những kẻ được đào tạo và trả lương để bắn giết, có gì mà chúng “không thể” trong cái nghề của mình?
Viết về đạo quân ấy, vào thế kỷ 15, Nguyễn Trãi đã diễn tả là “Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán” và, đến bây giờ, vẫn là cái sự tham lam “bấy no nê chưa chán” ấy. Đã chai mặt “há miệng” đòi dây máu ở Bắc cực, còn “nhe răng” đòi chia phần ở Nam cực thì, có thứ gì mà chúng không làm với cái gọi là “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông, cũng là không gian sinh tồn của dân tộc chúng ta?
Nghĩa là chúng ta, như một dân tộc, phải sáng suốt trong mọi quan hệ và phải sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất!
Nguyễn Hoàng Văn
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của DĐTK.
——————
Tham khảo:
1. Troubled Waters, chương trình Four Corners của Đài truyền hình quốc gia Úc (ABC):
2. Robert B. Edgerton, (1997) Warriors of the rising Sun – A history of the Japanese Millitary, W.W Norton & Company Inc, New York.
3. Edgerton, sđd, trang 14
Theo Edgerton thì những tường thuật về biến động Nghĩa Hòa Đoàn (Boxer uprising) trước đây đều phiến diện, một chiều, phải đợi đến những nghiên cứu từ thập niên 1990. Như vậy những gì trình bày trong sử sách Việt Nam đều không đầy đủ.
4. Edgerton, sđd, trang 48
5. Edgerton, sđd, trang 66
6. Edgerton, sđd, trang 17
7. Edgerton, sđd, trang 176
8. Edgerton, sđd, trang 320
9. Edgerton, sđd trang 306.
10. Edgerton, sđd trang 308.
11. https://www.hoover.org/research/beijings–view–world12. https://www.smh.com.au/politics/federal/chinas–rebuke–of–julie–bishop–rudest–conduct–seen–in–30–years–says–senior–foreign–affairs–official–20140227–33jid.html