Nguyễn Hoàng Văn: “Siêu cường quốc tin đồn”?

“Tứ trụ” nay chỉ còn “nhị trụ”. Tin đồn về việc ông Cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, ông cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức đã xuất hiện khá lâu trước khi nhà nước Việt Nam chính thức công bố các thông tin này. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử chính phủ.

Chỉ với mớ mũ miện hoa hậu thượng vàng hạ cám mà, đó đây, đã có người phởn lên với niềm tự hào “cường quốc sắc đẹp” thì, sau ít nhất hai thập niên sống với những tin đồn chính trị vô cùng chính xác, họ có thể nào phởn tiếp tới một tầng bậc cao hơn như là “siêu cường quốc tin đồn”?

Chưa thấy đất nào có cảnh ngồi lê chính trị… hay như thể đất ta. Những tin đồn dồn dập mà chính xác như đo, như đếm. Đồn Nguyễn Bá Thanh đi xa chữa bệnh độc là, sau đó, Thanh tàn tạ trở về. Đồn Nguyễn Tấn Dũng xuống là Dũng “xin làm người lương thiện”. Đồn Trần Đại Quang ngã ốm đáng ngờ là, quả nhiên, Quang mờ ám… băng hà. Rồi Đinh Thế Huynh, Đinh La Thăng, Trần Tuấn Anh, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ với những vinh những nhục tiếp nối sau những tin đồn. Đồn lên là lên. Đồn tù là tù. Mà bảo “hạ cánh an toàn” thì, nhất định, sẽ được “trung ương đồng ý cho thôi chức”.

Cơ hồ, càng nôn nao sự thay đổi bao nhiêu, chúng ta càng phải sống chung với tin đồn bấy nhiêu nhưng chưa bao giờ chúng xác thực như bây giờ, chỉ toàn tin nhảm. Năm 1977 vẫn còn hụt hẫng, là năm mà Phạm Duy, vì quá xúc động khi hát “Sài Gòn ơi vĩnh biệt”, đã “trụy tim chết đứng trên sân khấu” rồi, khoảng mười năm sau đó, lại đến lượt Khánh Ly “qua đời, viết di chúc để lại Trịnh Công Sơn hai trăm nghìn đô la”. Vân vân, kể sao cho hết và ai đã nhét nhạc Nam Lộc vào tay Phạm Duy rồi giết tươi, tại chỗ? Ai đã thảo di chúc cho Khánh Ly rồi cho Trịnh Công Sơn đi tàu bay giấy? Thật là khó truy tìm nhưng, với những tin đồn có dụng ý chính trị, chúng ta cũng có thể dò ra những đầu mối mong manh.

Tôi vượt biển năm 1989 và, vừa ra đến hải phận quốc tế, mới tươi tỉnh sau cơn say sóng, đã nghe những người thể trạng mạnh mẽ râm ran chuyện tương lai mà, trong đó, sảng khoái nhất, là một cựu sĩ quan xuất thân trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Ông say sưa với viễn ảnh sang Mỹ truy lãnh tiền lương 14 năm qua, thứ tin đồn tôi đã từng nghe qua nhưng, lúc này, còn khởi sắc thêm với “biến tấu Đà Lạt”, theo đó một cựu sinh viên sĩ quan như mình sẽ có thêm đâu khoảng năm mươi nghìn đô la từ quỹ hưu bổng của trường. Nhưng rồi thì ông vỡ mộng và, trong cảnh tỵ nạn tháng rộng ngày dài, đã suy gẫm tới kỳ cùng rồi kết luận rằng những tin đồn như thế, rất có thể, là sản phẩm của… tuyên giáo, công an. Họ cần phải làm vậy để, may ra, không nhiều thì ít, những thành phần khiến họ bất an sẽ phần nào… an phận, không lăm lăm mưu đồ việc quốc sự.

Nghĩa là một thứ tin đồn… tâm lý chiến.. Mà cả trong truyền thuyết lịch sử cha ông chúng ta cũng đã từng chơi cái trò tâm lý chiến này rồi, như Nguyễn Trãi chẳng hạn. Khi dùng mỡ viết trên lá rừng mấy chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” cho kiến đục, nhà chiến lược này không cốt ý tạo ra một tin đồn chính trị là gì? Nếu đây chỉ là truyền thuyết thì trong chính sử, như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên của nhà Nguyễn, các vị Chúa Đàng Trong đã bao phen phao tin đồn cho việc chính sự và quân bị trong cuộc đối đầu với nhà Trịnh? Như cuộc chiến năm 1672. Để chống lại binh lực áp đảo của Trịnh Tùng, Đào Duy Từ — quân sư của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên — đã vừa nghi binh, vừa phao tin Đàng Trong không chỉ có khí giới mà có cả binh lính Bồ Đào Nha tham chiến; rồi còn phao thêm tin Trịnh Gia và Trịnh Nhạc đang tạo phản ở Đàng Ngoài khiến Trịnh Tùng lo sợ, lập tức lui binh.

Bài bản hơn thì có Edward Landsdale, chuyên gia chống nổi dậy của Mỹ, nguyên mẫu của nhân vật chính trong The Quiet American của Graham Green. Đến Việt Nam năm 1953 trong vai trò cố vấn phản du kích chiến, Landsdale đã tổ chức một đơn vị vũ trang bằng… lưỡi, trà trộn khắp nơi rỉ tai những tin đồn khiến đối phương hoang mang, rối loạn. Năm 1954, năm của Hiệp định Geneve, giữa lúc người miền Bắc phân vân việc có nên bỏ mồ mả cha ông để di cư vào Nam hay không, Landsdale tung ra hàng loạt “tin tức” khiến họ dứt khoát hơn và, con số ghi danh di cư, chỉ trong một thời gian ngắn, đã tăng vọt gấp ba.

Như tin “một sư đoàn Trung Cộng áp sát biên giới”. Biết người Bắc ghét quân Trung Quốc, Landsdale tin rằng nó sẽ khiến dân tình nhốn nháo nhưng điều ông ta không ngờ là cả sếp lớn của mình, ở tận Washington, cũng nhốn nháo theo. Vì quá hăng hái, đội quân của Landsdale đã đi xa, biến “một sư đoàn áp sát” thành “ba sư đoàn vượt qua” khiến Washington – từ báo cáo của mạng lưới thu thập tình báo khác tại Việt Nam– phải báo động, khẩn cấp yêu cầu Tòa Đại sứ ở Sài Gòn kiểm chứng để, cuối cùng, đến tay… Landsdale. Và khi Landsdale giải thích cơ sự thì những bậc bề trên ở Washington nổi quạu, bảo là họ không ưa gì cái trò này. [1]

Thì cũng dễ hiểu thôi. Họ quạu là phải bởi đã bị mất mặt quá thể khi mà, đường đường là sếp lớn, lại khù khờ tưởng tin giả do quân mình bịa ra là thật. Cũng giống như cái cảnh ê mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn hai năm trước khi ngây ngô chuyện giả-thật với cuộc chiến Ukraine do tình báo của y quá kém.

Cuộc chiến bùng nổ ngày 24/2/2022 nhưng, bất kể tình báo Mỹ khuyến cáo trước đó hơn cả tuần lễ, nó chỉ được cộng đồng quốc tế xem như là “tin đồn” để Trung Quốc, đang cay nước Mỹ, nhảy choi choi lên mắng. Mắng là Mỹ “gắp lửa bỏ tay người”, với Nga. Mắng là Mỹ “làm phức tạp tình hình”, là “phá hoại sự ổn định khu vực” để rồi bị chính Nga chứng minh ngược lại, khiến Tập lâm cảnh nghẹn họng, không nói nên lời. Tập nghẹn vì tình báo của y quá tệ, nó mà khá thì chính quyền y đâu có phản đối vô duyên, nếu không nói là phản đối ngu? Và Tập còn nghẹn bởi Putin đã xem y không ra cái thá gì, tiến hành một cuộc chiến làm cả thế giới chấn động mà không thèm báo cho một tiếng!

Nếu nước Mỹ, qua câu chuyện trên, thực sự là một siêu cường về thông tin chính trị thì cái bộ máy quyền lực giỏi việc ngồi lê trên đất nước chúng ta có đáng mặt hay không? 

Câu trả lời, chắc chắn, là không bởi ý niệm “siêu cường” chỉ thực sự có nghĩa trong mối quan hệ tương liên giữa các quốc gia, không hề là trò tự diễn ở xó bếp hay giữa cái ao nhà. Mà khi đầu tư tài nguyên vào việc dự báo những chuyện ở tận điện Kremlin, nước Mỹ cũng chỉ nhắm đến viêc bảo vệ cái trật tự toàn cầu đang nuôi dưỡng sự ổn định và thịnh vượng của mình. Còn cái bộ máy quyền lực kia thì chưa bao giờ dự đoán nổi những mưu mô xâm phạm quyền lợi đất nước. Chưa nói những việc vĩ mô, cả chuyện kinh tế vi mô như hàng hóa, giá cả và sức tiêu thụ thôi mà cũng hoàn toàn đui điếc, không thể nào chủ động kiểm soát và dự báo, để mặc người dân bất lực trong sự thao túng của giới con buôn Trung Quốc, suốt mấy thập niên.

Như thế, cái “công nghiệp tin đồn chính trị” của nó càng xuất sắc bao nhiêu, hệ quả càng mỉa mai bấy nhiêu Những tài nguyên lẽ ra phải đầu tư vào nỗ lực bảo vệ nhân dân và đất nước bị phung phí vào việc triệt hạ nhau thì đất nước chỉ có thể thêm phần kiệt quệ và chia rẽ. Nhưng để hiểu cái mô thức vận hành của thứ “công nghiệp” này thì, có lẽ, cũng nên nhìn lại lịch sử của công nghiệp thế giới, với cuộc cách mạng góp phần làm nên siêu cường Mỹ và thay đổi cả nhân loại. 

Từ một thuộc địa nông nghiệp, nước Mỹ đã vươn lên vị trí siêu cường qua nhiều bước ngoặc mà, một trong những bước ý nghĩa nhất, là dây chuyền lắp ráp mà nhà tài phiệt Henry Ford hình dung từ cảnh rã thịt bò. Hình ảnh xác con bò lủng lẳng dưới cái móc sắt di chuyển bằng hệ thống ròng rọc treo với hai bên là những nhân công mỗi người mỗi việc, cắt xẻ từng phần cho đến khi chỉ còn trơ lại bộ xương đã gợi hứng để Ford sáng tạo nên mô hình ngược lại, cho chiếc xe hơi. Bắt đầu từ cái khung gầm như “bộ xương”, di chuyển trên băng chuyền với hai hàng công nhân mỗi người mỗi việc, tuần tự đắp đổi từng bộ phận cho đến khi trở thành một chiếc xe hoàn chỉnh. Đây chính là cuộc Cách Mạng Công nghiệp Thứ Nhất, với sức ảnh hưởng toàn cầu, làm thay đổi cả thế giới.

Trong cái “công nghiệp tin đồn” hiện tại thì những kingmaker trên đất nước chúng ta đã áp dụng cả hai quy trình vào một, song song mà trái ngược nhau. Để có một “tin đồn” chính xác về sự hạ bệ của một nhà lãnh đạo thì phải từng bước “xẻ thịt” y, cả tiếng lẫn miếng. Đó là lột mặt y qua việc thổi tan những sương mù huyền thoại, là cắt bỏ nguồn kinh tài sân sau, là vặt bỏ những đồng minh thân cận với những bằng chứng tham nhũng để đẩy y vào tình trạng bị bao vây, chẳng còn chọn lựa nào khác ngoài việc đầu hàng, rút lui. Nhưng hạ bệ một người là để đưa người của mình lên, do đó, còn có một tiến trình lắp ráp khác, tạo tiếng và tạo miếng, với những huyền thoại mù mờ và những quan hệ sân sau. Cũng như lắp ráp một chiếc xe hơi, nhà lãnh đạo nào cũng bắt đầu từ một “khung gầm” mẫu như là một cán bộ “được đào tạo cơ bản, kinh qua nhiều chức vụ quan trọng”, dần dà bồi đắp với những huyền thoại tô vẽ cho trí thông minh, nhân cách, năng lực và tầm nhìn khác người v.v.. để, khi cần hạ bệ, sẽ tuần tự làm điều ngược lại như rã thịt một con bò. Nhưng như thế thì dẫu có thay bao nhiêu lãnh tụ, thể chế vẫn không khác. Nó không bao giờ tạo nên một bước ngoặc để đi lên. Nó chỉ lòng vòng thay thế giữa phe bị lộ và phe chưa bị.

Mặt khác, nếu xưa, khi tạo nên tin đồn “Lê Lợi vi quân…”, Nguyễn Trãi đã nhắm đến việc “định hướng chính trị” cho công chúng thì, bây giờ, khi tung ra những tin đồn lên xuống, những kingmaker kia cũng làm đúng việc này. Nhưng dẫu là làm đúng như nhau, mục đích lại cực kỳ khác nhau bởi Nguyễn Trãi “đồn” là để người Việt tập hợp lại thành một nhằm chống lại kẻ thù chung; còn những kingmaker này thì, ngược lại, chỉ có thể cắt xẻ đất nước ra làm nhiều “Việt Nam” khác nhau, đúng theo ý muốn của kẻ thù.

Đó cũng là thủ đoạn của Thực dân Pháp trong mưu đồ xóa sổ dân tộc, biến đất ta thành đất Pháp. Chúng cắt xẻ đất nước ra làm ba “kỳ”. Chúng áp dụng ba thể chế chính trị khác nhau và, thậm chí, xem đó chỉ là ba phần khác nhau của “ngũ xứ Đông Dương”, cùng với Miên – Lào. Còn ngày hôm nay, sau những cái giá cực kỳ to lớn, đất nước không còn là một nữa mà là rất nhiều, của phe này, phe nọ. Một Việt Nam của “phe Thanh Nghệ Tĩnh” thì phải khác với một Việt Nam của “phe Cà Mau – Kiên Giang”, rồi còn bao nhiêu phe khác nữa với Tiền Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam v.v. bát nháo còn hơn cả thập nhị sứ quân.

Nhưng có là “một” thì đất nước mới có thể chống chọi lại mưu toan nuốt chửng của gã láng giềng phương Bắc. Mà, trong cuộc đối đầu ấy, những lúc cha ông chúng ta phất cờ đứng dậy như “một” cũng chính là lúc đối thủ ấy xâu xé nhau, biến loạn. Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa khi nhà Hán bị hụt hơi với những xáo trộn sau “loạn Vương Mãn”. Bà Triệu nổi dậy để chống lại nhà Đông Ngô khi Trung Quốc bị xẻ làm ba trong cục diện “Tam Quốc”. Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương xưng vương khi nhà Lương gặp “loạn Hầu Cảnh” còn Mai Hắc Đế thì nổi dậy sau khi nhà Đường trải qua ba thập niên biến loạn với đám hậu duệ “âm thịnh dương suy” bất tài của Võ Tắc Thiên. Và cuối cùng, Khúc Thừa Dụ và Ngô Quyền giành lại và giữ vững nền độc lập khi tên thực dân ấy bước vào thời kỳ “Ngũ đại Thập quốc” (907-979) cực kỳ xáo trộn sau sự sụp đổ của nhà Đường. Mà khi Trung Quốc vượt qua được giai đoạn hỗn loạn này với một nhà Tống hùng mạnh, như là siêu cường của thế giới đương thời, thì tổ tiên chúng ta, với năng lực và tầm nhìn của Lý Thái Tổ, đã tập hợp thành “một” để, dưới thời Lý Nhân Tông, đanh thép khẳng định chủ quyền: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư

Thời đó tổ tiên chúng ta đã chặn đứng cuộc xâm lược tiêu tốn xấp xỉ 14.6 tỷ Mỹ kim của siêu cường ấy, tính theo thời giá hiện tại. [2] Nhưng bây giờ, không cần tưởng tượng đến hậu quả của một cuộc xâm lược với ngân sách đó, chỉ nhìn vào cái cảnh xâu xé nhau và nỗ lực vận động sự bảo hộ của thế lực bên ngoài theo những chuyến bay Hà Nội – Bắc Kinh, tình thế đã thảm hại lắm rồi. Kẻ thù thì chực làm gỏi chúng ta. Còn bộ máy quyền lực trên đất nước chúng ta thì chỉ chực làm gỏi lẫn nhau và, thậm chí, còn gầm gừ tranh nhau những suất bảo hộ từ kẻ muốn làm gỏi tổ quốc mình. 

Những “suất” này, hẳn nhiên, tùy thuộc vào mật ước đổi chát và thực lực của kẻ cầu xin chứ không đơn thuần là dấu hiệu bên ngoài như những chuyến đi sứ bằng máy bay. Nhưng vấn đề chính là tâm lý phụ thuộc của cái bộ máy cai trị “Tuyệt nhiên định phận tại Bắc phương” kia. Nó lạc lõng trước nhân dân. Nó không thể dựa vào ý nguyện của nhân dân. Và nó lại bám vào cái thế lực bị nhân dân xem là kẻ thù. 

Nó phải bám bởi kẻ thù đã vươn xa như một siêu cường còn nó thì chỉ lạch bạch như một đám đầu cơ chính trị với ám ảnh bòn rút tài nguyên và “hạ cánh an toàn” khiến việc chính sự trở nên nhếch nhác như là trò bới móc và ngồi lê. Xưa, cha ông chúng ta nổi dậy giành lại quyền tự chủ khi kẻ thù bị loạn thì, từ ba thập niên nay, kẻ thù ấy đang cười khẩy trước bộ máy quyền lực xao xác, mất phương hướng trên đất nước chúng ta, trong cái loạn lòng vòng chưa từng có trong lịch sử, cái loạn “vi phạm những điều đảng viên không được làm”.

“Việc nước”, do đó, ít nhất từ hai thập niên nay đã vô duyên như một màn tuồng nhai lại ở đó chất “bi” chỉ khiến chúng ta nhếch mép cười chua chát còn chất “hài”, nếu có, chỉ có thể khiến chúng ta muốn khóc, muốn gào thét thật to và, thậm chí, còn muốn nhổ vào mặt, đạo diễn và diễn viên. Nền chính trị quốc gia đã thoái hoá đến nước này thì năng lực sinh tồn của đất nước, mỉa mai thay, có thể đo lường qua những tin đồn. 

Ngày nào mà những tin đồn chính trị thâm cung chính xác như bây giờ, ngày đó đất nước sẽ tiếp tục là con mồi dặt dẹo ngon xơi của tên láng giềng phương Bắc. Chỉ lúc chúng trở nên tầm phào, vớ vẩn và nhảm nhí như những tin đồn kiểu “Phạm Duy chết đứng trên sân khấu” hay “Khánh Ly qua đời để lại Trịnh Công Sơn hai trăm ngàn đô la”, ngày đó đất nước mới có cơ may khá hơn. Và bớt điếm nhục hơn.

Nguyễn Hoàng Văn 

—————–

Tài liệu tham khảo:

1. Landsdale, E.G, (1991), In the Midst of Wars. An American’s Mission to Southeast Asia, Forham University Press. Chương 9: “Assignment: Vietnam”, trang 126 – 153. 

Hồi ký có 20 chương, 8 chương đầu là hoạt động ở Philippines, phần viết về Việt Nam đã được T.L dịch sang tiếng Việt: Tôi làm quân sư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, Văn Học xuất bản năm 1972.

 2. Hoàng Xuân Hãn (2003), Lý Thường Kiệt, Lịch Sử Tông Giáo Ngoại Giao đời Lý, NXB Quân Đội Nhân Dân, trang 254. 

Xuất bản lần đầu năm 1949m tác giả dẫn từ Tống sử, cho biết cuộc xâm lăng của nhà Tống có tốn phí 5.19 triệu lượng vàng. Một lượng (tael) vàng hiện tại (7/5/2024) giá US$ 2811.1