Nguyễn Hoàng Văn: Tả thần và tả thực – chúng tao, chúng mày và chúng ta

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Dân Trí.

Tập Cận Bình tới chơi và, thế là, các nhà truyền thông chính thống nước ta lẳng lặng chuyển mình sang phong thái “tả thần”.

Thần đây không phải là “thần thánh” dẫu rằng Tập đang cố khắc tên mình vào bảng phong thần với tham vọng làm đấng bề trên của Đặng Tiểu Bình và, so với “người cầm lái vĩ đại” Mao Trạch Đông, thì nếu không hơn thì cũng phải bằng, không thể nào thua. [1] Thần đây là “thần sắc” hay “thần khí” nên “tả thần” là cách diễn tả ước lệ, qua loa, không đi sâu vào thực chất, như thể “Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” lúc Nguyễn Du tả Thúy Kiều: rằng hay thì thật là hay nhưng chẳng thể nào hình dung nên một cô Kiều rõ ràng, cụ thể. 

Nó khác với tả thực, như nhìn thấy trước mặt, như khi Nam Cao tả Thị Nở. Qua ngòi bút nhà văn này chúng ta có thể hình dung mồn một cái xấu của Nở; người đàn bà có khuôn mặt “ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài”; có hai má “hóp vào tệ hơn mặt lợn, cái mũi “vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh”; có đôi môi “nứt nở như rạn ra” với “quyết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách” và “những cái răng rất to chìa ra” như để “cân đối thêm cái xấu”. 

Tập chỉ mới chuẩn bị tới thôi, các nhà truyền thông công huân của chúng ta đã lo lắng đoạn tuyệt với chủ nghĩa hiện thực Thị Nở để đi theo chủ nghĩa tượng trưng, hay, bình dân hơn, “chủ nghĩa đại khái”. Nhắm mắt tin theo cách diễn tả chỉ thấy “làn thu thủy” và “nét xuân sơn” của họ thì cái lịch sử sôi động và gai góc trong mối quan hệ giữa hai nước là cái gì đó xa xăm, cứ như là của thời tiền sử, tức lúc… chưa có sử; dù đó là năm 1979, 1988 hay 2014 v.v. Nhưng liệu có mấy người tin được thứ diễn ngôn đóng họp hay mì ăn liền, rập theo công thức với những sáo ngữ chính trị đã thành … sến? 

Trong nhạc, chữ sến thường bị gán cho những bà hát boléro ủ ê tình lỡ theo công thức trong tiết điệu chát chát chát/ chát chum/ chát chum/ chát chùm, kiểu: “Tôi viết lên đây với tất cả chân thành của lòng tôi trao anh/ Ngày nào đã quen nhau, vì chung hướng đời, mình trót trao nhau nụ cười.” [2]. Tập đến thì cũng có ngay những sến ca chính trị nỉ non về cái gọi là “chung hướng đời” kia: “chế độ chính trị tương đồng, lý tưởng niềm tin tương thông, con đường phát triển gần gũi, cùng chung chí hướng, chia sẻ tương lai chung…” [3]

Đó là những lời trong “Tuyên bố chung Việt Nam–Trung Quốc” ngày 13/12/2023, nghĩa là đã lặt lựa kỹ càng nhưng, mỉa mai thay, chỉ chát chùm những sáo ngữ còn ngấy hơn thịt mỡ, ở đó “mối quan hệ hai bên” bao giờ cũng, hoặc là “nâng lên tầm cao mới”, hoặc “đi sâu vào thực chất”, hoặc được “làm sâu sắc hơn” v.v. Đó chỉ là cách tả chỉ để… tả. Đó là cách tả cho có, chẳng nhất thiết để người đọc hiểu và đồng tình nên, do đó, đã hóa mỉa mai. Muốn biết “tầm cao mới” thì phải xác định “tầm cao” hiện tại. Muốn dò ra “thực chất sâu” thì phải nắm cho bằng được cái “thực chất nông cạn” hiện tại. Năm xửa năm xưa – hai mươi, mười lăm hay mười rồi tám, bảy, sáu năm trước – cũng thế. Năm ngoái cũng thế. Năm nay cũng thế. Còn đất nước thì vẫn lẹt đẹt ở địa vị chú lùn và, trong mối quan hệ song phương, lại cứ như tập sự trò xiếc trên dây: rón rén và dáo dác, trông trước và trông sau, vô cùng thảm hại.

Thảm hại đến mức khó mà… tả thực. Khó từ những chặng mốc hay giai đoạn lịch sử cho đến chuyện giao thương thường ngày. Khó từ cuộc chiến biên giới 1979 đến các cuộc gây hấn triền miên trên biển, trên đất. Khó với những sóng gió quá khứ đã phơi bày trong “bạch thư” mang tên Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua xuất bản ngày 4/10/1979 nhằm “vạch trần bộ mặt phản động của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với nước ta trong suốt một thời gian dài”. [4] Và khó với những trò bẩn kinh tế hiện tại, qua những hàng xe tải hay những đống nông sản dồn ứ ở các cửa khẩu biên giới. 

Khó tả thực thì tả thần và đó lại là… nghề của họ, những nhà truyền thông chính thống. Như, mới đây, khi ông chủ tịch nước ra đi. Nếu tả thực thì phải mang chuyện, chỉ để tiêu thụ bộ test nhập cảng “made in Vietnam” siêu lợi nhuận, phải đè mấy chục triệu dân ra ngoáy mũi và khiến hàng vạn người dân lội bộ cả ngàn cây số về cố thủ ở làng quê ư? Mất mặt quá, thôi thì tả thần, tả qua loa, đại khái, rằng ông chủ tịch ra đi là do “trách nhiệm đứng đầu”.

Đó cũng là cách viết sử, khi phải tái hiện những quá khứ há miệng mắc quai, ô nhục, đáng hổ thẹn hay xôi chùa nghẹn họng. Mấy dòng sử viết về cuộc chiến 1979 là gì nếu không phải là thứ sử tả thần? Những dòng về những “sai lầm” hay “hạn chế của lịch sử” như cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp cũng cùng một kiểu chung chung, phơn phớt thoáng qua như thế, nói để lấy thảo, chẳng đề cập cụ thể trách nhiệm của ai. Trò này, thậm chí, còn đi vào một luận án tiến sĩ tại Đại học Cornell ở Mỹ, sau được Đại học Singapore xuất bản thành sách Imagined Ancestries of Vietnamese Communism. Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory, của Christoph Giebel, một sử gia Đức, hiện giảng dạy tại Đại học Washington. [5] 

Một trong những điểm then chốt của công trình biên khảo này là “vụ” ông Tôn Đức Thắng tham gia tổ chức vụ “binh biến Hắc Hải” vào tháng Tư năm 1919 để cứu nước Nga Xô viết non trẻ.

Sách vở chính thống cho biết năm 1919 anh công nhân máy tàu Tôn Đức Thắng bị điều động tới một đơn vị hải quân Pháp có nhiệm vụ tấn công hải cảng Sevastopol ở bán đảo Crime trên bờ Hắc Hải để trấn áp nước Nga Xô Viết mới ra đời; tuy nhiên anh đã tham gia nhóm lãnh đạo vụ binh biến nhằm phản đối chiến tranh, đích thân anh đã kéo lá cờ đỏ lên cột cờ chiến hạm, nhờ đó mà nước Nga xô viết non trẻ thoát qua cơn nguy biến.

Thế nhưng theo Giebel thì đây chỉ là chuyện bốc phét cho sướng mồm, cho oai. Tài liệu lưu trữ của chính phủ Pháp cho thấy rằng, không nói gì là Tôn Đức Thắng, hoàn toàn không có bất cứ một người Việt Nam nào trên bất cứ chiến hạm nào dính líu đến vụ binh biến Hắc Hải. Còn anh thợ máy này thì, thời gian đó, chỉ lanh quanh tại cảng Toulon ở miền Nam nước Pháp, là nơi cũng đầy biến động với cuộc đấu tranh của giới công nhân và thủy thủ Pháp. Vấn đề đặt ra là, phải chăng, khi về nước vào năm sau đó, 1920, anh thợ đã ba hoa với giọng lãnh tụ, thêm mắm thêm muối và biến chuyện chứng kiến ở Toulon thành chuyện ở Sevastopol để lấy oai với những công nhân trẻ?

Điều không ngờ là chuyện lấy oai này lại trở thành… lịch sử và chuyện sướng mồm thời trẻ lại trở thành nỗi khổ tâm của nhà chính trị tầm cỡ quốc gia. Hai mươi lăm năm sau, với sự thành công của Cách mạng tháng Tám, chính quyền non trẻ đã khai thác câu chuyện kể chơi kia là bằng chứng cho chủ nghĩa quốc tế vô sản nhằm tạo nên một dấu nối với Cách mạng tháng Mười của đàn anh cách mạng. Mà để xứng đáng với “vai trò lịch sử” này, anh thợ máy ngày xưa chợt trở thành là thành viên lãnh đạo cuộc binh biến. 

Xem ra ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Xô rồi Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày ấy chính là một phiên bản sống của tuyên truyền xám. Thủ thuật tuyên truyền, theo các chuyên gia tâm lý chiến Mỹ, bao gồm ba hạng trắng, xám, đen. Trắng là thật hoàn toàn. Đen là bịa hoàn toàn, như Lê Văn Tám. Xám là nửa bịa nửa thật mà, ở đây, con người có thật Tôn Đức Thắng được ghép với chuyện “tham gia binh biến” không hề có thật. Chỉ khổ cho một Tôn Đức Thắng tuổi trung niên và tuổi già phải lạch bạch theo lao bởi đã trót phóng lao thời trẻ, nhất là khi các phóng viên Liên Xô khăng khăng đòi tả thực. Đối mặt với các câu hỏi chi ly về vụ binh biến, thành viên lãnh đạo ngày ấy thậm chí không thể tả thần, chỉ biết lãng tránh bằng trí nhớ không hoàn hảo, bảo quên hết, chẳng nhớ gì cả, toàn bộ mọi chi tiết diễn biến, dẫu vẫn chưa già lắm! 

Bây giờ, khi Tập đến chơi, truyền thông chính thống của chúng ta cũng bị cái bệnh sụt giảm trí nhớ này. Nhưng khác với cái quên của Tôn Đức Thắng, cái quên vờ vịt, với những chuyện không bao giờ diễn ra; nền truyền thông này vờ vịt rằng những điều rất thực, thậm chí cả điều sờ sờ trước mắt như thể chưa từng diễn ra. Chưa từng diễn ra dù đã chính thức công bố bạch thư về quan hệ hai bên. Chưa từng diễn ra dù vẫn đau đớn, vẫn tức anh ách với những gì đang xảy ra, trên đất, trên biển, và trên thị trường. Chưa từng diễn ra nên phải đoạn tuyệt với hiện thực Thị Nở để phơn phớt sắc hoa màu lá như nhan sắc nàng Kiều trong ngòi bút tả thần.

Nhưng Tập lại đến chơi nhằm lúc cả nước xôn xao vì một video clip tả thực, lan tràn trên mạng xã hội, ở đó một đám học trò lớp 7 xông vào phòng học của lớp 6 để nhục mạ và tấn công cô giáo, thậm chí vừa ăn cướp vừa la làng, vu ăn vạ cô giáo hành hung mình. Trước sự việc đau đớn và xấu hổ này, Thứ trưởng giáo dục Hoàng Minh Sơn lại đưa ra một cách lý giải cực kỳ…. tả thần: “Toàn xã hội phải có trách nhiệm”. [6]

Cũng chẳng có gì sai lắm nhưng nếu bảo đúng thì chỉ một phần, rất nhỏ. Nếu “toàn xã hội phải có trách nhiệm” trong sự việc đau lòng này thì “toàn xã hội” có trách nhiệm nào trong việc hoạch định chính sách giáo dục? Và trong việc bổ nhiệm những nhà điều hành đã khiến ngành giáo dục bết bát như thế này? Năm 1925, khi giảng dạy tại Đại học sư phạm nữ Bắc Kinh, Lỗ Tấn đã giải đáp thắc mắc của nữ sinh viên Hứa Quảng Bình, người sau trở thành bạn đời của mình rằng “đừng nên quá lý tưởng ngành giáo dục” bởi, “cũng như máu trong cơ thể con người, một khi máu đã không tốt thì các bộ phận khác trong cơ thể tuyệt đối không thể lành lặn” và ngành giáo dục không phải là ngoại lệ. [7]

Ít ra, phải thế, phải đá động đến tình trạng “máu xấu” của xã hội chứ còn “tả thần” như ông thứ trưởng họ Hoàng thì chỉ nhắm đến việc “xã hội hóa” sự bất lực của ngành giáo dục. Nói cách khác thì đây là trò đào ngũ, trò thoái thác trách nhiệm, từ “chúng tao” chuyển sang “chúng ta”.

Hoàng Minh Sơn đã trở thành thứ trưởng giáo dục như thế nào? Rõ ràng, đó không phải là việc của “toàn xã hội”, hay của “chúng ta”. Cái guồng máy nhân sự này – khởi đầu từ việc “quy hoạch cán bộ nguồn” rồi, lên cao dần, đến mức cao nhất là “công tác nhân sự” theo mỗi chu kỳ đại hội đảng – đều là việc của… “chúng tao”, với những đặc quyền đặc lợi rất thực, rất cụ thể. 

Chỉ khi bùng nổ những tai tiếng, những thảm họa trên những lĩnh vực giáo dục, môi sinh, kinh tế v.v.. thì cái bọn “chúng tao” kiêu ngạo và đầy đặc quyền này lại tỏ dấu hiệu… đào ngũ, trở nên khiêm cung và nghĩa tình như là… “chúng ta”. Và đó cũng là “triết lý” đằng sau chính sách mang tên “xã hội hóa”. “Xã hội hóa”, thực chất, là “chúng ta hóa” những sai lầm, những yếu kém, những gánh nặng. Thế chế có thể “xã hội/chúng ta hóa” những gánh nặng giáo dục, y tế hay môi sinh nhưng nó không bao giờ “xã hội hóa” những đặc quyền, những “công tác nhân sự”. 

Những đặc quyền ấy, luôn luôn, là của… chúng tao, hả hê, mãn nguyện. 

Như thế, giữa “chúng ta” và “chúng tao” còn có một “dư số” và đó, nhất định, phải là… “chúng mày”. Thuận lợi, xuôi chèo thì một bên là “chúng tao” đầy đặc quyền và “chúng mày”, tức dân đen, phải chấp nhận phần số. Chỉ khi cảm thấy bất lực, chấp nhận thất bại và bó tay trước chướng ngại, “chúng tao” mới diễn tuồng mở rộng vòng tay để “chúng mày” lại đây mà làm thành “chúng ta”, như có thể thấy trong lời lẽ của ông Hoàng Minh Sơn.

Nhưng đó, cái quan hệ “tao–mày –ta” này đã lạc hậu đến mấy trăm năm rồi, và, do dó, chúng ta vẫn tối tăm, chưa được Khai Sáng như một thời kỳ huy hoàng của nhân loại khi con người vận dụng ánh sáng lý trí để vượt qua sự đè nén của thần quyền. Thời kỳ đó, gần ba thế kỷ trước, Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) đưa ra khái niệm “khế ước xã hội” như là nền tảng của những xã hội dân chủ, theo đó nếu bên A, tức “chúng tao”, thất bại, không thực hiện những nhiệm vụ mà bên B, là cử tri, hay “chúng mày” giao phó, A phải rút lui khi kết thúc thời hạn hợp đồng, tức nhiệm kỳ. Cái lạc hậu của đất nước chúng ta là không hề có hình thức hợp đồng nào bằng ngôn ngữ tả thực và bên A, bọn “chúng tao”, không bao giờ chịu rút lui, dù thất bại hay bất lực đến đâu. Chỉ là tạm thời xuống nước, chuyển từ giọng điệu trịch thượng dạy đời sang giọng nỉ non ngọt ngào, chát chùm giọng sến với phía “chúng mày” bằng một thứ ngôn ngữ tả thần rằng đây là trách nhiệm chung, phải cùng nhau gánh vác.

Nhưng tai họa của dân tộc không chỉ là một bọn “chúng tao” thuần nhất. Như có thể thấy qua chuyến đi của Tập, ngoài bọn “chúng tao” nội hóa còn có thêm “chúng tao” từ bên kia biên giới và, hai thứ, đang nỉ non bài sến “vì chung hướng đời” để buộc bên B phải “chia sẻ vận mệnh chung”.

Nhưng, cũng chính “hướng đời chung” đó, bọn “chúng tao” nội hóa đã bao lần “trót trao nụ cười” chỉ để mang lại những vết thương đau đớn cho dân tộc? Xa thì “trao” để người Việt giết người Việt, trong các cuộc đấu tranh giai cấp rồi trong cuộc chiến tương tàn. Gần thì “trao” để giăng một cái bẫy môi sinh và cái bẫy chiến lược ngay trên nóc nhà của đất nước, ở Tây Nguyên. 

Hậu quả nhãn tiền đã rành rành như thế mà bây giờ vẫn còn ca cải lương, còn lải nhải bài sến về “hướng đời chung” để “trao” nốt tương lai của dân tộc cho chúng nữa à?

Nguyễn Hoàng Văn

16/12/2023

——————-

Tài liệu tham khảo, chú thích:

  1. Ông Kevin Rudd, nguyên là thủ tướng rồi ngoại trưởng Úc, hiện lại Đại sứ Úc tại Mỹ, trình bày điều này trong luận án tiến sĩ viết về Tập Cận Bình tại Đại học Oxford, Anh. Điều này cũng trình bày trong cuốn The Avoidable War: The Dangers of a Catastrophic Conflict between the US and Xi Jinping’s China ‎ (Public Affairs, U.S. 2022)

Theo ông Rudd thì Tập đang nuôi dưỡng mười giấc mộng hay “quan tâm chiến lược then chốt”, như mười vòng tròn đồng tâm (10 Concentric Circles of Core Strategic Interest). 

Đầu tiên là “Vai trò trung tâm của Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc”: đảng phải cầm quyền và Tập phải được ghi tên trong lịch sử với tầm mức cao hơn Đặng Tiểu Bình và nếu không hơn thì phải bằng Mao Trạch Đông.

Tham vọng thứ 6 liên quan đến Việt Nam “Managing Neighboring States” và tham vọng thứ 10 là làm bá chủ, sắp đặt lại trật tự thế giới: “Rewriting the Global Rules-based Order”.

  1. Ca khúc :Không Bao Giờ Quên Anh” của Hoàng Trang.

  2. Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc ngày 13/12/2023

https://tuoitre.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-20231213160108685.htm

  1. https://nghiencuulichsu.com/2013/12/18/su-that-ve-quan-he-viet-nam-trung-quoc-trong-30-nam-qua/

  2. Christoph Giebel, cũng trình bày điều này trong tiểu luận “Telling Life: An Approach to the Official Biography of Tôn Đuc Thắng” trong Essays into Vietnamese Pasts, K.W. Taylor và John K. Whitmore biên tập Southeast Asia Program, Cornell University, 1995.

Như tên cuốn sách về “nòi giống tưởng tượng” (Imagined Ancestries), tác giả chỉ ra rằng dù xuất thân trong một gia đình nông dân, tiểu sử chính thức lại nhào nặn để Tôn Đức Thắng là một “công nhân toàn tòng”: bản thân công nhân, cha mẹ công nhân.

Ngoài ra tác giả cũng nêu rõ vai trò của Tôn Đức Thắng trong vụ án “Rue Barbier crime” năm 1928, trong đó Lê Văn Phát – một thành viên của chi bộ “Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội” – bị thủ tiêu vì “không gạt tình riêng sang một bên để phục vụ cách mạng”. Tôn Đức Thắng là người chủ tọa “phiên tòa cách mạng” với quyết định trên, sau đó bị phạt bản án 20 năm khổ sai tại Côn Đảo., ba đồng phạm khác bị phạt án nhẹ hơn.

Sau vụ này trung ương phái Phạm Văn Đồng vào Sài Gòn để chấn chỉnh lại phân bộ Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ở Sài Gòn.

Vì bị kết án như là tù hình sự nên Tôn Đức Thắng không được ân xá sau khi Mặt Trận Bình Dân lên nắm quyền ở Pháp năm 1936, phải chờ đến năm 1945, khi Cách Mạng Tháng 8 thành công. 

Tôn Đức Thắng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Xô năm 1950, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc 1955, Phó Chủ tịch nước 1960 và Chủ tịch nước 1969.

  1. https://tintuconline.com.vn/giao-duc/bo-gddt-toan-xa-hoi-phai-co-trach-nhiem-vu-hoc-sinh-quay-co-giao-n-584517.html

  2. Châu Tính (2019) Lỗ Tấn phê phán quốc dân tính, NXB Đà Nẵng, trang 88. (Hoàng Đông Siêu, Tô Phương Cường biên dịch).