Terry Lee: Hư không hữu tận, Ngã nguyện vô cùng.

Ảnh: Trang Hoằng Pháp

Trong di chúc của Thầy Tuệ Sỹ, bỏ qua phần nói về cách Thầy muốn tổ chức tang lễ đơn giản, Thầy để lại 8 chữ:

Hư không hữu tận, Ngã nguyện vô cùng

8 chữ này là trích từ bài sám Thập phương (cũng gọi là sám Quy mạng) mà bất cứ ai có tụng hay đọc kinh Phật đều biết:

Hư không hữu tận
Ngã nguyện vô cùng

Tình dữ vô tình
Đồng viên chủng trí

Hư không thì có giới hạn,
Nhưng nguyện của tôi thì vô cùng
Cầu cho các loài hữu tình và vô tình
Tất cả đều thành chính giác.

8 chữ Thầy để lại là di chúc thứ hai của Thầy đó. Di chúc này chắc chắn các bạn đồng ý với tôi là nó quan trọng hơn những giòng chữ Thầy dặn dò cách tổ chức tang lễ.

Cái di chúc thứ hai này chỉ có 8 chữ, nhưng thực ra phần quan trọng là 4 chữ: Ngã Nguyện Vô Cùng. Thầy có nguyện gì? Thầy không nói.

Cũng vậy, hơn 2500 năm trước, Phật tập hợp 1250 đệ tử lại để thuyết pháp. Tuy nhiên, thay vì nói, Phật chỉ giơ một bông hoa sen trước mặt mà không nói một lời. Mọi người trong hội chúng đều bối rối, nhưng một người trong số họ, Ca Diếp, hiểu được ý nghĩa của Đức Phật và mỉm cười. Đức Phật nói:

“Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thực tướng Vô tướng, Vi diệu Pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền.  Pháp này ta phó chúc cho Ca Diếp”.

Thầy cũng không nói thầy có nguyện gì mà vô cùng, vô tận. Tôi quyết tâm đi tìm coi Thầy có nguyện gì, để đọc được cái bí mật Thầy giấu trong đó? Nhưng phải bắt đầu từ đâu?

1) Trước hết, tôi muốn dịch 8 chữ di chúc này của thầy sang tiếng Anh.

Nguyên văn chữ Hán là 虛空有盡,我願無窮. Hư không (虛空) là cõi vô định, hư = hư ảo, không = không gian. Tiếng Anh là Void. Như vậy có nên dịch là The Void is limited; my vows are infinite hay không?

Tôi nghĩ là không nên. Vì Void là cái gì viển vông, xa vời, không có thật. Khi tôi chẳng biết nó là cái gì thì bạn nói nó là vô hạn hay hữu hạn, tôi cũng không biết là đúng hay sai. Vì không cảm thấy nó gần gũi với mình, lời nguyện mất đi sự cảm ứng. Tôi là giáo sư Toán và Vật lý trong 47 năm, cho tới khi tôi về hưu 3 năm trước, nên tôi tin vào hiệu quả của cảm ứng (cảm ứng, nói 1 cách đơn giản, là sự đồng cảm, giao thoa giữa 2 đối tượng). Ngày 12 tháng 4 năm 1831, một đoàn lính Anh diễu hành đi đồng bộ qua cầu treo Broughton, khiến cây cầu cảm ứng với các nhịp bước đều đó nên nó cộng hưởng các độ rung nhỏ bé của bước chân của mỗi binh sĩ lại đến khi nó lớn quá thì cây cầu sụp đổ.

Có câu chuyện về 1 tiền thân của Phật, mà tôi không nhớ rõ chi tiết. Khi đó Phật là vua của 1 nước nào đó, một hôm vua thấy 1 con chim bồ câu bay sà vào lòng vua cầu cứu, vì bị 1 con chim ưng đuổi bắt. Vua ôm con chim bồ câu vào lòng, thì chim ưng nói: “Vua cứu nó thì tôi sẽ chết đói sao?” Vua mới nói “Ta sẵn lòng cắt thịt mình bù đắp cho thịt chim bồ câu”. Chim ưng đòi trọng lượng thịt vua cắt ra phải bằng trọng lượng con chim bồ câu. Vua cho đem ra 1 cái cân. Vua để chim bồ câu lên 1 bên bàn cân, và bắt đầu cắt thịt trên 1 cánh tay vua để lên bàn cân bên kia. Lạ thay, cắt hết thịt trên cánh tay đó mà bàn cân bên chim bồ câu vẫn nặng hơn. Vua tính cắt thịt chân, thì chim ưng hỏi vua có hối hận không. Vua đáp: “Ta không hối hận. Ngày nào ta còn 1 hơi thở, ta nguyện cứu giúp các loài hữu tình và vô tình trên thế giới”. Lời nguyện chân thành từ đáy lòng của vua cảm ứng, rung động cõi trời, các thiên thần hiện ra khen ngợi vua (và cánh tay vua lành lại).

Tôi để câu “và cánh tay vua lành lại” trong ngoặc đơn vì phần đó đối với tôi không cần thiết, dù truyện nào cũng có phần đó, kiểu “live happily ever after” trong ngụ ngôn và phim ảnh. Ở đây, tôi chỉ muốn nói lời nguyện của vua có chân thành mới cảm ứng đến các vua trời, nên tôi không thích dùng chữ Void để dịch chữ “Hư không” (dù nó đúng), chỉ vì nó quá xa lạ.

Nếu chỉ dịch là the space has its limits, our sacred vows are infinite, như 1 em đã làm, thì tôi thấy không đủ. Space là không gian, tức là em mới dịch chữ không và bỏ mất chữ hư (hư không). Mà space thì trước mặt tôi cũng có 1 space nhỏ xíu nơi tôi làm việc, tôi không thấy nó mênh mông như ý nghĩa của 8 chữ này.

Theo tôi, chữ hư không ở đây có nghĩa là một cái gì to lớn, mênh mông mà chúng ta nghĩ là nó vô tận, nhưng thực sự là nó hữu tận, để so sánh với cái nguyện vô cùng, vô tận của người đang khấn nguyện. Tôi nghĩ đến chữ world (thế giới), vì thế giới nó gần gũi với mình hơn hư không, nó cũng mênh mông, rộng lớn, nhất là nếu bạn nghĩ đến các cõi trời, thần, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, tam thiên đại thiên thế giới mà kinh Phật hay nhắc tới thì nó lớn quá. Còn nói về khoa học thì bạn có biết nếu đi được với tốc độ ánh sáng thì bạn mất 1 giây để tới mặt trăng, 8 phút để tới mặt trời, 20 ngàn năm để ra khỏi cõi Thiên hà Milky Way mà chúng ta đang ở. Mà chữ thế giới thì nó bao gồm luôn cả các thiên hà ngoài thiên hà Milky Way. Thiên hà xa nhất mới được khám phá thấy mang tên HD1, cách xa trái đất 13.5 tỷ năm ánh sáng, và khoa học cho biết “biên giới hiện thời” của thế giới chúng ta cách chúng ta 46.5 tỷ năm ánh sáng (1 năm ánh sáng = light year, khoảng cách ánh sáng phải đi trọn năm mới tới).

Như vậy, rõ ràng thế giới quá mênh mông vô tận, nhưng con mắt Phật thì thấy nó hữu hạn. Tôi dông dài như vậy để các bạn thấy khi tôi thay chữ hư không bằng chữ thế giới, bạn mới thấy nó hợp lý hơn rất nhiều. The world has end, my vows are infinite (Thế giới hữu hạn, nguyện tôi vô cùng).

Không biết có ổn không? Tôi tạm dùng nó trong thời gian chờ đợi ai có thể giúp tôi dịch hay hơn.

2) Bước thứ hai: Tìm nguyện của Thầy trong kinh sách và khảo luận Thầy đã soạn và dịch.

Số lượng kinh sách Thầy viết, soạn và dịch thì đồ sộ quá, nhưng tôi phát nguyện không bỏ cuộc. May mắn quá, mới tìm trong vài ngày thì tôi đọc thấy trong cuốn Thắng Man giảng luận mà Thầy đã dịch và giảng, Thắng Man phu nhân có 3 đại nguyện. Đó là:

1) Sẽ giúp cho chúng sinh được đời đời an ổn.

2) Sẽ không mệt mỏi giảng Pháp cho chúng sinh.

3) Sẽ xả bỏ thân mạng để hộ trì Chính pháp.

Đại nguyện thứ hai: Cũng như Thắng Man phu nhân, Thầy không mệt mỏi giảng Pháp, dịch kinh, dù ngụy quyền Cộng sản tìm đủ cách làm khó dễ, và dù bác sĩ cố ngăn cản khi Thầy làm việc quá sức. (Tôi dùng chữ ngụy quyền Cộng sản vì chính quyền này không có do dân bầu lên.) Đại nguyện thứ ba: Thầy chấp nhận bị xử tử hình, kiên quyết bảo vệ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để hộ trì chánh Pháp, không để nó gia nhập vào cái gọi là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, thực chất chỉ là cái bình phong của nhiều giả sư, giả ni, ma vương Cộng Sản. So với 3 đại nguyện này của Thắng Man phu nhân, thì đời Thầy chưa hoàn thành được đại nguyện đầu. Chúng sinh nước Việt còn lầm than dưới chế độ Cộng sản không có nhân tính. Thường thường, chuyện gì mình không làm được ở kiếp này, mình sẽ nguyện làm được ở kiếp sau. Vì thế, tôi tin đây cũng là 3 đại nguyện của Thầy.

3) Với giả thuyết (hypothesis) đó, tôi đi tìm chứng minh (proof) trong thơ Thầy. Và tôi kinh ngạc khi thấy rất nhiều bài thơ của Thầy chứa đựng những ao ước đó. Thầy giấu trong thơ tất cả ao ước của Thầy, mà tôi xin gọi là những “đại nguyện” của Thầy. Không biết bạn đã đọc thấy một “đại nguyện” nào của Thầy trong các bài thơ Thầy đã viết không?

Tôi đã dịch và giải thích ý Thầy và gởi đăng nhiều bài thơ của Thầy. Xin nhắc lại vài bài, để giúp bạn tìm:

1) Trong bài Mộng ngày

Kiến bò quanh nhọc nhằn kiếm sống,
Ta trên lưng món nợ ân tình.
Cũng định mệnh lạc loài Tổ quốc,
Cũng tình chung tơ nắng mong manh.

Tôi giải thích (phần 4 câu này thôi):

Thầy cho biết thầy đang mang món nợ trên lưng thầy. Đó là nợ Tổ quốc, một trong tứ ân của đạo Phật. Câu thơ của thầy là: “Ta trên lưng món nợ ân tình”, thì rõ ràng là món nợ ân tình thầy mang trên lưng thầy, vậy mà không hiểu sao nhiều người dịch là thầy đeo món nợ đó lên lưng con kiến? Đeo món nợ của mình lên lưng kẻ khác thì chắc chắn thầy không làm chuyện đấy. Ý nghĩa của bài thơ ở đoạn này là thầy cưỡi trên lưng con kiến, và thầy đeo trên lưng thầy món nợ Tổ quốc. Chữ “tổ quốc” được lập đi lập lại ở 2 câu kế tiếp: “Cũng định mệnh lạc loài Tổ quốc” có nghĩa là thầy cũng lạc loài mất nước, như bầy kiến kia mất tổ. “Cũng tình chung tơ nắng mong manh” có nghĩa là thầy cũng chung tình với đất nước của thầy như bầy kiến kia yêu tổ.

Tôi dịch:

Here are some ants running around, searching for their homelands.
With a heavy debt of love that I carry on my back,
I also find myself homeless, sharing the same fate with the ants,
And the love for our homelands, which is as fragile as sunlight threads.

2) Bài số 8, tập Thiên lý độc hành.

Khắp phố thị ngày xưa ta ruổi ngựa
Ngang qua đây ma quỷ khóc thành bầy
Lên hay xuống mắt mù theo nước lũ
Dẫm bàn chân lên cát sỏi cùng trôi

Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu
Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi
Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi

Tôi giải thích:

Thầy ơi, chúng con cũng mong được thấy: Lũ ma quỷ khóc thành bầy, thân xác bị kéo trôi vào cơn mưa lũ. Rồi khi cơn mưa dứt, ánh trăng hiện ra chiếu lên đồi cỏ như một tấm chiếu để Thầy đánh một giấc ngủ dài cả ngàn năm, và khi Thầy thức dậy thì hoa trắng đang nở rạng rỡ trên đồi cỏ đó.

Tôi dịch:

On horseback, I had gone across this city before,
Witnessing gangs of blind crying ghosts and demons,
Who were moving up and down in the flood,
While stepping on moving pebbles and sand.

Then they fell down, their blood inundated the stream,
Their bodies, looking like herbaceous plants, unevenly drifted along.
Waiting for the rain to stop, I will roll the moonlight out for my sleeping mat.
A thousand years later, when I wake up, white flowers will blossom on this hill.

Chú thích thêm: Có bạn chỉ trích tôi không dịch đúng nguyên tác, thí dụ như ở câu cuối này, câu thơ của Thầy đâu có chữ “khi ta thức dậy” đâu mà tôi thêm vào “when I wake up”. Mỗi người có 1 cách dịch. Cách dịch của tôi là làm sao cho bạn hiểu được bài thơ, sau đó là hiểu được lòng thầy, vì thế có rất nhiều bài tôi phải suy nghĩ cả ngày, có khi cả mấy ngày để tìm cho ra ý Thầy trong bài đó. Riêng ở bài này, nếu Thầy không thức dậy, sao Thầy biết hoa trắng trổ trên đồi?

Terry Lee