Nguyễn Hoàng Văn: Tang quốc và quốc tang

Hàng trên, trái: Lăng Hồ Chí Minh, Hà Nội; phải: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội. Hàng dưới, trái: Đền thờ Lê Duẩn, Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Gia Lai; phải: Lăng mộ Trần Đại Quang, Ninh Bình. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện.

“Quốc tang” với roi vọt “Hồng vệ binh” để kiếm thêm nước mắt trang trí khiến tôi hình dung đất nước dị thường của chúng ta như một… tang quốc, với những tang chế rất cao nhưng lại rất thấp trong ý nghĩa nhân bản phải có là hướng về sự sống, như là một phần của đời sống. [1]

Ý tưởng này đã nhem nhúm khi tôi, gần như cùng một lúc, thọ tang rồi lại mãn tang mẹ. Mẹ qua đời giữa đỉnh điểm của đại dịch nên tôi cùng hai người chị sống ở nước ngoài phải đợi mất hai năm mới có thể trở về quàng lên đầu vành khăn thương khó. Đứng trước di ảnh mẹ sau làn khói nhang nghi ngút, chúng tôi tuần tự tiến hành những nghi thức theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà. Chúng tôi quàng khăn tang lên đầu rồi lại tháo ra ôm vào ngực. Chúng tôi hòa bàn thờ riêng của mẹ vào bàn thờ chung của tổ tiên. Rồi chúng tôi mang những vành khăn ấy ra vườn để hóa thân bằng lửa.

Nhìn vành khăn trắng quặn mình trong lửa rồi chuyển sang màu nâu sẫm, màu đen trước khi thành khói tỏa lên trời và thành tro hòa vào đất, tôi miên man suy nghĩ về ý nghĩa hai mặt của lửa. Lửa là yếu tố cần thiết của sự sống nhưng cũng là một phương tiện hủy diệt tàn khốc. Mà nếu giới sùng bái bạo lực như phát xít hay KKK say mê biểu tượng lửa, như hình chữ thập lửa thì, ngược lại, hình ảnh mái tranh với khói lam chiều, dấu hiệu của bếp lửa đỏ hồng bên trong, lại là biểu hiện của một nếp sống thanh bình. Và nếu vành khăn tang hiện diện như lời nhắc để chúng ta giữ mình trong một khuôn khổ đạo hạnh nào đó thì lửa, chính lửa, đã kết thúc giai đoạn giới hạnh này để chúng ta duy trì mạch sống mà tổ tiên đã khai nguồn, có khai tử thì phải có khai sinh và, do đó, hãy để cuộc đời sống bình thường tiếp tục, trong đó có việc cưới vợ, lấy chồng.

Tang chế, như thế, chính là một phần của đời sống, hướng đến việc tiếp nối đời sống như một sự tuần hoàn và, điều này, đã trở thành một đạo nghĩa. Có vậy tổ tiên mới đề cao cách sống vì mai hậu, đời trước chắt chiu gìn giữ cho đời sau, đời cha cắn răng cam chịu nhưng nhất định con cháu đời sau phải ngửng mặt với đời. Nói theo Bình Nguyên Lộc, trong truyện ngắn “Rừng Mắm”, thì thế hệ trước xả thân làm cây mắm níu giữ phù sa để thế hệ sau ngọt ngào với “xoài mít, dừa cau”. [2] Nhưng đất nước, hiện tại, lại nằm trong tay một đám kiêu binh chỉ biết bấu víu vào cái quá khứ kiểm duyệt gắt gao của mình để hủy hoại cả hiện tại lẫn tương lai. Tài nguyên đang bị phung phí, vô tội vạ. Môi trường đang bị tàn phá, vô tại vạ. Giang sơn đang bị cầm cố tứ tung, cũng vô tội vạ. Mai này con cháu lớn lên sẽ ngửng mặt như thế nào với một đất nước rách nát, kiệt quệ cùng một gánh nợ khủng khiếp trên đầu?

Nghĩa là hiện tại đang vênh vang hãnh tiến, thây kệ đời sau cúi đầu, cam chịu. [3] Hiện tại đang hủy hoại “xoài mít, dừa cau”, mặc xác tương lai phải gầy dựng lại từ đầu, với mắm. Đất nước, như thế, không hề “phát triển” mà chỉ… tồn tại một cách lệch lạc. Khi sự lệch lạc nào – như là sự lệch lạc của thị trường, kinh tế – cũng nảy sinh do sự can thiệp duy ý chí hay tình trạng độc quyền thì, từ góc nhìn tang chế, lệch lạc của đất nước hiện tại cũng vậy. Và đó là điều mà chúng ta có nhìn thấy qua tai nạn “Vòng Trắng” của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Bài thơ được viết vào những ngày tang tóc nhất của Hà Nội bởi, bên cạnh chùm bom B-52 vào Lễ Giáng Sinh 1972 là những trận nướng quân nhằm gây sức ép trên bàn đàm phán ở Paris, từ cái “cối xay thịt” ở Cổ Thành Quảng Trị đến những trận đánh “vỗ mặt” trên dòng sông Thạch Hãn, kéo dài mấy tháng trời, mỗi ngày nướng một đại đội, toàn những tân binh lấy từ học sinh sinh viên ở thủ đô: [3]

Khói bom lên trời thành cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn đi trong yên lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong màu trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong

 Dẫu cố vớt vát với hình tượng “cái đầu bốc lửa”, bài thơ vẫn bị tạp chí Học Tập – cái loa phát ngôn về văn hóa tư tưởng của đám kiêu binh kia – mang ra đấu tố:

“Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở…”. [4]

Nói theo Sherry Buchanan khi nghiên cứu về họa sĩ Trần Trung Tín thì xã hội phải… dương lên. Miền Bắc thời chiến vừa thiếu thốn vật chất, vừa nghẹt thở với không khí khủng bố qua những cuộc đấu tố chính trị nhưng con người phải… lạc quan lên. Phải đè nén những mất mát riêng tư mà hướng đến cái chung vĩ đại. Phải câm miệng trước những đau thương hiện tại mà “nói to” lên “niềm tin tất thắng”. Và khi một nghệ sĩ chấp nhận cái giá mà người đứng bên lề phải trả để chạm vào cái “bi kịch lạc quan” đau đớn này, ông ta trở nên độc đáo như một “nghệ sĩ âm giữa thế giới dương”. [5]

Thì “dương” nhưng, xét ra, xã hội vẫn rất âm và, vẫn, rất cá nhân chủ nghĩa. Âm bởi đã tốn bao nhiêu nước mắt và tài nguyên để tiếc thương lãnh tụ? Cá nhân bởi đã tốn bao nhiêu giấy mực và cơm gạo để “thương râu nhớ dép”? Mà khi tung hô những thứ riêng tư rất vô duyên như độ cùn của đôi dép thì cái loại “cá nhân chủ nghĩa” ấy đã sa đọa đến mức nào rồi? Như thế, từ việc tang chế cho đến tự sự cá nhân, tất cả đều là độc quyền của những kiêu binh chính trị mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã dại dột xâm phạm.

Độc quyền nào cũng dẫn đến sự tha hóa và, ở đây, trên khía cạnh đạo lý, là cái tư thế kiêu binh trên đầu tổ tiên, trên cả tương lai:

Hởi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm

Tổ quốc bao giờ đẹp như thế này chăng

Chưa đâu! Và cả trong những ngày đẹp nhất

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Khi Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn

[…]

Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả

Dù mai sau muôn vạn lần hơn

(Chế Lan Viên, “Tổ quốc bao giờ đẹp như thế này chăng”, 1965)

Thì, “Con hơn cha là nhà có phúc” nhưng đó là đạo lý vì mai hậu, là ước nguyện mà thế hệ trước gởi gắm vào những thế hệ mai sau nhưng ở đây, ngược lại, lại là sự hãnh tiến của thế hệ sau với tổ tiên của mình và, tệ bạc không kém, là sự nhỏ nhen, đố kỵ đối với con cháu đời sau. Trước Chế Lan Viên những bốn năm là Tố Hữu, cũng cực kỳ hãnh tiến thế, bằng thơ:

Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng

Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng

Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau

Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!

(Tố Hữu, “Chào 61”)

Mà không chỉ bằng thơ, bằng chữ, sự hãnh tiến này còn bộc lộ bằng đá, bằng bê tông, trong ngôn ngữ kiến trúc của những lăng mộ, đài tưởng niệm hay viện bảo tàng.

Đó nên là “ngôn ngữ” với những cảm hứng về sự tiếp nối, tuần hoàn, sự trở về và sự tái sinh nhằm dẫn dắt hiện tại vọng về quá khứ như là sự chuẩn bị cho tương lai. Có vậy thì nơi an nghỉ của người khuất mặt ở phương Tây, thường, là nơi để hậu thế cúi đầu trầm tưởng bởi, từ một chiến sĩ vô danh đến bậc anh hùng lừng lẫy hay nhà lãnh đạo quốc gia lỗi lạc, ai cũng trở về với đất trong những mộ phần khiêm nhường. Nếu đó là những kiến trúc đồ sộ – từ lăng mộ Taj Mahal ở Ấn Độ đến Đài tưởng niệm Abraham Lincoln, các đài chiến sĩ trận vong v.v. – thì cái tư thế tưởng vọng về thời đã qua vẫn vậy. Đó là nơi mà thế hệ sau có thể cúi đầu nhìn vào hình ảnh phản chiếu của toàn bộ khối kiến trúc ở hồ nước kề bên mà tĩnh tâm mặc tưởng trong tiếng nước róc rách của một vòng chảy tuần hoàn.

Tuần hoàn ngụ ý một sự luân chuyển và, như thế, từ góc nhìn tang chế, những lệch lạc trong bước đi chập choạng của đất nước hơn nửa thế kỷ qua đã thể hiện ngay ở tính chất ngưng đọng hay đóng băng ở cái nhà bảo tàng và lăng mộ to nhất nước.

Đầu tiên là Bảo Tàng Hồ Chí Minh, một sự hỗn xược với lịch sử khi hãm hiếp cả Chùa Một Cột về mặt không gian. Khi ngôi chùa gắn bó với lịch sử một ngàn năm giữ nước trở thành một phần khiêm nhường và… trớt quớt tại nơi lưu giữ dấu tích của vị lãnh tụ với một di sản đầy thị phi thì cái thông điệp phát ra chỉ có thể là, hởi cháu con, hãy thoải mái chà đạp lên đầu tổ tiên. [6] Dấu tích chính thức của lãnh tụ đã như vậy thì trách gì thế hệ trẻ ngày càng hỗn láo, mất dạy?

Cách đó không xa là cái lăng to nhất nước nhưng xấu xí và khô cứng trong hình thể vuông vức, xám xịt. Không tạo nên cảm giác gần gũi của nơi trở về đã đành, nó còn cưỡng bức khách viếng, bắt họ phải choáng ngợp, phải ngửa mặt nhìn lên để thấy mình nhỏ bé hẳn đi. Hiện diện như là lời nhắc nhở “đời đời nhớ ơn” nhưng nó lại là bản khai tử bằng đá cho tình trạng “đời đời tang chế’ khi người trong cuộc, trái với ước nguyện hóa thân bằng lửa để lại trong di chúc, vẫn chưa được phép trở về với đất mà phải trơ mình trong giá buốt và mùi thuốc sát trùng giữa cỗ máy lạnh hình quan tài. Người chết đã bị hành xác hơn nửa thế kỷ rồi trong cuộc triển lãm man rợ vào bậc nhất và đó, nói theo ngôn ngữ tôn giáo, phải chăng là cái lò luyện tội mà kẻ tạo “nghiệp” nào cũng phải trải qua? [7]

Tang chế, như đã nói, phải là một phần của đời sống nhưng ở đây chỉ thấy có khai tử chứ không có khai sinh, hoàn toàn không một dấu hiệu về sự tiếp diễn của đời sống. Mà những “quốc tang” gần đây cũng vậy với những lăng mộ “hoành tráng” một cách kệch cỡm và sự cướp giật cực kỳ trơ tráo. Dân số đang tăng vọt và đất đai ngày càng hẹp lại nhưng kẻ chết thì lại khư khư giành giật đất đai, giành của người sống và của cả lớp con cháu chưa ra đời. [8]

Dân tộc bao giờ cũng tri ân những anh hùng có công và khi những anh hùng bảo quốc ấy đã thực sự về với tổ tiên thì cuộc sống hiện tại phải tiếp tục với chọn lựa của thế hệ đương thời nhằm thích nghi với một thế giới đang thay đổi từng ngày. Nhưng đó vẫn là một giấc mơ xa vời bởi đất nước đang bị “đóng băng”. Đóng băng với một chọn lựa đã bị đóng băng, như là di sản của kẻ mà cái chết đang bị đóng băng, một di sản đầy tranh cãi trong khi cái tên ông ta không hề kết hợp dân tộc thành một mà chỉ gây ra chia rẽ, thù hằn.

Trong ý nghĩ đó tôi lại nghĩ đến lửa, như là một phương tiện hóa thân.

Nguyễn Hoàng Văn

————-

Chú thích & tài liệu tham khảo:

[1] https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/33620-h-ng-v-binh-ki-u-vi-t-nam

Trong những ngày cử hành tang lễ Nguyễn Phú Trọng, đã hình thành một phong trào đấu tố kiểu Hồng vệ binh nhắm vào những người nổi tiếng không chịu thể hiện sự thương tiếc hay vẫn sinh hoạt bình thường trên mạng xã hội.

[2] Truyện ngắn “Rừng Mắm”: “Ông với lại tía con là cây mắm, chơn giầm trong bùn. Đời con là đời tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài mít, dừa cau.”

[3] https://vnexpress.net/tong-bi-thu-dat-nuoc-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-nhu-ngay-nay-3877029.html

“Tổng bí thư: ‘Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay’”

[4] Cao Bảo Vân (2021), Tướng Cao Văn Khánh, NXBTri Thức, Hà Nội, Chương 35: Mặt Trận Trị Thiên, trang 629, 632, 640.

[5] https://cand.com.vn/Nhan-vat/Pham-Tien-Duat-Nha-tho-cua-nhung-su-thieu-hut-i315725/

[6] Trần Trung Tín là người Bến Tre, theo Việt Minh năm 12 tuổi, năm 1954 tập kết ra Bắc và theo học tại Trường điện ảnh. Sau chuyển sang đam mệ hội họa nhưng bị nhiều người chê là bôi bác lem nhem, chỉ một số ít họa sĩ như Bùi Xuân Phái mới nhìn ra thực tài. Năm 1976 Trần Trung Tín về Sài Gòn, gá nghĩa cùng Trần Thị Huỳnh Nga, một góa phụ.

Trong một lần gặp gỡ tại nhà họa sĩ Ray Beatie ở Sydney vào năm 2008, chị Nga cho tôi biết để làm vui lòng chồng đang bị bệnh nằm liệt giường, năm 1989 chị cố gắng thực hiện cho ông một cuộc triển lãm trước sự phản đối của gia đình nhà chồng, vì cho là sẽ… bôi bác họ. Với sự giúp đỡ của họa sĩ Ca Lê Thắng, cuộc triển lãm này diễn ra bên lề một cuộc triển lãm chính thức khác của Hội Mỹ Thuật TPHCM và chính một phái đoàn nghiên cứu mỹ thuật của Mỹ đã phát hiện ra Trần Trung Tín khi đến tham dự buổi triển lãm này. Ông trở thành đề tài nghiên cứu của nhà nghiên cứu mỹ thuật Sherry Buchanan, với công trình biên khảo Tran Trung Tin: Paintings and Poems from Vietnam. Asia Ink, 2002

[7] Có thể nhìn thấy điều này từ bản đồ wikimap.

[8] Trong hồi ký The Private Life of Chairman Mao: The inside story of the man who make modern China (Đời tư của Chủ tịch Mao: chuyện bên trong của người đàn ông đã tạo nên nước Trung Hoa hiện đại) Nhà xuất bản Random, 1994, ông Lý Chí Thoả (Li Zhisui) là bác sĩ riêng của Mao, đã thuật lại cảnh ghê rợn trong việc “hành xác” Mao:

 “Chúng tôi đã bơm tất cả 22 lít thuốc ướp, nhiều hơn quy định của công thức trên đến 6 lít với hy vọng rằng sẽ chắc ăn. Việc này kéo dài lê thê và mãi đến 10 giờ sáng hôm sau mới xong. Kết quả thật kinh khủng. Mặt của Mao phù lên. Trông giống như trái banh vậy còn cổ của ông ta thì to bằng cái đầu. Nước da ông ta bóng nhẫy khi thuốc ướp bắt đầu rò rỉ ra khắp lỗ chân lông, trong giống như đang chảy mồ hôi. Hai tai ông ta cũng sưng vù lên, dựng đứng thành một góc 90 độ so với cái đầu. Thi hài này trông thật là quái dị. Nhân viên cận vệ và phục dịch ai nấy cũng kinh hoảng.”

Sau đó họ phải bỏ ra mấy tiếng đồng hồ để xoa bóp, đến độ da mặt Mao bị rách, phải dùng keo bôi lên. Thân hình Mao bị phù, áo không thể mặc vừa nên phải cắt từ giữa lưng. Những chi tiết này thuật lại trong chương đầu “Cái chết của Mao” (Death of Mao). [trang 17 – 21]

Cũng theo tác giả trên thì vào năm 1976, thi hài của HCM đã bị thối rửa ở phần mũi và râu đã rụng hết. [sđd, trang 23] Nghĩa là chỉ sau 7 năm thì, ít nhất, trên thi hài HCM có hai “phụ kiện” giả là mũi và râu. Bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ, hàng giả chiếm bao nhiêu phần trăm trên thi hài này?

[9] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49552560

Khảo sát mộ của Trần Đại Quang, nhà văn Tạ Duy Anh cho biết: “Tóm lại, tính khiêm tốn thì khu mộ Chủ tịch nước rộng khoảng 55.000 mét vuông. Tức là 5 héc ta rưỡi, tức là khoảng 15 mẫu Bắc bộ.”