Nguyễn Hoàng Văn: Thập giới và các loại giới, điều khác

Cảnh người Mỹ tranh cãi và dọa dẫm kiện tụng liên quan đến “Thập giới” lại làm tôi nghĩ đến “Thập cửu giới”, tức “Mười chín điều đảng viên không được làm”, trên đất Việt. [1]

Trên phương diện sử học thì “Thập giới”, hay “Mười điều răn”, chính là bộ luật hình sự đầu tiên của nhân loại. Theo Cựu ước thì bộ luật này được Thượng Đế ban cho Nhà tiên tri Moses trên đỉnh núi Sinai để thiết lập trật tự cho cộng đồng Do Thái. Cũng trên phương diện sử học thì Cựu ước chính là một “đại tự sự” – một “câu chuyện lớn” tương tự câu chuyện về Bốn ngàn năm văn hiến và con Rồng cháu Tiên của chúng ta v.v.. – với ý đồ tạo một bản sắc chung để thống hợp các bộ lạc Do Thái.

Moses và Aaron với Mười Điều Răn (bức tranh của Aron de Chavez, vào khoảng năm 1675)

Ngày 18/6/2024 Thống đốc Louisiana, ông Jeff Landry, thuộc đảng Cộng Hòa, ký sắc lệnh thông qua đạo luật mới, theo đó thì kể từ niên khóa 2025 tất cả các trường học của tiểu bang nhận tài trợ của chính phủ – từ cấp mẫu giáo đến đại học – phải treo “Thập giới” tại các phòng học. Nó phải được in lớn cho dễ đọc và kèm theo một bản văn dài 200 từ nêu rõ rằng đó là một phần quan trọng của việc giáo dục công dân nước Mỹ trong gần ba thế kỷ qua.

Đạo luật này, khởi sự chẳng mấy hay ho với cảnh một nữ sinh ngất xỉu ngay sau lưng ông thống đốc giữa lúc đang hạ bút ký – đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ. [2] Trong khi một số lãnh tụ tôn giáo cho rằng nó chẳng làm “Thập giới” vinh quang thêm gì mà, thậm chí, còn phàm tục hóa, làm hạ giảm tính chất thiêng liêng thì các nhà nhóm dân quyền cho là vi hiến, là cản trở tính bình đẳng của nền giáo dục bởi sẽ khiến học trò khác tín ngưỡng cảm thấy không an toàn. Họ khẳng định là sẽ kiện ra tòa và, trên thực tế, năm 1980 Tối cao Pháp viện Mỹ đã bác bỏ đạo luật tương tự của tiểu bang Kentucky với lý do Hiến pháp Mỹ không cho phép các cơ quan lập pháp ban hành luật tôn giáo. 

Những tranh cãi này lại làm tôi nghĩ đến những chuyện tương tự của đất nước chúng ta mà không hề gây… tranh cãi. Từ “Lục điều” đến “Ngũ điều” của Hồ Chí Minh – tức“Sáu điều dạy công an” và “Năm điều dạy thiếu niên nhi đồng” – lẽ ra phải gây thắc mắc về sự vô lý hay bất cập của chúng nhưng bao nhiêu thế hệ cứ cắm cổ học mà không một dấu hỏi. Và từ “Thập cửu giới”, ban hành từ ba năm nay, tôi lại nghĩ ngược về “Thập điều” của vua Minh Mạng gần hai thế kỷ trước.

Nhưng đầu tiên, khi bộ máy công quyền trên đất nước chúng ta đã chuyển hóa thành một bộ máy “công an quyền”, với chủ tịch, thủ tướng và cả ông chánh văn phòng Trung ương đảng đều xuất thân là tướng công an, chúng ta nên bắt đầu với “Lục điều”. Đó là năm 1948, tức còn ở núi rừng Việt Bắc, Hồ Chí Minh ban hành “Sáu điều dạy công an”:

1. Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

2. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

3. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

4. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

5. Đối với công việc, phải tận tụy.

6. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo

Đặc điểm đầu tiên, có thể nói, là sự ngớ ngẩn hay lẩm cẩm, ngay ở điều số một: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.”

“Đối với tự mình”, ai cũng có thể “cần” và “kiệm” nhưng còn “liêm” và “chính”? “Liêm” là “liêm khiết”, tức trong sạch, không tham của người, không ăn hối lộ; “chính” là chính trực, tức ngay thẳng, phân biệt rõ đúng sai, phân biệt lẽ công bằng. Cá nhân nào cũng có thể tuyên bố hay tự thề thốt là mình “tự” có đặc tính này nhưng về mặt xã hội thì nó chỉ có thể chứng tỏ qua sự cọ xát với cộng đồng. Tự mình “liêm chính” thì rất dễ, ai cũng có thể nói được nhưng đứng vững trước những thử thách và cám dỗ trong sự va đập xã hội mới là điều quan trọng.

Còn điều thứ tư thì, phải chăng, vào thời điểm đó phần lớn công an đều… thất học hay chỉ là trẻ con? Phép tắc cần phải dạy từ nhỏ và, nếu đi học, ngay từ lớp một, lớp hai thể nào các học trò cũng đã được dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Điều 2 và điều 6 cho thấy một cái nhìn máy móc thô thiển: ta thì phải tốt, địch thì phải xấu, do đó chỉ cần “thân ái giúp đỡ” đồng sự, không nhất thiết phải “cương quyết, khôn khéo.”

Sau đó là “Ngũ điều”, trong thư gởi thiến niên nhi đồng năm 1961:

  1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; 
  2. Học tập tốt, lao động tốt; 
  3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; 
  4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt; 
  5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

vẫn thường treo trong các phòng học, y như kiểu mà chính quyền bảo thủ ở Louisiana đòi hỏi với “Thập giới”. Từ hồi còn đi học tại Việt Nam, tôi đã nhận ra sự lẩm cẩm của cái gọi là “Năm điều” này rồi. Bởi chỉ nhìn qua thì nhận ra ngay rằng đó chỉ có thể là “năm câu” – dù là câu cụt, câu què – chứ không thể gọi là “năm điều”. Tính nhẩm thì có mười điều và, nếu “tổ quốc” bao hàm cả con người, thì cũng phải chín điều, nhưng như thế thì ngay ở điều một, tác giả đã nói chuyện dư thừa.

Mà không chỉ lẩm cẩm trên phương diện thống kê, tác giả còn lẩm cẩm trên khía cạnh nội dung.

Thí dụ “Học tập tốt”.

Thế nào là “học tập tốt”? Là học để có kết quả thật cao, toàn điểm 9 điểm 10, học kỳ nào cũng lĩnh giấy khen, phần thưởng? Nhưng đâu phải tất cả em học sinh đều có khả năng này, có khuyên chăng thì nên khuyên các em học hành chăm chỉ, học hết sức mình.

Cũng như “Lao động tốt”. Nếu tác giả ngụ ý rằng phải đạt năng suất cao thì cần nhớ rằng không phải học trò nào cũng khỏe khoắn và khéo tay như nhau, một nhà sư phạm giỏi bao giờ cũng chỉ chú ý đến việc khuyên bảo các em làm việc tận tâm.

Hay như “Điều 3″: nếu đã có “đoàn kết tốt”, ắt phải có “đoàn kết không tốt”, “đoàn kết trung bình”, hay, theo diễn ngôn của chế độ là “đoàn kém tương đối tốt”?

Và nếu đoàn kết mà như “giữ vệ sinh”, cũng phải có “đoàn kết thật tốt” chăng? 

Một điều quan trọng nữa là không có sự quan tâm nào đến phép tắc và đây, phải chăng, là lý do khiến nhiều người miền Bắc, khi vào Sài Gòn sau ngày 30/4/1975, ai cũng ngạc nhiên trước sự lễ phép của trẻ em miền Nam; như đạo diễn Đặng Nhật Minh:

“Tuy sống trong vùng kiểm soát của chế độ thực dân kiểu mới, nhưng trong nhiều gia đình mà tôi được tiếp xúc vẫn giữ được những nề nếp truyền thống của một gia đình Việt Nam. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy các em nhỏ khoanh tay lễ phép chào hỏi những người lớn tuổi, một điều mà ở miền Bắc từ lâu đã không còn thấy”. [3]

Như thế, có thể nói không ngoa, chính cách dạy nói trên đã góp phần làm hỏng bao nhiêu thế hệ. Rồi thì những thế hệ đó lớn lên và, không ít, đã trở thành đảng viên để rồi, bây giờ, kể từ ngày 25/10/2021 bị tròng cho cái vòng kim cô “Mười chín điều đảng viên không được làm” mà chúng ta có thể gọi tắt là “Mười chín điều răn” hay “Thập cửu giới”. [4]

Có 19 “điều” nhưng “điều” nào cũng như một cuộn chỉ rối, thí dụ “Điều 3”:

  • “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.”

Như vậy thì quy định trên không chỉ là “Mười chín điều” mà là một bài sớ hay như một gánh hàng xén lên tới cả mấy chục điều lằng nhằng mà, nếu không chồng chéo, trùng lặp nhau thì lại đầy thiếu sót, bất cập, tối nghĩa.

Hãy nhìn lại để so sánh, từ “Thập giới” của Moses:

  1. Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự
  2. Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ
  3. Giữ ngày Chúa Nhật
  4. Thảo kính cha mẹ
  5. Chớ giết người
  6. Chớ làm sự dâm dục
  7. Chớ lấy của người
  8. Chớ làm chứng gian
  9. Chớ muốn vợ chồng người
  10. Chớ tham của người

Đến “Bát Chánh Đạo”: “chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định” của đạo Phật rồi “Thập điều” mà vua Minh Mạng hành năm 1835:

  1. Đôn nhân luật: Trọng tam cang ngũ thường.
  2. Chính tâm thuật: Làm việc gì cũng cốt phải giữ bụng dạ cho chính đáng trong sạch.
  3. Vụ bản nghiệp: Giữ bổn phận, chăm chỉ với nghề của mình
  4. Thượng tiết kiệm: Đặt chữ tiết kiệm lên trên hết trong mọi việc.
  5. Hậu phong tục: Giữ cho phong tục được thuần hậu.
  6. Huấn tử đệ: Phải dạy bảo con em.
  7. Sùng chính học: Chuộng học đạo chính nghĩa.
  8. Giới dâm thắc: Răn giữ những điều dâm tà.
  9. Thân pháp thủ: Cẩn thận mà giữ pháp luật.
  10. Quảng thiện hạnh: Rộng sự làm lành.

Huấn địch thập điều (đầy đủ là Thánh dụ Huấn địch thập điều)  do vua Minh Mạng (1820-1840) ban bố vào năm 1834.

chúng ta đều thấy một đặc điểm chung là sự rõ ràng, rành mạch, điều nào ra điều đó, dẫu có thể khai triển, mở rộng và phân tích khúc chiết, rộng hơn hay sâu hơn thì vẫn tinh gọn như những tâm niệm dễ ghi tâm.

Nhưng vấn đề còn là “giới”, là hạn định không thể vượt qua hay những “điều cấm”. Chỉ ở những môi trường tội phạm như nhà tù hay trại giáo dưỡng hay ở những giai đoạn khủng hoảng thì mới xuất hiện những “điều cấm” như một quy tắc hay xã hội để ngăn cản sự tụt dốc hay tha hóa của xã hội, cộng đồng. 

Như “Mười điều răn” của Moses. Nếu bốn điều đầu tiên nắm đến việc xác định và củng cố đức tin hay giềng mối gia đình thì những điều còn lại nhắm đến việc ngăn ngừa tội phạm và điều này rất dễ hiểu. Thập giới ra đời giữa lúc người Do Thái lâm vào tình cảnh khủng hoảng, bị đàn áp, xua đuổi nên, do đó, bần cùng sinh đạo tặc, làm nẩy sinh nhu cầu giữ vững đức tin và giềng mối gia đình như một nền tảng để từ đây đưa ra những nỗ lực ngăn chặn tội phạm.

Và khi vua Minh Mạng ban hành “Thập điều” thì, dẫu xã hội Việt Nam vẫn chưa phải là hoàn hảo, nó vẫn cho thấy mỗi người dân là một học trò, cần học mười điều để gìn giữ giềng mối gia đình, xã hội. Nói theo tác giả Tôn Thất Thọ thì đó chính là một “bản hiến chương về văn hóa giáo dục”. [5]

Nó hoàn toàn khác với ngày nay khi những thành phần được xem là đứng về một đội ngũ “tiền phong” mà trông như một băng đảng ô hợp, trong một môi trường tội phạm cũng cực kỳ ô hợp. Cái sự ô hợp thể hiện ngay trong mười chín điều cấm làm mà thực ra đến cả mấy chục điều lằng nhằng, lộn xộn, chồng chéo, dài như một bài sớ.

Lịch sử quay ngược hay chăng?

Ngày xưa vua chúa bỏ bê chính sự, các lương thần dâng sớ khuyên can còn bây giờ thì đảng viên ở dưới bị hư hỏng nhiều quá, bậc bề trên phải… hạ sớ để răn cấm? 

Nghĩa là họ đang bị đảo ngược so với tổ tiên? Tổ tiên đi bằng chân và suy nghĩ bằng đầu nên kẻ dưới dâng sớ khuyên can kẻ trên. Còn họ thì như đi bằng đầu và tư duy bằng chân khi kẻ trên hạ sớ để bảo ban kẻ dưới. Và nếu tổ tiên bảo ban đâu ra đó, tinh gọn thì họ lại rối rắm, lằng nhằng.

Nếu làm như xưa, trong phong trào “Bình dân học vụ”, thì sẽ ra sao? Xưa chính quyền Việt Minh cho dựng rào cản, bắt người dân phải chứng minh là mình biết chữ bằng cách đọc thông một thông báo nào đó thì mới cho đi qua hay vào chợ, bây giờ mà dựng rào cản để buộc phải đọc thuộc lòng “19 điều”, sẽ có bao nhiêu đảng viên đủ tự tin để bước ra ngoài?

Lỗi này, đầu tiên, thuộc về tầng lớp đảng viên bên trên. Soạn một bộ quy tắc để bảo vệ đảng nhưng không thể suy nghĩ với một đầu óc có tầm, không thoát khỏi cái lề lối suy nghĩ lẩn quẩn, lắt nhắt của đầu óc tiểu nông hay người buôn hàng xén.

Nhưng mà, ơ hay, sao tôi lại ngớ ngẩn thế này? Nếu suy nghĩ có tầm, thì bọn họ đâu còn ngồi ở những vị trí ấy, để làm trò vô duyên là đổ nước lên đầu vịt ấy?

Nguyễn Hoàng Văn 

—————-

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.nytimes.com/2024/06/19/us/louisiana-ten-commandments-classrooms.html 
  2. https://www.msn.com/en-us/news/politics/child-fainting-as-ten-commandments-law-signed-goes-viral/ar-BB1oBHyg?ocid=BingNewsVerp
  3. Đặng Nhật Minh (2005), Hồi ký điện ảnh, NXB Văn Nghệ, trang 69.
  4. https://dangcongsan.org.vn/noidung/tintuc/Lists/HuongdancongtacDang/View_Detail.aspx?ItemID=62
  5. http://chimvie3.free.fr/74/tonthattho_HuanDichThapDieu_074.htm