Nguyễn Hưng Quốc: Nhà văn Nguyên Ngọc
Đọc trên facebook của Phạm Xuân Nguyên, tôi mới biết hôm qua là sinh nhật thứ 93 của nhà văn Nguyên Ngọc (5/9/1932—5/9/2024)
Cho đến nay, tôi chỉ gặp Nguyên Ngọc có một lần. Đầu năm 2005, tôi về Hà Nội, hình như qua chị Phạm Thị Hoài, Nguyên Ngọc có địa chỉ email của tôi. Anh rủ tôi đi ăn tối (thú thực, tôi cũng không nhớ tên tiệm và cũng không nhớ ăn món gì). Chỉ nhớ tối hôm ấy Nguyên Ngọc nói thật nhiều về các dự án giáo dục của anh. Thoạt đầu tôi cũng tham gia sôi nổi vì đó là lãnh vực tôi cũng quan tâm. Nhưng sau, vì người bồi bàn, tôi bị chia trí hẳn. Đó là một thanh niên khoảng gần 30 tuổi. Đang đứng sau lưng, anh chọc ngang câu chuyện của chúng tôi: “Hai chú chắc là nhà văn nhỉ? Thấy hai chú nói chuyện lý thú quá.” Tôi gật đầu, còn Nguyễn Ngọc thì ngó lơ chỗ khác. Sau đó, anh thanh niên cứ lảng vảng đứng sau lưng chúng tôi mãi. Tôi, vốn hay bị công an theo dõi, đâm ra chột dạ. Tôi hoàn toàn mất hứng nói chuyện. Tôi chỉ lẳng lặng nghe Nguyên Ngọc nói về những cái lớn của Phan Châu Trinh và về dự án phát triển trường Đại học Phan Châu Trinh ở Quảng Nam.
Lúc ấy, tôi nhớ đến một kỷ niệm, cũng ở Hà Nội, vào năm 1996. Có một buổi tối tôi đi ăn với nhà thơ Lê Đạt và nhà văn Dương Thu Hương. Ăn tối xong, chúng tôi ra bờ hồ Hoàn Kiếm uống cà phê. Cả tiền ăn lẫn tiền cà phê, Dương Thu Hương đều giành trả. Dứt khoát. Trong câu chuyện, Dương Thu Hương thường lớn tiếng phê phán chính quyền một cách gay gắt. Đó là lần đầu tiên tôi về Việt Nam nên tôi rất nhát. Tôi chỉ im lặng lắng nghe. Sau đó ai về nhà nấy. Tôi về nhà trọ của người bạn, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu, trên đường Nguyễn Khuyến, gần Văn Miếu.
Sáng sớm ngày hôm sau, tôi bay vào Sài Gòn. Còn anh Nguyễn Xuân Thu thì bị công an mời lên “làm việc”, hỏi: “Tại sao anh gặp Dương Thu Hương?” Và “gặp để làm gì?” Anh Thu, hoàn toàn không biết chuyện tôi ăn tối với Dương Thu Hương, khẳng định: Anh không hề gặp Dương Thu Hương! Công an không tin. Mải cả mấy ngày sau, công an mới xác minh: “Không phải anh. Mà là người ở chung nhà với anh!”
Mấy ngày sau, ở Sài Gòn, tôi bị công an mời “làm việc”.
Từ đó, lúc nào, về Việt Nam, gặp ai, tôi cũng bị ám ảnh là có công an theo dõi. Lúc nào cũng thấy rờn rợn sau lưng.
Thành ra, buổi ăn tối với Nguyên Ngọc, tôi chỉ nghe. Dĩ nhiên, nghe Nguyên Ngọc nói chuyện là một cái thú lớn. Anh rất uyên bác. Và đặc biệt, đầy lửa. Anh say sưa với bao nhiêu dự án lớn lao. Tôi đọc anh cũng nhiều, phần lớn những tác phẩm anh đã xuất bản. Trong số những người cầm bút thuộc thế hệ thường gọi là “chống Mỹ”, không có ai có sự nghiệp đa dạng và đồ sộ như anh.
Nhắc đến Nguyên Ngọc, không thể không nhớ đến một câu chuyện do Huy Đức kể trên facebook của anh:
“Một lần, bà cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hỏi Nguyên Ngọc, ‘Chúng ta bắt đầu sai từ bao giờ?’ Nguyên Ngọc nói, ‘Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ Đại hội Tua’.”
Đại hội ở Tours năm 1920 là nơi Nguyễn Ái Quốc chính thức trở thành đảng viên Cộng sản sau khi đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lenin.
Sự kiện ấy được nhà thơ Chế Lan Viên nhắc đến trong một bài thơ nổi tiếng:
“Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”
Ngược hẳn với Chế Lan Viên, Nguyên Ngọc coi sự kiện ấy là khởi điểm của một tai hoạ đối với đất nước.
Lâu nay, tôi vẫn ngưỡng mộ Nguyên Ngọc. Ngưỡng mộ tài năng của anh. Ngưỡng mộ tính cách cứng cỏi của anh. Ngưỡng mộ việc anh trả lại thẻ đảng.
Nhưng tôi không ngờ anh lại sáng suốt đến như vậy.
Nguyễn Hưng Quốc