Nguyễn Hưng Quốc: Tha thứ và hòa giải
Sau Cải cách Ruộng đất với hàng chục ngàn người bị giết oan, nhiều người ở miền Bắc vẫn tin vào cộng sản. Sau biến cố Mậu thân 1968 với hàng ngàn người bị thảm sát, nhiều người ở miền Nam vẫn tin vào cộng sản. Sau các chính sách đầy thù nghịch sau 1975, nhiều người trong cả nước vẫn tin vào cộng sản. Sau các nhượng bộ nhục nhã của chính quyền đối với Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biên giới cũng như trên hải phận Việt Nam, nhiều người dường như vẫn tiếp tục tin vào cộng sản.
Có thể nói, một trong những lỗi lầm lớn nhất của quần chúng là trí nhớ của họ, nói chung, rất kém, do đó, họ cứ bị nhà cầm quyền lừa dối mãi. Hết năm này đến năm khác. Có khi hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Có thể nhiều người biện minh: Người Việt dễ tha thứ.
Không phải. Người Việt Nam thường mau quên nhưng lại ít biết tha thứ. Hậu quả của tật hay quên là thiếu sự sâu sắc, của việc ít biết tha thứ là thiếu sự cao thượng. Một dân tộc chỉ thực sự mạnh mẽ khi làm ngược lại: Sẵn sàng tha thứ nhưng vẫn không quên, không bao giờ quên những vết thương người khác đã gây ra cho mình.
Nói đến tha thứ, tự dưng nghĩ đến chuyện hoà giải.
Người chiến thắng dễ tha thứ cho người thua cuộc, nhưng sự tha thứ ấy vô nghĩa vì chính những người thua cuộc mới có quyền tha thứ. Người thua cuộc dễ hoà giải với người chiến thắng nhưng sự hoà giải ấy hoàn toàn vô ích vì chính người chiến thắng mới là kẻ quyết định việc hiện thực hoá sự hoà giải ấy. Trong sinh hoạt chính trị Việt Nam sau năm 1975, người ta luôn luôn đòi hỏi những việc nghịch lý và vô bổ: sự tha thứ từ người chiến thắng và sự hoà giải từ những người thua cuộc.
Nguyễn Hưng Quốc