Nguyễn Ngọc Chu: Chấn hưng văn hóa không phải ở 350 000 tỷ đồng, chấn hưng văn hóa trước hết là chấn hưng chính trị, chấn hưng thể chế

1.

Muốn chữa bệnh thì phải biết căn nguyên bệnh, mới bốc thuốc đúng, mới chữa được cái gốc của bệnh.

Nhìn lại thực trạng xã hội hiện nay để suy nghĩ. Chỉ nói riêng về nạn tham nhũng. Công cuộc chống tham nhũng mỗi ngày một mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn. Hàng loạt tướng, hàng loạt bí thư tỉnh, hàng loạt uỷ viên trung ương đảng, cả các uỷ viên bộ chính trị và thậm chí cả chủ tịch nước bị hoặc ngồi tù, hoặc cách chức hay từ chức. Nhưng tham nhũng không thuyên giảm. Bằng chứng là số lượng người tham nhũng bị kết tội ngày càng nhiều hơn. Có thể nhìn thấy, công cuộc chống tham nhũng không có hồi kết.

Đi vào từng lĩnh vực thì nạn tham nhũng biểu hiện muôn hình vạn trạng, ngày càng tai hoạ hơn.Trong lĩnh vực quản trị quốc gia, tham nhũng làm suy yếu hàng ngũ lãnh đạo. Trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng rút ruột các dự án. Trong lĩnh vực toà án, tham nhũng bẻ cong công lý, án oan sai mỗi ngày một kinh hoàng . Trong lĩnh vực y tế, tham nhũng băng hoại đạo đức người thầy thuốc. Trong lĩnh vực giáo dục, tham nhũng độc hại cho cả thầy giáo lẫn học trò. Không có lĩnh vực nào mà nạn tham nhũng không càn quét. Hậu quả cuối cùng là con người bị “sâu mọt”, xã hội bị “sâu mọt”.

2.

Con người bị “sâu mọt” và xã hội bị “sâu mọt” thì văn hoá không thể phát triển. Cho nên, chấn hưng văn hoá không phải bắt đầu từ 350 000 tỷ đồng. Trong cơ chế hiện thời, có chi đến 10 triệu ngàn tỷ đồng hay nhiều hơn nữa thì cũng không thể chấn hưng văn hoá.

Muốn chấn hưng văn hoá thì phải chấn hưng con người, chấn hưng xã hội. Và như vậy phải tìm đến gốc rễ cuối cùng là chấn hưng chính trị, chấn hưng thể chế.

Nguyễn Ngọc Chu