Nguyễn Ngọc Chu: Làm thế nào để thêm hiệu quả trong lấy ý kiến cử tri?

1. LẤY Ý KIẾN CỬ TRI VỀ ĐẶT TÊN PHƯỜNG XÃ: CẦN CẢI THIỆN ĐỂ TĂNG THÊM THỰC CHẤT 

Dưới áp lực của dư luận xã hội, các tỉnh đã từ bỏ cách đặt tên xã theo tên huyện gắn số thứ tự [1].

Nhưng bỏ mất huyện, muốn giữ tên huyện phải lấy một xã mới mang tên huyện. Trên khắp cả nước, một “quá trình ngược” huyện biến thành xã  đang diễn ra. Ví như xuất hiện các xã  Hà Trung, xã  Hoằng Hoá thay cho huyện Hà Trung và huyện Hằng Hóa, huyện Thanh Miện thành xã  Thanh Miện… 

Tương tự như vậy là “quá trình ngược biến thành phố thành phường”. 

Chỉ mấy tháng trước đây, quá trình chạy đua nâng cấp đô thị diễn ra rầm rộ. Từ đô thị loại V (trên 4000 dân, tỷ lệ phi nông nghiệp trên 65%, cả nước có 705 đô thị) nâng cấp lên đô thị loại IV (trên 50 000 dân, tỷ lệ phi nông nghiệp trên 70%, cả nước có 94 đô thị). Rồi tiến lên đô thị loại III (≥ 100.000 người, tỷ lệ phi nông nghiệp ≥ 75%, cả nước có 45 đô thị). Tiếp nữa, phấn đấu lên đô thị loại II, thành phố trực thuộc tỉnh (trên 200 000 dân, tỷ lệ phi nông nghiệp trên 80%, cả nước có 36 đô thị). Thi đua nâng cấp nữa là đô thị loại I, thành phố trực thuộc tỉnh, vùng, trung ương (trên 500 000 dân, tỷ lệ phi nông nghiệp trên 85%, cả nước có 22 đô thị).

Bây giờ thì nghe phường Nha Trang, phường Quy Nhơn, phường Buôn Ma Thuột, phường Pleiku, phường Vũng Tàu…thay cho Thành phố.

Điều cần lưu ý là cách thức lấy ý kiến cử tri về đặt tên phường xã  còn nặng về hình thức. Cụ thể là mấy điểm sau đây.

– CHỈ CÓ MỘT PHƯƠNG ÁN. Đưa cho người dân lựa chọn. Nhưng chỉ có một tên với yêu cầu đồng ý hay không đồng ý. Tất nhiên là đa số sẽ đồng ý. Bời vì chẳng có lựa chọn khác. Mà ai cũng hiểu chính quyền đã quyết rồi. Có ý kiến khác cũng không thay đổi được, chưa nói là hệ quả phiền phức.

– Trong vài trường hợp, có thêm một phương án nữa để lựa chọn. Nhưng đó là “phương án yếu”. Thành ra, phương án dự kiến vẫn được “đông đảo thông qua”.

– Trong lấy kiến của cử tri, không có phần cho cử tri đề xuất. 

Tất cả những điều vừa nêu và còn các điều khác nữa, làm cho việc lấy ý kiến của cử tri trở nên hình thức, tốn kém thời gian mà không huy động được trí tuệ quần chúng.

Trong thời đại internet, có nhiều cách thức thu hút được sự đóng góp trí tuệ của quần chúng, mà không mất thời gian như cách lấy ý kiến cử tri hiện nay. Việc đặt tên phường xã  không nên hỏi ý kiến toàn dân. Chỉ cần tập trung được tập thể những đại diện, mà như cụ Hồ nói là “hỏi đúng người” [4], thì không chỉ sẽ được đa số đồng ý, mà quan trọng nữa là lựa chọn được tên đẹp, ý nghĩa, tồn tại dài lâu.

2. NÊN LẤY Ý KIẾN CỬ TRI VỀ CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG HƠN

Thay vì hỏi ý kiến từng cử tri về đặt tên phường xã , hãy hỏi ý kiến cử tri về những vấn đề quan trọng hơn.

Chẳng hạn như vấn đề thị trưởng, tỉnh trưởng. 

Xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, đi đôi với giảm nhân sự là phải có nhân sự giỏi. Bỏ cấp huyện, nhiều nhiệm vụ cấp huyện chuyển lên cấp tỉnh. Cấp tỉnh trực tiếp lãnh đạo xuống các cấp phường xã  trên toàn tỉnh. Không có lãnh đạo cấp tỉnh giỏi, công cuộc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp sẽ kém hiệu quả, có thể dẫn đến trường hợp xấu hơn so với khi còn cấp huyện.

Việc cử tri cho ý kiến về thị trưởng, tỉnh trưởng thực sự cần thiết. Đây là vấn đề mang lại lợi ích quan trọng hơn vấn đề đặt tên xã  tên phường.

Một thí dụ khác. 

Ngày 6/1/1946, đã diễn ra cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH). Ngày 9/11/1946, Quốc hội nước VNDCCH đã thông qua Hiến pháp năm 1946 với 240/242 đại biểu tán thành.

Điều 21, Hiến pháp năm 1946 của VNDCCH quy định QUYỀN PHÚC QUYẾT TOÀN DÂN. Nhưng do hoàn cảnh toàn quốc kháng chiến, QUYỀN PHÚC QUYẾT TOÀN DÂN trong Điều 21 chưa bao giờ được thực thi.

Trong kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, những vấn đề lớn của quốc gia, trong đó có Hiến Pháp, thực sự cần được TOÀN DÂN PHÚC QUYẾT.

Nguyễn Ngọc Chu

—————-

Tài liệu dẫn:

[1] Bộ Nội vụ: Khuyến khích đặt tên cấp xã mới theo tên huyện cũ gắn số thứ tự, Tuổi Trẻ

[2] Tất cả các xã sau sắp xếp ở Thanh Hóa đều lấy tên địa danh, có Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Tuổi Trẻ

[3] TP Hải Dương, huyện Thanh Miện dự kiến đặt tên phường, xã mới thay cho phương án ban đầu, Báo Điện tử Chính phủ

[4] Cụ Nguyễn Đình Ngân hiến kế đặt tên tỉnh Hà Bắc, Bắc Giang[5] Bộ trưởng Nội vụ ủng hộ mô hình thị trưởng, tỉnh trưởng trong quản trị địa phương, VietnamNet