Nguyễn Quốc Tấn Trung: Có phải Cựu Tổng thống Jimmy Carter “hy sinh sự nghiệp chính trị” để ủng hộ người Việt tỵ nạn?*
Báo chí người Việt ở nước ngoài có vẻ cũng không khác mấy so với báo chí chính thống trong việc điều chỉnh sự thật lịch sử để khớp nó với narrative chính trị mà họ đang thúc đẩy ở một giai đoạn nhất định.
Sau khi Tổng thống Jimmy Carter mất, họ biến ông thành một vị tổng thống ngược dòng chính trị quốc nội, “hy sinh sự nghiệp chính trị” để ủng hộ người tị nạn, và từ đó gắn kết với các diễn ngôn nhập cư không kiểm soát, gây hại cho nhiều chủ thể hiện nay.
Dưới đây là một số thông tin để bạn đọc cân nhắc, kiểm chứng.
1. AI LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN?
Tổng thống Gerald Ford (Đảng Cộng Hòa) là lãnh đạo Hoa Kỳ đầu tiên phải đối mặt trước quyết định chính sách về việc có tiếp nhận người tị nạn đến từ Đông Dương sau năm 1975 hay không.
Dùng cách nói của các tờ báo nhắc đến ở trên, “khi mà chỉ có 36% người Mỹ ủng hộ di dân Việt Nam”, Gerald Ford ký thông qua Indochina Migration and Refugee Act 1975.
Đây mới là văn bản đầu tiên đón nhận 130,000 người Việt đầu tiên sang Hoa Kỳ, trao cho họ tư cách pháp lý tị nạn đặc biệt và tạo hàng rào pháp lý nền tảng cho việc mở rộng chương trình tị nạn sau này.
Nguồn tham khảo: [Immigration Policy Center – Thirty Years of Vietnamese Immigration to the United States]
2. KHÔNG GIAN CHIẾN TRANH LẠNH
Chiến tranh Lạnh là không gian chính trị rất khác so với không gian hiện nay.
Những người tị nạn đến phương Tây trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh bị cấm ra khỏi đất nước của họ, và việc ra đi là một quyết định chính trị lớn để thể hiện việc “bỏ phiếu bằng chân”.
Điều này tạo ra một sự đồng đều về quan điểm chính trị và khả năng hòa nhập với một danh tính dân sự (civic identity) ổn định.
Nó cũng là lý do gần như không có bất đồng về đảng phái nào về việc tiếp nhận người tị nạn Cuba (giai đoạn 1965-1973), người tị nạn Soviet, và các quốc gia châu Mỹ Latin khác. [Tham khảo nguồn: David A. Martin, The Refugee Act of 1980: Its Past and Future, 3 MICH. J. INT’L L. 91 (1982)]
Nói cách khác, không có căn cứ chính trị – pháp lý nào để cho rằng ông Carter như là một điểm sáng khác lạ trong việc ủng hộ người tị nạn của Hoa Kỳ trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Điều này khác hoàn toàn với không gian nhập cư hiện nay, khi đại đa số các nhóm nhập cư lậu đều không hề chạy trốn đàn áp chính trị hay gặp phải các nguy hiểm tương tự. Họ thường duy trì niềm tin tôn giáo, chính trị mà họ có vào lãnh đạo quốc gia sở tại của mình, và từ đó thường tham gia tích cực vào các phong trào bài phương Tây, “giải thuộc địa” tại đây.
Trong một số trường hợp như Venezuela, Nga, hay Trung Quốc, người dân nhập cư từ các quốc gia này đang được dùng để gây rối loạn và uy hiếp chính phủ phương Tây.
[Đọc thêm về việc Nga sử dụng và điều hướng làn sóng nhập cư từ Nga vào Phần Lan để uy hiếp chính phủ nước này trong thời điểm cuộc chiến tại Ukraine diễn ra tại đây: Centre for Eastern Studies – Russia is putting migration pressure on the border with Finland]
3. HY SINH SỰ NGHIỆP CHÍNH TRỊ
Không.
Cũng tương tự như Gerald Ford, Jimmy Carter không tái đắc cử không liên quan gì đến chính sách tị nạn cả. Thay vào đó là nhiều lý do khác nhau, mà một số có thể kể đến như thất bại của Carter trong việc để xảy ra cuộc khủng hoảng con tin ở Iran (khi mà Đại sứ quán Hoa Kỳ bị kiểm soát bởi lực lượng cách mạng Hồi giáo), cũng như việc ông không thể kiềm chế Soviet ở Afghanistan.
Ngoài ra, cũng không thể không kể đến sự “cuốn hút” của một nhân vật chính trị mới nổi, phi truyền thống, và khéo ăn khéo nói như Ronald Reagan.
Riêng về Refugee Act of 1980 mà Carter ký thông qua, Đạo luật này nhận được sự ủng hộ tuyệt đối và đồng thuận thông qua bởi Thượng viện Hoa Kỳ (tức ủng hộ 100%, thông qua mà không có bất kỳ khác biệt chính đảng nào). [Tham khảo: National Archives Foundation]
Refugee Act of 1980 chưa bao giờ là điểm tranh cãi hay công kích nhau giữa hai đảng phái, và người dân Mỹ chưa bao giờ phản đối hay không bỏ phiếu cho Carter vì chính sách này (vì chính trị gia Đảng Cộng hòa thì ở giai đoạn này cũng ủng hộ tiếp nhận người tị nạn chính trị thôi).
*tựa do DĐTK đặt