Nguyễn Quốc Tấn Trung: Thực dân Bồ Đào Nha, thuế quan Hoa Kỳ hiện đại, và nỗ lực cuối cùng?

MỘT GÓC NHÌN TỪ SỬ LUẬN CÔNG PHÁP QUỐC TẾ

Quan điểm kinh tế về thuế nhập khẩu mà Hoa Kỳ nhắm đến Việt Nam và gần như mọi quốc gia khác trên thế giới đã được nhiều chuyên gia phân tích. Trong bài viết này, Trung hy vọng có thể mang đến cho độc giả một góc nhìn khác – lịch sử thế giới thông qua công pháp quốc tế và các lý thuyết liên quan. Trong đó, thay vì chỉ trích hay phê phán chính quyền Trump một cách tuyệt đối, Trung lại cho rằng đây là những nỗ lực cuối cùng, có thể nói là tuyệt vọng, của giới lý thuyết gia trọng thương trong chính quyền Trump, khi mà Hoa Kỳ vẫn còn giữ sức mạnh tiêu dùng khổng lồ nhưng mong manh của họ.

* BỒ ĐÀO NHA VÀ HIỆP ĐỊNH METHUEN 1703

Nếu có đọc qua sử thế giới, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết rằng Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia đầu tiên khởi xướng phong trào thực dân và khai thác thuộc địa trên toàn thế giới. Nguồn tài nguyên mà Bồ Đào Nha trích xuất được từ các thuộc địa (như Brazil) là khổng lồ. Chúng bao gồm kim cương, vàng, bạc, bông, các loại hương dược (spices), và nhiều vật phẩm quý giá khác… Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19, Bồ Đào Nha gần như không còn bất kỳ lợi thế tiền tài nào mà họ đã trích xuất được một cách tàn bạo từ các thuộc địa.

Minh họa việc ký kết Hiệp ước Methuen năm 1703 trong cuốn sách História de Portugal, Popular e Ilustrada, của Alfredo Roque Gameiro (1864-1935)

Câu hỏi từ đó đặt ra là: TIỀN ĐÃ ĐI ĐÂU RỒI?

Góc nhìn của giới nghiên cứu công pháp quốc tế (hay ít ra trong hoạt động sử luận của họ) cho rằng nó đã mất gần hết vì chênh lệch cán cân thương mại khổng lồ với các trung tâm chính trị khác của châu Âu, mà ví dụ cụ thể nhất là Hiệp định Methuen 1703 (Treaty of Methuen 1703), ký với Vương quốc Anh.

Trong Hiệp định này, Vương quốc Anh sẽ đánh mức thuế ưu đãi cho các mặt hàng như rượu và và dầu olive của Bồ Đào Nha. Đổi lại, Bồ Đào Nha chấp nhận nhập khẩu và ưu đãi các mặt hàng như vải, quần áo, và các loại hàng hóa sản xuất chế tạo khác.

Người đọc tinh ý chắc nhận ra vấn đề ngay lập tức.

Dù mức thuế danh nghĩa cho thấy cả hai bên cùng có lợi, Bồ Đào Nha chỉ xuất khẩu được các sản phẩm truyền thống đã có lịch sử hàng ngàn năm với biên độ lợi nhuận và hàm lượng công nghệ thấp. Trong khi họ lại chấp nhận mua các mặt hàng sản xuất chế tạo công nghệ cao ở thời điểm đó từ Anh (ngành công nghiệp dệt, may có thể được xem là ngành công nghiệp tiên phong cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, sau đó mở rộng sang sản xuất và chế biến coffee, đường… cùng nhiều ngành cơ khí phụ trợ).

Điều này đồng nghĩa với việc Bồ Đào Nha, cùng lượng tài chính khổng lồ mà họ trích xuất từ thuộc địa, không thể thúc đẩy nền công nghiệp của nước mình mà lại tạo ra một hoàn cảnh dở khóc dở cười:

1. Làm thiệt hại và gần như triệt tiêu các ngành công nghiệp chớm nở của Bồ Đào Nha, bao gồm công nghiệp dệt, may, và các ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ khác;

2. Tạo ra sự lệ thuộc về sản xuất mà Vương quốc Anh nắm đằng chuôi;

3. Tạo ra thâm hụt cán cân thương mại khổng lồ.

Nói cách khác, Hiệp định Methuen 1703 là điểm khởi đầu cho việc biến Bồ Đào Nha trở thành một quốc gia trung gian bất đắc dĩ trong chuỗi cung ứng và sản xuất thế giới (semi-peripherals), trích xuất tài nguyên từ các quốc gia thuộc địa (peripherals), nhưng xuất khẩu các sản phẩm chưa chế biến, giá trẻ và lại nhập khẩu các sản phẩm chế tạo, giá trị cao từ các trung tâm công nghiệp khác, mà ở đây hưởng lợi nhiều nhất là Vương quốc Anh (cores).

Những gì diễn ra tiếp theo là lịch sử, khi ngân khố trích xuất từ sản phẩm thô và vàng, bạc thuộc địa không còn đủ cho sự tiêu dùng của đại chúng và giới chóp bu chính quốc, họ cũng không còn đủ tiền để duy trì mối quan hệ bóc lột các thuộc địa. Thời đại của thực dân Bồ Đào Nha lụi tàn, và lá cờ mới được phất bởi các Đế quốc sản xuất công nghiệp như Anh và Pháp.

* HOA KỲ KHÔNG PHẢI BỒ ĐÀO NHA, NHƯNG…

Nói đến đây, có lẽ cũng cần nói rõ quan điểm rằng mình tin Hoa Kỳ không phải Bồ Đào Nha.

Hoa Kỳ là một nền kinh tế sản xuất tự thân. Hoa Kỳ vẫn là “trùm cuối” của sản xuất công nghệ cao. Hoa Kỳ vẫn là một trong những trung tâm tài chính kiểm soát dòng tiền của toàn thế giới. Tinh thần khởi nghiệp và sản xuất, tư doanh làm giàu của Hoa Kỳ vẫn là số một trong các quốc gia phương Tây.

Không phải không có lý do mà năng lực sản xuất, năng suất lao động, và chỉ số kinh tế của Hoa Kỳ đều vượt trội toàn châu Âu lẫn các quốc gia khác như Canada. Đây cũng là lý do mình không hiểu Hoa Kỳ áp thuế Canada làm gì khi mà năng lực sản xuất nội địa của Canada rất yếu, người dân chủ yếu là tiêu dùng và tương đối lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất này cũng có thể nói đã suy giảm rất nhiều so với trước đây, khi mà Hoa Kỳ không còn là độc cô cầu bại ở hầu hết các ngành sản xuất công nghệ cao nhất (mà sản xuất chips và khoa học máy tính là một ví dụ cụ thể).

Vì bối cảnh lịch sử và các phân tích trên, mình nghĩ rằng hành động của Trump không nên được phân tích đơn thuần là thói quen bully từ tính cách cá nhân, các khung phân tích đế quốc, chủ nghĩa biệt lập, hay sự tào lao của phản tri thức. Nó đến phần nào từ tàn dư của các lý thuyết trọng thương, khoản nợ công khổng lồ của chính phủ Hoa Kỳ, cùng nỗi lo sợ lịch sử, và sức mạnh tiêu thụ vốn dần dần đang yếu đi.

Thuế quan không phải là vấn đề của tính sao cho đúng lý thuyết nữa, nó là vấn đề của loại bỏ thâm hụt thặng dư thương mại khổng lồ của Hoa Kỳ.

* BÀI VIẾT NÀY VẪN KHÔNG PHẢI ĐỂ ỦNG HỘ CHÍNH SÁCH CỦA TRUMP NÓI CHUNG

Cần nói rõ rằng mình không ủng hộ hoàn toàn bước đi này của Tổng thống Trump.

Đúng là chấp nhận status-quo (hiện trạng chính trị) đối với các mối quan hệ kinh tế hiện nay chắc chắn không phải là lựa chọn tối ưu cho người Mỹ. Không phải không có lý do mà chính quyền Tổng thống Biden duy trì hầu hết các mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc mà nhiệm kỳ Trump 1.0 đặt ra. Người Mỹ nhận ra rằng họ phải làm điều gì đó để không phải bị bòn rút và chịu thiệt như cách mà người Bồ Đào Nha phải chịu.

Tuy nhiên, cũng không phải không có lý do mà chủ nghĩa trọng thương không còn là lý thuyết chủ đạo trong kinh tế quốc tế, và đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ nhìn có vẻ ngang tài ngang sức với một siêu cường khác (trước đây là Liên Xô, và bây giờ là Trung Quốc).

Thứ giúp Hoa Kỳ tồn tại không đơn thuần chỉ là những con số kinh tế vĩ mô (mà Liên Xô trước kia có khi còn đẹp hơn). Thứ giúp họ tồn tại và mạnh mẽ là các định chế quốc tế mà họ xây dựng, các giá trị mà họ theo đuổi, những cộng đồng đã cùng họ tạo ra sức bật và những đồng minh kề vai sát cánh với họ dựa trên những giá trị chung chứ không phải vì tiền.

Liệu thù địch hóa tất cả các quốc gia khác có tạo ra một cộng đồng của những giá trị chung mà họ từng có hay không?

***

Chuyện ở Việt Nam thì chắc phải dành cho các chuyên gia kinh tế Việt Nam bàn, song khi mà thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc cũng đã tăng gấp đôi từ năm 2023 đến năm 2024, có lẽ những phản ứng của Hoa Kỳ nên gợi ý điều gì đó cho các định chế pháp lý và nền tảng sản xuất tại Việt Nam.

Nguyễn Quốc Tấn Trung