Nguyễn Tấn Cứ: Vĩnh biệt Hoạ Sĩ Black Painting Nguyễn Thái Tuấn

Họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn, qua đời ngày 11.3.2023.

“Yêu ai cứ bảo rằng yêu

Ghét ai cứ bảo rằng ghét“ (Phùng Quán)

Thái Tuấn là như rứa, cực đoan đến khắc nghiệt, thà cô độc cô đơn cô quả một mình chứ không bao giờ sa cạ chén tạc chén thù một khi đã ngửi ra mùi dối gian bốc ra từ tâm địa của những kẻ không ra gì, hắn sẵn sàng đóng cửa không tiếp một ai cho dù đó là những kẻ cực kỳ tăm tiếng nhưng sặc mùi cơ hội.

Với hắn trần gian nầy đầy nỗi buồn, buồn tan nát, buồn ngơ ngác khi nhìn thấy những điều ngược ngạo, hắn không thể làm chi, chỉ biết câm lặng tự đâm vào tim mình những bức tranh đen chí mạng, thời tuổi trẻ hắn đã từng rạch nát cánh tay của mình vì tuyệt vọng, hắn nói “anh đừng kể với ai vì nó đáng bị như thế “.  Vincent van Gogh còn tự cắt tai mình huống chi…Nguyễn Thái Tuấn ơi !

Tao sẽ về tiễn mầy đi về nơi sương khói, nơi từng có những buổi chiều cuối năm hai anh em đi hết vòng hồ Xuân Hương và chơi hết một bình rượu, không để làm gì khi mà bóng đêm đang đè xuống thấp, mai tao sẽ măc cái áo mầy tặng tao khi từ Australia trở về sau một cú triển lãm thành công dữ dội … Thôi đi bình an nghe Tuấn vì bạn sẽ không còn phải khắc khoải với cái đất nước bầm dập đau thương nầy nữa … tạm biệt bạn tôi !!!

*****

Con người đất nước trong tranh Nguyễn Thái Tuấn

Cô đơn không phải dễ, cô độc càng không, sống cùng với nó không phải chuyện đùa, những ai thuộc về đám đông đừng mong nó sẽ đến với mình nhưng một khi nó ập đến thì vô phương, cho dù vây quanh bạn rầm rập tiếng nói cười, bạn vẫn thấy cô đơn hiu quạnh, cô độc đến kinh hoàng, một khi chốn ấy ngập ngời mưa mù sương trôi buốt giá.

Với một nghệ sỹ khắc kỷ như Nguyễn Thái Tuấn thì cô đơn như một cây bút lông cô độc với tone màu xám xịt trong một bóng đêm mờ mịt, nơi có những linh hồn không đầu lang thang, nơi của những phận người không biết làm gì ngoài câm lặng, không miệng không mắt không tai, tất cả đều bị biến mất như một lời nguyền. Nguyễn Thái Tuấn vẽ họ bằng sự xót xa cay đắng, trong đêm đen giá lạnh chỉ có anh và họ thì thầm với nhau những lời ca phản kháng bằng những tone màu xám xịt, bằng những nỗi buồn tan hoang trong những manh áo rách, dưới những dùi cui súng đạn nhà tù thép gai còng công an âm u xanh lét.

“Quá ám ảnh”, đó là tất cả những gì khi xem tranh Nguyễn Thái Tuấn, ám ảnh đến mức một trang văn chương mạng nổi tiếng ở hải ngoại Tiền Vệ (https://tienve.org/), một khuynh hướng chữ nghĩa quyết liệt bảo vệ cho cái mới, đã phải hàng tuần giới thiệu hàng loạt “tranh đen của Nguyễn thái Tuấn“ cho tới khi Tuấn được mời đến Australia như một hiện tượng bất thường. Vì những gì văn chương không tả thực được hết những khổ đau thì bằng hội hoạ, Nguyễn Thái Tuấn đã lột trần tuốt sạch nó ra cho nhân loại thấy có một đất nước đang phải chịu thương đau như thế nào dưới ách độc tài độc quyền của ý thức hệ cộng sản, không màu mè không mơ mộng không ve vuốt. Nguyễn Thái Tuấn đã không

“mổ xẻ nó ra“ như người ta thường làm mà chặt phăng. Nó không còn đầu nữa, cơ quan điều khiển trung tâm của con người biến mất chỉ còn lại những zombie biết đi, không linh hồn không cảm xúc, còn hơn một cuốn phim kinh dị khi những hình nhân không đầu đó là một xã hội, một đất nước, một quê hương mà đêm đêm họa sĩ phải đối thoại trực diện với nó trong niềm thương yêu ngút ngàn. Đừng nói rằng chàng hoạ sĩ “bôi đen“ khi một lúc nào đó bạn rơi tõm vào cái phễu của địa ngục, lúc đó bạn chỉ là một cọng cỏ không đầu bị ngắt đi quăng vào tranh Nguyễn Thái Tuấn. Đừng xem nếu bạn thấy ghê khiếp, cũng đừng khêu gợi nếu bạn là một nạn nhân, lúc ấy bạn hãy khóc lên từ phía sau khuôn mặt đen đúa, nếu có, rằng hãy “khóc lên đi quê hương yêu dấu”

(họa sĩ đương đại Nguyễn Thái Tuấn 1965 – 2023.  Sống và sáng tác tại Dalat, nguyên quán Quảng Trị, từng tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế )

MỘT SỐ BỨC TRANH CỦA HỌA SĨ NGUYỄN THÁI TUẤN.

Nguồn: Tiền Vệ.