Nguyễn Thanh Bình: Tản mạn về nghề – Vệt cọ đi theo thời gian

Tranh Nguyễn Thanh Bình

Vẽ, là thứ tôi phải học từ bé (1965 – 11 tuổi), mài đít trong trường 13 năm (7 năm sơ trung và 6 năm đại học), ra đời, phải lăn lóc nhiều nghề trái khoáy, nhưng cuối cùng, vẫn quay về và dựa vào nó để sống, nên nó là “cái nghề” mà tôi rành rẽ, thành thạo nhất.

Nhưng, khác với những nguời trời cho năng khiếu từ nhỏ, luôn đầy ắp cảm hứng, tôi luôn phải dựa vào thứ khác như văn học hoặc âm nhạc để duy trì một “động năng” cho việc vẽ tranh, vì kỹ thuật, kỹ năng học được trong trường là không đủ.

Chỉ từ văn học hoặc âm nhạc, thì một cái gì đó giống như “cơn hứng” mới trồi lên, lay động tình cảm nhưng chưa phải là cảm xúc. Đặc biệt, với những “yêu cầu” theo ý chủ quan của khách, thì cái “tình” kia không xuất hiện (thậm chí không bao giờ có), cái được tạo ra chỉ đơn thuần là quán tính kỹ thuật.

Nguyên nhân ở chỗ: khác với những họa sỹ khởi đi từ năng khiếu và đam mê – từ “ý” dẫn đến “tứ” tạo ra cảm xúc của họ đi trực tiếp từ trong tâm, dồi dào, nên có thể “đáp ứng” bất cứ cái gì, bất cứ lúc nào, trong khi tâm tôi không có tư duy dẫn đến cảm xúc tạo hình, nên nó phải đi vòng.

Những bức thành công nhất, với các chủ đề khác nhau, cho triển lãm cá nhân hoặc nhóm, không theo “yêu cầu”, thì luôn bằng vẽ cảm xúc thật. Đơn giản vì không bị “ra đề bài” nên nó “tự do” … nhởn nhơ, nên nó “thoáng”. Lúc bấy giờ, cái “thoáng” đó mới được kỹ thuật, kỹ năng dẫn đi …

Từ lâu, tôi đã nói nhiều lần: Hôi họa, âm nhạc và văn học thực ra chỉ là những mặt khác nhau của một khối, có tên là “nghệ thuật”. Người có tố chất hội họa sẽ vẽ, có tố chất âm nhạc sẽ đàn và có tố chất văn chương sẽ viết, nhưng từ nhỏ, tôi không được đi theo cái vốn là “tố chất” của tôi, do đó vẽ hỏng rất nhiều, và khi hỏng, nếu chưa nản lòng mà vứt bỏ, thì lại dựa vào văn chương hoặc âm nhạc, “nhóm lửa” lại …

Bức “Dàn Đồng Ca” (Galeries La Vong – 1996) ra đời từ một bức vẽ hỏng, và được gợi hứng lại một cách khó khăn từ bản Aria của Yanni.

Sau này, giai điệu dịu dàng và man mác buồn từ bản Serenate của F.Schubert gợi ý cho tôi tạo ra cái background cực kỳ đơn giản, không có chi tiết mà chỉ có hòa sắc thay đổi rất nhẹ, vẫn tạo ra không gian …

Rộng hơn nữa, khi được tự do, không có gì ràng buộc, kỹ thuật, kỹ năng cưỡi trên lưng con ngựa cá tính chắc chắn tạo ra những điều mới mẻ.

***
Dạo này nhiều triển lãm …!

Điều cũng bình thường …

Và người ta viết về những triển lãm ấy cũng nhiều …!

Điều ấy tất nhiên, cũng là bình thường …

Vì, người ta phát biểu cảm nghĩ, cảm xúc hay ấn tượng cá nhân của mình.

Nhưng, nó mới chỉ dừng lại ở cảm nghĩ, cảm xúc hay ấn tượng cá nhân, mang tính “riêng tư”!

Còn “lưu” một “áng văn” thế này từ mấy năm trước: “Với sắc vàng lộng lẫy tôn giáo, vỏ trứng nhễ nhại, sơn then thăm thẳm hòa hợp tương tác, ứng biến qua nhiều cấp độ: đập vụn, tung vãi, dồn nén, quy tụ … rồi lại nhảy nhót tưng bừng trên vai trần thiếu nữ mùa hạ … trong lãng đãng giấc mơ nàng Kiều, tư lự ru tình phảng phất khúc tỳ bà định mệnh … đọc lên cái khác thường của nghệ thuật sơn mài, cái bản năng cổ truyền đã không nhìn nhận sự vật bằng con mắt viễn cận duy lý Châu Âu nhưng vẫn chuyên chở được chiều sâu thăm thẳm không gian miền ký ức …”

Tụt huyết áp luôn!

Không biết mọi người đọc xong đoạn văn trên có cảm thụ được tác phẩm hội họa hay cảm phục tài “làm văn” của tác giả!

Thiển nghĩ, mục đích của việc giới thiệu hay phê bình bất cứ tác phẩm nào– hội họa, văn học hay âm nhạc – là ít nhiều giúp người khác cảm nhận được tác phẩm, vì một lẽ đơn giản: Nó là hình thức “phổ cập” khả năng cảm nhận nghệ thuật cho số đông, nhiều thành phần, nhiều trình độ. Đương nhiên là việc khó.

Rất nhiều bạn bè đồng nghiệp muốn tôi “phát biểu” về tác phẩm của họ. Hoàn toàn không dễ dàng chút nào … vì không thể phán bừa, tâng bốc hay chê bai, buộc lòng phải cân nhắc cẩn thận.

Muốn phê bình hội họa, đương nhiên phải hiểu hội họa, nhưng hiểu thế nào? Hiểu về phong cách, phải tìm hiểu phong cách ấy bắt đầu từ đâu. Hiểu về chất liệu, phải biết tính chất (vật lý hoặc hóa học) của từng chất liệu v.v…

Một bài giới thiệu hoặc phê bình, không phải là bản mô tả tác phẩm bằng những thuật ngữ khiến người xem ù tai, lại càng không thể là một “áng văn” óng ánh mà rốt cuộc, chẳng ai hiểu gì.

Tôi không biết giáo trình ở các khoa lý luận, phê bình nó ra làm sao, nhưng cảm giác rằng, sinh viên tốt nghiệp có nhiều lý luận mà ít hiểu biết, vì dường như họ không được dạy cách yêu con người và tác phẩm.

Muốn yêu ai thì ít nhất cũng phải biết tính tình, thói quen hay sở thích của người đó …

Khi một tác phẩm (nghệ thuật) hiện ra trứớc mắt đám đông, thì mỗi người đều có cảm nhận riêng, rất khác nhau, giống như hàng triệu cặp mắt dõi theo một trận cầu. Bạn thấy thế nào nếu bình luận viên cứ lải nhải chuyện vớ vẩn, thỉnh thoảng chêm những nhận xét “trời ơi !”?

Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật cũng như vậy!

Đó là một việc không dễ dàng.

***Tôi biết phần lớn mọi người sẽ không thích điều này, nhưng nó là kinh nghiệm/ trải nghiệm của bản thân …

Một trong vài “bí quyết” dẫn bạn đi xa là khả năng chịu được sự chê bai.

Nó không dễ chịu chút nào, không phải điều có thể hoan hỉ đón nhận, mà thường dẫn đến trạng thái tiêu cực!

Nhưng đừng tự ái, tôi vốn cũng từng hay tự ái, nhưng dần nhận ra tự ái chỉ tự hại mình. Nghe khen ngợi, tán dương thì ai cũng sướng, thấy khoan khoái trong lòng, kỳ thực, điều ấy chặn khả năng tự nhìn mình một cách trung thực.

Bỏ tự ái, thêm khả năng nhẫn nhịn, nhẫn nhịn để tự nhìn mình, tự biết mình dở chỗ nào, không phải là sự khiêm tốn mà là trung thực!

Tôi biết rằng sự khen ngợi chân thành có ý nghĩa động viên, nhưng đoạn khởi đầu mấy chục năm trước của tôi không có hoặc có rất ít điều đó, ngược lại, chỉ có sự coi thường và chê bai …

Bây giờ ngẫm lại, hoá ra điều đó lại là lợi ích!

Bây giờ, sự kiên nhẫn đã “đơm hoa, kết trái” và mọi người chỉ nhìn thấy hoa trái đó.

Đó cũng là lý do không khen ngợi dễ dãi mà cũng không chê bai bừa bãi … Khen/ chê dựa trên kinh nghiệm và kiến thức mình có, tuy nó chưa hẳn là sâu rộng, nhưng chắc chắn không hàm ý tâng bốc thái quá hay đập đổ phũ phàng … mà chỉ mong giúp bạn làm tốt hơn!

Nhưng đó chỉ là ý chủ quan của tôi, có căn nguyên từ Phật học, biết buông bỏ “cái tôi”, chứ chắc chắn nhiều người chẳng những không thích điều này mà còn khó làm theo!

***
Tháng trước, có một người sưu tập và chơi tranh, từ Hà Nội, tới thăm và gợi ý một dòng tranh khác với những “dòng” đã quá nhiều người biết …

Hôm qua, Karen Thomas, chủ phòng tranh Toriizaka Art (Portland – Oregan/ US) cũng gợi ý một điều tương tự …

Dòng tranh về đề tài tâm linh, tôn giáo hay cụ thể hơn, là Phật giáo (!)

Điều đó thật sự khó.

Khó ở chỗ: Nó không thể là một thứ “minh họa” cho tâm linh, cho một triết thuyết Phật giáo nào đó, mà là tâm thức tự tính của mình, cái tâm thức được bậc đại sỹ khai ngộ. Một lần, Thầy (Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ) vừa cười vừa kể: “nó nhốt tôi trong cái xà-lim cạnh cầu tiêu, tôi hửi cái mùi đó riết quen, tới chừng, nó dời tôi qua phòng khác, không còn mùi đó nữa … thấy nhớ!”

Trong tập thơ “Thiên Lý Độc Hành” có bài :“Bên đèo khuất miễu cô hồn
“Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng
“Cây già bóng tối bò lan
“Ta ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao

là cảm tác cũng là tâm sự của Thầy, trong những ngày lang thang vô định từ Da Lat về Bảo Lộc, trải miếng mền rách, ngủ trong một miếu hoang bên đường. Bậc đại sỹ không trú xứ (chùa) không đệ tử, cứ lững thững bước chân vô định và trải lòng với đất trời mênh mông, Có lần, đang lọ mọ trên đường, trời đã tối, con đường phía trước mịt mù, thẳm thẳm, thì có một chiếc xe dừng lại, vì thấy một ông già lủi thủi một mình trên đường vắng, mấy người trên xe cho ông đi nhờ, đưa về cái lán ven rừng. Thầy mắc võng ngủ, nửa đêm thức giấc, tình cờ nghe được chuyên của mấy người kia … Hóa ra họ là một đám cướp! Thầy đành nằm im re, nhắm mắt, vờ ngủ, đợi đến sáng rồi thừa khi đám kia còn ngủ, lẳng lặng cuốn võng, dò dẫm tìm ra đường, và tiếp tục độc hành …

Chính cái tinh thần vô úy (không sợ hãi) của bậc đại trí gầy gò, bé nhỏ, dạy tôi chẳng những không sợ hãi mà còn coi mọi thứ trên đời nhẹ như không.

Coi mọi thứ nhẹ như không chính là tinh thần bàng bạc trong tranh tôi bấy lâu nay. Không “chuyên chở” những gì to tát, không chi tiết rườm rà với một hòa sắc dịu dàng … nhưng, nó chưa thành một “dòng”!

Để nó thành một dòng riêng, cần những yếu tố khác“Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải
“Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
“Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
“Một vì sao trong khóe miệng rưng rưng

“Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
“Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa
“Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
“Dài con sông tràn máu lệ quê cha
… … …

(trích Tôi Vẫn Đợi – tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn – Tuệ Sỹ)

Những yếu tố đó là: Cô kết nhận thức về tánh Không (triết lý cơ bản của Đạo Phật) cho tới độ đủ “chín” để thành tranh. Trải lòng đủ rộng để có thể chạm đến góc khuất của mỗi người, chẳng cứ người Việt mà cho bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu … bằng kỹ năng riêng có, nhưng kỹ năng, kỹ thuật ấy không được che khuất con người thật của mình.

Những điều đó là rất khó … nhưng tôi nghĩ là có thể làm được.

Tranh của hoạ sĩ Nguyễn Thanh Bình