Nguyễn Thanh Huy: Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” là lời của người xưa để nói lên những nỗi gian truân thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của những người có cuộc sống mưu sinh gắn chặt với núi rừng. Nay câu nói ấy lại đúng, nhưng đúng theo một cách khác, kẻ ăn thì kê cao gối ngủ mà người không ăn lại nước mắt lưng tròng.
Sự kiện mưa bão vừa qua, một lần nữa, đã cho ta thấy những hệ quả khủng khiếp như thế nào, nó tương ứng theo cách con người đối xử với thiên nhiên.
Mưa, bão là những hiện tượng tự nhiên có tính tuần hoàn, con người dù có thông minh tài giỏi đến đâu cũng không thể cưỡng bách, thay đổi được quy luật của vũ trụ. Cách duy nhất con người có thể làm là hiểu và thuận theo nó. Điều này các bậc giác giả từ vài ngàn năm trước đã chỉ ra và giáo huấn cho con người, nhưng hậu thế ngày càng quên đi lời tiền nhân, chỉ vì tham lam, ích kỷ vô biên vô độ.
Mưa – bão là chuyện không thể tránh, con người chỉ có thể phòng bị mà giảm thiểu những rủi ro, hạn chế những mất mát. Nhưng lũ – lụt lại khác, những tàn phá do chúng gây ra không hoàn toàn bởi sức mạnh của thiên nhiên. Mà chính, có bàn tay con người đã tiếp sức. Cụ thể là, sự can thiệp, tàn phá thiên nhiên – phá rừng, biến những cánh rừng thành những ngọn đồi trọc lóc, biến màu rừng từ xanh thẳm chuyển thành bạc trắng, biến thảm thực vật mươn mướt thành những hoang mạc cằn cỗi.
Chức năng của rừng nhiều vô kể, xưa nay hầu như ai cũng biết. Một chức năng tối quan trọng là rừng có khả năng giữ nước, phân tán nguồn nước. Khi mưa đổ xuống, thảm thực vật của rừng sẽ giúp nước thẩm thấu và dần đi vào lòng đất; đồng thời nhờ cây cối mà nước được chia nhỏ về các khe suối; đặc biệt, rễ cây đã giúp đất không bị xói mòn và sạt lở. Chính những lí do đó mà rừng khiến cho nước từ trên cao không đổ ập xuống đồng bằng với một tốc độ kinh hoàng và một khối lượng khủng khiếp.
Sự tàn phá rừng và di hoạ của sự tàn phá đó là do con người. Vì vậy lũ lụt cần được nhìn nhận có sự tiếp sức, cộng hưởng bởi chính hành động của con người. Điều này cũng không có gì mới mẻ, to tát. Bất cứ ai có suy tư đều hiểu cả. Thế nhưng người ta vẫn cứ dùng luận điệu cũ rích – đổ lỗi cho thiên nhiên, thiên tai. Đây là cách chối tội nhanh nhất, khỏe nhất. Vì thiên tai năm nào mà chẳng có, và vì thủ phạm thiên nhiên là vô hình thì bắt giam bỏ tù sao được!
Vậy ai mới là thủ phạm thực sự?
Chắc chắn đó không phải là những người dân thấp cổ bé họng, và càng không phải những nạn nhân chịu cảnh tang thương do sạt lở núi đồi ngay trên chính làng mạc của họ. Núi rừng Việt Nam được quản lý, bảo vệ kỹ càng, lớp trong lớp ngoài. Rõ ràng những tuyến đường trọng yếu ngay cạnh bên những cánh rừng đều có lực lượng kiểm lâm chốt chặn, dân đen chỉ cần săn một con thú mang đi là bị phát hiện, phạt tiền và tù tội. Vậy mà cây to gỗ lớn cứ vơi dần, việc ấy chẳng khác gì “con voi chui lọt lỗ kim”.
Tây Bắc vốn núi non trùng điệp, đại ngàn thâm u gắn với nhiều huyền xưa tích cũ, những câu chuyện linh thiêng kỳ quái. Tây Bắc, núi non vững chãi, đánh dấu cương vực, làm thành luỹ ngăn bước quân thù tự ngàn xưa. Vậy mà, hôm nay chỉ vài trận mưa cũng đủ thành xiêu vách đổ, tan tác chim muông.
Chúng ta hãy thôi đổ lỗi cho thiên nhiên. Thiên nhiên biết cả. Mỗi hành động của con người tác động vào không gian cũng như một tín hiệu phát ra và sẽ thu nhận lại sự phản xạ của nó từ vũ trụ. Chúng ta đối xử với thiên nhiên như thế nào thì sẽ nhận lại đáp trả như thế ấy. Nhưng sự khác nhau là, thiên nhiên có thể chịu đựng trước con người, chứ con người không đủ sức chịu đựng với thiên nhiên, vì sức con người có hạn, vì con người quá nhỏ bé, mà thiên nhiên thì lớn lao kì vĩ. Do vậy, sự đáp trả của thiên nhiên sẽ không còn là tương ứng, hậu quả mà con người phải chịu gấp nhiều lần, một đền mười, mười đền trăm…
Qua tai hoạ này, nếu ngay từ bây giờ chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận lại, không tiết chế lòng tham, không kiềm lòng ích kỷ, mà vẫn thói bức hại thiên nhiên, ăn cùng vét tận, không chừa bất cứ thứ gì; thì cũng đừng lấy thiên tai làm bình phong mà đổ vấy tất cả tại trời thêm một lần nào nữa.
Nha Trang, 16/09/2024