Nguyễn Thanh Huy: Cái khó của nghề viết sử

Hình minh họa: Tư Mã Thiên (k. 145/135-86 TCN) là một nhà sử học Trung Quốc sống vào đầu thời nhà Hán, vốn được coi là cha đẻ của ngành sử học Trung Quốc với bộ Sử ký.

Lịch sử vốn là quá khứ, là sự thật của quá khứ. Nói như vậy, tức ta đang xem xét lịch sử trên bình diện thời gian và không gian với những sự kiện đã xảy ra và tồn tại khách quan. Nhưng lịch sử được ghi lại trên giấy thì liệu rằng nó có phải là sự thật, hay nói cách khác nó có còn là chính nó? Sự hoài nghi này hoàn toàn có cơ sở, và đó cũng chính là vấn đề mà khoa học lịch sử luôn phải quan tâm, giải quyết. 

Nhìn trong lịch sử nhân loại, việc chép sử của các sử quan xưa thường bị cường quyền áp chế, họ buộc phải bẻ cong ngòi bút. Vì không phải sử gia nào cũng đủ dũng khí bước ra, tách mình khỏi số đông. Đây là chỗ khó của nghề viết sử. 

Việc viết sử trong bất kỳ triều đại nào, trước hết nó phải được phục vụ lợi ích cho triều đại đó. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì chẳng có ông vua nào bảo quần thần cứ mặc sức viết tất cả sự thật về mình, cũng như họ càng không bao giờ cho phép các sử gia thoải mái ghi lại những sự thật mà nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng bất lợi đối với sự tồn vong trong chính sự cai trị của mình. 

Vậy nên, lịch sử với tư cách là các tài liệu ghi chép ngay lúc đương thời chưa chắc đã đúng. Và với tư cách là một môn học, nó càng dễ bị bóp méo, xuyên tạc để phục vụ cho các mục đích chính trị của vua chúa đương quyền. Rõ ràng, khi đó sử gia đã biến thành chính trị gia, và việc dạy sử đã trở thành dạy chính trị. 

Sự thật này đã khiến CHÍNH sử nhiều khi lại là GIẢ sử, ngược lại DÃ sử mới là CHÍNH sử. (*)

Điều nguy hiểm là những ghi chép sai lệch mà được tồn tại quá lâu, qua thời gian hậu thế sẽ không thể biết đâu là sự thật. Như vậy, với họ chỉ có một sự thật duy nhất, trong khi nó chính là sự dối trá. 

Trong lịch sử hiện đại, trùm phát xít Adolf Hitler cũng từng phát biểu một cách trắng trợn về cách tuyên truyền với mục đích lừa bịp dân chúng của mình, rằng “Lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thật”. Qua đấy, thấy rõ sự nguy hiểm của lời nói dối, và tương tự, nếu sử sách mà chép sai thì sự thật không biết đến bao giờ được trả lại cho lịch sử. 

May thay, trong quá khứ vẫn có những tấm gương chấp nhận cái chết để viết lại những thói hư tật xấu, những chuyện thâm cung bí sử, hay những việc làm thương luân bại lý của các triều đại, mà nhờ đó hậu thế chúng ta mới được biết rõ. 

Và một điều nữa khiến ta có niềm tin khi nghe được lời này của Đức Phật: “Có ba thứ không thể nào che giấu được, đó là mặt trời, mặt trăng, và sự thật”. Đây là một chân lý – khẳng định sự thật có một sức mạnh to lớn, không gì có thể ngăn cản. Nhưng trong tiền giả định của câu nói ấy cũng cho thấy, sự thật luôn bị che đậy, bóp méo, vùi dập. 

Nguyễn Thanh Huy, Nha Trang

————–

Ghi chú:

(*) chữ CHÍNH 正 với nghĩa là ĐÚNG, tức sử thật. 

———-