Nguyễn Tiến Cường: Chiến tranh Nga – Ukraine sẽ kết thúc ra sao?

Bản đồ Ukraine tính đến ngày 28 tháng 1 năm 2025
Màu vàng: Ukraine kiểm soát liên tục
Màu hồng: Hiện đang do Nga chiếm đóng hoặc kiểm soát
Màu xanh: Trước đây bị Nga chiếm đóng hoặc lãnh thổ Nga bị Ukraine chiếm giữ

Trong thời gian tranh cử nhiệm kỳ 2, Tổng Thống Donald Trump nhiều lần tuyên bố “nếu đắc cử, ông sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine-Nga trong 24 tiếng đồng hồ”. Có phóng viên cắc cớ đặt câu hỏi – Bằng cách nào? – ông Trump (tất nhiên) không trả lời, lảng sang chuyện khác.

Nhiệm kỳ 2 ông Trump đắc cử, nhậm chức ngày 20.01.2025, đến nay đã hơn 2 tuần, giao tranh giữa quân đội hai bên chẳng những không ngừng mà còn dữ dội, khốc liệt hơn trước. Khi bị phóng viên, ký giả nhắc lại những tuyên bố của mình, ông Trump thành thật thú nhận là rất khó chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine.

Bất cứ cuộc chiến tranh nào, bằng vũ lực của quân đội hay kinh tế (thương chiến), sớm muộn cũng phải chấm dứt khi một hoặc cả hai bên kiệt quệ, không còn khả năng chiến đấu. Khi vũ khí, nhân lực, tài lực, sự trợ giúp của đồng minh cạn kiệt thì một là đầu hàng, hai là tìm cách thương lượng, đàm phán.

Cuộc chiến Ukraine-Nga cũng không thể ra ngoài quy luật đó. Người dân Ukraine sở dĩ bảo vệ được đất nước trong 3 năm qua nhờ ở tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường trước quân xâm lược Nga, đồng thời còn có sự viện trợ dồi dào về vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng…của Mỹ và các nước trong Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sự viện trợ này đang có nguy cơ bị cắt giảm rất nhiều vì khối NATO (có thể) sẽ bị suy yếu, thậm chí tan vỡ với sự đắc cử Tổng Thống của ông Trump nhiệm kỳ 2. Đã nhiều lần ông Trump tuyên bố muốn rút ra khỏi NATO nhưng trong nhiệm kỳ I, nội các của ông còn có những bộ trưởng quốc phòng, tướng lãnh quân đội tài giỏi, nhiều kinh nghiệm, có tầm nhìn xa, hiểu biết về bàn cờ chính trị thế giới như các ông James Mattis, Mark Milley…

Tình thế giờ đây đã đổi khác, bộ trưởng quốc phòng của ông Trump là Pete Hegseth – một thiếu tá địa phương quân đã xuất ngũ, cưu xướng ngôn viên đài truyền hình Fox News chưa có kinh nghiệm để đảm nhiệm một vị trí quan trọng như vậy, và còn bị tai tiếng là ăn chơi, rượu chè, lem nhem tài chánh, bốc hốt phụ nữ…Hegseth chỉ có một ưu điểm là…sẽ nghe lời Trump tuyệt đối.

Bên cạnh đó với Elon Musk, bộ trưởng bộ Hiệu Quả Chính Quyền (DOGE) đang tìm cách cắt giảm tối đa những chi tiêu ngân sách – theo Musk là vô ích, hoang phí, không mang lại ích lợi thiết thực cho nước Mỹ trong lúc Trump vì một lý do nào đó chưa bao giờ làm phật ý, buồn lòng Vladimir Putin. 

Nguy cơ Ukraine bị Mỹ cắt giảm viện trợ, thậm chí hủy bỏ toàn bộ là không thể tránh. Khi điều đó xẩy ra, với mức độ viện trợ hiện nay của các nước Âu Châu trong NATO, trước sau gì Ukraine cũng phải buông súng, ký hiệp ước ngưng bắn, nhượng những vùng đã bị Nga chiếm đóng hoặc còn đang giao tranh dữ dội như Kursk, Belgorod…đồng thời cam kết không gia nhập NATO trong những điều kiện vô cùng bất lợi.

Sẽ rất là ngây thơ khi tin rằng một thỏa thuận ngừng bắn với Nga trên xương máu, đất đai của người dân Ukraine sẽ chấm dứt chiến tranh, đem lại hòa bình cho khu vực.

Các điều kiện ngừng bắn để đàm phán mà Putin áp đặt cho phương Tây cho thấy khó lòng đạt được một nền hòa bình lâu dài. Việc khôi phục lại an ninh hàng hải trong khu vực của Âu Châu trên Địa Trung Hải đòi hỏi phải xem xét lại chiến lược của các nước Âu Châu.

Khi quyết định xua quân đánh chiếm toàn diện Ukraine, Putin nghĩ rằng các nước Tây Âu sẽ phản ứng kiềm chế như khi Nga chiếm đóng, sáp nhập Crimea và trước đó nữa là cuộc xung đột giữa Nga và Georgia hoặc trong cuộc chiến chống lại người Chechnya. 

Tất cả các cuộc chiến nói trên đều xuất phát từ tham vọng tái lập một Liên Xô cũ của Putin, làm đảo lộn trật tự, an ninh thế giới nhưng chưa trở thành mối đe dọa trực tiếp và thường xuyên ở Bắc Đại Tây Dương.

Nếu cuộc xâm chiếm Ukraine diễn ra nhanh chóng như Putin mong đợi, không kéo dài gần 3 năm với những thiệt hại nặng nề về người lẫn của cho cả Ukraine và Nga, phương Tây có thể đã kiềm chế như trong quá khứ và bang giao không trở nên quá căng thẳng như hiện tại.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố “thời thế đã thay đổi vì Nga, trong mắt nhiều người ở phương Tây, đột nhiên chuyển từ một đối tác có thể dự đoán được thành một quốc gia hiếu chiến không kiểm soát được, có hành động hung hăng không phù hợp với các nguyên tắc đã thỏa thuận trong bàn cờ chính trị. Putin đã đảo ngược nhận thức đã có của phương Tây về Nga”. 

Hành động của chính quyền Putin khi quyết định chiếm bằng được Ukraine được đánh giá là mối đe dọa đối với an ninh của khu vực Euro-Atlantic/Châu Âu–Đại Tây Dương, và Ukraine đột nhiên trở thành một yếu tố quan trọng trong việc khôi phục an ninh, trật tự này. 

Thật sai lầm khi tin rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có thể kết thúc bằng sự thỏa hiệp và nhượng bộ từ Ukraine. Những thỏa thuận như vậy chỉ có thể đưa đến việc giảm bớt căng thẳng và chuyển xung đột xuống cường độ thấp – một chiến thuật đã được Putin thử nghiệm, chứng minh rằng Nga chỉ che dấu thực tế chính trị để bình thường hóa quan hệ với phương Tây. 

Nếu Ukraine dưới áp lực của Tổng Thống Trump chấp thuận – điều được gọi là “thỏa thuận ngừng bắn” giữa Nga và Ukraine, thỏa thuận đó cũng sẽ không dẫn đến hòa bình lâu dài, bởi quá khứ cũng như lịch sử đã chứng minh Nga là một quốc gia hung hăng mà sự ổn định của nó phụ thuộc phần lớn vào chiến tranh. 

Các cuộc thảo luận hiện tại giữa Mỹ và Nga – không có mặt Zelenskyy về những nhượng bộ mà Ukraine có thể đưa ra cho Nga thường có một thiếu sót chung lớn: Họ bỏ qua việc Nga không đưa ra yêu cầu đối với Ukraine, mà là đối với phương Tây, và đặc biệt là đối với Mỹ. 

Nga đã biến cuộc chiến với Ukraine thành một công cụ để buộc phương Tây phải sắp xếp lại hệ thống an ninh châu Âu và trật tự thế giới. Một trật tự mà các đồng minh của Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn, hưởng lợi rất nhiều từ cuộc chiến này. 

Rõ ràng, các quốc gia nói trên không ủng hộ Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine để Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đắc thắng tuyên bố sáp nhập một số hoặc toàn bộ lãnh thổ của Ukraine. 

Tuy nhiên, có thể nói rằng liên minh các quốc gia độc tài nói trên có tham vọng lớn hơn – mục đích của họ là vẽ lại bản đồ thế giới thành các vùng ảnh hưởng và thiết lập các luật chơi mới, trong đó vai trò của Mỹ dưới thời Tổng Thống Trump sẽ đóng một vai trò rất quan trọng. 

Các cuộc gặp gỡ, điện đàm giữa Putin và Trump không có sự tham dự của Zelenskyy cho thấy rõ ràng Nga không muốn đàm phán với Ukraine mà với Mỹ và Tây Âu về các thỏa thuận mới về vấn đề an ninh của Âu Châu.

Trong thời điển hiện tại, những tuyên bố trước đây của Tổng thống Donald Trump về ý định Mỹ có thể giảm bớt sự tham gia hoặc rút hoàn toàn khỏi NATO khiến Nga khá lạc quan. 

Các điều kiện của Nga đòi hỏi về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, ngoài việc chuyển giao hoàn toàn Ukraine cho Nga kiểm soát, có thể sẽ bao gồm thêm các điều sau: 

–Thay thế nội các thân Tây phương hiện nay của Zelenskyy.

–Ký kết một thỏa thuận làm nền tảng cho an ninh châu Âu mới. Tạo ra vùng đệm giữa Nga và Tây Âu, tách khỏi các nước NATO ở Trung và Đông Âu.

–Các nước phương Tây phải chấp nhận một số nghĩa vụ và tự hạn chế đối với Nga.

–Gỡ bỏ lệnh trừng phạt, bồi thường thiệt hại, hủy bỏ lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với Putin và Ủy viên đặc trách Trẻ em Maria Lvova-Belova.

–Đình chỉ các cuộc điều tra về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người của Nga.

Trong khi đó, Ukraine đòi hỏi những điều kiện ngưng bắn mà Nga khó lòng thỏa hiệp:

–Rút toàn bộ quân đội Nga khỏi lảnh thổ Ukraine, bao gồm các khu vực ở phía đông đất nước đã bị chiếm đóng trước cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022. 

Sự mâu thuẫn trong các điều kiện để có thể dẫn tới việc ngưng băn cho thấy cuộc chiến giữa Nga-Ukraine khó lòng thực hiện cho đến khi một hoặc cả 2 bên không còn sức lực, vũ khí hoặc ước muốn tiếp tục chiến tranh.

Hy vọng vào sự ủng hộ ngầm của Trump đối với Putin, chỉ ít ngày trước khi ông Trump nhậm chức, quân đội Nga đã ào ạt tấn công các đơn vị Ukraine với tốc độ nhanh nhất trong cuộc chiến mặc dù phải chịu đựng tổn thất nặng nề hơn bao giờ.

Mục đích của Putin đã quá rõ ràng, nêu một thỏa hiệp ngưng bắn được ký kết dưới sự bảo đảm của Mỹ và NATO, các phần đất của Ukraine mà Nga đã chiếm được sẽ thuộc về Nga – điều Zelenskyy không bao giờ chấp nhận.

Có lẽ người dân Ukraine sẽ phải chiến đấu đến viên đạn cuối cùng nếu không muốn khuất phục kẻ thù. Chưa biết được ông Trump sẽ chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine bằng cách nào? 

Tuy nhiên ai cũng có thể thấy rõ, cách ông Trump muốn nhanh nhất là cắt hết viện trợ cho Ukraine như Richard Nixon và đảng Cộng Hòa đã làm với miền Nam Việt Nam năm 1975. 

Mặc dù khác với VNCH khi đó, Ukraine còn có sự ủng hộ của châu Âu nhưng nếu Mỹ buông tay thì viện trợ của các quốc gia châu Âu là không đủ. Và nếu điều này xẩy ra, âu cũng là số phận người dân Ukraine phải chấp nhận dù đã chiến đấu thật anh dũng, kiên cường như những người lính VNCH.

Nguyễn Tiến Cường

**********

Tham khảo:

https://www.fpri.org/article/2025/01/a–deal–with–russia–at–ukraines–expense–will–not–bring–peace

https://edition.cnn.com/2025/02/02/europe/ukraine–russia–frontline–ceasefire–deal–intl/index.html