Nguyễn Tiến Cường: Hong Kong  – Cách Mạng Dù Vàng đã chìm vào quên lãng?

Cuộc Cách mạng Dù Vàng ở Hong Kong, 2014.

Hơn 9 năm đã trôi qua kể từ khi những chiếc dù đầu tiên được giương lên trước tòa nhà Hội Đồng Lập Pháp Hong Kong ở công viên Thiêm Mã vào tháng 09.2014. Với sự tham dự của hàng trăm sinh viên, người biểu tình giương những chiếc dù phản đối kế hoạch cải cách bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc.

Theo kế hoạch cải cách, chính quyền ông Tập Cận Bình dự trù sẽ đề cử và giới hạn ứng viên đặc khu trưởng của Hong Kong, trong khi người biểu tình đòi hỏi bầu đặc khu trưởng phải bằng phổ thông đầu phiếu.

Ngày 26.09.2014, cảnh sát dùng vũ lực đàn áp người biểu tình, buộc họ phải rời khỏi công viên Thiêm Mã. Cuộc đàn áp khiến số lượng người tham gia biểu tình chống lại quyết định bầu cử đặc khu trưởng của Bắc Kinh vào 2 ngày sau 28.09.2014 lên đến hàng chục ngàn.

Cảnh sát Hong Kong trước đây được đánh giá là ôn hòa, thân thiện, trong sạch, ít tham nhũng nhưng hoảng sợ, lúng túng trước số lượng người biểu tình quá đông, họ đã bắn lựu đạn cay vào người biểu tình, điều này khiến người dân Hong Kong giận dữ, phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt hơn. 

Không ai có thể phủ nhận tinh thần đấu tranh cho tự do, dân chủ của người dân Hong Kong rất mạnh mẽ, kiên cường, nhất là giới trẻ. Đó là nhờ dưới thời kỳ là thuộc địa của đế quốc Anh kéo dài 156 năm (bắt đầu từ năm 1841), người dân Hong Kong đã hấp thụ được tinh thần khai phóng, tự do, dân chủ của nước Anh. 

Số lượng người biểu tình tăng lên hàng trăm ngàn vào những ngày hôm sau với sự tham dự của hầu hết các thành phần trong dân chúng, học sinh, sinh viên, giáo sư, công nhân, lãnh đạo tôn giáo, người buôn bán lẻ… Những người biểu tình thống nhất một tín hiệu dùng giải băng hoặc dù màu vàng để liên kết với nhau. 

Cuộc cách mạng bộc phát tương tự như Mùa Xuân Ả Rập, kéo dài được 79 ngày thì tan rã, phần vì không có tổ chức, chỉ có những khuôn mặt tiêu biểu, tích cực, không có kinh nghiệm đấu tranh, trở thành lãnh đạo như Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), phần vì Bắc Kinh cương quyết không chấp nhận bầu cử tự do cũng như thể chế dân chủ, độc lập với chính quyền Bắc Kinh. Tập Cận Bình sẵn sàng đàn áp thẳng tay như Đặng Tiểu Bình đã làm ở Thiên An Môn năm 1989.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc từ năm 1997 nhưng mãi đến năm 2014 tức là 17 năm sau, chính quyền Bắc Kinh mới quyết định xiết chặt tự do, dân chủ ở hòn đảo này? Có nhiều lý do, quan trọng nhất là Hong Kong đóng một vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế cho Trung Quốc. 

Nếu năm 1997 kinh tế Hong Kong tăng trưởng là 5,10% thì ngay năm sau đó, khi đã bàn giao cho Trung Quốc, kinh tế Hong Kong suy thoái, tăng trưởng là -5,88%. Điều này gây kinh hoàng cho Trung Quốc (1) khiến lãnh đạo Trung Quốc vào thời điểm đó không dám thẳng tay áp dụng những chính sách đã thực hiện ở đại lục.

Hơn thế nữa, để tìm hiểu, học hỏi chính sách giao thương, buôn bán với các nước Âu Mỹ cũng như tìm cách ăn cắp khoa học, kỹ thuật…, Bắc Kinh tạm thời giữ nguyên cách vận hành chế độ trước đây của Hong Kong như lúc còn là thuộc địa Anh. 

Đến khi phát triển được một số thành phố thành trung tâm thượng mại quốc tế như Thượng Hải, Thẩm Quyến…, đồng thời khi thấy đóng góp tổng sản lượng (GDP) của Hong Kong cho cả nước đã liên tục sụt giảm – từ 18% năm 1997, xuống còn 3% năm 2014, lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng đã đến lúc đưa Hong Kong vào khuôn khổ, họ quyết định ra tay (2)

Tình hình Hong Kong sau hơn 9 năm phong trào Dù Vàng tan rã đã thay đổi rất nhiều. Những lời hứa, cam kết 1 quốc gia, 2 chế độ cho Hong Kong bị chính quyền Bắc Kinh phớt lờ từng bước. Những người hoạt động dân chủ của Hong Kong đều bị theo dõi, cô lập, bắt giữ, lên án như Jimmy Lai, 76 tuổi, có quốc tịch Anh – chủ một công ty truyền thông, xuất bản tờ Daily Apple – bị Bắc Kinh bắt giữ, ghép tội “cấu kết với ngoại bang” phá hoại đất nước theo đạo luật An ninh Quốc gia áp dụng cho Hong Kong năm 2020.

Khi đưa đạo luật này áp dụng vào Hong Kong, Bắc Kinh có mục đích chủ yếu nhắm vào những nhà hoạt động dân chủ, quét sạch mầm mống có thể gây nguy hại cho thể chế độc tài của Bắc Kinh. Đến nay đã có tổng cộng 285 người ở Hong Kong bị bắt vì đạo luật này. Ngay cả những người hoạt động dân chủ như Tony Cheung chạy trốn Bắc Kinh qua Anh tị nạn cũng bị theo dõi, truy đuổi với những số tiền thưởng lớn cho ai chỉ điểm bắt giữ được họ.

Thủ Tướng Anh, David Cameron đã yêu cầu chính quyền Bắc Kinh trả tự do ngay tức khắc cho ông Jimmy Lai, đồng thời xóa bỏ phiên tòa kết tội ông. Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng lên tiếng, mô tả phiên tòa chỉ là một sự trả thù có hệ thống của chế độ Cộng sản Trung Quốc đối với một người lãnh đạo đại diện cho dân chủ và truyền thông tự do. 

Thế giới gần như quên hẳn Cách Mạng Dù Vàng, chỉ còn nước Anh. Sở dĩ Anh còn quan tâm đến Hong Kong là do những cam kết giữa Trung Quốc và Anh cho Hong Kong được tự trị 50 năm khi thuộc địa này được trao trả lại cho Trung Quốc, tức là đến năm 2047. Việc Trung Quốc đơn phương hủy bỏ những cam kết với chính phủ Anh, chấm dứt việc tự trị của Hong Kong năm 2014, cho thấy không một chế độ Cộng sản nào trên thế giới tôn trọng những gì họ ký kết.

Từ khi trở về với “đất mẹ” và đặc biệt từ khi Bắc Kinh ban hành Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong, nền dân chủ của Hong Kong đã mất dần những tính chất căn bản của một thành phố tự do và tiến dần đến một chế độ toàn trị. Trong Chỉ số Dân chủ toàn cầu mới nhất 2022 do tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) biên soạn, Hồng Kông đứng thứ 88 trong số 167 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp dưới Liberia (thứ 86) và Ukraine (thứ 87) (3)

Tuy nhiên không chỉ tự do, dân chủ của người dân bị giới hạn, tất cả những lãnh vực khác từ văn hóa đến nghệ thuật, truyền thông…ở Hong Kong đều bị kiểm duyệt khá chặt chẽ, phải hoạt động theo sự chỉ đạo từ Bắc Kinh.

Đó là lý do khiến cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Hong Kong mai một dần, không còn đặc sắc, rực rỡ như trước, đặc biệt trong lãnh vực phim ảnh.

Ngoài ra còn môt lý do khác nữa khiến Tập Cận Bình không thấy hài lòng, thoải mái, cần phải xiết chặt tự do dân chủ ở Hong Kong là thu nhập bình quân của dân Hong Kong đến nay vẫn cao hơn gần 4 lần thu nhập của dân lục địa. 

Chính sách xiết chặt dân chủ, tự do của Bắc Kinh khiến cho thành phần tinh hoa, những thinktank cũng như công chức chính quyền nhiều kinh nghiệm của Hong Kong đã bỏ việc, tìm nhiều cách ra đi, xin tị nạn tại những quốc gia khác. Chính phủ Anh đã cam kết cho bất cứ ai ở Hong Kong có thông hành (passport) của Anh được tị nạn tại Anh. 

Cuộc Cách mạng Dù Vàng đã trôi qua gần 10 năm, mặc dù gần như bị thế giới quên lãng như Cuộc Cách Mạng Mùa Xuân Ả Rập năm 2011 nhưng cũng để lại những bài học quý giá cho các dân tộc còn đang bị các chế độ độc tài cai trị – Tuổi trẻ Hong Kong có ý thức chính trị cao, có nhiệt huyết nhưng không có tổ chức. Muốn làm cách mạng phải có tổ chức, có học thuyết chính trị, phải có chuẩn bị. Không có tổ chức, cho dù cách mạng có thành công rồi cũng sẽ rơi vào hỗn loạn.

Hơn thế nữa, cũng đừng quên rằng sự thất bại của 2 cuộc cách mạng nói trên còn có một lý do khách quan. Họ đã không nhận được sự giúp đỡ của các nước Âu, Mỹ. Các nước Âu, Mỹ không giúp đỡ vì cảm thấy không có quyền lợi hoặc liên quan gì đến tình hình chính trị hay thể chế quyền lực ở đó.

Người dân Đài Loan chắc đã học được bài học Hong Kong, do đó trong cuộc bầu cử Tổng Thống vừa qua họ đã có sự chọn lựa rõ ràng – không chấp nhận chế độ độc tài, toàn trị, kể cả khi được tự do về kinh doanh, thương mại.

Nguyễn Tiến Cường.

*****

Chú thích:

(1) https://www.macrotrends.net/countries/HKG/hong-kong/gdp-gross-domestic-product

(2) https://www.reuters.com/graphics/HONGKONG-ANNIVERSARY/klpykrbebpg/index.html

(3) https://hongkongfp.com/2023/02/03/hong-kong-falls-to-88th-in-intl-democracy-index-as-think-tank-cites-civil-service-exodus/