Nguyễn Tiến Cường: Lời xin lỗi muộn màng
48 năm ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay quân Cộng Sản Bắc Việt, tôi viết bài này như một lời xin lỗi muộn màng với dân tộc, đất nước. Lời xin lỗi phải chờ tới 48 năm sau mới đủ can đảm nói lên.
Khi cuộc chiến ngày càng khốc liệt vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 thế kỷ 20, không thấy được những chết chóc, tàn bạo, những hiểm nguy rình rập từng giây, từng phút, từng ngày của người lính trong các binh chủng bộ binh, nhẩy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân…lúc hành quân, tôi thờ ơ với những bản tin chiến sự hàng ngày đăng kín trên các tờ báo, hay được radio, TV tường thuật.
Vào lúc miền Nam sụp đổ, tôi chỉ là một sĩ quan nhỏ, cấp bậc trung úy trong binh chủng không quân, chỉ có nhiệm vụ huấn luyện, không trực tiếp tác chiến. Sau thời gian huấn luyện quân sự, chuyên môn, nằm ở hậu cứ ở các phi trường Tân Sơn Nhất, Nha Trang, Phan Rang, Đà Nẵng…tôi vẫn bình thản ngày ngày bình yên đi ăn sáng trong các câu lạc trong phi trường, chiều tối rảnh rỗi ra phố uống cà phê, đi xem ci-nê…
Cho dù chiến sự ngày càng dữ dội, tin tức về những trận đánh nhau với thương vong nặng nề từ cả 2 phía không khiến tôi quan tâm, lo lắng. Tôi đọc tin tức, coi truyền hình, nghe radio những thiệt hại về nhân mạng, những tàn phá, nhà cửa, ruộng vườn của người dân ở các quận lỵ, địa điểm giao tranh với tâm trạng dửng dưng như chuyện của một đất nước, dân tộc nào xa xôi, không dính dáng, liên hệ gì với người Việt.
Những lần đi công tác trên các chuyến phi cơ, ngoài phi hành đoàn chỉ có vài người lính đi đưa tiễn những chiếc quan tài phủ cờ vàng bắt đầu có mùi hôi thối từ xác chết những người lính trận, tôi chỉ cảm thấy hơi khó chịu nhưng chưa bao giờ đặt câu hỏi:”- Những người lính chết trận đang nằm trong đó, hy sinh cho ai, cho những điều gì?” Tự do, dân chủ, nhân quyền với tôi lúc đó thật mơ hồ.
Cho đến lúc vào tù cải tạo, những năm tháng bị tuyên truyền, nhồi sọ bởi cán bộ, vệ binh cộng sản, tôi mới dần dần ý thức được những điều mà những người lính hy sinh nằm trong những quan tài tôi đã thấy – Tại sao, họ chiến đấu vì cái gì? Mặc dù ngay cả những người lính chết trận đó chưa chắc đã ý thức, hiểu rõ được họ đang chiến đấu để chống lại cái gì. Họ chỉ biết họ đang chống lại kẻ thù có cùng màu da, tiếng nói…
Đi tù một thời gian, được phóng thích, trở về Sài Gòn. Sống được ít lâu, tôi bỏ đi làm rẫy ngoài Long Thành để trốn tránh sự theo dõi, đe dọa của chính quyền quận Phú Nhuận – sau khi tố cáo sự lạm quyền của cán bộ trong ủy ban nhân dân quận trước khá đông đồng bào tại trường tiểu học Võ Tánh.
Càng ngày tôi càng hiểu biết rõ hơn về bản chất của chế độ cũng như con người cộng sản Việt Nam – một chế độ bất nhân, tàn bạo, thâm hiểm, gian manh, xảo trá cùng cực. Họ không những chỉ thâm độc, gian ác, lẻo lự, dối trá với người dân mà còn ngay cả với đồng chí, đồng đảng của họ. Không có việc gì tàn nhẫn, vô lương, xảo trá mà đảng viên đảng CSVN ngần ngại, run tay, không dám làm khi cần phải bảo vệ địa vị cá nhân cũng như sự tồn tại của đảng. Nguyên tắc “Còn Đảng, Còn Mình” đã giúp cho họ tồn tại đến ngày hôm nay.
Tiếc thay, sự hiểu biết của tôi đã quá trễ. Trễ như người dân miền Nam khi nhận ra được sự thật về bản chất người cộng sản, đứng đầu là ông Hồ Chí Minh. Nhận ra nhưng không làm gì được. Chế độ CSVN đã thành công trong việc thuần hóa người dân cũng như đào tạo được một lũ sai nha bảo vệ chế độ. Sự đói nghèo, khổ cực, bị trấn áp, cưỡng bức, đe dọa, tù đầy trong một thời gian dài hơn 47 năm trên cả nước đã làm tê liệt ý chí phản kháng, đòi hỏi nhân quyền, sự công bằng xã hội của người dân.
Trong suốt thời gian 21 năm (1954-1975), người dân miền Nam đã hoàn toàn phó mặc việc chống lại sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt cho quân đội. Cho dù sự thất bại của miền Nam trước sự xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt có nhiều lý do nhưng rõ ràng một trong những nguyên nhân đó là lãnh đạo của 2 nền Cộng Hòa Đệ Nhất và Đệ Nhị rõ ràng không hề quan tâm đến đấu tranh chính trị, giảng giải cho người dân hiểu về rõ cộng sản.
Phim Chúng Tôi Muốn Sống của đạo diễn Vĩnh Noãn với tài tử Lê Quỳnh, Mai Trâm, những bài báo của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong thập niên 50 thế kỷ 20 ở miền Bắc được tổng hợp bởi ông Hoàng Văn Chí…không gây được ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân chúng miền Nam vì không được truyền thông, báo chí chuyển tải, phổ biến rộng rãi. Chỉ một số ít người dân thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng… biết, xem về những phim ảnh, bài viết này.
Chế độ giáo dục nhân bản của miền Nam đã bị chế độ giáo dục nhồi sọ, sắt máu, tàn bạo của miền Bắc hủy diệt. Hậu quả thế nào thì mọi người đã thấy. Lỗi của ai? Lỗi của thế hệ chúng tôi, những thanh niên rường cột của đất nước đã không làm tròn được trách nhiệm, bổn phận? Đó là lỗi lầm do thiếu hiểu biết, thiếu năng nổ, thiếu tinh thần dấn thân, học hỏi, tìm hiểu. Đa số chỉ biết cầm súng chống trả lại kẻ thù một cách thật đơn giản, không có một định hướng, một tư tưởng chính trị làm nền tảng cho cuộc chiến đấu sống còn của mình.
Không có nhiều người trong lứa tuổi chúng tôi đặt câu hỏi với thế hệ đàn anh – Vì sao chúng ta chống cộng? Sự thiếu hiểu biết (về cộng sản) để có thể trả lời cho câu hỏi là một trong những nguyên nhân thất bại của miền Nam trong cuộc chiến Quốc-Cộng – Cái giá phải trả cho tự do trong một cuộc đối đầu với chế độ Cộng sản mà hiểu biết của người dân miền Nam về họ quá giới hạn, kém cõi.
Cho dù thế nào đi nữa, ngày hôm nay hồi tưởng lại cuộc đời mình, những tháng ngày trong quân đội, trong ngục tù cộng sản, thời gian sống ở hải ngoại, tôi cảm thấy mình có lỗi với quê hương, đất nước, dân tộc. Bài viết này, kỷ niệm 48 năm đất nước rơi vào tay người cộng sản, xin được coi như lời Xin Lỗi Muộn Màng của một người dân đã không tròn nhiệm vụ với đất nước, dân tộc.
Nếu người dân miền Nam hiểu biết về cộng sản Bắc Việt như người dân Ukraine hiểu biết về cộng sản Nga, lịch sử Việt Nam ngày nay (có thể) đã khác. Rất tiếc là lịch sử không có chữ NẾU.
Một ngày cuối tháng Tư.
Nguyễn Tiến Cường (Cựu Trung úy Không quân, hiện sống tại 2 nơi Đức và Mỹ)